Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận (chương 11,12 và 13)

295

 

Chương 11

Về tới phòng riêng, Blaise liền tắm rửa thay đồ, rồi thong thả lật xấp tài liệu ra xem. Đó là tập hồi ký do Po Martin đánh máy chữ; vợ anh tỉ mỉ ghi lại theo lời dịch của Marie; anh đã từng đọc qua và xác định chẳng có gì bí mật cả. Tuy nhiên, thời gian mới đây, do Marie vô ý để quên trong tang lễ bố, sau đó Disanka trao lại cho anh, nên tới giờ anh mới có dịp đọc lần thứ hai.
Anh tình cờ lật tới trang nhắc đến từ NGUYÊN TỬ, là từ ngữ từng ám ảnh anh một thời gian. Cũng phải thôi, thời bấy giờ thứ gì liên quan tới nguyên tử cũng có vẻ vô cùng quan trọng, nhất là đối với anh.
Câu chuyện tại châu Phi được ông Po Martin kể tiếp như sau:
Trong những ngày bị giam cầm tại Mombasa, tuy ăn uống kham khổ, tôi nhận thấy bản thân mình có những biến đổi lạ kỳ. Cơ thể tôi nhạy cảm hơn trước kia rất nhiều. Có những lúc, nhất là khi mát trời, chủ yếu vào tảng sáng, cặp đùi và phần giữa của nó cứ căng cứng lên khiến tôi rất khó chịu. Mãi về sau, khi lớn lên, tôi mới hiểu mình đã trải qua giai đoạn dậy thì.
Khi đoàn chúng tôi đến Nairobi, thành phố đông dân nhất của nước Đông Phi thuộc Anh, có thêm hai thành viên chủ chốt được bổ sung vào đoàn. Đó là anh Lucas Bernard 35 tuổi, tiến sĩ khảo cổ học; chị Emma Leroy 28 tuổi, thạc sĩ nhân chủng học.
Tôi bị cuốn hút ngay bởi sắc đẹp rực rỡ của chị Emma. Ngoại trừ da chị quá trắng khiến tôi không mấy thích, tất cả mọi thứ khác đều hoàn mỹ. Đôi mắt chị là một tác phẩm tuyệt vời! Nó dường như hơi xanh, một màu xanh lung linh óng ánh mà tôi chưa hề được thấy ở bất cứ thứ gì khác trên đời này.
Nhưng câu chuyện tôi sắp kể chẳng liên quan tí gì tới đôi mắt ấy. Tôi muốn kể về một quả bom nguyên tử; phải, một quả bom nguyên tử nặng ký đã nổ tung trong suy nghĩ và cảm xúc của tôi lúc tôi cùng cả đoàn trú tại thành phố Nairobi.
Anh Lucas làm trưởng đoàn. Anh là người Pháp thạo tiếng Anh vì mẹ anh người Anh. Ba mẹ anh trước kia từng sống tại Nairobi. Mẹ anh sang thành lập bệnh xá, khi xong việc đã cùng chồng trở về Paris. Ba anh là luật sư giỏi. Mấy năm trước, ông tham gia trong luật sư đoàn của nhà nước Đông Phi thuộc Anh và để lại uy tín lẫy lừng.
Sau khi nghe kể chi tiết về cái chết của ông Henri và vụ cả đoàn bị tống giam tại Mombasa, anh Lucas hết sức phẫn nộ. Anh lập tức thảo đơn kiện bằng tiếng Anh yêu cầu nhà chức trách địa phương chịu trách nhiệm về cái chết của ông Henri, đồng thời yêu cầu cảnh sát Anh chính thức xin lỗi vì đã bắt giam cả đoàn một cách bất hợp pháp.
Sau khi đệ đơn, chờ hơn một tuần không nghe ai hỏi han gì, anh Lucas liền sắp xếp cùng chú Antoine đích thân đến tòa án cấp quốc gia tại Nairobi.
Nghe nói vị thư ký văn phòng là một tay người Anh hách dịch. Y hếch mặt lên bảo rằng vụ ấy không phải của tòa án cấp quốc gia. Y bảo cứ chờ cảnh sát Mombasa đích thân giải quyết.
Đợi tới hơn một tháng sau, cảnh sát Mombasa mới mời anh sang làm việc. Chú Antoine và bố André cũng cùng đi. Tò mò, tôi liền xin theo. Chúng tôi khởi hành lúc trời chưa kịp sáng và đến đấy vào giữa trưa.
Cúi lạy thần Ahakana! Có lẽ trên đời này không có sự lật lọng nào đáng nguyền rủa hơn điều mà tôi sắp kể ra đây!
Qua một tay thông ngôn thạo tiếng Pháp, gã cảnh sát trưởng thành phố Mombasa thông báo rằng đội cảnh sát điều tra quốc gia sau ba tuần làm việc đã kết luận phía họ không hề có lỗi; trái lại, phía nguyên đơn phải nộp phạt 200 bảng Anh vì tội vu cáo. Gã nhấn mạnh, cái chết của ông Henri là do gây gổ với vợ chồng chủ nhà trọ chứ thị trấn Lamu xưa nay vẫn an ninh. Gã còn tuyên bố, đã tra cứu danh sách trại viên bị tạm giam thời gian ấy nhưng không thấy tên những người trong đoàn. Để chứng minh cho lập luận đó, gã trưng ra ba tấm ảnh:
Ảnh số 1 chụp hai người trong đoàn đang mua sắm tạp hóa tại một khu chợ sầm uất.
Ảnh số 2 chụp bố André và một người trong đoàn đang tươi cười bước ra từ quán trọ.
Ảnh số 3 chụp tôi (Po Martin) đang ăn bánh mandazi chấm sữa và chú Antoine ăn ugali, loại lương thực nấu từ bột ngô của dân Đông Phi.
Gã khẳng định mấy tấm ảnh đó chứng tỏ cả đoàn đang ung dung tại Mombasa, chứ nào ai giam cầm ai đâu!
Chúng tôi ngỡ ngàng trao cho nhau xem ảnh. Rõ ràng đằng sau mỗi tấm đều có ghi ngày chụp. Song, nét chữ lạ hoắc, chẳng phải chữ của những người trong đoàn. Ngoài ra, tất cả ngày tháng được ghi đều là bịa đặt. Xem kỹ, chúng tôi xác định: chợ, nhà trọ và chỗ ăn uống nói trên ở thành phố Nairobi thời gian gần đây, chứ tuyệt nhiên không phải tại thành phố Mombasa mấy tháng trước!
Trong khi chú Antoine phẫn uất muốn sừng sộ, anh Lucas đặt tay lên vai chú, yêu cầu chú giữ im lặng. Anh cầm tờ văn bản kết luận và ba tấm ảnh cho vào túi, lẳng lặng đứng dậy, ra hiệu bảo chúng tôi cùng về. Mấy gã cảnh sát Mombasa dõi mắt nhìn theo. Tôi nghe vang vọng sau lưng mình tiếng họ phá lên cười khoái trá khi chúng tôi lần lượt dời gót ra khỏi phòng.
Ba tuần sau, khi thời hạn nộp phạt chưa mãn, ba mẹ anh Lucas đích thân sang tận nơi. Họ định sang châu Phi một phần để thăm anh, một phần để lo cho việc kiện tụng của đoàn chúng tôi. Cảnh sát Nairobi “đánh hơi” có vị luật sư năm xưa quay trở lại thì tỏ ra lúng túng. Họ cho người tới xin mua lại ba tấm ảnh và đề nghị anh Lucas chấp nhận giải pháp miễn nộp phạt, nhưng anh lắc đầu.
Ba ngày sau, với uy tín và mối quan hệ rộng của vị luật sư, phiên tòa xét xử cảnh sát Mombasa được tiến hành ngay tại Tòa án Nairobi. Đó có lẽ là vụ xử án hiếm hoi trong lịch sử ngành tư pháp châu Phi, thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng. Từ phòng xử án nhìn ra, tôi thấy người dân đến rất đông. Họ chăm chú theo dõi phiên tòa thông qua các ô cửa và các thông tin lọt ra ngoài.
Bên nguyên là chú Antoine Martin, đại diện cho cả đoàn. Bên bị là cảnh sát trưởng thành phố Mombasa.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bên nguyên là ông Fabien Bernard, ba của anh Lucas. Luật sư bào chữa cho bên bị là một người lạ hoắc, mặt trắng bợt, mang cái tên gì đó mà tôi không nhớ nổi.
Diễn biến phiên tòa khá sôi nổi. Đầu tiên, trong bản cáo trạng, công tố viên ỡm ờ nêu rằng cảnh sát Mombasa có lẽ không hề sai phạm gì, mọi chuyện chỉ do hiểu lầm thôi. Nhưng sau khi cùng nghe luật sư Fabien Bernard trình bày, trích dẫn các điều luật, phân tích sự kiện và các chứng cứ, mọi người mới vỡ lẽ ra là họ quá bậy.
Theo lập luận của ông, sai phạm chính của cảnh sát Mombasa là lâu nay không hề phân công nhân viên canh gác đảo Lamu. Quần đảo ấy mất an ninh nghiêm trọng. Bọn hải tặc đã nhiều lần ập vào giết người cướp của mà không hề gặp bất cứ trở lực nào.
Sai phạm thứ hai của họ là đã giam giữ trái phép sáu công dân Pháp mà không làm bất cứ thủ tục gì theo quy định pháp lý giữa hai nước Pháp và Anh.
Sai phạm thứ ba của bên bị là đã cấu kết với cảnh sát Nairobi ngụy tạo chứng cứ. Bởi vì theo điều tra của đội đặc nhiệm cảnh sát tư pháp quốc gia, cả ba tấm ảnh đều được chụp khi đoàn đang cư trú tại Nairobi bằng chính máy ảnh của cảnh sát Nairobi chứ không phải tại Mombasa.
Trước những lời buộc tội đanh thép và những chứng cứ rành rành, các thành viên hội đồng xét xử ú ớ, không biết nói sao. Cuối cùng, cảnh sát Mombasa đành nhận lỗi. Vị chủ tọa phiên tòa ra tuyên án yêu cầu họ bồi thường 600 bảng Anh, đồng thời phải lập tức xin lỗi đoàn khảo cổ Pháp ngay tại tòa.
Tôi nhận thấy anh Lucas rất phấn khích. Các thành viên trong đoàn thật hả hê. Đông đảo dân bản địa theo dõi vụ án, những người da đen tóc xoăn như tôi đều vỗ tay thích thú. Có lẽ lâu nay họ từng bị cảnh sát Anh bắt nạt và chèn ép mà chưa có dịp trả thù. Tôi nghe rõ cõi lòng mình dâng lên niềm hân hoan bất tận. Và trong phút giây cao hứng, tôi thản nhiên đứng lên ở vị trí cao nhất mà ai cũng có thể trông thấy; tôi nhún chân, lắc lư người rồi bắt đầu múa hát hồn nhiên bài Ohhalahala bất hủ của bộ tộc tôi:
“Manki antu nkokho bulai chaba?
Manki attu chachabaha nana kxokhata maman.
Ah bara bara hatta khara khara xhonha nha…”
Bản dịch: “Đây phải chăng là khúc hoan ca của bộ tộc chúng ta giữa bầy ác xà? Loài ác xà có hung hăng chi thì cũng chỉ vì lúc phôi thai đã là ác xà thôi. Nào các bạn ơi! Hãy vuốt ve trong lòng bàn tay mình trái tim bé nhỏ của loài ác xà. Để tha hồ nhảy nhót tưng bừng quanh ngọn lửa thiêng. Nào các bạn ơi! Hãy vui vẻ ấp iu trong lòng bàn tay mình những chiếc đầu mảnh khảnh. Truyền hơi ấm cho nhau cùng ngây ngất múa ca. Đây là loài ác xà, đang vui vầy chung quanh bộ tộc chúng ta. Ohhalahala! Ta đang vui vầy hòa hợp cùng loài ác xà. Bởi vì không có ngày hôm nay truyền hơi ấm cho nhau thì làm sao có được ngày mai cùng trở nên hiền lương trong vòng tay thần thánh?”
Tôi hết sức bất ngờ và xúc động bởi vì tất cả mọi người, kể cả các thẩm phán đều bị cuốn hút bởi điệu nhảy cùng chất giọng rừng rú của tôi. Tôi biết họ khó lòng hiểu ý nghĩa ca từ. Nhưng có lẽ họ cảm nhận được nội dung ca ngợi đức tính khoan dung và niềm yêu thương bao la của những người con của núi rừng bạt ngàn. Họ không ngớt trố mắt lên say sưa thưởng thức chất giọng trữ tình của con cháu thần Ahakana.
Giọng hát của tôi vẫn vang lên:
Ohhalahala! Ohhalahala!
Tôi nghe dường như ông chánh án đập bàn nhắc nhở mọi người không được hò reo nữa. Rồi ông lắc đầu, cùng các thẩm phán và công tố viên lẳng lặng bước ra. Chú Antoine ôm chặt lấy tôi. Chú hôn lên trán tôi. Chú xúc động khen tôi ca múa hay tuyệt đỉnh. Chú còn bảo culture[] của bộ tộc cười và nhảy thật đáng cho những người tự nhận mình là “văn minh” học hỏi!

Chương 12

Nghe tin Kangelu ngã bệnh, Disanka rủ anh Lumumba và một cô bạn trong nhóm tìm đến thăm. Trời ạ, hóa ra cô nàng Kangelu ốm nghén! Trong dịp này, họ tình cờ gặp chú Sidiki – chú ruột của Kangelu. Hồi còn thanh niên, chú làm việc tại Đông Phi thuộc Anh; chú yêu chết mê chết mệt cô thư ký người Anh, sau đó gấp rút cưới nhau, rồi làm thủ tục định cư luôn tại London.
Cả nhóm ba người được gia đình mời ở lại ăn trưa. Sau vài phút ái ngại, Patrice Lumumba tỏ vẻ đồng ý. Anh hé môi cười rất có duyên:
– Hôm nay…chúng tôi đi thăm ốm. Không ngờ buổi thăm viếng biến thành một bữa tiệc. Chắc chúng tôi có duyên lớn với chú Sidiki quốc tịch Anh gốc Congo rồi đây!
Sau câu pha trò thân mật đó, không khí buổi gặp mặt trở nên thoải mái hơn. Chú Sidiki tỏ vẻ rất cởi mở. Trong lúc trò chuyện, chú nhún vai kiểu Anh bảo rằng hiện nay, trong các cường quốc, chỉ có Anh đủ khả năng bắt kịp Mỹ ở nhiều khía cạnh. Chú đề cập các trận đánh trên không hết sức ác liệt tại Anh năm 1940. Chú cho rằng lúc ấy bọn Luftwaffe Đức Quốc Xã đã trở nên quá khích. Với những trận không kích điên cuồng trong suốt 113 ngày đêm, chúng muốn nuốt trửng Anh. Nhưng theo chú, nhờ người Anh quá xuất sắc nên Anh đã thắng. Đó là chiến thắng có ý nghĩa quyết định, là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Đoạn chú nhấn mạnh, hiện nay Anh phát triển vượt bậc; họ có cả hệ thống thuộc địa rộng lớn; nhiều học giả ngoại quốc thật không ngoa khi gán cho Anh biệt danh “đất nước Mặt Trời không bao giờ lặn”.
Trong khi Disanka nhìn sững đầu tóc xoăn tít và màu da đen bóng kiểu châu Phi của chú, chú khẽ mỉm cười, vô tư bưng ly bia đen lên tu một hơi.
– Thưa chú – anh Lumumba hơi nghiêm giọng. Việc chú ca ngợi đế quốc Anh không phải không có lý. Chính Hitler từng nhận định, trong phe Đồng Minh, Anh mạnh nhất. Hắn và Göring háo chiến cho rằng nếu đánh phủ đầu người Anh ngay trên bầu trời London thì coi như giải quyết xong Mặt trận phía Tây. Nhưng chúng lầm! Anh và phe Đồng Minh đã thắng.
Chú Sidiki gật gù thích thú. Anh Lumumba hạ giọng:
– Nhưng thật ra có nguồn tin cho biết, đến cuối chiến dịch, không quân Anh đã sắp kiệt quệ. Nếu trận đánh tiếp tục kéo dài thêm vài tuần nữa, có lẽ họ hết sạch sành sanh trang bị phi cơ, đạn dược và đành thất thủ. Tuy nhiên, bọn chỉ huy Đức Quốc Xã đã không đủ kiên trì với chiến dịch. Chúng đã bỏ dở nửa chừng vì không hề ý thức được rằng đối phương đã sức tàn lực kiệt. Chính nhờ vậy mà Anh thắng.
Sau phút ngập ngừng, chú Sidiki tươi sắc mặt:
– Đúng vậy! Người Anh thật gan dạ! Hãy tưởng tượng nếu bọn Luftwaffe Đức Quốc Xã tấn công Công Gô này theo cùng cách ấy, chúng ta buộc phải đầu hàng lâu rồi!
Nghe câu đó, Disanka nhấp nhổm không yên. Cô muốn nói điều gì đấy nhưng ngại không dám xen vào. Khẽ nhíu mày, anh Lumumba lên tiếng:
– Thưa chú, theo tôi, những người chỉ huy, dù thuộc phe phái nào, nhưng nếu chỉ biết dồn quân tấn công đối phương mà không hề áy náy gì về những tổn thất cho lính tráng và người dân vô tội, thì rõ ràng chúng thực chất chỉ là những kẻ phi nhân. Chẳng hạn Adolf Hitler và đồng bọn, tội ác của chúng muôn đời không rửa sạch. Còn điều chú vừa nói về đất nước chúng ta, theo chỗ tôi biết, sức kháng cự của người Công Gô trong lịch sử cũng không phải là không có gì đáng nói đâu.
Disanka từ tốn:
– Mọi người thử nghĩ coi, trong một trận đánh điên cuồng như vậy, ai thắng ai thua? Nếu nói chiến thắng hoặc chiến bại chẳng qua là nói về so sánh tổn thất đôi bên; còn nói cho đến tận cùng lý lẽ thì rõ ràng cả hai đều tổn thất quá nặng nề. Cả hai đều bại. Chẳng bên nào thắng cả!
Mọi người đều gật đầu khen phải.
– Vào thế kỷ trước – Lumumba hăng say nói tiếp – Anh chiếm lục địa Ấn Độ, đồng thời nuôi mộng tìm kiếm những thuộc địa mới. Họ giành được Nam Phi từ tay Hà Lan. Họ tiếp tục tìm cách chiếm Ai Cập. Chiến lược của Anh là từ hai đầu nam bắc lục địa châu Phi thâm nhập hẳn vào cả lục địa. Lòng tham của Anh lớn lắm! Nhưng châu Phi là của người châu Phi. Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và bất cứ nước nào khác đều không có quyền gì trên mảnh đất này cả! Mọi người chắc cũng biết, gần cuối thế kỷ XIX, các đế quốc hục hặc nhau chỉ vì tranh giành châu Phi. Chính sách bành trướng thuộc địa theo chiều ngang đông tây của Đức đã xung đột nảy lửa với chính sách bành trướng thuộc địa theo chiều dọc bắc nam của Anh. Cho nên, theo tôi, hễ thấy bọn thực dân ấy mạnh lên thì chúng ta đừng mừng cho họ, mà nên lo. Bởi vì, chính lòng tham của họ từng cướp đi khoáng sản của chúng ta. Lòng tham của họ đã từng đặt nền thống trị tàn bạo lên đầu lên cổ cha ông chúng ta.
– Tuyệt quá! – chú Sidiki bất ngờ nói lớn. Hôm nay tôi rất vui vì được gặp một bậc anh tài châu Phi. Tôi rất thích thú với những ý nghĩ xác đáng của cậu, Lumumba ạ.
Sau câu nói ấy, vị khách phương xa mời cả nhà ra chụp hình chung. Chiếc máy ảnh tối tân của chú Sidiki đã ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp. Mãi mấy tháng sau, Kangelu vẫn khoe cùng bạn bè rằng bức ảnh cô chụp chung với Disanka và anh Lumumba hôm ấy là bức ảnh cô thích nhất.

Chương 13

Đầu năm 1936, dù có một số bất đồng trong quan hệ ngoại giao, chính phủ Ý vẫn đồng ý cấp phép cho đoàn khảo cổ Pháp đến đất nước Somaliland thuộc Ý. Đó là một xứ sở nằm ở Vùng Sừng, nghĩa là ở cực đông châu Phi, với bờ biển dài tít tắp, quanh năm ngước mặt ra Ấn Độ Dương xanh mướt mắt.
Chiếc xe Jeep đầy bụi bặm của đoàn đến thành phố Mogadishu, thủ đô nước ấy lúc 12 giờ trưa. Khí trời oi bức kinh khủng! Chúng tôi có cảm tưởng như đang bị nhốt trong một cái lò lửa khổng lồ mặc dù thỉnh thoảng gió biển thổi tung mọi thứ phần phật. Nhưng người ta nói đúng, ngay cả gió trong giai đoạn tangambili hằng năm ở đấy cũng mang đầy hơi nóng.
Mọi người vừa khát vừa quá mệt. Trông ai cũng uể oải, bơ phờ, không đủ sức nhấc chân lên nổi.
Người duy nhất trong đoàn biết nói tiếng Ý và đã từng đến đấy là chú Rossi. Chú cho biết, dân địa phương chủ yếu nói tiếng Somali hoặc tiếng Ả Rập. Nhưng nếu nghe ai nói tiếng Ý thì họ cũng có thể đối đáp được một đôi từ. Chú bảo, chú có học tiếng Somali, nhưng chưa giao thiệp nhiều.
Xe dừng. Từng người trong đoàn chậm rãi lê gót vào lề đường, tìm tới quán nước. Nước dừa ở đó vừa the vừa ngọt, dù quả hơi bé.
Đột nhiên, chúng tôi nghe đâu đó có tiếng trẻ con khóc ấm ức. Hình như âm thanh ấy phát ra từ bên trong, ngay đằng sau tấm phên tre. Tiếng khóc mỗi lúc một to. Chúng tôi nghe cả tiếng ai đó đang cố dỗ dành. Chú Rossi ngồi nghiêng người, áp tai vào vách, nghe ngóng. Đoạn chú nói nhỏ vào tai chú Antoine điều gì đó.
Lát sau, chúng tôi trông thấy bên lề đường, một em bé chừng bảy tuổi. Em đi thất thểu, khó khăn. Vừa đi vừa khóc tức tưởi. Ở đáy quần em có những mảng nâu nâu ướt ướt, không biết có phải là máu hay chăng. Người đàn bà đi bên cạnh cúi xuống ra sức an ủi em.
Bỗng xe ô tô của đoàn đột ngột nổ máy. Anh Lucas bước ra, bảo mọi người chờ đấy, anh đi với chú Rossi và chú Antoine có chút việc. Tôi chạy lẹ ra lề đường, đòi đi theo.
Xe băng băng đi về phía con đường đất đỏ đối diện với quán. Một lát, xe đưa chúng tôi đến một cánh rừng thưa. Chỉ đi thêm chừng bốn ki-lô-mét, chúng tôi trông thấy mấy túp lều to nằm san sát. Lều nọ cách lều kia chừng mười mấy bước chân.
Xe dừng bên một lùm cây rậm rạp. Dưới sự hướng dẫn của chú Rossi, chúng tôi lẳng lặng xuống xe, nép người bên những thân cây to sụ. Thoảng nghe có tiếng cầu kinh âm giọng đều đều phát ra từ bên trong. Tôi thầm đoán người ta đang tiến hành nghi lễ gì quan trọng lắm. Chúng tôi nhích lại, nấp đằng sau mấy tấm phên tre dựng sát vách đặng có thể nhìn vào bên trong qua ô cửa có bức rèm rất mỏng.
Ngay chính giữa gian thờ to rộng là mấy vị sư thầy vẻ mặt nghiêm trang, tay huơ nến, miệng lâm râm đọc kinh. Trên chiếc kệ lớn, vô số vật phẩm thờ cúng được bày biện khá sặc sỡ. Nến thắp sáng trưng gần như khắp phòng.
Tôi hồi hộp quan sát. Một bé gái người nhỏ xíu, chừng năm tuổi bị kéo vào. Nó khóc thét lên. Hai người đàn bà cố đè nó xuống, cởi quần ra. Người ta dùng mấy sợi dây thừng buộc tay chân nó lại, với cặp đùi dang rộng. Đứa bé ra sức chống cự, giãy giụa liên hồi. Nó vẫn khóc liên miên. Nhưng người phụ nữ to khỏe quỳ sát bên cạnh quyết ôm chặt nó.
Tiếng cầu kinh dứt. Vị sư thầy tiến lại gần em bé với một chiếc lưỡi lam trên tay. Đấy là loại dao mỏng dính mà đàn ông mọi nơi thường hay dùng để cạo râu, rất bén. Ông chuyển nó vào tay người phụ nữ ăn mặc diêm dúa đứng sẵn ở chỗ giữa hai đùi em bé. Bà nhận con dao, lập tức cúi người xuống cứa vào mép phải âm vật em.
– Sharraddi! Sharraddi![]
Nó thét lên mấy tiếng hãi hùng. Người nó quằn quại. Máu từ cửa mình òa ra. Người phụ nữ dùng chiếc khăn đã bẩn, vội vàng lau vết máu. Rồi tiếng thét lại vang lên:
– Sharraddi! Sharraddi!
Một đường cắt thứ hai cứa ngay vào mép trái bộ phận sinh dục ngoài. Máu tươi òa ra xối xả khiến bà phải dùng chiếc khăn bẩn hồi nãy chặn mạnh lên.
Người phụ nữ – có lẽ là bà mẹ – quỳ bên cạnh em bé cúi xuống sát hơn. Bà nói nhỏ vào tai nó những lời gì đó. Bà hôn cả lên mặt nó. Bà đưa tay vuốt mái tóc đẫm mồ hôi của nó trong khi nó vẫn khóc thét dữ dội.
Lại một đường xẻo nữa! Em bé khóc ré lên. Cặp đùi cố vùng vẫy. Thân thể uốn vặn liên hồi. Chúng tôi đếm cả thảy phải đến tám nhát như thế thì thủ tục mới gọi là hoàn tất.
Thú thật, người tôi đẫm mồ hôi. Tay chân run bấn cả lên.
Đến lúc này, tiếng cầu kinh một lần nữa vang lên. Một em bé khác, chừng tám tuổi được dẫn vào. Vóc người em chắc nịch. Người đen bóng. Tóc em xoăn cứng. Mặt lầm lầm lì lì. Mắt sáng rực.
Người phụ nữ đi bên cạnh đã luống tuổi. Bà gầy đét. Môi thâm. Trông có vẻ yếu đuối. Bà chỉ chỗ cho cô bé nằm xuống.
Hai người phụ nữ lại gần. Họ cởi quần em ra. Họ dùng dây buộc cổ tay, cổ chân em lại. Em chỉ nhìn. Mắt trừng trừng, rất lì lợm.
Khi tiếng cầu kinh vừa dứt, vị sư thầy chuyển chiếc lưỡi lam đến tay người đàn bà áo xống xùng xình khi nãy. Bà cúi xuống. Lưỡi dao bén cứa mạnh vào chỗ kín của em. Mọi người nghe em thét lên một tiếng kinh hoàng.
– Sharraaa![.]
Đấy là tiếng thét đinh tai nhức óc, vừa biểu thị sự kinh hãi, vừa chất chứa sự oán hờn, mà cũng vừa nói lên sức sống mãnh liệt của một con người bằng xương bằng thịt. Rồi mọi người kinh ngạc thấy em vùng dậy. Mấy sợi dây trói hồi nãy không nghĩa lý gì đối với em. Trong nháy mắt, em đã bươn nhanh ra cửa. Rồi cắm đầu chạy tiếp.
Người đàn bà gầy nhom bị quở trách nặng nề. Người phụ nữ ăn mặc sặc sỡ bực mình quăng lưỡi dao xuống đất. Miệng chửi thề. Mắt láo liên, hung dữ.
Phía bên ngoài, em bé đã chạy nhanh ra đường. Em mặc độc một chiếc áo hoa bạc màu. Dưới ánh nắng chói chang, em chạy băng băng sang phía bên kia đường. Trong nháy mắt, chẳng ai thấy em đâu cả.
Bốn chúng tôi nãy giờ nín thở. Anh Lucas thì thào đủ cho cả nhóm cùng nghe:
– Kinh khủng! Sao họ man rợ thế nhỉ!
Chúng tôi rón rén bước dần ra xe. Tôi thấy trên gương mặt mọi người toát ra vẻ kinh hoàng.
Trên đường quay về quán nước, với giọng run run đầy xúc động, chú Rossi chậm rãi kể:
– Đây là tục lệ lưu truyền từ mấy trăm năm trước. 100% phụ nữ bản địa đều bị nhục hình như thế hồi còn nhỏ. Mọi người ở đây cho rằng các bé gái sinh ra vốn dơ bẩn, thối tha do phải mang bộ phận sinh dục nữ. Họ bảo nghi thức cúng bái, cầu kinh, cắt xẻo âm vật khi đứa trẻ lên năm bảy tuổi nhằm làm cho cơ thể trở nên thanh sạch, không còn dơ dáy, hôi hám nữa. Có lúc, sau khi cắt xẻo các tuyến tiết chất nhờn ở rìa âm vật, người ta còn khâu lại đặng các cô gái có cửa mình hẹp đi. Họ cho rằng thủ thuật đó rất tốt cho chồng cô ta sau này; vì khi âm đạo càng hẹp thì khoái cảm nhục dục càng tăng.
– Chú Rossi! – tôi ngơ ngác hỏi. Nếu làm vậy thì đau đớn vô cùng; làm sao các em ấy có thể chịu đựng nổi?
– Tôi cũng nghĩ vậy – chú ấy đáp. Đó là sự đau đớn tột độ! Khá nhiều nạn nhân đã chết vì mất máu hoặc phát điên vì hoảng loạn tinh thần. Hủ tục này vẫn duy trì lâu dài là do tín ngưỡng từ ngàn xưa đã bén rễ vào suy nghĩ của mọi người. Thậm chí có người còn quan niệm cắt xẻo như thế thì phụ nữ sẽ không ngoại tình. Các bậc cha mẹ khi chuẩn bị cưới hỏi cho con cũng có chung ý nghĩ đó. Nhà trai thường hỏi: “Thế, con chị đã làm nghi thức ấy chưa?” Nhà gái hớn hở khoe: “Con bé nhà tôi thanh khiết lắm. Nó làm nghi lễ ấy từ hồi bốn năm tuổi, sao không tinh sạch được cơ chứ!”
Cúi lạy thần Ahakana, con không hiểu phải làm sao để cứu hằng trăm cô bé đáng thương ấy ra khỏi tình cảnh khốn khổ này! Chẳng lẽ cả nền “văn minh” quyết tranh giành vật chất lẫn sự lạc hậu tín ngưỡng đều xô đẩy những kẻ yếu thế đến địa ngục trần gian này hay sao?
Nhưng sự việc còn tồi tệ hơn so với những gì chúng tôi vừa biết. Ngay xế chiều hôm đó, trước khi đoàn chúng tôi cùng nhau đi viếng nhà thờ Mogadishu, xe chạy dọc theo quãng đường hồi trưa. Chúng tôi bỗng trông thấy một đám người tụ tập rất đông. Tôi linh cảm có điều gì nghiêm trọng xảy ra. Xe chưa kịp dừng, tôi đã nhanh chân lao xuống trước tiên.
Nơi bãi cỏ rậm rịt hoang dã bên vệ đường, giữa trung tâm đám đông, cô bé tám tuổi to khỏe hồi trưa nằm sóng soải, tay chân xuội lơ. Mắt nó trợn trắng như thể nỗi kinh hoàng vẫn còn lưu lại mãi trong đó. Từ âm vật lan xuống hai đùi và cẳng chân bám đầy những vệt máu bầm đen. Người nó xám xịt, bất động. Nó tắt thở từ khi nào không rõ. Chỉ có chiếc áo hoa còn lành lặn.

1. Culture (tiếng Pháp), thường được dịch là văn hóa (chú thích của tác giả).
2. Đau quá! Đau quá! (thổ ngữ; chú thích của Po).
3. Đau! (thổ ngữ; chú thích của Po).