Nhà văn Trần Như Luận
Chương 17
Khoảng cuối năm 1939, lúc đoàn khảo cổ chúng tôi còn ở thành phố Mogadishu, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Lịch sử của chính phủ Pháp đến châu Phi. Đây là cột mốc quan trọng trong đời tôi; bởi vì, kể từ khi nắm bắt được chút kiến thức liên quan tới lịch sử văn minh nhân loại, tôi nhận thấy bộ môn này thật sự hấp dẫn tôi.
Tôi ao ước biết rõ loài người đã đến từ đâu, chúng ta trải qua những thời kỳ như thế nào, cái được gọi là “văn minh” đã phát triển ra sao và liệu trong tương lai loài người có thể thoát ra khỏi tình trạng dã man, thỏa mãn nỗi khát khao của những con người lương thiện và chân chính hay chăng.
Nhà khoa học ấy có ánh mắt toát ra vẻ hiền lương và thông tuệ. Ông tổ chức ngay buổi hội thảo nhằm phổ biến những thành quả và nhận định mới mẻ liên quan đến bộ môn đó.
Một giả thuyết được đưa ra năm 1924 cho rằng sự sống bắt đầu dưới dạng các hạt coacervate trôi lơ lửng trong nước. Điều ấy diễn ra cách đây mấy chục triệu năm, sau kỷ băng hà, rất nhiều năm sau khi Trái Đất đã hình thành các đại dương.
Vị chuyên gia cho rằng, tổ tiên loài người xuất hiện cách đây khoảng 12 triệu năm. Sau đó lần lượt xuất hiện người khéo, người dáng thẳng, người tinh khôn và người hiện đại. Người tinh khôn (homo sapiens), còn gọi là người hiện đại cổ, xuất hiện cách đây khoảng 500 nghìn năm. Người cực tinh khôn (homo sapiens sapiens) còn gọi là người hiện đại chính thức (modern man) xuất hiện cách đây khoảng 150 nghìn năm.
Ông cho biết, vào năm 1829, tại thung lũng Néander (nay thuộc Bỉ), người ta tìm thấy những hóa thạch người có niên đại từ 600 nghìn đến 350 nghìn năm. Họ xác nhận bộ xương người giai đoạn ấy từa tựa như người hiện đại; giống người đó được gọi là người Néanderthal. Nhiều năm sau, người ta tìm thấy ở Trung Hoa, Hungary, Pháp và Anh cũng có giống người với hình dạng y hệt. Tuy nhiên, tại châu Phi, theo báo cáo của chú Antoine thì xưa nay chưa hề tìm thấy các hóa thạch người Néanderthal.
Năm 1868, tại hang đá Cro-Magnon miền tây nam nước Pháp, các nhà khảo cổ tìm thấy những hóa thạch người có hình dạng cao lớn hơn, bộ hàm ít hô hơn. Đó là giống người xuất hiện vào thời kỳ đồ đá cũ tại châu Âu khoảng 50 nghìn năm đến 10 nghìn năm trước đây. Ngoài châu Âu ra, người ta còn tìm thấy họ ở châu Á và châu Mỹ. Căn cứ vào các mẫu vật tùy táng, người ta biết họ đã chế tác và sử dụng dụng cụ tinh xảo hơn rất nhiều so với người Néanderthal. Các nhà khoa học gọi họ là người Cro-Magnon. Điều khá thú vị là họ đã để lại những họa phẩm khắc trên vách đá rất có giá trị nghệ thuật, mô tả cuộc sống và chữ viết của họ tại một số hang động ở Pháp và Tây Ban Nha.
Vị chuyên gia cho rằng lịch sử văn minh loài homo sapiens sapiens được chia ra làm 3 thời kỳ: thời kỳ mông muội, thời kỳ dã man và thời kỳ văn minh. Bố André, nhân cơ hội ấy, nêu ý kiến rằng loài homo sapiens sapiens cho đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi thời kỳ dã man. Bằng chứng là tính chất dã thú vẫn hiện diện đầy rẫy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Riêng tôi, tôi bỗng liên tưởng tới những cảnh ngộ mình từng gặp trong đời; tôi cho rằng: Ở nhiều nơi, kẻ ác kết bè kết lũ mặc sức hoành hành; những người hiền lương thường thấp cổ bé họng, sống trầm tư, đơn lẻ và phản ứng muộn.
Ngay sau buổi đó, tôi được chú Antoine tặng chiếc máy ảnh đen trắng. Sở dĩ tôi có may mắn đó là vì chú được vị chuyên gia biếu chiếc máy ảnh hoàn toàn mới. Tôi thích thú lắm! Gần như suốt buổi cứ mân mê nó trong tay, rồi đi tìm phong cảnh hoặc người nào đó để chụp chơi.
Nhưng niềm vui thú ấy chẳng kéo dài được bao lâu thì đoàn chúng tôi trải qua một chuyện đau lòng. Trong lúc vị chuyên gia thu xếp hành lý trở về Paris, bọn cảnh sát Ý ập đến với khí giới trong tay. Chúng đưa bức ảnh ra đối chiếu, mắt liếc qua liếc lại rất hung dữ, rồi nhất quyết còng tay chú.
Là người Pháp gốc Ý, chú Rossi hết lời biện minh và ngăn cản, nhưng không được. Anh Lucas và mọi người tỏ thái độ chống đối, nhưng chẳng hiệu quả gì.
Bọn ác thú nhét cuộn băng lớn vào miệng vị chuyên gia, không cho chú ấy mở lời. Chúng ngang ngược túm áo, kéo chú ấy ra xe. Đồ đạc, tư trang của chú bị quăng ngổn ngang xuống nền nhà. Nhìn gương mặt chú, chúng tôi biết chú hoang mang tột độ. Tôi hết sức sửng sốt, đau đớn vô cùng.
Ngay sáng hôm sau, chúng tôi có lệnh gấp rút rời khỏi đất nước Somaliland thuộc Ý. Tiến sĩ Lucas Bernard nói ngắn gọn để mọi người biết Ý đã thông báo chính sách bài Do Thái. Chính phủ Pháp yêu cầu đoàn tức tốc di chuyển sang Công Gô thuộc Bỉ để bảo đảm an toàn và bắt tay ngay vào việc thực hiện dự án hợp tác với Bỉ.
Thứ đáng giá nhất mà vị chuyên gia Pháp gốc Do Thái để lại cho đoàn là khá nhiều sách và những tập tài liệu đánh máy chữ dày cộm. Lặng lẽ lật từng trang, nhìn những dòng thủ bút của chú, tôi không sao cầm được nước mắt! Trời cao đất dày ơi, tại sao người ta nỡ bức hại một người lương thiện, lỗi lạc và tận tình với nhân loại như chú ấy?
Đoàn chúng tôi ra đi trong tâm trạng đau buồn. Bốn ngày sau, đoàn tới làng Onalua, tỉnh Kasai, nước Công Gô Bỉ. Bấy giờ là tháng Hai 1940. Thỉnh thoảng trời mưa nên không đến nỗi quá nóng nực. Đoàn được bố trí ở lại tại một nơi khá rộng rãi. Lòng buồn. Chẳng có gì để làm trong suốt mấy tháng trời. Ngoài những lúc lân la trò chuyện với dân bản địa rành tiếng Pháp, tôi gần như chẳng lúc nào rời sách.
Tôi lấy làm lạ, không ngờ khuynh hướng bài Do Thái ở người Đức đã manh nha từ lâu lắm rồi.
Ở thập niên 1810 – ngót 130 năm trước, cái khuynh hướng chết tiệt ấy bắt đầu hình thành trong đầu óc quá khích của một số thanh niên Đức. Đó là nhóm sinh viên thuộc phong trào “Tình Huynh Đệ” (Burschenschaft). Chúng rủ nhau đấu tranh để kiếm mấy ghế đại biểu ở Vienna hòng hình thành một nhà nước thống nhất ở tất cả mọi nơi có người Đức sinh sống. Nhưng việc ấy bất thành. Chúng đổ hết tội lỗi lên đầu các thành viên người Do Thái. Chúng hùa nhau ghi hẳn vào nghị quyết đại hội năm 1818 chủ trương bài Do Thái triệt để.
Như vết dầu loang, trong cộng đồng người Đức ở Vienna bắt đầu ngấm ngầm hình thành “tư tưởng” bài xích người Do Thái.
Sự việc không dừng lại ở đó. Chừng mười mấy năm sau, một gã thanh niên Đức lắm mồm tên là Wilhelm Marr cũng có mặt cùng với bố tại Vienna. Hắn lớn tiếng ủng hộ “lập trường” của nhóm Tình Huynh Đệ. Thậm chí hắn khẳng định hai dân tộc Đức và Do Thái không thể đội trời chung.
Sáu mươi tuổi, hắn phát hành cuốn sách nhan đề “Con đường dẫn đến chiến thắng của người Đức đối với đạo Do Thái”. Hắn đưa ra “ý tưởng” rằng người Đức và người Do Thái đã bị cài vào thế xung đột triền miên, căn nguyên là do sự khác biệt về chủng tộc.
Hắn thành lập một liên đoàn lấy việc bài Do Thái làm “phương châm hành động”. Trong “luận cương chính trị”, hắn nêu yêu sách buộc tất cả người Do Thái, một cách vô điều kiện phải lập tức rời khỏi những nơi người Đức sinh sống. Do tiêm nhiễm nội dung những bài báo và những “chuyên luận” mang tính kích động như thế, vô số người Đức trẻ lòng non dạ cắm đầu cắm cổ hùa theo.
Trong một bài phỏng vấn Wilhelm Marr do một tờ báo lá cải thực hiện, hắn nói thẳng thừng:“Tôi xin tuyên bố bằng tất cả lương tri của tôi rằng: mối thâm thù giữa người Đức và người Do Thái nhất quyết phải được giải quyết bằng máu.”
Khốn nạn thật! Tôi chẳng hiểu sao tên ác ôn ấy tự cho rằng hắn vẫn còn có “lương tri”!
Giới trí thức Đức lúc bấy giờ tự hỏi liệu Wilhelm Marr có chịu ảnh hưởng của “học giả” Arthur de Gobineau (1816–1882) bên Pháp hay không. Người ta đặt ra câu hỏi đó bởi vì thuở ấy tại Pháp mọi người đang xôn xao về bộ sách dày 1.400 trang tựa đề “Tiểu luận về sự bất bình đẳng của các chủng tộc người” do Arthur de Gobineau biên soạn. Gã tuy chẳng có bằng cấp gì về y khoa, nhưng ngày đêm mê mải với những dị biệt mà gã cho là “có tính sinh học” giữa 3 chủng tộc người khác nhau trên thế giới.
Gã khẳng định người da trắng ưu việt nhất, họ độc quyền về vẻ đẹp, trí thông minh và sức mạnh; trong đó, giới quý tộc vượt xa dân thường, bởi vì họ có nhiều gen di truyền của chủng tộc Aryan. Gã bảo chủng tộc da đen tầm thường, kém cỏi, chẳng đáng gì. Còn việc sản sinh ra chủng tộc da vàng chẳng qua là tạo hóa ngẫu hứng làm “bản nháp” thôi.
Thật không may cho loài homo sapiens tội nghiệp, sau “phát súng khai hỏa” của hai kẻ vừa ít học vừa lắm mồm là Marr và de Gobineau, khá đông bọn trí thức nửa mùa hùa theo. Thậm chí, “triết gia” Karl Dühring (1833-1921) luôn khẳng định đạo Do Thái làm tha hóa con người. Y bảo: “Sự khác biệt giữa các giống người nằm trong huyết quản”!
Nhưng đáng kể hơn cả là tay tiến sĩ luật đầy tham vọng chính trị ở Vienna tên là Karl Lueger. Gã này ra đời sau Marr 25 năm. Năm 1882, chính quyền mở rộng quyền bầu cử cho đông đảo người buôn bán nhỏ. Gã phát hiện ra rằng, khi phát biểu trước anh chị em tiểu thương, ai thẳng thừng nói xấu người Do Thái thì nhất định giành được sự ủng hộ của họ. Với phương thức tranh phiếu mạt hạng đó, gã nhanh chóng đặt chân lên ghế đại biểu Vùng 5 của Vienna, rồi lọt vào Hạ viện (Landtag), sau đó được cử làm thị trưởng.
Ở xứ sở khác, có một kẻ sinh cùng năm cùng tháng với “tiến sĩ” Lueger, tại nước Phổ rộng lớn, nhưng không phải trong gia đình Công giáo mà trong một gia đình thuộc phái Luther (Tin lành). Năm 20 tuổi, gã vào Đại học Bonn, khoa thần học và triết học cổ điển. Đột nhiên, do tình cờ đọc cuốn “Cuộc đời của Giê-su” do David Strauss viết, gã đánh mất luôn niềm tin về Thiên Chúa. Gã xin chuyển sang Đại học Leipzig. Mãn khóa, gã trở thành giảng viên khoa ngữ văn cổ điển tại Đại học Basel và tập tò viết lách.
Gã đem lòng yêu Lou Salomé, một cô gái khá đứng đắn mà gã coi như học trò. Gã thổ lộ tình yêu, rồi can đảm cầu hôn, nhưng cô ta một mực chối từ.
Phần thất tình đến nỗi mất ăn mất ngủ, phần liên tục cãi cọ với mẹ và cô em gái, đồng thời gánh chịu căn bệnh dạ dày dai dẳng, gã ngao ngán sự đời, suýt tự vẫn. Rồi gã lặng lẽ ôm mớ tài liệu đến Rapallo, một nơi hẻo lánh để viết cuốn “Zarathustra đã nói như thế”, “tác phẩm” cuối cùng của gã.
Bằng những ngôn từ mỹ miều, gã nhại theo văn phong Kinh Thánh đặng giới thiệu những ý niệm hoàn toàn trái ngược với quan niệm đạo đức truyền thống của các tôn giáo. Gã tuyên bố Thiên Chúa đã chết. Gã ca tụng các ông chủ bằng các thuộc tính đẹp đẽ như: Cao cả, trong sáng, lành mạnh. Gã quy kết quần chúng nhân dân mang tính bầy đàn, đê hèn, đầy thù hận. Rồi gã tha hồ ca ngợi bản năng. Gã ra sức khuyên các ông chủ hãy tự giải thoát ra khỏi những rào cản về mặt đạo đức, thản nhiên bước sang tình trạng dã man.
Nhiều học giả cho rằng gã là “tên triết gia với cây búa tạ”. Lý do là vì gã dùng mớ chữ nghĩa của mình nhằm đạp đổ tất cả. Gã chống đạo đức, chống dân chủ, chống xã hội chủ nghĩa, chống bình đẳng nam nữ, chống duy ý chí, chống bi quan và chống Thiên Chúa giáo. Gã say sưa cổ xúy cho ý chí vươn tới quyền lực, và cho rằng ý chí vươn tới quyền lực là động lực của mọi sự phát triển.
Một số nhà tâm lý học cho rằng sở dĩ gã rơi vào tình trạng suy đồi về mặt đạo đức như vậy là vì gã luôn “tuôn trào ngôn ngữ” trong trạng thái bệnh hoạn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Mùa thu năm 1900, gã vật vã trên giường bệnh. Lúc bạn gã bưng ly sữa vào, đôi mắt gã đã hoàn toàn trắng bệch. Friedrich Nietzsche – gã văn sĩ có tài lấn sân sang lĩnh vực triết học phi đạo lý nhất thế kỷ XIX – đã âm thầm trở về với cái mà gã gọi là “sự quy hồi vĩnh viễn” theo cách như thế.
Một hôm, người chồng trẻ trung của Lou Salomé tình cờ lật nhật ký của cô ra xem. Anh bật cười khi đọc đến hàng chữ của vợ: “Thật kinh khủng khi thầy Nietzsche với vẻ mặt tâm thần ngỏ lời cầu hôn tôi. Tôi mà lấy ông ấy sao? Nein! Absolut nicht!”
Chương 18
Một đêm nọ, khi còn ở làng Onalua, tôi sắp chợp mắt, chợt nghe có tiếng ai đó giẫm lên đám lá khô sau nhà trọ. Khẽ ngồi dậy, tôi tò mò bước dần ra lối đó. Quả nhiên, có hai bóng đen đang rọi đèn pin xuống sân cỏ.
Tôi thấy hai người ấy cầm tay nhau bước tới bờ hồ. Họ dìu nhau ngồi lên tảng đá to. Bỗng, người giọng nam thủ thỉ:
– Emma! Anh muốn cưới em trong năm tới. Ý em thế nào?
Ồ, hóa ra người nữ kia là chị Emma! Chị đáp rất khẽ nên tôi không nghe rõ.
Giọng người con trai to hơn và rõ hơn hồi nãy; tôi nhận ra ngay anh là tiến sĩ Lucas:
– Anh nói thiệt, em không chấp nhận lấy anh thì anh sẽ gả em cho ông Rossi hoặc thằng nhóc con Po Martin đó!
Chị Emma giãy nảy lên. Chị nói hơi lớn, như muốn rót từng âm tiết vào không gian:
– Lạy Chúa! Ông Rossi già khú đế em lấy làm gì! Còn thằng Po kia thì mạnh khỏe thật đấy; nhưng da nó đen thủi đen thui. Lắm lúc vì màu da ấy, em có cảm giác nó dơ dáy thế nào! Em thấy nó “kinh” quá!
Anh Lucas khúc khích cười. Sau đó hai người trò chuyện thật nhiều, vừa đùa giỡn vừa ôm nhau. Nhưng tôi không muốn nghe thêm điều gì nữa. Hằng ngày, với bao tình cảm chân thành, tôi hay ngắm chị Emma. Tôi nghĩ chị được đào tạo hẳn hoi và có kiến thức hơn người. Tôi những tưởng chị có cảm tình với tôi. Bất giác tôi đưa hai tay lên bịt tai lại, nhón gót chạy nhanh về phòng, người run bấn lên.
Chú Antoine và bố André đang say giấc. Họ làm sao biết được tôi đang tủi thân và xót xa đến độ chẳng muốn ngó ngàng tới bất cứ điều gì trên đời này nữa. Đêm hôm ấy và nhiều đêm sau, tôi không sao chợp mắt được. Lòng đau như cắt. Hình ảnh chị Emma ngồi bên anh Lucas cùng những lời chanh chua, nanh nọc của chị đã ám sâu vào tâm trí tôi.
Trong nhiều ngày kế tiếp, tôi chẳng thể nào không để tâm quan sát chị. Tôi hiểu ra, chị rất lạ so với nhiều người khác. Rõ mười mươi chị chẳng ưa gì những người da đen như tôi. Tôi thử đưa thức ăn sáng từ tay chú Antoine sang tận tay chị, liền nhận ra chị miễn cưỡng cầm lấy, lát sau tìm mọi cách “nhường” ngay cho người khác.
Tôi khổ tâm lắm! Đã có lúc tôi tìm chỗ vắng ngồi khóc một mình. Tôi cố quên đi, nhưng chuyện đó cứ tiếp tục diễn ra ngay trước mắt tôi, cả trong giấc mơ của tôi nữa. Tôi gần như lúc nào cũng bị ám ảnh bởi những câu nói và ánh mắt khinh miệt của chị.
Thần linh ơi! Tôi biết làm sao đây? Tạo hóa đã “pha màu” lên da thịt tôi, hằng triệu người châu Phi vẫn vui vẻ sống hồn nhiên, chẳng lẽ tôi phải tìm cách thay đổi màu da thì mới thoát ra khỏi những thành kiến phi lý ấy hay sao?
Tôi lẳng lặng đem câu chuyện đó kể riêng với chú Antoine. Chú tỏ vẻ rất thông cảm. Chú bảo tôi cố quên chuyện xằng bậy đó đi. Chú nói thêm để tôi biết trên thế giới, chuyện phân biệt, kỳ thị màu da diễn ra hằng trăm năm qua như cơm bữa. Chú còn bảo xưa nay, dù biết bao nhân vật thiện tâm đã đem hết nhiệt huyết ra để thành lập hết đoàn thể này đến tổ chức nọ quyết phổ cập kiến thức, làm cho óc phân biệt chủng tộc vơi đi, nhưng hiệu quả chẳng là bao. Sau buổi trò chuyện, chú thân tình ôm tôi, hôn trán tôi, ra sức an ủi tôi.
Nhưng tôi trở nên trầm lặng, ít nói trong suốt mấy tuần liền. Một buổi trưa buồn bã, sau khi âm thầm rời bỏ mọi người, lang thang ngắm mây trời chán chê cho tới tận chiều, tôi lê gót quay về, áo quần xộc xệch. Chị Emma gọi tôi ra gặp riêng. Ở hành lang vắng, chị bật khóc, cầm chặt tay tôi:
– Po! Chị có lỗi với em. Chị không ngờ chị tệ thế. Tha lỗi cho chị!
Thấy tôi tỏ vẻ ngơ ngác, chị nói tiếp:
– Trưa nay chị tình cờ đọc hằng chục trang em viết trong cuốn sổ tay để quên trên bàn. Chị rất kinh ngạc vì em thật sự hiểu biết và rất nhạy cảm. Em giỏi hơn cả chị!
Nói tới đó, chị nghẹn ngào:
– Em tha thứ cho chị đi! Đúng là xưa nay chị có cảm giác hơi khó chịu khi ở cạnh những người da màu.
Lặng đi một lát vì xúc động, chị thân tình bá vai tôi:
– Nhưng chị biết chị sai rồi! Chị sinh ra trong một gia đình đã từng như thế nên chị vô tình mắc sai lầm. Khi hiểu tâm trạng của em qua những trang đó, chị thấy rất thương và thán phục em. Hằng khối người da trắng không có được trí óc sáng suốt và tình cảm chân thật như em. Đừng giận chị nữa, Po nhé!
Sau câu nói, chị cầm tay tôi thật chặt, như không muốn rời ra.
Thái độ chân tình của chị Emma chiều hôm ấy khiến tôi xúc động thật sự và cảm thấy an lòng.
Giữa lúc vườn hoa tâm hồn tôi còn e ấp đón nhận chút ánh sáng dịu dàng của tình người ấm áp, thì một chuyện oái ăm khác lại diễn ra. Trong chuyên mục tổng kết thời sự hằng tháng, Đài BBC bình luận rằng năm 1940 này là đỉnh cao các hoạt động quá khích của Đức Quốc Xã Hitler và phe Trục. Chúng đánh chiếm Đan Mạch và Na Uy vào tháng Tư. Chúng xâm lược Hà Lan, Bỉ và Luxembourg vào tháng Năm. Và trong tháng Sáu này, chúng ồ ạt tiêu diệt các đội quân Pháp và phe Đồng Minh. Đức nhanh chóng tiến sâu xuống phía nam, đồng thời Ý ngang nhiên tuyên chiến với Pháp. Trước sức mạnh của chúng, hơn hai nghìn phi cơ của Pháp, Anh và Bỉ đã bị bắn rơi, gần hai triệu binh lính Đồng Minh bị bắt, hằng trăm nghìn binh sĩ và dân thường bị thương vong. Chính phủ Pháp tháo chạy về Bordeaux. Paris đã thất thủ.
Nghe tin dữ, các thành viên đoàn chúng tôi hết sức bàng hoàng. Từ bố André, chú Pierre, anh Lucas đến chị Emma ai nấy đều khóc nức nở. Chú Antoine ôm lấy tôi khóc ngất. Sau khi gạt nước mắt, chú thều thào:
– Po ơi! Ta muốn quay về Paris. Ta muốn chết cùng Paris!
***
Đoàn chúng tôi về tới thủ đô nước Pháp sau một chuyến đi dài ngày thật nhọc nhằn. Trên chiếc xe Citroën 2CV cũ kỹ chạy cà gật cà tàng, mọi người tuy đã mệt nhoài nhưng cũng cố nghiêng đầu nhìn ra các con phố về chiều buồn bã. Phải qua nhiều trạm kiểm soát quân sự thì chúng tôi mới về tới trung tâm thành phố, nơi có vô số lính Đức canh gác.
Paris vào hạ, nhưng khí trời không quá nóng. Mùi xác chết và chất thải phất phưởng đó đây. Những bầy chó đói thi nhau lục lọi nơi các ngõ hẻm. Bọn Đức Quốc Xã nghênh ngang đi giữa lòng đường, tay lăm le khí giới. Mấy em bé đánh giày ngồi ủ rũ chờ khách vãng lai ở các lối ra vào. Đó đây, vài tiếng rao hàng khô khốc vang lên lạc lõng. Không gian Paris chìm trong u uất.
Bố André có lẽ là người bi quan nhất trong đoàn. Mới chừng mươi ngày kể từ khi nghe tin Paris thất thủ nhưng trông bố đã già sụ đi.
Trên đường về Paris, bố chậm rãi kể, bố có người con trai độc nhất, phục vụ ở binh chủng lục quân. Bố nói nếu anh ấy có mệnh hệ gì, chắc bố không sống nổi. Mọi người nghe vậy lo lắng nhìn nhau. Nhưng ai cũng lựa lời nói khéo. Chú Antoine cứ nhắc đi nhắc lại:
– Cam đoan với anh, thằng Benoît sẽ về nhà trong nay mai thôi!
Còn anh Lucas thì ôm bố tôi lại:
– Chú André ạ! Tôi tin rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Chúa sẽ mở ra cho chúng ta một cánh cửa. Nhất định cậu ấy không sao đâu!
***
Nhà bố André quả thật yên ắng, tối tăm. Nền gạch hoa bám đầy bụi đất dày cộm. Đến cả những kệ sách cũng đầy bụi bẩn và mạng nhện.
“Cũng phải thôi,” – chú Antoine kể, “bởi vì kể từ khi thằng Benoît quyết định bỏ nhà đi và anh em tôi lên đường đến tận châu Phi, nhà chẳng còn ai.” Bố André bảo, nếu mấy năm trước, bố cứ thui thủi ở nhà chứ không lên đường đi theo chú Antoine ngõ hầu thực hiện kế hoạch nghiên cứu của Hội Khảo cổ học Cộng hòa Pháp, hẳn giờ đây bố đã chết rũ trong đám bụi dày cộm ấy rồi.
Bố và chú là hai nhà khoa học được chính phủ Pháp tin tưởng. Đóng góp của cả hai đối với nền khảo cổ học thế giới và sử học Pháp tuy thầm lặng nhưng thật có ý nghĩa. Tôi đã tận mắt đọc những tập tài liệu và mấy cuốn sách dày dặn do chú và bố kỳ công nghiên cứu trên thực địa rồi biên soạn. Qua lời nhận định của các học giả đầy uy tín, tài sản tinh thần của hai người thật có giá trị.
Nhưng điều lạ là bố và chú không hề giống như nhiều người khác. Cho dù thành công vang dội, nhưng họ luôn khiêm tốn, ham học hỏi, gần gũi với cả giới bình dân và sống rất giản dị.
Tôi và bố cùng ở trong căn phòng nhỏ, kê chiếc giường một mét sáu và có nhà vệ sinh riêng. Còn chú Antoine ở phòng sau, gần nhà bếp.
Trong những ngày hạ buồn ảo não ấy, tôi là người gần gũi với bố André hơn bất cứ ai khác. Thấy bố quá ủ rũ, tôi cố an ủi và chăm sóc bố. Tôi thường dìu bố ra cổng để hít thở không khí thoáng đãng bên ngoài. Tôi tập điều khiển xe gắn máy cho thật vững vàng, rồi dùng xe ấy chở bố dạo quanh thành phố.
Đấy là chiếc xe hiệu H&W do một người Đức gốc Do Thái tặng và bố đã “cải tiến” để có thêm cái yên sau khá vững. Do thị lực bố hơi kém, tôi vừa lái xe, vừa miêu tả để bố biết cho dù Paris đã ở trong tay giặc, cho dù chiến tranh làm nhiều góc phố loang lổ vết đạn bom, thậm chí nhiều khu phố đã đổ nát, nhưng Paris vẫn giữ nét đẹp tiềm ẩn của một chàng trung niên sung sức; nét rắn rỏi đó không ai có thể cướp đi được.
Trong hơi gió hạ, mọi người ra đường khá đông. Dọc hè phố, những chiếc xe bán rau quả vẫn trưng hàng đầy ắp. Lại có cả những nhành hoa rực rỡ được chưng bán dọc các lối đi dành cho khách bộ hành.
Khi chầm chậm đi qua Arc de Triomphe (Khải Hoàn Môn) tôi miêu tả để bố biết nơi ấy đẹp lắm. Khải Hoàn Môn hùng tráng về chiều cao và sắc sảo trong từng đường nét hoa văn.
Khi lái xe chở bố đến đại lộ Foch rộng thênh thang, tôi nói để bố biết nơi đây thật tráng lệ, với mặt đường phẳng phiu, bóng loáng, và hai hàng cây um tùm xanh mướt kéo dài tít tắp ở hai bên.
Xe chạy miết đến nhà hàng A la Medre Catherine ở tận Montmartre, tôi miêu tả để bố rõ nhà hàng ấy hiện vẫn đông người vào ra.
Đứng xa ngắm nghía, tôi trầm trồ ngợi ca tháp Eiffel cao ngất, sừng sững uy nghi như mũi tên khổng lồ được vị thần trẻ trung giương lên để thị uy cùng các vì sao trên trời cao.
Bố André bật cười. Bố đấm khẽ vào lưng tôi, bảo tôi chỉ là thứ sử gia tầm thường đang học đòi làm nhà văn lãng mạn. Có lẽ đó là phút giây hạnh phúc nhất, thoải mái nhất mà bố con tôi có được sau quãng thời gian thần kinh vô cùng căng thẳng.
***
Một buổi sáng sớm, khi những làn gió thu vừa đủ se se lạnh, tôi chưa kịp tung người ra khỏi chăn đã nghe những tràng cười vang vọng. Ngẩng đầu lên, tôi ngạc nhiên trông thấy bố André tươi sắc mặt cầm tay một cậu thanh niên lớn hơn tôi chừng bốn năm tuổi. Anh ấy có râu quai nón, mắt óng ánh xanh. Tôi vội vã tung chăn, vuốt mặt, bước ra. Trong lúc tôi chưa kịp cất tiếng chào thì bố đã vui vẻ giới thiệu để tôi biết đó chính là anh Benoît.
Anh ấy chỉ nhìn lướt qua tôi mà không chào. Anh không hề hỏi han gì về tôi mặc dù bố nói rõ tôi là người bố nhận nuôi trong suốt mấy năm ở châu Phi. Bố còn bảo, nhờ có tôi mà chuyến đi dài ngày của bố trở nên có ý nghĩa. Bố khen trước mặt anh ấy rằng tôi rất thông minh, ham học, hiền và vô tư như trẻ thơ.
Trong những ngày kế tiếp, tôi luôn tìm cách tạo ra sự thân tình cởi mở giữa tôi với anh nhưng không được. Anh chẳng màng trò chuyện với tôi. Tôi có cảm giác anh coi tôi như không hề có mặt trong căn nhà sáu chục mét vuông ấy.
Chương 19
Ngày 1 tháng Mười Hai 1957 là một ngày đáng ghi nhớ đối với chị em phụ nữ Công Gô. Từ sáng sớm, dù trời đã bắt đầu nóng nực, trên các đường phố chính ở thủ đô, đâu đâu người ta cũng chứng kiến, ban đầu là hằng nghìn, rồi hằng vạn phụ nữ da đen nối nhau thành từng đoàn dài. Họ nắm chặt tay nhau thành vô số hàng ngang rộng, hăng hái biểu tình.
Họ vừa đi vừa giương cao các biểu ngữ:
CHẤM DỨT NGAY TÌNH TRẠNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ!
NHÀ LÀ MỒ HÔI, LÀ NƯỚC MẮT, LÀ MÁU, LÀ XƯƠNG, KHÔNG AI ĐƯỢC PHÉP CƯỚP NHÀ!
CHÚNG TÔI SẴN SÀNG ĐỔI MÁU LẤY NHÀ!
Bọn Force Publique đã có mặt từ rất sớm. Ban đầu chúng chỉ có hai tiểu đội. Sau đó cả trung đoàn. Rồi cuối cùng, chúng điều động cả sư đoàn đông đảo, lăm le khí giới. Tất cả sẵn sàng như ra trận.
Không ai có thể tưởng tượng ở đâu ra một số lượng phụ nữ đông đảo đến như vậy. Ai cũng biểu lộ quyết tâm cao độ. Họ hiên ngang đi giữa các đường phố chính. Với những câu biểu ngữ đầy sức mạnh cầm chặt và giương cao. Với những cánh tay hăng hái đồng loạt đưa lên. Với những câu khẩu hiệu vô cùng mạnh mẽ:
– Chúng tôi sẵn sàng đổi máu lấy nhà!
– Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!
– Chấm dứt ngay tình trạng phân biệt đối xử!
– Chấm dứt! Chấm dứt! Chấm dứt!
Blaise Sanchez đang lái xe Jeep trên đường Léopold. Nhưng mùi khói nồng nặc bốc ra từ hằng chục chiếc xe di chuyển quá chậm ngay trước xe anh khiến anh ngột ngạt. Cuối cùng anh tấp xe vào lề, mở cửa, lách người ra khỏi xe, tìm chỗ đứng thở cho đỡ mệt.
– Ông người Bỉ kia! – một người bên lề đường cất cao giọng bằng tiếng Pháp. Vô xe đi! Coi chừng người ta tìm đá ném chết ông đó!
Blaise mỉm cười:
– Không sao đâu bố già ơi! Người ta không làm thế đâu!
Bước đến cạnh ông lão, Blaise nói tiếp:
– Nhìn là tôi biết. Họ có tổ chức đàng hoàng. Họ không làm bậy đâu!
Lão già hiếu kỳ nhìn kỹ anh từ đầu tới chân rồi cười xòa.
Phải đến hơn nửa tiếng đồng hồ sau, lúc đoàn biểu tình đã lần lượt đi qua hết, chỉ còn những âm vang càng lúc càng xa dần, anh Blaise mới bắt đầu nổ máy, nhấn ga, rồ xe đi.
Anh không hề biết, lúc mười một giờ, tám phụ nữ đã bị bắt. Bọn Force Publique gồm mấy sĩ quan Bỉ và đông đảo lính bản địa đã dùng vũ lực uy hiếp, bắt trói những người phụ nữ da đen tóc xoăn giống họ. Chúng vừa quát tháo, vừa xồng xộc giải họ đi. Chúng muốn chứng tỏ sức mạnh của kẻ thống trị.
Nhưng chúng đã lầm.
Trong căn phòng rộng, tốp ba phụ nữ đầu tiên vừa được dẫn vào. Trước mặt họ là ba người Bỉ mặc quân phục. Tên nào tên nấy đằng đằng sát khí.
Một tên hất hàm quát bằng tiếng Pháp:
– Chúng bay muốn gì mà dám hành động ngang tàng như vậy?
Chẳng ai trả lời.
Hắn nhắc lại câu hỏi. Cũng chẳng ai đáp. Hắn đập bàn, chỉ mặt một bà chị có vẻ ngoài cao to và lớn tuổi nhất trong ba chị em:
– Sao không trả lời câu hỏi của tao? Hử?
Người phụ nữ giương mắt nhìn. Ánh mắt chị thật thản nhiên.
Tức tối không chịu nổi, tên sĩ quan Bỉ đập tay xuống bàn, miệng rống lên:
– Tụi bay câm cả rồi à? Hay tụi bay muốn roi vọt?
Tất cả im phăng phắc. Vậy là lần thẩm vấn thứ nhất thất bại.
***
Mười sáu giờ. Người phụ nữ cao lớn lại được dẫn đi. Người ta đưa chị vào, không phải tại căn phòng đã thẩm vấn lúc trưa, mà tại căn phòng bề thế của ông Maxime Peeters.
Tay này giữ chức Phó tổng tư lệnh Forte Publique. Gã thong thả rót trà ra trước mặt người phụ nữ. Rồi gã từ tốn thưa, bằng tiếng Pháp:
– Xin mời chị dùng tý trà.
Người phụ nữ giữ im lặng.
Peeters nói rất khẽ:
– À! Chị chắc bằng tuổi chị tôi rồi. Tôi cũng có một người chị rất dễ thương. Chị ấy có đôi mắt đen tuyền giống chị. Xin lỗi, chị tên gì vậy?
Người phụ nữ cất tiếng nói:
– Mimi ni Congo. Nasema Congo Kiswahili. Sina Ubelgiji.
Peeters lại cười. Gã cũng sử dụng tiếng Công Gô Swahili để trả lời:
– Dạ, chị muốn nói: Chị là người Công Gô. Chị nói tiếng Công Gô Swahili. Chị không phải là người Bỉ. Tôi hiểu ý chị mà. Giờ chúng ta trò chuyện một chút chị nhé.
Người phụ nữ nhíu mày:
– Tôi không hề quen biết ông.
– Vợ tôi cũng là người Công Gô. Tôi rất thương mến chị em phụ nữ Công Gô. Tên đầy đủ của chị là gì nhỉ?
– Ông đừng nói vòng vo – người phụ nữ đáp. Tên tôi là Bất Khuất.
Peeters trầm ngâm:
– Tên gì kỳ vậy? Chị đừng đùa!
– Không đùa. Tôi là Bất Khuất. Ông cứ ghi biên bản vậy đi.
– Tôi có ghi chép gì đâu. Tôi rất tôn trọng chị. Nhà chị ở đâu vậy?
– Tôi ở trong lòng dân tộc Công Gô.
– Chị hãy trả lời đàng hoàng đi.
– Tôi đã trả lời rồi.
– Xin lỗi, tôi thấy chị quá cứng rắn. Thế, chị ở tổ chức nào?
Người phụ nữ trả lời một cách đanh thép, bằng chính tiếng nói của dân tộc chị:
– Tôi bị người Bỉ các ông ép buộc ra khỏi nhà một cách cực kỳ phi lý; vì vậy, tôi đứng lên đấu tranh đòi lẽ công bằng. Tất cả những người trong đoàn biểu tình đều một lòng như vậy. Tất cả đều tuân theo mệnh lệnh của trái tim. Các ông thấy họ quá đông ư? Lý do nằm ở người Bỉ các ông thôi: Số người bị áp bức càng nhiều, thì số người biểu tình càng đông!
– Chị ơi! Chị nói vậy e không được cụ thể. Nhà chị ở đâu, tên của những người trong gia đình chị là gì? Chị nên nói rõ những điều ấy để cấp trên biết mà xem xét!
– Ông đừng lừa tôi. Tôi đấu tranh cho hằng vạn người dân cùng hoàn cảnh như vậy chứ không phải riêng tôi. Về mặt pháp lý, ông không hề liên quan và cũng không hề có thẩm quyền gì trong chuyện xem xét chúng tôi đi hay ở.
Peeters đuối lý. Lần này gã tỏ ra bối rối thật sự. Cuối cùng, gã nói:
– Thôi được. Chúng ta sẽ trò chuyện dịp khác. Mời chị uống trà kẻo nguội rồi về phòng đi.
- Tên gọi loài người hiện đại là homo sapiens sapiens (loài người cực tinh khôn); tuy nhiên, trong phạm vi tiểu thuyết này, tác giả gọi đơn giản là homo sapiens cho gọn (chú thích của tác giả).
- Tên gốc của cuốn sách tiếng Đức này là: Der Weg zum Siege des Germanenthums über das Judenthum.
- Tên gốc của cuốn sách tiếng Pháp này là: L’Essai sur l’inégalité des races humaines.
- Tên gốc của cuốn sách tiếng Đức này là: Also sprach Zarathustra.
- Nein! Absolut nicht! (tiếng Đức): Không! Ngàn lần không! (Đây là lối chơi chữ của người đẹp Lou Salomé do sự đồng âm của từ Nietzsche và từ Nicht; chú thích của Po).