Trần Văn Phúc
(Vanchuongphuongnam.vn) – Camille bị điên. Cô trần truồng, chạy loạn trên đường phố, la hét và ném những tác phẩm điêu khắc giống hệt của Rodin xuống dòng sông Seine. Trở về nhà, cô đóng chặt cửa, người bên ngoài chỉ nghe thấy tiếng khóc và la hét ầm ĩ, kèm với âm thanh vỡ vụn li kì của vật thể rơi xuống đất.
Xe cấp cứu gầm rú chạy đến.
Khi các nhân viên y tế phá cửa xông vào, mọi người đều sững sờ chứng kiến cảnh tượng trước mắt, Camille khoả thân, với mái tóc rối bù và đôi mắt đờ đẫn, cô ngồi giữa những mảnh điêu khắc vỡ vụn trên sàn nhà, trong tay là chiếc búa tạ.
Các nhân viên y tế đã dùng vũ lực đè cô xuống.
Họ cưỡng bức mặc quần áo cho cô, khiêng cô lên và kéo vào xe cứu thương, chiếc xe hú còi lao đi trong bóng đêm.
Nhà điêu khắc Camille Claudel (1864 – 1943)
Camille rời khỏi nhà mãi mãi
Hôm đó là ngày 10 tháng 3 năm 1913, ngày được định sẵn để đi vào lịch sử điêu khắc thế giới, ngày đánh dấu một thiên tài nghệ thuật Camille đã ngã xuống, để một kẻ mất trí điên cuồng Camille được sinh ra.
Nhiều năm sau, nhà thơ Pháp nổi tiếng Paul vẫn không thể nguôi ngoai những gì đã xảy ra với chị gái mình ngày hôm đó. Nhưng chính Paul và mẹ của anh cũng là tác nhân đẩy Camille đến thảm hoạ. Cùng với nhà điêu khắc thiên tài Rodin, người được coi là cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc hiện đại, có thể là nguyên nhân làm cho Camille trở nên điên loạn.
Ánh mắt sợ hãi & cầu xin của chị gái đã làm Paul ám ảnh. Lúc bị xe cứu thương bắt đi, Camille ước em trai sẽ cứu cô, nhưng Paul chẳng làm gì, nơi Camille đến là định mệnh cuộc đời cô ấy phải đến, đó là trại tâm thần Montverger. Camille bị giam ở đó suốt 30 năm cho đến khi qua đời.
– – –
Ở nước Pháp, ngôi làng Villeneuve xinh đẹp có hàng trăm hộ gia đình đang chìm trong ánh chiều tà vàng, dưới tán cây tiêu huyền trước sân, một cô bé ngây thơ đang say mê nhào nặn đất sét, từng động tác tuyệt vời như trong câu chuyện cổ tích. Cô bé ấy tên là Camille Claudel. Trong mắt của người em trai Paul, cô ấy sinh ra đã có vầng trán đẹp, một đôi mắt xanh thẳm trong veo như biển cả nhưng luôn bộc lộ sự nổi loạn, khuôn miệng kiêu kì và thanh tú, đôi môi rộng mím chặt bướng bỉnh và gợi cảm, mái tóc màu nâu vàng búi quanh eo. So với những đứa trẻ trong ngôi làng Villeneuve, Camille có đôi mắt biết nói chuyện, đôi tay nhỏ bé khéo léo đến kì lạ, bản thân cô ấy giống một “nữ thần bé nhỏ” được tinh hoa của mặt trời và mặt trăng chiều chuộng quá mức.
Camille, một đứa con được kết tinh từ nghệ thuật, đã hiện hình phôi thai là một nhà điêu khắc hiện đại dưới hương thơm của trời đất quê hương mình. Vẻ đẹp và tài năng cùng tồn tại, cảm hứng và đam mê đan xen nhau, Camille giống như yêu tinh của nghệ thuật với cơ thể ác quỷ, mái tóc rối bù giống ngọn lửa đang bốc cháy, tràn đầy đam mê. Nhưng ông trời đã an bài số phận Camille. Vào giữa thế kỷ 19, việc trở thành một nữ nghệ sĩ điêu khắc dường như là không thể, bởi Camille sẽ phải đương đầu với định kiến đạo đức và những hạn chế liên quan đến giới tính, kĩ năng điêu khắc được cho là “nghệ thuật của nam tính”. Vì vậy, thế giới thường cho rằng điêu khắc là lĩnh vực mà phụ nữ yếu đuối, đần độn không thể hiểu và không thể chinh phục, thậm chí Viện Hàn lâm Mĩ thuật Pháp thời bấy giờ quy định nữ sinh không được phép theo học điêu khắc, toàn bộ thành viên các hội đồng mĩ thuật đều là đàn ông.
Giáo sư Hichet nhận dạy Camille vì cô quá tài năng. Cảm nhận được tài năng điêu khắc đặc biệt của Camille, cha cô không chỉ ủng hộ con gái, mà ông đã làm việc không mệt mỏi để cung cấp cho con những điều kiện vật chất tốt nhất, giúp cô tập trung học tập sáng tạo. Nhưng mẹ thì phản đối, cuối cùng, việc theo đuổi nghệ thuật điêu khắc trở thành nỗi oán hận của mẹ và em trai đối với Camille.
– – –
Khi Camille 17 tuổi, cha cô gửi cô đến Paris để học điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Claurus, nơi có người thầy trực tiếp dạy cô là nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới Alfred Boucher. Mẹ cô với lòng thù hận dâng trào, bà quyết định bỏ chồng và chuyển đến Vienna, một nơi hoàn toàn xa lạ.
Năm 1883, tác phẩm điêu khắc của Boucher đã giành được “Giải thưởng Rome”, Boucher phải đến Ý để tham gia sự kiện. Trước khi rời Pháp, ông giao cô học trò cưng Camille cho người bạn là nhà điêu khắc Auguste Rodin.
Bằng cách này, Camille 19 tuổi, đã gặp Rodin 43 tuổi. Thời điểm đó, Rodin là một giáo sư điêu khắc nổi tiếng, nhưng tác phẩm của ông chưa bao giờ thoát li khỏi những câu chuyện thần thoại và ngụ ngôn. Camille giống như một vì sao xuyên qua vũ trụ bao la, vì sao ấy đã tạo nên tấm gương phản chiếu bóng tối của một bối cảnh xã hội đầy phức tạp lúc bấy giờ. Ngay cả Chúa trời cũng không thể ngăn cản thứ ánh sáng này, cũng như không thể ngăn cản một thiên tài cuối cùng xuất hiện sau vài năm. Hai con người ấy, Rodin và Camille, họ đã va chạm nhau. Nhưng, có trời cũng không biết tư tưởng cùng linh hồn của Rodin và Camille va chạm vào nhau như thế nào, tình yêu của họ sau đó nồng nàn như thế nào, đau thương mất mát mà họ sẽ trải qua như thế nào, hai thiên tài đến với nhau sẽ là rạn nứt cùng tai họa ra sao.
Chỉ có những bức tượng là chứng kiến tất cả
Buổi chiều hôm đó, Camille cùng người bạn đang ở trong Studio, họ nghe thấy tiếng gõ cửa, Rodin với bộ râu quai nón bất ngờ xuất hiện. Rodin liếc nhìn vài tác phẩm điêu khắc của Camelle, ông dừng mắt ở bức tượng người đàn ông khoả thân đang cúi đầu thiền định, Rodin có vẻ hứng thú với tác phẩm này. Ông đưa ra vài nhận xét Camelle vẫn còn thiếu sót. Camille bướng bỉnh cãi lại. Nhưng dường như Rodin cố tình không để ý. Thay vào đó, ông tỏ ra rất ngưỡng bộ bàn chân bằng đá cẩm thạch của Camille, ông lấy bút ra kí tên “Auguste Rodin” vào tác phẩm điêu khắc. Với Camille thì đây là một vinh dự mà cô hằng khao khát. Nhưng cô vẫn tỏ thái độ bàng quan. Rodin vừa rời khỏi studio, Camille vội ôm bàn chân cẩm thạch đến trường để gặp em trai Paul, cô muốn người đầu tiên mình báo tin vui là cậu em thân thiết. Paul không quan tâm lắm đến bàn chân của Camille, anh nói rằng Victor Hugo vừa chết, đó là nhà thơ vĩ đại Pháp mà anh rất ngưỡng mộ, điều đó làm anh rất đau buồn. Vài hôm sau Rodin quay trở lại studio, ông mang tặng Camille một món quà, đó là bức tượng điêu khắc Camille bằng đồng. Cô ngoi lên từ một đống rong biển, vầng trán đẹp vô song, đôi mắt thăm thẳm đầy tình cảm, mái tóc dày tán loạn được chạm khắc tự nhiên, toàn thân toát ra linh khí cường đại, dáng vẻ nghiêm nghị với thái độ thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Camille nhìn bức tượng, bề ngoài có vẻ lơ đãng, nhưng bên trong thì những cơn sóng thần bắt đầu dữ dội. Đúng cái buổi chiều ngày hôm đó, trong studio, Camille đứng ngây dại, Rodin phải nắm tay cô mời ngồi xuống. Rodin lấy bút và bắt đầu vẽ phác thảo khuôn mặt Camille. Từng đường nét kì diệu. Studio bắt đầu ngột ngạt. Camille cảm thấy mồ hôi chảy xuống ướt đẫm lưng. Tiếng bút chì trên giấy cứ xào xạc. Ở những nét vẽ cuối cùng, đột nhiên ánh mắt Camille và Rodin gặp nhau, đây là sự va chạm ngoài ý muốn. Khát vọng trong Camille trào lên. Nhưng chỉ có sự lặng im, lặng im đến tuyệt đối, im lặng để mở đâu cho một câu chuyện tình kéo dài gần hai mươi năm giữa một cô gái 19 tuổi và một bậc thầy tài hoa 43 tuổi.
– – –
Camille từng nói với Rodin: “Ước gì tôi chưa từng biết anh”
Khi cô ấy nói điều này, cô ấy yêu Rodin điên cuồng và cũng thù hận điên cuồng, yêu và thù hận sau 15 năm hai người ở bên nhau.
Mùa thua năm 1883, Camille như một loài trái cây chín mọng, sẵn sàng bung ra bất cứ lúc nào. Những tác phẩm điêu khắc của Camille đầy sáng tạo, thanh thoát và tự nhiên, đã khiến Rodin bị sốc hoàn toàn, ông ngây ngất và ngay lập tức mời Camille đến làm việc trong studio của mình.
Mối quan hệ giữa hai người bỗng trở nên nóng rực. Rodin và Camille không thể kìm hãm được sự ngưỡng mộ lẫn nhau, họ nhanh chóng phát triển từ mối quan hệ công việc, chuyển sang yêu đương lãng mạn công khai. Với vẻ đẹp hoang dã đầy sức sống từ trong ra ngoài, Camille đã mê hoặc Rodin, khiến ông phải thốt lên rằng Camille là “ánh sáng ban mai của đời tôi”.
Ở studio, ngoài công việc là thợ khắc thô, Camille nhanh chóng trở thành người mẫu độc quyền, cô kí bản cam kết chung thuỷ trọn đời cả vai trò là người mẫu lẫn người tình của Rodin. Camille là nguồn cảm hứng vô tận cho Rodin. Ông tôn thờ cơ thể của cô, ấn định vẻ đẹp của cô trên từng tác phẩm, bằng duy nhất một con dao điêu khắc.
Óc tưởng tượng điêu khắc của Camille cũng vô tận. Rodin từ bất ngờ về óc sáng tạo, rồi đến ngưỡng mộ những hiểu biết sâu sắc của Camille, ông ví cô như một “phù thuỷ” trong nghệ thuật điêu khắc. Cô tham gia vào tất cả công việc sáng tạo của Rodin. Từ việc lên ý tưởng, thiết kế, thực hiện rồi hoàn thiện, bất cứ tác phẩm nào của Rodin cũng có đầy đủ trí tuệ, tình cảm và bàn tay của Camille.
Nổi tiếng nhất là tác phẩm “Cánh cổng địa ngục”. Trước đó, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Pháp đặt hàng Rodin tác phẩm này theo lời đề xuất của Viện Hàn lâm Mĩ thuật Pháp, lấy ý tưởng thiết kế là “Địa ngục” trong vở “Thần khúc” của Dante. Rodin đã nghĩ trong vài năm, nhưng hoàn toàn bế tắc, không thực hiện nổi. Sau khi Camille ra nhập xưởng điêu khắc, cô đưa ra nhiều ý kiến sáng tạo, dự án đạt được tiến bộ đáng kể. Điều đáng nói là, ngay phía trên “Cánh cổng địa ngục” có một nhân vật nam đang ngồi suy nghĩ miên man, đây chính là sáng tạo thiên bẩm của Camille. Ngay sau đó, Rodin lấy nguyên mẫu người đàn ông này, rồi tạo nên bức điêu khắc “Người suy tư – The Thinker” độc lập.
“Người suy tư” đã trở thành kiệt tác khẳng định tên tuổi bậc thầy của Rodin. Ảnh hưởng của Camille đến quan điểm nghệ thuật của Rodin là rất lớn, lớn đến nỗi, Rodin phải thốt lên rằng Camille “đại diện trong tất cả các tác phẩm điêu khắc” của ông. Camille cũng từng rất tự hào khi “tình yêu khiến ông già Rodin mọc thêm đôi cánh”. Nhưng cũng chính tình yêu khơi dậy tiềm năng của Camille, biến sự dịu dàng trong trái tim thành niềm đam mê sáng tạo, điều này được thể hiện rõ nhất qua bức tượng đầu Rodin. Lời thoại của tác phẩm vang lên mạnh mẽ, cho thấy tình cảm của Camille dâng trào, tình yêu mà cô dành cho Rodin trở nên điên cuồng. Ngoài giúp Rodin hoàn thành những tác phẩm điêu khắc, Camille cũng tạo ra những tác phẩm cho riêng mình, nhưng cô nhận thấy nghệ thuật của hai người như đúc từ một khuôn, nó giống đến mức Camille phải thở dài thất vọng vì không tìm thấy điểm gì khác nhau.
– – –
Năm 1892 Camille phát hiện mình có thai
Ở tuổi 28, cô khao khát được làm mẹ, khao khát có gia đình riêng. Cô đề nghị Rodin kết hôn. Rodin bị sốc, ông dứt khoát từ chối, lí do Rodin đã có gia đình. Camille biết điều này. Năm 24 tuổi, Rodin sống với một cô thợ may không hôn thú, tên cô ấy là Rose, họ có với nhau một đứa con trai. Camille đã lầm tưởng tình yêu của cô dành cho Rodin mới là đích thực. Nhưng cô đã nhầm. Rose chỉ là thợ may không có năng khiếu nghệ thuật, nhưng đã cùng Rodin chia sẻ vui buồn hơn 20 năm, cả hai cùng nhau trải qua nhiều năm tháng tuổi trẻ khổ sở, Rose dành cho Rodin sự chăm sóc và sự tự do tuyệt đối như người một người mẹ. Vì vậy, dù hai người chưa kết hôn nhưng trong lòng Rodin, thì Rose là người phụ nữ không ai có thể thay thế. Rodin yêu Camille, nhưng ông lại không cần Camille ở vai trò người vợ, người mẹ và một gia đình, mà Rodin chỉ cần Camille là một người tình. Ông chỉ muốn Camille mãi mãi là trợ lí, là người mẫu khoả thân độc quyền, là người yêu và thế là đủ. Rodin đã ngủ với tất cả những người mẫu, ông dan díu không biết bao nhiêu quý bà và phụ nữ, ông cũng thẳng thắn tuyên bố yêu tất cả những người khác giới mà ông thích.
Trái tim Camille đã tan nát. Suốt mười năm qua, Camille đã chịu bao nhiêu tủi nhục, bị người mẹ và em trai từ bỏ, thế giới bên ngoài công kích chửi bới cô là người vô đạo đức. Những người mẫu khác tẩy chay Camille, nhắm vào cô dè bỉu, làm mọi cách để khiến cô xấu hổ. Các nhà điêu khắc nam thì coi thường cô, họ trêu chọc trực diện, nói xấu sau lưng, tung ra nhiều tin đồn thất thiệt để bôi nhọ.
Camille còn bị mẹ và em trai từ mặt
Mẹ và em trai là nhà thơ nổi tiếng Paul, cả hai không chấp nhận cô theo đuổi công việc điêu khắc, cũng không chấp nhận mối tình giữa cô và Rodin, có thể nói Camille đã xúc phạm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của gia đình. Chỉ có người cha luôn dành cho cô sự ủng hộ về sự nghiệp điêu khắc. Nhưng trước mối tình với ông gia Rodin quá sa đoạ với đàn bà, cha cô cũng rất thất vọng, ông tiếc cho tài năng của con gái bị lãng phí.
Camille đã vì Rodin mà rũ bỏ tất cả, nhưng cuối cùng lại không nhận được một câu duyên thề, chỉ một lời hứa kết hôn cũng không. Đau khổ và tuyệt vọng. Camille mất ăn mất ngủ, cô lang thang trong bốn bức tường như một bóng ma, cuối cùng phải tìm đến em trai Paul để mong được an ủi. Paul đã dang tay tát thẳng vào mặt cô. Cú tát làm cho cô thức tỉnh, đau đớn, cô đã quyết định phá thai và rời bỏ Rodin vào năm 1893.
– – –
“Ước gì tôi chưa từng biết anh”
Suốt 10 năm đồng hành cùng Rodin, Camille không chỉ truyền cho Rodin nguồn cảm hứng, mà cô còn cống hiến cho Rodin tất cả sự đam mê sáng tạo. Cuối cùng, Rodin trở thành bậc thầy nổi tiếng thế giới, là người đặt nền móng cho nghệ thuật điêu khắc hiện đại. Nhưng Camille lại bị xã hội ruồng bỏ, dư luận lên án, bần cùng hoá, bị cô lập và bơ vơ. Camille lúng túng, không hiểu cùng một tình yêu và cùng tài năng, tại sao thứ mà Rodin nhận được là danh tiếng lẫy lừng, còn thứ mà cô nhận được là sự khinh bỉ của tất cả mọi người.
Điều đó làm cô phát điên lên. Camille không chịu gục ngã, cô quyết tâm làm lại cuộc đời, nên sau khi rời khỏi Rodin cô nhanh chóng thể hiện mình là một thiên tài.
Sau vài tháng làm việc chăm chỉ, hàng loạt tác phẩm điêu khắc ra đời, với phong cách rất táo bạo. Trong một bức thư gửi cho em trai Paul, cô khoe đã rời bỏ Rodin, khoe những tác phẩm của cô khác hoàn toàn và đã vượt xa Rodin. Tự hào với những đứa con tinh thần, Camille đã tổ chức một triển lãm, được công chúng hưởng ứng nhiệt tình.
Rodin đến dự và chúc mừng cô. Gặp lại nhau, Camille lại bị Rodin quyến rũ, hai người thư từ qua lại. Rodin nhiệt tình giúp cô giới thiệu tác phẩm, tìm kiếm những đơn đặt hàng, có nghĩa là mọi hoạt động của Camille dược hiểu dưới sự bảo trợ của Rodin.
Chẳng cần mất nhiều thời gian, trong con mắt của các nhà phê bình điêu khắc, mọi tác phẩm của Camille đều dán nhãn “học trò của nhà điêu khắc Rodin”. Nhận ra điều này Camille vô cùng tức giận. Cả xã hội đều cho rằng, thành công của Camille là nhờ sự hướng dẫn của Rodin, trong mắt họ cô không phải là nhà điêu khắc độc lập, mà là một người tình của Rodin. Nhận thức ấy khiên Camille, một người lập dị từ nhỏ, không thể chịu đựng nổi, cô bắt đầu nhận thấy bản thân có sự khác biệt quá lớn với Rodin.
Camille vừa ghê tởm vừa tuyệt vọng
Sau nhiều năm, Camille bắt đầu sống khép mình và cô lập với thế giới, suốt ngày trong studio, đắm mình trong sáng tạo không kể ngày đêm, cô cắt đứt hoàn toàn liên lạc với Rodin kể từ năm 1898. Giai đoạn này, trí tuệ Camille tuyệt vời, sức làm việc kinh ngạc.
Đến năm 1913, chứng rối loạn tâm thần của Camille trở nên nghiêm trọng, cô bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng bị ngược đãi. Camille cho rằng Rodin cố tình tước đi cơ hội nổi tiếng và hãm hại cô. Mỗi khi tác phẩm hoàn thành, Camille lại ngay lập tức đập vỡ chúng thành từng mảnh vụn bằng một chiếc búa tạ, cô sợ Rodin và những đồng phạm đến cướp đoạt. Vào ngày 3 tháng 3 năm 1913, người cha yêu thương của cô qua đời vì bạo bệnh, tin xấu này đẩy Camille rơi vào điên loạn. Cô ném một tác phẩm điêu khắc chân làm cho Rodin xuống sông Seine. Cả ngày, cô xé bỏ hết quần áo, trần truồng chạy khắp phố.
7 ngày sau, người mẹ đẻ gọi bệnh viện tâm thần, bà gửi con gái Camille đến trại điên Montverger.
Hôm đó là ngày 10 tháng 3 năm 1913.
– – –
Camille đã bị thế giới bỏ rơi hoàn toàn
Trại tâm thần Montverger, thực chất là một nhà tù, cô bị nhốt ở đây 30 năm, mẹ không một lần đến thăm, em trai Paul chỉ đến 7 lần. Camille van xin được thả nhưng bất thành. Các quan chức ra lệnh cấm không ai được thăm cô. Mỗi ngày bên trong cánh cửa chấn song bằng sắt, Camille chỉ có đôi tay trần, không đất sét, không dụng cụ chạm khắc, vị thần nghệ thuật đã kết án tử hình cô ấy. Camille nhiều lần nộp đơn xin chuyển đến một bệnh viện tâm thần ở Paris, với hi vọng có người nhà đến thăm, nhưng nguyện vọng không được đáp ứng. Cô đành cam chịu số phận, chỉ dám cầu xin em trai Paul bằng uy tín của mình, can thiệp để trại tâm thần cho phép cô tiếp tục được sáng tạo nghệ thuật, xin Paul mang cho ít vật liệu và dụng cụ.
Paul vẫn phớt lờ. Năm này qua năm khác, cô đi từ mong đợi, đến thất vọng, rồi tuyệt vọng, cuối cùng là tê liệt. Nhiều năm sau, hình ảnh Camille trở nên điển hình độc đáo nhất trong trại điên, cô đứng đó, thực hiện các động tác điêu khắc trong không khí, cô tạo ra những tác phẩm điêu khắc chỉ tồn tại trong tâm trí.
Cô say sưa sáng tạo như vậy. Ai đi qua cũng phải nhỏ nước mắt, nhìn Camille thực hiện những động tác điêu khắc mà chẳng thể cầm lòng, khi nước mắt của mọi người chảy xuống, thì trên khuôn mặt bình yên của Camille thoáng hiện niềm vui.
Người mẹ đẻ thì không bao giờ tha thứ cho Camille. Chính giám đốc trại tâm thần đã nhiều lần viết thư cho bà mẹ, ông nói rằng Camille chỉ mắc chứng rối loạn lưỡng cực, hoàn toàn có thể xuất viện trở về nhà, nhưng lần nào cũng vậy, người mẹ luôn thẳng thừng từ chối. Về sau, giám đốc chỉ yêu cầu bà mẹ đến thăm, nhưng yêu cầu đó chưa một lần được bà để ý. Theo quy định của luật pháp và hệ thống bệnh viện lúc bấy giờ, nếu không có sự đồng ý của gia đình, thì Camille không được ra khỏi trại.
30 năm đã trôi qua
Năm 1943, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ, hàng vạn sinh mạng biến thành tro bụi mỗi ngày. Không ai có thời gian để ý đến, trong một xó xỉnh ẩm thấp bị thế giới lãng quên, có một cụ bà 79 tuổi đang hấp hối trên chiếc giường sát dột nát, bên cạnh chỉ có duy nhất một chiếc bô hoen gỉ là tài sản của gia đình, cụ bà ấy đã chết lặng lẽ. Camille được chôn vội trong nghĩa trang dành cho người bị điên. Không bia mộ. Chỉ mỗi cây thánh giá khắc “1943-No392”. Một thiên tài vĩ đại, một kẻ ngu ngốc trong tình yêu, một nhà điêu khắc điên rồ nhất đã kết thúc cuộc đời thăng trầm của mình như thế.
– – –
Vài năm sau, cảnh sát trưởng đường thuỷ ở Paris, trong một lần tai nạn ngã xuống sông Seine, ông giẫm phải một vật vô giá, đó là tác phẩm điêu khắc “Thiền định” nổi tiếng.
Ở thủ đô Paris, chó vẫn gáy, mà gà thì vẫn sủa. Nhưng kể từ lúc này, người ta bắt đầu nhìn Rodin qua lăng kính Camille, mặc dù trước đó họ không ngừng chửi bà. Giới phê bình điêu khắc cho rằng Camille đã thắp lên ngọn lửa nghệ thuật huỷ diệt. Điêu khắc theo phong cách Camille có sự thuần khiết mà không ai chịu đựng nổi. Vài thập kỉ sau khi Camille qua đời, ngày càng có nhiều người nhận ra nghệ thuật điêu khắc của Rodin bắt nguồn từ Camille, hay nói cách khác sẽ không thể có Rodin nếu vắng bóng Camille. Có người cho rằng Rodin chiếm đoạt tài năng và tình yêu của Camille, huỷ hoại cuộc đời cô, sự ích kỉ và hèn nhát của Rodin đã khiến thiên tài Camille bị che lấp bởi vầng hào quang toả ra từ Rodin.
Đến nay, một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Rodin, đã bị các học giả lịch sử nghệ thuật nghi ngờ là do Camille sáng tạo. Năm 2005, tác phẩm “Điệu van” của Camille bán đấu giá 932.500 euro. Trong khi “Nụ hôn” của Rodin chỉ được 75.000 euro. Điều gì làm cho suốt cuộc đời của Camille bị chìm xuống như bùn, còn Rodin thì là ánh hào quang rực rỡ, chỉ đến khi chết đi thì giá trị của hai tác phẩm lại đảo ngược tương phản đến như vậy.
“Ước gì tôi chưa từng biết anh”
Camille bị nhấn chìm cả cuộc đời, đó là sự mất mát rất lớn của lịch sử điêu khắc thế giới, thiên tài Camille đã bị chôn vùi trong sa mạc tàn nhẫn. Trước một vĩ nhân của nghệ thuật thế giới, chúng ta chỉ biết kính phục, ngưỡng mộ và lặng lẽ thương tiếc, cúi đầu thật sâu.
T.V.P