(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời mới nhá nhem. Tia nắng cuối cùng hãy còn nấn ná ve vuốt như luyến tiếc chùm bông trắng muốt mới he hé trên cây bưởi già nua trước cửa. Hai ba mùa rồi, cây chỉ trơ xanh một màu của lá là lá.
Thằng Út cứ đòi chặt bỏ đi cho bớt vướng víu. Đường xá giờ sát sạt gốc. Ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không biết bao nhiêu vòng bánh xe nghiến lên, sức nữa đâu mà ra hoa kết trái. Nhiều lúc sáng sớm hay chiều muộn, bắt cái ghế con con ngồi nhìn ra ngoài đường, lâu lâu giật nẩy mình vì tiếng xe máy của một đứa thanh niên sượt ngang thân cây ốm yếu. Bà Hai tưởng như cây nó ngơ ngác run rẩy rồi oằn mình tránh né, riết rồi còng queo co rúm như một đứa trẻ quen đòn thành phản xạ tự nhiên.
Trong nhà muỗi bắt đầu vo ve gọi đêm tối. Xung quanh im ắng, bà nghe như có tiếng lá rơi rất mỏng và khô khốc. Thời gian như nước chảy qua kẽ tay. Có những thứ qua rồi là mất hút luôn, nhọc công mò mẫm nhặt tìm cũng không còn được nữa. Nhiều khi cố gượng ép, mọi thứ cứ chênh vênh vướng víu trở thành thừa thải ngáng đường trông đến ái ngại. Bất kể ai đã chạm đến tuổi già, khi cái chân mình không còn có thể bước xa hơn bậu cửa, khi cái tay mình bưng chén cơm run run chực đổ, có lẽ đều hơn một lần nghĩ như bà. Có khi nào bà cũng như gốc bưởi già nua trước cửa nhà mình không?
Tiếng xe máy sổ sàng như bàn tay ai xé toạc tấm vải lụa một cách thô bạo. Không biết bà nói bao nhiêu lần rồi, mà cái thằng nó chẳng bao giờ chịu để ý đến lời bà. Cái cách chạy xe, dừng xe khác nào nết ăn nết ở, phải ngó trước ngó sau, coi nồi trông hướng. Vụt đi ào ào, ngừng lại sỗ sàng chát chúa, sao mà coi cho được.
– Còi, sao nội dặn con chạy xe về trước nhà phải từ tốn mà lúc nào cũng ào ào vậy?
– Ào ào đâu nội, chiếc wave ghẻ của con mà ào ào gì nổi. Nội coi cái thằng Tín nó chạy chiếc SH.
– Nó khác mình khác, sao mà so đo chi con. Nội thấy sao giờ bây ngộ. Cái chi bây cứ đổi chọn hoài. Xài được thì cứ giữ mà xài, lành làm gáo bể làm muôi. Sao nội đang nói mày đi đâu?
– Con đi kiếm cơm ăn. Nội nói hoài có nhiêu đó.
Bóng tối vây quanh bà nặng trịch. Có cái gì như một miếng thịt dai dai mà hàm răng cái còn cái mất của người già nhai không nhừ được, phải nuốt vội chứ không thể nhả ra trên bàn tiệc đông người. Cái thứ ấy không còn mơ hồ nữa mà càng ngày càng hiện lên rất rõ, có hình có thù. Đó là con cháu – máu mủ của bà – chúng thuộc về một nơi nào đó – nơi ấy không có chỗ cho bà dù đã cố len lỏi vào bằng mọi cách.
– Tui kêu sắp nhỏ qua mời chị qua chơi, không thấy? Mấy cái bánh ít này vợ thằng Thời nó mới vớt cái rột. Tui đem cúng anh Hai lát chị nhớ ăn. Cái có râu là bánh nhân dừa hén.
– Tui thấy gói bánh gói trái chộn rộn. Qua cũng có phụ thợ được gì. Nhà cửa xong hết luôn hả thím?
Bà Thím Sáu chậm rãi ngồi lên mép bộ ván gõ, chậm rãi thu chân lên – thói quen khó bỏ của một thời ngồi chồm hổm trên nền nhà lỏm bỏm mùa nước nổi của mấy chục năm trước. Bà nhìn như soi vào nền gạch tàu lõm xuống theo năm tháng, vào cánh cửa gỗ có những chắn song tăm tắp, những ô vuông chạm khắc rồng phượng quấn quýt ám bụi, vào cái bản lề nhẵn thính thi thoảng khẽ kêu cọt kẹt cọt kẹt. Mãi hồi lâu mới thỏ thẻ nặng nhọc từng tiếng:
– Cửa này hồi ông nhà tui làm với anh Hai, chị nhớ không?
– Ừ.
– Nhà cũng gần rồi rồi chị. Mà sao tui nghe nóng. Cái quạt máy quay quay làm tui chóng mặt, người ê ẩm như cảm mạo. Nửa đêm giật mình cứ ngỡ trời sáng. Mấy nay cứ vậy, rồi không ngủ lại được. Chắc già hay tại mình quen chị? Cả một đời ở trong màu nâu xỉn của nhà lá, rồi vách gỗ, quen nhìn mấy ổ tò vò, mấy cái lưới nhện đu đưa trên vách trên mái lá rồi hay sao. Giờ nhà tường sơn sáng quá!
Bà ngó ra cửa, cái nắng trưa gay gắt chen quá kẽ lá hắt xuống sân thành một khoảnh sáng hình thù kỳ dị. Vài lá bưởi khô còng queo rụng xuống, sấp ngữa nằm chưa ấm chổ đã bị con gió lùa lăn long lóc không bấu gượng gì được. Bà không dám nhìn bà bạn hàng xóm. Nghĩ đến cái vườn mấy trăm gốc dừa, gần chục công đất, người ta hạ ào ào trong một ngày. Những thân cây dài ngoẵng nằm chồng lên nhau, trái già trái non, lưỡi mèo, củ hủ, cành lá héo rủ, nhựa chảy ra đất lem nhem thành từng vệt, vằn vện dọc ngang.
– Thôi tui về, nghe đâu qua giỗ sắp nhỏ nó mở quán cháo lòng cà fe gì đó. Miếng đất tui người ta làm nhà xưởng. Chắc tui năng qua chị. Chị sao đi qua tui, chưng cẳng như vầy. Bên này mát quá!
Bà lần theo đầu bộ ván đến bàn thờ, vặn cái đèn trứng vịt cho sáng già hơn một chút. Run run đốt ba cây nhang mà cứ nhớ vợ thằng Út cằn nhằn. Sao má cứ để cái đèn tù mù chi cho buồn, quẹt ga giờ thiếu gì, xoẹt lên cái là có lửa? Thằng Còi nhanh miệng đòi mua cho bà bóng đèn điện màu chiếu từ sáng đến tối từ tối đến sáng. Bà không ưng. Bà muốn cái đèn đứng vịt, phả hơi ấm của một ngọn lửa có thật trên bàn thờ ông bà.
– Bánh ít chỗ đám giỗ nhà chú Sáu hả má?
– Con Tư hả? Bây ghé hồi nào? Sao má không thấy?
– Con thấy má đốt nhang nên đi luôn ra nhà sau. Cái chân má sao rồi? Đỡ hơn hôn?
– Ờ… cũng đỡ đỡ….Đừng! Khỏi, để má tự đi được.
Bà sanh năm lần, chỉ có mụn con gái này. Hồi mới lớn nó ngộ người nức tiếng. Người ngoài tỉnh có đánh tiếng mai mối, bà nhất định không bằng lòng. Xa xôi quá, nhiều khi chửa đẻ rồi làm sao bà dòm ngó con. Con gái sinh đẻ như chết đi sống lại, không có bàn tay nào nắm tay con cho bằng bàn tay của người đàn bà từng đẻ ra nó. Chưa kể nếp sống nếp nghĩ của con gái miệt vườn, kê kiểu gì bằng so với nhà người ta ngoài phố ngoài chợ. Liệu người ta có yên ổn được hay không khi có một nỗi mặc cảm hay sự coi thường đeo bám trong ý nghĩ như con đỉa bám lấy chân?
Lấy chồng gần nhà. Cái cục đất cù lao sáu tháng nước ngọt sáu tháng nước mặn này ngày xưa còn cây trái bề hề. Càng ngày, quay qua quay lại, có năm chưa thấy một ngày nào nước ngọt, nước mặn đã tràn về. Cá tôm chài vó cả ngày không đủ bữa cơm. Ngày Tết ngày nhất, tát ao tát đìa mỏi mòn teo héo móp méo cả tay chân, nhặt nhạnh mãi mới được mớ cá lòng tong ốm nhom, dồn vào vài kg khổ qua khéo tay ăn gian chứ không không đủ. Đất như bầu sữa già nua lỏng lẻo, cây trái quắt queo, người bám vào đất thử hỏi sao mởn mơ cho được. Mái tóc con gái ngày nào chảy dài một áng, giờ thưa thớt một món, trắng nhiều hơn đen.
– Má ! Con Xí muội định đi hợp tác lao động ở Nhật. Còn mấy tháng nữa là xong cấp 3.
– Được không con? Con gái con lứa. 17 18 tuổi, chưa ra khỏi nhà ngày nào…
– Nó muốn. Con và ba nó cũng thấy thôi kệ. Đi đây đi kia biết đâu rồi cuộc đời sẽ khác hơn… Quê mình giờ làm ra đồng tiền khó quá!
– Ờ… Đồng tiền ở đâu mà tìm chẳng khó hả con? Chảy máu con mắt chứ đâu có giỡn chơi. Chỉ có điều, núm ruột quăng đi, bây đau. Tiền bạc liệu có lấp nổi?
– Dạ…
Hai mẹ con lặng lẽ. Thời gian phút chốc như ai tròng thêm vài tảng đá. Chậm chạp như cái trở người của bà. Chân nọ xoay trở bỏ qua bên kia rồi lại bỏ lại. Bà nghe rõ tiếng sột soạt của từng sớ vải chạm vào nhau, nghe như có tiếng lào xào hụt hưởi của đám lá bưởi già nua trước cửa cố gắng gượng nói điều gì với cơn gió lướt qua vô tình mấy khi chịu dừng lại.
Hôm nay bà ăn được hai chén cơm. Lâu lắm rồi mới có bữa ngon miệng như thế này. Không hẳn là do mấy con cá rô đồng con Tư kho đúng ý bà, cay cay mặn mặn ngon ngót mà do các con lâu lắm mới về đông đủ. Tuy rằng chẳng đứa nào ở xa, nhưng mấy khi về cùng một lần. Đám giỗ, ngày Tết chúng có về thì cũng khách khứa, đứa ngồi bàn này đứa ngồi bàn kia. Ăn cơm với gì có lẽ không quan trọng bằng ăn với ai, không quan trọng bằng được nhìn những người mình yêu thương khỏe mạnh vui vẻ. Bà chợt nhớ ngày xưa, mỗi lần đi đám giỗ, đám cưới về là ông đòi ăn cơm rồi cười cười với bà: “Ăn cơm với vua thua cơm với vợ!”. Bà không để tâm xem ông nói thật hay nịnh nọt, chỉ biết mau mải đi thổi phù phù ngọn lửa than hâm nóng nồi canh, ơ cá kho cho ông không mảy may thấy phiền toái nhọc nhằn.
Bà ngồi đầu này chiếc bàn ovan dài, nhìn đám con nghe thời gian như dừng lại từ lâu lắm. Chúng đang ngồi đây trước mặt như những ngày xưa cũ trong ký ức thường được mang ra soi rọi lau chùi mỗi ngày của bà. Đâu đó trong lòng bà trào lên một nỗi hân hoan đầy ắp lan ra từng khớp chân, từng lóng tay. Cơn đau khớp hành hạ có khi chảy cả nước mắt như bay biến đâu mất không còn bóng dáng.
– Con Xí muội định đi Nhật lao động má biết chưa?
Thằng Hai cất tiếng khi cây tăm còn vắt trên chiếc răng ám vàng khói thuốc.
– Má nghe con Tư nói rồi. Bộ đi thiệt hả bây?
– Nó đi được cho đi má. Lấy chồng nước ngoài luôn càng tốt. Má coi con Hà con thằng Bổn. Lấy u lấy tây gì đó, mẹ ba nó giờ xênh xang nhà cửa. Cái đất này, bám chặt lấy gì ăn!
– Anh Hai nói phải đó. Người ta đẻ con gái thấy ham. Cái thằng Còi nhà tui lớn xộ cái đầu làm gì đâu. Mấy nay cứ rền rĩ ngóng cái SH của thằng Tín.
– Xí Muội đi, rồi coi ngó sang năm con Củi nhà anh học xong 12 cũng cho đi luôn – Thằng ba gởi gắm – Ở đây rồi rậm rật với mấy cái thằng cầm cái cuốc không biết, quăng cái chài không tròn, ôm con gà ngồi ngoài quán café bấm điện thoại.
– Nhưng mà cũng cần một số tiền để đi, tui không lo xuể…
Tiếng lao xao dừng hẳn, chỉ còn nghe tiếng ly nước bưng lên để xuống và tiếng lổn cổn của mấy viên đá va vào thành ly đã cạn nước.
– Anh Hai nói đi!
Tiếng thằng Út nghe háo hức như chờ đợi điều gì đã lâu lắm. Bà đưa mắt nhìn các con. Con Tư tránh cái nhìn của bà. Ngón tay trái di di lên chiếc quần hoa như muốn bóc từng bông hoa nhí ra khỏi cái đùi lỏng khỏng rặt những xương là xương. Thằng Ba ngó ra ngoài sân ra, bàn tay trái bấu vào mép bàn cơ chừng khẽ cử động. Cái thằng thuận tay trái. Tay trái là tay mạnh của nó. Lúc mới tròm trèm năm tháng, ai đưa cái gì nó cũng giơ tay trái ra cầm, bà nghi nghi, ép kiểu gì rồi nó cũng cầm mọi thứ bằng bàn tay thuận của mình. Đến cô Nhung dạy lớp một ngoài xã, nổi tiếng rèn trẻ vào nếp, cũng phải nhượng bộ cho nó viết cả hai tay. Tay nào cũng vậy, chữ nghĩa gì như mớ cua còng nằm lăn ra phơi bụng trên ruộng.
– Mấy anh em con đã bàn nhau rồi, hôm nay mới gom đầy đủ về để nói má. Hồi tụi con có vợ có chồng, ba má có cho tiền mua đất cất nhà. Đứa nào cũng có phần cũng không có trách gì ba má. Đất nhà mình là đất từ thời ông cố, ông sơ. Ba có dặn thằng Út chỉ được ở làm chứ không bán. Ai ngờ vật đổi sao dời, mới chưa đầy hai mươi năm miếng đất của nhà mình giờ lòi ra hết mặt tiền đường liên tỉnh. Má thấy xung quanh ai cũng bán xây nhà làm vốn. Giờ tụi con đứa nào cũng cần tiền, hay là má tính bán rồi chia cho tụi con đứa ít. Chứ mấy cây bưởi già héo hon, đám dừa sau nhà năm có được mấy tiền…
– Đám giỗ đám quải loay hoay là tới. Vợ chồng con, vay mượn cũng nhiều – Thằng Út rầu rầu.
– Chắc phải bán rồi má, con Xí Muội cũng cần tiền để đi. Má thương con cháu…
Tiếng karaoke ở đâu đó rất gần lại bắt đầu cất lên. Cả tuần nay như có bàn tay con quái vật trăm ngàn ngón, thò ra xoắn lấy cả tâm trí thân xác bà. Trốn đi đâu cũng không được. Lẽ nào đất này rồi cũng không còn chỗ cho bà nữa? Đất này đến lúc cũng không giữ được rồi sao?
Bà nén tiếng thở dài. Đưa tay men theo cạnh của bộ đi-văng cũ. Biết bao thế hệ con người nhà này từng sờ lên nó, nâu sầm, bóng lên và mòn vẹt. Bà chậm chậm lần đến bàn thờ ông. Mắt mũi sao hôm nay cứ như có một làn sương giăng mắc. Thiệt ngộ.
Bà đưa tay khẽ chùi hai hốc mắt già nua nhăn nhúm để nhìn rõ hơn cây nhang giữa trưa vừa mới thắp, cong xoắn thành một vòng tròn nhỏ. Bà nhìn vào tấm ảnh trắng đen, bên rìa khung hình có vài chỗ bong tróc tàn phai. Bà nghe như thể nghe tiếng ông đang nói với bà: “Đất mình không phụ người mình đâu bà ạ. Thương nó nó thương mình”.
Triệu Vẽ