Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại” tại Tp Cần Thơ

59

Sáng ngày 6.11.2024, tại Tòa nhà Công nghệ cao Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra cuộc Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại” do Hội Nhà văn Cần Thơ phối hợp Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Tòa nhà Công nghệ cao Trường Đại học Cần Thơ, nơi diễn ra cuộc Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”.

Đến tham dự tọa đàm có nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên Vanvn; nhà văn – nhà thơ Đoàn Hữu Nam – Ủy viên Hội đồng Văn xuôi.

Về phía đơn vị tổ chức, có nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ, nhà văn Kim Thanh – Phó Chủ tịch, Tiến sĩ Tạ Đức Tú – Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó Trưởng bộ môn Ngữ văn.

Về tham dự Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại” còn có nhiều nhà thơ, nhà lý luận phê bình là khách mời đến từ các tỉnh thành khác: Đỗ Nguyên Thương (Phú Thọ), Trần Thanh Dũng (Sóc Trăng), Nguyễn Đinh Văn Hiếu (Trà Vinh), Trần Đức Tín, Huỳnh Khang, Vũ Thụy Nhung (TPHCM),… cùng đông đảo các đồng nghiệp, thầy cô giáo, sinh viên ở Cần Thơ. Trong đó có nhà nghiên cứu lão thành Lê Xuân – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca, người có tham luận công phu “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” trình bày từ Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa – Ngôn ngữ – Văn chương – Nghệ thuật Việt Nam ở Nam Bộ” diễn ra ở Trường Đại học Tây Đô hồi cuối tháng 3.2024, đã được lấy làm tên gọi cuộc tọa đàm lần này, cùng nhiều tên tuổi khác như: Huỳnh Kim, Cao Thanh Mai, Đặng Hoàng Thám, Đặng Tuyết, Huệ Thi, Lê Văn Long, Huyền Văn, Hoàng Khánh Duy, Thuý Dung, Trang Thùy Lê, Thanh Trần, Trần Tuấn Kiệt,…

Nhà thơ Phan Hoàng và các tác giả tặng sách thơ 1-2-3 cho đại diện Trường ĐH Cần Thơ, Hội Nhà văn Cần Thơ.

Sau lời khai mạc của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Tiến sĩ Tạ Đức Tú phát biểu lời chào mừng, chương trình do nhà thơ – MC Huệ Thi điều phối với chương trình văn nghệ điểm xuyết của sinh viên và tham luận, ý kiến của các nhà thơ, nhà lý luận phê bình: Trần Thanh Dũng, Phan Hoàng, Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Minh Ca, Trần Đức Tín, Lê Xuân, Hoàng Khánh Duy, Đỗ Nguyên Thương, Nguyễn Đinh Văn Hiếu,…

Niêm luật cho thấy: Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị. Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện. Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt. Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành Thơ 1-2-3.

 

Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên phát biểu khai mạc

Xuất hiện trên thi đàn từ mùa thu năm 2018 đến nay đã có gần 1000 cây bút tham gia sáng tác thơ 1-2-3 đăng tải trong và ngoài nước, được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có 12 tập thơ riêng về thơ 1-2-3 của các giả đã xuất bản: Nguyễn Đinh Văn Hiếu, Trần Thanh Dũng, Vũ Thanh Thủy, Trần Nguyệt Ánh, Hoàng Hải Phương, Phạm Thị Phương Thảo. Trần Nhã My, Bùi Thanh Hà, Tạ Hùng Việt, Vũ Trần Anh Thư, Nguyễn Tiến Nên và nhiều thơ 1-2-3 in chung vào các tập thơ khác. Diễn đàn Thơ 1-2-3 do nhà thơ Huỳnh Khang và một nhà thơ khác quản trị trên facebook cũng khá sôi động, kích thích cảm hứng sáng tạo thể thơ mới này.

Theo Tiến sĩ Tạ Đức Tú, cuộc tọa đàm đầy ý nghĩa về thơ 1-2-3 diễn ra sôi nổi và thành công ngoài mong đợi. Nhiều tham luận, ý kiến sâu sắc đã được trực tiếp trình bày gây ấn tượng mạnh mẽ. Đây là cuộc tọa đàm đầu tiên về thể thơ mới thuần Việt đang trở lành trào lưu sáng tác thịnh hành nên gây nhiều sự chú ý và quan tâm của giới sáng tác, nghiên cứu. Cuộc tọa đàm mang lại nhiều cảm xúc về thơ 1-2-3, nhất định sẽ mở ra những cuộc tọa đàm khác về văn học cho Trường Đại học Cần Thơ thời gian tới.

Ngoài tham luận và ý kiến, các nhà thơ còn trả lời nhiều câu hỏi thú vị do các bạn sinh viên “chất vấn” về thơ 1-2-3 và những vấn đề liên quan tới sự sáng tạo, lan tỏa, nghiên cứu về thi ca, văn học. Đến cuối buổi tọa đàm mọi người vẫn ngồi lắng nghe chăm chú và tham gia tranh luận nhiệt tình.

Sau đây xin giới thiệu nguyên văn lời khai mạc tọa đàm của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ và một số hình ảnh Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”.

Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên phát biểu khai mạc

“Kính thưa Ban lãnh đạo Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ!

Kính thưa quý vị khách mời!

Các em sinh viên thân mến!

Tôi rất vui và vinh dự khi được phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại” hôm nay.

Kính thưa quý vị!

Trước tiên tôi trân trọng cám ơn nhà thơ Phan Hoàng, người khai sinh thể loại thơ 1-2-3. Cám ơn ban lãnh đạo Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ và kết nối với Hội Nhà văn Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm này.

Kính thưa quý vị!

Phát biểu về thơ 1-2-3 tôi xin mời nhà thơ Phan Hoàng và các diễn giả khác. Riêng tôi với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ, tôi thấy rằng kết hợp được với Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức được buổi tọa đàm này là một việc làm cần thiết và hết sức quý báu trong giai đoạn hiện nay.

Hội Nhà văn Cần Thơ và một số hội văn học nghệ thuật các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang lâm vào tình trạng khủng hoảng lực lượng kế thừa, hầu hết các nhà văn hội viên đều cao tuổi. Do nhiều lý do khách quan Hội không tổ chức được các hoạt động thu hút các bạn trẻ yêu văn chương làm tiền đề cho việc kết nạp hội viên ở giai đoạn sau.

Do đó, việc giới thiệu đến các bạn sinh viên hoạt động mang tính đặc thù thế này là rất cần thiết. Nó khơi gợi lòng yêu thích văn chương ở các em sinh viên, là nguồn động viên rất lớn để các em đến với đam mê văn học và việc chọn lựa nghề nghiệp sau này.

Tôi hy vọng thời gian sau sẽ được tiếp tục hợp tác với Khoa khoa học xã hội và nhân văn tổ chức các hoạt động tương tự”.

P.V