Tìm vàng – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

666

Võ Văn Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ca xuống hầm kết thúc. Nhoài người ra đến cửa hầm, những tia ánh sáng trong nắng buổi chiều vàng nhợt lách vào. Đỗ nghe ớn lạnh sống lưng bởi lượng mồ hôi toát ra quá nhiều, ướt đẫm cả chiếc áo vải “lính”, dày cộm. Mũi hít được khí bên ngoài nghe nhẹ hẫng. Đầu óc giãn ra thư thới. Khỏe.

Không thèm nhìn lại phía sau lưng, Đỗ bước lên miệng giếng theo chiếc thang tre rồi lững thững cuốc bộ về lán trại thả vật người ra sạp, châm điếu thuốc thơm phì phà.

Tiếng sấm ì ầm đâu đó xa xăm trong những mảng mây sẫm đen chứa nước trôi dặt dẹo phía sau đỉnh núi. Đỗ lan man nghĩ về một trận mưa đầu mùa sẽ bất chợt, ở đâu đó.

Căn nhà của mẹ Đỗ tại bản cây Chò đã hư hỏng. Tiếng nát tranh rệu rạo lúc mẹ chống đỡ những chỗ dột khi mưa cứ như hiện ra trước mắt Đỗ.

-Kệ.

-Ở nhà vẫn chốn bình an.

-Sướng chán…

Nằm một hồi, vùng dậy châm điếu thuốc khác Đỗ lại nghĩ, cái ý nghĩ mà Đỗ chưa từng nói ra với mẹ. Mình sẽ là người chủ gia đình, có sức khỏe, làm ra nhiều tiền để giúp gia đình, sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạt đắt tiền. Những thứ mà hàng quán dưới xuôi mang lên cho những người rủng rỉnh túi tiền quê Đỗ mua về sử dụng. Thế mà giờ đây lại phải đang trốn tránh cái án giết người, rầu rĩ hơn là cuộc sống ê chề từ khi ba bỏ nhà ra đi, mẹ “tồn tại” bằng khoản tiền bố thí của những gã đàn ông đi giải quyết khâu ở rừng lâu ngày, đói phụ nữ. Đỗ lại nghĩ, mà nếu hôm ấy tay kia không hà hiếp mẹ nó quá đáng, thì hắn cũng không phải ra tay để đi củi luôn.

Có tiếng la í ới phía hầm, đánh mắt phía ấy, Đỗ thấy người chạy toán loạn.

– Sập hầm rồi. Sập hầm rồi.

– Trời tối thui biết mần răng.

– Ba đứa hắn chết chắc.

Giả như không nghe thấy gì, Đỗ nằm im không nhúc nhích. Có lẽ quá mệt, mắt Đỗ nhắm lại rồi thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ mệt mỏi đó Đỗ lại thấy những cái chết trong gang tấc hiện về.

Trên đường vào bãi hôm đó trăng mờ. Lách vào đoàn người Đỗ cứ đi mặc cho bụng đói cồn cào, mồ hôi vả ra, chiếc xẻng cưa cụt cán dộc ngược trong ba lô, mỗi lần lên xuống dốc cứ nện vào khía vai và vành tai đau đến tê dại. Đỗ chẳng buồn đổi thế mang… đi cứ như quán tính của sự sống còn, nếu không rớt lại phía sau thì chẳng trông gì ngày trở về chứ đừng nói chi đến cơm cháo. Bỗng một tiếng đánh ào, kèm theo tiếng ré giọng khàn đục chưa kịp vang lên đã chìm xuống.

– Chết rồi thằng Tám, hắn rớt hầm ông cọp rồi. Đoàn phu vàng khựng lại nhưng chẳng ai lên tiếng. Một tay anh chị giọng Bắc nói như ra lệnh.

– Rớt hầm kiểu ni không đợi được đâu.

-Đứa mô sẵn xẻng, cơm nắm, lia xuống hố cho hắn liền đi.

-Bọn mình đi thôi.

Láng máng trong đầu Đỗ chỉ nghe có vậy. Rùng mình Đỗ nghĩ đến  những con vắt trên đường không biết từ đâu lọt vào bụng, vào háng cắn ngứa phát dựng nảy người, khi đưa tay vào cào nghe nhớt nhợt, tay tứa đầy máu tươi. Lại rùng mình nghĩ đến thằng Tám đêm nay nằm trọn dưới hầm, lẫn trong mớ lá ruỗng mục là lúc nhúc vắt đói nó sẽ nuốt chửng nó. Đó là nói dưới hầm không có con thú nào, chứ có mà đúng ông cọp thì…

Khi vào bãi thật may Đỗ lại được đầu quân cho ông chủ quê ở một huyện miền núi của tỉnh. Cùng bản quán nên cũng thuộc diện được “cưng chiều”. Tay chủ bãi trông khá thư sinh nhưng khét tiếng giang hồ. Hai từ Lâm Bi như một vùng bị kiêng dè. Qua thời gian Đỗ biết, đám phu vàng, các lán quanh vùng nể Lâm Bi không chỉ bản thành tích đen mà nguyên nhân sâu sa là tay này có giỏi võ. Nhiều người cùng lán với Đỗ kể xem Lâm Bi dẹp loạn cứ y như Lý Tiểu Long tái thế. Ngoài ra, Lâm Bi còn nhiều người nể trọng bởi hành hiệp hảo hớn, từng ra tay ngăn chặn vụ cắt gân chân của 2 thanh niên ý định trốn khỏi bãi vàng ở lán cạnh. Bom bi đối phương nổ để giết Lâm nhưng Lâm thoát chết nên từ đó từ Bi được gắn với tên Lâm.

Một ngày mưa bên ly rượu đế Lâm Bi bảo Đỗ: Tao thích chú mày tính ít nói, đã nói là làm…

– Em tính làm kiếm tiền kha khá thì về lại coi “bà già” sống ra sao.

– Mẹ mày, tao cũng có mẹ ở quê. Tao cứ nghĩ, giả dụ nghe tin tao chết thì bả sống sao nỗi…

– Mà sống như bây giờ coi như tao đã chết.

– Đ.Mẹ cuộc đời.

Men rượu ngấm đến hồi dầm dã cộng với câu chuyện ra chiều đồng cảnh.

– Anh tìm vợ đi kiếm đứa con nối dõi.

– Xin thề độc với ông anh nếu có hề hấn gì em sẽ làm nhiệm vụ gửi cháu về nội giúp anh.

Lời Đỗ rành rẽ như bảo lãnh từ một với chủ lán Lâm Bi.

Cuộc rượu kéo dài đến chiều gần tắt. Nhìn lên trời trăng đầu tháng chênh chếch lưỡi liềm. Không gian giữa rừng núi thanh âm lúc nào như lắng lại. Ông chủ của lán trại – Lâm Bi nghe lòng rỗng không.

Lâm nhớ hồi tuổi thơ ở làng trăng như lúc này lũ trẻ trong xóm hò hét chạy quanh cây rơm nhà ông Bảy chơi trò trốn tìm. Vườn chuối, những tàu lá theo gió vờn bóng trăng càng về khuya càng ngời tỏ, nhưng rờn rợn ma quái bởi sự liên tưởng những câu chuyện bà Bảy vẫn kể cho lũ trẻ ở xóm những lúc ngồi lễ ốc đá bắt dưới suối, khi làm gỏi dái mít, rắn mối…

Bổng phía nhà Lâm có tiếng la thất thanh. Thế là ba mẹ mình lại cãi vả nhau. Lâm nghĩ trong bụng mình phải chơi luôn cho quên cơn đói, bữa cháo thịt gà có cơm dừa Lâm tham gia khi chiều coi như đành phải nhịn thèm…

– Thằng Lâm đâu, bà mang nó đi ngay…

– Ông đừng nói vậy, có gì cũng để nó ăn chén cháo gà…

Nghe đến tiếng “cháo gà” bụng lại sôi lên, liên tưởng miếng thịt gà xé trộn tiêu thơm phức chấm nước mắm bỏ vào chén cháo… rồi tiếng hít ha vừa ăn vừa thổi. Trời dần về khuya, do mãi chơi khi quờ tay lên đầu không ngờ sương đã thấm ướt. Lâm rón rén men theo lối sau của chuồng heo vào bếp. Bữa cháo thịt gà để phần Lâm được mẹ bê ra ăn vội ăn vàng trong cơm đói và sự sợ hãi cứ đeo bám mãi tuổi thơ.

Đầu năm lớp chín Lâm phải nghỉ học khi mẹ nhập viện bởi trận đòn không nguyên nhân của ba. Điều rất lạ Lâm không hiểu vì sao ba đối xử như vậy nhưng mẹ không bao giờ tỏ ra hờn oán ba. Lâm cũng dần mang máng hiểu ra thân phận của mình. Càng lớn Lâm lầm lì ít nói nhưng lăn xả vào làm tất cả công việc để giúp mẹ. Trong một lần bênh mẹ khi bị đòn do lỡ tay Lâm xô mạnh người ba ra ngoài không ngờ ông ta ngã đầu đạp vào cục đá táng cột cửa. Chết.

Mọi chuyện được giấu kín nhưng mặc cảm tội lỗi của mình đã buột Lâm bỏ nhà ra đi. Lâm nhớ mãi giây phút hấp hối, những giọt nước mắt chắt ra từ hai hố mắt sâu của người mà Lâm thường ngày gọi bằng ba đã dội lại lòng Lâm sự bừng tỉnh, cảm giác ân hận tột cùng. Lúc này Lâm vẫn nhớ như in, khi đó mẹ Lâm chắp tay vái lạy liên hồi, miệng lẩm bẩm điều gì đó hình như là lời nguyền rủa không chỉ đối với Lâm mà cả đến người đàn ông nào đó đã làm bà mang thai để rồi sinh ra Lâm.

– Mày đã giết chết người rồi con ạ.

– Oan trái quá.

– Mày cút khỏi nhà này …

Lâm bỏ nhà ra đi từ đó để rồi mấy năm sau đó bãi vàng vùng rừng núi phía tây của tỉnh xuất hiện một Lâm Bi đàn anh chị, bất cần đời. Nhớ về mẹ mớ hỗn độn trong đầu Lâm cứ hiện ra không đầu không cuối. Lâm lại nhớ ánh mắt người ba mà Lâm âm thầm oán ghét trong giờ phút lâm chung… thật khủng khiếp

Giấc mơ trong mệt mỏi và bị men rượu quật đổ hằng đêm với Lâm thường là hình ảnh của tuổi thơ. Nhiều lúc Lâm nghĩ, giá như đời thực là mơ. Mà đời thực đã đi vào mơ đấy thôi.

Hồi học trường làng, lớp hai, lớp ba chúng bạn đều mặc quần đùi, màu đủ, đủ sắc. Tội nghiệp thằng Ký ngồi cùng bàn luôn bị chúng bạn chọc cười không chỉ vì dây thun quần giãn luôn bị tuột mỗi khi chạy mà cạp quần chỉ sổ lòi cả đoạn dây thun bị đứt chỉ còn mỗi cọng thun bên trong vàng, đỏ bé tẹo. Được cái vô tư ai chọc gì cũng cười dơ mấy cái răng hô hố vàng. Thằng Xuân nhỏ con hơn nhưng mặt lúc nào cũng tỉnh như ruồi, mỗi khi có chuyện đánh đấm nhóm này nhóm kia xảy ra không biết từ khi nào nó đã đứng ở vị trí chỉ huy.

Lớn hơn một tí vào lớp 6, Lâm vẫn học chung nhóm bạn có Ký có Xuân nhưng thêm vào đó là Hạnh, Sắc, Công… bạn nữ có hai người mà Lâm nhớ mãi đó là Sửu và Hòa. Sửu ngồi kề bàn với Lâm, nước da đen sạm, môi sứt, tóc vàng hoe nhưng được cái học khá giỏi, nhất là toán nên thầy cô giáo và bạn bè kiêng dè ít trêu chọc. Còn Hòa cũng rất giỏi, chữ viết mực tím hoài từ lớp 6 đến lớp 8. Thầy giáo chủ nhiệm “ghép đôi” Lâm với Hòa vì cả hai học khá giỏi, tốp ba của lớp. Có lẽ bắt đầu sau lần “ghép đôi” của thầy giáo hay tiếng hát của Hòa trong đêm văn nghệ do trường tổ chức đã xui Lâm đem lòng xao xuyến, để đêm về mơ giấc mơ đôi lứa thật hồn nhiên, đẹp đến nao lòng. Mùa hè chia tay tự dưng lòng buồn không ngôn từ diễn tả.

Cuộc sống khó khăn các bạn bè lần lượt nghỉ học, Xuân nghỉ, Ký nghỉ, Hòa Nghỉ…và Lâm cũng không đến lớp nữa khi đang vào học kỳ hai lớp 9.

Có tiếng gì đánh rơi âm thanh dội vào không gian tĩnh lặng. Lâm giật mình choàng dậy lớ mớ.

Cuộc đời với những ngã rẻ khá bất ngờ, ước mơ học cao hơn, hết trung học vào đại học rồi đi thật xa để trở thành một người hoàn toàn khác với những gì đang có ở quê nhà. Làm một nghề nào đó Lâm chưa định hình nhưng Lâm luôn có niềm tin đến lúc mọi người sẽ bất ngờ khi mình trở thành “kẻ thượng thừa, giỏi giang giúp đời”… thế thôi.

Có lẽ với ý nghĩ như vậy từ hồi đi học đã làm Lâm nhiều đêm trăn trở trả lời câu hỏi vì sao trở thành một đại ca, chủ bãi vàng giữa rừng núi thâm u này mà Lâm luôn có ý nghĩ với chính mình là không được hành xử tiểu nhơn.

Bất giác Lâm quờ tay ra sau lưng lần vào áo. Vết chém ngang lưng lên da non đội tràn “mặt phẳng” một đường dài như con lươn bò vẫn cứ nhắc nhở Lâm về yếu điểm của mình khi sống giữa chốn đầy rẫy những băng nhóm giang hồ, sẵn sàng xử nhau để làm ông chủ lớn nhất, giết nhau để tranh giành lãnh địa, phu phen. Nhưng rồi Lâm  nhận ra cái giá ấy được trả rất sòng phẳng. Bởi nhiều kẻ như Lâm trong giới giang hồ có mấy người làm được. Điều quý giá hơn cả tiền tài danh vọng đó là niềm tin những người làm công đối với một ông chủ, trong ánh mắt sợ hãi có cả sự sẻ chia, cảm thông. Nó như chất men… ngấm say những khoảng trống đến hoang vu giữa cõi lòng Lâm.

Lâm lại nhớ những ngày tháng ở quê nhà, về cha mẹ, về lối ngõ đá có hoa mười giờ nở trong tiếng con gà mái tơ cục ta cục tác nhảy ổ ở chái bếp; tiếng ù ù ong óng của những đàn ong ruồi chuyển tổ dàn trận bay qua sân nhà; mùi khay khay hơi đất khi cơn mưa chiều vội tạt chéo xuống hàng hiên đất bột… những cây thuốc lá ba trồng tuy Lâm chưa hút thử nhưng vẫn cảm được, nhất là khi ba châm thuốc, nhìn xa xăm thả khói sau mỗi trận cãi vã với mẹ. Nếu ba cứ ngồi lâu như thế chắc chắn gia đình Lâm sẽ ít đi những lần cãi vả…

Hơn tháng nay không chỉ lãnh địa của Lâm mà cả vùng lân cận nằm im ắng bởi đợt truy quét thường niên của cơ quan chức năng. Khác mọi bận, lần này kéo dài và khá ráo riết. Nghe đâu công an đang truy lùng tung tích một số thanh niên mất tích đầu quân vào các bãi vàng nhưng không trở về. Ém mình ở lán trại dã chiến bên con suối, Lâm cùng Đỗ và nhóm hơn 15 thanh niên làm công trụ lại, số khác xin Lâm rút lui đợi đợt truy quét kết thúc. Thời gian mỗi ngày trôi nghe uể oải như người ốm dậy, nhất là những hôm mưa lung thung, trời âm u sáng chiều không thay sắc.

Nằm nghe những mạch nước tự chảy xuyên qua những bãi đất đầy lá mục rỉ rả đều đều chung quanh sạp lán mà chán. Nghe đâu ngày xưa nhà văn Nguyễn Tuân ốm vì bệnh thiếu “chân giời” cũng đúng… mình đâu phải nhà văn mà quẫy quá. Giá như giờ đây có phép màu nào đó… Lan man trong những mạch suy tưởng chắp nối rời rạc chợt Lâm nghe tiếng Đỗ gọi:

– Anh Lâm ơi nước ống về.

– Chạy nhanh thôi không chết hết.

Ngay sau đó, tiếng ầm ào như sau lưng dội vào lán, tiếng răn rắc các trụ cọt bị vặn tréo… và rồi Lâm chỉ còn biết mình trôi trong dòng nước lũ, lùng bùng áo bạt của chiếc lán trại do cột dây thép nên sức nước chưa thể bứt tung ra được. Bình thường không chỉ giỏi võ mà sức khỏe của Lâm thuộc hàng thượng thừa thế nhưng chống đỡ thời gian ngắn cái rét cóng của nước lũ đã làm cho chân, tay Lâm tê buốt, không cử động được mặc cho dòng nước trong đêm đục ngầu đưa đẩy cho đến lúc không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh cũng là lúc Lâm được cấp cứu tại Trung tâm cai nghiện ma túy của tỉnh đặt ở một huyện cánh tây. Nhận biết điều này bởi Lâm nghe những người chung quanh trò chuyện với nhau. Họ vớt được xác một thanh niên trạc chừng 35 tuổi, có vết sẹo ngang lưng bị lũ cuốn đánh dạt vào cây bụi ở ngã ba Khe Mó. Ban đầu mọi người phát hoảng cứ tưởng là tay nghiện ma túy con phó chủ tịch một huyện vùng cao vừa mới đánh Oát đưa vào trung tâm nhờ cai nghiện lần hai, chưa đầy 48 tiếng đồng hồ đã trốn trại, tự vẫn.

– Thằng này không phải con tay phó chủ tịch huyện rồi. Tay trái không hề có vết xăm con đại bàng, chỉ có vết sẹo ngang lưng như con lươn trên đường Hùng Vương ở Tam Kỳ.

Đúng hơn một ngày, sức khỏe phục hồi, Lâm thành tâm cảm ơn các cán bộ ở đây đã ra tay cứu giúp, rồi lẳng lặng xin được ra về trong vai một phu vàng chẳng may bị lũ núi cuốn trôi. Trải qua bao biến cố thăng trầm, tử sinh gang tấc, Lâm quyết tâm sẽ phải tìm một nghề nào đó kiếm sống. Dứt quyết không phải là vàng.

Lâm chợt nghĩ đến Đỗ. Cả hai cảm mến, kết thân nhau từ những ngày đầu gặp gỡ. Họ đã có những ngày tháng tuổi thơ thật buồn. Không biết Đỗ giờ này chết sống ra sao. Nếu còn sống mong rằng Đỗ cũng biết dừng lại, đoạn tuyệt với tháng ngày đánh cược cả tính mạng của mình nơi thâm sơn cùng cốc.

Đầu thú thôi. Tao và mày Đỗ ạ. Lâm nghe lời ai văng vẳng bên tai./.

 Hiệp Đức tháng hạ 2020

V.V.T