Nguyệt Thu
(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngoài kia, những giọt mưa xuân đánh đàn đều đặn, sắc màu tâm hồn tôi lại đóng khung trong “Rau dớn quê nhà” (tác giả Võ Văn Thọ, do NXB Thanh niên xuất bản cuối năm 2011), nơi chứa đựng những vọng âm “tình” giản dị, da diết. Phải chăng, Võ Văn Thọ đã gom góp những cung bậc đa mang, sầu cảm để “Tự bạch”, “Thơ là tiếng lòng tôi rung động”, với nhân tình thế thái, để “Ước”, để “Nhớ”, về những “Dấu xưa” về phía có em, có “Nụ hôn đầu” thao thiết. Và cùng anh ngụp lặn với những khổ đau nhân tình…
Tập thơ “Rau dớn quê nhà” của Võ Văn Thọ
Dường như Võ Văn Thọ đến với thơ là sự tình cờ, nhưng sợi dây ràng buộc cứ trói chặt anh đến lạ lùng. Điều này khách quan, nhưng cũng tinh tế đến không ngần ngại, bởi trong “Ước” anh đã viết: “Ước là hạt nắng ban mai/Long lanh quanh dáng ngọc cài tóc em/Ước là một giọt mưa đêm/ Mượt mà rơi nhẹ gieo mềm vần thơ…”. Và không khó nhận ra, với Thọ, thơ là nơi gửi gắm những hình ảnh yêu thương, duy nhất, chỉ có thơ mới có cơ hội cho anh trần tình: “Thương sao cô bé sông Trầu/Đảm đang thuận hiếu dãi dầu nắng mưa/Xa nhau vẫn thiết tha chờ/Cho tình đẹp tựa bài thơ êm đềm”. Anh thần tượng, tôn thờ thơ như một con chiêng ngoan đạo để rồi thơ đến với anh như một tình yêu chân chính, “êm đềm”, không khoảng cách, cao xa.
Và chính anh đã từng thổ lộ, vì thơ nên “Em giận… Anh làm thơ/Gửi tặng người thương vậy!/Em đọc hoài chẳng thấy/Một bài riêng cho em”. Và có một lần “Em hờn con mắt ngó lơ/Trách anh sao cứ mê thơ mơ màng”. Thật đáng trách, nếu Võ Văn Thọ chỉ làm thơ cho những hình bóng xa xăm, những mĩ miều trong mộng để có người ghen tị “ghét anh… không thèm xem/Thứ thơ tình mộng mị”. Song, với tôi, Võ Văn Thọ cũng là bậc đại tài trong trường tình yêu, bởi anh mê thơ là vậy, nhưng vì “em”, vì yêu anh cũng biết lấy thơ làm bức bình phòng, làm lá chắn để giải bày, để vỗ về người thương: “Giận anh… Em quay đi/Không chịu nhìn ánh mắt/Rất yêu và rất thật/Gấp tăm lần thơ anh”. Giận thay một kẻ đa tình.
Thật lạ, “Rau dớn quê nhà” rất nhiều hình ảnh, nhiều địa chỉ, nhiều tâm trạng, song, tôi vẫn tìm thấy sự cô đặc của cái tôi đa tình. Cái tôi bị ám ảnh, “thất tình lục dục” bởi những nét duyên “mặn mà” của những cô gái đương độ xuân thì: “Quen em cũng thật tình cờ/Để rồi ngày nhớ đêm mơ êm đềm” và dẫu “Chưa nụ hôn đầu” thì Võ Văn Thọ vẫn “Đêm đêm mơ giấc tình nồng/Giật mình mắt đỏ vì trông ngóng người”. Và không biết bao nhiêu hình ảnh về “em” đã lướt qua tâm hồn anh, thách đố trái tim anh, để thơ anh cũng cồn cào, khờ khạo: “Hỡi người em gái đã xưa/ Tên em là cả nắng mưa đợi chờ”; rồi có “Ngày xuân dạo phố ngắm hoa/Gặp em thiếu nữ mặn mà dễ thương”; “Ai về Tiên Phước quê xa/Nhắn dùm em gái Tiên Hà rất duyên/ Rằng em tắm nước sông Tiên/Nên da em trắng dáng hiền hậu quê…”; “Thấy ai e ấp nghiêng vành nón/Bất chợt lòng tràn hương tóc bay”… Và cái quy luật đa mang, sầu cảm đã réo rắt trong tâm hồn anh, những hình ảnh “em” cứ vương vấn, đã rạo rực: “Nhìn em anh lại bồn chồn/ Muốn nhờ gió gửi nụ hôn ban đầu…”; “Để rồi nhớ, để rồi thương”. Và trong tâm trạng miên mang với những dáng ngà: “Thương nhau nhớ dáng tưởng hình/ Chiều thu mưa rót vào mình giọt mong…”
Tất cả, tất cả những hình ảnh, cảm xúc yêu thương “chênh vênh” ấy cứ vây kín anh, để có lúc trong muôn mặt đời thường, để giữa những bộn bề lo toan anh lại muốn chạy về “thăm lại ngày thơ/Em và ta với giấc mơ êm đềm”. Và Võ Văn Thọ đã không quên những cảm xúc một thời vì “em” mà anh đã “Dệt bao mơ ước từng đêm trăng vàng”, đẹp là vậy, trong sáng là vậy nhưng vì một lẻ “rụt rè đành chịu muộn màng/ Lời không ngỏ được… Lỡ làng yêu thương”. Và dẫu là “Dấu xưa”, thì tôi vẫn tin rằng, Thọ đã từng yêu và đã thao thiết vì yêu đến mê hoặc, đến đau khổ lạ lùng: “Giờ đây dấu tích còn vương/Gọi tên em khắp con đường vắng tênh”.
Và có lúc trong những buổi “Hoàng hôn tím” anh lại thấy mình cô đơn tột độ, nỗi nhớ mong tròng trành, quay quắc khó tin “Hoàng hôn tím một khoảng trời/Và ta mãi tím một đời hư không/Vắng thuyền tím cả dòng sông/Tím hồn bến đợi mênh mông u hoài…”, và nỗi quạnh hiu, xa tắp cứ nối tiếp nhau, lênh đênh, huyền hoặc tâm hồn anh “Còn đây chỉ một con đường/Ta đi trong nhớ vì thương một người…”. Cái lý lẻ “Yêu là chết ở trong lòng một ít” chắc không đủ cho người thơ vào lúc này, anh như tê dại, như “đời hư không”, “một ít” là bao nhiêu, làm sao đong đếm, làm sao đo được…
Anh như không còn tin vào triết lý ấy, anh thấy mình như đuối sức, như hết phần nội lực để trăm lần chất vấn, khảo tra “Em về bến mới có vui?”, “Em đi về nơi ấy bỏ hẹn xưa” và chắc chắn anh còn thầm trách: “Con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng hay sao em?/Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi tình còn nồng?”… Vì mỗi lần “Nhớ lá thư tình”, nhớ “Ngày xưa em nói ta tin/Xin đừng phụ bạc con tim chung tình”, vậy mà “Tình tan theo gió, phân ly ngậm ngùi”, “Em vui duyên mới gượng cười nhìn nhau”, còn ta thì vẫn dại khờ, để rồi tự hỏi mình đau khổ vậy, lâu vậy mà “Tơ lòng đã dứt hay chưa/Sao ta còn giữ thư xưa làm gì?” Đa tình và đau khổ chắc đã là bạn đồng hành.
Võ Văn Thọ e cũng hiểu điều đó. Nhưng không riêng gì anh ấy, tôi và các bạn cũng vậy, nếu ai không khổ vì yêu, sẽ chưa yêu bao giờ. Tôi mạnh dạn đấy, song chắc nhiều người ủng hộ, trong đó, có người yêu tôi. Nhưng riêng người thơ, nỗi ám ảnh của tình yêu dang dỡ khá sâu nặng, để “giờ đây còn lại tình trong mộng/Em đã theo người đến chốn xa/Còn chăng một mảnh trăng đơn chiếc/Một chút tình quê chớm xót xa…”. Và “em” có biết lòng anh giờ “tím bầm sắc sim mùa cũ” và không thể “khép tình ở lại với ngày quen em”… Chắc hẳn Võ Văn Thọ, người thơ đa sầu đã thấu tình đạt lý “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dỡ…”
N.T