Chương 14
Theo quy định thành văn giữa hai chính phủ, đoàn khảo cổ Pháp chỉ được làm việc dưới sự giám sát trực tiếp của các nhà khoa học chuyên ngành tại Somaliland thuộc Ý. Điều đó có nghĩa, những lúc không có người Ý cùng tham gia, đoàn chúng tôi không được tự ý khai quật bất cứ thứ gì. Ngoài ra, để bảo đảm an ninh, họ cử thêm lính bản địa thay nhau canh gác.
Vậy là khi tới thủ đô Mogadishu, đoàn chúng tôi bắt đầu có thêm hai người Ý và hai người Somali bên cạnh. Họ tỏ ra thân thiện. Tôi rất mừng, vì đây là dịp để các thành viên trong đoàn học tiếng Ý và giao thiệp với người bản xứ.
Một hôm, anh lính Somali hăng hái réo gọi chúng tôi ra xem duyệt binh. Duyệt binh? Tôi bắc ghế ngồi chờ từng phút từng giây cạnh hàng rào phía bên ngoài quảng trường ngay từ khi Mặt Trời vừa mới mọc. Tôi hiếu kỳ muốn biết duyệt binh là thế nào.
Ôi! Không làm sao tả hết vẻ tráng lệ, uy nghi và đầy kiêu hãnh của đoàn diễn hành! Từ cờ xí, đội quân nhạc, đoàn xe thiết giáp, cho đến những chiếc xe nhà binh chở các anh chiến sĩ oai phong lẫm liệt, tất cả đều cuốn hút tôi đến độ si mê.
Tôi thích thú với cảnh tượng ấy đến nỗi gần như quên hẳn chung quanh mình đang có hằng trăm, hằng nghìn người cùng theo dõi như tôi. Sau một hồi kèn trống vang rền, ngài Il Duce xuất hiện ở nơi cao nhất. Trông ông thật oai phong. Ông mặc quân phục, màu tờ-rây-zi. Trên đầu đội chiếc mũ nỉ có gắn hình con đại bàng màu vàng dang đôi cánh rộng.
Người ta mời ông lên đọc diễn văn. Ông chào mọi người, rồi tức khắc nhấn mạnh tới tầm quan trọng to lớn của sức mạnh quân sự. Ông khẳng định Ý sẽ liên kết chặt chẽ với chính phủ của ngài Adolf Hitler, người bằng hữu đáng tin cậy của Ý. Ông đề cao vai trò của các vị sĩ quan trên mặt trận. Ông kêu gọi họ xả thân hết mình vì cuộc chiến. Ông liên tục nhắc tới ý chí chiến đấu và sự bành trướng lãnh thổ của dân tộc Ý.
Có lẽ bài phát biểu hùng hồn của ông Mussolini đã đánh đúng tâm lý các sĩ quan, kích thích tối đa lòng tự tôn dân tộc và sức chiến đấu của họ, nên khi ông vừa dứt lời, tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên.
Bản thân tôi hôm ấy cũng vô cùng hào hứng. Tôi chỉ nghe lọt tai chừng 40% lời lẽ của ông. Nhưng tôi hiểu rõ mục đích chính của ông là ra sức kêu gọi binh sĩ lao vào cuộc chiến.
Ngay bữa ăn trưa hôm đó, cả đoàn được nghe chú Rossi kể khá nhiều về “ngài Il Duce”. Chú bảo ông ấy từng sáng tác tiểu thuyết, viết báo và có khả năng dùng ba tấc lưỡi cuốn hút trái tim người dân Ý. Chú nhận xét ông là người sôi nổi, đầy lòng ái quốc và có tài thuyết phục các chính trị gia. Tất cả lời lẽ của chú Rossi chứng tỏ chú cũng như hầu hết người dân Ý đều tin tưởng tuyệt đối vào lãnh tụ Mussolini.
Thuở ấy, vào tháng Năm 1936, tại thủ đô Mogadishu, tôi cũng chưa thực sự hiểu nhiều về ông. Tôi vô tình bị quyến dụ bởi tài hùng biện và vẻ ngoài vô cùng đáng kính của ông.
Mãi chín năm sau, nghĩa là tháng Tư 1945, khi “Il Duce” cùng người tình 33 tuổi bị đem ra hành quyết tại Mezzegra, nhiều sự thật đáng kinh tởm của ông và đồng bọn mới thực sự được phơi bày.
Đáng thương cho dân Ý! Họ từng mù tịt về những điều mà ông ta đã từng làm trong bóng tối, trong suốt cuộc đời ông, kể từ khi còn rất trẻ. Họ hoàn toàn bị giấu nhẹm về hàng loạt tội ác tày trời mà ông đã gieo rắc trong suốt hằng chục năm lãnh đạo Phát xít Ý. Ngay khi lên mười, Benito Mussolini đã là kẻ cộc cằn số một và hay gây gổ. Với thói quen bạo lực, y từng bị đuổi khỏi trường nội trú tôn giáo.
Một tờ nhật trình tiết lộ: Năm 1922, 39 tuổi, trên người y đã có gần một trăm vết sẹo vì liên tục tham gia đâm chém. Y còn là kẻ bạo dâm. Mới 16 tuổi đã dan díu với điếm và mắc bệnh lậu. Về sau, mặc dù đã có hai vợ năm con, nhưng trong đời, y đã ngủ với khoảng năm nghìn tình nhân và gái ăn sương. Ấy thế mà khi đứng trên diễn đàn cũng như trên văn bản, y luôn nhấn mạnh tội ngoại tình dứt khoát phải bị trừng trị.
Y chính là người đứng ra thành lập Fasci di Combattimento, đảng phát xít đầu tiên ở châu Âu. Phương thức chủ yếu của đảng ấy là dùng vũ lực tạo sức mạnh. Trong vòng ba năm, y ra lệnh ám sát gần hai nghìn đối thủ chính trị. Nhằm từng bước tiến tới nắm chính quyền, y luôn dùng những lời lẽ ngon ngọt để rêu rao “chính nghĩa” và thu hút sự quan tâm của mọi người.
Cũng năm 1922, khuất phục trước thế lực của y, Vua Victor Emmanuel III đã nhượng bộ. Nhà vua đưa y lên ghế thủ tướng. Y nhanh chóng loại bỏ những ai chống đối đảng phát xít. Một trong những tội lỗi tày đình của y là liên tục gây chiến nhằm thôn tính nhiều nước khác. Y ra lệnh dùng hơi độc để đàn áp cuộc nổi dậy ở Libya thuộc Ý và xâm lược Ethiopia. Y hùa theo Hitler, tận diệt người Do Thái. Tuân theo mệnh lệnh và những lời dụ dỗ của y, vô số binh sĩ Ý đã gieo rắc biết bao tội ác cho hằng vạn người dân và bỏ xương máu ở tiền phương.
Té ra, chỉ nhờ ba tấc lưỡi và lạm dụng vũ lực, một gã vô luân tráo trở và háo sát như y có thể chễm chệ trên chiếc ghế quyền lực, lừa gạt cả dân tộc.
Chương 15
Rosa có một kỳ nghỉ phép thường niên khá dễ chịu tại thủ đô Công Gô Bỉ tháng Bảy 1953. Léopoldville hiện lên trước mắt cô với vẻ đẹp đơn sơ của một xứ sở chưa hề bị công nghiệp hóa tới mức nghiêm trọng. Nhà cửa không đến nỗi quá đồ sộ. Nhiều kiến trúc nửa tân thời kiểu Bỉ, nửa cổ kính kiểu bản địa, tạo cho Léopoldville một nét đặc sắc riêng.
Nước sông Công Gô mùa này thật trong xanh. Từ bờ này nhìn sang bờ kia, hoặc ngay cả khi chỉ nhìn mặt nước phẳng lặng, cô có thể quan sát được mấy biệt thự và tòa nhà hành chính kiểu Pháp của Brazzaville, thành phố lớn nhất của Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp. Người ta bảo, sông Công Gô là dòng sông duy nhất có được niềm vinh hạnh ấy. Nó giống như chiếc gương soi chung cho hai thành phố của hai đất nước khác nhau; khi đứng ở thành phố này, mọi người có thể dễ dàng nhìn ngắm thành phố kia.
Nơi ngoại ô, ngày đêm, mấy nhánh sông và hằng chục con suối vẫn êm đềm chảy, đưa bao dòng nước trong vắt xuống tận các mặt hồ và các thung lũng. Ở đó, cây cỏ tươi tốt; nhiều cây cao, cành lá sum suê, xanh ngút mắt.
Rosa tình cờ gặp anh Blaise ở một nhánh sông Công Gô. Chiếc xe Jeep của anh lùi dần vào một góc đường khá trũng.
– Nè! Anh kia! Đi xe kiểu gì kỳ vậy! – cô la toáng lên.
Blaise chẳng nói chẳng rằng. Anh bước ra khỏi xe, đóng cửa rầm một tiếng. Anh khá bảnh trai nhưng có vẻ trầm tư. Anh mặc quần jeans xanh, áo pun trắng vải dày – dày dặn đáng ngạc nhiên trong khi trời đang rất oi bức. Đôi mắt kiếng hờ hững nơi sống mũi càng tôn lên vẻ phong lưu của chàng trai đến từ Âu – Mỹ.
Anh lướt nhìn lơ đãng:
– Cô cũng đến đây một mình ư? – điều lý thú là anh phát âm tiếng Anh giọng Mỹ. Nhìn vào ánh mắt, Rosa tin anh là người đứng đắn, đàng hoàng.
– Gớm! Chẳng có cách nào bắt chuyện hay hơn sao? – Rosa nhún vai.
Rồi cô chậm rãi bước dần ra bờ sông, ngồi lên tảng đá to khá phẳng, nơi có thể quan sát cả dòng sông.
– Ngao ngán quá! Đời vớ vẩn thậm tệ!… Nhưng, mới gặp lần đầu, lẽ nào tôi than vãn với cô sao!
Blaise nói xong, rất tự nhiên ngồi xuống cạnh cô.
Rosa thoáng cười:
– Tôi là Rosa, dân lang thang. Tôi từ Mát-xcơ-va tới. Còn anh? Anh là người Mỹ chứ gì?
Blaise buông từng tiếng:
– Tôi là dân Paris, nhưng đã thành người bản địa từ lâu rồi!
Blaise vừa nói vừa nghiêng người lén nhìn cô bạn mới quen. Rosa trong bộ đầm mỏng dính; bên ngoài là chiếc áo khoác khá rộng. Cô chỉ khoác hờ, để lộ màu xanh tươi tắn của bộ đầm và màu vàng óng ánh của mấy thứ nữ trang.
Ngực cô phập phồng:
– Thành phố này cũng không xa lạ gì với tôi đâu. Hay là…
– Ý cô là sao ?
– Hay là sẵn xe, chúng ta có thể tới rừng Salonga được không?
– Lạy Chúa! Cô muốn tiêu đời hay sao? Đường hiểm trở lắm. Toàn đầm lầy. Nhưng khi tới nơi, cô có thể hô hoán lên là tôi có ý định giết cô!
– Vì sao? – đôi mắt đẹp của cô ngước lên.
– Cá sấu nhiều vô kể! Đã có nhiều người lùn bộ tộc Pygmy bị chúng ăn tươi nuốt sống rồi.
– Ôi trời! Vậy có nơi nào an toàn hơn không?
Blaise bỗng cười khúc khích, rồi nói to:
– Cô hãy sà hẳn vào người tôi đi! Đây là nơi an toàn nhất cho cô, Rosa ạ!
Blaise vừa nói, vừa dang rộng vòng tay như muốn đón lấy cô bạn vào lòng.
Cô gái không tỏ vẻ ngượng ngùng. Nhưng, dường như có phần xao xuyến. Cô nheo mày:
– Gớm! Đàn ông con trai gì ăn nói lẻo mép! Nói chuyện nãy giờ, tôi vẫn chưa biết tên anh à nghe!
Blaise hạ giọng:
– Tôi là Blaise Sanchez. Tôi đang trông coi một xưởng dệt may tại khu ngoại ô Léopoldville.
– Anh mấy vợ mấy con rồi? – Rosa hỏi với ánh mắt tinh nghịch.
– Thế, cô mấy ông chồng rồi? – Blaise không đáp mà vặn hỏi một cách nghịch ngợm.
– Em không thích bị trói buộc – Rosa mắt long lanh. Ở một mình đi đây đi đó sướng hơn!
Blaise phì cười:
– Nếu ai cũng nghĩ vậy, chắc loài homo sapiens này tuyệt chủng mất! Nhưng, tôi nói thật, hầu hết những người ham sống độc thân như cô đều bisexual hết đó!
Rosa trừng mắt:
– Cái anh này!
Đoạn, cô đột nhiên đứng dậy. Một tay phủi cát bám áo quần; tay kia vô tình nắm lấy bàn tay người bạn trai mới quen.
Blaise khẽ đưa bàn tay cô lên môi hôn.
Rosa cứ để vậy. Rồi cô nhúc nhích mấy ngón tay nghịch ngợm trong lòng bàn tay anh.
– Anh đưa em về nhé? – Blaise chợt hỏi, giọng thân tình. Hay là chúng mình đi loanh quanh chơi đi?
Hồ Công Gô là nơi con sông Công Gô lặng lẽ chảy chầm chậm tới gần trung tâm thành phố. Ở đó thật mát mẻ, dễ chịu. Mặt nước trong như gương. Lúc Blaise và Rosa đến đó, trời đã nhá nhem tối. Dân địa phương ít tới đây, thành ra bờ hồ trở thành chốn hẹn hò lý tưởng cho các đôi trai gái.
Blaise tìm chỗ cho bạn, rồi hí hửng:
– Xin mời công nương Rosa vui lòng ngồi xuống đây.
Để vượt qua sự yên lặng không đáng có, anh nói thêm:
– Hay là tôi sẽ hát lếu láo một đôi câu tặng cô nhé?
Rosa tỏ vẻ hài lòng.
Không đắn đo, đôi bạn thoải mái ngồi bên nhau. Blaise khẽ cất tiếng hát. Đúng là giọng anh thật truyền cảm:
Don’t say you are alone
Because you are not alone
I am here with you
Though we’re far apart
You’re always in my heart
You’re always in my heart.
Ánh mắt Rosa sáng lên. Cô vỗ tay:
– Ôi! Giọng anh ngọt lịm à! Chất giọng của anh đủ để chinh phục bao phụ nữ rồi đó!
Blaise khe khẽ:
– Cô đừng đùa. Giọng tôi hay ho gì. Giờ tôi thích nghe cô hát.
Không chút ngại ngùng, Rosa cất giọng véo von:
Maybe today, I’ll make you stay
A little while just for a smile
And love together
For I will show, a place I know
Right here where we could be happy together
Don’t say goodbye
Don’t say goodbye, my darling!
Ánh mắt Blaise sáng bừng. Anh hoàn toàn bất ngờ với giọng hát tuyệt vời của kiều nữ người Anh. Bất giác anh ôm lấy Rosa, đặt nụ hôn lên môi cô. Bao làn gió quanh mặt hồ vô cùng mát dịu cùng cảm giác được ở bên nhau trong tình yêu mới chớm khiến cả hai đắm mình trong thế giới thần tiên.
Rosa khẽ đứng dậy, ôm chặt lấy Blaise.
Không biết họ đã ở bên nhau như thế bao lâu; chỉ biết rằng lúc bầy chim đêm đã ríu rít tìm về tổ, mấy vì sao lóe lên trong chốc lát rồi âm thầm tắt lịm, màn đêm dày đặc, đôi bạn vẫn đắm đuối trong giấc mộng ái tình.
***
Hơn bảy giờ sáng, tại Xưởng Dệt may Léopoldville, chuông điện thoại reng lên.
– A-lô? – Blaise hỏi.
– Chào anh Blaise! – giọng đầu dây bên kia rất trong trẻo.
– Ủa, Rosa? Sao em biết số điện thoại anh?
– Ha ha, anh thử lục coi trong túi quần jeans của anh còn mấy tấm danh thiếp?
– Em lanh tay lẹ chân thật! Anh chúc em một ngày mới nhiều niềm vui nhé!
– Em thích một chuyện… Tối nay anh nhớ cầm theo tấm gì đó để lót nằm! Chỉ hôn… về nhà em khó chịu trong người lắm!
Chương 16
Trời nắng chang chang. Disanka tay xách giỏ, chậm rãi bước vào khu chợ mới, nơi khá đông người qua lại. Bỗng cô sững người ra. Nơi tấm cạc-tông dựng bên góc tường, người ta ghi hẳn tên cô bằng tiếng Swahili:
Mimi kuangalia kwa Disanka Ilunga.
Mimi ni Arthur Kasongo.
Cô trông thấy ngay bên cạnh tấm biển ấy là một người đàn ông tóc xoăn tít, da đen bóng, ngồi bệt cạnh lối đi. Hình như ông ngồi đó suốt buổi rồi. Dáng vẻ rất uể oải. Trong giây lát, hằng chục ý nghĩ hiện ra trong đầu cô. Ông này là ai?
Như mọi ngày mỗi khi trò chuyện với đồng bào mình, cô sử dụng tiếng Swahili, một trong những ngôn ngữ thông dụng tại Công Gô và nhiều nước Đông và Trung Phi khác; cô hỏi:
– Xin lỗi, tại sao nơi tấm biển ấy có tên tôi?
Sửng sốt nhìn cô, người đàn ông chậm rãi đứng dậy. Bao vẻ mệt nhọc trên người ông biến đi đâu cả. Giọng ông run run:
– Cô là… Cô là Disanka, hay một người nào khác? Tôi đang tìm Disanka Ilunga.
Disanka tỏ ra rất sốt ruột:
– Tôi là Disanka Ilunga đây. Còn ông, ông là ai?
– Lạy Chúa! Xin Chúa chứng giám cho phút giây hạnh phúc nhất đời con! – người đàn ông chắp tay trước ngực, mắt ngấn lệ, bối rối hẳn lên. Cô ơi! Em ơi! Nếu cô đúng là Disanka Ilunga, thì cô chính là em gái tôi rồi. Bao năm trời anh đã tìm em khắp nơi!
Disanka nghe một luồng máu ấm lan khắp cơ thể. Người anh ruột của mình đây ư? Anh ấy vất vả, khổ sở đến thế sao?
Từ lâu nay, cô từng biết mình còn có một người anh. Thỉnh thoảng cha nuôi cô cũng nhắc tới điều đó. Nhưng cô không biết phải dựa vào đâu để tìm ra anh.
Cô xúc động cầm tay người đàn ông. Đến lúc này cô mới cảm nhận hết vẻ gầy gò, run rẩy, hết sức đáng thương của anh. Cô bật khóc, nói trong nghẹn ngào:
– Em thật có lỗi! Em chẳng biết tìm anh cách nào. Tại sao anh biết tên họ em chính xác thế?
Trong khi một số người lạ tò mò đứng lại trố mắt nhìn, người đàn ông ứa lệ:
– Hồi chú thím đưa anh em mình vào cô nhi viện, em còn quá bé. Anh lúc ấy mười tuổi, em mới hai tuổi.
Ông nhẹ nhàng dang tay, thân tình ôm lấy bờ vai cô:
– Em biết không, anh đã lang thang tìm em khắp nơi. Anh ôm tấm biển ngồi suốt buổi ở các khu chợ đông người với hy vọng sẽ có ngày gặp em.
Anh Arthur chợt chắp tay lên ngực:
– Hôm nay Chúa thấu hiểu nỗi khổ của anh. Chúa thương xót hai anh em chúng ta, Disanka!
Arthur nói xong, ôm mặt khóc.
Disanka thấy xót xa vô hạn. Cô níu lấy vai anh:
– Anh tha lỗi cho em. Ngay cả tên anh mà em còn chưa biết thì làm sao em có thể tìm ra anh được?
Disanka háo hức muốn hỏi anh nhiều điều, nhưng cô chợt nhớ ra đây không phải là nơi để cô làm điều đó.
***
Ngồi đối diện, Arthur kể rằng mấy mươi năm trước, lúc ở cô nhi viện, sau khi nhìn Disanka ra đi, anh đã gào khóc thảm thiết. Cái tên Disanka luôn ám ảnh anh. Ngay ngày hôm sau, anh được một người phụ nữ đến làm thủ tục đem về nuôi. Điều may mắn là trước khi anh rời nơi ấy, bà bảo mẫu đã ghi tên gia đình nhận nuôi Disanka vào một mảnh giấy nhét vào túi anh. Và cái tên tộc họ Ilunga kể từ đó chẳng bao giờ phôi phai trong tâm trí anh.
Chẳng bao lâu, bà mẹ nuôi qua đời. Mười ba tuổi, anh thành trẻ lang thang. Anh có vợ khi hai mươi tuổi, cách đây mười ba năm. Anh có ba đứa con. Vợ anh cũng rất nghèo nàn, túng quẫn. Hai vợ chồng phải đem mồ hôi, nước mắt ra đổi lấy từng chén kê, từng bát ngô. Anh từng đi gánh thuê, ở đợ, đi rừng làm than, lên nương kiếm củi. Vợ chồng và cả hai đứa con lớn của anh đã từng làm phu công tra cho các đồn điền cao su. Sau đó, do quá chật vật, cả gia đình chuyển tới Kawama. Tại đó, anh làm thợ mỏ; vợ anh gánh nước thuê.
Những tháng ngày ở đó vô cùng cơ cực. Với chiếc xẻng cùn, người ta giao anh đào mỗi ngày 50 mét khối đất. Sau nửa năm, anh mắc chứng tê thấp nhưng không có tiền chữa bệnh. Để hoàn thành ngần ấy công việc, anh phải nhờ vợ và hai đứa lớn giúp sức.
Năm vừa rồi, dịch bệnh bùng phát. Anh sốt cao liên miên. Các khớp đau nhức kinh khủng. Người suy kiệt đi. Anh kể tới đó, đột nhiên bưng mặt khóc. Anh bảo, căn bệnh sốt vàng nguy hiểm đó đã lần lượt cướp đi sinh mạng tất cả vợ con anh. Anh phải bỏ xứ ấy, đi bơ vơ, màn trời chiếu đất, lòng vô cùng thương nhớ vợ con.
Trong những ngày tuyệt vọng đó, anh thường nhớ tới em. Hình bóng em thuở bé thơ cứ chập chờn trong trí anh. Anh nghĩ rằng chẳng lẽ Đức Chúa Trời nỡ trừng phạt anh đến nỗi không cho anh gặp lại bất cứ người thân nào sao. Chính niềm tin sẽ tìm thấy em đã thôi thúc anh, đã nuôi dưỡng anh sống trọn đến ngày nay.
Kể tới đấy, Arthur rưng rưng nước mắt. Disanka khẽ bước sang, ngồi sát cạnh anh. Cô ôm chầm lấy người anh bất hạnh, rồi khóc.
Chợt cô ngước mắt lên, mắt ráo hoảnh:
– Anh Arthur, từ nay anh em mình đã sum họp bên nhau rồi. Chúng ta hãy vui lên mới phải!
Ngay chiều hôm đó, chú Ilunga khuyên Arthur ở lại sống cùng chú và cô em gái. Nhưng Arthur tỏ vẻ thờ ơ, không trả lời. Mãi hôm sau, khi chỉ có hai anh em, Arthur kể rằng anh dính líu tới một vụ án mạng. Chuyện kể rằng trong lúc anh và người bạn thân gặp đại tang vì dịch bệnh sốt vàng, ông chủ Victor đã đến tận nhà. Lão không giúp gì, trái lại còn lớn tiếng mắng chửi bọn anh. Lão đe dọa cắt lương trọn tháng nếu mọi người cứ thay nhau nghỉ. Lão khăng khăng, việc đào mỏ đang dở dang, không thể chậm trễ thêm. Anh và bạn anh cự lại. Lão nổi cáu, sai người đánh đập bọn anh.
Trong lúc xô xát, anh sơ ý vung tay làm tên đốc công Bỉ bị thương. Lúc ông chủ đem súng ra toan bắn anh thì bạn anh nhào tới. Sẵn có mối thâm thù, bạn anh quyết một trận sống mái với lão. Hậu quả: Bạn anh quật chết ông chủ ngay tại chỗ.
Anh ngậm ngùi kể, hiện nay bạn ấy ở nơi nào anh không rõ. Nhưng riêng anh thì rày đây mai đó, không dám ở đâu lâu dài. Bởi vì anh biết, nếu sơ suất, bọn Forte Publique sẽ tóm cổ anh.
Disanka xót thương cho anh quá. Nhưng cô thắc mắc:
– Anh vừa nhắc tới ông chủ, vậy có phải lão ấy là Nicolas Victor không?
– Đúng!
– Ủa? Em vừa trông thấy lão ấy tại nhà thờ chánh tòa Chúa nhật vừa rồi cơ mà!
Arthur cười buồn:
– Người mà mọi người hay gặp gần đây không phải là lão già Nicolas Victor đâu em. Bởi vì, sau khi lão qua đời, mọi công việc đều do người em sinh đôi của lão điều hành. Người em gặp là ông Thomas Victor.
- Il Duce (tiếng Ý): Lãnh tụ. Từ này thuở đó được dùng rất trang trọng để chỉ ông Mussolini, lãnh tụ của Ý (chú thích của Po).
2.Từ mượn của tiếng Pháp: treillis (quần lính).
- Bisexual (tiếng Anh): ái nam ái nữ.
- Đừng bảo em cô đơn gì nhé/Bởi em chẳng phải một mình/Anh ở đây cùng em/Dẫu nghìn trùng xa cách/Em vẫn suốt đời trong trái tim anh/Em vẫn suốt đời trong trái tim anh.
- Hẳn hôm nay em sẽ níu anh ở lại/Chỉ một thoáng thôi đủ để cười đùa/Và ta cứ yêu nhau đi/Bởi vì em sẽ trỏ cho anh xem một nơi em biết/Ngay chính nơi đây, nơi ta sẽ ngất ngây cùng nhau/Đừng nói lời chia xa/Đừng nói lời chia xa, người yêu dấu hỡi!
- Tôi tìm Disanka Ilunga/Tôi là Arthur Kasongo.