Tính cách, nội tâm nhân vật và con đường của truyện ngắn hiện đại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

1350

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi xin bắt đầu câu chuyện về truyện ngắn vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách nhắc đến một nhân vật trong truyện ngắn: “Tiếng gọi ngàn” của nhà văn Đoàn Giỏi. Đó là nhân vật con heo rừng hay còn gọi là con Vá. Hình tượng nhân vật con heo rừng trong truyện ngắn: “Tiếng gọi ngàn” của Đoàn Giỏi mang tính ẩn dụ về bi kịch khát vọng tự do của con người. Con Vá được những người thợ săn bắt về nuôi để thuần dưỡng. Qua nhiều thăng trầm, cuối cùng, con Vá bị đưa vào sở thú và nỗi nhớ đại ngàn đã khiến con vật chết dần mòn trong tuyệt vọng.

Câu chuyện về con Vá không chỉ bộc lộ về số phận loài vật mà còn gợi cho người đọc liên tưởng về khát vọng sống và bi kịch về cuộc sống chật hẹp, tù túng và khát vọng tự do của con người. Truyện ngắn: “Tiếng gọi ngàn” thấm đẫm tư tưởng nhân văn và đặt ra những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa sự sống và khát vọng sống của con người. Hiệu quả thẩm mỹ đối với sự tiếp nhận của người đọc trong truyện ngắn: “Tiếng gọi ngàn” của nhà văn Đoàn Giỏi chính là nhờ ông đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật con heo rừng. Nhân vật trong truyện ngắn tưởng như nhỏ bé và vô danh nhưng chiều kích của nó không hề bé nhỏ mà gây ấn tượng mạnh đối với thế giới thẩm mỹ của người đọc trong quá trình tiếp nhận.

Xét về mỹ học tiếp nhận, nội tâm, tính cách nhân vật của truyện ngắn thường dễ gây ấn tượng và có sức sống lâu bền hơn các yếu tố nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn như: cốt truyện, kết cấu tác phẩm, không gian và thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ trần thuật của nhà văn… Nhân vật truyện ngắn thường mang bóng dáng quan niệm của nhà văn về con người và mang dấu ấn tính cách con người của một thời đại. Nhân vật AQ của Lỗ Tấn, Chí Phèo của Nam Cao, ông Thuấn trong: “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, cô gái điếm bị câm trong: “Tiếng hát và tiếng khóc” của Trang Thế Hy đã tạo nên dấu ấn độc đáo về tính cách, nội tâm con người và thể hiện giá trị tư tưởng, nghệ thuật của truyện ngắn mỗi thời đại.

Chiều kích nội tâm nhân vật A.Q được Lỗ Tấn khắc họa qua sự ý thức của nhân vật về phép thắng lợi tinh thần. Chiều kích nội tâm, tính cách của nhân vật Chí Phèo được Nam Cao miêu tả qua khát vọng trở về cuộc sống lương thiện của một con người bị tha hóa. Chiều kích tính cách nhân vật ông tướng về hưu tên Thuấn được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện qua bi kịch sự cô độc, lạc lõng giữa những toan tính lạnh lùng của con người thời hậu chiến. Chiều kích nội tâm nhân vật cô gái điếm bị câm trong truyện ngắn: “Tiếng hát và tiếng khóc” của Trang Thế Hy thể hiện cái nhìn nhân bản của nhà văn về những con người vô danh nhưng vẫn mang trong tâm hồn vẻ đẹp của cảm xúc yêu thương đối với con người và cuộc sống.

Tính cách con người vùng đồng bằng sông Cửu Long thời hiện đại hội tụ tầm vóc con người thời đại mới, đó chính là khả năng tự ý thức về cái tôi và khả năng nhận thức về con người, xã hội và thiên nhiên. Việc xây dựng tính cách nhân vật theo kiểu đóng băng theo những khuôn mẫu định sẵn như: tính cách hào hiệp, giàu nghĩa tình, phóng khoáng và chân chất hay gian ác, sống nặng về bản năng không còn phù hợp với hệ hình thẩm mỹ của truyện ngắn hiện đại. Để minh họa cho kiểu xây dựng nhân vật theo “khuôn mẫu” định sẵn, tôi xin đề cập đôi nét về nghệ thuật xây dựng nội tâm, tính cách nhân vật trong truyện ngắn: “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tác phẩm: “Cánh đồng bất tận” đã thành công trong việc tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ trong quá trình tiếp nhận của người đọc. Tác phẩm này đã truyền đến cho người đọc thông điệp về mối quan hệ nhân quả của luận đề: “Cha ăn mặn, con khát nước”. Tuy nhiên, nếu xét về nghệ thuật xây dựng nội tâm và tính cách nhân vật thì theo tôi, tác phẩm này chưa tạo được hiệu quả thẩm mỹ đối với người đọc. Nhân vật người cha trong truyện ngắn: “Cánh đồng bất tận” được khắc họa sơ lược và “đóng băng” về tính cách. Sự tha hóa của nhân vật người cha thông qua việc lang chạ, chung đụng với nhiều phụ nữ nhằm trả thù đời do nguyên nhân từ việc người vợ bỏ nhà theo trai chưa đủ sức thuyết phục người đọc. Tính cách nhân vật người cha được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả thuần về bản năng, theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa nên chưa tạo được sức lay động, sự ám ánh và sự thức tỉnh lương tri đối với người đọc.

 

Diễn biến tâm trạng nhân vật cô con gái ở đoạn cuối truyện ngắn trong tình thế bị nhiều người xâm phạm nhân phẩm, thể xác được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả quá tỉnh táo và “lạnh” đến mức không phù hợp với diễn biến nội tâm của nhân vật. Theo đúng qui luật tâm lý của con người thì trong tình thế như vậy nhân vật phải biểu lộ trạng thái tâm lý hoảng loạn, kinh hoàng. Trong truyện ngắn này, Nguyễn Ngọc Tư đã tập trung miêu tả tâm trạng nhân vật cô con gái quan sát thái độ và phản ứng của nhân vật người cha khi phải bắt buộc chứng kiến hoàn cảnh đau lòng của người con.

Theo tôi, khi khắc họa nội tâm và tính cách hai nhân vật người cha và cô con gái trong truyện ngắn này, Nguyễn Ngọc Tư đã viết theo một “khuôn mẫu” tính cách con người đã định sẵn. Chính vì thế, nhân vật trở nên xơ cứng, thiếu sự sinh động và xét về mặt thẩm mỹ tiếp nhận, nghệ thuật xây dựng nội tâm và tính cách nhân vật của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn và chưa tạo được hiệu quả thẩm mỹ đối với người đọc.

Thi pháp truyện ngắn hiện đại là quá trình kiếm tìm, khám phá phương thức biểu hiện nhằm khắc họa tính cách nhân vật với sự đa chiều kích và những bí ẩn thẳm sâu của nội tâm. Nhà văn hiện đại phải khám phá chiều kích cái tôi chân thực của con người, chứ không thể chỉ miêu tả cái tôi bề ngoài, cái tôi với vai trò xã hội. Thời hiện đại, chiều kích nội tâm, tính cách của nhân vật truyện ngắn được đo bằng tầm nhìn, diễn biến tâm trạng và khả năng tự ý thức của nhân vật về những vấn đề nhân sinh, về mối quan hệ xã hội, mối quan hệ với thiên nhiên và mối quan hệ với cái tôi thẳm sâu, cái tôi thật sự trong mỗi con người.

Truyện ngắn truyền thống chú trọng vào việc khắc họa diễn biến hành động, số phận nhân vật trong mối tương quan với biến cố của sự việc. Truyện ngắn hiện đại tập trung khắc họa những biến đổi vi tế của tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trong những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất của đời người. Nội tâm, tính cách nhân vật trong truyện ngắn hiện đại vừa mang nét dị biệt, độc đáo vừa mang bóng dáng nội tâm, tính cách của con người hiện đại. Cái nhìn của nhà văn hiện đại hướng đến cả hạt mầm của cái thiện và cái ác, vùng sáng và vùng tối trong tiềm thức và nội tâm nhân vật.

Trong truyện ngắn hiện đại, nhà văn thường coi trọng, chăm chút vào việc thể hiện câu mở đầu của tác phẩm. Câu mở đầu không chỉ mở ra không gian và thời gian nghệ thuật, hé lộ về tính cách nhân vật mà còn gợi ra cho bạn đọc hướng tiếp nhận và hứa hẹn sự thú vị trong quá trình khám phá, giải mã tác phẩm của bạn đọc. Nhìn ở góc độ khắc họa diễn biến tâm trạng nhân vật, truyện ngắn hiện đại gần với thơ. Ở truyện ngắn hiện đại, nhà văn khi khắc họa diễn biến tâm trạng nhân vật thường chú ý tới những khoảnh khắc bộc phát, bùng vỡ của cảm xúc nên giống với sự thăng hoa, tuôn trào cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ.

Con đường của truyện ngắn hiện đại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới chân trời mở của hệ hình thẩm mỹ hiện đại và thi pháp mới. Con đường này mở ra cái nhìn mới của nhà văn về chiều kích nội tâm, tính cách của con người. Đó chính là việc khám phá và thể hiện những khoảnh khắc, nhịp sống của thời đại mới. Đó chính là việc khám phá và thể hiện sự đa diện, đa chiều trong nội tâm và tính cách của con người. Con đường truyện ngắn hiện đại của các nhà văn vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn là sự bắt đầu và là sự khám phá liên tục về nội tâm, tính cách của con người của thời đại mới.

V.T.C