Tìm cái đẹp trong thơ Nguyễn Thanh – Bài của Lê Hà Uyên

716

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trên văn đàn hiện nay, dù ký với nhiều bút danh (Nguyễn Tấn Thành, Ngũ Lang, Nguyễn Thanh, Đan Thanh, Tương Như, Phương Đình, Diễm Thi, Lan Đình,… 

Tùy theo thể loại bài viết, Nguyễn Thanh không còn là một khuôn mặt văn nghệ xa lạ với công chúng nghệ thuật trong và ngoài nước. Qua cảm nhận và đánh giá của dư luận và bằng hữu tri âm, Nguyễn Thanh được xem là một ngòi bút đa hệ và dạt dào bút lực. Dù chính thức xuất thân từ ban Toán và Văn chương – Sinh ngữ, nhưng Nguyễn Thanh không chỉ là giáo viên Văn-Toán có tư cách giảng dạy và biên dịch nhiều ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức, Hoa,…). Anh còn dạy Mỹ thuật, biểu diễn Thư pháp, làm thơ, viết văn, ra báo, phổ nhạc, viết ca cổ, và cả mở khóa dạy võ thuật. Do “ở lĩnh vực nào cũng có những thành tựu đáng ghi nhận” (Hoàng Thị Bích Hà). Nguyễn Thanh cũng đã từng mở phòng vẽ và xuất bản trong nhiều thập niên qua hơn 50 tác phẩm chung và riêng với nhiều ngôn ngữ. Từ đó, giáo viên tiếng Pháp – nhà báo Đào Duy Hòa đã không ngại gọi Nguyễn Thanh là một con người “văn võ song toàn”.

Với tôi, ngoài việc đã nhiều lần đánh giá tích cực Nguyễn Thanh về hoạt động giáo dục và nghệ thuật, tôi cũng đặc biệt tâm đắc với những khổ thơ rời của Nguyễn Thanh – ký Ngũ Lang hoặc Diễm Thi – đặt xen vào giữa các truyện ngắn của anh, trong các bài thơ đăng báo hoặc các tập thơ anh đã xuất bản (Tình khúc mùa xuân, Lời tự tình mùa thu, Bến tình…)

Với tôi, đó là những dòng thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Thanh mang đậm chất cổ điển, lời thơ chơn chất mà tài hoa. Những câu thơ anh viết về quê hương rất chân thành, giàu cảm xúc.

Cần Thơ đường hồng hay đường xanh,                                               

Mấy mươi năm in dấu chân anh;                                                                                

Bốn mùa cuối phố hay đầu ngõ                                                                                 

Mưa gió đi về cũng gọi tên  

(Mùa hoa phượng vĩ)

Núi sông gấm vóc đẹp trăm miền,                                                                

Sông Hậu hiền hòa một vẻ riêng:                                                                         

Tiểu đảo mươi hòn , xanh thủy liễu,                                                                   

Trường giang một dải rợp du thuyền  

(Sông Hậu quê tôi)

Khi ngồi bên giá vẽ, tác giả gửi tâm tư vào khói thuốc và men cà phê

Cầm cọ pha sơn những quét sầu,                                                                 

Gam buồn phủ lạnh áng tranh nâu                                                                         

Thuốc tàn, rượu cạn, cà phê hết,                                                          

Nét vẽ chưa nên, màu nhạt màu

(Độc hành)

Dạy học ở thị trấn quận Thới Đông (Thuận Trung), nhìn con sông nước trong vắt như ánh mắt của cô gái tuổi đang xuân in bóng mây trời, xa xa chút là chiếc thuyền chài, Nguyễn Thanh có khổ thơ đúng là “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa):

Bến nước em ngồi đan bạch ngọc                                                                      

Vương vương mươi ngón dệt tơ đầy                                                                        

Cho mây hồ hải quên trăng gió,                                                                               

Ngư phủ chùng dây lỡ nhịp chài

(Thới Đông)

Thương bạn, anh hóa thân cho một người không thích binh nghiệp trong cảnh chiến tranh do đế quốc tàn phá quê hương mà phải bị nhập ngũ bất đắc dĩ. Từ quân trường Thủ Đức, bạn anh bất ngờ hay tin vợ mất, lòng đau như xé:

Hiền nội ơi, hiền nội ơi!                                                                                   

Tin đâu về vội xé mây trời                                                                                  

Sa trường anh chửa ra tay súng,                                                                      

Mà chiến bào xanh lệ thấm rồi!

(Tiếng hát u hoài)

Anh thay lời nói hộ bạn anh, nhà thơ Mây Viễn Xứ, một nhà giáo mồ côi mẹ quê ở miền Trung bị phải đi lính trong thời tao loạn. Từng đêm, chàng sinh viên trường sĩ quan Trừ bị Thủ Đức trên đồi Tăng Nhơn Phú, bạn anh thao thức, lòng da diết nhớ người vợ nhà vừa qua đời bỏ lại con dại mồ côi không ai chăm sóc mà lòng càng cảm thấy xót xa thêm cho quê hương tang tóc:

Thao thức những đêm không ngủ được,                                                                  

Một mình lặn xuống trại gia binh,                                                                             

Lắng nghe từng giọt cà phê vỡ,                                                                                  

Mà ngỡ bom rơi đất nước mình

 

Tăng Nhơn Phú ơi! Tăng Nhơn Phú ơi!                                                                    

Mênh mông đồi núi tiếp mây trời,                                                                       

Lòng đau quê mẹ còn tang tóc,                                                                             

Nhung nhớ người thương dạ rối bời!

(Hận chiến trường)

Là một cộng tác viên về thơ thường xuyên trong suốt những tờ tạp chí Văn nghệ Miền Tây (1967-1970) do Nguyễn Thanh chủ trương biên tập, tôi không chỉ có dịp hiểu nhiều về con người bằng xương bằng thịt, về hồn cốt và tài hoa của anh “Bút vung phượng múa rồng bay/ Chàng Năm ắt hẵn tình hoài ngàn năm/ Hẻm Vú Sữa, đường Duy Tân/ Gần nguồn sao mãi cỗi cằn chàng ôi”. Tôi còn cảm nhận được sâu sắc phong cách thơ anh – những vần thơ lục bát truyền thống, thơ mới, thơ Đường và cả thơ tư do không vần điệu… Thơ Nguyễn Thanh bao giờ cũng dung dị, dễ hiễu nhưng luôn giàu hình tượng và ngôn từ màu sắc chọn lọc điểm xuyết trong những vần điệu phong phú trữ tình. Đó là những nét đẹp gần gũi mà cũng thiếu tính giáo khoa kinh điển của một hồn thơ miệt vườn sông nước.

                                                                                01.5. 2023

                                                                              L.H.U