Tô Dự – Họa sĩ của phong cảnh quê hương

5331

Đan Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Họa sĩ Tô Dự sở trường về phong cảnh đã kinh qua trường lớp sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, bột màu, màu nước… và một khối lượng lớn về ký họa. Họa sĩ đã tốt nghiệp hai trường: Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Đại học Mỹ thuật Ki-Ep (Liên Xô), dạy hội họa 7 năm tại Hà Nội, ông hoạt động chuyên nghiệp mỹ thuật qua suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Họa sĩ Tô Dự

Họa sĩ nguyên là chủ tịch Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Cần Thơ, công tác trong ban lãnh đạo hội Văn học Nghệ thuật và cơ quan khác tại TP. Cần Thơ. Đạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cao quý vào các năm: 1985, 1987, 1990, 2000. Ông nhận huy chương:  – Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam – Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Một số tác phẩm trong khối lượng tranh phong phú đủ loại của họa sĩ Tô Dự hiện được trưng bày tại các cơ quan nhà nước, viện bảo tàng TP. Cần Thơ và tại tư gia của nhiều người yêu tranh trong và ngoài nước: Mỹ, Anh, Úc, Pháp…

Vào một sáng đẹp trời cuối năm đầu giải phóng, trong không khí tưng bừng của mùa xuân đầu tiên (1) hoàn toàn độc lập tự do của đất nước, khi đang công tác (2) hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ (văn phòng đặt tại tư gia nghệ sĩ cải lương Kim Chưởng, nay là ngả tư đường Phan Đình Phùng và Nam Kỳ khởi nghĩa) – tôi được chủ tịch hội – nhà thơ Hoài Nam Tử, ân cần giới thiệu một cán bộ văn nghệ từ khu kháng chiến U Minh mới chuyển về: một người đàn ông trung niên, vóc dáng gọn gàng, với chiếc áo sơ mi cũ phong trần mặc bỏ ngoài quần nhưng trên khuôn mặt thon thả sạm nắng, luôn nở nụ cười thân thiện, dễ gần khi nói chuyện với anh em. Đó chính là họa sĩ – nhà giáo dạy Mỹ thuật Tô Dự, gốc người Cần Thơ.

Tô Dự sinh năm 1930 tại làng Thường Thạnh – Cái Răng (nay là huyện Châu Thành), một địa danh quen thuộc, nổi tiếng còn in đậm dấu ấn trận tập kích lịch sử của anh hùng Lê Bình và những dũng sĩ quả cảm Vệ quốc đoàn Nam bộ. Vốn say mê hội họa từ lúc mới ngoài 15 tuổi, chàng thanh niên hiền lành và năng nổ hoạt động ước mong có ngày được học tập, tiếp thu kiến thức về mỹ thuật để thỏa mãn niềm sở thích và mong được mai sau đem khả năng mình ra phục vụ xã hội.

Niềm vui lớn của nhân dân cả nước trước thành công rực rỡ của Cách mạng tháng Tám thỏa mãn chưa được bao lâu, thực dân Pháp lật lọng, trở lại chiếm miền Nam. Với tinh thần giác ngộ lý tưởng yêu nước cao độ, từ quê hương Cái Muồng cây lành trái ngọt, Tô Dự hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp tại tỉnh nhà, công tác trong đoàn Thanh niên Cứu quốc. Như chim được về đàn, năm 1948, Tô Dự về hoạt động tại vùng kháng chiến Cà Mau và được chọn theo học lớp Hội họa Kháng chiến do sở Thông tin Nam bộ tổ chức tại rừng U Minh Thượng – Cà Mau. Thế là mơ ước trong đời của chàng thanh niên giàu năng khiếu hội họa, luôn cháy bỏng khôn nguôi trong lòng ngọn lửa đam mê mỹ thuật được trở thành hiện thực. Từ đó, mỗi ngày, ngoài tập vở và giáo trình học tập gắn bó bên mình, Tô Dự lại cặp theo thêm một tập croquis, bút chì và cục gôm được coi là hành trang bất ly thân của người học trò đắm say nghệ thuật. Tô Dự luôn tìm cơ hội thực hành thêm bài tập mỹ thuật trong vùng kháng chiến. Chàng không bỏ qua một cơ hội nào để thể hiện khát vọng nghệ thuật sôi sục  trong lòng mình. Bất chợt được cầm trên tay chiếc que con, cục than nhỏ hay viên phấn vụn, Tô Dự cũng không bỏ qua cơ hội hí hoáy thành hình vẽ những đồ vật, động vật hoặc người nào chàng bắt gặp. Cũng trong năm này. với nhiều thành tích vượt trội trong công tác và học tập, Tô Dự được kết nạp vào đội ngũ lý tưởng của những người thanh niên yêu nước trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt lúc bấy giờ – Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai năm sau, chàng được phân công làm phóng viên báo Nhân dân miền Nam do đồng chí Trần Bạch Đằng (3) làm Tổng biên tập, rồi sau đó chuyển sang làm báo Cứu Quốc. Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấm dứt sự hiện diện của thực dân Pháp ở Việt Nam, hiệp định Genève được ký kết. Do hoàn cảnh lịch sử năm 1954, Tô Dự tập kết ra Bắc, tiếp tục công tác ở báo Nhân Dân. Năm 1957, anh theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học này vào năm 1961, Tô Dự lại được cử đi học tiếp ngành Hội Họa sơn dầu trong 7 năm tại trường Đại học Mỹ thuật Ki-Ep (Liên Xô trước đây). Sau ngày thồng nhất đất nước, những lần tâm sự khi gặp lại đồng chí anh em, Tô Dự chân tình nhắc lại: “Xa quê nhà đi du học nước ngoài nhưng trong lòng mãi vọng hướng về Tổ quốc yêu thương, luôn nghĩ về miền Nam ruột thịt, tôi ước mong có ngày được về chiến đấu tại quê hương”. Niềm ước mơ trong sáng và chính đáng của họa sĩ đã sớm trở thành hiện thực. Sau 5 năm giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, vào những năm đầu thập niên 1970 của thế kỷ trước, Tô Dự được phép lên đường, vượt Trường Sơn, về Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Là cán bộ cách mạng có lập trường kiên định, anh luôn tỏ ra xót xa, trăn trở trước sự mất mát, tàn phá của chiến tranh và cũng cảm thấy vô cùng tự hào với lòng dũng cảm phi thường, khí phách anh hùng của chiến sĩ và nhân dân ta qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc do thực dân đế quốc gây nên.

Có dịp gần gũi Tô Dự họa sĩ – nhà giáo, là bạn đồng thanh khí, trong những lần đi thực tế chung ở lộ Vòng Cung hay các tỉnh, nghệ sĩ Trần Phương (4)  và tôi được nghe trần tình cặn kẽ về lý do anh chọn lịch sử làm đề tài sáng tác trong họa phấm. Đó là để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của thế hệ tiền nhân. Do vậy, theo Tô Dự, tranh vẽ lịch sử phải được trình bày trên khung kích thước lớn, với nhiều nhân vật và chi tiết sự kiện giao thoa nhau như các tác phẩm của họa sĩ: trận Tầm Vu, trận đánh dinh xã Tây… Tại Cần Thơ thành phố quê nhà, họa sĩ đã tổ chức tại Quân khu 9 một cuộc triển lãm hoành tráng tập trung hơn 100 bức tranh, khá đầy đủ về chủ đề như phong cành quê hương, đất nước, sinh hoạt trong chiến đấu, chân dung… và về phương tiện, kỹ thuật thể hiện: sơn dầu, tranh lụa, bột màu, màu nước, bút chì, ký họa… Hiện nay, tác phẩm chính của Tô Dự được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Nam Bộ, Bảo tàng Quân khu 9, quán Cà phê Mỹ thuật tại ngả tư đường Cách mạng tháng Tám – Trần Phú… Nhân cả nước chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà nội vào năm 2010, họa sĩ Tô Dự vinh dự được phân công vẽ bộ tam bình mang chủ đề lịch sử đi khai phá, mở nước của tiền nhân. Phấn khởi, tự tin, họa sĩ đem hết tâm trí cầm cọ làm việc liên tục ngày đêm vì anh coi đây là cơ hội tốt để mình thể hiện lòng yêu nghệ thuật và tình cảm nồng nàn của mình với Tổ quốc mến yêu. Và thiện chí của Tô Dự được bù đáp xứng đáng. Những sáng tác của họa sĩ vừa trưng bày, được đa phần người thưởng ngoạn nghệ thuật có trình độ thẩm mỹ và giới văn nghệ sĩ uy tín đánh giá cao về chủ đề, nội dung và nghệ thuật.

Tác phẩm “Người đi mở cõi” của họa sĩ Tô Dự

Hành trình vào không gian sắc màu đa dạng của Tô Dự, ta có thể bình tĩnh và khách quan nhận định: tác phẩm của họa sĩ xoay quanh các chủ đề: phong cảnh quê nhà, đất nước, sinh hoạt trong lao động thường nhật, trong hoàn cảnh chiến đấu, chân dung, tĩnh vật… gồm luôn những bức tranh họa sĩ sáng tác trong thời gian theo học mỹ thuật ở nước ngoài hoặc trong lần tập kết ra Bắc, hay những họa phẩm hình thành suốt dọc Trường Sơn trên đường ra Bắc, về Nam. Nhìn tổng thể về khuynh hướng nghệ thuật, qua công tác dạy mỹ thuật ở trường học, đi vẽ ngoài trời với học sinh tại Xóm Chài, Cái Răng hay đi thực tế ở Trung, Bắc, anh em nhận rõ Tô Dự không tách rời khuynh hướng hiện thực (realism), cũng như đa phần họa sĩ cách mạng ba miền. Tuyệt nhiên, trước bạn bè văn nghệ thân quen, có lẽ do tính tình ngay thẳng hiền lành, Tô nghệ sĩ chưa bao giờ để lộ xúc cảm trước những họa phẩm theo các trường phái khó hiểu khác như trừu tượng (abstractionism), siêu thực (surrealism), lập thể (cubism), dã thú (fauvism) hoặc đa-đa (dadaism)… nằm trong thế giới đa đoan của chủ nghĩa hiện đại (modernism) hiện nay còn bị băn khoăn, tranh cãi bởi một số người. Phong cách nghệ thuật thể hiện xuyên suốt  trong hầu hết tác phẩm của họa sĩ qua các giai đoạn công tác nhất là bộ tranh lịch sử hoành tráng 3 tấm chủ đề “Người xưa đi mở nước” đã mang đến cho người xem một thông điệp sâu sắc, rõ ràng với chủ đề và nội dung cao đẹp. Đó là nỗi gian khổ triền miên, tinh thần đấu tranh quyết thắng, tính gan góc trước thiên nhiên nghiệt ngã của cha ông ta nơi vùng đất mới phương Nam. Cảm xúc chan hòa trong một lần được chiêm ngưỡng những bức họa lich sử hoành tráng này của họa sĩ làm tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại những vần thơ tuyệt bút của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (5): “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Nhớ Bắc). Nhìn những sáng tác của Tô Dự, ta có cảm tưởng như họa sĩ đã thổi hồn theo từng vệt màu nét cọ giàu tính trí tuệ mà tinh tế truyền cảm sắc sảo, điêu luyện vì được xử lý một cách chuyên nghiệp trong từng bức tranh, khiến công chúng thưởng ngoạn nghệ thuật có cơ sở thẩm định được tài năng, kiến thức của nghệ sĩ.

Với vốn sống ngồn ngộn dữ liệu và sự kiện lịch sử trong ngót 70 năm hoạt động trong ngành hội họa, cộng với gần 15 năm gắn bó tích lũy chuyên môn với kiến thức giáo khoa kinh điển tại hai trường mỹ thuật, họa sĩ Tô Dự chắc sẽ không còn mặc cảm hạn chế về khả năng và nhân cách của mình trước dư luận. Chịu khó dành thời gian bình tĩnh nhìn lại để thẩm định giá trị số lượng tranh phong phú đủ thể loại và nhiều giải thưởng mỹ thuật của họa sĩ Tô Dự, người ta sẽ có đủ cơ sở để coi ông là một nghệ sĩ hội họa đích thực. Do hoàn cảnh công tác thường phải di chuyển, công tác quản lý và đứng lớp dạy học, nên ký họa là phương cách tốt nhất để họa sĩ tiếp nối ghi lại đầy đủ sự việc, cảnh huống hằng ngày. Chưa tính đến số lượng phong phú của tranh còn ở dạng phác thảo (hiện nay tác giả còn giữ được) tính có trên con số gần mấy trăm bức bao gồm tranh sơn dầu, lụa, sơn mài, bột màu, màu nước… ngoài những tác phẩm họa sĩ đã tặng cho cơ quan nhà nước, viện bảo tàng hiện còn đang trưng bày.

Với tấm lòng yêu đất nước nồng nàn, họa sĩ luôn hướng chủ đề, nội dung đa phần tranh vẽ của mình về phong cảnh đặc biệt là phong cảnh quê hương. Tranh phong cảnh chủ lực của họa sĩ gồm có: Quê tôi Cái Chanh, Cầu dừa Cái Muồng, Cầu Rạch Ngỗng, Cảng Cần Thơ mới giải phóng, Chợ nổi Cái Răng, Ngả Sáu Đông Phước, Sở Thượng –  mùa nước nổi, Chợ sớm trên sông 50 x 60 cm-1997…; cảnh sinh hoạt thường nhật: Chợ sớm trên sông, Đến với bạn, Nông trường sông Hậu (100 x 100 cm- Sơn dầu 1999), Tranh hoành tráng ở Long Mỹ, Xây bắp ở Tây Ninh, Giặt quần áo thương binh, Tráng phim trong rừng, Ông Thầy Đông y…; sinh hoạt gia đình: Bà tôi, Mẹ đâu rồi! ( 20 x 40 cm- màu nước, 1963)…; với thiếu nhi: Đến với các em (lụa 50 x 80 cm…; về lịch sử , nhân vật: Cụ Nguyễn Ái Quốc đến biên giới (40 x 60 cm- bột màu), Bác Tôn ở Ba Son 1928, Chiến thắng Tầm Vu 1948 – 100 x 120 cm, Đến với bạn (140 x 140 cm – sơn dầu)…; trong chiến đấu: Cuộc đấu tranh chính trị tại Cần Thơ 1971, Phụ nữ Khmer chống bắt lính ở Sóc Trăng, Giành chính quyền năm1945 tại Cần Thơ, Đánh kềm chân địch năm 1954, Hai chiến sĩ Cộng sản ra trường bắn, Đơn vị phụ nữ pháo binh, Thanh niên xung phong tải đạn…; dọc đường Trường Sơn: Thanh niên xung phong sửa đường Trường Sơn, Ở rừng Trường Sơn, Phòng mổ dã chiến…; khi du học: Chiến sĩ Hồng quân (Liên Xô), Hè Leningrat. Mùa đông Ucraina… Ông cũng hay vẽ tĩnh vật cùng học trò với đề tài cây trái tươi ngon của đất Nam Bộ quê hương nghệ sĩ: Tĩnh vật (42 x 60 cm – Sơn dầu, 1986)

Họa sĩ sở hữu được khối tác phẩm không ít đó là nhờ đã nắm vững kỹ thuật và phong cách tác nghiệp hợp lý: chuẩn bị kỹ nền tranh, công đoạn phác thảo. Theo thói quen tốt, tác giả ký họa trước kỹ lưỡng bằng bút chì sau khi chỉnh sửa nhiều lần mà không ngại tốn công. Tiếp đến mới lên nháp trên bản thảo bằng màu… cho đến khi thỏa mãn mới chính thức cầm cọ vẽ. Vốn thiên về khuynh hướng hiện thực nên họa sĩ bao giờ cũng rất nghiêm túc trong việc xử lý các định luật mang tính giáo khoa của hội họa cổ điển: từ đường chân trời (ligne horizontale), điểm nhìn (point de vue), bố cục khi vẽ tranh phong cảnh hay tỷ lệ vàng (6) (nombre d’or) áp dụng vẽ chân dung… hay một xử lý dominante (7) thích hợp sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng nền tranh như khung bố, lụa, vải, gỗ, đá… Tác giả sáng tác tranh đủ loại, nhưng dấu ấn nghệ thuật đặc trưng của họa sĩ Tô Dự cũng dễ được phát hiện từ những đường nét tinh tế, cách hòa sắc, chuyển màu và lối sử dụng ánh sáng hợp lý. Theo tôi, đặc biệt tranh phong cảnh của Tô nghệ sĩ khiến cho người xem có cảm nhận là không thiếu bản sắc riêng dù có nét gần gũi với các họa sĩ mang tầm vóc thế giới như Cézanne (1839-1909, Pháp) và Lêvitan (1860-1900, Nga), Bùi Xuân Phái (1920-1988)… theo khuynh hướng ấn tượng (impressionism) hoặc hậu ấn tượng (post-impressionism), chẳng hạn như bức ‘Cái Muồng quê tôi’, Cầu Rạch Ngỗng’, ‘Hai cây dừa lão sau nhà’ … Riêng các bức họa mang tính hoành tráng như: Cảng Cần Thơ mới giải phóng… với nhiều chi tiết và nhân vật lại khiến ta liên tưởng đến một danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993) trong tác phẩm ‘Vườn xuân Nam-Trung-Bắc’. Về các họa phẩm chân dung như: Chiến sĩ Hồng Quân Liên Xô, Hai chiến sĩ ra trường bắn… ngã sang gam màu nóng, đường nét dứt khoát, mạnh mẽ tập trung ở sắc mặt nhân vật, tư thế đứng độc đáo đã lột tả diệu kỳ sự quả cảm và khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng, làm ta nghĩ đến hình ảnh anh giải phóng quân trong bài thơ nổi tiếng của Lê Anh Xuân: ‘Dáng dứng Việt Nam’ – một dáng đứng tạc vào thế kỷ vô cùng độc đáo và anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Tổng quan nhìn lại, theo ý kiến chung nhiều người am tường mỹ thuật, họa sĩ Tô Dự  xứng đáng đứng ở vị trí những cây cột cái của mỹ thuật Tây Đô trong hơn bốn thập niên trở lại đây.  Riêng theo tôi, thực sự không đơn giản chút nào trong việc đánh giá đúng, sai một tác phẩm văn chương nghệ thuật cũng như tác giả của nó. Vì lẽ dư luận hay phê phán về một tác phẩm hay tác giả văn nghệ còn đòi hỏi lại chỗ đứng, kiến thức, chuyên môn, trường phái lẫn trải nghiệm cả nhân cách, đạo đức của người đứng ra phê phán! Ở không gian thời gian nào, văn nghệ mãi mãi đang ở trong cuộc hành trình vô cực, chưa có ai tìm được điểm đến của nàng Nghệ thuật bao giờ! Nhưng điều đáng trân trọng ở đây là ngay từ tuổi thanh xuân hoa mộng, cần hưởng hạnh phúc, nghệ sĩ Tô Dự đã mạnh dạn dâng cả cuộc sống thực tế, hồn cốt, sinh lực cho sự nghiệp phục vụ cái đẹp Mỹ thuật và lý tưởng cách mạng. Lại nữa, dù đã có một vị trí rõ ràng trong xã hội nghệ thuật sắc màu, anh cũng không bận tâm đến thời gian hạn chế của tuổi tác: ngày dài đêm sâu, vẫn sục sôi với tinh thần sáng tạo và cống hiến cái đẹp cho con người, họa sĩ Tô Dự vừa hăm hở cầm cọ vẽ tranh không biết mệt mỏi, vừa cầm phấn lên lớp, truyền thụ kiến thức và trải nghiệm quý báu về chuyên môn cho đám học trò gắn bó, tin tưởng ở mình. Thỉnh thoảng, họa sĩ Tô Dự cũng được mời làm diễn giả nói chuyện mỹ thuật tại các trường học hoặc đóng góp ý kiến cho các cơ quan trong xây dựng tượng đài nghệ thuật. Như một cánh chim trời không mỏi, nghệ sĩ không từ chối tham gia bất cứ sự kiện nào liên quan đến lĩnh vực hội họa và cũng không hề tỏ ra tự mãn với thành tích đạt được. Với số lượng họa phẩm dồi dào đậm tính nghệ thuật và nhân văn, họa sĩ Tô Dự, theo dư luận, là một trong những đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của thành phố Cần Thơ. Theo tôi, nói một cách khiêm tốn, nghệ sĩ Tô Dự cần được trân trọng và ngưỡng mộ như ‘một họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh quê hương’ vì ông đã có lần bộc bạch tấm lòng của mình với anh em nhân kỳ triển lãm tranh của họa sĩ tại phòng Triển lãm Quân khu 9, năm 2009: “Tôi thích vẽ phong cảnh vì tôi yêu quê hương đất nước đẹp đẽ của mình”. Thật cao quý và đẹp đẽ một tâm hồn nghệ sĩ đích thực nặng lòng với Tổ quốc yêu thương!

Đ.T

* Một số ảnh lấy từ  Tạp chí Mỹ thuật và báo Xuân Cần Thơ – 2011

(1)  Tổng Thơ ký                                                                                                                                

(2) Tên một nhạc phẩm của Văn Cao, sáng tác vào những ngày đầu giải phóng.

(3) Nhà thơ Hưởng Triều, nhà văn Nguyễn Thương Thiên Lý

(4)  Nguyên Biên tập viên đài TNVN, phụ trách mục ‘Đọc truyện Đêm khuya’, hiện công tác tại đài PTTH Cần Thơ

(5) Từ dùng của GS TS Trần Hữu Tá

(6)   Luật cân xứng (Nombre d’or) tỷ lệ của Hy Lạp chú trọng đến luật cân đối, kích thước, bố cục do họa sĩ Vitruve đặt thành công thức

(7)  Dominante: màu chủ yếu trong hai màu chính khống chế màu sắc toàn thể bức tranh

* Tài liệu tham khảo:

– Các sách và tạp chí viết về Mỹ thuật bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Đức, Nga,… trong và ngoài nước.

– Từ điển Mỹ thuật  – Hà Nội