Trần Thanh Xem
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Đinh Văn Hiếu là nhà giáo, nhà thơ quê ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Hiện tại, ông còn là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh. Với tấm lòng yêu chuộng văn chương, Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã cho ra đời nhiều đứa con tinh thần đăng trên các tờ báo, tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh.
Nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu
Tôi có dịp gặp ông và tìm hiểu những sáng tác của ông thông qua kênh báo chí truyền thông. Gần đây, Nguyễn Đình Văn Hiếu cho ra mắt độc giả hơn năm chùm thơ 1-2-3 đăng tải trên trang Web của Văn Học Sài Gòn. Đây là thể thơ mới gồm sáu câu. Tuy vậy, thể thơ này vừa hàm súc, cô đọng vừa chứa đựng một dung lượng lớn về nội dung. Người viết xin chia sẻ cảm nhận của mình qua chùm thơ 1-2-3 của ông ra ngày 21 tháng 6 năm 2020 trên trang điện tử Văn Học Sài Gòn có nhan đề: Sợi dây thâm tình rung nhịp yêu thương.
Chùm thơ Sợi dây thâm tình rung nhịp yêu thương tập hợp 5 bài thơ. Chủ đề xoay quanh về người mẹ. Qua đó, ta thấy được tình cảm tha thiết của người con dành cho mẹ hiền. Cũng nói thêm về chùm thơ 1-2-3 này, tác giả sử dụng từ “má” (phương ngữ miền Nam) để gọi mẹ.
Trong bài thơ Mở trang đời má đựng lý lịch chân dung là lý lịch về cuộc đời má đầy vất vả, chịu thương, chịu khó:
“Học hết lớp ba trường làng, mười một tuổi đi ở đợ
Đọc truyện Quỳnh Dao, Hồ Biểu Chánh lúc việc lơi”
Má không được may mắn như những người khác đi học đến nơi đến chốn mà phải nghỉ học lúc mới học lớp ba. Má đi ở đợ kiếm tiền phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn. Bỏ học giữa chừng nhưng má vẫn đam mê sách vở. Má vẫn thường đọc tiểu thuyết Quỳnh Dao và Hồ Biểu Chánh trong lúc rảnh tay.
“Tóc thả đen dài như tóc Thanh Nga
Con vừa tròn tháng má nách hai bên hai bao lúa
Thách thức mưu sinh bằng sức trẻ đôi mươi”
Má lập gia đình sớm nhưng không được sung sướng. Chỉ mới đôi mươi, tóc má thả dài nhưng đã có con tròn một tháng. Vì kiếp mưu sinh nên má phải gống gánh trên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ trẻ với bao nhiêu sự khó nhọc “nách hai bên hai bao lúa”. Trang lý lịch về đường đời của má sao mà buồn, lam lũ sớm hôm.
Trong bài thơ Bào thai mang lại điều gì? là tình cảm yêu thương của má dành cho con:
“Con tượng hình, má tượng niềm vui
Hay tượng nỗi lo len cả vào giấc ngủ”
Bào thai kia đã tượng hình con, má mừng vui khôn xiết. Nhưng má lại thấy lo lắng len vào trong giấc ngủ vì con thơ chào đời có được khỏe mạnh, sau này có hưởng được cuộc sống hạnh phúc hay không.
“Con oa khóc, lệ má tràn khóe mắt
Sợi dây thâm tình rung nhịp yêu thương
Má dắt con qua những năm tháng đoạn trường”
Nỗi vui sướng đã khiến má phải bậc khóc khi con thơ cất tiếng chào đời. Tình mẫu tử thiêng liêng đã khơi nguồn cho sự chở che, đùm bọc của má dối với con dại. Má luôn là ngọn đuốc soi đường, dìu dắt con đi những nẻo đường chông gai, vượt qua thử thách. Ôi, tình mẹ mênh mông.
Với bài thơ Gió thổi phía triền sông má bước là hình ảnh về người má kiên cường, vững chãi trong cuộc sống:
“Con nước lớn ròng con nước đầy vơi
Bám chân đất bùn mới nên vững chãi”
Đường đời không bằng phẳng và êm ái như ta tưởng. Cũng giống như con nước lúc lớn lúc ròng. Con nước đầy rồi lại vơi. Má một mình bước trên triền sông gió thổi. Châm má đi dưới đất bùn lầy lội. càng vất vả bao nhiêu, má càng cố bước cho chắc, vững vàng bấy nhiêu. Sự khó khăn đâu làm vấp ngã má mà càng tôi luyện thêm nghị lực phi thường của má hơn bao giờ hết.
“Lần bước con qua mấy mùa thơ dại
Một ngày má buông tay, xa ngái
Con cựa mình, quẫy đạp, vịn bóng má mà đi”
Lòng má có thương con như biển trời rồi đến lúc cũng phải buông tay con ra để con tự đi trên cuộc đời. Đó là lúc con phải có ý thức, tự mình vươn lên để hòa nhập vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Và chính má là chổ dựa tinh thần, là niềm tin, là động lực để con trẻ bước vào đời.
Với bài thơ Lơ đễnh trăng là lời tâm tình của con trẻ về người mẹ một nắng hai sương:
“Trăng vô tình, trăng đậu xuống vai nghiêng
Của vết hằn đôi quang gánh sớm chiều kĩu kịt”
Má làm lụng vất vả mà quên đi ánh trăng đậu xuống vai gầy. Thân cò lặn lội phải tìm kế sinh nhai. Gánh hang trên vai má thêm nặng nhọc. Ngày qua ngày đã tạo tạo vết hằn in sâu lên vai má.
“Canh chày vừa năm chỗ nằm má ướt
Con xốc nỗi dại khờ – má nghèn nghẹn buông tim
Ngày má dứt câu hò – dò đời con gãy phứt ngang trăng”
Má dậy sớm thức khuya gian khổ, Đến lúc má ngủ, chổ nằm cũng không được khô thoáng mà bị ẩm ướt. Cuộc đời má khốn khổ trăm bề. Má khổ cực vì gia đình, vì con. Ngày má không còn hát ru con ngủ, cuộc đời con cảm thấy hụt hẫng, chới với giữa dòng đời vì thiếu sự cưu mang, dìu dắt của má.
Và với bài thơ Quờ hôm mai vẫn không thấu nỗi lòng vẫn là câu chuyện vất vả, bươn chải của má:
“Mấy thúng, nia, sàng mồ hôi má giấu sau sóng nước
Con lặn xuống đại dương nếm vị mặn biển khơi”
Má làm đủ công việc mong có bữa cơm hằng ngày. Những cái thúng, cái nia, cái sàng là dụng cụ quen thuộc để má làm sạch lúa, sạch gạo. Mồ hôi tuôn ra giấu sau lưng của má. Con thấu hiểu nỗi nhọc nằn của má. Lòng má bao la như biển rộng. Ở đó, chứa đựng vị mặn mòi của tình thương con và vị mặn của giọt mồi hôi cực nhọc.
“Trọng trọng tuổi rồi vẫn mong đừng dứt sữa
Những giọt trắng giọt thơm nuôi nắng giấc mơ son
Gốc rễ cuộc đời từ đó lớn lên thêm”
Con đã đến tuổi dứt sữa nhưng vẫn không nỡ rời bầu sữa mẹ. Má đã cho con tình thương vô bờ bến, nuôi dạy con nên người, chấp cánh ước mơ con đi đến bờ tương lai tốt đẹp. Cuộc đời con có được như ngày hôm nay, trưởng thành và đứng vững là nhờ có chổ dựa của má. Cây có gốc có nguồn mới sinh ra ngọn. Đây chính là sự kính trọng và ghi khắc công lao dưỡng dục của người mẹ.
Bằng chất thơ đằm thắm, trữ tình, ngôn từ bình dị kết hợp yếu tố cảm xúc đong đầy, Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã khắc họa bức chân dung về người mẹ hiền chịu thương chịu khó, vị tha, hết mực yêu thương con. Ơn ngĩa sinh thành nuôi nấng cao vời vợi của người mẹ là niềm tự hào của người con. Từ dó, ta thấy được tình mẫu tử là bất diệt, trường tồn. Người mẹ mãi mãi là hình ảnh khắc sâu vào trong tâm trí mỗi người chúng ta. Chùm thơ 1-2-3 có nhan đề Sợi dây thâm tình rung nhịp yêu thương của nhà thơ Nguyễn Đinh Văn Hiếu đã thực sự chinh phục trái tim của người đọc.
T.T.X