Tô Nhuận Vỹ đi qua những mùa xuân trăn trở

653

17.3.2018-10:00

 Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

 

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ:

Đi qua những mùa xuân trăn trở

 

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

 

NVTPHCM- Tô Nhuận Vỹ là một nhà văn xứ Huế trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, trên nguồn chất liệu phong phú qua quảng thời gian sống, chiến đấu liệt trên mảnh đất quê hương cũng như những năm tháng biền biệt miền Bắc.

 

Ông đi, viết, và sáng tạo liên tục bằng bút lực dồi dào, giọng văn mạnh mẽ, chân xác, để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị như bộ 3 tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng, Ngoại ô, Vùng sâu… gắn với vùng đất, con người xứ Huế trầm lãm mà bi hùng. Ông vinh dự giành nhiều giải thưởng văn học lớn của nước nhà, và là cầu nối quan trọng giữa trung tâm William Joiner Center (Mỹ) với Việt Nam.

 

Từ thôn Vỹ đến những năm tháng Hà Nội

 

Làng nội của nhà văn Tô Nhuận Vỹ là làng Mai Vĩnh – Vinh Xuân (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) nhưng đời ông bà nội đã lên ở Huế sinh sống. Thời thơ ấu, ông về sống bên ngoại ở Vỹ Dạ và tên Vỹ trong bút danh được lấy tên từ mảnh đất thuyền trăng” thơ mộng này. Lý do về ở bên ngoại là do cha, bác và các cô của ông tham gia cách mạng và thoát ly từ rất sớm nên mẹ ông buộc phải đưa các con về ở bên ngoại từ nhỏ. Ở đó, căn nhà, ngõ xóm thôn Vỹ gắn với trường tiểu học Vỹ Dạ, với nhà Nguyễn Khoa Điềm đằng trước rồi đến nhà Tô Nhuận Vỹ, sau nữa là Trần Vàng Sao, Bửu Chỉ… Cả một ngõ xóm của những văn nghệ sĩ tài danh xứ Huế thuở nào. Nơi đây cũng chứng kiến bao chuyện buồn vui, có nước mắt, có nụ cười.

 

Rồi anh em ông theo ba mẹ ra Bắc năm 1955 sau hiệp định Genève. Ra Bắc, ông học trường Chu Văn An (Hà Nội), cùng lớp với bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Vừa lớn lên đủ nhớ một số việc, biết được những năm tháng đầu tiên của miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, nghe những câu chuyện từ hồi kháng chiến chống Pháp còn đọng đâu đó trong ký ức của bao người Hà thành. Sau khi tốt nghiệp khoa văn-sử Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng lứa Nguyễn Khoa Điềm, Ma Văn Kháng, Vương Trí Nhàn, Phạm Tiến Duật thì chiến tranh tới và đi vào chiến tranh bằng lòng nhiệt huyết yêu nước, thương nòi của những người trẻ.

 

Do mắt kém nên việc đi bộ đội ngừng lại 1 năm và  ông được điều về dạy được hơn 1 năm ở trường cấp 3 Hậu Lộc – Thanh Hoá. Mặc dù Tô Nhuận Vỹ viết thư máu để ra chiến trường. Lúc đó, có chủ trương cho chọn nhiệm sở trừ Hà Nội. Tô Nhuận Vỹ chọn Quảng Bình để gần miền Nam nhất, gần quê nhất nhưng lại có người nhận. Và cuối cùng chọn Thanh Hóa vì đang thiếu giáo viên ở trường cấp 3 Hậu Lộc, đặc biệt là giáo viên văn, sử, địa. Dường như Tô Nhuận Vỹ là nhà giáo “khai canh” trường, khó nhất là dạy môn địa của các nước phương Tây. Sang niên khóa thứ 2 thì Tô Nhuận Vỹ sốt ruột lắm, quyết xin đi miền Nam. Buổi cuối cùng giảng bài và chia tay, ông mang ba lô lên vai, hừng hực khí thế “3 sẵn sàng” đi vào tuyến lửa. Sau khi huấn luyện ba tháng ở Hà Nội, vừa kịp mùa xuân thì lên đường vào vùng sâu Phú Vang (Huế), làm phóng viên cho báo Cờ Giải Phóng Thừa Thiên Huế, phụ trách một bộ phận cơ sở nội thành của Báo và Ban tuyên huấn.

 

Thời gian ở chiến trường quê hương, ông đi nhiều với bộ đội, với các đội công tác nội thành và cùng sống cùng hoạt động ở vùng sâu Phú Vang, Hương Thuỷ một thời gian dài. Niềm vui lớn nhất là được mấy mẹ, mấy chị ở cơ sở rất thương. Lúc đó nhà văn còn trẻ, trắng trẻo, thư sinh nên các mẹ, chị hay đùa: “thư sinh ri mà chui bụi lủi bờ suốt đêm suốt hôm, bỏ Hà Nội vô đây hứng bom hứng đạn, không biết sống chết khi mô!”. Các mẹ các chị thương lắm, lo ăn uống đầy đủ, chu đáo. Thâm chí, có lần giao liên còn giao cả “Công văn rau muống” đầu mùa cho chiến sĩ. Tô Nhuận Vỹ ôm bó “công văn” xanh mướt, còn đẫm nước mà cảm động ứa nước mắt như lời nhà văn thuật lại sau này.

 

Cuối mùa xuân1968, nhà văn Tô Nhuận Vỹ trên đường đi công tác đã bị thuong nặng. Hôm đó, nhà văn đi cùng tiểu đoàn chiến đấu để viết bài ở Đông Di Tây. Nhà văn đi theo Chính trị viên tiểu đoàn, bộ đội liên lạc. Lúc đó, một máy bay trực thăng vũ trang UH-1A của Mỹ bay trên đầu bắn một quả rocket khiến Chính trị viên tiểu đoàn, đồng chí bộ đội liên lạc hy sinh ngay tại chỗ. Riêng Tô Nhuận Vỹ toạc cả hông, vỡ bụng, một đồng chí bộ đội lấy băng quấn lại, vào nhà dân cấp cứu, khâu đến 18 mũi và phải khiêng lên rừng, cả năm sau chưa lành.

 

Trong cuộc chiến đó, có mọt cái duyên, niềm hạnh phúc lớn lao giữa khói lửa khi cô học sinh Đồng Khánh, cơ sở nội thành Thu Tím – Phạm Thị Cúc, đã ở bên, chăm sóc người thương bình từng thìa cháo, lau rửa vết thương hàng ngày ở Viễn Trình. Họ cảm thương, yêu nhau, thắp nên ánh lửa từ hầm sâu, từ bom đạn. Sau này, hai người ra Hà Nội và nên duyên trong một mùa xuân đẹp. Mùa xuân năm 1971, đám cưới giữa nhà văn Tô Nhuận Vỹ và cô Phạm Thị Cúc được tổ chức đặc biệt tại báo Tiền Phong vào ngày 27/2 và được ông Phan Tứ làm chủ hôn. Hôm đó có cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đến dự. Lý do chọn báo Tiền Phong làm nơi tổ chức hôn lễ vốn bắt đầu từ bài báo của phóng viên Tô Nhuận Vỹ từ miền Nam gửi ra đăng báo Tiền Phong lúc còn ở chiến trường Huế. Khi nhà văn ra Hà Nội, thăm trụ sở, mọi người quý đến nổi xếp hàng hai đón tiếp rất trọng thị. Những ngày tháng quay trở lại thủ đô với rất nhiều sự kiện. Đau thương nhất là chứng kiến Không quân Mỹ thả bom Hà Nội. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cùng Bùi Vợi, Phan Thị Thanh Nhàn, Văn Dinh làm phóng viên tăng cường cho báo Người Hà Nội Mới và trực tiếp đến hiện trường vụ Khâm Thiên (1972). Những hồi ức nước mắt đó ám ảnh ông không bao giờ quên.

 

Không thể không cầm bút

 

Tô Nhuận Vỹ lăn lộn trên chiến trường, nếm trải bao mùi vị của cuộc chiến, bao tình thương ấm áp và ông nhận ra rằng không thể không viết một tác phẩm nào đó và nhân dân trong cuộc chiến là nguồn chất liệu vô cùng. Việc làm phóng viên trăm bài báo không đủ thiếu, viết chục truyện ngắn cũng không đủ thiếu để chuyển tải tất cả nên chuyển qua viết tiểu thuyết để đủ sức chứa tất cả những gì mà chàng thanh niên Tô Nhuận Vỹ đang rạo rực cống hiến. Nói như chính phát biểu của ông là: “Các bài báo, truyện ngắn mà tôi đã viết trong mấy năm làm phóng viên mặt trận cho báo Cờ Giải Phóng không “ăn nhằm” gì với sự kỳ vỹ, lẫm liệt và cả khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên đã “cả gan” viết tiểu thuyết dài tập ngay khi mới hai mươi mấy tuổi”. Sự cả gan ấy đã khởi đầu cho ra đời bộ 3 tập “Dòng sông phẳng lặng” dày 2000 trang như thế đó. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ chia sẻ rằng, vai trò quần chúng cực kỳ lớn trong chiến tranh, đặc biệt là Mậu Thân ở Huế. Dòng sông phẳng lặng, có 3 tập nhưng chỉ dành nửa tập để nói về mấy chục ngày chiếm thành phố. Toàn bộ là cuộc chuẩn bị cho việc đánh thành phố, chuẩn bị lương thực, vũ khí, hầm bí mật, trinh sát, đặc công việc phục hồi lực lượng cách mạng, xây dựng lại đội ngũ, cơ sở mới thực sự quan trọng. Việc … là quan trọng nhất. Do đó việc chiếm thành phố 26 ngày là tất nhiên.

 

Tập 1 Dòng sông phẳng lặng được khởi viết từ năm 1970 và đến năm 1974, ra mắt bạn đọc, đích thân Văn Cao vẽ bìa, in tới 40. 000 bản và được báo Nhân Dân trích đăng, Đài Tiếng nói Việt Nam, ngay sau đó, trong mục Đọc chuyện đêm khuya đã đọc toàn bộ tập này trong gần hai tháng ròng rã.

 

Tiểu thuyết ra đời đi cùng niềm vui với người viết, gửi ra chiến trường như một hành trang ra trận của các chiến sĩ được nghe đọc truyện đêm khuya trên đài phát thanh. Bộ đội vào Nam chiến đấu được nghe, truyền cảm hứng, cả sự tự tin trước khi ra trận. Sau này, nhà văn Tô Nhuận Vỹ còn bắt gặp lại những kỷ niệm không quên về “hành trang” một thời trên đài phát thanh ấy cho các chiến sĩ. Trong một lần ra tận biên giới Cao Bằng với đoàn Hội nhà văn Việt Nam, Chủ tịch hội văn nghệ Cao Bằng lúc ấy là binh nhì từng nghe đọc truyện đêm khuya trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt, đã tự động viên mình vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đã chia sẻ với nhà văn Tô Nhuận Vỹ những khoảnh khắc đó. Thậm chí, một cán bộ cao cấp khác sau này cũng kể vanh vách các chi tiết, nhân vật trong Dòng sông phẳng lặng mà anh lính cụ Hồ vào Nam chiến đấu được nghe. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cảm nhận được một thê hệ hết sức thiêng liêng, thiêng liêng ngay trong từng suy nghĩ, hành động. Và tác phẩm của ông như góp sức, như một viên đạn chi viện cho anh em ra trận.

 

Ngưng nghỉ mãi gần 30 năm với một lịch trình cống hiến to lớn cho văn học, văn hóa Huế nói riêng và cả nước nói chung với vai trò ở Tạp chí Sông Hương, Hội Văn nghệ, Hội Nhà văn và cả công việc gia đình, nhà văn Tô Nhuận Vỹ bất ngờ quay trở lại với tiểu thuyết Vùng sâu. Trong Vùng sâu, thông qua bốn nhân vật chính của Hà Nội (Hoài cán bộ an ninh chi viện cho mặt trận Huế và Trinh, một cán bộ đối ngoại) và Huế (Thảo và Phước, hai chiến sĩ hoạt động nội thành), nhà văn muốn nói đến mặt trái của chiến tranh, thời hậu chiến, phong trào đô thị. Lẽ ra những anh hùng của cuộc chiến, cuối cùng thành tội đồ, oan ức, nhất là mặt trận Huế. Nhưng họ vẫn sống tốt, tốt không có lý do, tốt không có điều kiện.

 

Hiện nhà văn Tô Nhuận Vỹ đang ấp ủ tác phẩm cuối đời về vấn đề con người trên mảnh đất này. Nơi giằng co từ xưa đến nay, từ thời Trịnh Nguyễn đến chống Mỹ, trong gia đình, dòng tộc đến xóm làng, phố thị. Số phận con người trong chiến tranh, không phân biệt địch ta, không phân biệt Nam Bắc. Ông cho rằng, chiến tranh tất có sai lầm và khó phân biệt rạch ròi đúng sai. Nếu sai với một gia đình, xin lỗi một gia đình, sai với mười gia đình xin lỗi mười gia đình. Đó như một bật mí về cuốn cuối cùng của cuộc đời. Ở đó, nhà văn Tô Nhuận Vỹ tái khẳng định về sự viết: “Dồn sức để viết. Thà viết cái gì bằng hoặc hơn còn thua không viết. Phải giữ được sự trong sáng, chân thật của ngòi bút nhà văn”.

 

Hãy viết những điều nhân văn

 

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đánh giá cao các tác phẩm văn học nước nhà trong những năm qua, nhất là thời kỳ đổi mới cho đến nay. Cả lượng và chất của các tác phẩm đã khẳng định nhiều tên tuổi trên văn đàn. Tuy nhiên, nhà văn cho rằng bên cạnh cái phiếm dụ, cũng cần thiết có sự tụng ca những điều tốt đẹp, nhân văn là một kênh rất quan trọng trong cuộc đời. Ông cho rằng hiếm người viết tới cùng, sắc sảo và lạnh như thế hệ Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Dù vậy, kiểu Victor Hugo ca ngợi điều tốt đẹp, nhân văn không phải lúc nào cũng nở rộ. Một hiện thực chiến tranh và hậu chiến có quá nhiều đau thương, bi hùng, những số phận khắc nghiệt, cay đắng. Nhà văn tự ý thức điều này và như trong tiểu thuyết Vùng sâu, đến nhân vật xấu nhất cũng có điểu tốt đẹp, dù là nhỏ nhoi nhất. Phê phán cái xấu và cũng phải tôn vinh cái đẹp. Khi người viết hỏi ông về những điều tốt đẹp nhất, ông trả những điều ấy nằm trong nhân dân, những con người nhỏ bé mà lương thiện, trong chiến tranh cũng như hôm nay, giữa bầu trời hòa bình như những chuyện kể dưới đây. Nhắc chuyện nhà phê bình Thụy Khuê cũng từng ca ngợi con người nơi đây với những phẩm chất tốt đẹp khi bà đến thăm Huế. Bài viết nói cái xấu quá nhiều, mà quên những cái tốt quanh đây. Hãy thổi những hương thơm đó vào cuộc sống, thắp sáng những lửa ấm bao dung. Và văn hóa đến từ cái nhỏ nhặt, từ việc dẫn một cụ già qua đường, từ một em bé trả lại của rơi nhặt được, một cái cúi chào, một lời cảm ơn…

 

Trước thềm xuân 2018 mấy tuần, nhà văn Tô Nhuận Vỹ không may bị tai nạn giao thông trên đường về nhà sau buổi gặp gỡ cà phê hàng ngày với bạn bè văn nghệ Huế bên bờ sông Hương. Cú va chạm khá mạnh khiến ông ngã sấp mặt, tưởng chừng rất nguy kịch. Lúc đó, người đầu tiên phát hiện tai nạn là cô bán bánh mỳ dạo. Chị này vừa thấy ông ngã xuống đường liền vứt thúng bánh mỳ, trong đó có cả số tiền bán mỳ, chạy lại sờ xem người bị nạn có sao không. Lúc này, Tô Nhuận Vỹ đã bất tỉnh, chị liền hớt hải chạy vào quán cà phê có anh em bạn bè đang ngồi và la lên: “Bạn của mấy bác bị tai nạn!”. Mọi người liền đổ xô ra hiện trường, đưa nhà văn đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Trung ương Huế. Sau này có người hỏi cô bán bánh mỳ: “Răng mi vứt cả thúng bánh mỳ, cả tiền bạc rứa?”, cô mới trả lời: “Thấy người ta gần chết như vậy không vứt sao được?”. Sau này, nghe lại chuyện, nhà văn Tô Nhuận Vỹ rất cảm động. Chính những con người nhỏ bé đó đã tạo nên cuộc sống nhân văn.

 

Một chuyện khác, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đến ATM VietinBank ở Huế để rút ít tiền. Trạm rút tiền báo “đang bảo dưỡng kỹ thuật” nên nhà văn lại chạy tới trạm khác nhưng trạm này cũng tạm dừng hoạt động. Ông lại chạy qua trạm ATM BIDV bên cạnh, làm mọi “thủ tục khai báo” nhưng thấy máy đùn thẻ ra, tôi lại đút vào lần nữa sau khi lại khai báo như lần đầu máy lại vẫn đùn thẻ ra. Nhà văn nghĩ máy lại trục trặc, xem như hôm nay không gặp may. Ông liền qua trạm ATM khác. Lần này, vừa dựng xe, chuẩn bị mở cửa rút tiền thì một cậu thanh niên mặt phúc hậu, phóng xe máy tới.- Răng bác rút thẻ mà không lấy tiền? – Cậu ta thảng thốt nói. Nhà văn ngớ ra, trả lời: – Tui tưởng tiền “ra” rồi mới thẻ “ra” chớ, tui quen bên VietinBank lâu ni rứa. – Bên ni khác, bác theo cháu quay lui lấy tiền đi. Rồi cậu thanh niên chạy xe theo nhà văn quay lại ATM BIVD. Thì ra, cậu là người rút tiền sau mà thấy có tiền vẫn còn đó nên đoán ra sự tình, vội lấy xe đuổi theo. Chu đáo hơn, cậu còn để tiền lại cho một bác xe thồ, phòng khi nhà văn quay lại thì trả nếu cậu đuổi theo tôi không kịp. Trao xong, bác đạp xe tới người khách vừa hô “thồ!”, cậu thanh niên không biết đã đi đàng nào, không kịp cho nhà văn nói một lời cảm ơn.

 

Những chuyện nhỏ bé đó đã tác động rất lớn đến nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Bởi vậy, dù thời chiến hay thời bình, đã trải qua 77 mùa xuân, ông luôn nói rằng mình có một món nợ rất lớn, món nợ không bao giờ trả được, đó là món nợ tình cảm với nhân dân.

 

VĂN NGHỆ, SỐ 11/2018

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…