Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận (chương 41, 42, 43)

290

 

Chương 41

Kangelu Congo và Maxime Peeters có với nhau một trai một gái – đứa khôi ngô, đứa kháu khỉnh. Tới lúc vứt bỏ mọi lo toan, thảnh thơi về chơi đùa và ôm gọn chúng trong vòng tay, Maxime mới nhận ra: Xưa nay, mải chạy theo tiền tài danh vọng, làm việc như cái mô-tơ xình xịch quay cuồng trong guồng máy của người ta, mình từng mất trắng niềm hạnh phúc ấy mà không biết.

– Kangelu ơi! – gã gọi vợ. Anh rất sung sướng vì có em và các con bên cạnh!

Cô vợ da đen duyên dáng nhoẻn miệng cười:

– Thì lâu nay em và các con luôn ở bên anh mà.

Nói xong, với cử chỉ rất Tây, Kangelu bước lại hôn chồng. Maxime sống an nhàn như thế vỏn vẹn ba tuần thì công ty Victor do gã góp vốn làm ăn gặp sự cố. Tại các đồn điền cao su, phu công tra liên tục đòi tăng lương. Nơi các hầm mỏ Mabaya và Kawama, dịch bệnh lan tràn, hằng trăm thợ bỏ việc. Ông Victor em đang đỏ da thắm thịt, bỗng sùi bọt mép, đột tử.

Gã tức tốc có mặt tại làng Osake, ngoại ô Léopoldville. Sau khi đứng ra làm tang lễ cho ông giám đốc giàu sụ mà chẳng có con, gã bắt đầu nghĩ tới chuyện chủ động đứng ra làm ăn. Gã ra lệnh trả ba tháng lương liên tiếp cho mấy ông đốc công Bỉ và khuyên họ về nước ngay. Gã cũng định giao cho vợ quán xuyến mọi việc, vì gã biết rõ người Công Gô chỉ thực dạ tin tưởng người Công Gô.

Trong lúc gã ấp ủ một kế hoạch đầy triển vọng như vậy, một tốp trung niên có vũ trang ập đến. Chúng tự xưng là dân vệ. Chúng đòi tịch biên gia sản của ông Thomas Victor. Chúng khăng khăng ông ấy không có người thừa kế, vậy khi ông chết, lẽ đương nhiên tài sản của ông phải được sung công.

Maxime Peeters cự lại. Gã nói, ông Victor tuy không có con, nhưng có mẹ già và hai người em gái hay đau ốm ở Bruxelles; mặc dù ông ấy không để lại di chúc nhằm khẳng định điều đó, nhưng việc tịch thu gia sản ông ấy là trái pháp luật.

Lời qua tiếng lại thật căng thẳng. Đám nhân viên hiếu kỳ xúm lại càng lúc càng đông. Mặt mày và lời lẽ của bọn đàn ông mang súng ống trong người vô cùng hung dữ.

– Hừ! Tao thừa biết tụi bay giả danh dân vệ – chẳng chút sợ hãi, Maxime gằn giọng. Giờ thì cút đi! Nếu không, tao sẽ gọi Forte Publique của quân cách mạng tóm cổ hết!

Thằng cha tóc hoa râm nói, giọng trịch thượng:

– Đồ láu cá! Lâu nay ai cũng biết ông Thomas Victor là chủ đồn điền. Còn ông, ông là cái thá gì mà dám đứng ra đại diện cho công ty Victor?

– Ồ, không tin sao? – Maxime cười khẩy. Tao là nhà đầu tư hợp pháp của công ty này. Vốn của tao xuýt xoát ông Thomas Victor. Đợi đấy! Tao sẽ ra xe, lấy ngay chứng từ vào đây cho tụi bay xem.

Gã cựu sĩ quan Forte Publique bước lẹ ra xe. Nhưng gã chỉ lấy một xấp giấy tờ vớ vẩn, rồi nhét vội khẩu súng ru-lô vào người.

– Đấy, xem đi! – gã quăng xấp giấy lộn trước mặt bọn sách nhiễu và lớn giọng.

Trong lúc bọn quỷ sứ đang chúi mũi vào xấp giấy tờ chi chít chữ thì Maxime rút súng ra, lên đạn ngay.

– Quân láo toét! – gã quát. Buông vũ khí xuống!

Với sự uy hiếp tài tình của Maxime, bọn khốn hạ khí giới. Bị tra hỏi, chúng khai, chúng chỉ là một nhóm người thất nghiệp cùng quê chơi thân với nhau, không phải dân vệ.

Ngay hôm sau, nghĩ tới tình cảm với người đã khuất, Maxime cho nhân viên làm ngay các thủ tục chuyển một khoản tiền lớn về tận Bruxelles.

Biết được sự chu đáo của chồng, Kangelu tỏ ra rất hài lòng.

***

Kể cũng hay, từ khi chính thức đảm nhiệm chức vụ giám đốc công ty, Kangelu Congo dường như đạo mạo và sang trọng hẳn lên. Những người quen biết thôi không còn gọi cô là cô Kangelu như trước nữa, mà ai cũng gọi là bà Congo.

Một hôm, đang ngồi cắn bút ở phòng giám đốc, bỗng bà nhớ ra có một việc chưa làm. Bà sai người mở cửa căn phòng bên cạnh. Theo bà biết, đó là gian phòng lớn nhất công ty. Nhưng phòng ấy dùng để làm gì thì bà chưa rõ.

Qua hai lớp khóa, cửa mở ra. Bà Congo thật sự choáng ngợp trước vẻ tráng lệ của gian phòng. Phòng rộng hơn tám chục mét vuông. Độc đáo hơn cả là bức chân dung vị hoàng đế thứ hai của Bỉ được trưng lên ở vị trí trang trọng nhất. Bức bích họa cao chừng ba mét, thể hiện vẻ đẹp vương giả của vị vua trị vì nước Bỉ tới 44 năm. Bên dưới bức họa có ghi hai hàng, cả chữ lẫn số:

Trong lúc bà Kangelu Congo đeo kính vào quan sát tỉ mỉ bức tranh đặc sắc ấy thì nơi cửa phòng, hai người da đen lấp ló. Bà bước ra vài bước, hất hàm cho phép hai gã ấy tiến vào. Họ mặc y phục đen, vải thô, ngắn ngủn. Trên tay gã bước vào trước có một phong bì. Trên vai gã đi sau có cái bao bố chẳng hiểu đựng gì bên trong.

– Thưa bà! – gã vào trước cất lời thưa. Tụi con làm xong việc rồi.

– Việc gì? – bà Congo nhướng mày lên.

– Ông Victor dặn cứ ra tay, rồi ông thưởng cho mỗi đứa 200 francs. Giờ, kế nghiệp ông ấy, bà trả tiền đi!

– Tiền gì? – bà giám đốc hơi gắt.

– Đây đây! Nhìn vào xấp ảnh bà sẽ rõ.

Gã đàn ông mở phong bì, lôi ra ba bức ảnh trình ra cho bà xem. Gã nói, đây là thằng cha Farres, vay ông Victor 5.000 francs suốt 6 tháng trời mà đếch trả lãi. Trỏ bức ảnh thứ hai, gã nói đó là thằng Maris; thằng chó chết ấy cương quyết quỵt nợ, không trừng trị không được. Ảnh thứ ba, gã nói đó là con bé 17 tuổi đói kiết xác, nhưng dám nói ngọt để vay tới 1.000 francs.

Nói xong, gã đặt ba bức ảnh vào tay bà giám đốc.

– Lạy Chúa! Sao kỳ thế! – bà Congo kinh ngạc nói to. Sao cả ba người này đều cụt tay?

– Xưa nay, từ ông Victor anh tới ông Victor em, ông nào cũng thuê chúng tôi làm thế cả. Bà nghĩ coi, nếu bỏ tiền ra cho vay mà người ta quỵt hết thì không lẽ cứ ngậm câm như hến sao?

Rồi gã hạ giọng:

– Nếu bà không tin, cứ liếc mắt vào đây! – vừa nói, gã du côn vừa cúi xuống banh miệng cái bao bố mà tên kia vừa đặt xuống, để lộ chiếc máy ảnh cổ lỗ sĩ và chiếc mã tấu còn tanh mùi máu.

Bà Congo muốn ọe ngay ra giữa sàn nhà. Bà vừa mường tượng ra cảnh bọn khốn xách hung khí đi chặt tay người dân y hệt như cái thời ông Léopold II với hằng trăm nghìn người bị nhục hình.

– Quá nhẫn tâm! – bà phẫn nộ quát. Từ ông vua Bỉ tới tất cả chúng bay đều độc ác như nhau! Tao không trả một xu!

Bất ngờ, gã đầu sỏ cầm chặt chiếc mã tấu trong tay sấn tới:

– Đ.M. Mụ kia! Không xì tiền ra thì tao khử ngay!

Trong lúc gã quát tháo như thế, tên đồng bọn bước ra cài chốt cửa. Đoạn hắn nhào vô ôm chặt lấy bà. Cặp kiếng cận của bà rơi xuống, vô tình bị hai tên lưu manh giẫm nát.

Trong ánh sáng lờ mờ của gian phòng rộng, bà Congo bị hai tên ác ôn siết cổ, dí mã tấu vào mạn sườn. Chúng quát lớn, buộc bà có bao nhiêu tiền trong người hãy đưa hết ra.

– Tiên sư bà! – một gã thét lên. Nếu bà không sẵn tiền, hãy đưa chìa khóa tủ tiền ra đây!

Mười giờ sáng, đột nhiên nhân viên công ty nghe mấy tiếng súng giòn giã tại gian phòng lớn. Ngay sau đó, cửa bật mở. Bà giám đốc thản nhiên bước ra; tay còn cầm khẩu súng Colt nhỏ gọn.

Hồi hộp bước vào bên trong, người gác dan trông thấy thi thể gã bụi đời nằm sóng soài trên vũng máu. Một gã khác run bần bật quỳ mọp dưới sàn nhà không dám ngước mặt lên. Phía trên cao, nơi bức bích họa, mái tóc rẽ làm đôi và đôi mắt to đen thường ngày của nhà vua Léopold II không còn nữa. Một mảng tường lớn đã vỡ ngay tại đó. Cơn thịnh nộ của người phụ nữ Công Gô đã bắn nát bức chân dung nhà vua Bỉ.

 

Chương 42

Tháng Bảy 1944, ở Mặt trận phía Đông, quân Đức thiếu nhân lực tham gia chiến đấu và nguồn tiếp tế từ hậu phương; do vậy, ưu thế Hồng quân ngày càng áp đảo. Thời điểm đó tôi đang say mê học. Bỗng có tin Hitler bị ám sát hụt, tình hình ở Berlin sôi lên.  

Theo nguồn tin đáng tin cậy, người trực tiếp đặt quả bom hẹn giờ là một viên đại tá Đức, tên Von Stauffenberg. Sau phút hãi hùng, gã đầu sỏ Hitler ra lệnh truy bắt và sát hại hằng nghìn người bị tình nghi liên quan tới vụ ám sát. Trong số đó, đáng nói hơn hết là ông Erwin Rommel, vị thống chế đã từng vào sinh ra tử hằng chục năm trời vì “sự nghiệp” của quốc trưởng. Ông cũng là người mà sinh thời chú Deiter, ân nhân của tôi từng coi là thần tượng.

Vài tháng trước, khi nhận ra máu hiếu sát điên cuồng của Hitler, Tướng Rommel đã gửi tối hậu thư yêu cầu hắn đi đến “một giải pháp chính trị” với phe Đồng Minh. Ông dự tính sau khi nhận được bức thư đó, nếu hắn không có chuyển biến gì, ông sẽ ra tay lật đổ. Rủi thay, chỉ hai ngày sau đó, Rommel bị thương trong một cuộc không kích. Vì thế, ông không thể điều động các lực lượng ở Mặt trận phía Tây và tham gia trong “nhóm hành động” của đại tá Von Stauffenberg được.

Tháng Mười 1944, Đài BBC đưa tin con quỷ dữ Hitler đã bức tử Tướng Rommel. Hắn cử hai cận vệ tới nhà ông ta. Chúng giả vờ mời ông đến gặp quốc trưởng. Nhưng thực tế, khi xe đi chưa tới nửa chặng đường thì dừng lại. Vị tướng tài lúc ấy chỉ được phép chọn một trong hai giải pháp: Hoặc uống thuốc độc do quốc trưởng ban cho, hoặc bỏ mặc vợ con lần lượt bị sát hại.

Cái chết của Rommel là bài học cảnh tỉnh cho bất cứ ai muốn tỏ ra trung thành với những kẻ lòng lang dạ sói. Mặc dù ông thành công trong việc chỉ huy nhiều trận đánh đến nỗi nhiều nhà quân sự có kinh nghiệm phải nể mặt; thế nhưng, bao công trạng của ông đối với Phát xít Đức, suy cho cùng chẳng có chút ý nghĩa gì.

Nghe nói, sau khi suýt chết lần ấy, Hitler càng tỏ ra thận trọng. Cùng với nhóm sĩ quan cao cấp, hắn chỉ huy chiến sự chủ yếu qua hệ thống truyền tin tại hai khu hầm nằm sâu 16 mét dưới lòng đất.

Tôi vẫn kiên trì theo học tại trường, nhưng cõi lòng xiết bao chua xót. Tôi vẫn thường nhớ tới vóc dáng yêu kiều và số phận đầy trắc trở của Anne. Suốt ngày đêm, tôi thường chắp tay cầu nguyện thần linh, mong nàng có đủ nghị lực vượt qua mọi thống khổ ở chốn lao tù. Thỉnh thoảng tôi cũng nhận được thư thăm hỏi của Emila.

Đột nhiên, trong bản tin cuối ngày 30 tháng Tư 1945, các hãng thông tấn chính thức thông báo Hitler đã chết. Hắn tự bắn vào đầu, còn Eva Braun, vợ hắn, uống thuốc độc. Thi thể bọn khốn đã được hỏa thiêu ngay sau đó, tại tầng hầm. Hồng quân lúc vào tới Berlin đã lùng sục hầm bí mật, thu được mảnh vụn hài cốt của Hitler trong đó có một phần hộp sọ và xương hàm. Đội pháp y Nga cùng nha sĩ của Hitler và một bác sĩ pháp y Mỹ đã cùng xác nhận đó là di cốt của hắn.

Một nguồn tin khác cho hay Hitler đã tẩu thoát.

Riêng tôi, mãi mấy năm sau, khi kết thân với một vị bác sĩ từng trực tiếp nghe một tay cựu sĩ quan tình báo kể lại trong phút lâm chung, thì mới rõ thuở ấy Hitler không hề chọn cái chết.

Trước buổi sinh nhật lần thứ 56 của hắn, nghĩa là trước ngày 20 tháng Tư, nhờ sự giới thiệu của một tay tình báo Đức, một người lạ mang bí danh Dessso (từ này có lẽ là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: The Director of Extremely Secret Security Service Office) đã đến tiếp xúc bí mật với hắn. Đội tóc giả, nói tiếng Đức, giả dạng phụ nữ một cách tinh xảo, y tìm gặp hắn để bàn phương án đào tẩu.

Trong lời trăn trối, tay cựu sĩ quan OSS giàu nứt đố đổ vách ấy bảo rằng tất cả đều được thanh toán sòng phẳng bằng vàng và kim cương. Hitler và sáu tên tướng Đức đã chấp nhận một cuộc sống hoàn toàn cách biệt với nền văn minh phương Tây ở một nơi xa lạ nhưng tuyệt đối an toàn.

Tảng sáng ngày 30 tháng Tư, trong lúc mọi chuyện tại tầng hầm tiếp tục diễn ra theo sự dàn dựng của Dessso, “nhóm ưu tiên” đã bí mật trốn đi lần lượt với một số phương tiện di chuyển khác nhau. Hai chiếc tàu ngầm siêu tốc mang biển hiệu U-530 và U-540 của Đức đã cập bến tại bờ biển Argentina.

Biệt thự mang tên Mansión Inalco được xây theo phong cách Phổ cổ xưa tại làng La Angostura đã được kiến trúc sư Bustillo cho thợ nới rộng thêm để đón các vị khách đến từ Berlin. Biệt thự nằm ở ngôi làng thuộc thành phố Bariloche, cách thủ đô Buenos Aires hơn 800 km về phía nam. Ngôi làng ấy hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài nhờ bao bọc bởi các ngọn núi cao chót vót của dãy núi Andes và cánh rừng rậm sát biên giới Chile. Dessso tiết lộ y đã mua giấy thông hành giả và mua chuộc các giới chức có liên quan nhằm bảo đảm bí mật tuyệt đối. Y cũng nhận được sự trợ giúp của một sĩ quan cao cấp hám lợi trong Cơ quan dịch vụ chiến lược OSS của Mỹ để thảo ra một kế hoạch hoàn hảo.

Sự dàn dựng và cách thoát thân của Hitler cùng đồng bọn càng bộc lộ bản chất bịp bợm, lưu manh và hèn hạ của bè lũ Phát xít Đức, đồng thời nói lên sức mạnh không thể khống chế nổi của đồng tiền.

Dessso kể, nhiều năm sau khi cả thế giới tin chắc nụi Hitler đã chết, y đã giao trách nhiệm bảo vệ “nhóm đặc biệt” cho một tay anh chị trong làng tình báo Argentina.

Hitler và Eva Braun sinh hai cô con gái. Hắn cùng thân nhân và bọn cựu tướng lĩnh đầy nợ máu vẫn sống yên ổn tại làng La Angostura và hưởng già tại đó. Trời cao đất dày vẫn dang tay dung dưỡng chúng. Những lời nguyền rủa, gào thét và tiếng khóc than triền miên thê thảm của hằng triệu gia đình đồng loại chẳng thể nào tới tai chúng được. Nhìn vào bức ảnh các bại tướng Đức Quốc Xã vây quanh Hitler để chụp chung tại nơi ẩn náu, tôi thấy rõ bọn phi nhân tính ấy vẫn tiếp tục tôn sùng tên đồ tể Hitler và ung dung sống, ung dung cười cợt, chẳng thể hiện chút ăn năn hối hận nào.

 

Chương 43

Hơn một tuần sau khi Công Gô chính thức hít thở không khí tự do, mọi thứ vẫn yên ắng một cách kỳ lạ.

Theo sự thỏa thuận của tân chính phủ, các trường trung học và đại học, các khu vui chơi giải trí, các cơ sở bưu chính, nhà ga, phi trường và các đơn vị sản xuất vẫn tiếp tục nằm trong tay người Bỉ và giới đầu tư châu Âu. Sáu ông quan đầu tỉnh, 24 ông quận trưởng và 150 ông trưởng khu hành chính người bản địa được lên danh sách sẵn, nay bắt đầu đảm đương nhiệm vụ.

Điều mà tổng thống Kasavubu và thủ tướng Lumumba hết sức lo ngại là vai trò của Forte Publique: Cần duy trì hệ thống cảnh sát ở mức độ thế nào? Ai sẽ là người thích hợp để thay thế vị trí của ông tổng tư lệnh đương nhiệm?

Vào lúc này, ông Maxime Peeters – người chỉ huy Forte Publique một cách khá hiểu biết và linh hoạt trong suốt thời gian ông E.J. đi vắng – đã hoàn toàn yên chí từ nay về sau đương nhiên mình chỉ là một thương nhân tự do. Nhưng sếp cũ của ông, trung tướng E.J., một con người nổi tiếng cứng rắn, lại không nghĩ vậy.

Trong một buổi họp khẩn, chỉ vắng ông Maxime Peeters, E.J. dõng dạc nói:

– Thưa các vị sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ! Tôi tuyên bố, cho dù hiện nay người Bỉ đã trao trả độc lập cho Công Gô, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ mặc tất cả. Chính vì vậy, tôi giao trách nhiệm cho tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ các cấp hãy bám sát nhiệm vụ an ninh – quốc phòng ở tất cả mọi địa bàn. Đối với Forte Publique, mọi thứ chẳng có gì thay đổi!

Sau câu nói, vị tướng già 58 tuổi cầm viên phấn trắng ghi một hàng chữ to trên tấm bảng đen dựng sẵn giữa hội trường:

Avant l’indépendance = Après l’indépendance.

Lấy làm lạ, một vị trung sĩ da đen tóc xoăn dong tay phát biểu.

– Thưa ngài tổng tư lệnh! – anh ấy nói, giọng hơi run có lẽ vì xúc động. Tôi rất ngạc nhiên khi ngài đích thân nói và viết ra điều đó. Tôi cho rằng, công dân một nước độc lập thì phải có quyền tự bảo vệ lấy đất nước mình chứ ạ?

– Thế, anh cho rằng người Công Gô đủ khôn ngoan tài trí để tự bảo vệ nền độc lập của mình sao? – vị tổng tư lệnh gằn giọng pha chút mỉa mai. Giả sử tôi giao anh làm tổng tư lệnh, anh có đảm đương nổi không?

Sau câu nói, y nhếch mép cười khinh khỉnh. Vài người trong hội trường cười cợt hả hê. Chắc họ nghĩ chẳng ai điên gì giao chức tổng tư lệnh cho một người nhỏ thó vừa mới học hết bậc tiểu học như anh chàng trung sĩ ấy.

Bừng bừng sắc mặt, vị thượng sĩ ngồi kế đó đứng lên:

– Thưa ngài! Tôi thấy chuyện này không ổn! Tôi hoàn toàn đồng ý với trung sĩ Awax.

Ông E.J. mặt đỏ gay.

– Thượng sĩ Geoffroy! – ông cao giọng. Chuyện đơn giản thế mà cả cậu lẫn trung sĩ Awax đều không hiểu sao? Tôi cam đoan người Công Gô không đủ sức tự lo liệu. Chính vì vậy, giờ đây các cậu phải ủng hộ tối đa để Forte Publique tiếp tục làm nhiệm vụ.

Quay lại với toàn thể cử tọa, ông nói, lần này thì giọng ông vô cùng khẳng khái:

–  Tôi khẳng định, độc lập chỉ mang lại sự thay đổi cho các nhà chính trị và thường dân thôi. Còn đối với các cậu, chả có gì khác lạ! Chẳng có một vị thạc sĩ an ninh mới mẻ nào trong số các cậu đủ sức đứng ra cải cách cơ cấu của một lực lượng quốc phòng đã từng kết hợp với nhau rất tốt và từng chiến thắng lẫy lừng như Forte Publique này cả! Đừng nghe lời mấy gã chính trị gia tầm phào! Họ đang nói dối các cậu đấy!

Rồi ông nhấn mạnh:

– Tôi chính thức tuyên bố: Forte Publique tiếp tục hoạt động. 100% quân nhân, nhờ vào những đóng góp lớn lao trong thời gian qua, sẽ được chính thức tăng một bậc lương trong tháng tới. Tất cả rõ chưa?

Sau câu nói của vị trung tướng, hầu hết thuộc hạ đều tỏ ra phấn khích. Riêng trong số các anh hạ sĩ quan và binh sĩ da đen tóc xoăn, không ít người tỏ vẻ ưu  tư. Họ có cảm giác mình vừa bị đánh cắp một thứ gì quan trọng lắm, nhưng không phân tích nổi bị đánh cắp thứ gì. Dẫu sao, xã hội Công Gô vẫn yên ả; và dù sao chăng nữa, cứ nghe tăng lương là mừng rồi.

Awax và Geoffroy tình cờ gặp nhau tại phủ thủ tướng. Cùng đi với họ là một nhóm khá đông binh nhất, binh nhì. Sau khi nghe họ tường trình nội dung cuộc họp do ông E.J. chủ trì, anh Patrice Lumumba rất tức giận. Anh không ngờ ông E.J. liều lĩnh và thiếu tự trọng tới mức như vậy.

Sau khi cảm ơn những người thân tín, tiếp liền sau đó, nhận được bức công điện đòi duy trì Forte Publique và đòi tăng lương, Lumumba lập tức triệu tập một buổi họp.

Sau khi nắm rõ tình hình, các vị có chân trong nội các đều tỏ ra rất băn khoăn. E.J. là tay anh chị số một trong giới an ninh Bỉ. Y có đủ thủ đoạn để kích động binh sĩ nổi loạn. Liệu ăn nói sao đây để y khỏi xuyên tạc chủ trương của tân chính phủ?

Ngay sau buổi họp, thủ tướng đi nhanh về phòng riêng, đích thân đánh công văn. Anh khéo léo ngợi ca công lao ngài tổng tư lệnh trong suốt thời gian dài từ năm 1954 tới nay. Anh nhắc khéo rằng nhà vua Baudouin đã đích thân đứng ra tuyên bố độc lập cho người Công Gô. Anh cũng đề cập thái độ đáng kính của ông toàn quyền Léon Pétillon sau khi Công Gô có được nền độc lập. Rồi anh gõ mấy dòng cuối:

Thưa ngài! Sau khi xem xét bức công điện của Forte Publique, văn phòng thủ tướng Công Gô nhận thấy không thể đáp ứng nguyện vọng tăng lương các vị sĩ quan Bỉ một cách tức thì được. Ngoài ra, văn phòng thủ tướng đề nghị các giới chức Bỉ ngừng các hoạt động tại Công Gô và có kế hoạch trở về nước một cách thích hợp. Chính phủ Công Gô cam kết giúp đỡ tối đa để các gia đình Bỉ sớm về quê hương bình an. Nếu duy trì Forte Publique trong tay người Bỉ thì chính phủ không thể trả lương cho họ được.

Đọc xong bức công điện, E.J. giận tím mặt. Y trợn mắt nói cùng bọn thân tín:

– Hãy thông báo ngay cho toàn thể sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ biết: Chính phủ của ông Patrice Lumumba không chịu trả một đồng xu lẻ nào cho nhân viên Forte Publique! Hãy nói, theo lệnh tôi, kể từ hôm nay, tất cả nhân viên Forte Publique đều trực 24/24. Không ai được phép rời vị trí!

***

Chỉ vài ngày sau khi E.J. cố tình tung tin như thế, rất đông binh sĩ Công Gô tỏ ra bất mãn. Họ quay sang nói xấu chính phủ. Một số thân nhân của họ còn lên tiếng chửi rủa ông Lumumba.

Ngay trước cổng tòa nhà đồ sộ của Forte Publique có vài quán xá lụp xụp. Đó chính là nơi các binh sĩ thường hay tụ tập cùng đông đảo thường dân. Người tranh thủ ăn; kẻ hút thuốc, uống cà phê. Nhưng giáp mặt nhau, họ bắt đầu bàn quốc sự. Ngay cả những bà phụ nữ lo chuyện bếp núc hoặc các cô bưng bê cà phê vỉa hè cũng ưa tán gẫu hoặc dỏng tai nghe ngóng.

– Bà biết không – một bà nói – chồng tôi mới làm cho Forte Publique được tám tháng. Giờ sắp thất nghiệp rồi. Hóa ra độc lập tự do không có lợi gì cho gia đình tôi cả!

– Thì nhà tôi cũng vậy! Ông xã tôi làm thư ký kế toán cho đồn điền cao su đã mười mấy năm. Vậy mà giờ mất việc. Mấy ông chủ Bỉ thấy tình hình lộn xộn, xách va-li về nước cả rồi. Đồn điền thải ra vô số công nhân. Chẳng biết rồi đây họ lấy gì mà sống.

Thượng sĩ Geoffroy đang ngồi trong quán đó. Nghe vậy, anh ngẩng mặt lên:

– Các chị đừng vội trách chính phủ! Đất nước vừa giành lấy độc lập, biết bao công việc khẩn thiết phải làm. Anh Lumumba đâu có đủ ba đầu sáu tay, làm sao chỉ trong mấy ngày anh ấy có thể ổn định mọi chuyện được?

– Ồ! Ngay cả chú, liệu chú có yên tâm được với công việc của mình không? Nghe nói chính phủ không trả lương cho Forte Publique nữa; vậy nhà chú cạp đất mà ăn sao?

– Thật ra các chị không rõ diễn biến thôi. Anh Lumumba không hề chủ trương như thế. Chính phủ chỉ muốn các sĩ quan Bỉ về nước. Họ có trách nhiệm rời khỏi vị trí; sau đó chính phủ sẽ trang trải lương bổng cho quân đội cách mạng.

– Thật sao? Nhưng tôi nghe nhiều binh sĩ hết lời oán trách ông Lumumba. Họ nói ông E.J. là người tốt. Ông ấy thật sự quan tâm tới đời sống binh sĩ.

– Đó là luận điệu xuyên tạc! Tôi trực tiếp theo dõi và chứng kiến mọi chuyện. Cố tình đổ lỗi cho chính phủ là thủ đoạn của ông ấy.

Đúng 9 giờ sáng, đột nhiên người ta thấy ô tô con của phủ thủ tướng xuất hiện ở cổng trụ sở Forte Publique. Vị thủ tướng bước ra khỏi xe trong bộ y phục quần tây, áo sơ mi trắng, thắt cà vạt đen.

Mọi người khá ngạc nhiên và đâm ra lo lắng cho ông vì giữa ông và trung tướng E.J. đang có mâu thuẫn gay gắt, vậy mà ông vẫn không điều thêm bất cứ lực lượng quân sự nào cùng đi.

Trung tướng Bỉ tiếp ông ở phòng khách.

Sau màn chào hỏi, thủ tướng giữ vẻ thân tình nói:

– Hôm nay, đại diện chính phủ Công Gô, tôi thông báo để ngài hay, chính phủ đã chuẩn bị nhân sự thay ngài. Ngài có thể sắp xếp mọi chuyện ổn chứ?

– Tôi có nhiệm vụ tiếp tục giữ vững nền an ninh tại đây – vị trung tướng gằn giọng. Ông thừa biết tôi là vị tướng kiên cường đã từng chiến đấu trên mọi mặt trận và có những đóng góp lớn cho nhà nước Công Gô Bỉ. Tôi từng giữ những chức vụ quan trọng trong suốt thời gian chiến đấu tại căn cứ quân sự Kamina. Vậy thì tại sao tôi phải rời khỏi Léopoldville trong khi tôi là cấp chỉ huy làm rất được việc?

– Chúng tôi biết ơn ngài về tất cả những điều đó – vị thủ tướng dịu giọng. Nhưng độc lập phải đi đôi với quyền tự trị. Giờ đây, sự hiện diện của ngài ở cương vị tổng tư lệnh sẽ vô tình làm khó cho chính phủ Công Gô. Chính vì lẽ đó, ngài hãy vui vẻ làm như vị quan toàn quyền Léon Pétillon và nhiều người Bỉ khác đã làm.

– Mỗi người mỗi khác! – ông lính già đột nhiên trừng mắt. Ông không nên nhắc tới người khác khi đề cập tới tôi. Tôi có khí giới trong tay. Tôi cũng có sự hậu thuẫn của 79 nghìn công dân Bỉ sinh sống tại Công Gô này. Lẽ ra ông nên ủng hộ tôi mới phải. Và ông cũng nên quan tâm tới đời sống các binh sĩ, những người đã đổ mồ hôi, xương máu để lo cho nền an ninh của đất nước Công Gô.

Với ánh mắt trong sáng sau cặp kiếng cận, vị thủ tướng thẳng thắn nói:

– Cụ thể, về vấn đề tăng lương cho tất cả quân nhân, ý tôi hiện nay là không thể. Chính phủ chỉ quan tâm tới việc đó sau khi sĩ quan Bỉ không còn hiện diện trên đất nước này nữa. Ngài tuyệt đối không nên loan tin rằng chính phủ Công Gô không chịu trả lương cho binh sĩ. Nay mai, nếu ngài tiếp tục bám lấy chức vụ tổng tư lệnh thì ngài sẽ chịu trách nhiệm về tất cả mọi chuyện.

Patrice Lumumba nói xong, đứng dậy bắt tay rồi hiên ngang bước ra cửa. Anh thản nhiên bước từng bước vững chãi trên sân cỏ.

Ra phía bên ngoài, anh hơi ngạc nhiên khi trông thấy chiếc xe Jeep của ông Loliki, vị cố vấn đã từng kề vai sát cánh suốt ngày đêm với tổ chức chính trị MNC-L. Cách đó một quãng là chiếc xe con màu trắng của ông Jules Chrome, vị luật sư đầy lương tri thường hay ra sức bênh vực anh. Ở hai bên lề đường, dưới ánh nắng chói chang là vô số biểu ngữ. Anh thấy có tới hằng trăm dân thường đang túc trực ở đó vì lo lắng cho anh.

Có mấy câu biểu ngữ:

NHÀ NƯỚC CÔNG GÔ ĐỘC LẬP MUÔN NĂM!

KHÔNG AI ĐƯỢC XÚC PHẠM THỦ TƯỚNG LUMUMBA!

Lại có cả những dòng chữ đỏ rực, nội dung căng thẳng:

YÊU CẦU THỰC DÂN BỈ VỀ NƯỚC!

NGƯỜI BỈ CÚT VỀ NƯỚC!

Làn sóng căm phẫn của binh sĩ và thường dân Công Gô dâng lên. Họ không thể chịu đựng nổi sự quỷ quyệt của ông “tổng tư lệnh” vô thừa nhận. Tại trại Hardy gần Thysville, binh sĩ Công Gô ngông cuồng nổi dậy dùng vũ lực tống khứ sĩ quan Bỉ ra khỏi trại. Họ còn kéo nhau về nhà riêng gã ngoại kiều ấy, yêu cầu cả gia đình trong vòng 48 giờ phải lập tức rời khỏi địa phương.

Những người châu Âu đang yên ổn kinh doanh tại các thành phố lớn hoặc đang làm việc cho Viện nghiên cứu khoa học vùng Trung Phi (IRSAC) cũng hoang mang cực độ. Họ nhắc nhau gài cửa chặt, gia cố thêm dây kẽm và hạn chế ra đường. Hằng trăm gia đình người da trắng tại Brazzaville và Stanleyville hốt hoảng làm nhanh thủ tục rời khỏi Công Gô.

Tại thủ đô, nhanh chân hơn nhiều đồng nghiệp khác, trên chiếc xe ô tô trắng chất hai thùng sách nghiên cứu về khí hậu châu Phi và hai va-li quần áo, tiến sĩ Richard vội vã đưa gia đình ra phi trường N’Djili để về nước. Tay ôm vô-lăng, mắt chăm chú nhìn phía trước, nhà khoa học người Pháp dặn dò vợ và con gái:

– Tại phi trường, nếu dân bản địa hung hăng lỗ mãng, cả nhà ta đừng phản ứng làm gì. Có ai chửi rủa hoặc hành hung, ráng chịu đựng. Chỉ đỡ đòn thôi, không đánh trả.

– Ba ơi! Họ có đánh con không ba? – cô bé Jade 13 tuổi lo lắng hỏi; mắt cô trong xanh và óng ánh hiền dịu như mắt thiên thần.

– Đừng hỏi nữa, để ba tập trung lái – mẹ cô bé ngồi phía sau chồm người lên nhắc nhở; gương mặt bà trông rất nhân từ nhưng đầy vẻ lo âu.

“Rầm! Rầm!”

“Rầm! Rầm!”

Đột nhiên cả ba hoảng loạn tinh thần; xe thắng gấp. Ba bốn tên côn đồ da đen tóc xoăn bất ngờ dùng gậy gộc đập thí mạng vào kính trước xe. Kính vỡ toang, bắn mảnh ra tung tóe. Bà Richard thét lên. Bé Jade và ông Richard ngồi hai ghế trước bị thương nặng. Mình đẫm máu, hai cha con bất tỉnh nhân sự.

Mặt Trời lên tới đỉnh đầu. Khí trời rất nực. Ở nhiều đường phố khác tại thủ đô Léopoldville, vô số đoàn biểu tình tự phát hô vang các câu khẩu hiệu kích động mọi người chống Bỉ. Khi thấy ô tô của người da trắng chạy trên đường, nhiều người quá khích trong đoàn biểu tình ngang nhiên chặn lại, dùng vũ khí tự chế buộc họ rời xe. Bọn vô học coi xe ô tô là chiến lợi phẩm. Chúng leo cả lên xe, nghênh ngang lượn lách giữa lòng đường, chẳng coi pháp luật ra gì.

Rải rác tại các vùng ngoại ô, binh sĩ và dân thường kéo nhau tới nhà ngoại kiều, yêu cầu họ cút về nước. Một số nhà cửa của người châu Âu bị dân chúng đốt phá. Ngọn lửa dữ dội của sự cuồng nộ không kiểm soát được đã bùng lên gần như khắp nơi.

Chỉ trong vòng hai tuần, 8 người châu Âu bị thương nặng, 10 ông “sĩ quan” bị đuổi ra khỏi nhà, 150 nóc nhà của người Bỉ và người Pháp bị thiêu rụi. Nhiều vị sĩ quan Bỉ sợ hãi tự lột trả quân hàm. Nhiều người tức tốc làm thủ tục đưa vợ con về nước. Ông E.J. lệnh khẩn cấp cho binh sĩ Công Gô đứng ra dẹp loạn, nhưng không cách sao ngăn chặn được cuộc bạo loạn lớn đã diễn ra trên diện rộng.

Chính phủ Công Gô thông báo toàn quốc đặt trong tình trạng báo động. Lệnh giới nghiêm được siết chặt. Trên nhiều nẻo đường, xe chính phủ bật loa phát đi lời kêu gọi:

Đây là tiếng nói của chính phủ Công Gô. Theo lời kêu gọi của thủ tướng, yêu cầu toàn thể đồng bào dừng ngay các hành vi bạo động. Không được phép tự động tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố. Không được phá hoại tài sản hợp pháp của người ngoại quốc. Tuyệt đối nghiêm cấm việc dùng vũ lực uy hiếp người châu Âu. Tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc kích động người khác dùng vũ lực. Yêu cầu bà con hãy giữ bình tĩnh. Chính phủ đang cần sự ổn định để xây dựng đất nước. Những người không tuân thủ các quy định này sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

 

Một buổi xế trưa, lúc “tổng tư lệnh” E.J. đang ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế dềnh dàng nhất tại trụ sở Forte Publique, chuông điện thoại reng lên.

– A lô! Tôi nghe đây! – y nhấc máy nói.

– Vâng! Xin chào anh. Anh nhận ra giọng tôi chứ?

– Cậu cứ nói đi, Maxime Peeters!

– Anh nên rời bỏ lập tức chiếc ghế “tổng tư lệnh” đó đi. Nhục lắm! Nhục cho nước Bỉ lắm! Người ta đã độc lập rồi. Hội nghị ở Bruxelles cũng như lời tuyên bố của hoàng thượng trong buổi lễ ngày 30 tháng Sáu cũng đã khẳng định như thế…

– Hừ! Hay lắm! – y ngắt lời. Cậu là kẻ đào ngũ. Cậu không có tư cách kiến nghị bất cứ điều gì!

– Tôi chỉ nói những điều mà lương tâm của một người Bỉ cần nói. Ông nghĩ xem, ông thủ tướng Công Gô có mời ông đứng ra làm tổng tư lệnh nữa không?

Quá tức giận, vị tướng già gần như run rẩy. Nhưng ở đầu loa nghe, giọng ông Peeters vẫn rền vang:

– Tôi rất hổ thẹn vì xưa nay mình đã từng làm việc dưới quyền chỉ huy của một người như ông…

***

Tại hai thành phố lớn Brazzaville và Stanleyville –  nơi khó lòng có được sự kiểm soát kịp thời của chính phủ – dân chúng trở nên quá khích. Hằng nghìn người ùn ùn kéo tới các khu phố dành riêng cho người châu Âu hô vang các câu khẩu hiệu đả kích người Bỉ.

Nhưng trong số họ không phải đơn thuần chỉ là những người lương thiện. Hằng trăm người lợi dụng tình thế đó đã phá rào, xông thẳng vào nhà ngoại kiều đập nát xe cộ, ra sức cướp bóc. Một số người còn đánh đập tàn nhẫn người châu Âu bất kể người đó lai lịch thế nào. Họ vô tình biến cuộc cách mạng chống thực dân Bỉ đầy ý nghĩa thành cuộc bạo loạn phi nghĩa.

E.J. tức thời điều động bốn tiểu đoàn Forte Publique tới hai thành phố đó. Sợ vấp phải sự kháng cự của người Công Gô, y trực tiếp giao trọng trách chỉ huy trưởng cho người bản xứ, đồng thời căn dặn các sĩ quan Bỉ không chìa mặt ra gặp dân.

Nhân viên Forte Publique chia thành từng nhóm nhỏ bảo vệ các ngôi nhà của người da trắng. Thế nhưng, tình hình không mấy khả quan. Rải rác đã có những cuộc đụng độ lớn nhỏ giữa dân thường mang theo xăng, lửa và gậy gộc với các tiểu đội Forte Publique.

Thủ đô Léopoldville náo động. Dân chúng tụ tập quá đông tại các cơ quan công quyền. Họ giận dữ nêu ra yêu sách đòi chính phủ đuổi sạch người Bỉ ra khỏi Công Gô, bất luận người Bỉ đó là ai. Chính phủ cho xe tuyên truyền đi trấn an người dân khắp các nẻo đường, nhưng không có hiệu quả. Lực lượng quân đội của E.J. đã tỏ ra yếu thế. Một mặt, họ khiếp sợ làn sóng biểu tình tự phát quy mô lớn của người dân; mặt khác, họ e ngại vũ khí của họ vô tình đụng phải người da đen tóc xoăn như họ.

Ở vài nơi, nhân viên Forte Publique mang mặt nạ chống hơi ngạt, tung lựu đạn cay nhằm giải tán đám đông. Nhưng xem ra, loại vũ khí mà bọn thực dân hay sử dụng để đàn áp các cuộc biểu tình ấy chẳng đủ sức ngăn cản khí thế sục sôi và làn sóng căm phẫn vô độ của công chúng.

***

Arthur gần như muốn reo lên khi Henriette e lệ nói rằng cô có thai. Ở tuổi anh, vừa cưới được cô vợ trẻ, nay lại sắp có con, thử hỏi làm sao anh không vui mừng cho được!

Anh cảm thấy hồi hộp lạ. Anh định đem tin vui này khoe với Disanka ngay trưa hôm ấy để cô em chia sẻ niềm hân hoan của vợ chồng anh. Anh cũng định nói, nhờ Disanka mà anh mới có được ngày hôm nay.

Nhưng dự định đơn giản của anh không thể thành hiện thực. Khoảng tám giờ sáng, bốn nhân viên Forte Publique khiêng băng ca vào nhà anh. Xác người được quấn kín trong tấm drap trắng vấy máu. Chừng bảy tám phụ nữ đi theo sau lưng họ. Tất cả đều lặng câm; nhưng ánh mắt cực kỳ buồn bã.

– Đây là nhà chị Disanka Ilunga phải không anh? – một người da đen mang quân hàm thượng sĩ hỏi.

Arthur thấy lạnh người; tim đập loạn xạ. Anh ngơ ngẩn gật đầu.

– Có phải chị ấy làm thư ký kế toán ở phủ thủ tướng không? – người kia hỏi thêm.

Arthur không thể chịu đựng nổi sự kinh hãi. Anh ấp úng:

– Disanka… Disanka sao vậy?

– Chị ấy mất rồi. Lúc chị cố băng qua đường, gần tới cổng phủ thủ tướng thì bị đám đông quá khích giẫm đạp lên người. Cùng một lúc có tới bốn phụ nữ bị té và giẫm đạp như thế; hai người đã tắt thở ngay tại chỗ.

– Các ông làm ăn cái quái gì vậy? – Arthur bất ngờ lao tới với cú đấm chực rơi ngay vào gương mặt đau khổ của anh thượng sĩ.

Mấy phụ nữ đứng cạnh đó đã kịp thời ngăn lại. Họ trình bày để anh Arthur hiểu rằng chính anh hạ sĩ quan này đã hết lòng cứu chữa, hà hơi thổi ngạt và chăm lo cho Disanka rất tận tình. Họ khuyên anh hãy kiềm chế. Họ hết lời an ủi anh. Và cuối cùng, các nhân viên Forte Publique cúi đầu chào anh. Đám phụ nữ ở lại lo tang lễ chị.

Thi thể Disanka được đặt trên chiếc giường vừa được kê ngay giữa phòng. Không khí căn nhà ấm cúng hoàn toàn biến mất.

Henriette từ ngoài bước vào:

– Lạy Chúa! Tại sao mọi chuyện ra nông nỗi này! Anh Arthur! Em không chịu nổi cảnh tượng này! Disanka! Chị Disanka!

Arthur sửng sốt nhìn quanh. Mắt anh hoang dại như đang ở một cõi nào không phải trần gian.

***

Mấy ngày sau, để đối phó với tình hình bạo loạn tiếp tục lan tới một thành phố nữa là Thysville, thủ tướng công bố quyết định thăng chức vượt cấp cho thượng sĩ Victor Lundula, người đội trưởng đội y tế của Forte Publique có tấm lòng hào hiệp, nhiệt tình và thương dân.

Lundula chính là tấm gương sáng của quân cách mạng. Anh không ngại hiểm nguy, ngày đêm xông pha cứu chữa cho hằng trăm nạn nhân trong các vụ xô xát. Lundula xuất thân từ giới bần cùng ở quê nhà. Anh cùng sắc tộc với Patrice Lumumba, lâu nay được mọi người cảm mến vì đức tính nhân từ và khiêm tốn. Anh cũng là người được mọi người kính trọng, được các vị hạ sĩ quan và binh sĩ Công Gô tín nhiệm hết mình.

Nghe tin đó, Maxime Peeters gọi điện tới Ban y tế Forte Publique để chúc mừng. Sau đó, chẳng hiểu nghĩ sao gã lại gọi cho ông E.J..

Vị tướng Bỉ đang ngồi phì phà điếu xì gà trước bàn trà.

– A lô! Tôi nghe đây! – y bực dọc nói.

– Maxime đây anh! Chắc anh đã nghe thượng sĩ Victor Lundula vừa được thăng thiếu tướng rồi chứ ạ?

– Vâng, chuyện nực cười!

– Với tình anh em, tôi khuyên anh ủng hộ thiếu tướng Lundula. Dù sao cậu ấy cũng là người do anh em mình đào tạo lên mà!

– Hừ! Chắc chú mày rảnh rỗi lắm hả? Nếu không có gì khác, tao cúp máy đây!

– À, “sếp” đừng vội. Tôi cũng đề nghị “sếp” nên ủng hộ thủ tướng! Anh ấy tuy hơi nóng tính nhưng hy vọng sẽ là cái phao cứu sinh cho người dân Công Gô.

– Kệ mẹ nó! – y văng tục, quăng đại chiếc điện thoại xuống bàn đánh “rầm” một tiếng. Ánh mắt y hừng hực như bốc lửa.

Sau một đêm trằn trọc mất ngủ ưu tư tới bạc đầu, sáng ra, E.J. chính thức gọi điện sang phủ thủ tướng. Y bảo y muốn từ chức. Y nói, lẽ ra nên chờ 20 tân sĩ quan Công Gô được đào tạo ở Bỉ về nước rồi hẵng giao nhiệm vụ, nhưng vì tình hình bức bách nên tạm thời sắp xếp như thế cũng tốt.

Mấy ngày sau, thiên hạ nghe tin Forte Publique chính thức giải thể. Thay vào đó, thủ tướng cho thành lập hoàn toàn mới một lực lượng quân sự mang tên Quân đội quốc gia Công Gô. Thiếu tướng Victor Lundula được giao chức tổng tư lệnh.

 

  1. Léopold II (Nhà vua Bỉ), sinh 1835, mất 1909.
  2. Giám đốc Văn phòng Dịch vụ An ninh Tối mật. Có lẽ văn phòng này là một tổ chức tình báo tư nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận nằm ngoài sự kiểm soát của các tổ chức tình báo trên thế giới (Chú thích của Po Martin).
  3. Office of Strategic Services (Cơ quan Dịch vụ Chiến lược): Cơ quan tình báo của Mỹ, thành lập tháng Sáu 1942, số nhân viên lên tới 13 nghìn người, tiền thân của CIA (chú thích của Po Martin).
  4. Đây là câu tiếng Pháp, nghĩa là: Trước độc lập = Sau độc lập.
  5. Tên gốc: Armée Nationale Congolaise (ANC).