Tô Minh Yến và Đêm gạ lòng với phố

823

Phạm Phương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong “Đêm gạ lòng với phố”, chân dung thơ Tô Minh Yến hiện ra rõ nét hơn. Sự bạo liệt, góc cạnh trong nhận thức tình cảm được tung hứng bằng ngôn ngữ không nguyên tắc, ngữ điệu đứt gãy đã phản ánh trọn vẹn cả những thế mạnh lẫn hạn chế trong sáng tác của thi sĩ.

Nhà thơ Tô Minh Yến

Đêm Sài Gòn, một mình trong căn phòng nhìn ra ô cửa, những giọt mưa thu lất phất, đường phố loang loáng ánh đèn, xe cộ vẫn không ngừng qua lại, hệt như những con thoi miệt mài trong khung cửi. Bất giác cái tựa đề “Đêm gạ lòng với phố” ùa đến, xâm chiếm lấy não trạng của tôi.

Bao câu hỏi hiện lên sau những câu thơ trúc trắc, đầy ẩn dụ. Tôi lật lại tập thơ ấy, mắt đọc mà lòng cứ mang mang. Một Tô Minh Yến trầm lắng, khép mình, mỏng manh như chiếc lá, một phong cách thơ trúc trắc khác lạ hoàn toàn với những bài thơ tình đương đại.

“Đêm gạ lòng với phố” là tập thơ thứ hai của nữ sĩ Tô Minh Yến, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2016, có tổng cộng 61 bài nhưng có đến hơn 25 lần tác giả đề cập đến bóng đêm trong các bài thơ: lòng đêm, đêm rơi, đêm rỗng, đêm rất mật, ngực đêm, đêm mơ màng, đêm sột soạt, choàng đêm, choàng đêm, đêm gối đầu đêm, tựa lòng vào đêm, đêm rỗng… Tô Minh Yến sử dụng hình tượng “đêm” trong thơ như là biểu tượng của bóng tối và là “không gian” bao bọc. Khi lọt vào sự bủa vây giữa bóng đêm, nhà thơ như đối diện với chính mình để nhận ra những mặt đối lập và ẩn khuất mà bao lâu chưa có dịp khám phá: “Đêm gạ lòng với phố/ Trăng bước trượt sau hiên/ Em che mình bằng nhớ/ Vẫn nhu mì tròn nguyên” (Trích – Đêm gạ lòng với phố).

Chất “tình” trong thơ Tô Minh Yến rất mãnh liệt. Nó thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ dám yêu và dám sống hết mình với tình yêu. Tình yêu trong thơ Tô Minh Yến vừa toát lên vẻ đẹp thăng hoa của bản năng sống vừa hàm chứa sự bí ẩn, thiêng liêng: “Dẫu cho đi hết ngọt ngào/ Vẫn không cạn được những khao khát đầy” (Trích – Lát mùa); Hay: “Kề bên anh như muối mặn tình gần/ Tha thiết đắm dù trăm lần chết đuối”. (Trích- Sống Thật)

Sự khát khao mãnh liệt nhưng chứa chất đầy đớn đau được Tô Minh Yến diễn tả bằng những câu thơ ngắt quãng, đứt đoạn làm bật lên đặc trưng muôn thủa của tình yêu: “Trăng nghiêng/ Đêm sột soạt/ Đau/ Tình trong vỏ bọc/ Toạc cào rách đêm/ Em không đủ cái dịu hiền/ Lòng mắc cạn/ Anh dong thuyền ra khơi” . (Trích – Lòng mắc cạn)

Càng đọc, càng khám phá tôi lại càng tò mò. Yến lấy đâu ra nhiều nội lực sáng tác thế nhỉ? Và không thể chờ đợi, tôi mang những câu thắc mắc của mình đến gặp ngay nhà thơ Tô Minh Yến.

Phạm Phương: “Đêm gạ lòng với phố”, cái tựa nghe rất lạ. Chị có thể chia sẻ đôi điều về nó, cũng như sự ra đời của tập thơ?

Tô Minh Yến: Đây là tâp thơ thứ hai của tôi, được xuất bản 2016. Là tập thơ cho mình có mặt trong HNV TP HCM cũng vào năm 2016.

Nó là đứa con tinh thần thứ hai mà Tô Minh Yến cũng rất hài lòng. Vì sau tập thứ nhất “Nửa mảnh trăng gầy”, Yến đã dành hẳn một năm để đọc, tìm hiểu và trải nghiêm ngòi bút của mình ở một thể loại mới, chủ yếu là thể loại tự do và các hình ảnh mình sử dụng cũng đều có chọn lọc. Ngay cả cái nhan đề tác phẩm “Đêm gạ lòng với phố”.

Nói về nhan đề tác phẩm “Đêm gạ lòng với phố” mọi người đọc thấy nó lạ và mới cũng như Phạm Phương vừa nhận xét. Tô Minh Yến không cố tình đánh đố người đọc khi chọn nhan đề cho tác phẩm, mà bởi hai hình ảnh “đêm” và “phố” nó vô cùng gần gũi với mình vì đa phần các sáng tác của Yến đều viết về đêm.

Đêm là hình ảnh không tách rời, là bạn thân thiết để cùng tâm sự, dìu dắt lòng của Yến qua từng ngày, từng thời điểm mệt mỏi, đau khổ, và bất ý nhất. Những lúc như thế, Yến chỉ còn biết “…tựa vào lòng đêm thổn thức”.

Khi nói về đêm, Tô Minh Yến lại nghĩ đến “Phố” là nơi mình làm việc, nghỉ ngơi, ngắm nhìn để chờ những sáng tác ra đời.

Hai hình ảnh “Đêm” và “Phố” nó trở nên gần gũi trong thơ Tô Minh Yến. Tô Minh Yến trở thành người chứng giám cho “Đêm” và “Phố” giao hòa, xoắn xuýt hay nói hình tượng chút xíu là nó phải lòng nhau như cách Tô Minh Yến đã sử dụng từ “…gạ lòng” .

“Đêm gạ lòng với phố/ Trăng bước trượt sau hiên/ Em che mình bằng nhớ/ Vẫn nhu mình tròn nguyên”

Phạm Phương: Điều gì khiến chị tâm đắc nhất ở “Đêm gạ lòng với phố”?

Tô Minh Yến: Hình ảnh trong tập thơ này Tô Minh Yến sử dụng mới lạ hơn vì đã tránh những con đường các anh chị đi trước, tìm các từ các hình ảnh các anh chị ít dùng hoặc chưa dùng để tạo nên phong cách thơ cho bản thân mình. Và điều đó làm cho Tô Minh Yến thấy thích thú. Vì nó mới là cái riêng của mình, tài sản của mình là những gì mình đã đầu tư suy nghĩ để góp một phần nào đó cho văn học nước nhà.

“Em vịn gió qua mùa bão khát
Mây lòng còn trú ẩn mấy cơn giông”

Phạm Phương: Bài thơ nào trong “Đêm gạ lòng với phố” khiến chị ám ảnh? Vì sao?

Tô Minh Yến: Bài “Tựa vào lòng đêm” được Tô Minh Yến sáng tác trong tích tắc như cơn mưa lòng trút mạnh vào đêm. Sau này đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn thấy thích.

“…Mưa ngập phố hờn/ Vỡ tan giấc mơ bong bóng/Nửa mùa thương nhàn nhạt /Không ấm đầy chiêm bao/ Xé tan ngọt ngào giả tạo/ Ta trở về không nương náu/ Tựa vào đêm/ Thổn thức”

Phạm Phương: “Đêm gạ lòng với phố” đã ra đời ba năm rồi. Tô Minh Yến có ấp ủ, dự định gì cho năm 2019 này không?

Tô Minh Yến: Tô Minh Yến sắp cho ra đứa con tinh thần thứ ba vào cuối 2019, Tập thơ có nhan đề là “Khoảng trống mặc áo tình nhân” gồm hơn 63 tác phẩm, cũng đều là thơ tình.

Kết thúc cuộc trò chuyện với nhà thơ Tô Minh Yến, tôi rất ngạc nhiên bởi cách trả lời trực diện, không hoa mỹ, khác hẳn với dung mạo và phong cách điệu đà đậm chất “yểu điệu thục nữ”. Xét đến cùng thì với tập thơ “Đêm gạ lòng với phố”, Tô Minh Yến đã mở ra cho mình một con đường sáng tác khác biệt, đầy đam mê, mới lạ nhưng cũng lắm gian truân. Nó khẳng định con đường đi mang đậm dấu ấn nghệ thuật cá nhân, không lẫn với bất kỳ ai. Đây là điều đáng quý mà không phải nhà thơ nào cũng làm được.

Tôi xâu chuỗi lại cùng tất cả những bài thơ đã đọc trong “Đêm gạ lòng với phố”, chân dung thơ Tô Minh Yến hiện ra rõ nét hơn. Sự bạo liệt, góc cạnh trong nhận thức tình cảm được tung hứng bằng ngôn ngữ không nguyên tắc, ngữ điệu đứt gãy đã phản ánh trọn vẹn cả những thế mạnh lẫn hạn chế trong sáng tác của thi sĩ.