Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận (chương 20, 21, 22)

416

Chương 20

-Bố ơi! Giả sử có ai đó, mặc dù mình đã tỏ ra thân tình với họ trong thời gian dài, nhưng họ chẳng coi mình ra gì, thì làm sao?- một buổi sáng, tôi cầm tay bố André hỏi.

Bố nở nụ cười cho tôi vui, rồi đáp:

– Con hãy dành cho người ấy một tuần. Và trong tuần lễ đó, nếu họ không có bất cứ thay đổi nào thì con được quyền xem họ như không hề hiện diện trong mắt con nữa.

Tôi mỉm cười, thực hiện y như bố dặn. Một tuần sau, tôi bắt đầu nói nói cười cười với chú Antoine và bố André gần như suốt buổi, hệt như thời gian trước đây, khi chưa có anh Benoît. Những lúc bố khỏe lên, tôi lại dắt xe ra, chở bố đến những nơi bố thích.

Càng trò chuyện với bố, tôi càng khâm phục bố vô cùng.

Ngày xa xưa – bố kể – bố và chú Antoine sinh ra trong chính căn nhà ấy. Nhưng do song thân mất sớm, cả hai chẳng biết nương tựa vào đâu. Cũng may, họ kiếm được học bổng toàn phần vào đại học. Mãn khóa, họ được giữ lại làm giảng viên. Năm 30 tuổi, bố cưới vợ. Năm 32 tuổi, bố có con. Nhưng mẹ anh Benoît đau ốm liên miên. Bà từ giã cõi đời khi anh mới lên năm.

Đời bố André quả là gian truân. Qua lời tâm sự của chú Antoine, tôi biết thêm rằng có những năm, vì túng thiếu, ngoài tám tiếng đồng hồ làm việc tại trường, bố còn phải nhận giao báo hằng ngày cho các quầy bán lẻ. Từ bốn giờ sáng, khổ nhất là vào những tháng tuyết rơi hoặc mưa gió thất thường, bố và chú đã rời khỏi nhà trên hai chiếc xe đạp lọc cọc để đi giao báo thật sớm cho người ta.

Trong việc dạy dỗ anh Benoît, bố gánh chịu bao nỗi phiền lòng. Ngay từ tấm bé, anh đã ương ngạnh và thiếu trung thực. Chỉ việc anh hay nói dối vặt cũng khiến bố khổ tâm. Anh học tàng tàng bậc tiểu học rồi theo chúng bạn lêu lổng, chơi bời. Trong lúc bố và chú hăng say với các dự án lớn đóng góp cho đất nước thì anh nằng nặc đòi đi lính để thỏa mộng giang hồ.

Chú Antoine bảo bố đi châu Phi một phần vì công việc, một phần để giải tỏa tâm trạng u buồn. Chú nói, kể từ khi có tôi bên cạnh, đời sống tinh thần của bố đã khá hơn rất nhiều. Chú còn bảo hiện giờ tôi đã 23 tuổi, bố cho rằng tôi đã có vốn liếng căn bản chương trình trung học phổ thông, lại có khả năng tự học, vì vậy, khi nào tôi chính thức tới trường thì bố mới thật sự yên tâm.

Một buổi chiều, tôi và bố đi dạo về, đang chầm chậm bước vào nhà thì một chiếc xe nhà binh của bọn Đức dừng ngay trước cổng. Bố và tôi ngoái đầu nhìn ra, thấy một ông sĩ quan hơi lớn tuổi từ trên xe nhảy xuống. Bên hông ông có khẩu súng ngắn. Ông nện gót giày xuống nền đường, hấp tấp bước vào.

Ngạc nhiên, bố André cất tiếng hỏi:

– Ngài sĩ quan! Xin lỗi, ngài có việc gì vậy?

Chẳng hiểu nghĩ sao, ông sĩ quan Đức bật cười. Ông phát âm tiếng Pháp khá chuẩn:

– Cậu không nhận ra tôi sao?

Bố André tỏ ra ngơ ngẩn:

– Xin lỗi, ngài đây là…

Ông kia lại cười:

– Cậu quên tớ rồi à?

Chợt nhận ra bạn bè, bố André reo lên:

– Ôi! Deiter Müller! Cậu mặc quân phục lạ lùng thế, ai nhận ra cậu được!

Ông sĩ quan chừng năm lăm tuổi cười xòa:

– Ha ha ha! Cậu già rồi, hay quên cũng phải! – ông vừa nói vừa ôm ngang thắt lưng bạn, đi dần vào bên trong. Nào! Có gì dọn ra cùng lai rai đi! Hãy mừng cho cuộc hội ngộ hy hữu của bọn mình chứ!

Tôi lặng lẽ bước vào phòng riêng. Khi đi chừng mười mấy bước chân, tôi nghe có ai đó gọi rất khẽ “Po! Po! Po!”. Tôi im lặng. Chẳng bao lâu, âm thanh ấy vang lên khẩn thiết: “Nè, Po! Po! Po…”

Ồ! Thì ra anh Benoît. Tôi đoán anh ấy đang run lập cập tại chỗ ẩn nấp. Tôi liền bật cười và nói rõ để anh biết chú Deiter, bạn bố ghé chơi.

Tảng sáng, vừa thức giấc, chú Deiter đã háo hức lê bước khắp nhà:

– Anh Antoine và thằng Benoît đâu? Thức dậy đi! Thức dậy đi nào!

Thì ra cả đêm, khách và chủ nằm bên nhau tha hồ hàn huyên.

Tôi bước ra, đã thấy bố André ngồi bật dậy, mặt tươi rói. Bố rủ chú Deiter và chú Antoine sang thăm thầy Albert Kahn nào đó ở tận Boulogne-Billancourt.

Trước mặt mọi người, bố vỗ vai tôi, nói lớn:

– Po, ăn mặc tươm tất vào! Ta muốn con cùng đi!

***

Người mà cả bố André lẫn hai chú Antoine và Deiter tỏ ra vô cùng kính nể là một cụ già tám mươi tuổi. Cụ sống trong căn phòng khá hẹp nhưng đầy đủ tiện nghi. Căn phòng ấy được xây bên cạnh một khu vườn rộng đến mức muốn đi và ngắm cho hết có lẽ phải mất tới hai ba ngày.

Một người làm vườn cho tôi hay thật ra đó là ba khu vườn bao gồm vô số loài hoa được tuyển lựa kỹ từ Anh, Pháp và Nhật. Do sự hòa điệu độc đáo như vậy, nên mọi người gọi chúng là Les Jardins du Monde, coi đó là nơi sống chung hòa hợp của nhiều sắc màu văn hóa khác nhau.

Lúc chúng tôi bước vào phòng, cụ vừa dùng trưa xong. Cụ cầm tay chú Deiter, trêu đùa vô tư:

– Thằng Deiter này khá đấy! – cụ nhìn sâu vào mắt chú ấy. Nhưng cậu ở bên cạnh các lãnh tụ Đức Quốc Xã mà không sợ bọn họ “làm thịt” sao?

Chú Deiter hơi nghiêm nghị:

– Thưa thầy, hiện nay con đang phục vụ dưới trướng thiếu tướng Erwin Rommel. Con thấy vị tướng ấy rất được lòng binh sĩ. Ông ta không hề ủng hộ quan điểm bài Do Thái của ông Adolf Hitler, thầy ạ.

– Ôi, quan điểm này, học thuyết nọ, chán ngấy!… À, hai đứa rửa sạch mấy thứ trái cây trên bàn, đem ra vườn, cùng vui chơi, trò chuyện cho thoải mái đi!

Vừa nói dứt câu, cụ đã toan đứng dậy. Bố André nhanh nhẹn tìm con dao gọt trái cây. Rồi bố nói:

– Thưa thầy, con giới thiệu với thầy thằng nhóc nhà con: Thằng Po Martin. Nó là con nuôi của con.

Cụ Kahn quay sang nhìn tôi. Tôi khẽ cúi đầu chào. Dường như để khỏa lấp sự e dè của tôi, bố André tiếp lời:

– Thầy biết không, con khoái nhất là các vũ điệu hùng tráng của bộ tộc Blasensenla. Có lúc, ngay chính giữa phòng xử án của người Anh tại Đông Phi, Po hồn nhiên nhảy múa tưng bừng khiến ai nấy ngẩn ngơ nhìn nhau không biết phải làm sao!

Cụ Kahn hơi nhíu mày:

– Blasensenla?

Chú Antoine đỡ lời:

– Dạ, đó là bộ tộc cười và nhảy. Theo con biết, người Blasensenla thật giản dị và thuần khiết. Đối với họ, sống có nghĩa là vui chơi, là cười và nhảy, là yêu thương đùm bọc nhau. Họ rất lạ lẫm với những toan tính và sự bận rộn quá mức của người châu Âu chúng ta, thầy ạ.

Cụ Kahn tròn đôi mắt:

– Ôi, tuyệt! Dường như nếu vứt bỏ đi cái mà chúng ta thường hay gọi là nền văn minh, có khi con người còn được sống hồn nhiên hơn và do đó sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều đấy!

Chương 21

Gần như đêm nào cũng vậy, sau khi say mê đọc lại từng trang xấp tài liệu do cô em vợ dịch, dõi theo cuộc đời lưu lạc kỳ lạ của Po Martin cho tới tận khuya, Blaise đánh một giấc ngon lành.

Nhưng đêm qua không hẳn thế. Ngày hôm qua anh nhận được cùng một lúc hai bức thư tình của Rosa và Linda. Và thế là giấc ngủ của anh cứ chập chờn, đầy mộng mị. Anh nhớ tới Rosa, nhớ giọng hát ngọt ngào và những giây phút ngất ngây hôn hít nhau rồi cùng nằm dài bên bờ sông Công Gô. Anh nhớ cô nàng Linda đáo để với bức thư thấm đẫm nước mắt viết từ Langley, Bang Virginia – bức thư ấy anh cầm chặt trong tay, không muốn rời xa. Rồi anh lại thiu thiu ngủ. Bên ngực trái anh, con tim yêu đương vẫn đập rộn ràng.

Dường như có tiếng bước chân Imani qua lại trước phòng. Anh thức giấc, khẽ giật mình. Nhưng anh chợt nhớ ra mình đã cài chốt cửa cẩn thận rồi.

Đột nhiên, ngay dưới gối anh, tiếng lạo xạo của mấy trang giấy nào đó cứ vọng lên khiến anh hơi khó chịu. Dưới ánh đèn ngủ lập lòe, anh tìm thấy tờ nhật trình ngày 2 tháng Mười Hai 1957 kèm bức ảnh to choán nửa trang nhất. Đó là bức ảnh ký giả chụp để đưa tin Léopoldville xảy ra vụ biểu tình quy mô lớn. Disanka hiện diện ngay trên mặt báo cùng với mấy gương mặt khác trong đoàn biểu tình. Cánh tay phải của cô đưa cao lên. Miệng như đang hô vang mấy câu khẩu hiệu. Đôi mắt cô sáng quắc. Bức ảnh chẳng sắc sảo gì, nhưng người ta dễ nhận diện cô.

Cảm thấy bồn chồn lo lắng, anh vội nhấc điện thoại, quay số gọi tới nhà Disanka. Ở đầu dây bên kia, chuông đổ liên hồi, nhưng không ai cầm máy.

Blaise cảm thấy bất an. Anh cố quay số vài lần nữa. Nhưng vô ích.

Anh lẳng lặng giấu kỹ mấy bức thư tình, rồi bật cửa bước ra, tay cầm tờ nhật trình. Đứng sát lưng vợ, anh đột ngột nói:

– Imani! Anh lo cho Disanka quá!

Vợ anh quay lại, cầm tờ báo xem. Mặt cô biến sắc. Rồi cô nói bên vai chồng:

– Chúng ta phải làm gì để cứu Disanka chứ? Em linh cảm nó bị bắt!

Cô bước vào phòng chồng, nhấc điện thoại quay số gọi. Cô thoáng mừng khi nghe giọng ông Ilunga ở đầu dây bên kia:

– A-lô?

– Dạ, con đây.

– Imani hả con? Chú rất lo. Đã ba ngày rồi, Disanka vẫn chưa về nhà.

– Con vừa loáng thoáng biết tin nên gọi chú đây. Thôi được, chú yên tâm. Ông xã con sẽ liệu cách.

Ngay sáng đó, Blaise tìm cách liên lạc với vài người trong giới an ninh mà anh quen. Trong danh sách đó có Maxime Peeters.

Giọng gã ấy ồ ồ trong máy:

– A lô, tôi nghe đây.

– Cậu đấy à? – Blaise cẩn thận hỏi.

– Ối, trời! Thằng thị dân Paris hả? Đã lâu lắm tớ mới nghe giọng cậu.

Blaise tình thiệt hỏi:

– Cậu có tin gì về Disanka không? Disanka bạn thân của vợ cậu ấy mà!

– Biết rồi, nhưng ý cậu ra sao, cứ nói đi!

– Hôm bữa Disanka có mặt trong đám đông. Cậu quan tâm giúp cô ấy nhé!

Maxime đột nhiên cúp máy. Blaise đoán là do không bảo đảm an toàn cho cả hai khi trò chuyện qua điện thoại, nên cậu ta làm thế.

Mấy ngày sau, Maxime gọi tới cũng vào sáng sớm.

– Tớ báo cậu biết: Cô ấy khùng rồi! – gã nói gọn lỏn.

– Cậu nói gì kỳ vậy? – Blaise cau mày.

– Đã có lệnh tha bổng ba người. Hai người kia mừng rỡ về ngay; nhưng cô ấy đòi ở lại. Tớ cúp máy đây.

– Ồ, vậy sao…

Blaise cảm thấy bức bối, khó chịu trong lòng. Anh bước ra, tâm tình ngay với vợ.

Imani chặc lưỡi liên hồi. Rồi cô nói :

– Thôi, đành vậy. Dẫu sao vợ chồng mình cũng đã ra mặt giúp nó rồi. Cầu mong Chúa thương xót. Anh đừng lo lắng gì thêm. Em hy vọng nó không sao!

Lòng vẫn xót xa, Blaise thất thểu bước vào phòng.

Anh đứng lặng bên chiếc tủ đầu giường một hồi lâu, rồi cất lời cầu nguyện trước cây thánh giá:

– Kính lạy Đức Chúa Trời Ba Ngôi là Đấng yêu thương con và là Đấng ban cho chúng con sự cứu rỗi.
Hôm nay con cầu xin Chúa nhớ đến những người phụ nữ khốn khổ đang chịu sự áp bức như Disanka. Cầu xin Chúa đến giải cứu các chị em con và ban cho họ sự bình an dù rằng họ đang ở trong thử thách. Amen.

 

Chương 22

Như thể tình cảm đã ươm mầm từ trăm năm trước, kể từ khi đặt chân tới căn phòng ấm cúng của cụ Albert Kahn, tiếp xúc thân tình với cụ và cùng đi dạo quanh những khu vườn muôn sắc rộng mênh mông, tôi cứ ao ước được quay trở lại.

Tôi bị cuốn hút bởi vẻ thoáng đãng và thi vị của Khu vườn kiểu Nhật đầy hoa anh đào với hai ngôi nhà nhỏ, cùng ngôi chùa mái ngói và gian trà để đắm mình trong không gian trà đạo. Tôi thích thú với Khu vườn kiểu Pháp, nơi gam màu xanh lá cây choáng ngợp không gian cùng vô số đóa hoa hồng khoe sắc – loài hoa này thật tuyệt: nó không những đẹp về đường nét và màu sắc, mà còn toả hương thơm ngát. Tôi say mê với Khu vườn kiểu Anh với đủ loại cây ra hoa: hoa hồng, hoa tulip Anh, hoa lily nguồn gốc trung cổ Trung Hoa và hoa freesia…

Khi ở đó, tôi bị mê hoặc bởi hằng trăm phiến lá vàng lững lờ trôi trong gió như báo hiệu một mùa thu Paris đang rón rén lại gần. Thì ra, dẫu Paris bị Đức chiếm đóng, cuộc sống mọi người hết sức bấp bênh và ảnh hưởng của cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa vơi hẳn, song chúng tôi đã có những giờ phút bên nhau vô cùng đầm ấm.

Một hôm, tại Forêt Bleue (Rừng Xanh, đây là tên do cụ Albert Kahn tự đặt), dưới bóng những cây tùng Atlas, bố André chậm rãi kể cho tôi hay về mối quan hệ giữa bố và cụ. Bố bảo, bố gặp cụ lần đầu tiên vào năm 1920, khi bố tròn bốn mươi tuổi. Cụ đến trường sư phạm, nơi bố làm giảng viên đặng đề xuất thành lập một trung tâm gọi là Trung tâm Tư liệu Xã hội Trường Đại học Sư phạm. Trung tâm do cụ đài thọ nhằm thu thập và cung ứng tư liệu cho các nhà khoa học.

Bố nói, đời cụ ngay từ ấu thơ cũng chẳng suôn sẻ gì. Mười tuổi, mồ côi mẹ. Mười chín tuổi, phải giúp việc tại một chi nhánh ngân hàng nhỏ để có tiền sinh nhai. Song, nhờ cần cù và thông minh, ngày làm đêm học, Kahn đã vượt qua nhiều trở lực. Cụ tham gia đầu tư chứng khoán tại các công ty vàng và kim cương Tranvaal, sau đó mạnh dạn thành lập ngân hàng riêng rồi đầu tư tài chính vào Viễn Đông, chủ yếu tại Nhật.

Nhờ thành công trong lĩnh vực ấy, cụ dần dần có được tài sản lớn, trở thành một trong những nhà tài chính danh tiếng nhất châu Âu.

Bố bảo, cụ có đời sống tinh thần phong phú, say mê với những vẻ đẹp tâm hồn và đặc biệt chán ghét chiến tranh. Đặc sắc nhất ở cụ là suốt 22 năm đằng đẵng, cụ đã say sưa với cách chơi vô cùng độc đáo. Sau một chuyến đi Nhật về, cụ nhận thấy ảnh chụp đen trắng không mấy bắt mắt; nghe mới ra đời kỹ thuật autochrome tráng ảnh màu, cụ liền tung tiền ra mua hàng loạt máy ảnh. Rồi cụ cho sắm thêm hằng trăm máy quay phim. Cụ đề ra một dự án mang tên Kho lưu trữ hành tinh. Cụ giao cho một nhiếp ảnh gia lừng danh làm chủ quản, hình thành mạng lưới cộng tác viên ở 60 quốc gia từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi. Kết quả: Năm 1931, “bố già Kahn 71 tuổi” đã có trong tay 72 ngàn tấm ảnh màu và 183 ngàn thước phim tư liệu. Trong kho lưu trữ đồ sộ đó, đặc sắc nhất là các đoạn phim và những tấm ảnh tố cáo tội ác chiến tranh, phơi bày thực trạng các nước mạnh tranh ăn và bức hại các nước yếu, cảnh người dân đói khổ vô cùng tận tại châu Phi lẫn châu Á và sự cách biệt xa ngút ngàn giữa những kẻ thừa ăn và những người đói rũ tại những nước thường hay vỗ ngực tự xưng là “văn minh”.

Điều khiến bố luôn hàm ơn cụ là trong cơn đại khủng hoảng kinh tế, lúc bố và chú Antoine đói meo không còn gì để ăn, cụ chính là người đem tới tận nhà bố từng bao bột mì, từng gói thịt ướp muối, từng đồng francs.

Tận mắt thấy bố rưng rưng bày tỏ lòng yêu quý cụ Kahn như vậy, tôi rất xúc động.

Những ngày tháng Chín, tháng Mười năm ấy trôi qua êm ả. Cụ Kahn mời chúng tôi đến ở lại chơi nhiều lần nữa, chủ yếu vào cuối tuần. Chính qua những lần đó, tôi dần dần hiểu ra đời sống tâm linh của gia đình Do Thái là thế nào.

Mỗi khi đến giờ làm lễ, cụ khẽ chào chúng tôi, rồi khoác vai chú Deiter bước vào nhà nguyện. Tại đó, tôi để ý thấy có sẵn vài người phụ nữ ăn mặc tề chỉnh, thắp nến sáng rực. Cụ và chú quàng khăn choàng rộng, đội mũ kippah, đến đứng nghiêm trang trước chiếc kệ phủ khăn trắng. Họ lật xem rồi cùng đọc to một đoạn kinh Torah.

Họ cầu nguyện ba lần mỗi ngày như thế và tới bốn lần trong ngày lễ Sabbath hoặc các ngày lễ khác.

Đến giờ ăn tối, chúng tôi cũng được mời vào. Bữa ăn bắt đầu với Kiddush, lời chúc lành trên chén rượu, và Mohtzi, lời chúc lành trên bánh mì. Ngoài rượu và những ổ bánh mì ấy, trên bàn ăn trang trọng bày thêm challah, những ổ bánh mì xoắn.

Do sự gần gũi và hiểu biết nhau đến mức như vậy, giữa chúng tôi và gia đình cụ Kahn gần như chẳng còn khoảng cách nào. Tôi biết, cụ không hề coi tôi là kẻ xuất thân từ bộ tộc kém văn minh. Và chính vì thế, tôi coi nhà cụ chẳng khác nhà bố André. Tình cảm giữa tôi và cụ ngày càng thắm thiết.

***

Tháng Mười 1940, Paris vẫn chẳng có gì lạ ngoài những lời than vãn của các thị dân và nỗi u uất bao trùm lên toàn thành phố.

Họ đau buồn là phải, vì hằng ngày vừa mở mắt ra đã chứng kiến cảnh binh lính Đức nghênh ngang qua lại như một biểu tượng nói lên sự thất bại ê chề của nước Pháp. Đó là chưa kể, các phi cảng đều bị trưng dụng cho chiến tranh. Các trường học vẫn đóng cửa. Các bệnh viện dân sự bị bỏ bê. Ngoài mặt, người dân cố giữ vẻ bình thản, nhưng kỳ thật trong lòng họ vẫn là nỗi khắc khoải và sự chống đối ngấm ngầm.

Vào lúc này, việc đánh bại Pháp đã đưa vị quốc trưởng máu lạnh Hitler đến đỉnh cao quyền lực ở vị trí chủ nhân ông của châu Âu lục địa, biển Baltique và vịnh Biscay. Trở về Berlin sau chuyến đi Paris cuối tháng Sáu vừa qua, uy tín của hắn đã lên tới đỉnh. Hắn tự xem là thiên tài quân sự. Hắn hùng hổ tuyên bố Đức Quốc Xã sẽ tiếp tục thể hiện sức mạnh trước mọi kẻ thù.

Nhưng chiến tranh mặc chiến tranh. Điều lý thú là ở đâu đó, đằng sau các thân cây to sụ, các quán bar thưa người, các quán cà phê vắng vẻ hay các bãi bờ hoang vu, gái trai vẫn kín đáo hẹn hò. Trong một bữa ăn trưa, chú Antoine nói vui rằng, dù chiến tranh có ác liệt tới đâu, loài người và các sinh vật khác vẫn nỗ lực sinh sôi. Và, bất ngờ, ngay chiều hôm đó, chúng tôi nhận được thiệp hồng của anh Lucas và chị Emma, đôi trai tài gái sắc của đoàn khảo cổ chúng tôi.

Khi chúng tôi tới dự lễ cưới của họ tại Seine-Saint-Denis, mọi người ngỡ ngàng phát hiện ra chị Emma đã có thai từ khi còn ở Công Gô. Cô dâu chú rể vui mừng cầm tay từng vị khách. Sau buổi lễ chính thức tại nhà thờ, họ mời cả nhóm chúng tôi về tiếp tại nhà.

Xong tiệc rượu, đôi vợ chồng tiễn chân chúng tôi ra tận mặt lộ. Trước khi tôi ra về, chị Emma cầm lấy bàn tay tôi y như lần ở Công Gô, vui vẻ nói :

– Mới mấy tháng mà trông em lớn hẳn! Chị thích em tiếp tục nghiên cứu sâu về lịch sử. Đi theo hướng đó, em sẽ thành công, Po ạ.

Rồi chị cười. Nụ cười hồn nhiên của chị chẳng hiểu sao cứ đeo đẳng trong tâm tư tôi suốt mấy đêm liền.

Rời khỏi Seine-Saint-Denis, chúng tôi về tới nhà khi trời đã tối. Anh Benoît nằm say bí tỉ. Bên cạnh giường anh còn có một phụ nữ tỏ ra rất thân thiết với anh. Chị có gương mặt trái xoan, trang điểm lòe loẹt, nhưng chắc hơn anh chừng vài tuổi. Chị chào mọi người với nụ cười gượng gạo.

– Cô là bạn con trai tôi à? – bố André hỏi, có hơi lớn giọng. Thằng Benoît say từ lúc nào?

Chị ấy quàng tay che bụng, thưa :

– Dạ, thưa bác. Anh ấy uống rượu ở đâu không rõ. Nhưng khi đến quán của cháu thì anh đã say mèm. Cháu sợ anh gặp nạn trên đường đi, nên hỏi thăm bạn bè tìm cách đưa về đây.

– Tôi cảm ơn cô đã chăm sóc con trai tôi – bố André thẳng thắn nói. Nhưng tôi không hiểu giữa cô và con tôi quan hệ thế nào.

Chẳng chút ái ngại, chị ấy đáp:

– Dạ, chúng con ăn ở với nhau kể từ khi đội quân của anh Benoît đồn trú gần quán của con.

Tôi thấy gương mặt bố đanh lại. Chẳng nói chẳng rằng, bố đi thẳng ra nhà sau, vô tình để lại tôi và chú Antoine đứng sững, chẳng biết nói gì.

Vào một ngày cuối tháng Mười năm ấy, lễ cưới của chị chủ quán bar và anh cựu chiến binh Benoît được tổ chức khá vội. Sau phần nghi thức tại nhà thờ, một số bạn bè được anh chị mời tới tận nhà. Tôi thấy vẻ mặt bố và chú buồn vời vợi. Chính cái thai của chị ấy khiến bố và chú phải gấp rút đứng ra tổ chức vụ đám cưới miễn cưỡng này.

Khi khách ra về hết, trong lúc cô dâu chú rể mải mê đùa giỡn và chăm sóc nhau, tôi chính là người thật sự đồng cảm với bố và chú. Tôi ra sức an ủi cả hai. Đến bên giường chú, tôi cầm tay, ân cần nói:

– Con biết chú cũng buồn. Nhưng con tin rằng khi chú vượt qua mọi chuyện thì bố con mới có thêm được sức mạnh tinh thần và một nguồn an ủi ngay bên cạnh.

Liều thuốc giải của tôi gần như có hiệu nghiệm ngay. Hai ngày sau, tôi thấy gương mặt chú Antoine tươi tắn trở lại. Còn bố thì gật đầu, chịu ngồi lên chiếc xe gắn máy để tôi đưa đi dạo như trước.

***

Chú Deiter trở lại với chúng tôi đúng thời điểm ấy cùng bố mẹ chú. Chú thông báo để mọi người hay rằng ở Hà Lan hiện nay tình hình rất căng thẳng. Hai tuần vừa rồi chú phải về Hà Lan gấp rút đưa ông bà sang Paris. Chú còn tâm sự để bố André thông cảm cho ông bà ở lại lánh nạn một thời gian.

Tôi sực nhớ ra, Hà Lan đang bị Đức thống trị hà khắc. Chúng đang ráo riết truy bắt người Do Thái.

Ngay tối hôm ấy, ông bà Müller được sắp xếp ngủ trên chiếc giường rộng của bố. Bố và tôi có cơ hội ra trước hiên nhà trải tấm toan-đờ-tăng nằm trò chuyện một hồi rồi ngủ luôn.

Hằng đêm, trước khi ra đó, tôi thường tình cờ chứng kiến một cặp già, rồi một cặp trẻ rủ nhau lên giường. Tôi thầm mong, dẫu tạm bợ và mong manh, dẫu u uất và nghiệt ngã, nhưng đằng sau các tấm rèm kia chỉ toàn là hạnh phúc. Vậy là Paris, ngoài những lời than vãn, những ánh mắt u buồn, sự chịu đựng và nỗi uất hận, đó đây vẫn duy trì bao tình cảm ấm áp và những cuộc sinh sôi.

 

 1.Freesia là loại cây nhỏ du nhập từ miền nam châu Phi, thuộc họ diên vĩ (iris family), có hoa thơm, hình ống, với nhiều màu sắc khác nhau.

 2.Tên gốc tiếng Pháp là: Le Centre de Documentation Sociale de l’ENS (chú thích của Po).

 3.Tên gốc: Les Archives de la Planète (chú thích của Po).

 4.Từ mượn của tiếng Pháp: Toile de tente (vải lều để cắm trại).