Tính hiện đại trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu 

8826

  Trần Ngọc Tuấn  

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cũng là thể thơ lục bát, song Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu chủ thanh là giọng điệu suy nghiệm, cảnh giới, nhuốm sắc màu trầm tư thế sự về đạo lí, về tình người nên thấm sâu vào hồn chất cội nguồn truyền thống. Còn Việt Bắc của Tố Hữu, ngoài những yếu tố dân tộc, còn là giọng hùng ca, điệu tình ca được khởi phát lên từ âm vang chiến thắng của dân tộc, nên nhuốm hơi thở thời đại, đượm chất liệu lịch sử, hào khí sử thi

Trần Ngọc Tuấn

Tự bạch về tác phẩm của mình, nhà thơ Tố Hữu cho biết: “Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi” (Nhà văn nói về tác phẩm). Có thể nói, Việt Bắc là khúc tình ca và là “khúc hùng ca của cách mạng”, là “nguồn tình cảm thiết tha của con người Việt Nam trong kháng chiến”, là “sự cảm nhận của nhà thơ về nhân dân và dân tộc, với vẻ đẹp bình dị và sâu xa, với sức mạnh bền bỉ, tiềm tàng” (Từ điển Văn học, bộ mới, NXB Thế giới, tr.1994).

  1. Về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu, Hoài Thanh đã từng nhận định ngắn gọn nhưng khá khái quát: “Thơ Tố Hữu, về nội dung, đề cập đến những vấn đề lớn của dân tộc và quần chúng. Về phong cách, nó giàu tính dân tộc và tính quần chúng”. Trong 5 chặng đường sáng tác của Nguyễn Kinh Thành (tên khai sinh của nhà thơ xứ Huế), nếu tập thơ đầu tay Từ ấy (1937 – 1946) và hai tập thơ ở chặng cuối (Một tiếng đờn – 1992, Ta với ta – 1999) mang đậm chất thế sự, khắc họa rõ nét cái tôi cá nhân. Thì các tập thơ Việt Bắc(1946 – 1954), Gió lộng (1955 -1961), Ra trận (1962 – 1971) và Máu và hoa (1972 – 1977) thể hiện nhiều nhất các yếu tố dân tộc.      Từ những cái “tôi” trong tập thơ Từ ấy: “Đâu tự ngày xưa, tôi nhớ tôi/ Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” (Nhớ đồng), đã chuyển đổi thành cái “ta”, cái “chúng ta” chung của cả dân tộc: “Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp/ Rắn như thép, vững như đồng…” (Ta đi tới). Trong cảm hứng chung đó, kết tinh rõ nhất tính dân tộc trong thơ Tố Hữu là ở tập thơ Việt Bắc, tập thơ mà thi sĩ Xuân Diệu đã từng đánh giá là đỉnh cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên”. Việt Bắc, bài thơ được lấy nhan đề đặt tên cho tập thơ, viết cuối giai đoạn sáng tác này là một ví dụ tiêu biểu.
  2. Dân tộc song rất hiện đại. Tính hiện đại và dân tộc hòa quyện với nhau, hiện đại xây dựng trên cơ sở dân tộc.Chẳng hạn, nếu chỉ nhìn Nguyễn Bính ở góc độ nhà thơ ‘chân quê” là chưa thấy hết cái hiện đại, cái vị trí của một nhà “thơ mới” trong ông. Bởi vì, ngoài những thể thơ ưa dùng là lục bát, bảy chữ của dân tộc, thơ Nguyễn Bính dù chất chứa một hồn quê dân dã song vẫn không giấu được một cái tôi “rạn vỡ”, cái buồn “lạc lõng” nhuốm màu thế sự. Cách cảm mới về hồn quê  đã đem đến màu sắc dân tộc mà hiện đại của thơ Nguyễn Bính. Trường hợp thơ Tố Hữu ở cũng vậy. Ngày nay mà đọc nhận định: “Thơ Tố Hữu kế thừa tinh hoa phong trào Thơ mới” thì ai cũng xem là bình thường. Nhưng “đêm trước” Đại hội Đảng lần VI, 1986, là một “cấm kỵ”. Bởi vì, ai lại dám cho một “cây đại thụ thơ ca cách mạng” mà đi “kế thừa” phong trào thơ lúc ấy bị cho là “ủy mị, tiêu cực”. Nhận định này, chính Xuân Diệu đã thấy và muốn nói trước đó, nhưng “không tiện”. Sau này, nhiều chuyên luận, trong đó có của GS.Lê Đình Kỵ (Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM trước đây), đã khẳng định điều này. Nhưng thơ mới có phải là một “quái thai”, không có cội nguồn? Trong Một thời đại trong thi ca, chính Hoài Thanh đã khẳng định: “Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng ấy trong mấy mươi thế kỉ và chia sẻ vui buồn với ông cha… Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt”. Tôi nói hơi dài như trên để khẳng định lại một lần nữa về tính dân tộc và hiện đại trong thơ Tố Hữu. Chất dân tộc ở bút pháp trữ tình đậm đà, tính hiện đại ở nội dung hào hùng sử thi.
  3. Bài thơ Việt Bắcra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: Tháng 10 năm 1954, cơ quan cách mạng từ chiến khu Việt Bắc về lại Hà Nội. Sự kiện lịch sử ấy được Tố Hữu viết lại bằng thơ. Viết bằng thơ thì dĩ nhiên phải lựa chọn thể thơ, xây dựng cấu tứ, lựa chọn hình ảnh. Viết về kháng chiến, về nhân dân thì còn gì hay hơn là chọn thể lục bát. Chẳng phải Truyện Kiều của Nguyễn Du với nhịp sáu tám từng là “hồn dân tộc” (Chế Lan Viên) đó ư. Mà chia tay thì phải có người đi – kẻ ở, phải kiểu như ca dao “Mình về ta chẳng cho về/ Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ…”. Vậy nên mới có kiểu cấu tứ đối đáp “mình – ta” bằng sự “phân thân” của chính cảm xúc tác giả. Và toàn bộ bài thơ Việt Bắc có 5 lượt đối đáp giao duyên: “mình – ta”, có phần giống hình tượng sóng đôi “nước – non” trong Thề non nước của Tản Đà.

Có điều, cũng là thể lục bát, nhưng đọc Việt Bắc ta không thấy cái nao nao bình lặng nỗi nhớ của ca dao: “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”. Cũng ít thấy cái giọng điệu tự sự ngẫm nghĩ chuyện đời: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh của cụ Nguyễn Tiên Điền trong Đoạn trường tân thanh. Mà đọc Việt Bắc, là đọc cái diết da của nỗi nhớ, cùng với sự hối hả, rộn ràng, đọc “những câu hỏi dồn dập, nặng nghĩa, nặng suy nghĩ, ray rứt…” (Phê bình văn học, NXB Văn nghệ, tr.47). Cũng là thể thơ lục bát, song Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) chủ thanh là giọng điệu suy ngẫm, cảnh giới, nhuốm sắc màu thế sự, đạo lí, tình người nên thấm sâu vào hồn chất dân tộc, truyền thống. Còn Việt Bắc của Tố Hữu là giọng hùng ca, tình ca được khởi phát lên từ âm vang chiến thắng của dân tộc nên nhuốm hơi thở thời sự, đượm chất liệu lịch sử, không khí sử thi… làm nên chất hiện đại cho bài thơ. Vì thế, từ câu thơ 8 chữ của thể thơ lục bát với nhịp chẵn 2/2/2/2  đã được Tố Hữu sử dụng ngắt đôi theo nhịp 4/4 nhanh, khỏe, gấp, rộn ràn, xao động ngay từ những câu mở đầu, chi phối toàn bộ âm hưởng toàn bài thơ: “Mình về mình có nhớ ta/  Mười lăm năm ấy – thiết tha mặn nồng/ Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi,- nhìn sông nhớ nguồn”. Đúng như GS Trần Đình Sử từng nhận xét: “Các câu tám, câu nào cũng đối cân khá tương xứng nhau về cấu trúc, chẳng những nhấn mạnh cho ý, mà còn tạo thành vẻ đẹp nhịp nhàng” (Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Giáo dục, tr.259).

  1. Bây giờ xin nói cụ thể về một đoạn thơ hay nhất trong bài, tiêu biểu cho vẻ đẹp cổ điển và rất hiện đại. Đó là đoạn thơ 10 câu nói về cảnh vật và con người Việt Bắc trong kháng chiến: “Ta về mình có nhớ ta/ Ta về, ta nhớ những hoa cùng người/ Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng/ Ngày xuân mơ nở trắng rừng/ Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang/ Ve kêu rừng phách đổ vàng/ nhớ cô em gái hái mang một mình/ Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

 Giả dụ như Tố Hữu không viết cả một bài thơ dài đến 150 câu lục bát, mà chỉ viết 10 câu thơ này thôi thì đã coi như một bài thơ trọn vẹn về kỷ niệm Việt Bắc. Có phần mở khái quát ở hai câu đầu và 4 cặp câu lục bát triển khai theo phép lặp cấu trúc. Ở mỗi cặp câu được triển khai theo bút pháp cổ điển của bức tranh tứ bình trung đại (xuân, hạ, thu, đông), một câu tả hoa, một câu tả người. Có điều con người ở đây không phải là “ngư, tiều, canh, mục” mà là những con người lao động cụ thể về không gian, thời gian. Thiên nhiên hiện lên tươi đẹp, sinh động, đa màu sắc, được gợi lại bằng bút pháp chấm phá, đặc tả. Con người hiện lên vừa cụ thể vừa phiếm chỉ; cần cù trong lao động, thủy chung trong kháng chiến. Hai câu thơ cuối vừa là bức tranh “rừng thu” trong tứ mùa, nhưng có sự khái quát, giàu ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ sâu sắc.

Tinh ý hơn sẽ thấy điều này, Tố Hữu không miêu tả theo trình tự quy luật bốn mùa xuân – hạ – thu  – đông, mà ông kết thúc đoạn thơ bằng hình ảnh mùa thu: “Rừng thu trăng rọi hòa bình”. Viết như thế là hay, là ý tưởng, phù hớp với quan niệm của thơ ca cách mạng về mùa thu. Từ mùa thu đẹp cổ điển trong thơ trung đại của Ngô Chi Lan (thế kỷ XV), của Nguyễn Khuyến; đến thu buồn tang tóc trong trong thơ mới với Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư; Mùa thu trong thơ cách mạng đã khoác lên màu áo mình một quan niệm mới: mùa của thắng lợi, mùa của hòa bình, được khởi sáng lên từ mùa thu Cách mạng tháng Tám, 1945. Mùa thu ấy đã làm nên “dáng hình” cho đất nước: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phất phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha…” (Đất Nước, Nguyễn Đình Thi).

T.N.T