Tìm dấu tiền nhân, vui ngày hội ngộ

656

Nguyễn Công Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chưa đến một giờ rưỡi chiều, bỗng nghe tiếng reo dưới sân khách sạn: các bạn ơi, trời nắng đẹp, chuẩn bị đi thưởng ngoạn! Dường như cả buổi trưa các phòng râm ran trò chuyện, không ai ngủ nên chưa đầy 15 phút sau, tất cả ăn mặc chỉnh tề, xinh tươi như đi trẩy hội có mặt trước sân. Hai cộng sự của Tú Anh mang theo máy ảnh, máy quay cũng vừa đến. Tất cả lên xe thẳng tiến về khu đi tích Núi Quyết.

Núi Quyết là ngọn núi thứ 100 của dãy núi Hồng Lĩnh mà chim Phượng Hoàng không kịp gánh hay cố tình để lại tạo nên sự hùng vĩ và duyên dáng cho thành phố Vinh. Từ đỉnh núi Quyết nhìn lên phía Bắc là lớp lớp nhà cao tầng và những đại lộ thẳng tắp; nhìn về phía Nam, dòng Lam Giang trong xanh uốn khúc như một dải lụa đào ôm ấp chân núi, kề cận là dãy Núi Hồng sừng sững; phía Đông xa xa thấp thoáng những hòn Ngưhòn Mắt.

Núi Quyết – Sông Lam tạo thế núi, thế sông hùng vĩ, có 4 chi: Long thủ (đầu rồng), Phượng Dực (cánh phượng), Kỳ Lân (con Ly) và quy bối (con Rùa). Người xưa gọi đây là đất tứ linh bởi có đủ Long, Ly, Quy, Phượng. Trong những lần kéo quân ra Bắc “phù Lê, diệt Trịnh” và tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh, nghỉ chân ở đất Nghệ An, thế đất và lòng dân của vùng Yên Trường đã được Nguyễn Huệ Quang Trung đặc biệt quan tâm với “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng có thể chọn để xây dựng kinh đô mới”. Hoàng đế cho rằng nếu đóng đô ở đây vừa “khống chế được trong Nam, ngoài Bắc, vừa tiện cho người tứ phương đến kêu kiện đi về”.

“Trước là vì xã tắc sơn hà, thứ đến là vì lương dân trăm họ”, Vua Quang Trung đã quyết định chọn vùng đất Yên Trường để lập Phượng Hoàng Trung Đô. Kinh Đô được xây dựng ở núi Dũng Quyết gồm có hai làn thành gọi là Thành ngoại và Thành nội. Giữa Thành nội dựng tòa lầu rồng 3 tầng. Công việc xây dựng kinh đô đang tiến hành dang dở thì vua Quang Trung băng hà. Con nối ngôi Quang Toản còn quá nhỏ (10 tuổi), quyền thần trong triều đứng đầu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên không thực hiện lời di chiếu sáng suốt ấy. Mới hay, thời phong kiến ý vua là ý trời, nhưng khi vua băng hà, quyền thần hoặc thay chiếu mệnh (Triệu Cao, Lý Tư thời nhà Tần bên Tàu), hoặc không thực hiện di chiếu (Bùi Đắc Tuyên – nhà Tây Sơn).

Lên núi Dũng Quyết, đầu tiên đoàn chúng tôi dâng hương cho Hoàng đế Quang Trung. Trước chân dung Người, tất cả đều bồi hồi xúc động nhớ lại tài thao lược và những chiến công lẫy lừng trong sự nghiệp cầm quân của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ Quang Trung. Trong làn khói hương bảng lảng, chúng tôi như nghe lời hịch của Người trước giờ xuất quân:

Đánh cho nó ngựa xe tan tác

Đánh cho nó manh giáp chẳng còn

Đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng có chủ!

Sau đó, chúng tôi thăm thú các điện thờ và các di tích thời chống Mỹ như trận địa pháo cao xạ bảo vệ thành phố Vinh, bảo vệ phà Bến Thủy,… Đến đâu, đoàn cũng rưng rưng xúc động, cảm phục trước tầm nhìn xa trông rộng và sự dũng cảm, mưu trí của tiền nhân.

Rời khu di tích Núi Quyết, đoàn chúng tôi vượt cầu Bến Thuỷ sang Tiên Điền thăm khu tưởng niệm Nguyễn Du. Nhà tưởng niệm Nguyễn Du, Đại thi hào dân tộc được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Tại đây, chúng tôi được xem độc bản Truyện Kiều viết trên giấy Cossin nặng 75 kg, dài 1,6 mét, rộng 1,2 mét do tác giả Nguyệt Đình thực hiện nhân dịp Festival Huế 2002 và nhiều bản Kiều bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ cùng những công trình khoa học nghiên cứu về Nguyễn Du và sáng tác của thi nhân như Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử, Chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều của Lê Đình Kỵ,…. So với lần chúng tôi đến thăm hồi sinh viên, bây giờ khu tưởng niệm to rộng về qui mô, đẹp đẽ về nhà cửa, phong phú về hiện vật nhưng vẫn thấy thiếu nét cổ xưa, nhất là ngôi nhà gỗ với những cột nhà trơn bóng, có chỗ khuyết sâu vào mà các hướng dẫn viên giới thiệu là do bàn tay đại thi hào hàng đêm vuốt tay vào đó khi đang lần theo bước chân lưu lạc của “người con gái” tài hoa bạc mệnh Thúy Kiều. Mỗi lần Người thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”; “Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”,… là mỗi lần gỗ đá cũng nghiến răng đau đớn với thi nhân?

Tiếp đó, chúng tôi vào khu mộ dâng hương cho Người. Mộ Đại thi hào dân tộc bây giờ đã được ốp đá hoa cương, có bia, có mộ, có cây, có cảnh hữu tình chứ không còn “sè sè nắm đất bên đường” như hồi nhà thơ Vương Trọng thốt lên chua xót: “Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/ Ngờ đâu Cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”. Trước anh linh Đại thi hào dân tộc, lớp hậu sinh chúng tôi không chỉ nghĩ đến một tài năng xuất chúng, một tấm lòng thương cảm sâu sắc với thân phận những người bị áp bức, nhất là người phụ nữ mà còn nghĩ đến điều Người băn khoăn: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”. Tiến Phan đã xúc động làm nên thiên tuyệt bút:

THƯA CÙNG TỐ NHƯ

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

(Độc Tiểu Thanh ký- Nguyễn Du)

Không biết sau ba trăm năm lẻ,

Thiên hạ ai người nhỏ lệ khóc ông.

Dẫu biết nghiệp văn chương là thế

Vẫn mong tim góp máu hồng.

Kiếp thi sĩ thương vay khóc mướn,

Đau đời nước mắt lặn vào trong.

Những thân phận nổi nênh phiêu bạt,

Đâu cõi trời Nam, đâu cõi Bắc hành…

Một ông già hát rong châu Thái Bình…

Mấy mẹ con người ăn mày khốn khó…

Túp lều nát cùng ước mơ Đỗ Phủ….

Năm tháng qua đi mặt đất vẫn như xưa…

Kim-Kiều tái hợp mà ông đứt ruột

Tim bao dung thấu suốt cõi nhân gian

Vằng vặc giữa trời vầng trăng thề thốt

Khuyết hao rồi chỉ còn những trái ngang.

“Phản chiêu hồn” ông khuyên Khuất Nguyên không trở lại

Sông Mịch La đâu phải cõi đi về.

Trời Hồng Lĩnh vẫn xanh màu cực lạc

Ông thấy chăng:

Uy Viễn tướng công thủng thẳng dắt bò vàng đi dạo bờ đê.

Tiếng thơ của Tiến Phan cũng chính là tiếng lòng của đoàn cựu sinh viên lớp 19A – K2, trường Đại học Sư phạm Vinh gửi đến anh linh Người.

Rời mộ Đại thi hào trong tâm trạng rưng rưng xúc động, đoàn chúng tôi lên xe đến khu tưởng niệm và phần mộ Uy viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ, nhà nho tài tử không chỉ có chí hướng hoài bão lớn lao, muốn lập công danh để lại tiếng thơm cho muôn đời “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” mà còn là người có tư tưởng tự do, phóng khoáng, thích thú hưởng lạc “Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên/ Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí”.

Bên cạnh mộ Uy viễn tướng quân là phần mộ của 13 người vợ, trong số này chắc hẳn có người vợ thiếp ông cưới năm 73 tuổi: “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”? Và hồn các nàng hầu đã cùng ông lên chùa: “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưỡng” giờ ở nơi đâu không rõ nhưng chúng tôi thấy ông đang “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, mà vi vu, mà ca hát! Đời như thế mới gọi là đời. Sống cống hiến, hưởng lạc. Chết để danh cho đời và hòa vào thiên nhiên đất trời bao la…

Rời khu tưởng niệm Uy viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ lúc 17 giờ, xe đưa chúng tôi đến bến Giang Đình Cổ Độ. Đây là địa điểm “đoàn tiền trạm” đã khảo sát, trang trí, đặt mâm cỗ, bố trí âm thanh, ánh sáng và lịch trình để tổ chức liên hoan, vui chơi ca hát trên du thuyền vào đêm 2 tháng 9. Theo dự định ban đầu, du thuyền sẽ ngược lên cầu Bến Thủy, phía thượng nguồn Lam Giang dăm ki lô mét, sau đó sẽ trôi xuôi theo dòng nước lúc triều cường, tạo cảm giác đung đưa nhè nhè, êm ái cho du khách. Lúc này vừa nâng ly rượu sâm vàng sóng sánh với sơn hào hải vị, vừa ca hát nhảy múa sẽ tạo nên một tiên cảnh giữa trần gian. Nhưng do một vài thành viên có việc riêng đến muộn nên mãi hơn 18 giờ du thuyền mới nhổ neo.

Thuyền vừa nổ máy băng băng tiến ra giữa dòng, trời cũng bắt đầu đổ mưa. Mưa to dần lên. Trời đất vần vũ, sấm chớp đùng đùng, mưa gào gió thét. Dù các cửa chớp đã hạ xuống nhưng mưa vẫn tạt vào. Bàn ghế ướt sũng, nước lênh láng sàn thuyền. Con thuyền nghiêng ngả làm cho một số bạn khiếp đảm hét lên. Đầu tiên là giọng nam cao Lang Quốc Khánh: “Nguy hiểm quá, bảo họ cho thuyền vào mau!”. Tiếp đến là giọng nữ trầm Tú Anh: “Sấu Mã, Công Nguyễn ơi, nói họ chạy vào bờ ngay, Tú Anh chóng mặt quá!”. Do đó, dù rất muốn trải nghiệm cảm giác của những thủy thủ, ngư dân khi ra khơi gặp bão nhưng chúng tôi cũng đành nói với chủ nhà hàng nổi cho thuyền quay nhanh về bến. Thế là ước mơ bơi thuyền thưởng nguyệt, nghe sóng vờn, gió hát tan thành mây khói. Sau khi thuyền trở lại bến, gió lặng mưa ngớt, tiếc hùi hụi nhưng đành phải chấp nhận lên giang thuyền mà như ngồi trong nhà hàng.

Thời gian không cho phép lựa chọn, thay đổi nên chúng tôi tranh thủ vui chơi trong điều kiện có thể: vừa ăn uống vừa ca hát, nhảy múa. Những giọng ca vàng trổ tài. Tiến Phan, Trương Hồng, Trương Quyền, Sấu Mã, Kim Công, Giáo Bính, Quốc Khánh, Kim Cúc,… được dịp thi thố. Tiến Phan với giọng chầu văn, thể hiện những khúc ca về tình mẹ, công cha làm nhiều người rơi nước mắt. Đến như Hoàng Hà xưa nay chưa cầm mi cơ rô lên sân khấu mà vẫn cùng nhóm tứ ca (Hoàng Hà, Nguyễn Hoài, Trần Lạng, Nguyễn Thanh) thể hiện rất thành công bài dân ca quan họ “Bèo dạt mây trôi”. Tiếng hát của Hà như đứt ruột, như trút lòng với người chồng quá cố. Bạn Kỷ ơi, linh hồn bạn linh thiêng hãy về nghe vợ hát, nghe bạn bè hát! Tôi đã nghe bài dân ca quan họ “Bèo dạt mây trôi” được các ca sĩ nổi tiếng đến hàng trăm lần nhưng chưa bao giờ xúc động rơi lệ như lần này. Sau khi Hà hát xong, Anh Cương đến ôm chầm bạn và nói đây là tiếng thổn thức với chồng, tiếng hát cho chồng!

Càng về sau, cuộc vui càng nhộn, càng sôi nổi. Các “ca sĩ” tranh nhau hát. Hát say sưa. Hát như chưa bao giờ được hát. Hát như là lần cuối được hát! Giọng ca vàng của Kim Công, Sấu Mã hôm nay cũng trở thành “kép phụ”, nhường chỗ cho những giọng ca mới nổi. Những trầm tích ca nhạc của lớp lộ dần trong đêm “Tri ân Thầy cũ” nay thỏa sức bung phát. Những bạn không biết hát thì nhảy múa, hò reo minh họa hoặc chụp ảnh, quay vidio. Đào Hạ, Anh Cương, Công Nguyễn, Mai Hoàng, Mai Nguyễn, Hồng Vân,… cũng hòa vào vòng xoáy quay cuồng theo tiếng hát. Đến như Mạc Hoàng, Giản Hoàng Gia, Nguyễn Hoài đang điều trị bệnh cũng lên sân khấu hòa vào cuộc vui. Tất cả như quên hết sự đời, quên hết bệnh tật, quên mình đã lục tuần mà bung sức, reo ca, nhảy nhót, quay cuồng,… Hội lớp như thế này mới gọi là hội lớp! Vui như thế này mới gọi là vui hết mình! Chưa bao giờ tôi được tham gia và chứng kiến cuộc vui vô tư, trong sáng, quên mình như đêm nay của lớp chúng ta.

Trên bàn tiệc, thức ăn ngon vẫn đầy mầm, rượu sâm Sấu Mã, Tú Anh vơi tí chút. Đến như chai rượu quý Ama Công “ông uống bà khen”, Tú Anh mang từ Sài thành ra cũng không đủ hấp dẫn lôi kéo các đấng mày râu luôn ao ước lấy lại bản lĩnh đàn ông bị hao mòn theo năm tháng. Nếu giang thuyền không quy định thời gian, chắc chúng tôi sẽ trắng đêm hát ca, nhảy múa, reo vui…

21 giờ, chúng tôi phải rời du thuyền, rời Giang Đình Cổ Độ trong niềm phấn khích, tiếc nuối. Lên ô tô nhưng vẫn mang theo không khí ngày hội, vì thế tất cả đều đồng thanh cất cao giọng hát. Những bài dân ca: Lý cây đa, Trống cơm,…đến các bài ca đi cùng năm tháng: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Hành khúc ngày và đêm, Tuổi trẻ Lê Đình Chinh, Cung đàn mùa xuân,… cất vang theo ô tô về khách sạn. Những người đi đường hết sức tò mò dõi theo những mái đầu hoa râm đang phấn khích ca hát như đoàn quân thắng trận trở về. Xe cứ lăn, giọng hát cứ vang. Những giọng ca ấy, nụ cười ấy, khuôn mặt ấy sẽ mãi mãi là bài ca không quên của tập thể lớp 19A-K2 thân yêu!

Đêm ấy, chập chờn trong cơn mơ, chúng tôi nghe tiếng gà gáy xa xa và cả tiếng trống sang canh từ thành Phương Hoàng, tiếng sột soạt trở mình của Tố Như đang lần theo dấu chân lưu lạc nàng Kiều cuối thế XIX vọng đến.

N.C.T