Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận (chương 8, 9 và 10)

436

 

Chương 8

Theo thời gian, mọi chuyện có vẻ lắng dịu. Anh Patrice Lumumba lại được mời đến thuyết trình cho hội viên Câu lạc bộ Dân Trí nghe về tình hình dân sinh ở Công Gô và chính trị thế giới.

– Thưa anh chị em – giọng anh sang sảng. Tất cả chúng ta đang sống tại Công Gô, hằng ngày phải bươn chải kiếm sống một cách vô cùng cực nhọc. Thân nhân và đồng bào của chúng ta cũng đang âm thầm gánh chịu những hậu quả tuy âm thầm, nhưng vô cùng khốc liệt của một nền kinh tế mà người khác nắm trọn lợi nhuận, còn chúng ta chỉ lam lũ làm ăn với đồng lương cầm hơi cùng nhiều tai nạn rình rập.

– Có người cho rằng – giọng anh vang lên – sở dĩ có tình trạng bi thảm đó vì chúng ta vừa nghèo, vừa sở hữu một tài nguyên chìm, vừa ít học, lại vừa hèn.

Vài thính giả phì cười. Anh Lumumba hạ giọng, nhưng mặt anh đanh lại:

– Thì không hèn sao được khi đất là đất của ta, hầm mỏ là hầm mỏ của ta, nhưng khi khai thác lên, mọi thứ đều chạy tọt vào túi tham của kẻ khác, còn chúng ta chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau?

Rất nhiều cử tọa xì xào. Anh nêu câu hỏi; đôi mắt nhướng lên:

– Tại sao ở nhiều nước khác, người dân đồng lòng đứng lên vì dân chủ – dân sinh, còn chúng ta quanh năm chỉ biết cúi đầu chấp nhận? Phải chăng chỉ vì chúng ta quá nghèo, quá lam lũ nên đã quên đi cả việc đấu tranh?

Anh Lumumba đưa mắt nhìn quanh. Thấy mọi người rất chú tâm, anh nói:

– Tôi biết rất rõ, không ít người già đã cố nhịn ăn để nhường lương thực cho đàn con cháu đông đúc. Nhiều gia đình không đủ ngô để ăn hằng ngày. Không những vậy, bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Việc chăm sóc thuốc men rất tệ. Cả thành phố 700 nghìn dân mà chỉ có độc một bệnh xá nhỏ tí tẹo. Đặc biệt, rất thê thảm, số người tử vong tại bệnh xá ấy rất đông.

Chợt anh băn khoăn hỏi:

– Thưa các bạn, có bao giờ các bạn thử đặt câu hỏi tại sao mọi chuyện tồi tệ như vậy chưa? Chúng ta thật sự có nhiều tiềm lực mà chưa hề khai thác được, hay thực chất chúng ta chỉ là những kẻ bất tài, hèn mọn?

Giọng anh Lumumba lại tiếp tục vang lên:

– Sức chịu đựng của người lao động chúng ta thật bền bỉ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ nên tiếp tục cúi đầu. Cái gì không biết thì học. Điều gì chưa rõ thì hỏi. Và trước bất công, phải biết đấu tranh. Lũ ăn cướp từ phương xa đến đã được ưu đãi quá nhiều. Trong khi đó, chúng ta, những người chủ thật sự của đất nước lại phải sống trong cảnh cơ hàn, tủi nhục. Các bạn có thấy điều đó bất công hay không?

Khẽ dừng để mọi người suy ngẫm, anh hạ giọng:

– Thưa các bạn, hiện nay tình hình thế giới khá căng thẳng. Từ năm 1946 đến nay có sự đối đầu giữa hai con sư tử đang gườm nhau là Liên Xô và Mỹ. Điều đó kéo theo sự chia rẽ cả thế giới. Liên Xô đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, có tầm ảnh hưởng to lớn đối với các nước Đông Âu và có khả năng chi phối chính trị đối với cả Ý, Pháp và nhiều nước khác. Trong khi đó, Mỹ ra sức thu hút sự ủng hộ của nhiều quốc gia bằng cách tăng cường viện trợ, nhất là đối với các nước Tây Âu. Mặc dù ngoại trưởng Mỹ Marshall tuyên bố rằng kế hoạch phục hưng châu Âu của Mỹ không hề chống lại quốc gia nào, chủ thuyết nào, nhưng trên thực tế nó đã trở thành trợ thủ đắc lực cho học thuyết Truman chống lại sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Lumumba khẽ dừng trong giây lát. Rồi giọng nói hùng hồn của anh lại vang lên:

– Thưa anh chị em. Mặc dù hiện nay chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình châu Phi. Việc Bỉ gia nhập NATO, sau đó sáng lập Cộng đồng Than – Thép châu Âu mới trong năm nay cũng chưa liên quan gì tới tình hình Công Gô. Tuy nhiên, khuynh hướng đòi tự do, dân chủ do trào lưu tư tưởng ở các nước Tây Âu mà đứng đầu là Pháp đã chi phối mạnh mẽ xu hướng đấu tranh của giới thợ thuyền trên toàn thế giới. Hiện nay, tại Công Gô, người Bỉ sẽ tiếp tục quay lưng với quyền sống và quyền độc lập của dân tộc Công Gô nếu chúng ta không chịu đấu tranh. Chính vì lẽ đó, tôi kêu gọi anh chị em hãy nỗ lực phấn đấu vì một nước Công Gô tự do, độc lập. Mức sống và cuộc sống của người Công Gô nhất định sẽ tốt đẹp hẳn lên khi và chỉ khi chúng ta thật sự biết đấu tranh!

Câu kết luận của diễn giả Patrice Lumumba vang lên trong tiếng vỗ tay vang dội của đông đảo hội viên. Disanka và những người bạn, nãy giờ ngồi lặng thinh lắng nghe, đến giây phút này không thể nào câm nín được. Cô và nhiều người khác cùng đứng bật dậy, giơ cao nhiều cánh tay lên và hô vang:

– Công Gô độc lập muôn năm! Công Gô độc lập muôn năm!

 

 

Chương 9

 

Disanka gần như hoàn toàn bị cuốn hút bởi những gì cô đọc được trong tập hồi ký của Po. Cô thắc mắc không biết điều gì sẽ diễn ra sau cái chết bi thảm của ông Henri và những người khác tại thị trấn Lamu. Vì vậy, chiều hôm ấy, chưa kịp ăn uống gì, cô vội vàng đọc tiếp.

Bố André và chú Antoine thật tội nghiệp. Cả hai muốn ở lại xứ sở đó để lo việc chôn cất cho ông Henri và các nạn nhân khác, nhưng không được.

Tảng sáng hôm sau, cảnh sát Anh ập đến. Họ lật qua lật lại từng xác chết, quan sát hiện trường thật tỉ mỉ, chụp ảnh lia lịa. Họ ra lệnh cho cảnh sát bản địa chôn cất các thi thể. Họ tịch thu súng của ông Henri, đối chiếu các mảnh vỏ đạn tìm thấy tại đó, rồi dí súng từng người. Chúng tôi cố sức phân trần, nhưng do bất đồng ngôn ngữ, họ nhất quyết bắt trói cả bảy người trong đoàn chúng tôi giải đi.

Đầu tiên họ chuyển chúng tôi đi bằng lừa. Lý do là thị trấn nhỏ nằm cạnh bờ biển ấy chẳng có lấy một con đường nào đủ rộng để ô tô vào. Khi cả đoàn ra tới đường cái, họ nhét chúng tôi vào chiếc xe nhà binh chờ sẵn. Xe của đoàn chúng tôi cũng bị họ trưng dụng để chở chúng tôi đi. Hai xe cà gật cà tàng vượt qua hơn 300 km đường đất đá gập ghềnh, chúng tôi tới một thành phố nhỏ. Mãi sau này tôi mới đó là thành phố Mombasa, cũng là một nơi khá nổi tiếng của đất nước Đông Phi thuộc Anh.

Cảnh sát Anh tống cổ chúng tôi vào hai căn phòng chật chội, bẩn thỉu. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Vừa đói khát vừa lo lắng. Làm sao biết được khi nào họ xét xử, và liệu có được trả tự do không?

Chúng tôi nằm nhà lao hết ngày này qua ngày khác, chẳng ai đoái hoài gì. Nhà giam quá tồi tàn. Mỗi ngày mỗi tù nhân chỉ được phát tí bột ngô khuấy qua loa, ăn cầm hơi. Nước gần như không có để uống. Lúc nhúc giữa nền đất toàn ổ kiến. Trong từng manh chiếu rách, rệp bò lổn nhổn. Ngoài tên cai ngục mặt lạnh như tiền mỗi ngày một lần quẳng thức ăn đến, chúng tôi chẳng có cơ hội  tiếp xúc với ai. Sức khỏe và tinh thần ngày càng tệ.

Mãi ba tuần sau, họ mở khóa, lôi chú Antoine và bố tôi ra để lấy lời khai. Qua một tay cảnh sát Anh biết tiếng Pháp, họ dần dần hiểu ra mọi chuyện. Nhưng họ không tin những lời khai của bố và chú. Cuối cùng, chẳng hiểu sao, họ gọi tôi ra.

Gã cảnh sát có hàng râu quai nón đen kịt hỏi tôi bằng tiếng Pháp:

– Mày tên gì?

– Tôi tên Po – tôi vừa gãi đầu, vừa đáp.

– Mày họ gì?

– Tôi không có họ.

Gã trợn mắt:

– Gì kỳ vậy! Mày điên à?

– Bộ tộc tôi không có lệ ghép họ vào tên. Mà ở đấy cũng chẳng ai có họ.

Gã cau mày:

Láo toét! Làm gì có bộ tộc nào như thế!

– Tôi chẳng biết láo toét để làm gì.

– Mày bộ tộc nào? Ở nước nào?

   – Bộ tộc Blasensenla. Nước nào không rõ.

Gã cảnh sát cười rống lên một cách man rợ. Dường như gã tỏ ra vô cùng khinh miệt khi nghe tên bộ tộc tôi. Tiếp sau tràng cười ấy, gã bảo tôi diễn vần từng chữ cái để gã ghi lại. Rồi gã quát:

– Mày là gì trong đoàn khảo cổ này?

– Tôi là con nuôi của ông André – vừa nói, tôi vừa gãi lia gãi lịa vì mấy ngày qua bị muỗi và rệp cắn tơi bời.

– Hừthôi được. Tao tạm tin như vậy. Mày nghe và thấy những gì ở Lamu thì kể hết ra đi.

Tôi lần lượt kể. Gã chăm chú lắng nghe, ghi ghi chép chép.

Sáng hôm sau, họ bất ngờ thả chúng tôi ra.

Ồ là la! Được trả tự do như vậy thật đáng mừng. Tôi reo lên. Và hát. Đôi chân nhún nhảy không yên. Cổ tay xoay xoay như múa. Nhưng cả đoàn hầu hết đều tỏ ra hậm hực. Bố André càu nhàu bảo lẽ ra họ phải xin lỗi vì những khổ sở mà chúng tôi phải gánh chịu trong mấy tuần qua. Chú Antoine điên tiết gọi cảnh sát Anh là đồ hắc ám, đồ ngu xuẩn, đồ dã thú. Riêng tôi, tôi không hề cảm thấy tức giận chút nào cả. Dường như đối với người bộ tộc tôi, cái ngưỡng để tạo ra những cơn giận dữ và nỗi oán thù cao hơn nhiều so với những người thuộc thế giới “văn minh” thì phải.

Nhưng qua câu chuyện, tôi quả thật rất kinh ngạc: Đồng loại homo sapiens quá lạm dụng vũ lực và khí giới. Khi nắm quyền hành và có vũ khí trong tay, chúng trở nên quá lộng hành. Chẳng phân biệt phải trái, chúng ưa làm gì thì làm. Chúng coi đồng loại chẳng ra gì. Muốn cướp cướp. Muốn bắt là bắt. Muốn bắn bỏ  bắn bỏ.

Điều khiến bố tôi thường hay hãnh diện gọi là động vật “thượng đẳng” hóa ra như thế sao?

 

Chương 10

 

Disanka và chín phụ nữ cùng nhóm đang sinh hoạt ở phòng khách quét vôi màu hoàng thổ khá cũ kỹ nơi nhà cô, tại khu trung tâm đô thị Léopoldville. Lúc đó khoảng mười giờ rưỡi. Căn phòng cách mặt đường Flanders chừng mười mét, nằm khuất sau hai thân cây bao báp vừa vạm vỡ vừa cao ngất ngưởng. Cô say sưa thuyết trình cho cả nhóm nghe về vấn đề nữ quyền. Giọng cô không lớn lắm, âm lượng chỉ vừa đủ cho các bạn nghe.

Không khí buổi gặp mặt vừa vui tươi, vừa nghiêm túc. Có người trong nhóm gọi đó là “bầu không khí nhiệt huyết”. Một số gọi cô là “đồng chí”. Song, kể từ khi đọc xong mảnh giấy nhỏ trong tay, cô thấy con tim mình cứ rộn lên, vừa hồi hộp vừa lo lắng.

Cô khéo lựa chỗ thích hợp để chấm dứt bài thuyết trình. Lúc mọi người lần lượt ra về hết, cô ngước mặt lên tường xem đồng hồ. Mười phút nữa sẽ có người tới gặp cô? Mà người ấy là ai?

Cô mở mảnh giấy nhỏ xíu ấy ra đọc lại. Đây là tờ ghi chú mà anh chàng vệ sĩ cùng quê với anh Lumumba nãy giờ ngồi canh trước sân đã nhét vào tay cô cách đây hơn nửa tiếng. Trên đó vỏn vẹn hai câu nghệch ngoạc:

Một anh chàng người Bỉ tìm cô lúc 10 giờ.

Tôi đã dặn gã quay lại lúc 11 giờ.

Đọc thêm lần này nữa, cô lại càng băn khoăn. Cô chẳng thắc mắc, bồn chồn sao được khi không thể nào đoán ra gã kia là ai.

Đúng giờ, gã ấy xuất hiện. Gã đưa hẳn chiếc xe Jeep trắng đỗ sát ngay trước cổng nhà cô. Lòng cô háo hức lạ thường. Trông chiếc xe quen thuộc, cô biết ngay gã là ai. Mình mặc áo pun, quần jeans, chân đi giày thể thao, gã nhanh nhẹn bước vào. Giọng mũi của gã khá rành rọt:

– Disanka, anh chờ em suốt buổi rồi đó!

Gần như quên hết mọi chuyện, Disanka nhoẻn miệng cười:

– Anh khỏe không? Vợ con đâu cả?

– Ôi! Nhắc vợ con làm gì. Anh ngán lắm rồi đây.

Sau tiếng thở dài, gã thong thả ngồi xuống nhìn vào mắt cô. Nhẹ nhàng đặt tay lên bàn, rất tự nhiên và thân mật, gã với tay sang nắm lấy bàn tay cô. Ánh mắt gã thể hiện tình cảm rất đỗi chân thành. Disanka không rụt tay về.

Anh Blaise Sanchez ngỏ lời mời Disanka cùng đi ăn trưa.

Sau đó anh rủ cô đi thẳng về phía nam thành phố, nơi ghi dấu bao kỷ niệm của hai người thuở còn say đắm bên nhau.

Đó là một không gian thoáng rộng. Mặt hồ bao la, quanh năm có thể nghe tiếng hằng trăm thân tre cựa mình vào nhau hòa cùng tiếng thác đổ. Khi thong thả ngồi hóng mát nơi bờ hồ, người ta có thể ngắm nhìn thỏa thích bầy bonobo tinh nghịch tắm, tung nước vào nhau và tranh nhau quấy phá mặt hồ. Tên gọi của nơi này là Petites Chutes de la Lukaya, bởi vì ở đây có hằng chục con thác lấp thấp chừng một mét suốt ngày đêm tuôn nước xuống mặt sông Lukaya, tạo nên mặt nước rộng thoáng.

Khi hai người đến nơi thì ánh tà dương còn phảng phất mặt sông. Họ khẽ ngồi xuống nơi mặt đá rộng. Đi ngay vào câu chuyện, Blaise bảo cuộc hôn nhân hiện nay của anh thật đáng chán nản. Có những ngày quá sầu não, anh phải nói dối vợ để đi chơi đâu đó một mình cho khuây khỏa.

Disanka nghe thế, thật xót xa. Cô cố nói để anh Blaise hiểu rằng Imani luôn đặt hết niềm tin nơi anh; vả lại, vợ chồng anh đã có với nhau hai “cậu ấm”, nếu không lo vun đắp hạnh phúc gia đình thì thật đáng thương cho các cháu.

Anh Blaise chỉ lắc đầu. Disanka nhấn mạnh rằng nếu anh còn chút tình cảm đối với cô, thì hãy tận tình với Imani và các con.

Trong phút giây tâm tư xao xuyến, Blaise choàng tay ôm cô, nhưng cô nhẹ nhàng gạt ra:

– Ôi thôi! Chàng thanh niên Paris bảnh trai, hãy coi em là bạn! Em không muốn có lỗi với Imani đâu đó!

 

***

 

Một hôm, Blaise vui vẻ nhận lời mời của ông bà Abaza sang Ai Cập, quê hương của họ. Cả nhóm khởi hành từ Fort-Lamy, đi theo hướng đông bắc. Họ phải mất gần năm ngày trường, ngày đi đêm nghỉ, mới đặt chân tới mảnh đất Cairo, thành phố lớn nhất của đất nước ấy.

Đó quả là một đô thị tráng lệ, xứng đáng với tên gọi al-Qāhirah trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Khải hoàn”. Dân cư thật đông đúc, đa số mặc trang phục Hồi giáo rất kín đáo. Nam cũng như nữ đều có những chiếc mạng rộng, trùm đầu phủ vai, có người phủ tới tận lưng, chỉ chừa ra trên gương mặt những đôi mắt sáng trong và những chiếc sống mũi thẳng.

Dọc hai bên bờ sông Nile là những dãy phố tấp nập. Điều lý thú là vợ chồng anh và gia đình họ tình cờ đến đúng vào ngày 18 tháng Sáu 1953, ngày mà ông Muhammad Naguib vừa mới đứng tại quảng trường lớn tuyên bố độc lập. Khi ánh Mặt Trời chỉ còn le lói ở phương tây, người ta bắt đầu rủ nhau ra bờ sông, vừa hóng mát, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện liên quan tới cuộc đấu tranh chống thực dân Anh.

Trong ánh nắng chiều, trên các đường phố chính, những câu biểu ngữ rực rỡ vẫn hiện ra rất rõ nét: AI CẬP ĐỘC LẬP MUÔN NĂM!, TẤT CẢ VÌ MỘT AI CẬP TỰ DO! Quá sung sướng, ông Abaza muốn dang tay, gào lên một tiếng thật to vang động cả không gian để thỏa mãn sự thích thú trong lòng. Ánh mắt ông sáng rực. Miệng nở nụ cười. Cũng phải thôi, vì ông đã từng ao ước được về thăm lại quê nhà, thì nay đã thỏa. Mà lần này, ông càng phấn khích vì quê hương thoát vòng nô lệ.

Điều tuyệt vời nhất là ông gặp lại người em hằng chục năm xa cách. Em trai ông là quân nhân từng chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tướng Naguib. Khi mọi người cùng ngồi hóng gió tại một quán nước bên bờ sông Nile, vị cựu chiến binh hãnh diện kể về những chiến công hiển hách của mình.

Trong khi ông cao hứng nói không ngơi nghỉ, tay ra dáng như đang cầm súng bắn, thì ngay bàn bên cạnh, một phụ nữ mặc kaftan trắng, trố mắt nhìn, chăm chú lắng nghe. Dưới ánh sáng lập lòe hắt ra từ mấy ngọn đèn lồng, có thể nhận ra đó là một cô gái còn khá trẻ. Ngồi cạnh cô là một người đàn ông luống tuổi.

Imani quay đầu nhìn sang, tình cờ bắt gặp ánh mắt ấy. Cô ngạc nhiên reo lên:

-Disanka!

Phải, Disanka cùng người cha nuôi, khi nghe tin tại Cairo lực lượng cách mạng đang ăn mừng chiến thắng thì háo hức muốn đi. Thật ra, cả hai chẳng có chút dính líu gì tới đất nước này. Nhưng Disanka đến đây vì muốn biết người ta đã chiến đấu chống thực dân và bọn quân chủ chuyên chế ra sao. Cô cũng mong muốn thụ hưởng những phút giây thanh thản cùng cha nhìn ngắm thỏa thích dòng sông Nile – con sông từ lâu nổi tiếng trong xanh và xinh đẹp, rất hay được nhắc đến lung linh kỳ ảo trong sử thi Ai Cập.