Tín hiệu vui từ một giải thưởng

245

Hiện tại, ngoài Giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM là giải thưởng hiếm hoi dành cho những cây bút trẻ.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông Nguyễn Thọ Truyền và đại diện nhà tài trợ Thaco trao Giải thưởng Tác giả trẻ cho Trần Đức Tín (bút danh Khét), Lê Vũ Trường Giang và Vĩ Hạ

Năm 2022, lần đầu tiên Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM được phát động cho 3 thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn. Giải nhất cho mỗi thể loại lên tới 30 triệu đồng. Ban giám khảo cuộc thi là các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ uy tín, có chuyên môn sâu đảm nhận chấm vòng sơ khảo và chung khảo. Cuộc thi dự kiến trao giải vào ngày 18.3 tới.

Theo Th.S Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH-NV – ĐH Quốc gia TPHCM, có nhiều giải thưởng liên quan đến âm nhạc, biểu diễn hay các lĩnh vực khác, riêng giải thưởng hỗ trợ các bạn trẻ thì rất ít.

“ĐH Quốc gia TPHCM quan tâm đến chuyện phải có một giải thưởng giúp các em thể hiện năng khiếu văn chương, phản ánh những mặt tâm tư cuộc sống của các bạn về cuộc sống ngày nay. Bên cạnh đó, mình cũng cần phải có một nơi để nuôi dưỡng tài năng trẻ, những người sau này có thể có khả năng sáng tác và có tầm ảnh hưởng trong xã hội một cách tích cực. Chúng tôi quyết định tổ chức Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM vì lý do đó”, Th.S Trần Nam cho hay.

Ban đầu, dự kiến tổ chức trong phạm vi ĐH Quốc gia TPHCM, nhưng sau đó, giải thưởng mở rộng ra phạm vi toàn quốc để sinh viên, học sinh từ các tỉnh, thành khác cùng tham gia, và đến nay đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy, hiện nay các bạn trẻ vẫn còn đam mê văn chương và mong muốn thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc về cuộc sống xung quanh mình.

Về vấn đề xã hội hóa giải thưởng, Th.S Trần Nam cho rằng, các trường đại học luôn mong có sự đồng hành của nhà tài trợ trong việc tạo ra những diễn đàn hay giải thưởng văn học, bởi đây là hoạt động thúc đẩy những giá trị văn học nghệ thuật trong xã hội, có được sự đồng hành của các doanh nghiệp thì quá tốt. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp cũng chưa mặn mà với các giải thưởng văn học nghệ thuật.

“Để cuộc thi có thể diễn ra, chủ yếu vẫn là nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM. Sau này, nếu có sự đồng hành của doanh nghiệp, chúng tôi vẫn rất sẵn sàng để có kinh phí phát triển, đồng thời tạo thêm những gì mới mẻ, mạnh mẽ cho cuộc thi của mình, để nhiều bạn trẻ tiếp cận và tham gia đông đảo hơn nữa”, Th.S Trần Nam chia sẻ.

Theo Hồ Sơn/SGGP