Tính dục trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: Con người và quyền được biểu hiện sự tồn tại trong thế giới

295

Trong thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, tính dục là một yếu tố khá nổi bật, tính cả về tần số xuất hiện nhằm thể hiện các vấn đề của hiện thực, của con người, cũng như mức độ tham gia vào việc cách tân nghệ thuật tiểu thuyết. Nhìn chung, tính dục tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương giống như những biểu tượng ẩn dụ có mặt hầu hết trong mọi sáng tác của nhà văn để phản ánh thời đại với những vấn đề cơ bản nhất.

Nguyễn Bình Phương đề cập đến tính dục trong tiểu thuyết của mình một cách thẳng thắn, không e dè hay ngượng ngùng trong sự đa dạng miêu tả hoạt động rất gần với sex bằng giọng đa thanh, ngôn từ phong phú, sáng tạo. Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết của anh không tạo ra những ám ảnh dục vọng tầm thường mà ngược lại còn hướng người đọc đến với những cái lớn lao, cao cả đầy thi vị. Bởi lẽ, đó là chính nỗi lòng thổn thức, là những nghĩ suy trăn trở của Nguyễn Bình Phương về những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống và con người.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Cũng như đa số các nhà văn sau 1986, Nguyễn Bình Phương, qua tiểu thuyết, tập trung thể hiện con người trong đời sống hiện thực phồn tạp. Nhân vật trong tiểu thuyết của anh bị ném vào một cuộc sống bầm dập, thác loạn, nham nhở và vàng úa, hoàn toàn bị động trước những biến ảo của cuộc đời. Dưới ngòi bút của nhà văn, con người trở nên nhỏ bé, cô đơn đến cùng cực. Qua đó, tác giả đặt ra một cách nhức nhối vấn đề thân phận con người, thể hiện sự lo lắng trước tình trạng sụt giảm nhân tính, nhân tình của con người và sự băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống trong đời sống đương đại. Nhưng quan trọng hơn, trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương rất phổ biến kiểu con người “đi vắng”, nghĩa là con người hiện diện mà như không hiện diện, tồn tại mà như không tồn tại. Họ xuất hiện trong tác phẩm bằng những nét mờ nhòe của ngoại hình, của tâm trạng và nhân cách. Họ như những dấu chấm vô định, vô nghĩa trong sự đời mênh mông chìm nổi. Để chống lại sự vô nghĩa của chính mình, để khẳng định sự tồn tại của chính mình, họ tìm đến tính dục như một giải pháp hiện sinh. Trong nhiều tình huống, nếu không có những khát vọng, những hoạt động tính giao, có lẽ không ai nhận ra sự tồn tại của họ – hay ít nhất, họ mơ hồ lo sợ về sự mất tích của mình. Những Khẩn, Hưng, Vọng, Hoàn… sẽ là ai, sẽ làm gì nếu không tồn tại trong những hoạt động này?

“Khẩn nhìn đôi mông bó chặt trong chiếc quần bò của Nhung, không thấy vết hằn của quần lót như mọi khi. Có thể Nhung không mặc, cũng có thể do quần dày quá chẳng hằn lên được. Nhung vươn tay nắm lấy nắm cửa, bẻ ngược xuốngđẩy mạnh, cửa mở. Nhung tiến thẳng vào trong, không bật đèn, thu hai tay vào trước ngực. Khi Nhung quay lại thì Khẩn thấy áo Nhung đã mở tung, da thịt trắng ngần hiển hiện, đầu tiên là hai bầu vú hơi xuôi xuống sau đó là phần lõm tinh xảo của ức. Hai bên sườn Nhung còn chờn vờn trong bóng tối của hai vạt áo cho nên phần bụng trở thành một cái gò thoang thoảng cao, mềm mại với vết khía ở giữa” (1) (những chữ in đậm là nhấn mạnh của tác giả bài viết).

Đoạn văn trên miêu tả hình ảnh và hành động của một phụ nữ trước cuộc làm tình. Tất cả dáng hình, hành động của nhân vật đều được miêu tả kĩ, dù nhân vật hiện thân trong trạng thái “không bật đèn”. Đẹp, nổi bật, phồn thực về mặt hình thể, người phụ nữ thông báo một cách dứt khoát sự có mặt của mình. Những chi tiết cơ thể được miêu tả rõ ràng, cụ thể, chi tiết. Những hành động được miêu tả rắn rỏi, quyết liệt với những động từ mạnh. Những câu văn đột ngột co ngắn, gấp khúc, hổn hển. Tất cả đều nhằm gợi động thái tự khẳng định sự tồn tại của nhân vật. Tiếp đó, cuộc làm tình của họ cũng được miêu tả chi tiết, bạo liệt, cồn cào với những xúc cảm đỉnh cao cả hai thái cực: “khi đều đặn, lúc rời rạc, hứng khởi rồi bải hoải, háo hức rồi lại kìm nén cho tới khi đột nhiên cả hai đôi chân cuống cuồng trốn chạy trước sự săn đuổi của một cái gì đó hung tợn, dữ dằn, cứ chòi đạp, mở ra rồi khép lại đến khi kiệt sức cả hai đều xuôi xuống, lả ra, bất lực chờ đợi kẻ săn đuổi tiến tới”(2). Họ đã đi đến tận cùng của sự khám phá chính mình, sự giác ngộ chính mình, để cảm thấy, để khẳng định mình có thật trong thế giới hư ảo.


Một số tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương

Bằng tấm lòng yêu thương, bằng cái nhìn hiện thực một cách trung thực, khách quan, Nguyễn Bình Phương khéo léo điểm vào trong tác phẩm những yếu tố tính dục để thể hiện quyền được biểu hiện, thể hiện sự tồn tại của con người trong thế giới. Tấm lòng trắc ẩn của Nguyễn Bình Phương dành cho những thân phận lu mờ, bé nhỏ trong cuộc sống được ông tinh tế thể hiện qua việc bổ sung yếu tố tính dục vào tác phẩm một cách khéo léo. Còn đâu một đứa trẻ mồ côi rụt rè sợ, luôn sống trong chập chờn ám ảnh đầy rống riết; giờ đây bằng những hành động mang đẫm yếu tố sex thuần thục, Vọng đã chứng minh được sự hiện diện của anh trong cõi đời này. Anh vẫn sống, vẫn yêu, vẫn ái ân nồng nàn, mãnh liệt:

“Về đến phòng, Vọng đã thấy Hiên ngồi chờ ngay cửa. Hiên ngồi ở bậc, chìm nửa người trong bóng tối, tay xoa xoa gò má

Nói rồi, cô quay ra đóng cửa chính. Vọng nhìn lưng Hiên thở nén.

– Rét thật!

Hiên lại đóng nốt cửa sổ. Căn phòng ấm cúng hẳn.

Vọng để yên khi Hiên lẳng lặng ngồi lên đùi mình. Cô vuốt ngược tóc anh ra sau.

– Vứt thuốc đi, em nghẹt thở mất!

Vọng bừng bừng quật Hiên xuống giường. Anh nghiến răng kéo mạnh ferme tuya. Hiên nhắm tịt mắt. Anh cuống cuồng bứt hết khỏi mình những thứ vải vướng víu. Anh hất tấm chăn bông trùm lên hai người vẻ thành thạo. Anh đè nát những gì đang cố đẩy mình trở lại.

Cô dướn người tìm gì đó. Cô kinh hoàng và thỏa mãn. Trong cô có sự tách rời và nhập lại”(3)

Người đọc sẽ còn biết đến sự tồn tại của một Hưng thương binh, một cô Thương to thấp giữa những người dân tăm tối của xóm Soi bên cạnh núi Hột khi chứng kiến cảnh làm tình trần trụi của họ: “Thương lẻn nhanh vào rồi đóng cửa lại. Hưng cẩn thận lấy ghế chèn thêm. Thương đực mặt chờ. Hưng cười như mếu, sán lại. Hai người ngả ra nền nhà. Tóc Thương vướng vào mồm Hưng, mắt dim lại, cặp môi dày hé ra. Hưng dụi mặt từ cổ đến đùi Thương sau đó chồm lên sóng đôi. Khi Hưng đi vào, Thương nấc lên. Hưng lập cập hỏi: “Đau à?” Thương nhắm mắt, lắc đầu. Hưng được thể ra vào dồn dập. Một lúc Hưng trợn ngược mắt rồi lăn sang bên…” [4]. Cuộc sống tù túng ngột ngạt đôi lúc làm con người quên mất đi sự e ấp, ngại ngùng cần phải có. Nhưng phải chăng cũng bởi khát khao muốn khẳng định sự hiện diện của bản thân trong cuộc đời này, muốn được sống, được yêu như bao nhiêu con người bình thường khác mà họ không cần ý tứ, họ thoải mái làm tình, họ bạo dạn lăn xả vào nhau như một minh chứng cho sự hiện diện của bản thân trong cuộc đời đầy bất hạnh.

Từng là một người lính trở về trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với thân thể mang thương tích, sự đóng góp của Hưng cho cuộc sống hòa bình này là không nhỏ nhưng giờ đây dường như anh đang bị chìm dần, mất dần vào cuộc sống đương thời. Nguyễn Bình Phương viết về những xúc cảm ái ân của anh như một bằng chứng khẳng định rằng anh vẫn còn đang sống, anh vẫn đang tồn tại trong cõi nhân sinh này. Nói như Nguyễn Bình Phương: “Lịch sử chả là gì nếu không có những cá nhân và những cá nhân cũng chả là gì cả nếu bản thân nó không vang lên bất kì một ý nghĩ nào”. Bi kịch của Hưng là bi kịch vang lên trong cảm xúc, của ái ân vụng trộm!

Những tình huống như đã dẫn trên xuất hiện khá đều đặn với tần số không hề thưa mỏng trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Với sự có mặt của chúng, dường như tác giả đang cố gắng neo lại trong tiểu thuyết những gì thuộc về con người trên tinh thần nhân bản nhất nhìn từ hai phía.

Phía thứ nhất, từ cuộc đối thoại với tiểu thuyết truyền thống. Trước 1975, dường như tiểu thuyết nói chung, văn học nói riêng, ở ta đã gạt bỏ mất phần bản năng vốn không lấy gì làm xấu xa của con người, khiến sự xuất hiện của nó trở nên méo mó theo cái nghĩa tự nhiên nhất, dù mặt khác, là rất đẹp đẽ, tròn trĩnh theo quan niệm của thời bão táp cách mạng. Trong suốt mấy chục năm văn học ấy, người ta chỉ thấy con người cao cả và thánh thiện – điều mà nhiều chục năm sau nhìn lại, ta sẽ thấy có những lúc, những con người ấy thật đáng thương. Nguyễn Bình Phương viết về tính dục chính là một cách phục nguyên, một cách trả nợ cho những con người đã thiệt thòi vì cắn răng để mà đẹp, mà cao cả.

Phía thứ hai, chính là từ hiện thực của ngày hôm nay – một thứ hiện thực mà con người không phải tàn phai thì cũng bất động – sự tàn phai, bất động ấy gợi nên chính từ tiêu đề các tác phẩm: Trí nhớ suy tàn, Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già… Ở đó, con người đã thực sự bước vào một cuộc tha hóa vĩ đại, hiểu theo nghĩa triết học: họ đã trở thành những thứ không phải là mình. Họ là cỗ máy, là công cụ vật vờ trong đời sống công chức, thị dân, nông dân tẻ nhạt, chỉ “ngồi” để đợi “chết già” trong sự suy tàn của trí nhớ, sự cạn kiệt của khát vọng, không ai nhận ra họ trong thế giới ấy. Họ tìm đến những cuộc tình không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu bản năng, mà chủ yếu nhằm tìm kiếm, khám phá nguồn năng lượng vô tận đang có nguy cơ trở nên vô nghĩa của mình; mong xua đi những trống rỗng hư vô và tủi cực để nhận ra mình đang tồn tại, để nhận ra mình đau đớn, bơ vơ; đang bất an trước cuộc đời hỗn tạp, trước sự đổ vỡ không thể cưỡng lại của trật tự xã hội và gia đình, sự khắc khoải ngưng đọng của đời sống…

Theo Lê Thanh Nga/Vanvn

____________

 (1) (2) (4) Nguyễn Bình Phương, Ngồi, Nxb Đà Nẵng, 2006, tr.150.

(3) Nguyễn Bình Phương, Bả giời, Nxb Quân đội Nhân dân, 2004.