Tình của ngoại – Truyện ngắn Trần Bảo Định

1135

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm đó, ngoại bước vào tuổi mười bảy. Cái tuổi mà thiên hạ nói ”bẻ gãy sừng trâu”, ngoại chèo ghe tam bản len lỏi vào từng ngóc ngách nhóc tàu ghe thương hồ neo đậu vàm sông Bảo Định để bán chè thưng, một loại chè thuộc đặc sản Mỹ Tho ngon nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Nhà văn Trần Bảo Định 

 

“Hò ơ…

Tàu súp lê một, còn thương còn nhớ

Tàu súp lê hai, còn đợi còn chờ

Tàu súp lê ba, tàu về Châu Đốc

Anh ơi! Xa nhau lần nầy, biết đến bao giờ

Hò ơ…

Biết đến bao giờ…(em) mới gặp lại anh…?”

(Hò Bán Vàm, Mỹ Tho)

1.

Hồi nẳm, đất Nam Kỳ có sáu tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) người mình gọi là Nam Kỳ lục tỉnh. Nhưng, lắm kẻ tọc mạch, cắc cớ hỏi: “Sao không bảy, tám tỉnh mà lại là sáu tỉnh? Triều Nguyễn dựa vào đâu lấy con số sáu?” Cả Khịa làng Điều Hòa trong thành Mỹ Tho nói với Hương ước Hội tề: Triều Nguyễn dựa vào sáu chữ cuối của một câu thơ tám chữ ”Khoái mã gia biên vĩnh định an hà” (Phóng ngựa ra roi giữ yên non nước). Thời Pháp thuộc, Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine và chia Lục tỉnh thành hai mươi mốt tỉnh.

– Đất dẫu có thay ngôi, nhưng lòng người Nam Kỳ chẳng bao giờ đổi chủ.

Ngoại nói chắc ”ba bó giạ”. Tôi hỏi ngoại vì sao? Ngoại bảo:

– Lòng người Nam Kỳ chẳng bao giờ thay đổi, vì người Nam Kỳ thương sông nhớ nước. Sông nước làm nên cốt cách con người, sông nước nuôi dưỡng tâm hồn qua những đò chèo, đò dọc, đò ngang… mang mang những đối đáp đầy tình tứ gửi theo câu hò bán vàm.

Rồi ngoại nhớ lại:

– Dù tàu về Lục tỉnh hay tàu đi Sài Gòn, tàu vẫn phải ghé bến tàu Lục tỉnh ở đường Galliéni, nay là đường Trưng Trắc, Mỹ Tho, như là trạm trung chuyển bắt buộc. Con sông Bảo Định nối từ sông Vàm Cỏ Tây(Tân An) đến sông Tiền(Mỹ Tho) dài trên hai mươi cây số. Nếu người đời gọi sông có cửa, thì cửa hẳn có vàm và cái vàm ấy, nằm nơi cầu tàu Lục tỉnh.

Năm đó, ngoại bước vào tuổi mười bảy. Cái tuổi mà thiên hạ nói ”bẻ gãy sừng trâu”, ngoại chèo ghe tam bản len lỏi vào từng ngóc ngách nhóc tàu ghe thương hồ neo đậu vàm sông Bảo Định để bán chè thưng, một loại chè thuộc đặc sản Mỹ Tho ngon nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Nước lớn ròng, tàu đi về, ngày và đêm… Bến tàu không vắng những con tàu. Ngoại không thể quên những đêm trăng sáng soi ánh nước vàm sông, ngoại vừa chèo vừa rao hàng qua câu hò gợi cảm; có câu ngoại ứng tác nửa gọi nửa mời, nửa như làn mây nửa như lón nước chảy qua cầu… Có câu ngoại học lóm, có câu ngoại mượn của chị em bạn cùng bán vàm.

– Vậy, ngoại có mối tình nào để vắt vai, không ngoại?

Nghe tôi hỏi, ngoại cười xì hơi vì cái miệng móm xọm chẳng còn răng!

2.

Ánh trăng vừa đủ tráng mặt sông, đèn lóng lánh nhấp nhô theo sóng nước xô mạn tàu, ghe nhấp nhô đêm bến tàu. Có tiếng chàng trai trên tàu về Châu Đốc buông lời chọc ghẹo ngoại. Tức cảnh sanh tình, ngoại cất tiếng hò bong long thả theo gió gửi người chưa chạm mặt:

”Đèn Mỹ Tho ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Châu Đốc ngọn tỏ ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng (mà) em vẫn đợi… Mười thu (mà) em vẫn chờ!”

Ngoại tưởng chàng trai lặng tiếng im hơi, nào dè chàng chẳng phải tay vừa:

“Đèn Châu Đốc không khơi mà tỏ

Đèn Mỹ Tho gió thổi không mờ

Anh về trải chiếu bàn thờ

Rước em về lạy… Rước em về lạy… Ông Bà (để) cưới em!”.

Nghe câu hò đáp của chàng trai, bạn bán vàm cười khúc khích:

”Gái bán vàm gặp trai thương hồ chẳng trồ thì trộ/ Quen nhau rồi không nợ thì duyên!’‘ (Hò Mỹ Tho)

Ngoại sợ… Ngoại sợ mối tình gái bán vàm và trai thương hồ sẽ như sương khói, như con sông dài… cá lội biệt tăm!

*

Tôi nhí nha nhí nhảnh, đùa với ngoại:

– Ngoại lãng mạn, lãng mạn hơn cả ”Hồn bướm mơ tiên’‘!(4). Chàng trai ấy là ai vậy ngoại?

– Là ông ngoại của con đó!

Ngó lên bàn thờ ông ngoại, giọng bà xa vắng…

3.

Bến nối vàm sông, bến đón người về và bến tiễn người đi. Ông ngoại con vốn gốc Sài Gòn. Tía ông ngoại có xưởng dệt lụa ở Tân Châu nên ông ngoại thường lên xuống Sài Gòn, Châu Đốc. Ngoại thương ông ngoại lúc nào không biết, chỉ biết lúc nào ngoại cũng trông đứng trông ngồi. Riết rồi, việc bán chè thưng ngoại không thiết chỉ thiết, chèo mái chèo ghe nhấp sóng ngóng người thương.

Gái bán vàm ở những vàm sông phương Nam, thương có nghĩa là cho; không phải nhẹ dạ cả tin, không phải tham phú phụ bần… mà từ tấm chơn tình, hồn hậu, hào sảng. Vì thương, ngoại đã cho ông ngoại… trong cái đêm trăng sáng dưới gốc khuất vàm sông, nơi lòng ghe gác mái!

*

Đêm ngoại sanh má con, cũng là đêm ông ngoại chết chìm trên đường về An Hóa thăm vợ thăm con.

Nín lặng một hồi lâu, ngoại tiếp:

– Sau nầy, nghe người ta nói lại, chuyến tàu Đồng Sanh vừa lọt ra khỏi vàm Kỳ Hôn dợm cắt ngang sông Tiền đi vào Vàm Giao Hòa theo kinh An Hóa thì tàu lật úp… sông nước mênh mông, trời rựng sáng của một ngày hè năm 1936. Toàn bộ học sinh về quê nghỉ hè, trong đó có ông ngoại con, đều chết!

Tôi nhìn những vết chưn chim hằn sâu cuối đuôi mắt ngoại hiện rõ nét thủy chung, thương ngoại quá chừng chừng. Thương ông ngoại, một chàng trai thương hồ, dẫu con sông dài nhưng cá chẳng lội biệt tăm!

Đất Nam Kỳ lục tỉnh xưa đã gánh oằn vai bao điều biến động lịch sử, nó vẫn là nó với cái phong vị phương Nam chẳng thể tầm đâu ra.

T.B.Đ