(Vanchuongphuongnam.vn) – Không biết tự bao giờ, người đàn bà không mấy bình thường đó được người ta gán cho cái tên nghe lạ. Tím. Hay Tím khùng, Tím điên. Mỗi khi thấy sự xuất hiện của bà và những lúc họ rảnh rỗi bàn tán xung quanh cuộc đời của Tím rồi buông một cái tặc lưỡi, lắc đầu bằng ánh mắt cảm thông.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
“Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt… ”
Vừa dứt câu hát lấp lửng, ngọng nghịu ấy, người đàn bà có thân hình gầy guộc đen nhòm đưa tay tém mái tóc dài bù xù ra sau lưng để lộ khuôn mặt nhem nhuốc, khắc khổ ướt đẫm mồ hôi, giọt vương, giọt chảy. Bà nhẹ nhàng ngắt hai bông mua tím gắn lên vành tai, nhép miệng cười hì hì rồi bắt đầu chạy nhảy khắp làng mà miệng cứ hát đi hát lại mỗi câu hát đó. Riết rồi câu hát dang dở ấy trở thành một âm thanh quen thuộc của mọi người trong cái xóm nhỏ này khiến người ta không mấy quan tâm đến sự có mặt của người đàn bà xấu xí đó nữa.
Không biết tự bao giờ, người đàn bà không mấy bình thường đó được người ta gán cho cái tên nghe lạ. Tím. Hay Tím khùng, Tím điên. Mỗi khi thấy sự xuất hiện của bà và những lúc họ rảnh rỗi bàn tán xung quanh cuộc đời của Tím rồi buông một cái tặc lưỡi, lắc đầu bằng ánh mắt cảm thông.
Nghe mọi người kể, trước đây, Tím được sinh ra trong một gia đình khá giả nhất nhì của cái xã lao động nghèo này. Tên khai sinh là Lệ Thu, là con gái út. Ngày Tím chào đời thì ba của Tím đột nhiên qua đời. Thời đó người ta tin vào chuyện tâm linh ghê lắm nên việc Tím được sinh ra và sự mất đi của ba Tím làm khuấy động cả một vùng quê vốn bình yên này. Mọi người bàn tán xôn xao rằng Tím khắc số với ba nên ông mới chết. Từ đó, những người trong gia đình cũng như người ngoài đều tỏ ra sợ mỗi khi đến gần Tím, đối xử với Tím như một bóng ma giữa ban ngày. Chỉ riêng bà Sáu, mẹ của Tím, tuy rất đau lòng về sự ra đi của chồng nhưng bà luôn dành cho Tím một tình thương yêu của một người mẹ để chăm sóc và bảo vệ Tím trước sự ghẻ lạnh của mọi người xung quanh.
Thời gian trôi qua nhanh, con bé nghiệp chướng ngày nào cũng đã biết nói, biết đi. Chỉ có điều càng lớn thì Tím trở nên khù khờ và có những biểu hiện khác lạ với những đứa trẻ cùng trang lứa, ngọng nghịu. Nhất là khi mười tuổi đến nay, khi thì Tím bình thường, lúc thì như một người điên, mất trí. Ai cũng sợ và tránh xa Tím nhưng bà Sáu thì lúc nào cũng đau xót, lo lắng và ra sức bảo vệ cô con gái nhỏ của mình. Bà sợ cuộc đời của Tím sẽ khổ, bà sợ lỡ mai bà mất đi rồi thì Tím sẽ về đâu. Và cũng vì lẽ đó mà bà Sáu không dám cho Tím đi học ở trường vì sợ con bà bị ăn hiếp.
Lớn lên, khi tỉnh táo Tím cũng biết phụ giúp đỡ đần mẹ làm những việc lặt vặt, khi thì ra đồng men theo bờ ruộng cắt cỏ cho trâu ăn, khi thì đi quanh rào nhặt nhạnh mấy nhánh củi khô đem về để dành cho mẹ nấu bếp, khi thì xách nước tưới mấy luống rau sau nhà, bình minh lên dắt trâu ra đồng, trưa đi quanh vườn hái mấy lá trầu cho mẹ nhai, khi hoàng hôn buông xuống Tím ra đồng dắt trâu về chuồng và gọi gà í ới… Những lúc ấy, bà Sáu hay nhìn từ sau lưng con, vừa mừng, vừa đau. Còn khi lên cơn thì Tím chạy nhảy khắp làng trên xóm dưới hát vu vơ “Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim…”, giọng hát không rõ lời nên tụi nhỏ trong làng kéo nhau vây quanh chọc ghẹo và lượm đất chọi vào người Tím làm Tím té ngã rơi hai bông mua mà Tím hái vội trên rừng tràm gắn lên vành tai, mái tóc xoăn dài được bà Sáu chải gọn trở nên rối bời, xốc ngược ra trước mặt, dính vào hai bên má ướt đẫm mồ hôi pha bùn đất đen xì. Chốc chốc Tím cố ngồi dậy và cười một cách vô hồn, bộ quần áo sạch in bông tím – cái màu mà Tím thích nhất – lúc này đã lấm lem. Tím biết dọa tụi trẻ bằng những cử chỉ nhát ma nhưng chưa bao giờ Tím phản kháng làm tổn thương bọn trẻ “hù ù ù ù, lè lè lè…”, mới làm tụi nhỏ sợ và bỏ đi nơi khác cho Tím tiếp tục làm ca sĩ khùng.
Cứ cười rồi hát, đi nhè nhẹ rồi chạy nhảy quanh làng, giọng hát đó của Tím khi thì thều thào trầm lắng, khi thì vang vọng inh ỏi cả một góc trời yên bình. Khi Tím thấy mọi người đang làm đồng thì Tím dừng lại, lắc đầu rồi cười khì khì, nói lí nhí trong miệng cái gì đó, rồi lại bỏ đi. Nhưng hình như không ai để ý đến sự có mặt của Tím, có người thì lắc đầu ngao ngán, có người thì tránh xa, còn lại thì họ chẳng thèm mảy may để ý đến. Người ta chỉ biết, mỗi khi hoàng hôn buông xuống là Tím cứ ngây dại và bước đi những bước lảo đảo rồi dần khuất trong bóng tối để bà Sáu phải chạy khắp các ụ rơm hay bụi cây quanh nhà để tìm con về lo cho bữa cơm chạng vạng.
Mười sáu trăng tròn, Tím đã là thiếu nữ, độ tuổi đẹp nhất của một người con gái. Cũng như bao cô gái khác, khi tỉnh táo thì trông Tím cũng rất xinh và phổng phao, đôi má tròn hồng hào, chân mày lá liễu đen nhung, sóng mũi dọc dừa, lông mi cong dài, môi chín mọng, thân hình thon thả cân xứng, nước da tuy không quá trắng nhưng so với con gái trong làng thì Tím nhỉn hơn, nên khiến cho nhiều trai làng đôi lúc cũng tiếc rẻ cho con khùng xinh đẹp.
Bất ngờ, bà Sáu đổ bệnh ngày một nặng. Bà mong đứa con gái mình được như người ta và có tấm chồng đàng hoàng, có con có cái để sau này đỡ đần nhau khi bà khuất núi. Bà cố tìm mọi cách chữa bệnh cho Tím, bà hỏi thăm khắp nơi, người ta chỉ hết thầy nọ tới thầy này, từ thuốc nam đến thuốc bắc, đông, tây có đủ, đến cả việc rước thầy pháp về cúng. Ba ngày liền ông thầy pháp đốt mấy miếng giấy viết chữ ngoằn ngoèo rồi giã ra cho vào nước, sau đó dùng ba nén nhang chỉ chỉ vào ly nước đọc lâm râm tiếng gì đó rồi cho Tím uống. Khi thì ông bảo có con ma lì lắm đang theo nhập vào xác Tím, phải dùng roi gai quất mạnh may ra nó mới xuất ra, tha cho Tím, chỉ có cách đó Tím mới trở lại bình thường như người ta được. Bao lần Tím gào khóc thảm thiết đến ngã quỵ, ngất đi tỉnh lại với thể xác hao mòn. Ba ngày trôi qua, Tím bị cột vào một cái trụ giữa nhà và lâu lâu bị quất liên hồi bằng cái roi ấy. Tím đã uống bao nhiêu ly nước phép của thầy mà vẫn không biến chuyển. Bà Sáu xót lòng xót dạ, đau thấu tâm can mỗi khi nhìn con bị hành hạ, nhưng cũng bởi vì thương con, lo cho con, lo cho tương lai mịt mù phía trước của Tím mà bà đành cắn răn chịu đựng, có khi bà phải lánh mặt sau nhà để không nhìn thấy cảnh tượng đó nữa. Thế nhưng, sau bao vật vã đau đớn, thân hình Tím bị bầm từng vết dài, máu tụ lại rồi rỉ ra những chỗ hàng trăm ngàn vết gai đâm vô làn da mỏng manh của cô gái mới lớn thì Tím ngày càng ngây dại hơn, cạn kiệt sức lực chịu đựng của con người. Giờ thì Tím nằm im đó mặc ai làm gì thì làm và đôi mắt cứ nhìn trân trân lên trần nhà, không ai biết Tím đã hết bị ma ám chưa, đang tỉnh hay đang khùng điên như trước.
Sau khi thầy cúng làm phép xong, thầy bảo: “con ma đã thoát rồi, được làm người rồi” thì người ta không còn thấy Tím chạy nhảy hát líu lo nữa, mà thay vào đó là những chuỗi ngày Tím lang thang bước chân trần khắp làng, khi thì thập thò, lúc thì ngồi lắc lư trong vườn chuối, nọc tiêu lẩm nhẩm cái gì đó không ai hiểu được. Bà Sáu vô phương cứu chữa nên bệnh càng nặng hơn. Bà đành phó mặt cho trời. Hơn một tháng sau, bà mất.
Dòng họ lo ma chay, hàng xóm có mặt tiễn bà. Chỉ có Tím là không ai thấy đâu, mà cũng chẳng ai còn nhớ đến sự có mặt của Tím nữa. Dù có tìm, có cho nó biết bà Sáu mất thì nó cũng có hiểu gì đâu. Nhưng khi người ta khiêng quan tài bà Sáu ra vườn đất nhà thì thấy Tím ngồi thất thần, đờ đẫn dưới bụi tầm vông, tay bới đất lên đấp một mô đất lùm lùm cao cỡ chiếc nón lá. Nước chảy trên gò má Tím dù câu hát “những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt” không được cất lên. Người ta thấy Tím tỉnh bơ ngồi đó, hai tay chống cằm nhìn đoàn người đi ngang qua rồi rú lên, vai run bần bật, nước mắt trào ra như lâu rồi chưa được khóc.
Chiều hôm đó trời trút cơn mưa tầm tã, những giọt mưa nặng hạt giáng xuống người Tím như khóc thương cho quãng đời tăm tối của một con “khùng”. Ai nấy về nhà, chỉ còn Tím ngồi bên cạnh mộ, không lạnh, không đau.
Mấy ngày tỉnh táo, Tím không phản ứng gì về việc anh, chị của Tím bàn tính với sư cô để gửi Tím vô chùa. Hàng xóm xầm xì, bán tán: Cũng tốt thôi, bây giờ dù có đi đâu về đâu thì vẫn vậy, nó vẫn đơn độc, bơ vơ, vẫn là con Tím khùng của cái làng này.
*
Ba năm Tím sống ở chùa với các Sư cô và những người “khùng” như Tím. Ngôi chùa này cách nhà Tím khoảng hơn năm cây số. Chùa có dãy nhà dành riêng cho những phận người cơ nhỡ, tâm thần, mỗi ngày Tím được nghe tiếng kệ lời kinh, chuông chùa vang vọng an bình lắm. Không biết Tím có vui hơn, “tỉnh” hơn không, nhưng chí ít nơi đây Tím được các sư cô thương, được trò chuyện với những đồng môn “khùng” bằng những cử chỉ mà chỉ có họ hiểu mà thôi, được ăn cơm chay, khi rảnh được làm công quả các việc lặt vặt.
Tiếng kệ, lời kinh qua bao năm tháng đã làm cho cơn khùng của Tím giảm đi, nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ làng xóm láng giềng, nhớ những đàn gà, những chú trâu, nhớ góc bếp sau hè, nhớ vườn tiêu lá trầu không, buồng chuối của Tím đã hình thành trong đầu dù chỉ là một chút thoáng qua. Những lúc lên cơn thì Tím lại lang thang ra ruộng tìm hái những bông hoa mua tím gắn lên vành tai rồi bắt đầu hát bài ca quen thuộc ấy.
Đêm ấy Tím chạy về chùa với vẻ sợ hãi, đầu tóc rối bù, quần áo rách toan, cả người ướt đẫm. Tím chạy vội vào phòng ngồi thu mình một góc run bần bật và liên tục gào thét “tránh tao ra, thả tao ra”. Các sư cô thương cho Tím bị ám ảnh những lằn roi trước kia của thầy pháp, hay bị bọn trẻ trong làng theo trêu chọc bà điên, nên mọi người cứ trấn an, mãi một lúc sau Tím đã chịu im và thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn.
Không biết cơn thèm khát đến từ đâu mà dạo gần đây Tím cứ lén lên chánh điện lấy trộm quýt, xoài, bưởi… rồi ra sau chùa trèo lên cây ổi ngồi ăn ngon lành. Cũng không ai thèm để ý đến vì vốn dĩ những người trú ngụ nơi đây đều gán cho cái tên “Tím khùng” mất rồi.
Tím mập ra, đẫy đà hơn và cái bụng thì ngày một lớn. Lúc này các sư cô không thể không để ý đến, càng không thể không tìm hiểu nguyên do mỗi khi ra chợ nghe cả làng đồn rùm beng. “Con khùng đó nó bị thằng nào chơi có chửa rồi, mấy bà coi mà giữ chồng đi nghen”.
Sư cô đợi lúc Tím tỉnh, dụ ngọt hỏi nguyên do, nhưng lần nào cũng vậy, bằng giọng ngọng ngịu không rõ lời, ngắt quãng của Tím: “Nó, nó, thằng đó hôi rình hà, nó… nó… xé rách áo… tránh ra, thả tao ra…”. Tím thét lên rồi khép cứng hai đùi, run rẩy mặc cho nước mắt ràn rụa rơi trên chiếc áo màu lam của các sư cô.
Chuyện Tím có thai không biết nên vui hay nên buồn, là may hay rủi. Nhưng trong chùa mà một người đàn bà bụng mang dạ chửa với một người vô danh lại là điều khó có thể được người ta chấp nhận, chắc chắn lời ra tiếng vào của cái vùng quê này quả thật rất khó xử cho các sư.
Sư cô về làng cũ và xin anh, chị của Tím một miếng đất nhỏ, dù Tím có thế nào thì cũng là ruột rà của họ, hy vọng họ phát tâm cho Tím một thẻo đất mà bà Sáu để lại. Được họ đồng ý cho Tím một miếng đất nhỏ sau vườn nơi cạnh chuồng trâu, các sư đứng ra thuê người ta cất tạm cho mẹ con Tím một căn nhà cột bạch đàn, mái tôn, vách xung quanh dừng bằng lá dừa nước cũng tạm coi là chắc chắn đủ che mưa che nắng. Hàng xóm lại tiếng ra tiếng vào. “Khùng chứ cũng biết mùi đàn ông, nên có chửa đó”. Chỉ có chị Ba gần nhà là cảm thông cho hoàn cảnh của Tím vì chị cũng là góa bụa từng bị người ta gạt tình rồi phụ bạc.
Một buổi chiều trong lúc lên cơn điên, Tím men theo con đê dài đầu làng, trợt chân té ngã. Mấy người đi làm đồng vừa về chạy đến đỡ Tím lên trong cơn đau quằn quại. Người ta vội vã đưa Tím đến trạm xá. Tím đã sinh non nhưng thằng bé vẫn khỏe mạnh, gần hai ký. Chị Ba đứng ra làm giấy khai sinh lấy họ mẹ và đặt tên cho nó là Hữu Lạc.
Sinh con xong Tím cũng thay đổi hẳn, ít lên cơn khùng. Chị Ba luôn tận tình đùm bọc và chăm sóc cho mẹ con Tím từ miếng ăn giấc ngủ, đến việc sưởi ấm than củi dưới sàn giường, hay se bông gòn đưa vào tai rồi xoa tai, xoa mũi, bóp tay, bóp chân, thậm chí cả giặt tả lót cho thằng Lạc. Có sống trong cảnh mới hiểu nỗi đau của người trong cảnh. Đó cũng là cái phước phần cho mẹ con Tím trong lúc khó khăn này.
Khi ra tháng ở cử, Tím cũng biết phụ chị Ba trồng mấy liếp rau đắng, rau muống, ớt, nghệ… sau nhà để có cái mà ăn. Lúc khỏe, Tím cũng ra sông câu cá về kho tiêu, hay nấu cháo, nấu cơm đúc cho thằng Lạc. Những lúc được chị Ba giăng võng đưa thằng Lạc ngủ thì Tím cũng tranh thủ đan áo len theo cách chị Ba dạy. Chiều chiều Tím men theo đám tràm vàng nhặt mấy nhánh củi khô để dành nấu bếp, hoặc chạy lên ao ruộng bên sông trầm mình xuống hái mớ rau bợ, ngó sen, ngó súng đem ra chợ bán kiếm ít tiền trang trải trong nhà.
“Con nhỏ coi vậy chứ cũng biết chuyện lắm dì Hai, biết nói cảm ơn con khi con qua giúp nó. Dì Hai cũng biết đó, hoàn cảnh con khổ rồi, nhưng thấy nó vậy bỏ nó sao đành hả dì… Anh, chị nó thì thôi… coi như hổng có rồi… người dưng nước lã hết. Số con nhỏ gì mà tội hết sức…”. Chị Ba ngồi mua ít rau củ mà thỏ thẻ với dì Hai ngoài chợ. “Ừ thì nhờ bây gần sát nhà nó mới giúp đỡ nó được, bà con xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, ai có gì thì đem qua cho nó, chứ xứ này dân mình còn khổ, như tao nè, lóng rày mưa miết, buôn bán ế ẩm phải lo chạy ăn từng bữa… cũng mong Trời Phật thương cho nó lúc nào cũng tỉnh thì đỡ biết chừng nào…”. Chị Ba thở dài: “Ngặt nỗi mỗi khi thấy đàn ông nào đi ngang là nó lên cơn, nó ôm khư khư thằng Lạc không cho ai đụng vô, kể cả con. Nhiều bữa nó còn ôm thằng nhỏ chạy u ra đồng rồi bẻ lá bẻ hoa gắn lên đầu lên mình thằng nhỏ. Tụi con nít trong xóm cứ vây quanh rồi trêu chọc Tím điên đẻ thằng cu điên nên con nó cứ lên cơn hoài mà không có hết được. Nhiều bữa tụi nhỏ còn lấy đất, bùn, phân trâu chọi mẹ con nó, tội nghiệp nó che hết cho thằng Lạc nên về nhà là mình mẩy dơ hết trơn, nhem nhuốc bụi sìn, có bữa trầy xước máu luôn dì Hai”.
*
Cuộc đời Tím được hàng xóm kể lại như vậy. Cứ nghĩ thế rồi thôi. Đời Tím rồi cũng sẽ đến lúc nào đó có một cánh cửa khác mở ra, mang cho mẹ con Tím một ánh sáng, hay ít nhất là một đóm lửa nhỏ nhoi đủ để Tím có thể làm một bà mẹ bình thường như bao bà mẹ khác. Nhưng khi thằng Lạc được chừng ba tuổi, cũng vào một buổi chiều khi những vệt nắng chuyển màu tím rịm một góc trời trên cánh đồng nước mênh mông phía đám tràm xa, thì cơn mưa nghịch mùa bất chợt trút xuống, kéo theo trận dông, những cơn gió cứ nối đuôi nhau giật vù vù, lấn át cả tiếng mưa, người ta nghe giọng của chị Ba hốt hoảng giục mọi người đi tìm Tím.
Trời ngả tối bởi những đám mây đen giăng kín trên đầu, ai cũng lạnh run, dưới ánh đèn pin lia vội, người ta thấy Tím nằm úp trên mép ao, chân Tím vướng vào mấy dây bông súng và rong rêu, tay phải vẫn còn nắm chặt cái đụt đựng vài con cá rô nhỏ, tay trái còn nắm vào mấy ngọn cỏ ống mọc quanh bờ, những giọt mưa nặng hạt rơi làm tơi hai bông hoa mua tím trôi lềnh bềnh trên mặt nước đằng kia.
“Nó… chết rồi!” Người đàn ông nghẹn giọng khi vớt Tím lên.
Theo lời chị Ba thì mấy ngày nay thằng Lạc sốt cao mà nhà thì hết tiền, hết gạo, chỉ còn đủ một góc lon nấu cháo cho hai mẹ con, Tím nói với chị để Tím chạy lên ruộng trên tát cái mương tìm vài con cá về nấu cháo hành cho thằng Lạc ăn giải cảm. Không ngờ…
Mọi người không ai nói câu nào, chỉ nhìn nhau trong ánh nghẹn, giọt nước mắt đầu tiên phía anh chị của Tím đã rơi, rơi ở phút cuối đời người, rơi trong màng mưa giữa bầu trời mây đen bủa giăng sấm sét. Nó như là bản sao của trận mưa ngày Tím tiễn bà Sáu ra vườn, chỉ khác là phận đời tăm tối của một người “điên” đã bị chính những người thân trong gia đình chối bỏ và bởi sự vô tâm cay nghiệt của thói đời. Tiếng khóc của thằng Lạc thét lên như xé nát tâm can của những người đang sống.
“Mẹ con đi rồi Lạc ơi!”
Tím đã về với mẹ với cha. Ở thế giới bên kia Tím sẽ không bị người ta gọi khùng gọi điên, không bị bọn trẻ ném phân, ném đất vô người, không còn ai khinh rẻ, miệt thị, không phải bị uống những thứ nước phép và hứng chịu roi gai đến cạn kiệt nước mắt, không còn bị gã đàn ông say rượu nào ban cho giọt máu oan cừu, không còn những chuỗi ngày sống vùi dập bằng chén cháo, tô canh, hay những cọng rau bợ hái dưới đồng xa về đổi ăn từng bữa, không còn ai tranh giành với Tím của cải hay miếng đất sau vườn, không còn bị người thân ruồng bỏ, không còn bị người ta bêu rếu mê đàn ông, lấy chồng người khác…
Khóc mệt thằng Lạc dù nhỏ cũng phải tự tay mình lau nước mắt. Người ta tin khi lớn lên, thằng bé sẽ mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn, rắn rỏi hơn bởi vầng trán cao và đôi mắt sáng của nó.
“Tên con là Hữu Lạc thì sau này con phải luôn vui vẻ, không như cái tên mà mẹ con đã mang theo cả cuộc đời nữa đâu, con nghen”. Vừa dứt câu thì chị Ba hốt hoảng, giật bắn người thì nó ngước nhìn lên và ngọng nghịu hát: “Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt… ”.
N.Q.T