Tìm hiểu Tết qua những giai phẩm xuân 100 năm trước

514

“Phong vị xuân xưa” gồm 40 bài viết về Tết của nhiều tác giả, được sao chép lại từ một số sách báo, tạp chí cũ ở thế kỷ trước.

Hàng trăm năm trước, đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, nhất là ở thành thị mỗi dịp Tết đến xuân về, bắt đầu gắn với những tờ báo, hoặc tập sách chuyên đề.

Kết quả sưu tầm, giới thiệu công phu

Theo các nhà nghiên cứu, tờ đầu tiên ra báo xuân là Tạp chí Nam phong với số Xuân Mậu Ngọ năm 1918. Tiếp đó, nhiều tờ báo khác cũng ra báo xuân như Đông báo thời pháp năm 1928, Thần Chung xuân Kỷ Tỵ 1929, Phụ nữ tân văn xuân Canh Ngọ 1930, Công luận xuân Tân Mùi 1931…

So với ấn phẩm bình thường, những tờ báo, giai phẩm xuân được đầu tư hơn hẳn. Chúng không những được chăm chút công phu về mặt mỹ thuật, mà còn chứa đựng những nội dung đặc sắc, phản ánh tâm tư, tình cảm của đời sống nhân dân qua từng giai đoạn nhất định.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều ấn phẩm xuân xưa dường như đã bị lãng quên. Nguyên nhân một phần là việc tiếp cận tư liệu những ấn phẩm này còn tương đối khó khăn. Mặt khác, công việc sưu tầm, sắp xếp hình ảnh, tư liệu để biên soạn thành sách đòi hỏi sự tâm huyết, đầu tư về công sức lớn lao, không phải ai cũng theo được.

Hiểu được điều này và với mong muốn mang lại niềm vui cho bạn đọc trong những ngày vui Tết, đồng thời giúp độc giả có thêm góc nhìn về các vấn đề văn hóa, lịch sử, Tết của dân tộc, nhóm tác giả Nguyễn Văn Học, Lê Thái Dũng và Nguyễn Thị Thúy Hà đã sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn cuốn Phong vị xuân xưa với phụ đề “Ngày xuân xem sách biết việc cổ kim”.

Cuốn sách được Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ Books) va Nhà xuất bản Hội Nhà Văn liên kết phát hành ngày 20/1 vừa qua.

Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh, đây “chính là kết quả sưu tầm – giới thiệu công phu của nhóm biên tập, bao gồm trên 40 bài viết chủ đề phong tục ngày Tết và đón xuân có giá trị của nhiều tác giả trong Nam ngoài Bắc, được chép tại từ một số sách báo, tạp chí cũ thuộc những năm 20-40 của thế kỷ trước. Trong số tác giả các bài viết, có không ít nhân vật tên tuổi”.


Sách “Phong vị xuân xưa”.

Nhiều bài viết của tác giả nổi tiếng ít được biết đến

Cuốn sách được bố cục thành 3 phần, tương ứng 3 chủ đề: Lai rai chén rượu ngày xuân; Cảm tết; Cuốn sách có tiêu đề: Mùa xuân, lịch sử văn hóa.

Qua mỗi chủ đề này, bạn đọc sẽ tìm thấy những bài viết của những tác giả tên tuổi và quan trọng hơn sẽ thấu rõ về văn hóa, lịch sử, Tết của dân tộc thời điểm bấy giờ.

Chẳng hạn phần I: Lai rai chén rượu ngày xuân tuyển tập những bài viết giải thích về Tết, câu chuyện ăn Tết, vui Tết và câu đối Tết, bạn đọc được tiếp cận các bài như: Tết dán câu đối của Lê Tràng Kiều [1934], Chữ Xuân trong văn cổ của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố [1942], Một ít phong dao về ngày Tết và mùa Xuân của Hùng Xuân [1931]…

Phần II: Cảm tết tập hợp những bài viết tập trung những cảm nhận, thái độ trước mùa xuân, thời cuộc, dòng suy nghĩ của trí thức, nghệ sĩ trước mùa xuân.

Bạn đọc được tiếp cận các bài như: Đầu năm khai bút của Tương Phố [1930], Giao thừa của Lưu Trong Lư và Hoài Thanh [1932], Cảm Tết của Lưu Trọng Lư [1932], Chùm thơ cho nhi đồng của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc [1929], Tết của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu [1926], Xuân của Á Nam Trần Tuấn Khải [1931], Bảo tồn lễ Tết của T.M [1934] Gái mới cạo răng của Quất Hiên Vũ Duy Thiện [1939], Từ chùa Hương đến sông Hương của Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng [1939]…

Phần III: Mùa xuân, lịch sử văn hóa tập hợp một số bài viết về lịch sử, văn hóa, di tích của những trí thức nổi danh thời Pháp thuộc đã nói chuyện trong các buổi sinh hoạt của Hội Trí tri và trong giai phẩm của những năm trước cách mạng.

Có thể kể đến bài Tết của sử ký nước Việt Nam: Mồng năm ngày vẻ vang của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm [1936], Phong giao và lịch sử của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Di tích văn hóa của người Chiêm Thành ở Bắc Kỳ của Trần Văn Giáp [1935]…

Những bài viết này được sưu tầm từ các nguồn về sách có: Xem Tết năm Canh Ngọ, Tân Dân thư quán xuất bản tại Hà Nội năm 1931, Cổ tích sơ giải do nhà in Xưa và Nay ấn hành tại Sài Gòn năm 1929, Chơi xuân năm Tân Vị (tức năm Tân Mùi), Nam Kỳ thư quán xuất bản năm 1931), Tập văn xuân năm Giáp Tuất của Vị Giang văn khố, ấn hành năm 1934, Ấn phẩm ăn Tết Lê Mai ấn quán xuất bản tại Sài Gòn năm 1929… Báo, tạp chí có: Báo Tân văn, Tạp chí Tri Tân, Tập san Hội Trí Tri…

Ngoài ra, phần phụ lục của sách là những bài văn khấn: Văn khấn Tết ông Táo, lễ Nguyên đán, văn khấn mùng 4 tiễn ông vải đăng trong một cuốn sách in năm 1924, với nội dung rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành.

Ông Nguyễn Văn Học, một trong ba tác giả của cuốn sách, cho biết từ khi có ý tưởng đến khi sưu tầm – biên soạn cuốn sách này, nhóm biên soạn nhóm tác giả đã xác định cần tuyển chọn ra những bài viết về Tết, văn hóa, phong tục, mùa xuân – lịch sử của những bậc trí giả, những cây bút nổi tiếng của những năm thời Pháp thuộc (trước 1945).

Những bài viết của họ phần nào nằm rải rác đâu đó, bị một lớp bụi thời gian phủ lên ngày nay ít người biết đến hoặc có biết/nghe nhưng chưa có cơ may tìm được tài liệu đó.

Với việc tìm lại những giá trị, những tâm huyết của tiền nhân đã đặt vào ngọn bút cống hiến cho độc giả cách 75-100 năm, ông Học hy vọng bạn đọc sẽ phần nào có thêm nhiều tư liệu, góc nhìn về các vấn đề văn hóa, lịch sử, Tết của dân tộc.

Theo Minh Châu/Zing