Tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như

166
(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng ngày 20/12/2023, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp cùng gia đình nhà thơ Hải Như tổ chức buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của ông với chủ đề: “Hải Như – một thế kỷ suy tư”.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có một số lãnh đạo đang công tác trong các cơ quan nhà nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo, các khách mời cùng gia đình nhà thơ Hải Như và các cơ quan báo đài tham gia đưa tin.

Nhà thơ Hải Như sinh ngày 27/11/1923 tại Nam Định. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, lúc còn là học sinh, ông đã làm thư ký cho Hội truyền bá Quốc ngữ. Sau khi tham gia cướp chính quyền tại Nam Định, ông phụ trách công tác thanh niên Việt Minh huyện Mỹ Lộc. Ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được giao phụ trách đội kịch lưu động huyện Nam Trực. Năm 1946, ông chính thức gia nhập quân đội và đảm đương vai trò thư ký tòa soạn báo Sông Lô của phòng chính trị liên khu 10 Việt Bắc. Năm 1949, ông được cử đi học lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng, rồi về báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân bây giờ). Năm 1954, tiếp quản Thủ đô, ông chuyển sang làm báo Cứu Quốc. Đất nước thống nhất, ông chuyển vào cư ngụ tại TP.HCM và làm Phó Tổng Biên tập báo Giác Ngộ cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhắc đến Hải Như, công chúng phổ thông nhớ ngay đến những ca khúc nổi tiếng được dựa trên lời thơ của ông, đó là bài hát “Như hoa hướng dương” do Tô Vũ phổ nhạc, bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” do Lương Vĩnh phổ nhạc, hoặc bài hát “Nơi ấy điểm hẹn” do Trương Tuyết Mai phổ nhạc.

Nhà văn Bích Ngân, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu mở đầu buổi tọa đàm

Thế nhưng, sự nghiệp văn học của nhà thơ Hải Như có chiều kích rộng lớn hơn những điều độc giả bình thường đã cảm nhận được qua những kênh truyền thông đại chúng. Nhà thơ Hải Như còn có thành tựu ở lĩnh vực văn xuôi, kịch bản và thơ dịch… mà thời gian càng lùi xa thì những đóng góp của ông càng hiển lộ trong sự ngạc nhiên của bạn đọc hậu sinh thiện chí và sự thán phục của đồng nghiệp tiếp nối sáng tạo.

 Sau một hành trình dài cống hiến cho cách mạng và văn chương, nhà thơ Hải Như đã vĩnh biệt nhân gian ngày 30/6/2017 tại TP.HCM.

Phát biểu tại buỗi lễ, nhà văn Bích Ngân, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM bày tỏ: “Nhà thơ Hải Như cả đời lặng lẽ và miệt mài cầm bút. Ông có sức thuyết phục độc giả ở nhiều thể loại khác nhau. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, thì mảng thơ nổi bật nhất trong sự nghiệp của nhà thơ Hải Như là đề tài Hồ Chí Minh. Nhà thơ Hải Như quan niệm: “Tôi không làm báo về Hồ Chí Minh, không xưng tụng lãnh tụ mà thông qua nhân vật trong bài thơ của tôi người đọc rút ra được bài học hoặc liên hệ với mình, đó là chức năng của văn học.  Làm thơ về đề tài Hồ Chí Minh, tôi mong muốn được gửi gắm, ký thác những điều suy nghĩ theo năm tháng, cuộc đời. Tôi viết về con người Hồ Chí Minh theo cảm nhận của riêng tôi và gửi gắm vào đó những nỗi niềm của mình chứ không chỉ minh họa cụ Hồ là lãnh tụ và công đức”. Hôm nay chúng ta tưởng nhớ nhà thơ Hải Như, còn là dịp để chúng ta cùng nhau xác định một sự thật, một xác tín: tác phẩm Hải Như vẫn còn tiếp tục sức sống ở tương lai”.

Nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn phát biểu và giới thiệu về tập sách “Hải Như – thơ và tiểu luận”

Buổi tọa đàm “Hải Như trăm năm suy tư” với mục đích thông qua tuyển tập “Hải Như – Thơ và tiểu luận” để có cuộc gặp gỡ ấm áp giữa giới cầm bút phương Nam và thân nhân của cố nhà thơ Hải Như, nhằm ôn lại những kỷ niệm về Hải Như và tôn vinh những ngày Hải Như tận tụy cống hiến cho văn chương.

Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển cảm nhận về thơ Hải Như

Đại tá, nhà thơ Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập báo SGGP, người từng có những buổi gặp gỡ và trò chuyện với nhà thơ Hải Như lúc sinh thời khẳng định: “Hải Như là một trong những người con ưu tú, là văn sĩ gạo cội của quê hương Nam Định, một con người suốt đời cống hiến cho nền Văn học nghệ thuật. Sự nghiệp văn học của nhà thơ Hải Như có chiều kích rộng lớn hơn những điều độc giả bình thường đã cảm nhận được qua những kênh truyền thông đại chúng. Nhà thơ Hải Như còn có thành tựu ở lĩnh vực văn xuôi, kịch bản… Tác phẩm của ông để lại, đặc biệt là thơ đã đi vào đời thường và lan tỏa trong lòng bạn đọc”.

Trong bài tham luận của nhà thơ Phùng Qúy Nhâm, ông mong muốn Nên có con đường mang tên Hải Như ở Tp Hải Phòng.

Ông Trần Quốc Cường, UVTƯĐ – Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên bày tỏ sự tôn quý đối với nhà thơ Hải Như

Từ thành phố Điện Biên, ông Trần Quốc Cường, UVTƯĐ – Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã đến tham dự và bày tỏ: “Ngay từ khi còn đi học, chúng tôi đã thuộc lòng những bài hát được phổ thơ Hải Như. Sau này, những bài thơ viết về chủ tịch Hồ Chí Minh được phổ biến trong một số cơ quan mà chúng tôi công tác. Đó là những bài thơ nằm lòng trong mỗi chúng tôi. Dù nhà thơ Hải Như chưa được đặt tên đường, nhưng tên tuổi của ông đều được biết đến không chỉ trong tôi mà còn trong lòng người dân thành phố hoa phượng đỏ”.

Nhà thơ Phạm Trung Tín, bạn thân của con trai nhà thơ Hải Như đọc bài tham luận trong buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm tưởng nhớ nhà thơ Hải Như còn có nhiều tham luận từ các nhà văn: Tô Hoàng, Lê Thiếu Nhơn, Phạm Trung Tín, Trường Tuyết Mai…

Nhân dịp 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hải Như, Hội Nhà văn TPHCM đã trao giải Cống hiến cho ông và Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tuyển tập “Hải Như – Thơ và tiểu luận” như một phác thảo sơ lược về di sản văn chương mà ông để lại cho cộng đồng.

Phùng Hiệu