‘Tình thơ bạn thơ’ – Món quà ý nghĩa dành tặng các nhà thơ

848

Hồ Xuân Đà

(Nhân đọc tập sách Tình Thơ Bạn Thơ của Nguyễn Văn Hòa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trên thi đàn văn chương của nước ta hiện nay, chắc hẳn nhiều người biết đến cây bút phê bình trẻ Nguyễn Văn Hòa. Công việc chính của anh là dạy học, viết phê bình chỉ là nghề tay trái. Nhưng bạn đọc ấn tượng về anh bởi anh là người có rất nhiều bài viết sâu sắc với những phát hiện mới mẻ và độc đáo về những gương mặt thơ của nền thơ ca đương đại. Anh vừa trình làng cùng lúc 2 tập sách phê bình đầy đặn (Thơ Bạn Thơ và Con tằm rút ruột nhả tơ), mỗi tập gần 300 trang. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực và sức làm việc hết mình, rất đáng được trân trọng ở một cây bút phê bình trẻ như anh.

Khi nhận được tập sách Tình Thơ Bạn Thơ của Nguyễn Văn Hòa gửi tặng, tôi thật sự thán phục, về tấm lòng, công sức nghiên cứu – sáng tạo miệt mài, bền bỉ của anh. Một sự lao động nghiêm túc, cẩn trọng với sự đam mê, tâm huyết rất lớn dành cho nền văn học nước nhà. Một cung cách làm nghệ thuật vô cùng trách nhiệm ví như việc nâng đỡ, tiếp lửa cho các tâm hồn văn chương, để họ không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới nhằm đem đến cho độc giả những tác phẩm văn chương thật sự bổ ích. Những bài thơ hay, những tác phẩm giá trị từ đó mà ra đời. Đọc những gì Nguyễn Văn Hòa viết, người đọc nhận ra ngòi bút phê bình của anh vừa có tâm vừa có lực, với kiến thức thi ca chuyên sâu, bởi anh được học tập, trau dồi bài bản. Mỗi một nhà thơ, anh đều đưa ra những nhận xét khá xác đáng và bao quát về nội dung cũng như phong cách, đặc điểm riêng của từng người. Phải là người tinh nhạy và có kiến văn như anh mới có thể làm tốt được điều này.

Chúng ta đọc bài anh viết về nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Lý Phương Liên, Đinh Thị Thu Vân, Lê Thị Kim, Dư Thị Hoàn, Trúc Linh Lan, Nguyễn Nguyên Bảy, Quang Vĩnh Khương, Thảo Phương… thì sẽ cảm nhận được, anh như hiểu từng tâm hồn của tác giả mình đang viết, từng thước phim cuộc đời và cả những gì họ đã trải qua!

Có ai đó đã từng nói rằng, thơ văn là tâm hồn của một con người, là một ngôi nhà mà ở đó những ngôn ngữ được tượng hình bật ra trong sâu thẳm, mà khi sống trong cuộc đời họ không thể diễn tả được thành ngôn ngữ nói. Chính vì vậy, họ dùng ngôn ngữ viết, với những biện pháp nghệ thuật, ẩn mình trong những tứ thơ đa chiều, đa nghĩa với những hàm ý sâu xa. Do vậy, khi đọc khiến con người ta không thể không nao lòng, không thể không rưng rưng theo câu chữ nhỏ nhoi, với sự đồng cảm sâu sắc. Những lời thơ luôn được các tác giả chắt lọc từng câu chữ, cho nên người đọc cũng sẽ phải nhập vai để thấu cảm. Vì thưởng thơ ví như cảm vị của một ly trà, khi đó người viết phê bình phải đồng điệu, đặt mình vào vị trí của một người làm thơ, cả hai cá thể độc lập nhưng giờ như là một; nhà phê bình khám phá, chỉ ra vẻ đẹp của thi ảnh, nhịp điệu, cú pháp nghệ thuật, phương thức sử dụng ngôn ngữ cũng như những hạn chế nhất định của người làm thơ.

Như vậy, với sự tinh nhạy, am hiểu về văn học nghệ thuật của mình, nhà giáo, nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa viết từng bài giới thiệu các nhà thơ tiêu biểu của nước ta hiện nay với một sự gần gũi, trìu mến, bao dung, xen lẫn là sự thán phục, trân trọng các tâm hồn thi ca Việt. Cuốn sách Tình Thơ Bạn Thơ, gồm 36 khúc đò đưa Thơ của Nguyễn Văn Hòa cùng với lời thưa của vợ chồng nhà thơ Nguyên Nguyên Bảy về chủ đề THƠ làm cho tôi thực sự trân quý và cảm động.

Cảm ơn thơ, cảm ơn các người thơ cao cả đã ban cho chúng tôi vinh dự thực hiện ước mơ tự nguyện được đọc chọn và quảng bá những bông thơ bầu bạn. Bảo là ước mơ tự nguyện, bởi đây là sự tri ân đạo lý với thơ và các bạn thơ đã sinh dưỡng đức tin, trợ cứu đời sống, chỉ dạy chúng tôi tu thân sống làm người tử tế.

Cảm ơn các bạn thơ mở lòng đón nhận sách Thơ Bạn Thơ. Xin hỷ xả chúng tôi kiến văn giới hạn trước vườn thơ trăm hoa, khó tránh việc đọc chọn còn nhầm quên mạch nguồn tiềm ẩn. Xin hỷ xả chúng tôi tâm chưa đắc bồ đề còn chịu áp lực đời thường, tình thơ còn vướng lụy sân si. Xin hỷ xả và nuôi dưỡng đức tin, đã là thơ đúng nghĩa và hay, không sớm thì muộn, chưa hôm nay sẽ ngày mai, chưa kịp quảng bá trong sách Thơ này sẽ được in trong sách Thơ tiếp sau, chúng tôi sót quên, các bạn thơ khác sẽ nhớ, sẽ đọc chọn, là Thơ hay, nhất định sẽ hiển lộ sắc hương.

Đọc những lời thưa ấy, chắc hẳn chúng ta cảm nhận được tình cảm của những người làm thơ, yêu thơ thuần khiết thật sự đẹp đẽ trong ngần. Càng lộng lẫy, kiêu sa, thi vị vì giá trị tinh thần mà thơ ca mang lại cho con người khi chúng ta đọc từng trang viết của Nguyễn Văn Hòa dành cho các nhà thơ. Cuốn sách như một tư liệu quý giá, mà ở đó từng tác giả được ngòi bút phê bình của anh tìm ra được những điểm nổi bật trong từng giai đoạn sáng tác, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, một số bước ngoặt các nhà thơ đã đi qua, đã làm nên những câu thơ, bài thơ sống được với thời gian.

Nguyễn Văn Hòa viết về tập thơ Bất Kham của nhà văn Y Ban, đó là một bài viết sâu sắc. Với những phát hiện độc đáo, hiểu biết tường tận về câu từ, bút pháp của Y Ban trong tập thơ, anh đã giúp người đọc cảm nhận được những ý nghĩa, thông điệp mà nhà văn – nhà thơ Y Ban muốn truyền tải.

Không biết Y Ban cố tình hay do thói quen mà chị làm thơ như kiểu viết văn. Mạch thơ như một câu chuyện kể. Chị làm thơ mọi lúc, mọi nơi, thậm chí khi rửa bát cũng làm thơ. Thơ với chị như một mạch ngầm, tiềm ẩn. Do vậy, đọc thơ Y Ban, người đọc nhận thấy chị không cầu kỳ, không chú trọng đẽo gọt câu chữ, không nặng về kỹ thuật, không làm dáng, không ngoa ngôn… Thơ chị có sự bình dị, tự nhiên, đôi lúc như là lời thủ thỉ tâm sự rất mực gần gũi, đời thường. Nhưng đọc kỹ, thơ chị nhiều ẩn ý, giàu sức liên tưởng. Tôi cho rằng đó lại là cái đáng yêu, tạo nên hồn cốt và nét riêng của một nhà văn đi viết thơ. Thơ viết về tình yêu, miếng ăn, nỗi khổ, sự mất tự do, cái chết, nỗi buồn… Tất cả những điều đó tràn ngập trong thơ chị.

36 khúc đò đưa trong cuốn Tình Thơ Bạn Thơ với những cái tên rất quen thuộc và nổi tiếng trong làng thơ nữ, thì chúng ta sẽ nghĩ, phải chăng Nguyễn Văn Hòa ưu ái cho các gương mặt thơ nữ. Bởi anh có nhiều bài viết khá ấn tượng và độc đáo về những tác giả đã thành danh, nổi tiếng trên văn đàn như: Đặng Thị Thanh Hương, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị  Hồng Ngát, Bùi Kim Anh, Lê Thị Kim, Trúc Linh Lan, Lý Phương Liên, Đinh Thị Thu Vân, Khánh Chi, Lệ Thu, Phạm Thị Ngọc Liên, Thu Nguyệt, Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Thảo Phương, … Có lẽ, vì anh là nam giới, nên những lời thơ của nữ, làm cho anh xúc động, cảm thông cho trái tim của những người phụ nữ xung quanh mình. Tiếng lòng của họ cũng như là của mẹ, của bà, của chị gái, của em gái, và cả người bạn đời của anh. Bởi nhà thơ thường mượn thơ để giải tỏa những ức chế trong cuộc sống. Cho nên họ thường vắt kiệt mình, thể hiện khao khát qua từng câu thơ, bài thơ, tập thơ, hành trình thơ làm lay động lòng người. Và Nguyễn Văn Hòa đã khéo léo chậm rãi nắm bắt từng nhịp một, bằng khả năng cảm nhận nghệ thuật một cách rộng mở, đầy cảm thông với những cây bút nữ, để lắng nghe họ thể hiện bản ngã, ước mơ, khát vọng của mình.

Trong bài viết về nhà thơ Lý Phương Liên, chúng ta đọc, mà không khỏi rưng rưng, như hòa chung một nhịp thở, của người viết phê bình, người làm thơ, và người đọc thơ:

Lý Phương Liên là một người phụ nữ có cá tính, một người dám sống, dám nói hết những gì khổ đau đang diễn ra với chính bản thân mình, với những người xung quanh và với những gì đang hiện hữu, đang tiếp diễn ở cuộc đời này. Mà đã dám nói như thế có nghĩa là chị có đủ can đảm và nghị lực để vượt qua”.

Em tuổi hai mươi như tất cả mọi người/ Chọn số phận thời mình đang sống/ Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh / Định mệnh là đối thủ tiến công

Khi đọc bài viết này của anh, điều chắc chắn rằng những ai yêu thơ mà chưa biết nhà thơ Lý Phương Liên sẽ đi tìm thơ của cô ấy đọc ngay. Tôi cho rằng đây là bước ngoặt thành công cho một nhà phê bình văn học, một người phát hiện cái hay của thơ, cảm được thơ, đồng thời cũng là một người không ngại chỉ ra những bài thơ mà có thể còn vài khiếm khuyết, bằng tấm lòng rộng mở, như sự mênh mông vô vàn của vô cùng ngôn ngữ sắc thái, sự đa dạng phong phú của tiếng Việt.

Bản thân tôi và cả những nhà thơ, nhà văn quen biết anh đều gọi anh với một danh xưng trân trọng là Nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa chứ ít khi gọi anh là Thầy (“Dù rằng anh là thầy giáo chính hiệu” – cách nói của nhà phê bình Hoàng Thụy Anh). Bởi trong đời sống văn chương hiện nay hiếm có người trẻ yêu thơ, chịu khó đọc, nghiên cứu và có nhiều bài viết nhận định sắc sảo về thơ như Nguyễn Văn Hòa. Anh dồn cả tâm sức, sự nhiệt huyết và cả năng khiếu vốn có. Anh viết như một con tằm rút ruột nhả tơ, như đi guốc trong lòng, trong tâm hồn tác giả. Phải đọc nhiều, viết nhiều, phải có vốn sống, vốn văn hóa sâu rộng thì anh mới có thể viết được những bài chân thực và sinh động về nhiều nhà thơ với những đặc trưng phong cách và nét độc đáo riêng. Cái hay và cũng là điểm nổi trội trong phê bình của Nguyễn Văn Hòa là anh chỉ ra những nét đặc trưng, những ưu khuyết của từng nhà thơ cụ thể bằng cái nhìn khách quan, trung thực. Anh nhìn nhận, soi xét trên nhiều phương diện với tâm thế rất đời, rất người, của một con người rất mực hiền lành, nho nhã. Có lẽ anh là thầy giáo nên những gì thể hiện cũng mang dáng dấp mô phạm, mực thước và đầy chững chạc. Điều này không phải nhà phê bình nào cũng có được những phẩm chất ấy như anh.

Đọc 36 khúc đò đưa trong Tình Thơ Bạn Thơ, độc giả nhận thấy Nguyễn Văn Hòa có phần ưu ái các nhà thơ nữ. Anh dành 24 khúc đò đưa để khắc họa 24 chân dung nhà thơ nữ. Theo tôi, anh “thiên vị” như thế cũng có phần hợp lý, bởi bản chất của nam nhi luôn ưu tiên, ga lăng, lịch thiệp với nữ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là anh “xem nhẹ” sáng tác của những nhà thơ thuộc đấng mày râu. Đọc hết 12 bài viết về 12 gương mặt nam thi sĩ (Nguyễn Nguyên Bảy, Nguyễn Quang Cương, miên di, Hoàng Xuân Họa, Quang Vĩnh Khương, Nguyễn Thế Kiên, Trần Huy Minh Phương, Đặng Thiên Sơn, Nguyễn Đăng Thanh, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Đức Phú Thọ, Trần Thế Vinh) thì chúng ta phải công nhận tình yêu của anh dành cho thơ ca là công bằng tuyệt đối.

Hãy đọc một đoạn anh viết về nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng:

Anh nói đến cái chết, sẵn sàng chuẩn bị đón nhận nó không phải là anh lẩn tránh, lo sợ, trốn chạy nó mà theo anh đó là cách tốt nhất để giữ cho tâm hồn không bị hoen rỉ, bào mòn, biến chất trước cuộc sống đầy những biến động, bon chen, cám dỗ và đầy những cạm bẫy!

Tôi biết tiết kiệm những nỗi đau của mình

để biến nó thành những quả đồi mang hình nấm mộ

chôn những linh hồn vất vưởng

(Tiết kiệm)

Khi lòng người bị nhiễm mặn/ niềm tin bị xâm thực, anh đau xót thốt lên: tôi sợ những chuỗi ngày mệt mỏi thừa thải vô tích sự cứ trôi qua như xác chết khổng lồ/ giẫm lên đời tôi (Thêm một ngày kết tủa).

Những nhận xét, cũng như phát hiện ra cái tinh túy của một bài thơ như người ta tìm được cái nhụy trong hoa sen, như tìm được tổ yến giữa một tổng thể cảnh quan, hiện tượng, tâm lý, linh hồn của một bài thơ. Nguyễn Văn Hòa thật sự rất tinh, anh phát hiện những câu thơ tâm đắc mà người đọc không thể không trầm trồ, câu thơ hay đến vậy, mà mình đã lướt qua. Mỗi nhà thơ anh đều có những cách nhìn nhận, đánh giá, kiến giải và đưa ra những nhận định khá tinh tế, có những phát hiện rất thú vị, bất ngờ liên quan giữa con người và tác phẩm.

Cái tài và sự tinh tế trong phê bình của Nguyễn Văn Hoà được thể hiện rõ nét qua 36 khúc đò đưa trong Tình Thơ Bạn Thơ. Ở đó là chân dung một con người hiền lành, khiêm tốn, kiên nhẫn, lặng lẽ sống, lặng lẽ viết với nhiều ưu tư, trăn trở.

Đọc văn thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn, bởi vì văn xuôi truyền tải từng chi tiết trong một tác phẩm. Còn với thơ, từng câu thơ phải được chắt lọc, chọn lựa kỹ càng, tứ thơ lệ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của tác giả, cũng như sự am hiểu, kinh nghiệm sử dụng các biện pháp tu từ, nghệ thuật của xếp đặt ngôn ngữ trong thơ, mang tính suy luận, triết lý, giàu hình ảnh ẩn dụ, gửi gắm thông điệp, tư tưởng.

Cho nên, muốn hiểu được một bài thơ, một tác phẩm thơ, người đọc cần có những suy luận rộng lớn hơn, mang tính chất sáng tạo hơn trong suy nghĩ. Đồng thời tư tưởng của một nhà phê bình văn học phải hiểu và làm được điều sáng tạo, đổi mới hơn cả sáng tạo của các tác giả.  Thì đây, nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hòa đã làm được điều đó, anh rất bay bổng trong ngòi bút, trong tư duy của mình khi đưa ra những nhận định về tác giả và tác phẩm.

Đọc thơ Đinh Thị Thu Vân người đọc thấy hầu như bài nào cũng buồn, cũng trĩu nặng những tâm tư và nỗi niềm đau đáu của kiếp người, phận người; của tình yêu và sự sống trong cõi nhân sinh rộng lớn này. Đọc qua các tập thơ của chị, tôi nhận ra rằng: “Đinh Thị Thu Vân – Người ca thơ bằng giọng trầm buồn và đắng chát”.

Có đôi lúc, nhà thơ cũng có những câu thơ hé mở nụ cười nhưng liền sau đó cũng là nỗi buồn cô độc, buồn vì những sự thật trớ trêu cứ ập đến quanh mình. Ngay trong khoảnh khắc hạnh phúc đã có mầm phôi pha, ly biệt. Cứ tưởng chừng nhà thơ không vượt qua nổi, vì trái tim của một người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị bị tổn thương quá nhiều rồi.

tôi chẳng muốn trôi đâu, phía sông xa mờ mịt quá

làm sao mà quay lại một ngày đau

đừng đẩy đưa thêm – nhỡ rồi bạc lòng nhau

nhỡ phai mất mong manh, nhỡ nhạt nhòa sương khói

đừng đưa đẩy tôi về một phía nào lốc xoáy

đừng sóng tràn đừng gió ngã mưa nghiêng

tôi chẳng muốn trôi đâu – nhỡ mai thuyền lạc bến

muôn nẻo đời xa khuất dấu chân quen

(đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ)

Sau những đau thương, trầy xước Đinh Thị Thu Vân vẫn đủ can đảm và tỉnh táo để nhận ra rằng:

may mắn cho em, anh đã chẳng phũ phàng hơn. Thêm chút nữa, chắc gì em sống được. Thêm chút nữa, chắc là bao nước mắt, không dễ gì em giấu giữa tim khô. Thêm chút nữa thôi, em sẽ phải căm thù. Ta chẳng thể nhìn nhau, dù giá lạnh.

ta vẫn phải nhìn nhau, như gỗ đá. Em đã biết trơ lì, ngạo nghễ, ngông nghênh. Em đã biết vô tâm trên chính đắng cay mình. Biết tàn nhẫn khinh mình, dù day dứt. Em đã mất em rồi, sau nước mắt.

Sỏi đá nặng tâm hồn, em lạc lõng mà đi…

Và tất cả, phải chăng là may mắn?

(may mắn)

Nhà thơ luôn lo âu, trăn trở, không phút bình yên. Chị có một khát khao cháy bỏng được sống trong hạnh phúc đời thường, hướng đến sự tinh khiết, thanh cao:

chẳng phải yêu đâu – là em đang cạn máu/ đang khát đến tận cùng, đang cháy đến tàn hơi/ đâu phải là yêu – em đốt đời em lần cuối/ phó thác tàn tro quanh quẩn dưới chân người (em không thể cam lòng trôi nổi)”.

Nghệ thuật nói chung và sáng tác các tác phẩm văn học nói riêng đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, không ngừng nắm bắt kịp xu thế của thời đại, không ngừng tự bắt nhịp với những thay đổi của đời sống tinh thần của con người. Ý thức được điều này, các nhà thơ đã luôn tự làm mới mình để cho ra đời những bài thơ, tập thơ hướng về cái nhân văn nhân ái. Nhà phê bình văn học là người luôn tìm kiếm, định hướng, chỉ rõ những giá trị đó.

36 khúc đò đưa, trong Tình Thơ Bạn Thơ, sẽ là món quà quý mà Nguyễn Văn Hòa dành tặng 36 nhà thơ. Sự cần mẫn, chăm chỉ như con ong hút mật cho đời, như con tằm rút ruột nhả tơ của nhà giáo, nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa thì đó là điều đáng trân trọng.

Tập sách Tình Thơ Bạn Thơ là tư liệu có giá trị trong nghiên cứu, lưu trữ về những sáng tạo cũng như đóng góp của các nhà thơ Việt Nam đương đại.

H.X.Đ