Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận (chương 23, 24, 25)

261

Chương 23

Một hôm, người láng giềng khuyên tôi đến dự buổi sinh hoạt Hội những người ngoại kiều nói tiếng Pháp. Nghe nói, hội quy tụ nhiều trí thức Paris danh tiếng và rất đông ngoại kiều.

Khách đến dự không đông lắm, có lẽ vì người Pháp sợ bọn Đức phát hiện. Chủ đề họ đưa ra là tính ưu việt và sức sống của tiếng Pháp. Chủ đề ấy vô tình khiến tôi hồi tưởng về những ngày đầu tiên gặp bố và chú Antoine. Thuở ấy tôi hoàn toàn mù tịt tiếng Pháp. Vả lại, tôi chỉ là cậu bé ngây ngô mới lớn ở rừng xanh. Vậy mà chỉ sau ít tháng, nhờ sống hòa đồng và sinh hoạt thân mật với bố và các thành viên khác của đoàn, tôi đã có thể sử dụng tiếng Pháp khá trôi chảy. Từ đó, tôi hiểu rằng có thêm một ngoại ngữ thật lý thú và hữu ích vô cùng.

Thế nhưng, tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn tôi là tiếng nói của bộ tộc tôi. Tuy ít có cơ hội sử dụng, nhưng tất cả những ngữ âm đơn sơ mà kỳ diệu ấy vẫn không ngớt ngân lên trong tâm tưởng tôi. Nó như thể một thảo nguyên trầm lắng được nuôi dưỡng bình an trong trái tim tôi. Có những lúc hân hoan, lòng tôi chợt vang lên bao âm thanh sôi động của điệu nhảy alakamala hùng tráng. Đôi khi quá buồn, lòng tôi như đang chìm đắm vào âm thanh não nuột của tiếng đàn xhoxhoklakla. Vào những đêm giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai những giai điệu quaakinkla đặc trưng, thú vị, uyển chuyển và đầy sinh lực của bộ tộc tôi. Hòa lẫn trong những thanh âm đó là tiếng hát hào hùng, thanh thoát và những điệu nhảy hồn nhiên, sống động của Pka, của Mi, của Bo, của Kba và vô số những người khác, những người đã vỗ tay hát và nhảy bằng tất cả tâm hồn và sức sống núi rừng mãnh liệt của bộ tộc tôi.

– Thưa quý vị, tiếng Pháp không phải chỉ được nói tại Pháp, bởi người Pháp – một diễn giả lớn giọng trên diễn đàn, miệng áp sát vào mi-cờ-rô. Sự lan tỏa kỳ diệu của nó đã đến tận những nơi rất xa, chẳng hạn tại Đông Nam Á và tại châu Phi. Cụ thể là tại Đông Dương, tại đất nước Tây Phi thuộc Pháp (AOF) và tại Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp (AEF). Như vậy, chúng ta đã có thêm những thuộc địa bát ngát với sự hiện diện của những người bản địa nói tiếng Pháp. Vì vậy, có thể khẳng định, ngày nay tiếng Pháp ưu việt và hoàn hảo của chúng ta là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.

Sau câu nói cố tỏ ra khẳng định của vị diễn giả, hầu hết những người da trắng có mặt đều gật gù, vỗ tay khoái trá. Một số người da đen cũng khẽ gật đầu. Tôi dự định phát biểu, hiện tượng tiếng Pháp đang gia tăng số người sử dụng tại nhiều nước khác là một chuyện rất bình thường. Nó hệt như các ngôn ngữ khác thôi. Chẳng hạn: Tiếng Anh đến Ai Cập; tiếng Ý đến Somaliland thuộc Ý; tiếng Đức đến Kamerun thuộc Đức; tiếng Bồ Đào Nha đến Angola; tiếng Tây Ban Nha đến Río de Oro. Tôi cho rằng sự gia tăng số người nói tiếng Pháp không phải vì tiếng Pháp ưu việt gì hơn so với các ngôn ngữ khác, mà đơn giản chỉ vì người Pháp đã đi thôn tính quá nhiều nước có sức kháng cự kém mà thôi.

Trong lúc tôi đang suy nghĩ như vậy thì diễn giả thúc giục các cử tọa phát biểu. Tôi dõi mắt nhìn theo một thanh niên trạc tuổi tôi, mạnh dạn đứng dậy bước lên. Đó là một người châu Phi, da đen tóc xoăn, dáng cao dong dỏng, phong thái rất hiên ngang. Anh mặc quần tây đen, khoác vét xám, để lộ bên trong màu áo sơ mi trắng.

Tôi khá ngạc nhiên, hết nhìn anh ta lại cúi xuống tự ngắm mình. Lạ quá, anh chàng ấy từ tuổi tác đến cách ăn mặc và dáng dấp sao giống y như tôi vậy.

Anh đứng trước mi-cờ-rô với ánh mắt và nụ cười trong sáng. Giọng rất dõng dạc:

– Khabala nana tanaka azamanana!

Tất cả mọi người khác, kể cả tôi, đều hết sức kinh ngạc.

Không chút e ngại, anh ấy nói tiếp:

– Xborraahaha, xhohaha lalakha mammaa!

Trong lúc mọi người ngỡ ngàng ngước mặt nhìn nhau và một số người khẽ bật cười, anh ấy chuyển sang tiếng Pháp:

– Thưa quý vị. Tôi là người bộ tộc Sahanana, một bộ tộc thiểu số, sinh sống ở khu rừng nguyên sinh cách thành phố Fort-Lamy chừng 300 ki-lô-mét. Tôi rất hãnh diện về tiếng nói của bộ tộc tôi. Hai câu tôi vừa nói chỉ nhằm chào mừng sự hiện diện của quý vị và ngợi ca thần Xborraahaha mà thôi.

Tất cả cử tọa cùng ồ lên một tiếng.

– Thật ra, tôi cũng y như quý vị thôi – anh thanh niên châu Phi nói tiếp. Chúng ta, kể từ khi chào đời, ai ai cũng đều yêu quý tiếng mẹ đẻ của mình. Bởi vì đó là tiếng nói gắn bó thiết thân nhất mà tất cả chúng ta đều đã từng chịu ơn. Nhờ tiếng mẹ đẻ mà chúng ta bật lên những tiếng cha ơi, mẹ ơi vô cùng trìu mến. Nhờ tiếng mẹ đẻ và đôi bàn tay nhỏ xíu thuở ấu thơ mà chúng ta lần tìm ra bầu sữa mẹ trong bóng đêm. Nhờ tiếng mẹ đẻ mà cha ta tìm ra ta khi ta bị vấp ngã hoặc bị thú dữ tấn công giữa những cánh rừng đầy chông gai. Nhờ tiếng mẹ đẻ mà chúng ta hát vang những câu hát ngợi ca thần Xborraahaha đã ban cho chúng ta sự sống. Thưa quý vị, nếu tiếng mẹ đẻ của quý vị là tiếng Pháp, thì quý vị hết lời ca ngợi tiếng Pháp là điều đúng đắn. Cũng như tôi, vì tôi là người của bộ tộc Sahanana, nên tôi vẫn luôn chịu ơn và ngợi ca tiếng nói kỳ diệu của bộ tộc tôi.

Nói tới đấy, anh thanh niên khẽ dừng lại, mỉm cười khoe đôi hàm răng trắng sáng, tương phản với màu da đen như cột nhà cháy của anh.

– Thưa quý vị – anh nói tiếp. Chắc mọi người đều nhớ rằng vào cuối thế kỷ trước, các nước châu Âu đã lũ lượt kéo nhau đi xâm chiếm gần hết châu Phi, chỉ còn chừa lại EthiopiaLiberia và Saguia el-Hamra mà về sau rồi cũng bị nhập vào Sahara thuộc Tây Ban Nha. Sau năm 1914, gần 30% dân số châu Phi ở các thuộc địa là của Anh, 15% của Pháp, 9% của Đức, 7% của Bỉ và 1% của Ý. Anh nghiễm nhiên trở thành nước có thuộc địa lớn nhất thế giới với Ấn Độ mà họ đã đô hộ từ lâu và những vùng đất rộng lớn khác nữa ở châu Phi. Pháp là nước thắng to trong cuộc tranh giành châu Phi. Nhưng tiếc rằng, phần lớn đất đai mà những người lính viễn chinh Pháp chiếm được lại là sa mạc Sahara thưa thớt dân cư, chứ không được đông dân như các thuộc địa của Anh. Chính vì lẽ đó, công tâm mà nói, sau cuộc tranh giành châu Phi mà hiện nay còn tiếp diễn, tiếng Anh trở nên phổ biến nhất. Tiếng Pháp cũng phổ cập khá mạnh nhưng không được như tiếng Anh. Tôi xin thưa thật như vậy. Nếu nhỡ nội dung tôi phát biểu có điều chi không phải, xin quý vị thứ lỗi cho.

Sau câu nói, anh thanh niên chào mọi người rồi thong thả bước xuống. Bỗng một gã trung niên có lẽ là người Paris hùng hổ bước nhanh lên bục. Mặt gã đỏ gay. Gã lớn tiếng quả quyết rằng tất cả những điều anh chàng châu Phi vừa nói đều sai bét. Với những ngón tay run lên vì giận, gã nắm lấy mi-cờ-rô, nói sang sảng rằng tiếng Pháp là tuyệt vời nhất, tiếng Anh làm sao có thể so sánh với tiếng Pháp được.

Thấy không khí đâm ra căng thẳng vô lối, ban tổ chức yêu cầu gã chỉ phát biểu ngắn thôi. Thế nhưng, gã tiếp tục giảng giải về lòng kính yêu mẫu quốc. Gã nói rằng người Pháp yêu tiếng Pháp đã đành; nhưng ngay cả công dân các nước thuộc địa của Pháp cũng có bổn phận yêu quý tiếng Pháp.

Để kết thúc buổi diễn thuyết đang bị kéo lê vào những chi tiết không cần thiết, vị chủ tọa nhanh miệng cảm ơn gã một cách khéo léo, rồi lập tức mời mọi người ra sân cùng thưởng thức mấy món ăn truyền thống Paris.

Tôi thấy trong dạ không vui nên định ra về. Chợt anh chàng châu Phi hồi nãy bước đến tìm tôi. Anh tự giới thiệu là kiến trúc sư hành nghề tự do tại Pháp và Hà Lan. Anh tên Saharat, cùng đi với người em gái là Emila. Ngay sau đó, tôi nhận được tấm danh thiếp của anh và hứa sẽ có lúc tìm gặp nhau.

Lúc tôi về tới nhà thì vợ chồng anh Benoît đang mắng mỏ nhau. Tôi cũng vô tình nghe luôn cả tiếng cằn nhằn, cự nự của bà Müller. Đôi vợ chồng già ấy đang kình cãi nhau về điều gì thì chỉ những người thạo tiếng Hà Lan như chú Deiter họa chăng mới hiểu. Còn cặp vợ chồng trẻ mới cưới kia thì xung đột nhau là chuyện bình thường. Trong những ngày qua, họ thường tranh cãi quyết liệt, thậm chí thượng cẳng tay hạ cẳng chân, rồi sau đó nhanh chóng làm hoà để ôm nhau ngủ.

May một điều, vào lúc đó không có bố André ở nhà. Chú Antoine thay tôi đưa bố đi dạo trên chiếc xe gắn máy. Mãi đến khi bố và chú quay về thì cả hai cặp vợ chồng đều đã lên giường. Như mọi khi, tôi soạn thuốc, rót nước giục bố uống. Thấy bố không khỏe, tôi thức nghe bố thở. Tôi chắp tay cầu nguyện, xin thần linh hãy ban cho bố sự bình an.

Trong khi bố yên giấc, tôi vẫn không thôi bị ám ảnh bởi những xung đột nảy lửa giữa những người nọ kẻ kia mà tôi từng chứng kiến trong ngày. Ôi, ngao ngán cho cuộc sống loài người – loài động vật được xem là “thượng đẳng”! Hóa ra, về thực chất, trong tâm tư loài homo sapiens chẳng có chút bình yên. Mọi mối quan hệ nhìn bên ngoài tưởng như thân thiết, sâu sắc, bền chặt, thực ra cũng tựa như những chiếc ly thủy tinh mỏng manh, dễ vỡ mà thôi.

 

Chương 24

Cuối tháng Mười Hai 1957, Maxime Peeters được mời lên gặp vị quan toàn quyền. Buổi làm việc được xem là vô cùng hệ trọng. Ngoài Maxime Peeters đại diện cho Force Publique, ông Léon Pétillon còn mời thêm vài vị quan đầu tỉnh.

Mở đầu, ông yêu cầu Force Publique tường trình kết quả điều tra.

– Thưa ngài toàn quyền – với xấp tài liệu ngay ngắn trước mặt, Maxime Peeters trịnh trọng nói. Cuộc biểu tình vừa qua có quy mô khá lớn với gần mười nghìn phụ nữ tham gia. Họ yêu cầu nhà nước thuộc địa từ bỏ chủ trương xua người bản xứ ra khỏi các thành phố lớn. Hiện nay, theo luật định, chỉ còn hai mươi tiếng đồng hồ nữa là hết thời hạn tạm giam đối với những người bị bắt. Tuy nhiên, chúng tôi không đủ bằng chứng khách quan để xác định những kẻ chủ chốt đứng ra tổ chức cuộc biểu tình đó.

Nhìn quanh một lượt, gã tiếp lời:

– Tôi xin nói thêm để quý vị biết là không có gì khác nhau giữa những người bị bắt so với những người lẳng lặng trở về nhà ngày hôm ấy. Chúng ta không có bằng chứng để xác định những kẻ chủ mưu. Trong số những người bị tạm giam, không ai tỏ ra là cấp chỉ huy của ai cả.

Với mấy tờ giấy chi chít chữ trên tay, gã hướng mắt về phía người chủ tọa:

– Dạ thưa, họ khai rằng nếu rời khỏi trung tâm thành phố, họ không có tiền xây nhà. Vả lại, công ăn việc làm của họ lâu nay gắn liền với thành phố thì họ ra đi thế nào được.

– Này ông Peeters! – viên quan đầu tỉnh Katanga bỗng thốt lên. Tôi không hiểu nghiệp vụ của ông đến đâu. Tại sao ông cứ loay hoay nhấn mạnh khó khăn của họ mà không nói rõ trách nhiệm của ông trong việc tìm ra những kẻ đầu sỏ?

– Thưa quý vị – Peeters nhanh nhẩu. Gia cảnh tám phụ nữ ấy như nhau. Họ xuống đường vì thấy đó là cách duy nhất họ có thể làm được. Trong quá trình lấy lời khai, tôi phát hiện ra rằng họ đã khá hiểu biết chứ không hề khờ khạo như những kẻ đấu tranh vô tổ chức trước kia. Năm 1957 không phải là năm 1947! Về mọi mặt, xã hội Công Gô đã thực sự tiến triển. Nhan nhản ở hầu hết các thành phố lớn, nhiều người đã Âu hóa rõ rệt. Họ khôn khéo và am hiểu pháp luật hơn trước kia rất nhiều. Do vậy, tôi cho rằng, thái độ xử sự đối với họ cần chuyển sang một thời kỳ mới.

Vị quan đầu tỉnh Congo-Kasaï, nơi đặt thủ đô Léopoldville nheo mày:

– Thưa ngài quan toàn quyền. Tôi thắc mắc, sao đội ngũ đông đảo của ông Peeters không truy tìm cho ra ai là kẻ giựt dây hoặc kích động chứ?

Sau vài giây ngẫm nghĩ, vị chủ tọa mở lời:

– Tôi yêu cầu ông Peeters trả lời xem tại sao ông không dùng thêm một số biện pháp khác để truy cho ra kẻ cầm đầu? Chẳng lẽ với quy mô biểu tình lớn như vậy, chúng ta không thể buộc họ ra hầu tòa sao?

– Thưa ngài – Maxime Peeters ngước mặt lên. Cách đây hai ngày, một tay thư ký của ngài đã yêu cầu tôi gia tăng các biện pháp tra khảo, thậm chí dùng tới các nhục hình. Nhưng tôi nói thật, tôi làm việc với tất cả trí óc và lương tâm của một người Bỉ có ăn có học. Tôi không làm càn được!

Hai vị quan đầu tỉnh Equateur và Orientale chụm đầu bàn bạc. Thoáng nghe giọng nói gay gắt của họ, Peeters đoán họ bất bình về gã. Trong khi đó, ông Pétillon khẽ chau mày. Một lát, ông hỏi:

– Ông Peeters, ông có thể cho tôi biết cậu nào đã nói với ông những điều như thế? Chính tôi đã đích thân thảo ra một kế hoạch rất rõ ràng và đã được hoàng thượng phê duyệt. Phải thực hiện tại đây một cộng đồng Bỉ – Công Gô hòa hợp và phát triển.

Nói tới đấy, bỗng ông chùng giọng:

– Thật ra, cai trị cho tốt cả một xứ sở rộng gấp 80 lần nước Bỉ với dân số đông đúc như Công Gô không phải dễ đâu. Nếu không khéo, biết đâu chúng ta lại phải đương đầu với những cuộc nổi dậy có vũ trang như hồi 1944 ở Luluabourg dưới thời ông Pierre Ryckmans.

Với giọng sang sảng, ông kết luận:

– Tôi chấp thuận một số ý kiến của ông Maxime Peeters. Trước mắt, tôi yêu cầu thả mấy phụ nữ bị tạm giam ra. Nhớ luôn luôn cho người theo sát họ.

Đắn đo một chút, ông tỏ ra khẳng khái:

– Ngoài ra, từ nay về sau không ai được phép ép buộc người Công Gô rời khỏi các khu trung tâm thành phố nữa. Bảy mươi chín nghìn công dân Bỉ hiện sinh sống tại Công Gô đều đã có nhà. Mà cho dù họ thiếu nhà, chúng ta nên khuyên họ bỏ tiền ra thuê hoặc mua nhà ở. Tôi nhớ năm 1955, Le Beau Seigneur và tất cả ký giả Bỉ khi đến đây đều bày tỏ sự hài lòng về cộng đồng Bỉ – Công Gô. Đừng để những cảm nghĩ tốt đẹp ấy tan thành mây khói!

 

Chương 25

 Tôi được chú Deiter đưa sang ở với ông Kahn vào khoảng đầu tháng Mười Một 1940. Trước khi tôi thất thểu rời khỏi nhà, chú Antoine tẩn mẩn gói mấy cuốn sách mà tôi thích, nhắc tôi mang theo. Chú cũng giúi vào túi áo tôi một xấp tiền, dặn tôi lấy đó để chi tiêu. Biết tôi âu sầu khổ sở đến mức chẳng muốn bước đi, chú đã ôm tôi và ra sức dỗ dành.

Nhưng đúng là thảm não! Trong suốt tuần qua, tôi quằn quại trong nỗi mất mát đau thương đến mức dường như không còn cách nào gượng dậy nổi nữa! Tôi đã ngồi bệt xuống, gục đầu bên thi thể bố André suốt nhiều tiếng đồng hồ. Tôi quyết giữ chặt bàn tay lạnh ngắt của bố, cố tìm lại ở đó chút hơi ấm của những ngày đã qua. Tôi đã đứng chết lặng hằng giờ bên huyệt mộ bố, mặc nước mắt tuôn rơi.

Cúi lạy thần Ahakana, con muốn tìm lại những tháng ngày êm đềm có bố André bên cạnh mà không biết phải làm sao!

Tôi biết rõ rằng, tất cả những gì diễn ra trong cái đêm kinh hoàng ấy sẽ tiếp tục ám ảnh tôi không phải chỉ trong vài tháng, mà suốt đời. Tôi cũng biết rõ, ngoài bố André ra, rồi đây, tôi không thể nào tìm ra người thứ hai trên đời tận tụy chăm lo và yêu thương tôi hết lòng như bố nữa.

Cứ nghĩ tới những điều chua xót đó, tôi lại khóc.

Grand père, sau khi đọc kỹ bức thư do bố viết và gửi gắm từ trước, đã ân cần vỗ đầu tôi. Ông vừa nở nụ cười gắng gượng động viên tôi, vừa ứa lệ trước cái chết đột ngột của bố André. Rồi ông tự tay sắp xếp cho tôi một nơi sinh hoạt.

Đó là căn phòng hai chục mét vuông, nhưng lối vào khá rộng, rải sỏi trắng rất đẹp. Căn phòng quét vôi màu xanh nhạt. Ngăn cách giữa bộ bàn ghế với chiếc giường là một bức rèm hoa. Thoạt đầu, do trong lòng chẳng có chút hứng thú gì, tôi không để ý tới mấy thứ khác ở chung quanh.

Mãi gần một tuần sau, sau khi có niềm vui bất ngờ được tiếp hai vị khách thân tình, tôi mới phát hiện ra đã có sẵn vài thứ hay hay ngay trong phòng. Chẳng hạn, có nhiều sách quý ở kệ. Bên cạnh đó là chiếc máy đĩa nghe nhạc của Mỹ kèm một chồng đĩa tốc độ 78 vòng/phút được sản xuất từ chất liệu vinyl. Ngay trên bàn có bộ cờ vua bằng ngà và bộ bình trà sang trọng kiểu Nhật.

Hai vị khách bước đến lúc tôi đang nằm úp mặt vào tường, nước mắt đẫm gối.

– Dạ, xin cảm ơn ông! – một giọng trai tráng vang lên ngay trước cửa phòng. Tìm ra được Po Martin là cháu mừng rồi!

Tôi nhận ra ngay đó là giọng rất quen. Lúc tôi ưỡn người ngồi dậy thì cả hai đã ở ngay trong phòng, chỉ cách tôi một bức rèm. Tôi khá ngượng, vì ngay bên cạnh anh ấy là một cô gái. Tôi chộp lấy y phục khoác vội vào người, rồi vén rèm bước ra, cất giọng khàn khàn:

– Ồ! Saharat… Emila!

Anh Saharat đến trong bộ trang phục khá tề chỉnh. Còn cô em mặc chiếc áo đầm hoa thật xinh. Trông cô cũng khá rụt rè chứ không được tự nhiên như lần trước.

– Tớ và Emila tìm cậu để chia buồn. Cậu hãy cố lên! Phải gắng vượt qua mọi chuyện!

Sau câu nói, Saharat bước tới ôm tôi, mắt ngấn lệ. Tôi không nhớ rõ vào lúc ấy, mình có òa khóc không, hay sự có mặt của Emila làm tôi ngượng. Chỉ nhớ rằng tôi đã tìm thấy trong vòng tay anh một hơi ấm tình cảm rất dễ chịu.

Liền sau những ngày buồn bã ấy, grand père chính là người bạn vong niên thân thiết nhất của tôi. Tôi nhận ra nơi ông sự chân tình của một tâm hồn phóng khoáng và vị tha. Có nhiều buổi sáng, sau khi đọc kinh xong, ông sang phòng tán gẫu với tôi rồi đem bộ cờ vua ra, kẻ hô chiếu, kẻ tròn mắt chào thua, cho tháng ngày đỡ phần tẻ nhạt. Có những chiều, vì thấy tôi quá ảo não, ông đỗ chiếc xe hơi cũ kỹ của hãng Renault ngay trước cửa phòng tôi. Ông rủ tôi cùng đi dạo, để tha hồ ngắm cảnh mùa thu Paris. Lại có những đêm khuya, khi biết tôi không tài nào chợp mắt được, ông sang phòng tôi, chăm chút tôi bằng cách gắn thứ nọ, xếp thứ kia, rồi cuối cùng bật nhạc lên để cùng thưởng thức.

Nhưng những ngày Paris lá vàng rơi lả tả ấy cũng chính là chuỗi ngày tang tóc ê chề của đời tôi. Sau một buổi tối cùng tôi trò chuyện về tương lai của nước Pháp và nội dung bức thư gởi gắm của bố André về chuyện học hành của tôi, ông Kahn vỗ vai chúc tôi ngủ ngon rồi bước về phòng.

Thế nhưng, chẳng ngờ đâu, đó là cử chỉ cuối cùng của ông trước khi rời khỏi thế gian này.

Đám tang của ông được tiến hành hai ngày sau đó. Hằng trăm cựu đồng nghiệp, cộng sự, bằng hữu và đông đảo những người hàm ơn ông đã tề tựu tại Boulogne-Billancourt đặng phúng viếng và lo tang lễ cho ông. Giới trí thức Paris đã đến dự, hết tốp nọ đến tốp kia. Khá đông cựu sinh viên đã từng hưởng học bổng của ông cũng lần lượt đến dâng hoa trước linh cữu ông.

Tôi lặng lẽ đứng bên cạnh chú Antoine và đông đảo mọi người. Đến cuối buổi lễ, chúng tôi theo chân những người Do Thái và linh cữu ông về nghĩa trang Boulogne-Billancourt. Lại một lần nữa, tôi đau buồn đứng bên cạnh huyệt mộ của một người rất thân thiết để nhỏ những giọt nước mắt khóc cho ông, khóc cho tôi, khóc cho thân phận làm người của tất cả chúng ta.

  1. Vị Chúa tể Xinh đẹp, ám chỉ hoàng đế Baudouin  I.
  2. Grand père (tiếng Pháp) : Ông nội hoặc ngoại (ở đây, Po Martin gọi ông Kahn một cách thân tình như thế; chú thích của tác giả).