Tính vô thường trong “Từ khi chim vịt kêu chiều” của Huỳnh Duy Lộc

168

Bảo Bình

Khi cảm xúc được trần tình không che giấu, cái Tôi trữ tình sẽ tràn dâng, réo đuổi mãnh liệt nơi hồn. Ở đó, ta bắt gặp một thế giới nội tâm vật vã với tiếng lòng thổn thức. Ở đó, những lạc lõng, cô đơn, nhỏ bé…của kiếp người như được trải ra, dài ra, vô tận. Nhân sinh chìm nổi, vạn vật vô thường vốn thuộc về qui luật, và có lẽ vì cảm thấu sâu sắc điều này nên nhà thơ đã thẩm mĩ hoá cuộc sống bằng những vần thơ khắc khoải, da diết, đậm tính vô thường.“Từ khi chim vịt kêu chiều của Huỳnh Duy Lộc là một trong những tập thơ mang màu sắc ấy.

Nhà thơ Huỳnh Duy Lộc

Con về

phố ruổi rong mưa

Mẹ xa!

mái ngói đủ vừa rêu phong

Sân hoang

bóng vỡ

bập

bồng

Đất cau mặt khóc

rách bong cõi lòng”   (Bến mưa)

Vạn vật luôn chuyển động, không gì là đứng yên. Nhưng, có lẽ sự đổi thay của cảnh quê và sự xa khuất của người thân là điều mà ai trong chúng ta cũng dễ chạnh lòng và khó chấp nhận. Nhà thơ cũng vậy, anh thẫn thờ nơi Bến mưa với bao sự chuyển dịch, với cõi lòng”“rách bong” đầy đau xót.

Huỳnh Duy Lộc là một trong những cây bút sau 1975, cùng thời với nhà thơ Trúc Linh Lan, Phù Sa Lộc, Nguyễn Bình Phương…ngoài thơ, anh còn viết truyện ngắn, tuỳ bút. Và đã xuất bản nhiều tập sách hay, có giá trị văn học. “ Từ Khi chim vịt kêu chiều” là tập thơ gần nhất được ra mắt bạn đọc.

Và tôi đặc biệt ấn tượng với những vần thơ anh viết về mẹ. Ở đó, tôi bắt gặp tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp.“Xuân này về nhé!/ Anh ơi!…/ kịp nhìn mẹ giận buông lời mắng yêu/ Mẹ như nắng ngã xế chiều/ lỡ mai bóng rụng tiêu diêu về trời…” (Anh chưa về tháng chạp), về để làm gì? Về để nghe mẹ mắng yêu. Bởi một ngày bóng rụng mẹ sẽ tiêu diêu về trời. “Thương con/ quên nỗi đau cò/ Mẹ như củi cháy tàn tro trong lò/ Từ xưa…/ xưa đến…/ bây giờ/ Hoa mưa rụng xuống/ Bao giờ bay lên!”(Hoa mưa rụng xuống bao giờ bay lên), ông bà mình nói Mưa trên trời mưa xuống là vậy, khi đã làm mẹ là khi người đàn bà không còn sống cho bản thân mình nữa. Người đàn bà ấy sẽ vì con cái của họ mà sẵn sàng đối mặt với mọi cuộc bể dâu“Còng lưng cõng nắng qua sông/ đôi vai chai sạm trút lòng yêu con/ Đò ngang sóng vỡ dập dềnh…/ Lắc lư…đời mẹ lênh đênh…phận người!”(Ước mơ của mẹ). Và vì thế, dù chẳng bao giờ có mưa từ dưới đất mưa lên, nhưng với tấm lòng hiếu thảo và tình yêu kính dành cho đấng sinh thành, trái tim của những đứa con cũng không khỏi quặn thắt, đau buốt khi chạm vào tấm lưng cong lủi thủi của mẹ già “Lặng nhìn khói bếp hồn quê/ Mẹ ngồi nhúm lửa đau tê buốt lòng/ Nghiêng chiều trượt dốc lưng cong/ Mây hoàng hôn trắng bềnh bồng qua vai” (Mây hoàng hôn).

Cả khi mẹ đang mắng yêu, anh đã thấy rồi mẹ sẽ “tiêu diêu. Cả khi mẹ đang thân cò nuôi con, anh vẫn thấy rồi sẽ rụng xuống, bởi mây hoàng hôn trắng đã bồng bềnh qua vai… nỗi lo sợ về sự ra đi ấy luôn có mặt trong anh, nó ám ảnh anh. Tính nhạc trong thơ Huỳnh Duy Lộc khá rõ, tôi nghĩ có lẽ nhà thơ chịu ảnh hưởng của nền thơ cổ điển, và thơ tượng trưng phương tây. Không gian, thời gian được anh khắc hoạ cũng đầy hàm ý, “xế chiều”, “hoàng hôn”, “sông”, “đò”… kết hợp từ láy dập dềnh”, “lênh đênh”, “bềnh bồng… tạo một sắc thái âm, diệu vợi về mọi sự biến hoá từ cảnh vật đến con người.

Tình lứa đôi, thứ tình nồng say, rạo rực, thắm thiết. Nhà thơ cũng như bao người, trái tim cũng không khỏi xuyến xao, bồi hồi, nhung nhớ. Anh nâng niu từng chút  dịu ngọt, thiết tha của thứ cảm xúc tuyệt diệu này, dù đó có là tình mơ, tình lỡ.

“Vô tình

ánh mắt trong veo

Biến tôi…

thành kẻ đói nghèo nhớ mong!” (Chớm xuân)

Chỉ là một chút vô tình thôi, cũng chạm nhớ mong vào tâm hồn rung nhạy ấy. Nhà thơ bồng bột một cách dễ thương và ngớ ngẩn một cách ngọt ngào. “Buồn vô cớ!…/ bước người đi…/ bâng khuâng ánh mắt/ còn ghi dấu ngồi” (Buồn… vô cớ buồn…), đúng là “buồn… vô cớ”, nhưng là “vô cớ” một cách hợp lý. Bởi đó là nhịp rung của con tim, của cảm xúc. Thứ không thuộc về lý tính. Thứ không thể giải đáp bằng khoa học, kiểu Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung (Hồ Dzếnh), vì vậy mà “Nhìn thôi đủ một kiếp rồi/ Dù em ngước mặt mỉm cười bâng quơ” (Ngu ngơ một chiều), nhà thơ của chúng ta say đắm đến thế đấy! Chỉ là nụ cười bâng quơ mà đủ cho một kiếp. Thế mới thấy cái tình lênh láng của thi nhân. Họ yêu cái đẹp. Họ trân trọng cái đẹp, trong từng khoảnh khắc mà họ bắt gặp.“Ừ thôi! Thôi biết làm sao?/ yêu người sao đứng ngoài rào tương tư/ lỡ dông bão gọi cũng ừ/ dẫu đau khổ nhớ buồn từ em xa…” (Yêu người bất chấp bão dông) một kiểu yêu nồng say, để rồi phải chơi vơi, hụt hẫng khi mộng tương tư tan thành mây khói “Người đi…/ nước cuốn xa khơi…/ bến tình tôi lỡ/ bến đời chông chênh!” (Võng ngủ tình xa).

Cái tình và kiểu yêu của thi nhân mặc khách chắc đều có điểm chung, rất nồng nhiệt, rất cuồng say “Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em”(Xuân Diệu). Họ không che giấu cảm xúc, cũng chẳng ngượng ngùng khi thổ lộ, và đó mới chính thật là sự rung động của con tim, sự rung cảm của tâm hồn. “Người thương mong nhớ ra sao?/ Riêng tôi ngàn cọc gai cào xước tim” (Ảo trông). Đó mới chính là tâm trạng thật sự của con người bằng xương bằng thịt khi yêu. Không che đậy, dồn nén hay né tránh. Đó cũng là một loại hiện sinh, hướng con người về với khát vọng sống chân chính. Khát vọng yêu và được yêu.

“Tôi về tìm lại hẹn thề

lặng đau

câu hát não nề ai ru”

(Tôi về)

Khi ngẫm từng dòng thơ anh, tôi có một cảm giác day dứt, khó tả, kiểu Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” (Nguyễn Du). Thế giới nội tâm của con người là thứ không thể sờ mó và khó nắm bắt. Nó ẩn ức với vô cùng những tầng bậc cảm xúc, nó đa chiều và phức tạp. Nên nó vẫn luôn là thứ mà bản thân con người đã không ngừng nổ lực khám phá, nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể thấu thị. Và Huỳnh Duy Lộc rất hiểu điều này, anh buồn đó, thương đó, tiếc đó rồi cũng chấp nhận đó “Từ em áo lụa thôi bay/ đường tình tôi đếm bước dài mưa sa…” (Mưa sa).

Cả khi yêu, tính vô thường cũng kề bên, trộn lẫn trong suy tư anh. Bất cứ lúc nào, tình cũng có thể biến mất. Và nhà thơ còn lại đó, với trái tim xước, với sự lặng đau”… Những khát khao thầm kín, những kỉ niệm đã qua, luôn là những gì sâu sắc trong thế giới tâm linh con người. Thứ khó nắm bắt được, lại là thứ luôn khiến con người day dứt, khôn nguôi. Câu từ sát nghĩa, phối vần linh hoạt, hình ảnh thi vị mà gần gũi… đã cho thấy một sắc dạng đẹp trong khả năng thơ của Huỳnh Duy Lộc.

Lặng nghe tiếng sóng ngày xưa

Vỗ trong tôi nỗi niềm chưa xoá nhoà

(Nỗi nhớ)

Trong những lần ngồi cùng các bạn văn chương, tôi đã từng nghe nhà thơ tâm sự về chặng đường trúc trắc của mình đến nỗi phải bỏ xứ mà đi. Tôi nghĩ, có lẽ những tháng ngày thăng trầm nổi trôi đó, đã làm nên một suy cảm trĩu nặng nơi tâm hồn người viễn xứ. Và làm nên một tình quê lai láng trong thơ anh.

Nhà thơ cảm thán với những lạnh nhạt, ơ hờ của kiếp nổi trôi nơi xứ lạ “Quê người/ nghĩa hợt/ tình suông/ Có chăng…/ chợt gặp giữa đường/ Hello” (Quê người). Cùng nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân da diết khiến anh khát thèm tiếng “mẹ ru”, hay đơn giản chỉ là một giấc ngủ, “giấc ngủ” tại “quê nhà”: “Lạc/ trong vật chất phồn hoa/ Thèm…/ mơ…/ giấc ngủ quê nhà/ mẹ ru” (Bước lạc trầm tư). Và tôi nghĩ, chỉ những ai đã sống đời bôn ba xứ người, mới thấm nỗi niềm lạc lõng, bơ vơ và hiu quạnh này. Mới cảm thương sâu sắc những phận đời kỳ hồ lang bạt.“Đưa chân/ lưu lạc xứ người/ Bước qua ngưỡng cửa cuộc đời/ nợ vay/ Cầm thêm một tuổi trên tay/ muộn phiền buông bỏ/ tìm ngày an nhiên”(Cầm thêm một tuổi). Một nỗi buồn chông chênh nơi lòng người về phận người. Thứ mà tôi nhìn thấy ở đây là thứ mà nhà thơ không hiển ngôn, “ý tại ngôn ngoại”, thứ được gián tiếp nói đến, đó là mùa xuân. Đó cũng chính là cái tài của nhà thơ. “Cầm thêm một tuổi” chính là lúc để sum vầy. Dẫu ngày ngày có lăn lộn, có mưu sinh, có công danh… gì gì đó, thì lúc xuân về là lúc để đoàn viên. Nhưng, nhà thơ của chúng ta thì vẫn đang lưu lạc xứ người, một nỗi tróng trải, đơn lẻ đến chua xót, ngậm ngùi. Thế mới thấy tình quê là thứ tình máu thịt ra sao?

“Chiều nghiêng

đất khách mưa bay

Hạt rưng rức vỡ…

lòng hoài cố hương”   (Đất khách mưa chiều)

Sự giao hoà của tự nhiên không tách rời bản thể con người. Tạo vật với lòng người luôn có sự đồng điệu, bởi con người là một tiểu vũ trụ. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), cái tình của người và vật như gắn liền nhau, đó là mối tương giao kỳ diệu, và nhà thơ hiểu điều đó. Anh không bóc tách, mà nhập vào, quyện lại rồi êm ái bật lên tâm trạng hoài nhớ cố hương trong sự hoà điệu nhịp nhàng, tinh tế “Tiếng cu gù vọng quê người/ cởi tâm tư máng hong phơi nỗi buồn” (Tiếng cu gù vọng quê người).

Nói về tính vô thường vô ngã, nhà thơ như thẩm thấu sâu sắc và điều này đã quấn riết, bám chặt vào những vần thơ anh. Vừa sợ hãi, lo lắng lại vừa từ tốn, an nhiên đón nhận. Điều này, tạo nên sự giằng xé nội tâm nhà thơ. Hiện thực khắc nghiệt được cộng hưởng bởi những bi ai của bề sâu cảm xúc làm nên những trăn  trở, thống thiết, bất lực. “ Tôi về/muộn nắng hoàng hôn/Muộn lòng hiếu thảo/muộn màng nỗi đau” (Muộn).Nhưng, cũng chính điều này đã làm nên tính thẫm mĩ trong thơ Huỳnh Duy Lộc. Cùng với sự hoà trộn, phối hợp của ngôn từ bình dị nhưng giàu hình ảnh và phong cách cổ điển đặc trưng của thể lục bát, làm nên những âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Và đây cũng chính là điểm đặc biệt trong thơ anh- lục bát vắt dòng- tác giả đã làm mới về hình thức cho thể thơ này. Vắt dòng để nguồn cảm xúc trữ tình được lênh láng, vừa dân tộc lại cũng rất hiện đại. Điều này cho thấy, nhà thơ đã có bước chuyển cảm xúc từ “ Thơ mới” thời tiền chiến để đến với thơ truyền thống hiện đại.

“Đời người cõi tạm chiêm bao

Giật mình cát bụi bay vào hư vô”

(Mưa tỳ bà)

Đời người với được mất, buồn vui, sum vầy ly tán…  ám ảnh nhà thơ không ngừng“ Đời người chất chứa sầu bi/thời gian khắc nghiệt lầm lì bước qua/ngả nghiêng theo bóng xế tà/ cuộc chơi nào cũng…như hoa sớm tàn” (Độc thoại hoàng hôn), cứ như trước khi tương phùng, nhà thơ đã thấy màu của ly biệt, cứ như nụ cười chưa kịp tắt, nhà thơ đã cảm nhận một nỗi u hoài vương vít. Thơ anh vì vậy mà ngân những điệu buồn da diết lòng “Đàn ngân theo bước bôn ba/ biệt tăm bóng sáo bay xa hút ngày/ Đàn rung sầu khúc Nam ai/ Chẻ đôi sợi tóc u hoài bạc phai!” (Mưa đàn bầu). Ngôn ngữ sử dụng đậm chất Nam bộ, cách vắt dòng độc đáo, cách dụng từ khéo léo…đã làm nên sự liền mạch của cảm xúc, khiến lời thơ như khúc ru, sâu lắng, mượt mà.

“Sáng nay chân bước ra sân

Thấy con bướm chết bâng khuâng chút buồn

Ta bà cõi tạm vô thường

Diễn xong đoạn kết vở tuồng mượn vay!”  (Vô thường)

Những sự vật, hiện tượng của đời sống đã được nhà thơ tái hiện sinh động, gần gũi và đầy chủ ý: cơn mưa chiều, bến quê, bóng mẹ, cõi ta bà… tôi có cảm giác, anh đã bị ám ảnh bởi những cuộc chia ly, bởi những biến đổi, chuyển dịch, được mất nơi thế gian này…nên lời thơ của anh thường trực những hình ảnh ấy, những tâm tư ấy. Và có lẽ vì thế, nó cũng trở thành một hạn chế về tính lặp lại ở một số bài, khiến thơ anh thiếu phần phong phú, đa sắc. Cũng không thể phủ nhận, nỗi ám ảnh ấy lại chính là nguồn cảm hứng thi ca nơi anh. Nó day diết, cào cứa trong anh những nguồn suy cảm nặng tình nặng nợ “Vời trông theo một chuyến phà/ mênh mang ngọn sóng khuất xa bóng người/ em đi cuốn cả mùa vui/ cuốn tôi bến lở ngậm ngùi trăm năm” (Em đi), Hay “Thu rơi chiếc lá vô thường/ thúc đôi chân mẹ dặm đường bước đi”(Mẹ) mô típ chiếc lá rơi là mô típ thường được bắt gặp trong ẩn ý về sự rời cõi thế của đời người hữu hạn, và được nhà thơ kết hợp miêu tả trong sự lắng đọng của cảm xúc. Khiến ngoại cảnh, tình ý vì thế mà trở nên hoà hợp, mênh mang, chảy tràn và thấm sang người đọc.

“Tiễn em

đò rẽ ngược dòng

buồn chia ly rót…

sầu sông dâng đầy” (Tiễn)

Lục bát là thể thơ dễ làm mà khó hay. Tác giả non tay sẽ dễ rơi vào vần vè. Nhà thơ Huỳnh Duy Lộc đã “chín nghề”, anh đã vượt qua được bức tường vần luật để có một tập thơ dày dặn, mang giá trị nhân sinh sâu sắc.

 Từ khi “chim vịt kêu chiều…”

Sóng va bờ vỡ “…chín chiều ruột đau”

Sông đời tôi vắng hanh hao

Đò em tách bến buồn nao…nao…buồn (Buồn nao nao buồn)

Đọc thơ Huỳnh Duy Lộc, tôi cảm nhận anh đã quán chiếu sâu sắc Đạo nhà Phật, với Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc trong Kinh Bát Nhã.Vì lẽ đó, dẫu yêu nhiều, thương nhiều, rung động nhiều… rồi thì, anh cũng đành một chữ “buông”, “Soi gương tóc thỏ thẻ lời/ Thất tình lục dục xé đời tóc phai” (Buông).

Và rồi, nhà thơ đã từ tốn, bình tĩnh đến vô cùng:

“Sớm đi

muộn cũng ra đi

thân này vay mượn

có gì băn khoăn

trắng tay

đến với cõi trần

trầm luân tích cóp

đi hoàn trắng tay” (Cát bụi)

Huỳnh Duy Lộc – nhà thơ của nỗi buồn – Thơ anh giăng giăng những nỗi buồn nhân sinh. Với khuynh hướng lãng mạn, cảm hứng sáng tác gắn liền ý thức cá nhân, thơ anh là sự tự khẳng định. Đó là khát vọng, là tình yêu, là những rạn vỡ, hụt hẫng trước sự tàn úa của cái đẹp, thế cuộc đảo điên, trước sự biến hoá của kiếp người, những lỡ làng duyên phận,… thế giới nội tâm đầy phức hợp của nhà thơ đã phải giằng xé, thổn thức, chông chênh. Từ khi chim vịt kêu chiều của anh chính là tiếng lòng đằm sâu, da diết đó.

                                                           Bảo Bình