Tình bạn Duy – Khê

1009

Trần Danh Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi may mắn được đọc cuốn sách TÍNH DÂN TỘC TRONG ÂM NHẠC PHẠM DUY & TÌNH BẠN DUY – KHÊ  của Giáo sư – Tiến sĩ (GS-TS) TRẦN VĂN KHÊ và tôi muốn ghi lại những gì tôi cảm nhận được về tình bạn giữa hai đại nhạc sĩ của âm nhạc nước ta.

Có lẽ ai yêu âm nhạc nói chung và âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói riêng cũng đều nghe danh GS-TS Trần Văn Khê, anh ruột của ‘quái kiệt’ Trần Văn Trạch trước năm 1975.

Có lẽ không cần phải dông dài về vị nhạc sĩ lừng danh mà theo Wikipedia: “còn có nghệ danh Hải Minh, là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.”

Và Phạm Duy, cũng theo Wiki, “tên thật Phạm Duy Cẩn là nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam. Ông thường được coi như nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ cũng như đa dạng về thể loại, trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên kinh điển và quen thuộc với người Việt. Nhạc của ông thường sử dụng những yếu tố nền tảng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam kết hợp với những kỹ thuật, cấu trúc của nhạc hàn lâm Tây phương, tạo nên một phong cách riêng với nhiều tác phẩm lớn có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ. Ông cũng là người khởi xướng, định hướng nhiều trào lưu, phong cách mới mẻ cho nền tân nhạc Việt. Ngoài sáng tác và biểu diễn, ông còn có những công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông còn được coi như một nhà văn với 4 tập hồi ký được giới phê bình đánh giá cao về giá trị văn học lẫn giá trị tư liệu. Với hơn 70 năm sự nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, ông được coi là “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam.”

Và trong “Tình bạn Duy – Khê”, GS-TS Trần Văn Khê đã gọi bạn mình, nhạc sĩ Phạm Duy, từ đầu sách đến cuối sách, chỉ bằng cái tên “Duy” hết sức thân thương, trìu mến như không có cách gọi nào có thể ‘thay thế’ được cho một tình bạn của hai người và về một phương diện nào đó, là không có tình bạn nào có thể ‘thay thế’ được.

Tình bạn ấy, theo tác giả, là của một “đôi bạn rất thân”, và còn hơn thế nữa, là “hai anh em” mặc dù “hai phong cách, hai hướng đi có khác nhau”.

Thật ra, có vẻ như ban đầu, hai bác Khê và Duy không biết nhau vì kẻ Nam, người Bắc, từ thời thơ ấu và cả thời tuổi trẻ. Họ chỉ biết nhau khi cả hai đã “dấn thân vào đời”. Thế nhưng, khi đọc hồi ký của bác Duy, bác Khê mới am tường và dành cho bác Duy cả một trời thương cảm cho người bạn tâm giao và tri kỷ của mình. Người bạn mà ông đã tóm tắt: “Trên chuyến hành trình dài bất tận trong đời cũng như trong thế giới diệu kỳ của âm nhạc, tôi đã có may mắn quen biết rất nhiều người bạn lạ lùng, với những cá tánh đặc biệt, những tâm hồn nhạy cảm và tài năng phải nói là trác tuyệt. Phạm Duy là một trong những người như vậy, cũng có thể nói Duy là người “một trong muôn một”.

Và có thể nói, chỉ có tình bạn ‘lạ lùng’ như vậy, bác Khê mới có thể dành cho bạn mình những lời nói, những dòng chữ cũng rất lạ lùng.

Nếu như trong phần “Tình bạn của chúng tôi”, tình cảm của tác giả dành cho người bạn hết sức thân thiết của mình là thương và hiểu bạn; thì trong phần “Phạm Duy trong lòng tôi”, là hiểu và thương bạn, như một loại hình siêu tình cảm của hai bậc kỳ vĩ, không phải ai cũng có, không phải ai muốn có cũng có được.

Tôi chưa có cơ hội để đọc nhiều sách nói về tình bằng hữu đặc biệt nào nhưng có lẽ tôi nghĩ tôi cũng sẽ khó có dịp tìm thấy về những gì mà một người bạn viết cho một người bạn những tâm tình như hai bác đã dành cho nhau.

Có thể do có ảnh hưởng bởi triết học Phật giáo, tác giả, qua một số trang sách đã thể hiện tình bạn của mình và nhạc sĩ PD là do quan điểm ‘hữu duyên’ của nhà Phật và những hệ quả siêu nhiên của nó mà có lẽ được nhấn mạnh qua chi tiết xung quanh cuốn sách “La musique et les musiciens” mà bác Duy cho bác Khê mượn đã góp phần ‘cứu mạng’ bác Khê trong một lần bác ấy bị Tây bắt và chuẩn bị đem đi bắn để trả thù cho đồng đội của chúng do bị Việt Minh giết. Nhờ cuốn sách tiếng Pháp mà PD quý như ‘người mẹ’ của mình đã không ích kỷ cho TVK đọc và gìn giữ như ‘bảo vật’ đã khiến cho bạn mình thoát chết bởi bàn tay kẻ thù trong gang tấc.

Trong nhiều trang sách, TVK đã khéo léo so sánh, đối chiếu những điểm tương đồng lẫn dị biệt về hoàn cảnh, con người, sở thích, tài năng và sự nghiệp giữa PD và TVK với phần may mắn hơn, thuận lợi hơn… về phía mình và phần khó khăn hơn, chật vật hơn… về phía bạn đã tôn lên, làm bật lên những ưu điểm, sở trường, năng lực phi thường… của bạn với một tình cảm vô cùng ưu ái lẫn hết sức trân trọng. Chỉ có một tình bạn chân thành vô đối mới khiến cho tác giả cuốn sách yêu quý bạn mình đến thế, mới có thể thể hiện được tình bằng hữu vô song như thế.

Đọc “Tình bạn Duy – Khê”, trong âm hưởng diệu kỳ của âm nhạc nói chung, chúng ta không những trải nghiệm được một tình bạn cao đẹp giữa hai tâm hồn nghệ sĩ kỳ tài của đất nước mà còn học tập ở hai tâm hồn ấy những nhân cách cao quý trong cuộc sống vốn càng ngày càng cạn dần những ý niệm có ý nghĩa tốt đẹp ngày nay.

Theo thiển ý của chúng tôi, dù bạn nhìn tình bạn của hai nghệ sĩ tiền bối TVK và PD ở góc độ nào, qua một kính vạn hoa hay từ một nhãn quan vô cực, tình bạn Duy – Khê vẫn là một mẫu mực của tình bạn thuần thiết và cao đẹp nhất trong sách vở và trong cõi đời mênh mang này trên cùng một mẫu số tính dân tộc trong sự nghiệp vĩ đại của cả hai…

T.D.T