Tính đa chiều không gian – thời gian trong Bến quê

1504

26.02.2018-19:30

 >> Thư viện Nguyễn Trọng Hoàn

 

Tính đa chiều không gian – thời gian

trong “Bến quê” của Nguyễn Trọng Hoàn

 

ThS. NGUYỄN VĂN BA

 

 “Nếu hiểu thơ ca là sự cảm nhận thế giới và con người thì thời gian,

không gian chính là hình thức để con người cảm nhận thế giới và con người”

 

(Trần Đình Sử)

 

NVTPHCM- Nguyễn Trọng Hoàn là người làm khoa học, một thầy giáo có niềm đam mê với văn chương, nhất là thơ. Các tác phẩm của ông có thể kể đến như Sắc cỏ tình yêu (NXB Phụ nữ, 1990), Và em khi ấy (NXB Văn học, 1994), Huyền cầm (NXB Hội Nhà văn, 1997), Gió và nhớ (NXB Hội Nhà văn, 1999), Màu áo thuở ban đầu (in chung, NXB Văn hóa thông tin, 2000), Ngẫu cảm (NXB Hội Nhà văn, 2002), Tam ca (in chung, NXB Hội Nhà văn, 2007), Cánh diều khao khát (thơ thiếu nhi, NXB Giáo dục, 2012), Bến quê (NXB Quân đội nhân dân, 2012), Năng lượng của sự có mặt (NXB Hội Nhà văn, 2016).

 

Điểm qua các tập thơ để thấy một nhịp độ sáng tác đều đặn và mạch cảm xúc dồi dào của Nguyễn Trọng Hoàn. Điều quan trọng là dù sáng tác trong thời điểm nào thì thơ ông vẫn mang một nỗi niềm rất đậm: niềm thổn thức và xuyên suốt nỗi niềm ấy là nỗi nhớ bao trùm, nỗi nhớ mênh mang. Tập thơ Bến quê chính là nơi hội tụ đầy đủ nhất những nỗi niềm đan xen, những kí ức đa dạng và đôi khi phức tạp. Những đặc điểm nội dung ấy chứa đựng trong một hình thức không gian – thời gian đặc thù thể hiện cái nhìn và sự cảm nhận đa dạng, phong phú của nhà thơ.

 

Không gian hồi tưởng – Thời gian quá khứ

 

Đây là đặc điểm dễ nhận thấy của không gian, thời gian nghệ thuật trong Bến quê. Như đã biết, thơ là tiếng nói trái tim, là sự đánh thức những kỉ niệm đang ẩn tàng trong tiềm thức. Tiếng nói ấy cất lên từ hiện tại nhưng luôn có kết nối với quá khứ nhất định. Càng nhiều kỉ niệm, càng đong đầy cảm xúc. Chính vì thế, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thơ luôn có sự tiếp nối của thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Và cũng chính bởi thế, quá khứ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người làm thơ, và là một phần không thể thiếu để làm nên cái hồn của thơ. Hiểu rất rõ điều này, Nguyễn Trọng Hoàn đã khai thác, nói đúng hơn là để cho những kỷ niệm của mình cứ tuôn trào một cách tự nhiên, tự nhiên nhưng những gì nó đang diễn ra để rồi hiển hiện trước mặt người đọc với những cảm xúc đan cài trong không, thời gian đa chiều. Có khi không gian dừng lại nơi cánh rừng đầy mơ hồ:

 

Em có nhớ cánh rừng năm ấy

cánh rừng thời thiếu nữ nguyên sơ

Anh trở lại đi tìm, mà chỉ thấy

mình giữa rừng lạc lối xanh mơ

 

(Cánh rừng thiếu nữ)[1].

 

Cũng có khi nó hiện hiện cụ thể:

 

Em có về phố cũ

 rực biếc chiều rêu phong

Kỷ niệm xưa không ngủ

mắt lá nhìn rưng rưng…

 

(Chiếc lá)

 

Có bài thơ không gian gón gọn trong lớp học với một kỉ niệm đầy yêu dấu:

 

Cái bím tóc ngủ quên trong lớp ấy

mười năm xa rồi… không quên

Ngày trở lại em đâu còn mười bảy

lớp học xưa… bím tóc hiện lên

 

(Bím tóc ngủ quên)

 

Điều đặc biệt trong cách cảm nhận không gian, thời gian của Nguyễn Trọng Hoàn chính là tính chân thực của nó. Nhiều khi người đọc cảm thấy không gian nghệ thuật, nhưng đồng thời cũng chính là không gian cuộc sống đang hiển hiện trong thơ.

 

Hoa đã tàn vơi, hồi hộp cũng qua rồi

con đường cũ đã nhiều đổi khác

sao ký ức thổi lên nhiều bão táp

thương nhớ – ai ngờ – xô lệch cả đời nhau!

 

(Còn lại với mùa thu)

 

Không gian tự nhiên xuất hiện, thời gian cũng đồng hiện một cách đầy tình tứ. Tác giả sử dụng phó từ “đã” chỉ thời gian tuyến tính, nói rõ về thời gian quá khứ, nhưng trong thơ Nguyễn Trọng Hoàn, ta luôn thấy có sự đồng hiện. Hoa đã tàn vơi, hồi hộp cũng qua rồi. Vế thứ nhất của câu thơ là thời gian, vế thứ hai lại là không gian, không gian tâm trạng khép kín. Nhiều câu thơ cũng được tổ chức theo kết cấu ấy: sao ký ức thổi lên nhiều bão táp, ngày chia xa đi suốt những cánh rừng…, ngày tôi xa – xạc xào tre đứng vẫy, mà đêm về còn thao thức xanh trong… Cách tổ chức không, thời gian đồng hiện đã cho thấy sự cảm nhận vừa tinh tế, vừa sâu sắc của người làm thơ và, cũng nhờ cách tổ chức ấy mà trữ lượng ý thơ nặng hơn rất nhiều.

 

Không gian cụ thể – Thời gian dàn trải

 

Như một quy luật tất yếu, trong một tác phẩm văn học, đặc biệt là tác phẩm thơ, khi không gian nghệ thuật càng cụ thể bao nhiêu, thì thời gian nghệ thuật lại càng dàn trải bấy nhiêu. Đây là điều phù hợp với logic của tâm trạng cũng như nỗi nhớ càng cụ thể thì càng sâu sắc vậy. Tìm hiểu loại không – thời gian này, tôi thấy Nguyễn Trọng Hoàn như người thợ cần mẫn đi lượm nhặt những kỉ niệm thuở nào để rồi “nhấm nháp” nó, mải mê cùng với nó:

 

Buổi chiều ấy em mặc màu áo ấy

với tươi non môi cười

Ánh mắt chợt xa vời vợi

khiến lòng đắm đuối khôn nguôi

 

(Màu áo thủa ban đầu)

Tập thơ Bến quê của Nguyễn Trọng Hoàn

 

Hành trình tìm kiếm ấy không quá khó khăn đối với Nguyễn Trọng Hoàn, bởi nơi đâu ông đặt chân đến là bấy nhiêu kỉ niệm, bấy nhiêu tình, để rồi đọng lại nơi Bến quê thân thuộc:

 

Tuổi thơ bạn bè lam lũ cùng cây

ngày tôi xa – xạc xào tre đứng vẫy

tôi đâu biết đã vô tâm đến vậy

lơ đãng qua…

ngơ ngẩn gai cào.

Trong chiêm bao khao khát một dòng sông

khao khát vàng rơm thơm ngát nẻo đường mùa gặt

bổi hổi trời trong tít tắp

ruộng rỡ ràng gốc rạ thảnh thơi…

 

(Bến quê)

 

Thời gian đọng lại giúp nhà thơ như đếm được từng giọt mưa, từng giọt hồn và cảm nhận được cả cái ấm lạnh của đất trời.

 

Đã qua mùa – chút hương vẫn còn đưa

qua đỉnh dốc – hoa còn rạo rực

Giọt giọt mưa, giọt giọt hồn thổn thức

ấm lạnh vô chừng trời đất lúc giao hoan.

 

 (Khúc mưa)      

 

Cũng có khi Nguyễn Trọng Hoàn tạo dựng một không gian khoáng đạt, nhưng không gian ấy cũng bao chứa những thời gian của sự thấp thỏm, mong chờ:

đám mây trôi những khung trời để ngỏ

mỗi ban mai thấp thỏm mong chờ.

 

 (Mùa hoa ký ức)

 

Và cũng có khi là sự nuối tiếc đến ngỡ ngàng:

Khói bếp của chiều xưa thức dậy

thuở ấu thơ vĩnh viễn đã qua rồi!

 

 (Khói bếp chiều ba mươi)

 

Có thể thấy, trong những không gian cụ thể, Nguyễn Trọng Hoàn đã có dịp để trải lòng một cách đầy đủ nhất, sâu sắc nhất. Đặc điểm không gian này cũng là một nét khác của thơ ông đối với một số nhà thơ khác trước đó[2] và điều mọi người đều cảm nhận được trong thơ ông chính là sự chân thành. Nguyễn Trọng Hoàn làm thơ như sự mở lòng, chia sẻ. Tình cảm trong thơ cứ tự nhiên tuôn trào, không cần câu nệ vào những hình thức lạ lẫm, hay những câu từ quá cầu kì. Điều này đúng như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Tuy thơ anh không gây những ấn tượng đột ngột, lạ lẫm như mấy cây bút trẻ gần đây, lắm tìm tòi về hình thức, nhưng cái tình thơ của Hoàn lại có vẻ bền bỉ và nhẹ nhàng như mưa dầm thấm lâu…”[3]

 

Không gian chuyển hóa – Thời gian đa tuyến

 

Như đã trình bày, không gian và thời gian nghệ thuật là những hình tượng nghệ thuật. Hình tượng ấy không bao giờ khô cứng mà luôn có sự chuyển hóa trong cảm nhận của chủ thể và trong nhận thức của người đọc. Sự chuyển hóa liên tục của không gian kéo theo sự chuyển tuyến của thời gian nghệ thuật, và vì thế tạo nên thời gian đa tuyến. Có thể nói Nguyễn Trọng Hoàn là nhà thơ của những ký ức và bởi lắm ký ức cho nên ông rất nhạy cảm với những khúc đoạn mờ, những khoảng lặng bí ẩn của tâm hồn. Cũng bởi thế, thơ ông luôn có sự chuyển hóa không gian và sự đa tuyến của thời gian. Đặc điểm này giống với trường ca Thanh Thảo. Tuy nhiên điểm khác là nếu Thanh Thảo thể hiện sự chuyển hóa của không gian trong những trao liệng bí ẩn của cuộc sống hiện tại cũng như những ám ảnh sâu thẳm của thời gian (đêm tối trùm lên nửa cuối đời ta nhưng ta đã biết ánh sáng trên những lối mòn nhỏ hẹp mọc nhiều loài hoa dại… nó làm ta bất chợt thức tỉnh giữa giếng sâu thăm thẳm thời gian), thì Nguyễn Trọng Hoàn tìm thấy sự chuyển hóa không gian trong cảm xúc có khi mong manh mơ hồ, có khi là sự liên tưởng triền miên trong hành trình đi tìm ký ức.

 

Anh vì thế lạc vào nhìn ngút mắt

lạc vào mùa mê hoặc nắng mưa chan

Những đường nét trữ tình trên mặt đất

hiện lên từ bầu ngực sữa bazan…

 

(Cao nguyên bất chợt)

 

Như thực như mơ một khoảnh khắc cực nam

Nơi dừng bước mũi bản đồ thân thiết

Khỏa chân xuống sóng choàng lên lồng ngực

Tổ quốc thiêng liêng

Chớp mắt…

Ngợp trong hồn.

 

(Chớp mắt Cà Mau)       

 

Không diễn tả một không gian cụ thể mà tất cả như dàn trải. Điều này có vẻ đối lập với loại không gian cụ thể ở phần trên, nhưng lại thống nhất với cách nhìn đa chiều của Nguyễn Trọng Hoàn, đồng thời tạo nên tính đa dạng trong thơ ông. Mặt khác, cùng tồn tại hai loại không gian cũng thể hiện những hướng nhìn, hướng tiếp cận cuộc sống, hướng suy tưởng khác nhau của tác giả. Đây chính là điều làm nên tính đa chiều cho câu thơ.

 

Tôi tan vào làn hương ngát mạ non

cảm nhận lời ban sơ của đất

Điều gì mãi còn – điều gì sẽ mất

làng nhói lên trong hoài vọng bất thường

 

(Đêm quê)

 

Cũng có khi nhà thơ dựng lên một không gian hết sức mơ hồ của quá khứ để diễn tả những khoảnh khắc thời gian phức tạp:

 

Một miền thăm thẳm tóc thề

nắng mưa mượn nẻo đi về trong mơ

Nỗi niềm thức đập câu thơ

thẫn thờ dập xóa,

hững hờ rời trang

 

(Mùa hạ)

 

Và nếu như không gian hiện hữu thì đó chỉ là sự hiện hữu của nỗi khát khao dồn dập như chạy theo nhịp chạy của thời gian.

 

Trong chiêm bao khao khát một dòng sông

khao khát vàng rơm thơm ngát nẻo đường mùa gặt

bổi hổi trời trong tít tắp

ruộng rỡ ràng gốc rạ thảnh thơi…

Thời gian lướt nhẹ qua mùa vụ

lối đi, cỏ vẫn êm đềm

râm bụt vẫn màu hoa cũ

ký ức dội về không yên

 

(Bến quê)

 

Bản thân nhà thơ nhiều khi cũng thấy mông lung trong dòng suy tưởng khi để tâm hồn mình chạm đến ký ức của làng quê với những mảnh đời, thửa ruộng:

 

Mung lung nhiều chiều tâm tưởng

nhói từng đường nét làng quê

thấp thoáng cuộc đời – mảnh ruộng

hồn dâng cay mắt bốn bề.

 

(Bến quê)

 

Có những câu thơ Nguyễn Trọng Hoàn như những điệp khúc gọi về những không gian dày đặc, liên hoàn đầy thảng thốt:

 

Em cứ bảo em lặng thầm gió núi

mỗi ngày lên sao nghe tiếng nao lòng

Em cứ bảo mơ hồ khao khát suối

mà đêm về còn thao thức xanh trong

 

(Cao nguyên bất chợt)

 

Chính vì thế mà nhà thơ như trách móc, thậm chí thở than:

 

Biển quá hư vô, núi ngăn vách dựng

chẳng lối nào đến được duyên em

 

(Chiều hoa sen)

 

Nhưng dù sao thì tình yêu và niềm tin vẫn là điều luôn tàng ẩn trong thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Ông cảm nhận cái không gian vũ trụ trộn lẫn với không gian đời sống để tìm thấy sự vận động của thời gian từ đêm đến sáng hay cũng chính là sự vận động của tứ thơ đầy bất ngờ.

 

Và mỗi ngày, vũ trụ trẻ trung hơn

trong nhịp thở của thời gian mưa nắng

Đêm chuyển nhựa của sinh sôi sự sống

người tưng bừng hoa đất, mỗi ban mai…

 

(Hoa của đất)

 

Có thể thấy, sự chuyển hóa của không gian và tính đa chiều của thời gian đã tạo nên cảm thức đặc biệt trong thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Thơ ông xuất hiện nhiều loại không gian như không gian dòng sông, con đường, cánh rừng… nhưng tất cả các loại không gian đó đều là không gian tâm tưởng hoặc được chuyển hóa vào tâm tưởng. Không gian càng đa dạng càng chứng tỏ sự quan sát tỉ mỉ trong những cảm nhận đan xen về cuộc sống. Đây cũng chính là điều làm nên “niềm khát khao giao cảm” của nhà thơ với cuộc sống.

 

Đọc Bến quê, tôi như được cùng với nhà thơ tìm về bến đỗ để cảm nhận cái bến tình của con người. Tìm hiểu đặc điểm không gian và thời gian nghệ thuật trong Bến quê lại càng thấy cái tình ấy mênh mang biết nhường nào. Dường như mỗi bước chân tác giả đi qua đều ghi dấu những kỷ niệm không thể phai mờ. Bởi thế, có thể nói Nguyễn Trọng Hoàn là nhà thơ của những miền quê, nhà thơ của những khát khao hoài niệm. Cũng vì thế, thơ Nguyễn Trọng Hoàn không còn là “một nỗi niềm riêng” nữa mà nó là nỗi niềm của bao người với bao ký ức xa xăm và cả những suy nghiệm về cuộc sống hiện tại. Đó là thơ của những người biết Nhớ, biết Yêu và trên hết là biết Khát khao về cuộc sống.

 

______________

 

[1]Những bài thơ chúng tôi trích đều lầy từ tập thơ Bến quê, NXB Quân đội nhân dân, 2012.

[2]Huy Cận thường xây dựng những không gian rộng lớn đối lập với con người cô đơn, bé nhỏ “Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu”. Xuân Diệu luôn cảm nhận thời gian trong cái vội vàng, giục giã của nó để thôi thúc con người sống và tận hưởng. Thanh Thảo với thể loại trường ca, cũng tạo nên những không gian mở rộng trong khi đó thời gian lại như cô đặc lại một cách nhanh nhất.

[3]Nguyễn Trọng Tạo, Đọc Huyền cầm của Nguyễn Trọng Hoàn.

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Văn học mạng trong dòng chảy văn học nước nhà – Đỗ Hải Ninh

>> Đọc thơ Phan Thanh Bình – Hoàng Thị Thu Thuỷ

>> Rượu ngon cặn cáu cũng ngon – La Mai Thi Gia

>> Thiên nhân hợp nhất từ góc nhìn sinh thái – Phương Lựu

>> Hồi kí của văn nghệ sĩ: sự thật sau ánh hào quang – Trần Thị Hồng Hoa

>> Văn chương Việt và khủng hoảng mang tính nhân loại – Lê Huy Bắc

>> Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử – Đặng Huy Giang

>> Cadière – nhà Việt Nam học kiệt xuất – Ngô Minh

>> Thơ trắng – nỗi trắc ẩn thân phận đàn bà – Nguyễn Văn Hoà

>> Tình thế của những nhà nghiên cứu văn học – Huỳnh Như Phương

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…