Tiểu thuyết “Gương Mặt Loài Homo Sapiens” của Trần Như Luận (Chương 2&3)

387

Trần Như Luận

Chương 2

Từ thuở còn thơ, Imani và Marie đã gánh chịu bao khổ đau, giằng xé đầy nước mắt chỉ vì bố mẹ xung đột nhau. Hai chị em chưa kịp lớn đã bị chia cắt: Marie ở lại với mẹ tại thành phố Fort-Lamy; còn Imani được đưa sang Công Gô xa xôi sống cùng bố.  

Nhà văn Trần Như Luận

Tại thủ đô Công Gô Bỉ, nhà phía nội của Imani và nhà cha nuôi Disanka ở kề nhau. Chính vì vậy, Imani kết thân với Disanka khi còn ấu thơ.

Do chính trị bất ổn, kinh tế khó khăn, việc học hành ở hầu hết các trường đều bị bỏ bê. Hai bạn không được đến trường. Nhưng vì cha nuôi Disanka từng là nhà kinh doanh giỏi, hai bạn đã học được rất nhiều điều từ ông. Bố Imani là nhạc công trong ca đoàn nhà thờ. Chính nhờ hai ông thường xuyên bảo ban nên hai bạn đã nhanh chóng trưởng thành trong một môi trường giáo dục đàng hoàng.

Theo truyền thống gia đình, cả hai đều là tín hữu Công giáo La Mã. Không Chúa nhật nào họ không cùng nhau tay trong tay đến nhà thờ. Tình bạn của họ nảy nở thật đằm thắm.

Ngay buổi chiều hôm đó, từng nấc một, hai bạn hồi hộp và thận trọng bước lên chiếc trực thăng do anh Blaise điều khiển. Tiếng cánh quạt khổng lồ xoay vù vù. Tiếng động cơ nổ ình ịch. Cảm giác rời khỏi mặt đất thật thú vị. Quả là khi nhìn từ trên cao, quang cảnh Léopoldville quá đẹp. Nó tựa như tấm thảm nhung đa sắc màu. Nó bao la bất tận, với chi chít những kiến trúc lớn nhỏ đan xen trên một nền xanh lá cây trải rộng. Họ thỏa thích ngắm nhìn cả những đám mây đang chập chờn lơ lửng tựa như những dải bông gòn trắng lững thững trôi trong nắng.

Trong khi Disanka không ngớt la lên: “Ôi! Lạy Chúa, tại sao mọi thứ đặc sắc đến thế nhỉ! Em thích quá! Thích quá!” thì Imani chỉ tấm tắc: “Ồ, đẹp thật, anh Blaise!”.

***

Imani được anh Blaise nhận vào làm tại một phân xưởng dệt may gần chỗ làm của Disanka. Cô được giao nhiệm vụ ghi chép hàng hóa xuất nhập kho và liệt kê năng suất công nhân. Cô thầm cảm ơn “ông chủ trẻ” đã tạo cơ hội để cô vượt qua giai đoạn vô công rồi nghề đã âm thầm “gặm nhấm” trí não cô bấy lâu nay.

Sau một tháng cật lực với công việc, quay về khu trung tâm Léopoldville cách chỗ làm của cô chừng mười ki-lô-mét, Imani đem xấp tiền ra khoe bố. Ông Kazadi rạng rỡ nhìn cô. Giọng ông đầm ấm:

– Bố biết rồi! Đây là thu nhập của con sau một tháng làm cho ngài Blaise Sanchez chứ gì? Con khiến bố rất vui!

– Bố ơi, con định mời bố và Disanka, cả anh Blaise nữa, cuối tuần đi ăn tiệm. Bố thấy vậy được không?

Ông Kazadi khẽ gật đầu. Ông nhẹ nhàng xoa đầu con. Rồi ông nói lên ao ước nếu giờ này có cả Marie bên cạnh, chắc bố con mình tha hồ mà vui.

Imani chạnh lòng nhớ tới đứa em gái bấy lâu xa cách. Đã mười mấy năm cô chưa có dịp gặp lại, không biết dạo này Marie lớn tới đâu. Cô cũng rất nhớ mẹ. Ôi, người mẹ lận đận thuở nào; giờ mẹ ra sao? Nghĩ tới đó, hai hàng nước mắt ấm nóng lăn dài trên má cô.

***

Buổi tiệc tối hôm đó quá vui! Ông Kazadi mừng ra mặt khi nhận thấy con gái đã trưởng thành. Trong lúc cao hứng, anh chàng Blaise đưa ra đề nghị trong một ngày không xa, cả nhóm sẽ tổ chức đi chơi tận Fort-Lamy để có dịp biết tới quê ngoại của Imani. Ông Kazadi vui vẻ nhận lời.

Nhưng phải đến mấy tuần sau, dự định của họ mới trở thành hiện thực. Bốn người vừa trẻ vừa già gồm cặp đôi Blaise – Disanka, và hai bố con Imani cùng lên đường. Họ thích thú và hồi hộp leo lên chiếc trực thăng do anh Blaise lái.

Sau khi cất cánh, phi cơ cứ nhắm thẳng hướng bắc mà bay.

Nhìn từ trên cao, thành phố Fort-Lamy vô cùng quyến rũ. Vì trời mưa nhẹ, quang cảnh thành phố thơ mộng nằm bên dòng sông Chari gần chỗ hợp lưu với sông Logone trở nên chập chờn, huyền ảo lạ.

Trực thăng đáp xuống bãi cỏ rộng mênh mông; chim chóc hoảng vía bay tứ tán. Sau khi thuê ô tô đi dần vào trung tâm thành phố, mọi người thỉnh thoảng bắt gặp vài nhóm người tụ tập bên đường. Nghe nói thành phố rộng thênh nhưng dân số chỉ vào khoảng hai mươi nghìn. Người ta bày bán muối, chà là và ngũ cốc khắp nơi dù trời cứ mưa lất phất.

Nơi đầu tiên họ tìm đến là nhà bà Kazadi. Do đường sá và nhà cửa đã có nhiều thay đổi, phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới tìm ra khu phố của những người Công giáo La Mã, nơi chôn nhau cắt rốn của hai chị em Imami.

Từ trong ngôi nhà cũ kỹ tường vôi loang lổ, một phụ nữ luống tuổi chậm rãi bước ra. Ông Kazadi gần như không tin vào chính mắt mình! Lạy Chúa, tại sao thời gian có thể biến người vợ lanh lợi, hoạt bát năm xưa trở thành người chậm chạp, tật nguyền và đờ đẫn thế này!

Bà Kazadi tỏ ra ngạc nhiên khi gặp lại chồng con.

Imani đứng thừ người ra. Mẹ cô chầm chậm bước tới, quàng tay ôm lấy đứa con thơ ngày nào mà khóc. Nước mắt giàn giụa. Bà than rằng bà là người bất hạnh nhất đời. Sau khi hai bố con Imani ra đi, bà và bé Marie khi ấy mới ba tuổi đã gặp phải tai họa khủng khiếp. Cuộc đụng độ giữa đội quân kháng chiến ở quê bà với thực dân Pháp khiến bà trúng đạn ở đùi; hậu quả, bà không thể đi lại bình thường được. Còn Marie bị găm mảnh đạn ở vùng thái dương, dù người ta đã phẫu thuật, vết thương đã liền sẹo, nhưng con bé cứ ngơ ngẩn suốt ngày.

Sốt ruột, ông Kazadi cất tiếng hỏi:

– Bây giờ con bé ở đâu? Tôi muốn gặp con!

Bà Kazadi nhăn mặt:

– Ối giời! Thân tôi tật nguyền, làm sao nuôi nổi nó! Tôi gửi vào cô nhi viện. Sau đó người ta nhận về nuôi. Giờ thì đã lớn lắm rồi.

– Bà đưa tôi đến chỗ con bé, được không?

Bà Kazadi cau có:

– Ông thật đáng trách! Tại sao suốt hằng chục năm giời, ông không tìm gặp mẹ con tôi? Bây giờ nó là con thiên hạ, ông tìm gặp có ích gì!

Ông Kazadi giải thích rằng, chính ông cũng trải qua không biết bao nhiêu gian nan mới nuôi được Imani tới ngày hôm nay. Rồi cả đoàn cùng nhau lên đường theo hướng dẫn của bà Kazadi.

Anh Blaise khéo sắp xếp nhường hai hàng ghế trước cho vợ chồng bà và Imani, còn anh và Disanka bước vào hàng ghế sau. Chú tài xế là một người bản địa đen đỉu; da chú đen nhất, bóng nhất so với những người còn lại. Disanka bất ngờ với tay lên vỗ vai bạn:

– Imani! Hôm nay vui quá phải không? Chưa bao giờ mình cảm thấy thú vị như thế này!

– Đúng vậy! Cuộc đoàn tụ kỳ diệu này là nhờ anh Blaise cả đấy!

Nói xong, Imani hướng mặt ra đằng sau, mỉm cười với anh chàng người Pháp, tỏ vẻ biết ơn. Xe lăn bánh hơn 10 ki-lô-mét thì dừng lại trước một ngôi nhà đồ sộ với nhiều hàng cây xanh mướt ở sân vườn. Theo lời bà Kazadi, bố mẹ nuôi của Marie quê ở Ai Cập, rất có tiếng tăm tại làng ngoại ô này.

Bé Marie bây giờ đã 18 tuổi. Thoạt đầu cô hơi ngỡ ngàng bối rối, nhưng sau một hồi cũng biểu lộ được niềm vui mừng và nỗi xúc động khi gặp lại người thân. Gương mặt cô có đôi nét hao hao giống chị. Nhưng nhìn kỹ, mọi người có thể nhận ra mắt cô hay giần giật một cách bất thường.

Ông Abaza, bố nuôi cô kể rằng, cô chính là niềm hãnh diện của gia đình ông. Mới đây, cô được Trường Năng khiếu Tổng hợp mời đi phiên dịch cho một số đoàn khách ngoại quốc. Mặc dù đọc văn bản hơi chậm vì bị rung giật nhãn cầu, nhưng Marie có trí nhớ hoàn hảo. Cô nói tiếng Pháp rành rọt và nhiều ngôn ngữ khác, kể cả các thổ ngữ tận các vùng thượng du xa lắc.

Sau một hồi lắng nghe Marie đối đáp bằng tiếng Pháp một cách trôi chảy với những cấu trúc câu và từ ngữ đặc sắc, Blaise có lẽ là người tỏ ra kinh ngạc nhất. Anh nói với ông Abaza, người đàn ông tóc muối tiêu:

– Thưa ông, các nhà tâm lý học nói đúng: Khi bị sút giảm chức năng một giác quan nào đó, người ta sẽ được tạo hóa bù đắp bằng cách tăng độ tinh nhạy ở một giác quan khác. Marie có lẽ là một trường hợp điển hình như thế, ông ạ.

***

Chiều xuống. Chiếc trực thăng của anh Blaise cất cánh quay về nơi xuất phát. Sau hơn hai tiếng đồng hồ bay lơ lửng, họ đã về đến làng Osake, ngoại ô Léopoldville, đáp xuống đồng cỏ rộng bát ngát.

Điều quái lạ đập ngay vào mắt họ là cả một góc trời phía đông nam sáng rực. Quan sát kỹ, hóa ra lửa đang bốc cháy dữ dội từ phía khu quản trị công ty Victor. Hơi lửa tỏa ra hừng hực đến mức, khi mọi người chưa kịp rời khỏi buồng phi cơ đã cảm nhận được độ nóng của nó.

Bước ra, họ nghe những tiếng la thất thanh từ xa vọng lại:

– Lửa! Lửa! Dập lửa nhanh lên!

– Cháy to quá! Lấy nước tới mau lên!

– Lạy Chúa! Xin Ngài cứu chúng con!

Disanka và mọi người đều hết sức bàng hoàng. Cả khu làm việc của cô, dãy phòng của các ông đốc công cùng phòng ngủ và phòng làm việc của ông Victor đều ở trong biển lửa. Mùi cao su, mùi củi khô, mùi gỗ cháy lan tỏa khét rẹt cả không gian.

Người ta thấy từ bên trong, ông chủ đồn điền hớt hải chạy ra, áo quần xộc xệch; phong thái nghiêm nghị, đường bệ thường ngày của ông biến mất. Thay vào đó là vẻ thất thần, khiếp đảm, hoảng loạn. Nửa chới với muốn cầu cứu, nửa bộc lộ sự điên tiết tột cùng. Nhưng mặc ông loay hoay thế nào, lửa vẫn ngùn ngụt cháy.

 

Chương 3

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở khu quản trị công ty Victor gây thiệt hại trầm trọng cho ông chủ đồn điền và lắm tai tiếng cho giới cầm quyền Công Gô Bỉ. Riêng Disanka gánh chịu hai chuyện phiền phức: Một mặt, cô bị ông chủ quở trách nặng nề vì hầu hết các bảng kê thu chi quan trọng đều cháy rụi. Mặt khác, cô không có chỗ ngồi, buộc phải ôm đống sổ sách nặng trịch sang làm việc tận khu nhà tạm của mấy gã đốc công mà từ lâu cô ghét cay ghét đắng.

Ông Victor đúng là dữ tợn. Với mái tóc thô cứng và dày khiến đầu ông như đầu sư tử, ông thẳng tay chỉ mặt Disanka, quát tháo vang trời, đe dọa trừ lương. Disanka cố chịu đựng. Nhưng bản mặt hung ác ấy và những câu nói mỉa mai của mấy đồng nghiệp lâu nay thường hay ganh ghét cô cứ ám mãi vào tâm trí cô.

Cuối tháng Tám 1948, khoảng ba tháng nản lòng sau ngày xảy ra vụ cháy, cô quyết định bỏ việc. Anh Blaise và Imani hết lời khuyên can, nhưng cô không nghe. Cô khẳng định cô không thể chịu đựng sự ức hiếp quá đáng của người Bỉ thêm một ngày nào nữa.

***

Đúng thời điểm đó, anh Blaise chính thức ngỏ lời cầu hôn Disanka. Anh rót vào tai cô những lời êm ái ấy khi tới thăm cô tại nhà. Cô lưỡng lự mãi. Phải đến mấy tuần sau, với sự khuyên nhủ của Imani và nhất là sự thôi thúc của người cha nuôi, Disanka mới chịu gật đầu.

Lễ cưới được chuẩn bị khá công phu, tỉ mỉ. Blaise tìm hiểu mọi thứ để cố công thực hiện sao cho vừa phù hợp với truyền thống của người Công Gô, vừa ra vẻ tân thời như ở các nước châu Âu. Anh đứng ra làm thủ tục hành chính ở tòa thị chính. Tại nhà Disanka, anh tự tay thiết kế mẫu thiệp cưới và lên danh sách đúng một trăm người để chuẩn bị gửi thiệp. Anh đích thân cắt sẵn một trăm mảnh vải voan nhỏ xíu và chuẩn bị cuộn dây len màu đỏ. Anh bảo đó là mỹ tục lâu đời của người Pháp. Cứ đến cuối buổi tiệc, khách sẽ được tặng mỗi người một nhúm kẹo xinh xinh gói trong miếng vải voan màu, thắt dây len. Cô dâu chú rể sẽ đứng ở ngưỡng cửa mỉm cười trao từng người món quà xinh xắn đó.

Nhưng gần ngày cưới, đột nhiên mọi người chẳng thấy Disanka đâu cả. Ông Ilunga (cha nuôi của Disanka), cùng với anh Blaise và Imani ra sức tìm kiếm khắp nơi, nhưng không ai tìm ra cô. Mãi ba ngày sau, ông Ilunga tiếp được một cú điện thoại chớp nhoáng. Disanka nói ngắn gọn là cô đi xa, vẫn khoẻ mạnh, nhưng không nói rõ đi đâu, rồi cúp máy.

Blaise vô cùng bực bội, bối rối. Anh vừa lo cho Disanka, vừa thấy buồn lòng. Hơn một tuần sau, anh bất ngờ nhận được bức thư của Disanka do Imani chuyển đến. Anh vội vàng bước vào phòng riêng, hồi hộp xé phong bì ra đọc.

Anh Blaise thân yêu! Em thật có lỗi với anh. Em không biết nên nói sao đây để anh hiểu rõ tâm tư của em vào giờ phút này.

Em yêu anh kể từ khi chúng mình gặp nhau lần đầu. Hơn một năm qua, em cũng cảm nhận được tình yêu anh dành cho em ngày thêm sâu đậm.

Nhưng anh ơi! Sai lầm lớn nhất đời em là em đã chọn đất nước khốn khổ này để sinh ra và vùi đời mình vào đây. Em đoan chắc rằng dù chúng mình cưới nhau thành vợ chồng thì trong tương lai không xa sẽ có nhiều trắc trở mà cả anh lẫn em đều không thể nào vượt qua được đâu.

Công Gô giờ đây vẫn hết sức lạc hậu. Mọi thứ đều nghèo nàn thậm tệ! Không những nghèo về của cải, tiền bạc, mà cả về cách sống và cách nhìn nhận vấn đề. Anh biết không, khi em vô tư sánh bước cùng anh ở bất cứ nơi đâu, biết bao cặp mắt luôn nhìn em một cách khinh bỉ, biết bao kẻ tai mắt luôn xì xầm những lời xúc phạm em.

Em trước sau chỉ là một cô gái yếu đuối. Anh biết đó, vừa qua, sau vụ cháy, chỉ mấy lời độc địa của ông Victor mà em đã mất ăn mất ngủ cả tháng. Vậy thử hỏi, làm sao sau này, khi về chung sống cùng anh, trước  miệng đời oan nghiệt, em suốt đời có thể gánh chịu nổi không? Khi người ta lập gia đình, dù ở đây hay ở bên Âu – Mỹ, sự thuận tình của cha mẹ đôi bên thật quan trọng. Phía em thì chẳng có gì đáng nói.  Nhưng bên gia đình anh, liệu ba mẹ anh có chấp nhận cô dâu da đen tóc xoăn, thấp bé và xuất thân bần cùng như em?

Chính vì vậy, dù yêu anh vô ngần, dù trái tim em không thôi háo hức khi nghĩ tới anh, nhưng em buộc lòng nói lời chia tay. Em mong anh hiểu và đừng trách em, anh Blaise!  

  1. Đây là thành phố tại Châu Phi Xích đạo thuộc Pháp, một thuộc địa rộng lớn hồi bấy giờ (trước năm 1960). Hiện nay, thành phố đó là N’Djamena, thủ đô của Cộng hòa Tchad.