Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến

175

Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…

“Rước em về cho bến nghỉ ngơi

Thuyền hoa ơi, dừng đây thôi…”

          (Thuyền hoa – Phạm Thế Mỹ)

  ***

Đám rước dâu đã đi vào khúc ngoặt của dòng sông.

Khúc ấy là phía Tây, vẫn còn nguyên trong vùng sáng của mặt trời cuối ngày nhưng đoạn phía sau có hàng sặt mọc kín đôi bờ đã bắt đầu chìm vào bóng tối.

Khi con thuyền dẫn đầu chạm mũi vào vùng nước quẩn, người thanh niên cuối lái đứng dậy, giơ tay làm hiệu. Chèo nhất loạt dừng. Đã nhìn thấy ngôi miếu cổ trên gò đất lớn ngập trong nắng quái đèn hoa giăng kín lối vào. Đoàn rước dâu nếu đi về phía ấy sẽ phải qua xoáy nước, bỏ lại triền đê đầy hoa cỏ may cuối mùa màu tím đất, cây cầu gỗ phai lỗi nhịp và một bến đò ngang, đường xuống trùm kín cỏ, nhưng không phải bến hoang vì mái quán mới lợp lại lá gồi.

Người thanh niên vẫn giơ tay làm hiệu…

Con thuyền hoa vẫn lặng im chờ như đã đứng đó từ mấy mươi năm trước, lúc đưa hai người, một lớn một bé dắt díu nhau lên bờ, ở khúc sông này, vào một đêm mùa đông.

***

Đêm ấy không mưa nhưng bốn bề mù sa như giăng màn, chụp kín bóng hai người ngồi chúi vào nhau trên nền quán cũ trơ bục đất. Tiếng trẻ con lẫn trong tiếng sóng bảo gió lắm, mẹ sát vào đây, chỗ khuất gió này… Cẩn thận không sương ngấm…

Lặng đi một lát. Tiếng ho dịu dần. Tiếng thở cũng nhẹ hơn. Rồi lau sậy bốn bề cũng tĩnh. Chỉ còn tiếng con gái rì rầm trong bóng tối, bảo rằng đây là đất quê mình, cái quán này ngày xưa là của mẹ, đêm nay sương chứ nếu ráo trời, từ chỗ này nhìn sang sẽ thấy bóng một ngôi nhà gạch.

Đấy là nhà ông bà ngoại…

Làng mẹ phía bên kia dòng sông…

“Nói chính xác thì hơn mười năm trước đấy mới là nhà ngoại. Còn bây giờ nó là của người khác…”

Người đàn bà nãy giờ ngồi gục đầu bên bục đất vốn là chỗ ngồi trên nền quán, tưởng ngủ mà hoá ra không, ngẩng đầu lên ngóng về làng cũ, bảo rằng chỗ này vốn là cái bến đò ngang nhưng từ ngày mẹ đi thì bỏ, ai muốn sang sông phải xuôi thêm một quãng. Chỗ ấy có cây cầu gỗ…

***

…Nhà Hiến vừa đi qua cây cầu ấy về làng.

Ngõ vào càng sâu càng tối, nghe người đàn bà vác đứa con oặt như sợi bún thiu trên vai hỏi tình hình như nào rồi thầy nó thì cau mặt gắt mù hử, nhìn thì biết… Đứa trẻ giật mình cất tiếng khóc, những âm thanh khè khè không thoát nổi ra ngoài cổ họng, nghe như tiếng mèo hen.

Hiến quăng cái bao xuống bậc hè. Người đàn bà không nhìn lên bảo cu nhà mình đuối lắm, thuốc nhiều như này không chịu nổi đâu…

Im lặng…

Bốn bề vườn bất chợt ào ào tiếng gió. Rồi mưa, ràn rạt từ ngõ vào sân.

“Mưa từ bến lên… Mấy nay tôi nghe người ta đồn …”

Tiếng người vợ vẫn rì rầm, tưởng chỉ lãng đi là không nghe rõ nhưng lần này Hiến quay phắt lại, rít lên hóng hớt vừa thôi. Chúng nó dẫn nhau về, ở đâu kệ nó. Từ giờ cấm chỉ lê la… Rồi nửa kể nửa vu vơ hôm nay tao vào thầy Thông Hạt… Thầy bảo đất này long mạch không thông, phải tìm cách hoán đổi thì vận mới bền… Phải tìm đứa nhà nào hơn con mình đúng bảy tuổi, cưới về đây để nó gánh đỡ cho. Thằng Thanh mệnh kim, hơn bảy sẽ là thổ, thổ đấy vừa sinh vừa trợ, rồi con mình mới khoẻ mạnh dần lên, hậu vận nhà mới phát…

Ngoài kia, bốn bề vẫn sầm sập nước.

Tiếng người đàn ông vẫn quẩn trong hơi mưa: “Làng này có con nhà Phong Thức, nhà Tùng Mai… Tao vừa vào nhà Tùng Mai…”

***

… Đoàn rước dâu đã đi vào khúc ngoặt của dòng sông. Bên kia xoáy nước là Gò Ông Đống.

Người thanh niên trên con thuyền đi đầu giơ tay làm hiệu rồi hướng về phía ấy gọi chú Hởi ơi!

***

“Chú Hởi ơi!”

Hởi ngừng tay đang gút nút lạt trên mái quán nhìn ra sông. Con bé Thuỵ đã ra đến giữa dòng quay lại vẫy vẫy. Hởi bảo cẩn thận, chỗ ấy có cái xoáy nước. Nó cũng gào lên trả lời bảo còn dễ qua hơn cái vực Gò Ông Đống…

“Xoáy nước này thuận, nếu không có lũ thì cứ lựa bên phải, giữ khoảng cách tầm chục mét mà tránh. Vực vào Gò nó còn qua được thì xoáy Bến Hàn này ăn thua gì…”

Có tiếng nói từ dưới vọng lên, người đàn bà ngồi bên thềm quán nhìn mãi về phía con thuyền nhỏ, chờ nó sang đến mạn bên kia sông Hàn rồi mới cúi xuống tiếp tục đan tấm giại từ những thanh cật tre tươi xếp thành hàng bên bục đất trong khi Hởi xiết nốt mối buộc cuối cùng rồi nhảy xuống xách tay lưới, vác chèo lên vai.

“Tuần trước lão ấy vào nhà Tùng Mai…”

Người đàn bà vẫn nhẩn nha từng tiếng, nửa kể nửa không. Hởi vừa dợm chân về phía bãi, nghe thế quay phắt lại bảo vào để hỏi con bé con cho thằng cu nhà nó đúng không? Tôi nghe rồi. Nhà Mai chị ấy đuổi. Sáng nay còn chửi ầm lên ngoài bến kia kìa, bảo con nó là vàng còn con người ta bốc nắm đất nặn ra chắc. Tôi nói thật, cái giống đã không ra gì cứ cho tiệt nọc, làm sao phải thương vay. Nếu nó hẳn hoi…

“Nếu người ta hẳn hoi thì tôi không gặp được anh chú. Ông trời se cái duyên chứ sông nước mênh mông mà ngàn vạn người dưng… Gặp chú cũng thế. Chú nợ chồng tôi ơn cứu mạng chứ nợ gì tôi. Nhà tôi mất, theo nhẽ thường thì dứt nợ nhưng chú vẫn theo mẹ con tôi về tận đây… Chú giận tôi, nhưng việc này có cái lí của nó, mong chú hiểu cho…”

Người đàn bà lật cái thúng đậy vỉ buồm lấy ra thếp giấy cất kĩ dưới đáy, chìa cho Hởi xem tờ giấy đôi, chữ viết tay, rõ ràng và gãy gọn.

Tờ giấy ấy có tên là “Giấy giao kèo” nhưng nội dung trong đó không đơn thuần là giao kèo. Nó được bắt đầu bằng câu “Tôi là Vân, quê gốc Bến Hàn…”

***

“Tôi tên là Vân, quê gốc Bến Hàn. Mười lăm năm về trước, tính từ ngày viết giấy này, tôi bỏ làng ra đi. Nguyên nhân là do không đồng ý hôn ước lấy ông Hiến do thầy tôi định đoạt. Sau đó, tôi được biết thầy tôi nhận ông Hiến làm con nuôi, giao quyền thừa kế nhà cửa đất đai cho ông Hiến. Điều này tôi không ý kiến gì. Nay chồng tôi vừa mất, bản thân mang bệnh nặng, tôi quay về quê mang theo con gái tên là Thụy. Vì không có chỗ ở, mẹ con tôi trú tạm ở Gò Ông Đống. Tôi có gặp ông Hiến, nói rõ bệnh tình của mình, xin ông cắt lại cho cháu Thụy một góc nhỏ cuối vườn nhà ông ngoại, để cháu được lên bờ. Lúc đầu, ông Hiến không đồng ý nhưng mấy ngày trước lại tìm gặp tôi. Sau khi bàn bạc nhiều lần, tôi đã thỏa thuận với ông Hiến những điều sau.

Tôi đồng ý gả con gái tôi năm nay mười hai tuổi, cho con trai ông Hiến là cháu Thanh, lên năm tuổi với điều kiện đây chỉ là hôn ước trên giấy tờ. Đến năm cháu Thanh đủ mười tám tuổi, con gái tôi sẽ có quyền hủy hôn ước này nếu như cháu muốn, không ai được ngăn cản. Trước khi con gái tôi về làm dâu, ông Hiến phải làm giấy tờ cắt cho con tôi nửa suất đất vốn là của ông ngoại cháu.  Quyền bảo hộ cháu Thụy sau khi tôi chết sẽ được giao cho chú Hởi vốn là anh em thân thích với chồng tôi, nếu gia đình ông Hiến phạm vào bất cứ điều gì tôi viết trên đây, chú Hởi có toàn quyền xử lí. Giấy giao kèo này phải được lập làm ba bản, ngoài bản ông Hiến giữ, hai bản kia, một sẽ được giao cho người bảo hộ cháu Thụy và một sẽ được cất giữ ở nơi bí mật, phòng sau này có người lật lọng ngoài ý muốn. Giao kèo cần có đầy đủ xác nhận của tôi, chú Hởi, vợ chồng ông Hiến và người làm chứng là bà Thao, hàng xóm cũ nhà tôi…”

***

 “Tao vẫn còn nhớ cái chiều hôm ấy…”

Bà cụ Thao tay ôm cái hộp gỗ sơn son, dựa lưng vào mạn thuyền, bắt đầu kể, bảo rằng chiều ấy, tiếng là còn sớm nhưng vì mùa đông nên hóa nhọ mặt người, sang sông có hai con thuyền. Một là vợ chồng lão Hiến. Một có tao, chú Hởi và con bé Thụy. À, còn cả thằng Thanh. Nó không theo mẹ mà cứ đòi chị Thụy bế em. Ai đời vợ cắp chồng, lếch thếch như con mèo hen tha chuột chết… Mẹ nó không đưa con sang được vì giở bệnh mấy hôm rồi. Nó bảo con không qua được đận này đâu, cháu Thụy nhờ cả vào bà và chú Hởi. Nhà Hiến không có đức, con làm thế cũng là hạ sách nhưng hết đường rồi bà ạ. Đất của thầy bu con, con phải lấy lại cho cháu một phần, sau này dựng cái nhà, an cư mới lạc nghiệp chứ thân gái đò giang, không gặp người tốt thì lênh đênh cả đời… Tao bảo nó đừng lo gì sất, con Thụy giờ như con tao, như cháu tao. Tao với thằng Hởi còn sống ngày nào thì một giây cũng không để cho nó thiệt…

***

… Đêm đã xuống phía bên này Hàn Giang, có một người đàn bà ngồi dựa vào liếp quán nhìn theo bóng hai đứa trẻ, lớn cõng bé ngược triền đê rồi lẩn dần vào bóng tối…

Bến Hàn đã lên đèn…

Ngõ vào nhà Hiến mỗi bước một thêm hun hút gió. Con bé Thụy bảo chú Hởi ơi, lúc nãy cháu quên dặn mẹ cái khăn vuông để trong tay nải cũ… Hởi gật biết rồi. Hiến quát vợ không dấn chân lên mà thắp cái đèn, ở nhà cứ như ở mả. Rồi quay sang Hởi cười cười mời chú và bà vào uống nước, ta nói chuyện người lớn. Hởi bảo nước nôi gì, anh chị ngồi cả xuống đây, chuyện người lớn, tôi cũng chốt lại một lần cho rõ. Tôi với bà Thao chỉ là người dưng nhưng được chị Vân ủy thác nên từ giờ nhất cử nhất động của hai người với cháu Thụy chúng tôi đều có quyền giám sát. Cháu Thụy về đây, dưới danh nghĩa với làng xóm là anh nhận con nuôi cũng để giữ tiếng cho anh chị… Bà cụ Thao từ lúc vào vẫn đứng ngoài hiên nhìn quanh quất, giờ mới quay vào oang oang bảo tiếng tăm gì, tôi nói thẳng nhá, để tạo phúc cho nhà anh đấy, anh Hiến ạ! Anh dân tứ chiếng, về đất này, mưu đồ cưới con gái người ta không được thì quay sang nịnh nọt, cướp cả đất lẫn nhà. Nhẽ như người ta, mẹ con nó về, không giả nhà thì cũng giả cho nó góc vườn kia, nó dựng cái nhà chui ra chui vào, che mưa che nắng. Nhưng anh không, anh tham cả, anh để người ốm gần chết với con bé con dư này ở mấy tháng giời ngoài Gò Ông Đống mà đang tâm được thì tôi cũng chịu anh. Nói cho mà biết, anh tu dần đi còn kịp. Chú Hởi chú ấy nói đúng đấy, chúng tôi toàn người dưng, nhưng con bé có chuyện gì thì không xong với chúng tôi đâu. Hởi gật bảo bây giờ anh đưa tôi đi cắm mốc đất của cháu Thụy, ngày mai tôi làm hàng rào. Cứ phải rạch ròi luôn. Thụy, theo chú!

Thằng Thanh mếu máo cho em đi với!

Con bé Thụy vừa cúi xuống chưa kịp bế nó lên thì ngoài ngõ, tiếng xôn xao chạy dần vào trong cổng. Tiếng đàn bà hốt hoảng gọi chú Hởi ơi, chị Vân chị ấy chết rồi!

***

“Mẹ Vân nó ấy, quả thực là chết không nhắm mắt”

Bà cụ Thao vẫn kể, bảo giấc ấy trên nguồn bắt đầu mưa…

Lũ về sớm. Con bé Thụy tha thằng Thanh ra chân vụng nước, để nó ngồi trên bờ rồi xuống vớt củi trôi. Chúng mày hỏi vớt để làm gì hử? Để sắc thuốc. Nhà ấy kim la thuốc cầm quanh năm, rạ rơm nào cho đủ. Mùa mưa, củi trên nguồn về, chú Hởi dưới sông quăng lên, nó nhặt, bảo có củi gộc như này thích lắm, con không phải canh thuốc bằng bếp rạ, chỉ có điều em con cứ đòi theo, bảo ở nhà không được. Tao hỏi thế nhà Hiến chửa về sao? Nó bảo chắc vài hôm nữa, đợt này đi lâu vì bác gái bảo từ ngày về đây chưa được thăm quê lần nào… Tao thấy chú Hởi quát to lắm, bảo nhìn phía nguồn chưa, sầm trời như thế mưa đến nơi rồi đấy, dẫn nhau về ngay, củi tôi tự vớt tự mang về cho cô chất cả năm không hết… Thế là nó đứng lên, cắp em, đang định quay về thì lại nghe tiếng gọi. Vẫn chú Hởi ơi nhưng lần này từ dưới bến. Loáng thoáng nghe thất thanh bảo đắm thuyền rồi. Đắm trên ngược ấy. Chết cả hai vợ chồng. Đang mang xác về kia…

Theo tay mọi người chỉ, phía ấy không nhìn thấy gì, chỉ xám ngoét một màu mưa ràn rạt chạy xuôi theo lũ về đến bến. Hởi cởi áo tơi trùm cho hai đứa nhỏ, quát đem em lên đê, giữ nó yên đấy, đừng cho nhìn xuống, cũng không được xuống…

Rồi nhao về phía bóng con đò dọc đang rẽ mưa, hối hả vào bờ…

***

“Năm ấy mưa nhiều lắm. Lần nào con bé Thụy đi lấy thuốc giời cũng mưa. Lần nào nó cũng bảo tao bà cho con gửi em nhưng thằng Thanh không chịu, cứ nhằng nhẵng khóc đòi theo. Thế là phải cắp nhau qua sông, lần sang thầy lang Thống. Đi về mất cả ngày giời. Nhà chú Hởi đi trước, trẻ con lếch thếch theo sau, lên bờ từ mờ đất mà bao giờ về cũng sâm sẩm tối… Tao thật trần đời có nhà chú ấy, không khác gì gà trống nuôi con… Có lần tao bảo cứ luấn quấn thế này thì ế vợ rồi chết khô con ạ…”

“Chú ấy nói sao hả bà?”

“Nói Thụy nhà mình mới hơn mười tuổi mà chăm bẵm, thuốc thang, nuôi người dưng như mẹ nuôi con. Cứ nhìn vào đấy con không nghĩ đến việc riêng của mình được bu ạ. Giờ bà con mình tập cho Thụy bán quán. Sau này con đi, chị em cứ thế lần hồi…”

…Thế rồi từ ngày ấy, ở bên kia bến Hàn Giang, cái bến đã từng bị bỏ hoang hơn mười năm về trước, người ta lại thấy xuất hiện một con đò ngang, giống hệt con đò ngày xưa từng chở khách qua sông. Chỉ có điều người lái đò bây giờ là một cô gái nhỏ có đứa em trai không bao giờ rời chị nửa bước chân.

Cô gái ấy, sau mỗi mùa lũ ngang qua Hàn Giang lại thêm cứng cáp…

Tóc thêm xanh. Má thêm thắm. Môi hồng…

***

Đoàn rước dâu đã đi vào khúc ngoặt của dòng sông.

Tiếng gọi chú Hởi ơi loang sâu mãi về phía miếu.

Bà cụ Thao giục đứa nào gọi tiếp đi! Có tiếng con gái trả lời để con. Nhưng nó không gọi mà lại hát. Cũng không phải chỉ một nó mà cả mấy đứa ngồi quanh đấy cũng nhất loạt hát theo: “Thuyền em trôi vào ánh sáng. Ánh sáng hồng tươi những đèn hoa…”.

Rồi đứa nào đó thì thầm tao ước gì tao được rước dâu một lần như thế này. Thật đấy! Rước trên sông với những con thuyền chở đầy hoa…

***

“Sau này, nếu đi lấy chồng, Thụy ước một đám cưới như thế nào?”

Hởi hỏi Thụy câu ấy khi quăng nốt những gộc củi cuối cùng lên bãi. Lũ đã về, dòng Hàn Giang duềnh sóng lên vỗ oàm oạp vào tận chân Gò Ông Đống. Thụy bảo cháu không phải sắc thuốc cho Thanh nữa, chú đừng vớt củi làm gì… Hởi bảo bao nhiêu năm, cứ mùa này là thế, quen rồi. Mấy nữa tôi đi, chỗ củi trong vườn ấy, dè sẻn cũng được vài năm, chờ về mình tính tiếp. Nhất định tôi phải về Thụy ạ, không phải chỉ để lấy củi đâu… Mà Thụy còn chưa trả lời tôi, sau này nếu lấy chồng, Thụy muốn đám cưới như thế nào?

“Thế nếu lấy vợ, chú muốn một đám cưới thế nào?”

“Tôi theo chị Vân về đây năm Thụy mười hai tuổi. Bây giờ mười tám rồi…”

Thụy ngẩng lên nhìn mãi về phía xa, chỗ cây cầu Phú Lương vừa qua đợt bom, nhịp còn nhịp mất, những mố cầu gẫy dở trơ nhịp sắt lên trời, mãi mới thì thầm bom đạn rát thế này, ga Cao Xá quê mình ngày đón đưa bao chuyến. Toàn tân binh lên đường. Hởi cười bảo nó đánh rát là bắt đầu núng thế đấy. Tôi sẽ về nhanh thôi… Nhưng Thụy chưa trả lời tôi…

Thụy bước xuống bãi. Bãi Hàn Giang mùa lũ chỉ cách sông vài bước chân. Lên thuyền rồi mới quay lại, tiếng trả lời lẫn vào trong tiếng sóng chú cứ về đi… Cháu muốn nhiều thứ lắm nhưng nhất định phải có một con thuyền hoa…

***

“Cầu Phú Lương kìa kìa! Dân làng mình gọi là Cầu Đường Sắt. Ngày nó bị bom đánh sập cũng là ngày trai tráng Bến Hàn lũ lượt lên đường. Chú Hởi đi đợt đầu tiên…”

…Đêm hôm ấy, tháng bảy nhưng Ngâu tạnh, Hàn Giang có trăng.

Con thuyền nhỏ chở theo ba người, hai lớn một bé dừng lại trước vực. Vượt qua nó là vào Gò Ông Đống. Hởi nhìn người con gái môi hồng ngồi trước mũi thuyền ngập một màu lau trắng bảo ngày tôi theo mẹ con Thụy về đây, dựng lều bên gò kia, tôi không nghĩ đời người lắm bước quanh đến thế. Cũng chẳng ngờ cái lều ấy giờ thành nhà tôi. Đêm nay, thuyền mình dừng ở bên này, nhưng ngày về tôi sẽ rước Thụy sang hẳn bên kia. Nhất định trên con thuyền với đầy hoa lau trắng…

Trăng đã lên cao. Con thuyền bạc. Hàn Giang màu bạc.

Tàu vào ga Cao Xá đón quân đêm ấy cũng bạc một màu trăng.

Từ bến vắng, ba bóng người dắt díu nhau rời con thuyền hoa cắm sào bên mép sóng, men triền đê, đi về hướng tiếng còi tàu…

***

“Rồi từ ngày ấy, hằng năm, cứ đến đận này, con bé Thụy lại dắt thằng Thanh ra ga Cao Xá đợi người. Nó bảo chú Hởi đi đầu mùa Ngâu, đã hẹn với cháu là kiểu gì cũng kịp về đón con nước mới… Rồi đến lượt thằng Thanh cũng đi, cũng từ ga Cao Xá, sau đó mấy năm. Cả lớp nó xung phong. Lúc đi chưa đứa nào đủ mười tám tuổi…”

… Thanh ngồi bên thềm quán, chỗ mẹ Vân ngày xưa ngồi nhìn theo bóng con bé Thụy bế em đi khuất vào bóng tối, ngó người trước mặt một hồi rồi bảo chị Thụy này, tôi nghe bà Thao nói… Thụy cười, xoa đầu Thanh hỏi nói cái gì, bà cụ bảo thầy mẹ cậu nhận tôi về không phải làm con nuôi phải không? Rồi trầm giọng bảo khổ thân, mấy người lớn tính toán đủ điều mà lúc chết có mang được cái gì đâu. Vườn tược đấy, nhà cửa đấy, oán oán thù thù giờ chỉ còn tôi với cậu. Chuyện cũ chờ thêm năm nữa ta hoá giải được rồi. Thanh gật các anh ấy bảo ta sắp thắng, đi nhanh về nhanh. Chị cứ chờ tôi, nhiều lắm thêm một, hai năm… Rồi hạ giọng gần như thì thầm chị nuôi tôi từ bé, tôi đã từng coi chị như mẹ nhưng từ giờ không thế nữa…

Thụy đứng dậy, nhấc thử cái ba lô của Thanh lên lẩm bẩm tôi không phải là mẹ cậu. Chính xác cậu là con nợ của tôi. Cậu cứ đủ mười tám tuổi là chúng ta cởi mọi oán thù… Cậu về nhanh, giấy tờ, giao kèo gì ta vứt hết, ai sống đời người ấy…

Câu cuối cùng Thụy nói Thanh không nghe rõ vì Hàn Giang bất ngờ nổi gió, cuốn ra xa…

***

Sau 1975, người Bến Hàn dẫu còn sống, bị thương hay đã hi sinh đều lần lượt về quê cũ.

Nhưng chỉ duy nhất có Thanh là biệt tích.

Cho đến một ngày cuối đông năm ấy, ở bến sông, bất ngờ xuất hiện một cô gái trẻ, áo khăn tùm hum, theo đò dọc lên bến hỏi người. Bà cụ Thao bảo đi theo tôi, tôi dẫn, nhà nó đây, chị nó đây, cái thằng Thanh thế mà tài! Thụy ngạc nhiên nhìn cô gái nói giọng miền trong sắp đến ngày sinh, kéo bà cụ Thao ra góc vườn, thì thào hỏi ai thế hả bà. Bà cụ Thao mắt trước mắt sau cũng thì thào đáp bảo nó bảo là vợ thằng Thanh, người Bến Hàn mình. Mà làng này có hai thằng Thanh, cùng đi B cả. Thằng kia là liệt sĩ, lại có vợ con rồi, nó tìm đến nhà người ta thì khổ cả đôi đằng. Chi bằng tao dẫn nó về đây, xuôi mọi nhẽ. Cứ để nó ở lại, con cái yên bề, chờ thằng Thanh nhà mình về thì tính… Mà tao nghe con bé tả thấy giống thằng nhà mình quá, chúng nó gặp nhau ven đô, chồng nó bị thương, nằm lại đấy mấy hôm. Bảo chồng nó cũng cao gầy, mắt sáng với tính hiền… Thụy gật đầu bảo vâng, con cũng nghĩ cô ấy là vợ Thanh thật đấy! Mình cứ chờ Thanh…

“Tao cứ tưởng tao tính được chúng mày ạ! Nào ngờ khôn ngoan không đọ với giời. Tính đến những ba năm, thằng cu nó nhớn nhao, phổng phao mọi nhẽ…”

“Mà chú Thanh vẫn không về?”

“Không phải không mà là chưa! Là mất tích ấy. Rừng sâu núi thẳm không biết mất chỗ nào mà dò…”

Bà cụ Thao bảo tao cứ đinh ninh khi nó về, tự tay tao đốt cái mớ giao kèo của bọn người ngày trước, dứt hẳn cho con Thụy cái nợ vợ chồng trái khoáy vạy đuôi. Ai ngờ nó cứ mười bảy tuổi mãi không thành mười tám… Con vợ nó chờ được ba năm thì chán, quay ra đòi bế con về…

***

“Em còn trẻ, để thằng cu chị nuôi. Sau này yên ổn, nếu muốn đón con em cứ về mà đón…”

Thụy bảo cô gái đang ngồi gục đầu như thế. Im lặng rất lâu, cô gái mới thì thầm bảo với chị, em không dám giấu, nhà em trong ấy khá lắm nhưng loạn lạc mất hết rồi. Mấy hôm nay em đi, tiếng là gặp người nhà nhưng thực ra gặp bạn. Chúng nó có tiền, rủ em vượt biên… Thụy ôm thằng cu vào ngực vừa khóc vừa lặp lại con nó bé, đường xa dặm thẳm, để chị trông, bao giờ yên em về em đón.

Cô gái quỳ sụp xuống, ôm lấy chân Thụy bảo em đội ơn chị đã cưu mang nhưng không bỏ con lại được… Bạn em bảo đợt trước, chỗ liên hệ tàu đi có người rất giống chồng em…

Sóng Hàn Giang đêm ấy thêm một lần không ngủ…

Thụy lẳng lặng đứng lên, một tay bế đứa bé, một tay sắp áo quần của nó cho vào túi rồi mới quay lại giục cô gái vẫn đang phủ phục dưới chân mình em chuẩn bị, chị theo…

***

Ở cuối cánh rừng tràm giáp biển, tiền nộp vào đã chuyển thành gạo, thành mì, thành thức ăn khô chất kín khoang giữa. Nước đóng đầy can. Thuỷ triều đã lên, hai con tàu nhỏ chở người đi áp sát mạn tàu lớn. Cầu tàu dựng ngược, người ken như gạch, nhích lên từng bước.

Cô gái đi ngay trên Thụy, ôm con. Nó bụ sữa nên chắc là nặng lắm. Phía sau, Thụy đeo hai cái túi vải căng phồng. Cầu tàu càng lên cao càng ướt và trơn. Ai đó phía trên trượt chân, tuột thẳng xuống đầu cô gái. Cô gái văng sang một bên, túm vội được sợi dây cáp bên cầu tàu nhưng thằng bé trên tay thì rơi thẳng xuống cái khe hun hút, đen thẫm.

Dưới đó là nước…

Đang trôi đi…

Trôi đi…

***

Đoàn rước dâu đã vào đến khúc ngoặt của dòng sông…

Người thanh niên đứng cuối lái con thuyền dẫn đầu quay lại cười bảo cụ ơi, ngày vui của mẹ con mà cụ cứ kể những chuyện vớ vẩn, nghe buồn thảm quá! Nói cụ không tin chứ, lúc rơi xuống con gọi mẹ Thụy ơi!

… Thụy nhào xuống cùng với lời gọi ấy.

Biển đen thăm thẳm thấp thoáng ánh đèn ai đó rọi xuống, rồi tàu rời bến, ánh sáng xa dần…

Bà cụ Thao chửi tông môn anh, số được làm người thì rơi thế rơi nữa vẫn sống nhăn răng chó. Phải tội cái con mẹ Thụy, hàng năm sau mới bế được anh lần về quê, mười phần ma không nổi một phần người. Rồi đứng dậy, tay vẫn ôm cái hộp gỗ sơn son, bảo chúng bay đâu, chuẩn bị nhá! Thuyền nhà trai cập trước đi. Xếp thành hai hàng ấy. Giờ đến thuyền nhà gái. Trầu cau dẫn cưới của tao chúng mày để đâu rồi? Chuẩn bị đón dâu nhá, chú Hởi ơi!

Tiếng bà cụ Thao gọi chú Hởi ơi lan trên sóng Hàn Giang, từ ngôi nhà nhỏ phía sau Gò Ông Đống đến tận triền đê đầy cỏ may cuối mùa. Chỗ ấy, mấy mươi năm rồi, đã thành lệ, cứ hoàng hôn là xuất hiện một bóng người, bóng cô Thụy đò ngang, từ mép sóng cắt chéo mặt cỏ lên đê đi về phía ga Cao Xá, cách Bến Hàn chừng non cây số. Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng sau khi được nắn thẳng thì không vòng qua đấy nữa nhưng những chuyến tàu qua ngoài kia vẫn chậm lại và kéo còi chào ga cũ có cái đường ray nằm lẫn cỏ tận trong này…

Cho đến đêm qua…

Đêm qua chưa vào mùa mà đã Ngâu sầm sập. Ga bỏ hoang mà người ở đâu bốn phía cứ dồn về. Lẫn trong tiếng mưa, Thuỵ bắt đầu nghe tiếng ga ngày cũ, tiếng xao xác hàng quà, tiếng nói chuyện rì rầm. Thụy nhìn thấy người đàn bà tay xách nách mang, dẫn theo đứa con ướt đẫm, vừa dúi vội cho con đồng quà vừa mua đâu đó vừa thì thầm: “Sắp tháng bẩy rồi con, chịu khó, ráng chờ…”. Thấy một người đàn ông kể chuyện mình về đây chỉ để tìm người ăn mày năm cũ đã cho anh mấy đồng bạc lẻ và nắm cơm nguội lót lòng. Và thấy cả một cô gái trẻ, mặc áo trắng, đi dọc đường ray, gặp ai cũng hỏi có thấy người yêu cô không, ngày đi anh ấy hứa  quay về…

Ngâu vẫn trút…

Người vẫn dồn về, không rõ mặt, lẫn vào mưa…

Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi.

… Rồi sẽ đi lấy chồng. Trên một chiếc thuyền hoa…

Lúc Thụy nói câu ấy thì tàu ngoài kia lại ngang qua Cao Xá, hồi còi chào vọng trong này lan một vệt dài trên sóng Hàn Giang đến tận chỗ con thuyền nhỏ chở đầy hoa lau trắng, thấp thoáng bóng một người đàn ông lặng lẽ chống sào chờ…

… Bà cụ Thao mở chiếc hộp đựng chiếc bình cốt tro, đặt bước chân đầu tiên xuống cát.

Lối vào nhà chú Hởi đi qua Gò Ông Đống có đèn hoa giăng kín lối vào. Tiếng bà cụ vẫn oang oang vang cả một vùng đầy gió: “Đứa nào qua Miếu Ông, lật cái bát hương lên, xin Ông tờ giấy giao kèo ngày xưa mẹ Vân nó viết rồi giấu ở đấy. Đốt luôn đi cho dứt hẹn! Chú Hởi ơi! Sống không đến được với nhau thì giờ chết đến… Chú sống khôn thác thiêng ra đón cô ấy nhé! Cô Thuỵ nhà chúng tôi đẹp lắm! Tóc xanh, má thắm, môi hồng…”

NGUYỄN HẢI YẾN

(Truyện ngắn dự thi Báo Văn Nghệ 2022-2024)