Tình thơ, tình đời trong tác phẩm của Đặng Phúc Minh

1116

 Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ, đã nghỉ hưu, nguyên là Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh. Anh đã có thơ đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương như: Báo Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Tài Hoa Trẻ, Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, báo Dân trí, báo Công giáo, báo Nông nghiệp… Một số tác phẩm và bài viết của anh đã được đăng trên một số trang mạng ở nước ngoài.

  Nhà thơ Đặng Phúc Minh

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975, ở vùng sâu Vĩnh Thạnh người ta thường thấy một người gánh hàng trăm gánh nước mỗi ngày để tưới rau và cây trái. Đó là hình ảnh thầy giáo Toán – Lý Đặng Phúc Minh. Từ hai bàn tay trắng, bằng sức lao động chân chính, anh đã vươn lên mọi nghịch cảnh của cuộc đời để có cuộc sống đầy đủ như hôm nay, các con cháu anh đều thành đạt, là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân… Hàng năm anh và các cháu dành ra hàng chục triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Nhiều cháu được anh nuôi dưỡng đã trưởng thành. Nhờ tài vận động theo hướng xã hội hóa khéo léo của anh hơn 10 năm qua đã có được một ngàn chiếc xe đạp, hàng vạn cuốn tập và gần 20 tỷ đồng cho phong trào khuyến học, khuyến tài huyện Vĩnh Thạnh. Anh cũng đã từng chở honda đưa ông Chủ tịch Hội khuyến học Phạm Ngọc Trác đi các nơi, tính ra hơn 40 ngàn km (như đi 1 vòng quanh trái đất). Có thể nói Đặng Phúc Minh là người đầu tiên ở Cần Thơ tìm ra con đường đưa học sinh du học qua Nhật thông qua trường Nhật ngữ Đông Du ở TP HCM. Những năm qua toàn khu vực ĐBSCL có 53 em được du học sang Nhật thì Vĩnh Thạnh đã chiếm 41 em. Nhiều người gọi đó là “Hoa anh đào” nở trên đất Vĩnh Thạnh.

Song hành cùng thơ văn:

Thơ là cái nhụy của cuộc sống… là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu (Tố Hữu). Có người làm thơ rất nhanh theo sự thăng hoa của cảm xúc. Lại có người khi thấy cảm xúc đã chín, ý tứ chặt chẽ sau một thời gian mới viết. Họ viết chậm và rất cần sự lắng động cho cảm xúc lên hương cùng sự dư ba của ý tưởng, sự kiện, sự việc… lúc đó mới cầm bút. Nhưng với anh khi cảm xúc đến, hồn thơ bật dậy, tuôn trào và anh ghi lại ngay. Anh viết như có sự thôi thúc của một đấng vô hình nào đó thúc dục. Những cũng có bài anh viết và sửa đi sửa lại trong 2, 3 năm. Có bài dài mấy chục câu, như: Liên tưởng, Đi tới 1, Đi tới 2, nhưng cũng có bài anh dồn nén cảm xúc vào hai câu hoặc bốn câu.

Sau tập Dâng hiến (NXB Kiên Giang- 1989), 19 năm sau anh mới cho ra đời đứa con tinh thần thứ hai là tập thơ Đường ta đi (NXB Văn Nghệ – 2008), Dáng Kiều của nhân loại (Thơ-văn, NXB Phương Đông, 2010), Trỗi dậy và đi – (Thơ-Văn, NXB Phương Đông, 2011), Đường ta đi (Thơ văn song ngữ Việt – Anh – NXB Hội Nhà văn, 2011), Lời trăn trối cuối cùng của mẹ (NXB Thời đại, 2014), Điều kỳ diệu từ đôi mắt (NXB Hội nhà văn, 2016)…

Thơ đối với anh là sự giãi bày, chiêm nghiệm về con người và cuộc đời, luôn mang một thông điệp đến với con người. Trước hết là với đấng sinh thành và người thầy khai sáng tâm trí:

Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy

Nguyện xin dâng hiến dựng xây cuộc đời.

(Dâng hiến)

Bài Lá xanh có thể xem là một tuyên ngôn về lẽ sống giản dị mà cao đẹp của anh:

Chỉ xin làm lá xanh

Dám mong chi hoa thắm

Như đời ta mong manh

Dám mong chi xa lắm.

Anh thể hiện rõ tấm lòng hiếu thảo, thủy chung với tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở các bài Lời tổ phụ, Mừng thọ cha, Mẹ ơi… Riêng bài “Mẹ ơi”, anh viết nhân 100 ngày mẹ mất, với những dòng thơ làm xúc động lòng người:

Mẹ mất rồi

Con không mua đòn bánh tét miền Nam khi qua cầu bến Bắc

Mẹ mất rồi

Con tôm vàng tươi rói vẫn nằm trơ

Mẹ mất rồi

Con cá khoai tươi xanh không ai hỏi

Quả na dai mắt mở dõi tìm ai.

Dòng hồi tưởng cứ hiện về gần gũi như một đoạn phim quay cận cảnh. Anh như thấy mẹ vẫn ngày ngày ra chợ mua tôm tươi, cá khoai xanh, na mở mắt. Nhưng nay mẹ mất rồi thì con tôm vàng, con cá khoai xanh, quả na dai tuy vẫn còn đó nhưng tất cả chỉ là sự cứng đờ, trơ trọi. Cả không gian, thời gian như có gì ngưng động cùng nỗi niềm tác giả. Những chi tiết cụ thể, sinh động ấy cho người đọc cảm giác về sự sống vẫn phập phồng xanh tươi, chờ bàn tay mẹ nâng niu, ấp ủ.

Với bài Niềm tin anh đặt trọn tình yêu đời vào bốn câu:

Vâng! Xin sống với niềm tin ngời sáng

Với tình yêu trải rộng muôn phương

Đến cuộc đời như buổi sáng mùa xuân

Từng ngây ngất chất cao thơ bất tận.

Thiết tha và tin yêu cuộc sống đến thế nên anh đã mượn Tiếng ru nguyện làm một tiếng chim ban mai, một cánh đồng lúa xanh reo vui, một suối thơ reo vang, một bóng trăng đêm thanh để ru hồn người, ru tình đời ngát hương. Bài thơ đã được nhạc sĩ Thanh Danh phổ nhạc với giai điệu mượt mà, trữ tình, sâu lắng.

Với tác phẩm Điều diệu kỳ từ đôi mắt anh đặt ra nhiều vấn đề về nhân sinh, xã hội, triết học, văn học… thể hiện một trí tuệ sâu sắc, một tấm lòng đôn hậu, vị tha, giàu tính nhân văn. Từ đôi mắt ta có thể thấy biết bao điều kỳ diệu mà thượng đế, xã hội, cha mẹ đã ban cho ta. Ở tác phẩm nhiều chủ đề này luôn đặt ra câu hỏi: Ta từ đâu tới, ta dâng hiến gì cho xã hội, dân tộc, và có bao giờ ta hết chơi vơi trong cuộc đời còn đầy cát bụi này? Anh đã làm tôi ngộ ra nhiều điều hay về Đấng tối cao, về Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, về quê hương, đất nước, về tình bạn, tình yêu…

Đề tài mà anh tâm đắc trong các tác phẩm là đề tài về tình yêu con người với tất cả ái, ố, hỉ, nộ của nó. Ở những bài thơ này anh để cho cảm xúc hướng ngoại lan tỏa. Anh tưởng tượng một cuộc đối thoại thú vị giữa Mặt trời, Trái đấtCon người để gửi gắm triết lý về vũ trụ, về nhân sinh. “Liên tưởng” còn đi nhanh hơn ánh sáng, tình yêu của anh đối với em cũng vậy. Từ “Liên tưởng” anh thả hồn mình về quá khứ và hướng tới tương lai:

Bằng liên tưởng ta trở về quá khứ

Bốn ngàn năm lịch sử sáng từng trang

Bằng liên tưởng ta đến với ngày mai tươi sáng

Mỗi bước đi phơi phới dựng tương lai.

Bài Đi tới 2 (còn có tên là Đối thoại), tác giả tạo ra một cuộc  tranh luận tưởng tượng giữa ba “nhân vật” Con người – Mặt trời – Trái đất để từ đó bàn về sự tồn vong của con người và lịch sử. Cái gì đã thuộc về quy luật của tự nhiên là bất biến. Song, con người vẫn có thể cải thiện được phần nào nếu họ có ý chí, nghị lực, như Nguyễn Du từng nói: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Hãy nghe anh gọi tình yêu đến, mà nhân vật trữ tình ở đây là Em, bằng một giọng ngợi ca ngọt ngào:

Em là tiếng chim ban mai… 

Em là lúa xanh reo vui …

Em là suối thơ reo vang… 

Em là bóng trăng đêm thanh

(Tiếng ru).

Cái sợi tơ lòng mỏng manh như sợi tơ trời, tơ nhện ấy mà giăng mắc thần kỳ, nó buộc chặt ta với mình, anh và em. Cái ánh mắt “lặng sóng” kia như chứa bao điều hờn dỗi, cảm thông mà chỉ hai con tim đồng cảm mới nhận ra để “sóng lòng” dịu êm? Và anh đi tìm hạnh phúc trong cuộc sống bình thường nhất mà ít người nhận ra. Bài thơ  hàm ẩn một chất “thiền” phương Đông:

Núi đồi xin ở lại

Biển khơi xin tạm xa

Bình thường vào cuộc sống

Hạnh phúc tại lòng ta

(Hạnh phúc).

Và đặc biệt bài thơ  “Ai cho em?” của anh như một khúc nhạc lòng mời gọi tình yêu, quê hương, con người, với năm dấu hỏi tu từ thật ấn tượng: Ai cho em trời xanh? …/ Ai cho em mùa xuân?… /Ai cho em mùa thu?…/ Ai cho em mùa đông?…/Ai cho em làm Người?…/ Lớn khôn Đường Hy Vọng…

Đặng Phúc Minh sáng tác ở nhiều thể loại. Có thơ Đường thất ngôn bát cú, có thơ tứ tuyệt, thơ tự do 5,6,7,8 chữ, có thơ lục bát, thơ văn xuôi. Nhưng anh thành công hơn cả là ở thể thơ 5 chữ và thơ lục bát. Bài “Tình yêu” là một ví dụ tiêu biểu:

Nhện căng ít sợi tơ trời

Đung đưa ru võng nào rơi được mình

Tình yêu chẳng sợi tơ mành

Mà sao buộc chặt chúng mình hỡi em?

Thơ của Đặng Phúc Minh không lấp lánh câu chữ, cũng không tự đánh bóng cho bản thân, không tuyên ngôn ầm ĩ, mà nó cứ âm thầm như nước suối trong nguồn chảy ra theo dòng cảm xúc trữ tình. Thơ của anh là thơ của người từng trải, đã đặt chân lên nhiều miền đất nước và tiếp xúc với nhiều lớp người. Cảm hứng trong thơ anh là cảm lãng mạn, đôi lúc mang khuynh hướng sử thi, luôn hướng ngoại, hướng tới những vấn đề lớn của cộng đồng. Song, bên cạnh những bài thơ trữ tình hay chính luận, anh cũng có những bài thơ vui viết theo lối “khoán thủ”, chơi chữ, biến tấu của thơ Đường khá thú vị.

Con đường thơ của nhà giáo Đặng Phúc Minh còn rộng mở, nhiều hứa hẹn ở phía trước. Nếu một người không có vốn sống, vốn tri thức và vốn ngôn ngữ phong phú thì khó có thể viết hay, viết khỏe được như thế. Đây quả là một sự đam mê, dâng hiến rất cao cho sự nghiệp văn chương của anh, và bất luận trong hoàn cảnh nào anh vẫn Trỗi dậy và đi, lạc quan hướng  tới Mỗi bước đi phơi phới dựng tương lai.

                                                                                   L.X