Tình yêu quê hương trong thơ Trường Hải

742

  Hoàng Thị Bích Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có thể nói tình yêu quê hương đắm đuối là nguồn mạch bao trùm xuyên suốt trong tập thơ có tựa đề: Thơ & Quê Hương của nhà thơ Trường Hải. Ngay cả bút danh của anh cũng mang bóng dáng quê nhà, điều ấy nói lên tình yêu vô tận của người thơ với cố quận.

Tác giả Trường Hải 

Nhà thơ Trường Hải tên thật là Võ Chấn. Anh sinh năm Nhâm Thìn tại Hải Trường, Hải Lăng, Quảng Trị. Hiện thường trú tại Trảng Bom, Đồng Nai. Đây là tập thơ thứ hai gồm có 200 bài thơ là cả tấm lòng anh dành cho quê hương. Mỗi vần thơ gửi gắm tình người, tình đời thắm đượm, trìu mến và thiết tha. Nhìn chung thơ Trường Hải giàu cảm xúc và hình ảnh. Ngôn ngữ thơ bình dị, trong sáng, chân thành, dễ hiểu.

Tình yêu dành cho quê hương là nguồn mạch tạo nên cảm hứng dạt dào để diễn tả tiếng lòng- nỗi niềm thương nhớ về cố quận. Nơi đây có cả một khung trời kỷ niệm với những người thân yêu và bạn bè trang lứa. Vì thế “Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể/ Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương” (Nguyễn Bùi Vợi).

Cũng như bao người con xa xứ mỗi khi nghĩ về quê mẹ, anh không khỏi nước mắt rưng rưng.

“Những năm tháng đi xa

Tình quê luôn vẫy gọi

Hẹn nhìn về… hẹn mãi

Phía trời mây, mắt nhòa”

(Thăm quê)

Nhớ quê, nhưng vì vẫn còn đó những bộn bề cuộc sống, cơm áo, mưu sinh nên cũng có những khi không về được như ý muốn, anh gửi lời nhắn nhủ vào thơ:

“Ai về thăm Quảng Trị

Xin ghé bến Ô Khê

Gửi người em thôn Mỵ

Chút tình người xa quê”

(Thăm quê)

Tình cảm với quê hương rất đậm đà sâu sắc là cảm hứng trữ tình không vơi cạn để anh viết nên những vần thơ hoài vọng về chốn xưa quê nhà – gắn liền với hình ảnh người mẹ thân yêu của tác giả.

“Tôi vẫn thương hoài về cố hương

Những ngày còn nhỏ, mẹ lên nương

Những đêm trăng sáng, nồm đưa võng

Ngào ngạt hương cau rụng trắng vườn”

(Thời thế)

Anh cũng lý giải phần nào lý do xa quê cũng như những người con dân khác trên khắp mọi vùng quê Việt Nam. Sinh ra, lớn lên trưởng thành và đi xa vì nhiều lý do khác nhau trong đó có lý do mưu sinh là phổ biến. Đất chật người đông, quê hương như cái nôi nuôi dưỡng tuổi thơ nhưng không thể chứa hết tuổi trưởng thành dù rất yêu nơi đó. Và người ra đi trong hành trang mang theo có hình bóng quê nhà và lời ru của mẹ.

“Người xa quê đi tránh buổi cơ hàn

Trong tiềm thức dấu câu hò của mẹ”

(Quê tôi)

Tấc lòng của kẻ xa quê luôn đau đáu nỗi niềm hướng về cội nguồn. Nhịp thơ trong các câu thơ dài ngắn khác nhau như tiếng thổn thức vơi đầy nỗi nhớ.

“Ngày đêm nhớ về quê cha đất tổ

Nay tha phương

Biết đâu là bến đỗ

Dáng vóc này

Mãi còn nợ quê hương”

(Quê tôi)

Nhắc đến Quảng Trị quê hương anh là nhớ đến nơi gió lào cát trắng. Thời tiết khắc nghiệt, phải chăng vì thế mà tính cách người dân Quảng Trị luôn kiên cường trong cuộc sống. Tuy vậy anh cũng có chút hờn trách với thiên nhiên.

“Trách

Mùa gió nam lào rát bỏng khô hanh

Cứ thổi qua làng

Như giận hờn hành hạ

Mùa gió bấc, mưa dầm dề lạnh giá

Đem trút nỗi niềm vay trả…

kẻ vô can…

(Quê tôi)

Trong tập thơ này, anh tỏ ra rất rành trong cách gieo vần lập tứ và sử dụng ngôn từ, chọn lọc thi liệu, thi ảnh để dệt nên những vần thơ biểu cảm. Diễn đạt phong phú với nhiều thể loại: Thơ đường luật, thơ lục bát truyền thống, thơ tự do… Trong đó kiểu thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ chiếm phần lớn.

Hãy đến với thể thơ tám chữ với những câu thơ da diết cõi lòng của anh!

“Trở lại thăm cùng em về Quảng Trị

Hải Trường ơi… xa quê mẹ lâu rồi

Cầu Bến Đá, nối hai thôn Trung- Mỵ

Chuyến tàu nào trĩu nặng nỗi chơi vơi.

(Thương nhớ quê nhà)

Đối với những người thân yêu trong gia đình, anh đã dành những vần thơ rất đỗi chân thành như thế, đặc biệt đối với những bậc sinh thành và nuôi dưỡng:

Thơ dành cho bà:

“Thương nội thời xa ngái

Tuổi thơ chiếc bánh đa”

(Thương nội)

Thơ dành cho mẹ:

“ Cho con được thấy cánh cò bay lả

Những giấc mơ tròn trịa chiếc nôi đưa

(Tìm lại lời ru)

Anh tỏ ra nhuần nhuyễn ở thể thơ năm chữ, chọn hình ảnh biểu cảm để nói lên phần nào nỗi vất vả của mẹ, trong đó có hình dáng tiêu biểu của những người phụ nữ Việt Nam tảo tần hôm sớm.

“Mưa rơi trên phố xa

Ánh đen thêm nhạt nhòa

Dáng mẹ xiêu ngoài ngõ

Gánh nỗi đời bao la”

(Mưa)

Nhiều bài thơ anh viết về mẹ, bài nào cũng gây xúc động trong lòng người đọc. Đó là tấm lòng của người con hiếu thảo dành cho mẹ. Anh thấu hiểu nỗi gian truân, một nắng hai sương của người dân trên ruộng đồng khi nắng gắt, khi mưa bão. Diễn đạt bằng thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn khác nhau như tiếng lòng thổn thức thương mẹ, thương nỗi vất vả ruộng đồng trong thời tiết thất thường ở quê hương anh:

“Sáng nắng chiều mưa

Xuống đồng sâu lên ruộng cạn

Nay thềm xưa bóng ngã hoàng hôn thầm lặng

Nghe tiếng cuốc kêu xa

Thương mẹ biết nhường nào

Tia nắng cuối chiều còn sót lại thấy nôn nao

Biết gửi ai cho mẹ bát canh cần rau muống”

(Thơ tặng mẹ)

Vâng! Anh đã nói lên tấc lòng của anh với mẹ và cũng nói thay cho những người con xa mẹ. Nơi xa, phận con chưa đáp đền công sinh thành nuôi dưỡng. Lòng băn khoăn trăn trở bao điều. Không được cận kề hôm sớm để bưng tách trà dâng cha, hay chén cháo, bát canh dâng mẹ. Nghĩ về cha mẹ không ngăn nổi nước mắt rơi:

“Nỗi mong nhớ rất nhiều về mẹ

Lòng thương cha dâng khóe mắt ngời

Làm ăn cách trở xa xôi

Hai đầu nỗi nhớ ngăn đôi đường về”

(Về thăm cha mẹ)

Yêu quê hương là thế! Thương cha nhớ mẹ gửi vào trang viết, biết bao giờ cho đủ có khi không nói hết thành lời. Nhưng vì sao phải xa quê và đành dang dở mối tình đầu. Anh đã trải lòng bằng những câu thơ hay đầy xúc cảm để lý giải phần nào. Những vần thơ rất ấn tượng khi anh dùng những động từ mạnh:“ quăng”, “ quẳng” “cháy sém” khi đặt bên cạnh tuổi thơ để thấy được những mất mát thiệt thòi của người dân trong đó con trẻ em khi đất nước có chiến tranh. Rất hình tượng và có giá trị biểu đạt cao.

“Lịch sử quăng quê hương vào khói lửa

Nên tuổi thơ cháy sém những trang đầu

Đời quẳng áo cơm lên tình yêu đôi lứa

Nên phải đành rời bỏ chốn chôn dau”

(Tiếc)

Hình ảnh quê hương trong thơ anh là lũy tre xanh rì rào trong gió, là thôn Hậu, Thôn Đông, “cha cõng mùa”, “mẹ gánh mạ non” là ruộng lúa tốt tươi, là nụ cười của mẹ khi mùa vàng bội thu.

Trong bước đường lập nghiệp nơi xa, hành trình anh mang theo là hình bóng quê hương và hình ảnh những người thân yêu trong nỗi nhớ không nguôi. Trong đó có cả mối tình ngọt ngào và lãng mạn nhưng đành dang dở chia ly. Anh gửi vào thơ những khắc khoải của dấu ấn tình đầu. Dẫu rằng, sau này ai cũng có cuộc sống riêng và con cháu đầm ấm nhưng mối tình đầu là những kỷ niệm khó phai. Người đọc không khỏi chạnh lòng, thấu hiểu và cảm thông cùng tác giả. Những cụm từ: “Hình bóng cũ”, “sợi tơ vương” sao mà ám ảnh lòng ta đến thế! Rồi còn kèm theo những động từ: “ vay”, “gánh”. Cho thấy thi nhân tự nguyện mang nỗi nhớ bên mình và không dễ gì trút bỏ. Cuộc sống bộn bề, ai tránh được những lúc thăng trầm, có những khi sóng gió cuộc đời, lòng người lại neo về những ngọt ngào xưa cũ để cân bằng trạng thái. Từ góc khuất bình yên ấy biết đâu cho ta nghị lực để sống và vươn tới tương lai, bước tiếp trên con đường không chỉ có hoa hồng mà còn phải nếm cả gai. Và ai rồi cũng vậy nên nỗi niềm này đâu chỉ riêng ai.

“Mắt gửi xa xăm hình bóng cũ

Lòng đem chôn dấu sợ tơ vương

Bởi vay nước mắt em ngày ấy

Ta gánh theo ta vạn nẻo đường

(Từ biệt)

Lời thơ của Trường Hải là những khúc tâm tình nhẹ nhàng mà sâu lắng, diễn đạt tự nhiên qua ngôn từ giản dị, mang hơi thở của cuộc sống thường ngày nhưng về mặt thi ca đã tạo nên những hình ảnh đặc sắc, ấn tượng rung động lòng người qua các thể thơ tám chữ hay bảy chữ sau đây:

– “Một đôi khi muốn trở lại ban đầu

Thèm chút ấm đôi bờ môi quen ấy

Nhưng đông đến bên trời nghe sấm dậy

Linh cảm rằng bên ấy chẳng bình yên…!

(Lỡ làng)

– Tôi để tình tôi thất lạc rồi

Ai về xóm cũ hỏi giùm tôi

Tìm người bạn gái năm xưa ấy

Trả lại tình si của một thời…

(Nợ tình)

Anh đã yêu tha thiết bằng cả trái tim của một thời trai trẻ với cô thôn nữ làng bên. Đó là mối tình đẹp, lãng mạn thiết tha nhưng vì những biến cố ngoài ý muốn “Lịch sử quăng quê hương vào khói lửa” mà phải đành đôi ngả chia ly. Nhưng đó là chất liệu để anh dệt nên những vần thơ hay, cân xứng hài hòa giữa ngôn từ, hình ảnh và ý thơ:

“Em thấy không ngoài phố vẫn đông vui

Chẳng ai để ý chia tay ngày tháng hạ

Chẳng biết rừng có còn mùa thay lá

Riêng nỗi buồn thì vô cớ với thu thôi”

(Tháng bảy heo may)

Như chúng ta đã biết, thơ là tiếng lòng của thi nhân. Mỗi vần thơ được viết ra là cả nỗi lòng chân thành như thế. Thi liệu bắt nguồn từ tình yêu quê hương đã tạo nên mạch cảm hứng dạt dào để làm nên các sáng tác của anh.Tính đến nay anh đã xuất bản 2 tập thơ đồ sộ với số lượng 400 bài.

“Tôi viết mấy vần thơ cho em

Tìm những lời ngọt ngào có từ muôn thuở

Và những cảm xúc khi lòng tôi mở cửa

Tình ý vu vơ cũng từ đó tuôn trào”.

(Tản mạn làm thơ…)

Bằng biện pháp tu từ như: Ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ… và sử dụng hình ảnh tương phản làm nên các phép tiểu đối trong thơ tạo nên những vần thơ đầy biểu cảm. Sắc điệu thẩm mỹ là thi ý ngọt ngào, ngôn từ bình dị với giai điệu trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng dễ đi vào lòng người. Để lại nhiều rung cảm trong lòng độc giả. Vì thế khép lại trang thơ còn đọng lại âm hưởng trong chúng ta tình yêu quê hương xứ sở thiết tha trong đó người thân, bè bạn và tình đầu không thể phai mờ theo năm tháng. Trong tập thơ này anh còn có những bài thơ dành cho tình yêu đất nước. Những địa danh anh đã có dịp đặt chân đến đều để lại dấu ấn trong thơ. Ngoài ra có những bài thơ đầy chiêm nghiệm, có tính triết luận nhẹ nhàng với nhân tình thế thái, mời bạn đọc tiếp cận và khám phá.

Dĩ nhiên thơ anh chưa phải bài nào cũng hay, cũng lôi cuốn nhưng với số lượng dồi dào phong phú: 200 bài trong tập thơ này, bạn đọc dễ dàng tìm thấy nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ tâm đắc. Có những bài mới đọc lên đã thấy hay, nhưng cũng có những bài cần đọc kỹ mới khai thác được vẻ đẹp của bài thơ. Cũng có thể có bài chưa hay với người này nhưng lại hay với người khác nếu tâm hồn đồng điệu, sẻ chia. Và biết đâu bạn đọc tìm thấy tiếng nói tri âm đồng cảm khi có cùng tâm trạng. Bản thân tôi khi nhận định về thơ của tác giả nào tôi cũng muốn trích dẫn nhiều câu thơ để minh chứng cho nhận định của mình và giới thiệu đến bạn đọc. Và thực lòng cũng để làm sao khi viết bình luận vừa mang tính khách quan vừa “bay bổng, ướt át” một chút, hạn chế sa vào lý thuyết khô khan. Mỗi người có cách tiếp cận với tác phẩm và góc nhìn khác nhau. Phương châm của chúng tôi vẫn là tìm cái hay là chính, khai thác cái hay, cái đẹp của tác phẩm bằng cảm quan của mình. Vì thế điều cốt lõi là ghi nhận các hay cái đẹp của tác phẩm. Đó  là tiếng lòng chân thực qua tài năng của tác giả để ghi lại thành thơ. Đó là những trang viết phản ảnh cuộc sống, tâm tư tình cảm của chủ thể trữ tình ở thời đại anh đang sống như một tấm gương phản chiếu hiện thực và cuộc sống tinh thần

Tôi có cảm giác là hình như anh không cố tình làm thơ. Không làm dáng văn chương một chút nào bởi đọc thơ anh ta thấy cảm xúc rất thật, diễn đạt tự nhiên. Với bút lực của người sáng tác anh đã ghi lại cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ thi ca. Những vần thơ bình dị mà giàu âm hưởng trữ tình, gieo vần khéo léo, dùng từ hợp lý, có giá trị biểu đạt cao. Đó là tiếng lòng rất đỗi chân thành dành cho quê hương yêu dấu. Thành công của anh là những vần thơ đã chạm đến trái tim chúng tôi- trái tim của bạn đọc.

Xin dẫn tiếp hai câu thơ của anh thay cho lời kết:

Ngồi viết mấy vần thơ cho đỡ nhớ

Với quê hương như một mối tình si.

(Tết tự trách)

Đây là món quà tinh thần đặc biệt anh dành tặng quê hương như những lời tâm tình nhắn gửi. Hãy đến với Thơ & Quê Hương của tác giả Trường Hải để khám phá vẻ đẹp của tập thơ.

                                                                        H.T.B.H