Tố Hữu – Một đường thơ, một đường đời

761

Triệu Phong

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu vừa qua, NXB Hội nhà văn đã cho ra mắt bạn đọc một tập sách dày dặn, công phu và nghĩa tình: “Tố Hữu – Một đường thơ, một đường đời”. Nói dày dặn là ở chỗ sách bao gồm 409 trang in khổ lớn 16×24. Nói sách công phu ở chỗ, với các chủ biên Bùi Chí Trung – Mai Thành Tâm, nội dung sách được kế thừa những nghiên cứu công phu tâm huyết của các tác giả trong và ngoài nước, ngoài ra là những bài viết rất đặc sắc của các tác giả Nguyễn Khoa Điềm, Phan Quang, Nguyễn Đình Hương, Nguyễn Đắc Xuân, Kiều Mai Sơn, Ngô Vĩnh Bình, Trần Hồng Hiếu, Nguyệt Tú – Nguyệt Tĩnh, Lê Thống Nhất, Nguyễn Chí Vịnh… Nói nghĩa tình là ở chỗ, tập sách này được chủ trương, đầu tư, thực hiện… từ chính những người con của Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh, thừa hưởng tình cảm đặc biệt của cha mình với chú Tố Hữu, để có một món quà đặc biệt dâng lên ông nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông…

“Nỗi khổ đau và khát vọng độc lập, tự do của một dân tộc phải làm nô lệ đã sinh ra nhà thơ Tố Hữu. Ông đã mang nỗi khổ đau và khát vọng ấy vào thơ ca của mình để cất lên tiếng nói chân chính của cả dân tộc. Bởi thế, trong suốt những năm tháng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, thơ ông là bản tráng ca vang lên trong triệu triệu trái tim những người Việt Nam yêu nước. Không có một nhà thơ nào như nhà thơ Tố Hữu mà sự sách tạo thơ ca của một cá nhân nhà thơ lại trở thành bài ca của cả dân tộc trogn những năm tháng đó”.

Tập sách được bố cục ba phần, phần một với tiêu đề: “Đường thơ Tố Hữu” bao gồm 4 chương: 1- Từ trái tim tới mặt trời, 2- Nắng ánh đường xa, 3- Một tiếng đàn, 4- Nở nụ cười cùng hoa. Phần hai của sách với tiêu đề: “Đường đời thương nhớ” bao gồm 11 bài viết rất xúc động về cuộc đời nhà thơ Tố Hữu của các chính trị gia, Tướng lĩnh quân đội, nhà thơ – nhà nghiên cứu văn học: Nguyễn Khoa, Phan Quang, Nguyễn Đình Hương, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Nguyễn Đắc Xuân, Kiều Mai Sơn, Ngô Vĩnh Bình, Trần Hồng Hiếu, Nguyệt Tú – Nguyệt Tĩnh, Lê Thống Nhất. Phần ba là những tư liệu bản thảo và di cảo của gần 40 bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu, toát lên cho chúng ta thấy ông lao động nghệ thuật nghiêm túc, thiêng liêng, vất vả và công phu dường nào…

Nếu như ở phần một cảu sách, bạn đọc thấy tầm bao quát của nhóm chủ biên, thì phần hai là những bài viết toát lên từ những trái tim bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, con cháu của nhà thơ rất ân tình. Tôi đặc biệt xúc động về những dòng viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – ông thường xuất hiện với công chúng qua những phỏng vấn truyền hình chứ ít khi thấy xuất hiện qua những bài viết, nhưng với nhà thơ Tố Hữu, bài viết gần 10 trang của ông thật thắm thiết, sâu nặng nghĩa tình “Thế là tròn 100 năm ngày sinh Tố Hữu. Lại một cpn người ưu tú nữa của “Thế hệ Vàng” thời đại Hồ Chí Minh đi qua thế kỷ. Với Đất nước, với Đảng, ông là một người cộng sản, một nhà thơ lớn, nhà thơ cách mạng, nhà thơ của nhân dân. Còn với tôi, ông là người bạn, người đồng chí thân thiết của ba mẹ mà tôi may mắn được gặp, được hiểu chút ít về ông. Nay ông đã tròn 100 tuổi, nhưng cũng như Bác Hồ, như ba và những người đồng chí kiệt xuất của họ trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại,những người chân chính – Họ có thể chết, nhưng không thể mất”.

Tập sách ra mắt nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, nhưng chắc chắn rất nhiều năm sau nữa, sách vẫn là một tư liệu hết sức tiêu biểu, quý giá, để nhiều thế hệ thấu hiểu về đường đời đường thơ hết sức đặc biệt của Thi hào Tố Hữu.

T.P