Chương 6
Nghe tin ông Kazadi – bố của Imani và Marie – đột tử, Disanka rất đỗi bàng hoàng. Cô khóc ngất một hồi, rồi vùng dậy thu xếp về nhà ngay, vừa đi vừa chặm nước mắt.
Cha nuôi cô rất mừng khi gặp lại cô. Nhưng hai cha con không có thời gian trò chuyện nhiều. Do quan hệ láng giềng thân thiết, ông Ilunga phải đứng ra lo mọi chuyện bên nhà người quá cố.
Nhà văn Trần Như Luận
Đây cũng là dịp cô gặp lại Imani. Điều làm cô khá vui là Imani không những đã có con – cậu con trai gần ba tuổi da đen tóc xoăn kháu khỉnh – mà đang mang bầu nữa. Qua ánh mắt, Disanka biết là Imani thật sự mừng vui khi gặp lại cô.
Anh Blaise thì khác. Anh tỏ ra vô tư vô tâm, như thể trước đây giữa anh và cô chưa hề có một cuộc chạm môi yêu đương hay sự chung đụng nào. Disanka nghĩ, âu thế cũng là điều tốt đẹp cho cô, vì từ nay cô khỏi phải bận tâm.
Disanka biết thêm, trong những ngày tổ chức tang lễ cho ông Kazadi, cả nhà ông Abaza đang lo cho kỳ thi mãn khóa của Marie ở Fort-Lamy. Chính vì vậy, mãi gần một tuần sau, họ mới thu xếp để đưa Marie sang chịu tang.
Một buổi sáng, khi tang lễ đã kết thúc, lúc Disanka sang tiễn chân mọi người tại nhà bố Imani thì một chuyện không ai mong đợi lại xảy ra.
Xồng xộc từ cổng chính, ba người lạ mặt xông vào. Marie có lẽ là người phát hiện ra chúng đầu tiên. Cô hốt hoảng co rúm người, tay chỉ trỏ, miệng la toáng lên:
– Cướp! Cướp!
Cả ba đều bịt mặt bằng vải đen, chỉ chừa mấy đôi mắt toát lên vẻ hung tợn. Hai gã xông vào trước lăm le hai khẩu súng trường. Gã thứ ba to xác hơn, hùng hổ bước vào với cây dao găm sáng loáng và chiếc còng số 8 chực sẵn trên tay.
– A37, ngươi đã bị bắt! – gã ấy bất ngờ tìm tới ngay trước mặt tay trợ lý của anh Blaise, chĩa mũi dao, hét lớn.
“Rầm, rầm!”
Trong lúc chúng chưa kịp còng tay cậu trợ lý ấy thì anh Blaise xông ra, tung hai cú đá thần tốc vào ngực hai tên chĩa súng trước mặt, hất văng cùng một lúc hai khẩu súng xuống nền đất. Anh tiếp tục sấn tới, dùng bàn tay to khỏe tóm lấy bàn tay cầm dao của tên còn lại. Tất cả mọi người đều kinh ngạc khi nhận ra khả năng ứng phó vô cùng lanh lợi và thiện nghệ của anh.
Cậu bé Michael ré lên, ôm chầm lấy mẹ. Imani mặt cắt không còn chút máu. Disanka la lên:
– Quân khốn nạn! Cút ngay!
Blaise có ý định bắt một tên trong bọn để tra khảo xem chúng là ai; nhưng trong nháy mắt, chúng đã cao chạy xa bay, để lại khẩu súng trường còn mới tinh trên sân cỏ.
***
Disanka là người còn lại sau cùng vì Imani nhờ cô ở lại khóa cửa và trông nhà hộ. Cô phát hiện chính giữa phòng khách, ngay trên nền nhà là một chiếc cặp da còn khá mới. Cô đoán chắc đó là chiếc cặp của Marie thường dùng đến trường. Cặp khá nặng. Mở ra, cô thấy bên trong có nhiều tài liệu học tập, một chiếc lược ngà và đôi bông tai bằng vàng tây.
Cô cũng lôi ra được xấp tài liệu dày cộm. Đó là tài liệu được đánh máy chữ bằng thứ ngôn ngữ gì lạ lắm, kèm một bản tiếng Pháp chép tay, có lẽ là bản dịch.
Cô tò mò lật ra xem. Cô khá ngạc nhiên vì nét chữ bản tiếng Pháp có lẽ là thủ bút của Imani:
Thoạt đầu, Huu lấy Rat đẻ ra Xho, Mau và Pau. Xho lấy Mii đẻ ra Bu, Bit, Hoo và Pat. Pat lấy Min đẻ ra tôi và Mid.
Huu và cả bầy con cháu đông đúc ấy đều rất hiền. Chúng chỉ ăn trái cây hái trong rừng. Chúng ngủ trong rừng. Chúng bài thải mọi thứ trong rừng sâu. Vì rừng là nhà nên chúng không bao giờ biết sợ. Những người lớn to khỏe luôn đủ sức che chở cho cả bầy. Ở đây, có cả beo đốm và cá sấu. Có đủ loại rắn. Nhưng tất cả, từ già tới trẻ chẳng biết sợ là gì. Những người già biết nhiều cách để giữ cho cả bầy được an toàn.
Có những đêm trăng sáng, chúng kéo cả bầy ra tới bìa rừng để cùng ngắm trăng. Chúng vui vẻ cầm tay nhau. Chúng cười và nhảy. Chúng xem cả bầy là chính mình. Cả bầy vui là chúng vui.
Bộ tộc chúng tôi là thế đó. Bộ tộc chúng tôi được các bộ tộc khác gọi là Blasensenla, có nghĩa là cười và nhảy.
Cái tên ấy nghe ra cũng không hề sai. Vì từ già tới trẻ, tất cả cứ gặp nhau là nhoẻn miệng cười. Cười là cách chào của chúng. Khi vui, chúng cười. Cả khi té ngã đau điếng chúng cũng cười. Có kẻ bảo, vì chúng vui trong lòng nên chúng cười. Nhưng thật ra, ý nghĩ đó không hề đúng. Điều đơn giản: chúng cười, vì vậy chúng vui.
Nhảy múa là điều thích thú của bộ tộc tôi. Nhảy múa làm cho mọi người thêm xinh đẹp. Bộ ngực và bộ mông của hầu hết các con đực biết nhảy một cách mạnh mẽ đều vô cùng xinh đẹp. Bộ ngực và bộ mông của đa số con cái biết nhảy một cách nhịp nhàng lại càng xinh đẹp hơn. Tất cả những điều đó thật đáng yêu. Có người bảo, vì chúng vui trong lòng nên chúng nhảy. Nhưng thật ra, ý nghĩ đó không hề đúng. Điều đơn giản: chúng nhảy, vì vậy chúng rất vui.
Disanka khẽ cười. Cô lấy làm lạ về tất cả những ý tưởng khá ngây ngô và lạ lẫm của “ông tác giả” đã viết ra những đoạn văn quái lạ này. Nhưng rõ ràng ấy là những ý tưởng vui. Ý tưởng vui thật là tuyệt vời khi được đặt bên cạnh một thế giới hổ lốn, nhốn nha nhốn nháo, đầy quỷ dữ và sự tranh cướp táo tợn như cái thế giới cô đang sống.
Disanka cảm thấy bị cuốn hút ngay bởi cách viết chân thực đến như vậy. Cô hiếu kỳ đọc tiếp:
Khi tôi sắp thành người lớn (về sau xác định thời điểm đó tôi 16 tuổi – thật ra những người sống trong rừng như tôi chẳng bao giờ để tâm xem mình đã sống bao lâu) một vụ cháy rừng khủng khiếp đã xảy ra hết sức bất ngờ cho cả bộ tộc tôi.
Lửa! Lửa! Lửa!
Không biết cơ man nào là lửa!
Tất cả mọi người đều bỏ hết mọi thứ để chạy tán loạn. Tôi chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy. Chạy! Chạy càng nhanh càng tốt. Chạy như một phản xạ để tự cứu lấy mình. Tôi không biết nên chạy cùng ai, nên chạy về hướng nào. Nhưng tôi phải chạy. Tôi chẳng thấy Min, Pat và Mid đâu cả. Tôi chỉ biết chạy để thoát khỏi sức nóng kinh hoàng của lửa.
Không còn rừng nữa, vì tất cả đã biến thành một khối lửa khổng lồ. Min ơi! Pat ơi! Mid ơi! Cả nhà chúng ta lạc nhau cả rồi. Tôi biết chạy đến đâu bây giờ?
Lúc thoát ra khỏi khu rừng hừng hực lửa, tôi bị trầy xước cùng mình, quá mệt và đói. Tôi gần như kiệt sức. Có lẽ đã bị ngất đi.
Chẳng biết bao lâu sau, mở mắt ra, tôi trông thấy chừng năm bảy người bao lấy quanh tôi. Họ to cao quá cỡ. Người nào người nấy trông thật kỳ lạ vì da trắng như bông xhorha. Ban đầu tôi hơi sợ. Nhưng thấy họ quan tâm chăm sóc vết thương cho tôi, tôi cảm thấy yên tâm.
Tôi dốc sức nói rõ để họ biết tôi là người của bộ tộc cười và nhảy. Tôi còn hăng say nói, nếu họ là người tốt, hãy mang tôi trả lại cho rừng. Tôi xin họ đừng bắt tôi đi đâu cả. Tôi muốn sống cùng bộ tộc của mình, trong ngôi nhà rừng.
Lúc tôi ngưng nói, họ phá lên cười. Họ nói với nhau những tiếng gì tôi không hiểu. Một người ra hiệu cho tôi biết họ không hề hiểu những gì tôi nói.
Một ông mang kiếng trông gương mặt rất hiền. Ông ngồi sát bên tôi. Ông tò mò sờ vào đầu tóc xoăn tít của tôi, thích thú mân mê từng sợi. Ông lại mỉm cười, đưa tay sờ lên da ngực tôi và cả cái khố bện bằng dây rừng của tôi nữa.
Mấy người khác cũng đến ngồi sát bên tôi. Tôi chỉ mỉm cười với họ, chẳng biết nói gì.
Chúng tôi đã làm quen với nhau như thế. Ông mang kiếng là người tốt bụng. Ông và một người nữa đã lấy thứ bánh gì đó cho tôi ăn, rồi dẫn tôi đi khắp khu rừng còn hừng hực hơi nóng với ý định tìm cho ra những người còn sót lại trong bộ tộc tôi. Nhưng khu rừng vắng ngắt rộng thênh thang và vô cùng hỗn độn lúc ấy chỉ còn là bãi than củi đen ngòm, sặc mùi khói nồng nặc; chúng tôi chẳng bắt gặp bất cứ ai.
Tôi chỉ còn biết khóc. Người mang kiếng (mà sau này là bố nuôi của tôi) và người đàn ông đi bên cạnh (mà sau này tôi luôn gọi là chú Antoine) đã ra sức vỗ về, an ủi tôi.
Bố André cho tôi ăn khi tôi đói. Bố ngủ đâu thì tôi ngủ đó. Và tôi rất ưng bụng khi vác giúp bố hoặc chú Antoine những vật dụng đi rừng.
Mấy ngày sau, trời trở lạnh, tôi nhớ Min và Pat vô cùng. Tôi cũng nhớ con bé Mid, em gái tôi. Hai chúng tôi đã cùng chơi đùa bên nhau thật vui trong suốt thời gian qua. Cứ về đêm, mỗi khi trời gai gai rét, Min hay ôm tôi, còn Pat hay ôm Mid. Những điều đơn giản, thú vị ấy bây giờ không còn nữa. Tôi cứ nằm đó, vô tình để nước mắt rơi. Tôi muốn thét to lên để thần Ahakana biết nỗi thống khổ tột cùng của tôi nhưng chỉ sợ bố André và mọi người lo lắng.
Ngay trong những ngày ấy, bố André và chú Antoine bắt đầu dạy cho tôi một vài từ ngữ tiếng Pháp. Cả hai hứng thú ra mặt khi tôi bật ra những âm thanh mà họ hiểu. Những từ đầu tiên tôi được học là oncle Antoine để chỉ chú Antoine, papa để chỉ bố André, oui để chỉ sự đồng ý và non để chỉ sự không đồng tình.
Khi tôi bật lên câu nói “Je m’appelle Po”, bố André mừng rỡ xoa đầu tôi và gật gù ra vẻ thích thú lắm.
Tôi đã trưởng thành dần lên như thế, trong sự bảo bọc và dạy dỗ của “hai người bố”, từ khu rừng này sang khu rừng khác, từ bản làng này sang bản làng khác.
Bố André và chú Antoine biết nhiều thứ lắm. Bố là nhà khảo cổ học, đồng thời nghiên cứu sâu về địa chất. Chú Antoine vừa là trợ lý cho bố tôi, vừa là người ham tìm hiểu động vật hoang dã. Cả hai ưa trò chuyện với tôi. Đặc biệt, họ tận tụy dạy tôi từng nết ăn, lối ở. Tất nhiên họ cũng dạy tiếng Pháp ngày càng nhiều và cách tính toán cho tôi. Họ sắm cả bút, mực, vở cho tôi. Họ ân cần trang bị cho tôi mớ kiến thức căn bản mà họ cho là vô cùng cần thiết.
Buồn cười nhất là khi cả đoàn tới một thị trấn nọ, họ sắm cho tôi y phục phương Tây; họ thuyết phục tôi ăn mặc như họ. Mỗi lần tôi cởi bớt đồ ra, mặc đơn giản cái khố dây rừng cho đỡ nực thì họ cứ nhìn tôi, lắc đầu, cười.
Bố André bảo, ngày xa xưa, loài homo sapiens chúng ta cũng chỉ mặc đơn sơ như vậy. Nhưng càng về sau, khi văn minh lên, người ta nhận thấy chỉ mặc vậy thì không đủ ấm và không thể bảo vệ da tốt được. Nhiều côn trùng quấy rối chúng ta và mang mầm bệnh tới cho ta. Tôi nhe răng ra cười, yêu cầu bố giải thích xem homo sapiens là thế nào. Bố cắt nghĩa đấy là tên khoa học để chỉ loài người hiện đại chúng ta. Bố còn nói, đó là loài động vật thượng đẳng trong bậc thang tiến hóa của các loài động vật.
Tôi cười hỏi, bố ơi, phải chăng “thượng đẳng” là do loài người tự phong thôi hay ai phong, bởi vì thực ra có một số tính cách không hẳn loài người đã tốt hơn loài thú đâu. Tôi là người đã từng sống chung thoải mái với bao thú vật rừng sâu nên tôi biết rõ điều đó.
Bố cốc nhẹ vào đầu tôi, bảo tôi bướng. Nhưng kể từ đó, chẳng hiểu vì lý do gì, tôi rất thích quan sát tính cách và đức hạnh của cả loài homo sapiens. Tôi nghĩ, tình gắn bó tương trợ và tính cách của những người trong bộ tộc tôi đúng là tốt đẹp. Chúng tôi thường chào nhau bằng nụ cười và hào sảng cầm tay nhau nhảy múa vô tư, không hề công kích hay đánh đập nhau. Còn những tộc người khác ra sao, tôi làm sao khẳng định được?
Phát hiện đầu tiên của tôi khi chung sống với nhóm homo sapiens xuất xứ từ phương Tây ấy là ai nấy đều tỏ ra lịch sự thái quá, cảm ơn và xin lỗi hoài, nhưng rất nóng nảy, hung dữ và hay kình cãi. Nhớ lại, người bộ tộc tôi rất ít nói và mau hiểu ý nhau. Chúng tôi có khả năng đặc biệt hiểu nhau qua ánh mắt. Pat và Min chỉ nhìn nhau cười vui vẻ suốt ngày. Còn tôi và con bé Mid thích đút thức ăn cho nhau, thích cầm tay nhau nhảy múa trong tiếng cười khúc khích rộn ràng.
Trận cãi vã dữ dội nhất mà tôi chứng kiến diễn ra ngay trong căn nhà trọ tại một thị trấn nhỏ giữa ông Henri, trưởng đoàn và chú Antoine, phó đoàn. Chuyện xảy ra khoảng ba tháng sau khi tôi nhập đoàn. Chú Antoine muốn ở chung phòng với bố André (vì bố là anh ruột của chú). Nhưng ông Henri nhất quyết không chịu. Ông buộc chú Antoine phải ở phòng khác, chung phòng với anh tài xế, và chú Antoine có nhiệm vụ đánh thức anh tài xế ấy vào sáng sớm hôm sau trước 4 giờ 30. Lý do duy nhất khiến ông Henri buộc chú Antoine phải làm như thế là bởi vì chú Antoine có đồng hồ đeo tay, trong khi anh tài xế hay thức dậy muộn và không có đồng hồ.
Ông Henri rất hằn học. Ông quát tháo vang nhà. Mặt ông đỏ gay. Trông ông lúc ấy thật vô cùng hung tợn. Tôi có cảm tưởng ông muốn ăn tươi nuốt sống chú Antoine.
Tôi rất buồn. Tôi chỉ biết lặng lẽ nhìn, hết chú Antoine, lại đến ông Henri. Trống ngực tôi đánh liên hồi. Tôi muốn làm điều gì đó để ngăn hai người, nhưng chẳng biết nên làm gì.
Cuối cùng, một cách nhẹ nhàng, bố André cầm tay ông Henri, bảo ông ấy bình tĩnh lại. Bố bảo, một là Antoine vẫn ngủ ở đây nhưng khi đến giờ ấy thì sang phòng kia đánh thức anh tài xế dậy; hai là Antoine đưa đồng hồ cho chú Pierre, người sẽ ngủ tại căn phòng sát phòng anh tài xế. Rồi bố nói thêm, nếu một trong hai giải pháp ấy không làm vừa lòng ông Henri thì Antoine qua phòng ấy ngủ luôn cũng được, chả sao.
Nhưng ông Henri vẫn không ngưng quát tháo. Ông bảo chú Antoine ích kỷ và vô phép vô tắc. Và chỉ vì xích mích như vậy, suốt mấy tháng sau, giữa hai người vẫn tồn tại một khoảng cách lớn. Gần như họ không muốn nhìn mặt nhau.
Bố André bảo bố buồn về chuyện đó. Tôi khẽ nắm tay bố, nhẹ nhàng vặn hỏi loài homo sapiens thượng đẳng ở chỗ nào, bố hãy chỉ cho tôi đi.
Bố André lại cười hiền, gõ đầu tôi đau điếng.
Chương 7
Một ngày tháng Sáu 1951, một người phụ nữ Công Gô mình khoác kaftan truyền thống đứng giữa gian phòng rộng nhất trong căn nhà cô Kangelu Congo đường Léopold, trịnh trọng nói:
– Thưa tất cả anh chị em! Tôi đã từng làm kế toán cho Công ty Victor trồng và khai thác cao su đồng thời cai quản nhiều hầm mỏ. Hôm nay, với chủ đề Người Bỉ làm gì tại Công Gô và thái độ của chúng ta, tôi xin bắt đầu bằng một sự tính toán như sau: Công ty ấy thành lập năm 1940. Vốn ban đầu chỉ có 2,3 triệu francs. Sau 3 năm, vốn tăng lên, đạt tới 46 triệu francs. Sau 7 năm, nó đã là 110 triệu francs. Sản phẩm của nó là cao su khô, đóng thành từng thùng 100 kg. Khi gửi về tới Bỉ, mỗi thùng có giá từ 2.500 đến 3.000 francs. Trong khi đó, tại Công Gô này, để có 1 thùng như vậy người Bỉ chỉ cần bỏ ra 500 francs.
Khéo dừng một lát để mọi người kịp tính toán, cô nói tiếp:
– Các anh chị cứ làm phép tính đi: Chỉ bỏ ra có 500 francs mà thu lại tới 2.500 hoặc 3.000 francs! Lãi của họ không thể nào tưởng tượng nổi! Nhưng không phải chỉ có vậy. Họ có trong tay nhiều hầm mỏ. Nếu tính riêng kim cương, mỗi năm họ kiếm được khoảng 12.000 carats. Có một số viên kim cương đặc sắc được khai thác tại Công Gô, với kỹ nghệ chế tác ở Bỉ, đã đem lại một khoản thu nhập khổng lồ lên đến 80.000 francs mỗi carat.
Vài cử tọa chặc lưỡi nói vào tai nhau rằng lợi nhuận của họ đúng là quá lớn. Disanka nhân đó, gật gù, nêu câu hỏi:
– Nhưng cả thành phố này có cả thảy bao nhiêu ông chủ Bỉ vừa kinh doanh ngành cao su vừa khai thác hầm mỏ các anh chị biết không? Có tới 38 ông thực dân như vậy! Và nếu tính luôn trên toàn cõi Công Gô thì có tới 292 công ty! Rõ ràng người Bỉ đã trở nên giàu sụ trên mảnh đất khốn khó của chúng ta. Hằng triệu người lao động Công Gô vì nghèo và thất học đã phải cúi đầu làm nô lệ cho họ. Chưa hết, theo báo cáo của Forte Publique, tại tỉnh Congo-Kasaï này, trong năm 1950 vừa qua, có tới 87 vụ sập hầm mỏ, gây thương vong và mất tích hơn 70 người. Bên cạnh đó, có 2.500 người bị các tai nạn lao động khác do phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Có 55 vụ công nhân bất mãn chống lại đốc công, bị cầm tù 30 người, bị đánh trọng thương 25 người. Mảnh đất Congo-Kasaï không phải chỉ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, mà đã vấy máu! Chúng ta phải làm gì đây để đất nước thoát khỏi xích xiềng nô lệ?
Lời phát biểu hùng hồn của Disanka vừa dứt, tiếng vỗ tay không ngớt vang lên.
Nhưng đột nhiên, xen kẽ trong bao âm thanh đó, Disanka nghe có tiếng bước chân đông người đột ngột rộn lên. Rầm rập, rầm rập, rầm rập…
– Chạy đi! Chạy đi!
Cô trông thấy đám đông thính giả bỏ chạy. Và xuất hiện giữa cửa ra vào bốn tên Forte Publique Bỉ to lớn, râu ria bờm xờm, lăm le mấy khẩu súng trường.
Sắc mặt chúng thật hung tợn. Chúng quát:
– Tất cả đứng yên, không được chạy!
Một gã hô to:
– Bắt lấy chúng! Còng tay chúng lại!
Nhiều người trong nhóm ra hiệu bảo cô chạy đi, nhưng Disanka không sợ. Bọn Forte Publique hùng hổ xông tới. Chúng siết cổ cô và ba người nữa trong nhóm của cô. Chúng hung hăng còng tay các cô lại. Rồi chúng dùng vũ lực buộc bốn phụ nữ ra đường, bước lên chiếc xe nhà binh, ngồi lê dưới ánh nắng vô cùng gay gắt.
Mọi sự diễn ra nhanh đến nỗi Disanka chẳng biết nên làm gì. Nhưng có một điều chắc chắn, là cô tuyệt nhiên không sợ. Gương mặt cô vô cùng bình thản. Ánh mắt cô thật đanh thép.
Cô nói bằng tiếng bản địa cùng những người trong nhóm:
– Cuộc sống người dân Công Gô nhất định phải thay đổi! Nếu có chết vì chính nghĩa, chúng ta sẵn sàng!
***
Bọn Bỉ giam bốn chị em trong nhóm của Disanka được hai ngày ba đêm rồi thả. Mặc dù ra sức tra khảo nhưng cuối cùng chúng chẳng khai thác được gì. Câu trả lời duy nhất mà chúng nhận được nơi những người phụ nữ không có trong tay một tấc vũ khí ấy là: “Chúng tôi chỉ muốn thấy đất nước Công Gô độc lập. Chúng tôi chỉ yêu cầu người Bỉ trả lại nước Công Gô cho người Công Gô. Chúng tôi không có tội!”
Patrice Lumumba nghe tin có người bị bắt đã tức tốc rời Stanleyville quay về Léopoldville. Nhưng khi anh về tới nơi đã thấy Disanka và các bạn được trả tự do. Anh nhận định việc tha bổng sớm như vậy cũng có thể là mưu ma chước quỷ của bọn thực dân. Chúng muốn mọi người ra mặt hoạt động để dễ bề nắm bắt tình hình và thao túng sau này.
Anh nghĩ ngay tới việc cần có một lực lượng bí mật bảo vệ những người cùng chí hướng. Trong vòng vài tuần, anh chiêu mộ mười mấy thanh niên to khỏe, đa phần là người đồng hương. Họ có sức vóc hơn người và giỏi võ. Công việc duy nhất mà họ được giao là canh gác để báo động; khi cần thì khéo léo đứng ra cản lối nếu bọn Forte Publique đột nhập.
Sau khi tâm trí đã hoàn toàn yên ổn, Disanka hồi hộp lật xấp văn bản ra xem tiếp câu chuyện hấp dẫn của Po:
Phát hiện thứ hai của tôi khi chung sống với đồng loại homo sapiens là thế này: Đâu đâu cũng vậy, bọn tham lam và ác độc đông vô số kể. Tôi có cảm nghĩ, ngay cả số lá cây trong rừng già từng rụng xuống hết năm này sang năm khác, hết thập niên này sang thập niên khác cũng không thể sánh nổi số người hiểm ác trên thế gian này.
Năm 1935, lúc tôi 18 tuổi, đoàn khảo cổ của bố André được phép đến Lamu, một xứ sở của nước Đông Phi thuộc Anh. Lamu là tên gọi chung của bảy hòn đảo, đồng thời cũng là tên của một thị trấn cổ. Đó là nơi thích hợp để ngắm cảnh, tắm biển và thư giãn.
Quang cảnh ở đó đẹp lắm. Bầu trời trong xanh. Biển êm đềm phẳng lặng, với những bãi cát dài hút mắt. Đến những chi tiết được chạm trổ nơi những khung cửa sổ, những bức tường hoàn toàn bằng san hô và ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng được thắp lên về đêm cũng khiến cả đoàn chúng tôi không ngớt trầm trồ.
Dân Lamu chỉ dùng tiếng Swahili nên chúng tôi khó lòng giao thiệp. Nhưng dẫu sao, sau khi ở đó vài ngày, tôi nhận thấy nhiều người trong số họ thật tử tế. Vợ chồng người chủ quán trọ đúng là tốt bụng. Họ phục dịch chúng tôi thật chu đáo. Ba đứa con trai của họ thật khôi ngô.
Nhưng một đêm nọ, lợi dụng lúc tối trời, một băng hải tặc ập đến. Chúng mặc y phục đen; đầu chít khăn đen. Chúng đông không đếm xuể. Với vũ khí trong tay, chúng chia ra từng nhóm, ùa vào các phòng trọ và nhiều nhà lân cận. Ba bốn tên tập trung ở hành lang rộng. Chúng la hét và chỉ trỏ lung tung. Chúng bắt buộc mọi người, ai có vàng bạc, ngọc ngà gì thì đem ra nộp cả cho chúng.
Sợ quá, tôi ôm chặt cánh tay bố André, đứng nép sát sau cánh cửa. Nơi dãy hành lang rộng ấy, vợ chồng người chủ quán trọ dập đầu lạy lục, van xin. Nhưng vô ích. Chúng dí súng vào ngực họ. Bà chủ quán trọ vô cùng kinh hãi. Với đôi tay run bần bật, bà gần như không thể tháo được mấy thứ nữ trang trong người ra.
– Đoành! Đoành!
Hai tiếng súng vang lên, đinh tai nhức óc. Bà ngã xuống nền nhà, mắt trợn trắng.
Quá tức giận trước cái chết phi lý và quá bất ngờ của vợ, người chồng dùng hết sức bình sinh nện ngay vào ngực tên sát nhân những quả đấm mạnh bạo. Do không đề phòng, hắn ăn đòn, ngã sóng soài xuống nền gạch.
Một tên khác lao tới với cây súng ngắn trong tay, vừa quát vừa bắn.
– Đoành!
Sau tiếng nổ chát chúa, ông chủ quán trọ gục xuống. Mấy đứa con thấy vậy, không giữ nổi bình tĩnh: Đứa lớn cầm chiếc rựa lao ra, phang tới tấp vào đầu tên cướp. Hắn chỉ kịp hét lên một tiếng rồi gục xuống. Đứa thứ hai liều lĩnh dùng cây chông nhọn hoắt đâm thí xác vào ngực tên cướp đối diện. Đứa còn lại ôm mặt khóc rống lên.
– Đoành! Đoành! Đoành! Đoành!
Tiếng khóc của nó chưa kịp dứt thì một loạt đạn bắn ra. Ánh lửa chớp sáng ghê rợn. Cả ba cậu thanh niên lần lượt ngã khuỵu xuống, đứa nọ chồng lên đứa kia. Một tên quỷ dữ bước tới, lật ngửa xác chúng ra. Hắn dùng lưỡi lê đầu súng đâm loạn xạ rồi ngoáy sâu vào bụng tử thi. Máu tươi và ruột phòi ra vô cùng khủng khiếp.
– Bọn khốn! Dừng lại! – không chịu nổi cảnh tượng ấy, ông Henri, trưởng đoàn của chúng tôi nhào ra ngăn lại, trên tay cầm khẩu súng trường. Ông là người duy nhất trong đoàn có thể nói tiếng Swahili; nhưng theo phản xạ, ông vừa buột miệng thét lên bằng tiếng Pháp. Ông trỏ vào xác chết. Ông muốn bọn chúng dừng tay lại. Sau đó, có lẽ ông phân bua rằng đoàn chúng tôi đi khảo cổ, không có vàng bạc chi cả.
Nhưng bọn hải tặc tiếp tục lục lạo. Từ các phòng trong nhà trọ, chúng ôm ra đủ thứ của cải. Tên ác ôn hồi nãy vẫn tiếp tục hành vi man rợ. Tôi có cảm tưởng hắn cố phanh bụng các tử thi để mua vui. Máu tươi từ các vết thương sâu hoắm tuôn ra thành dòng.
Ông Henri xông tới gạt hắn sang một bên. Nhưng hắn vẫn không buông tha cho các tử thi. Ông Henri trỏ thẳng vào mặt hắn và quát lớn. Có lẽ ông yêu cầu hắn và đồng bọn cứ việc lấy vàng bạc, nhưng không được phanh thây mổ bụng người dân.
– Đoành! … Đoành!
Chúng tôi nghe liền hai tiếng súng chát chúa nổ vang. Tên cướp hung ác giãy giụa trên mặt đất. Ông Henri hai tay ôm ngực. Một dòng máu đỏ ối từ tim ông trào ra. Rồi người ông từ từ khuỵu xuống.
Tôi cảm nhận rất rõ toàn thân bố André run lên. Nhưng bố chẳng biết phải làm sao.
Trong lòng tôi¸ tôi muốn thưa với bố, tuyệt nhiên ở bộ tộc tôi không bao giờ diễn ra những cảnh tượng như thế. Tôi hiểu rõ, ngay cả thú rừng cũng biết thương yêu đùm bọc nhau. Beo hung dữ, nhưng chúng không giết beo. Hổ dữ tợn và khi đói có thể tấn công cả người, nhưng chúng không bao giờ sát hại đồng loại của chúng.
T.N.L