Tờ dollar đoản hậu – Truyện ngắn Chinh Văn

326

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ví dầu tình bậu muốn thôi/ Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra

Ảnh minh họa       

Tay xách giỏ quần áo, nách ôm con nhỏ, ra đến cửa rồi mà Vân vẫn còn hậm hực:

– Ừ thì tôi ham tiền, anh thử nhìn lại anh xem nào!. Đi bộ đội về không nghề ngỗng, ruộng đất thì chỉ có hai công, biết bao giờ mới giàu có được?

Giọng Phát nói với theo:

– Thì cố gắng tằn tiện và chí thú làm ăn. Suốt ngày chỉ lo mộng tưởng. Lấy tôi làm chi cho khổ, sao lúc trước không nghe lời mẹ cô mà lấy Việt kiều?

– Tôi sẽ lấy Việt kiều. Nói rồi Vân đi thẳng

Giọt nước cuối cùng nầy đã làm tràn ly nước. Họ chia tay.

    Ngày trước, Vân là cô thôn nữ dịu dàng, xinh đẹp. Không ít chàng trai trong làng than thở “tóc dài, da trắng em làm khổ tôi”, trong đó có Phát. Rồi thì họ cưới nhau. Cuộc sống trôi đi trong bình lặng pha chút nhọc nhằn. Thế nhưng cái cần cù cố hữu của nông dân cộng với cái tháo vát trong bản chất người lính cũng chỉ giúp anh  dựng lên được một tổ ấm là mái nhà lá với cột kèo bằng cây so đũa. Gia đình bên vợ anh giàu có lắm nhưng không mấy ai ưa thích chàng rể nghèo lại mang tính khí của An Tiêm.

– Thử coi đến bao giờ nó mới chịu cầu cạnh nhà nầy? Nghèo kiết xác mà hễ nói ra thì “của biếu là của lo, của cho là của nợ” Bà mẹ vợ của Phát thường nói với con gái mình như thế.

Cũng đồng là rể nhưng Tân được nhà vợ xem như ông hoàng có lẽ anh ta là Việt kiều Mỹ, vài ba năm mới về nước một lần. Là anh em bạn rể nhưng họ không mấy thân nhau. Có lẽ Phát mặc cảm vì nghèo, cũng có người vui miệng nói đùa độc địa “Việt kiều không hợp với Việt cộng”. Càng ngày, khoảng cách của Phát với gia đình bên vợ càng lớn dần. Giá mà còn cha vợ thì đâu đến nỗi. Ông ấy rất trọng nghĩa tình.

Vậy là Vân về nhà mẹ ruột được gần tám tháng. Khoảng thời gian ấy, Phát vẫn sáng đi tối về. Nếu không chăm sóc cho hai công ruộng thì cũng đi làm thuê cho những nhà hàng xóm, làm những việc của nông dân như bón phân, xịt thuốc sâu. Cách đây hai tháng, Tân có về nước nhưng không hiểu sao lần nầy anh ra đi có phần vội vã.

Vân về lại nhà chồng nhưng không phải là để nối lại tình xưa mà là để đưa cho Phát tờ đơn ly hôn cô ký sẵn. Một khoảng tối vụt qua trong mắt Phát. Không nói một lời, anh ký nốt chữ ký trong phần dành cho anh, chỗ tên mình có người ghi sẵn. Thế là hết.

Hôm nay, gia đình Vân đưa cô ra tòa bằng xe hơi. Khi mọi việc kết thúc tại tòa, chân bước như kẻ mộng du, tai gần như ù đặc nhưng  Phát vẫn  nghe loáng thoáng nhà bên ấy đi đón Việt kiều.

Anh lầm lũi về nhà. Không ai biết được lúc nầy trong đầu Phát đang nghĩ gì?. Tinh ý lắm thì mới thấy anh lắc đầu một cái nhẹ trước khi ấn mạnh chân vào bàn đạp chiếc xe đạp Phượng hoàng cũ kỹ.

Tin truyền, chị của Vân về nước và tái định cư ở Việt Nam làm cho ngôi làng yên tĩnh nầy như xôn xao hẳn. Mà xôn xao cũng phải, từ Mỹ về sao trông cô tiều tụy quá. Người thì gầy teo và tuyệt nhiên không ra khỏi nhà. Cô bệnh nặng và muốn sống những ngày cuối đời tại quê nhà. Ra thế!. Nhưng bệnh gì?. Ở bên ấy có điều kiện để trị sao lại về quê?. Hay là bệnh sida?….Cứ thế, hàng loạt câu hỏi được đặt ra và những ai lắm lời thì tha hồ mà suy đoán.

Dạo nầy Vân đẹp ra trông thấy và vui vẻ hẳn lên. Nguyên nhân vì cô thoát khỏi cái nghèo khó khi làm vợ Phát hay lời đề nghị của ông anh rể xin được bảo lãnh sang Mỹ để “chăm sóc cửa nhà”?. Có lẽ lý do thứ hai thuyết phục hơn bởi Vân thường khoe với bạn bè rằng cô sẽ đi nước ngoài sống cho Phát sáng mắt ra. Còn mẹ của Vân thì nói toạc:

– Thằng Tân sắp bảo lãnh con Vân sang Mỹ để “thay thế con Tuyền” chăm lo cho đứa con còn nhỏ bên ấy.

Trước hôm Tuyền mất mấy ngày, Tân có về nước. Anh về thăm vợ lần cuối và cũng là để hoàn tất hồ sơ bảo lãnh cho Vân. Quả là oan nghiệt, cái chết của Tuyền càng vật vã bao nhiêu thì việc chuẩn bị cho Vân lên đường càng chóng vánh bấy nhiêu. Nỗi buồn mất chị không át nổi niềm vui khi được xuất cảnh của Vân. Trong buổi tiệc tiễn đưa, lúc mọi người ngập chìm trong vui vẻ thì Phát xuất hiện. Không phải là khách mời, cũng không còn là con rể nhưng anh đến đây để nói với Vân và mẹ vợ cũ của mình là xin được nuôi dưỡng đứa con mà Vân bỏ lại. Đứa con mà anh bị tòa án từ chối quyền nuôi dưỡng vì cháu còn quá nhỏ và Phát thì không đủ điều kiện về kinh tế. Một lời đáng giá ngàn vàng. Cả bà mẹ vợ cũ, cả Vân đều vui lòng đồng ý. Bởi đây là chút băn khoăn mà Vân còn suy nghĩ, nay đã được Phát tháo gỡ dùm. Chỉ có đứa trẻ bước chập chững chạy lại mẹ và nhìn cha bằng đôi mắt đen ngơ ngác. Nhưng kỳ lạ thật, thằng bé cũng ôm cổ cha để cho Phát bế về. Trừ những người trong gia đình, những thực khách trong buổi tiệc hôm ấy đều buông đũa nhìn theo  Phát. Bóng anh khuất dần và không khí tươi vui của buổi tiệc bổng dưng chùn hẳn xuống.

     Hơn sáu năm rồi, Khoảng thời gian quá ngắn ngủi với đời người. Chuyện ngày trước chưa ai quên được nhưng thằng bé con Phát đã quên. Hôm nay nó không nhận ra mẹ khi Vân về nước. Mà nhận ra sao được bởi lúc đó nó còn quá nhỏ và Vân bây giờ thay đổi quá nhiều như con vịt bầu ngày nào bỗng chốc hóa thiên nga. Vân về nước dẫn theo bé gái tuổi cỡ như thằng bé ngày Vân bỏ lại, phỏng chừng bé chỉ hơn một tuổi. Mọi việc đã quá rõ. Vân bây giờ đã “thay thế” chị hoàn toàn theo nghĩa đen của từ nầy.

     Phát đón con về từ trường Tiểu học. Đứa bé thỏ thẻ với cha:

– Có một bà cho con tờ giấy nầy và nói đó là tiền, nhưng con thấy không giống những tờ tiền nhăn nheo mà cha cho con hằng ngày nên con xé rồi nhưng con không vứt đi mà vẫn để trong cặp nè.

Nói đoạn, thằng bé mở cặp lấy ra tờ giấy bạc một trăm dollars đã bị rách làm đôi và bị thằng bé vò nát. Phát đã hiểu chuyện. Anh choáng đi một thoáng. Xin đừng nghĩ anh tiếc tờ tiền. Có lẽ chính vì ma lực những tờ tiền thế nầy mà cha con anh lâm vào cảnh gà trống nuôi con suốt mấy năm qua trong nghèo khó.

Mấy ngày sau, Phát nổi giận thật sự và quát con khi thằng bé chạy rong đi chơi giờ vừa bước vô sân thì nghêu ngao hát:

Trồng tre trở gốc lên trời

Con chị qua đời thì thế con em

Thằng bé mếu máo trả lời cha:

– Con nghe người ta hát như vậy mừ./.

C.V