Tôi đang viết “Nguyễn Huy Thiệp – Tiểu truyện cuối cùng”

521

[12 điều cô đọng]

Đỗ Quyên

(Vanchuongphuongnam.vn) – 100 ngày Thiệp. Nay xin giới thiệu bài cô đọng 12 điều[1], từ tổng thuật “Nguyễn Huy Thiệp – Tiểu truyện cuối cùng” (gọi tắt Tiểu truyện NHT) được chuẩn bị gần trước ngày chúng ta mất đi nhà văn từng “xuất hiện bằng một kiệt tác”.

Như một chân dung đặc biệt Thiệp.

Tuyển tập “Về Nguyễn Huy Thiệp” xuất bản nhân 100 ngày mất của nhà văn

1- Vậy có ngay thơ rằng

35 năm khắp văn đàn

Danh anh Huy Thiệp tanh bành trời Nam.[2]

 

2- Nội dung

Tiểu truyện NHT trong năm nay sẽ có thể hoàn hoàn thành, đăng nhiều kỳ trên báo mạng. Ngoài vài phần phi lộ, có hơn 30 chương mục:

NHT & định vị & “thiên tài”, “văn hào”, “giải Nobel”; NHT & thỉnh ý bách tính: Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ; NHT & điếu văn; NHT & giải thưởng; NHT & thời thế Đổi mới; NHT & chính trị, chính quyền, chiến tranh; NHT & văn hóa vùng miền Nam-Bắc; NHT & Quốc-Cộng; NHT & đọc lại; NHT & thể văn xuôi; NHT & lịch sử; NHT & kịch; NHT & thơ; NHT & tiểu luận; NHT – vua phỏng vấn; NHT & điện ảnh; NHT & tranh ảnh; NHT & nông thôn; NHT & hậu hiện đại; NHT & nghệ thuật viết văn; NHT & nhân tình thế thái; NHT & tiền; NHT & Phật; NHT & tiểu sử, sự nghiệp; NHT & quan niệm sáng tác; NHT & tính cách, đời thường; NHT & tôn vinh; NHT & 3 kỷ niệm cá nhân: “Tình tang tình là em rình bác… chết!”; “Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”; “Các cụ toàn chim to”; NHT & “Những bài học”: 3 nan đề NHT; 1. Phong cách tự vấn/ tư duy đối thoại NHT; 2. Não trạng nhược tiểu NHT; 3. Tâm thức ẩn ức NHT; NHT & bộ sưu tập sau ngày định mệnh 20/3/2021. Phụ lục gồm danh sách các bài báo khác về NHT ngoài bộ sưu tập (sau 20/3/2021).

Ngó dàn bài ắt nhiều bạn thốt lên: Thiệp của chúng ta phủ sóng mọi lãnh vực, chỉ thiếu… “NHT & sinh đẻ có kế hoạch”? Quả có thế!

Trong dịp này cũng đã trình trước làng báo bản rút gọn Tiểu truyện NHT gồm 30 ngàn từ với 13 chương mục kèm Phụ lục.

 

3- Mục tiêu và cách viết

Tiểu truyện NHT như một tổng thuật các trích lược xen bình điểm, kể chuyện… phần lớn theo tư liệu, bài vở, ý kiến mới; thi thoảng kèm lời dẫn chuyện kiểu Mao Tôn Cương thời mới.

Quả là từ một núi tư liệu, một sông ý kiến, một rừng nhân vật còn nóng. Nội việc chọn vàng giữa sa mạc hàng trăm status lớn nhỏ, cả ngàn còm xé lẻ trên mạng xã hội FB đã là điều khủng. Chúng tôi mong được coi các tác giả bài vở, ý kiến, bàn luận ở đây là đồng tác giả.

Tiểu truyện NHT mang hình thức, nội dung, và nhất là tâm thức, đan cài cổ điển lẫn hậu hiện đại. Ở “nồi lẩu” văn chương này, Thiệp là chất liệu đã đành và còn là nhiệt độ đun nóng.

Mục tiêu gần, tất nhiên, về tác phẩm và con người NHT xuyên qua dư luận, bài vở mới sau khi nhà văn sang sông. Mục tiêu xa, về văn chương và con người VN nhìn từ “hiện tượng Thiệp”.

Tiểu truyện NHT ra đời vì nhiều lý do cụ thể, trong và ngoài vấn đề NHT. Trong: Thử trình dẫn một lối nhìn lại vấn đề NHT. Ngoài: Chúng tôi vốn thích thú viết lách bằng tư liệu. Hồ sơ NHT khủng và khó. Có lẽ phần vì chúng tôi ở xa, chưa từng một dịp trực tiếp hân hưởng cùng bạn văn quanh đề tài NHT; thậm chí chưa hề quen biết cá nhân ông cũng như chưa nửa lần gặp ngoài đời, dù trong đám đông. Nỗi khuyết duyên với NHT phải chăng là điều may, góp phần thảo ra Tiểu truyện NHT sao cho công bình, hấp dẫn (mà đậm sắc Thiệp) và khó nhất là khách quan?

 

4- NHT & định vị, định danh (& “thiên tài”, “văn hào”, “giải Nobel”)

Định vị định danh NHT đã có ngay khi Tướng Về Hưu lâm trận, rả rích từ đó. Dường như chỉ sau ngày NHT chính thức khuất núi mới nảy ra “văn hào”,”thiên tài”, “giải Nobel” róng riết, nhất là trên FB. Đáng chú ý vì giữa các fan, có những nhân vật tầm vóc làng văn trong-ngoài VN và cả quốc tế.

Trước chủ đề nổi sóng, dao động mạnh theo thị hiếu cá nhân, lại thêm Việt tính nghĩa tử nghĩa tận, Tiểu truyện NHT chắc cờ giương ngay 3 đánh giá hẳn là khả thể, khả ái hơn cả giữa đông đảo độc giả NHT: Tuần báo Văn Nghệ (Hà Nội): “Ông nhanh chóng trở thành một hiện tượng độc đáo của văn học VN thời kì đổi mới, và được mệnh danh là “vua truyện ngắn” với khoảng 50 tác phẩm đã xuất bản […] cũng được coi là một trong những cây bút xuất sắc của văn chương VN  từ 1975 tới nay”; nhận định của GS Huỳnh Như Phương (TP.HCM) và của báo Diễn Đàn (Paris).

– Thiên tài”, “văn hào”,”giải Nobel” & NHT:

Trước đây hai chữ “thiên tài” trong vài bài viết chỉ bổ nghĩa các từ, ý khác về nghệ thuật viết văn NHT mà thôi. Chưa định vị định danh tác giả. Thi sĩ Hoàng Hưng trong tháng qua như văn nghệ sĩ khởi đầu trụ giữa làng giữa nước Nam mà định danh định vị “thiên tài” cho NHT. Ngay các giờ phút đầu tiên khi “trái tim hổ” NHT ngừng đập, trên FB Trần Đăng Khoa, Hoàng quân đã hốt nhiên mà còm: “Nhớ [hơn 10 năm trước], gặp ông ở phòng tranh Lê Thiết Cương, chỉ bắt tay nói 1 câu: Anh là thiên tài!” Rồi để trên tường nhà lời trĩu nặng văn bia: “Vô cùng thương tiếc nhà văn NHT. Thiên tài văn học VN đương đại, tầm thế giới. Di sản của ông sẽ sống mãi! Tôi coi NHT là nhà văn lớn nhất của văn học VN đương đại”.

Văn sĩ Bảo Ninh bày tỏ thẳng tưng mặt báo: “Cái chết của anh khiến tôi liên tưởng đến Nguyễn Du…”. Họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng, người cùng thi sĩ dân gian Bảo Sinh là bạn “thân thiết bậc nhất với anh Thiệp“: “NHT xứng đáng là một văn hào của VN”. Thi nhân Đỗ Quý Toàn tận bên xứ Cờ Hoa: “NHT đã ra đi! Một thiên tài đã mất!”.

Theo văn giới Pháp, “đối với Jean Lacouture, anh là nhà văn lớn nhất VN, không thể chối cãi được… đơn giản là một đại văn hào”.

Ngọn nguồn khúc này trong “chuyện dài nhân dân tự vệ” định vị định danh NHT từ đâu? Có nhẽ từ bài khóc dào dạt văn em chữ chị, dàn dạt thông tin “chuyện bây giờ mới kể” của phê bình gia Thụy Khuê gấp gửi về từ Ba Lê kinh thành ánh sáng:

“Thiệp tin mình sẽ nhận giải Nobel, điều này có thật. Không phải lỗi ở anh, mà do hoàn cảnh đưa đẩy, và nếu có lỗi, thì từ Marion Hennebert “[…] đã khám phá và dịch Cao Hành Kiện, Nobel 2000. Lần này, Marion “nhất định” rằng NHT sẽ đoạt giải, và bà đã vận dụng tất cả mọi phương tiện để… thành công.”

Bài hồi niệm của “Khuê muội muội” tạo chấn động “ngay & nuôn” mà Tiểu truyện NHT đã dẫn lại phần nào. Hầu hết đã phản hồi dương trước thông tin cực trân quý, tình cảm hết đỗi thơm thảo. Như thể là văn bản ai điếu giá trị số 2, nếu dư luận đã xem số 1 là điếu văn của thi sĩ tân Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều. Và y lệ siêu thị Phây, kèm không ít cơn sóng âm có phần dữ dội.

Chung quy chỉ tại Vua Hùng, ối nhầm, chung quy chỉ tại Nô Beo!

– Sáng giá sang giá NHT:

Tiểu truyện NHT dành kha khá số trang về việc sáng giá và sang giá “văn Thiệp” lúc này.

Từ giới chuyên nghiệp lý luận, nghiên cứu, phê bình: Trương Chính, Trần Đình Sử, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Văn Thuấn, T. Bass, Văn Giá, Nguyễn Hữu Sơn, P. Zinoman, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Minh Thái, Đoàn Cầm Thi, Mai Anh Tuấn, Đặng Thân, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Đức Tùng, G. Lockhart, Uông Triều…

Và giới sáng tác, báo chí, văn nghệ sĩ, bạn hữu: Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Châu Hồng Thủy, Phạm Thị Hoài, Hữu Việt, Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà, Nguyễn Thanh Văn, Lê Thiếu Nhơn, K. Borchardt, Hoài Nam, Bùi Văn Phú, G. Giesenfeld, Lê Minh Quốc, Việt Chiến, Nguyễn Đình Đăng, Thiên Trúc, Nguyễn Anh Tuấn, Vĩnh Phước, Đỗ Thu Hà, Đỗ Hoàng Diệu…

Nếu cần “một lời cho trăm năm” thì PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn đã từng tấn phong NHT danh hiệu “Anh hùng thời Đổi mới”.

– Phản biện NHT: Ngay ngày đầu sự kiện có một số status phản hồi âm, trọng lượng khá là lớn bởi các văn nghệ sĩ đều là VIP ở ngoài nước.

Về bài của Thụy Khuê, thi sĩ, phê bình gia, dịch giả Nguyễn Đức Tùng (Canada) bình bàn:

Bài viết hay, trừ đoạn so sánh NHT với A. Munro, lại còn cho là NHT xứng đáng lãnh giải Nobel hơn Munro. Tôi rất ngạc nhiên?? Xin lỗi, A. Munro là bậc thầy. Các nhà văn đáng yêu xứ ta có thể sẽ không viết được gì nữa nếu suốt ngày hoang tưởng kiểu này.

Phát hiện độc đáo từ thi sĩ, dịch giả, chủ báo Lê Đình Nhất-Lang (Hoa Kỳ):

Một điểm khiến truyện NHT không được người đọc quốc tế hưởng ứng nhiều là sự thiếu hiệu ứng liên văn bản. Người đọc nước ngoài không thể bàng hoàng như người đọc VN trước cách ông mô tả Nguyễn Huệ, và chắc hẳn trong tâm trí nhiều người đọc quốc tế sẽ có những hình ảnh khác về một ông tướng về hưu và vị trí của một quân nhân như vậy trong xã hội tương ứng của họ. Khi đó, các chủ đề trong truyện hiện lên sẽ khác và có thể không đủ rõ nét để người đọc nước ngoài đánh giá mức độ “tới” của tác giả trong việc khai thác chủ đề.”

Và họa sĩ, thi sĩ Trịnh Cung (Hoa Kỳ) chốt:

Chỉ có dân Việt là khoái [văn chương NHT] vì yếu tố chính trị của nó rất đặc thù và hợp với nhu cầu đọc của độc giả Việt. Tuy nhiên, vốn của NHT không nhiều và tinh thần của ông cũng sớm xuống cấp nếu không muốn nói là đã tránh né, đã thoả hiệp kể từ khi NHT viết Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu […] Dẫu sao với Tướng Về Hưu và vài truyện ngắn hay sau đó, NHT cũng xứng đáng được độc giả VN ngưỡng mộ như một nhà văn lớn của văn chương VN thời XHCN.”

 

5- NHT & thỉnh ý bách tính

Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ:

Mời quý anh/chị/bạn hồi đáp qua 1 trong 4 cách sau về một vấn đề từng được dư luận bàn thảo ngay sau ngày nhà văn vừa qua đời:

NHT với danh hiệu/danh xưng “văn hào”, “thiên tài”, “giải Nobel văn chương”: 1. Không/Chưa bàn đến; 2. Đặt vấn đề đúng/chưa đúng (đôi lời giải thích, nếu có); 3. Không ý kiến; 4. Nhận định riêng (có thể ra không xa vấn đề trên).

Đến ngày 30/6/2021, trong tổng số chừng 160 địa chỉ gửi riêng đến facebook tin nhắn và vài email: 62 hồi âm góp ý các kiểu; còn 5 nơi hứa trả lời (2 “dọa” sẽ viết hẳn bài dài); gần 70 nơi chưa/không hồi âm (một phần tư like/thả tim); 27 hồi âm ngỏ ý không tham dự (14 là người “miền Nam”) hầu hết chỗ thân tình, khi “chí chát” chúng tôi hiểu lý do thực sự các bạn chẳng chịu vào cuộc cùng. (Lạ nữa, 5 bạn văn sĩ từ số má hẳn hoi tới tầm cỡ –  thậm chí có bạn nếu tay bo võ đài, ồ không, văn đài với Thiệp chửa chắc mèo nào cắn mỉu nào – đều ít đọc NHT?! Ô là la…)

Như bàn tiệc trắc nghiệm “Mổ nhà văn Thiệp” với 53 thực đơn, bản rút gọn Tiểu truyện NHT đăng trên báo mạng đã giới thiệu đầy đủ nội dung trả lời từ 53 quý bạn sau đây:

Hậu khảo cổ (Sài Gòn), Thái Kim Lan (Huế/ Muenchen), Phạm Kỳ Đăng (Berlin), Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình), Trần Thu Dung (Paris), Dạ Ngân (TP.HCM), Lê Trọng Phương (Bonn), Đào Tuấn Ảnh (Hà Nội), Nguyễn Hữu Quý (Hà Nội/ Quảng Trị), Lê Quang (Berlin/ Hưng Yên), Mai Quỳnh Nam (Hà Nội), Nguyễn Đức Tùng (Canada), Ngô Thị Diễm Hằng (Úc), Nguyễn Hữu Liêm (Hoa Kỳ), Xuân Hòa (TP.HCM), Ẩn danh (Bắc Mỹ), Thiếu Khanh (Sài Gòn), Trương Anh Tú (Đức), Bùi Công Thuấn (Đồng Nai), Dương Thuấn (Hà Nội), Aroma Profundo Thuy Huong (Tây Ban Nha), Trần Tuấn (Đà Nẵng), Vũ Trọng Quang (Sài Gòn), Nguyễn Khắc Nhượng (TP.HCM), Võ Thị Như Mai (Úc), Ẩn danh 1 (VN), Đỗ Kh. (Mỹ/ Pháp); Nguyễn Thị Liên Tâm (Bình Thuận), Hồ Sĩ Bàng (Hà Nội), Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An), Trịnh Sơn (Hoa Kỳ), Lý Đợi (Sài Gòn), Viet Pham (Ottawa), Đỗ Anh Vũ (Hà Nội), Lưu Khánh Thơ (Hà Nội), Nguyễn Hiệp (Bình Thuận), Trần Hậu (Hà Nội), Trần Ngọc Cư (California), Vũ Tuấn Hoàng(Moskva), Phạm Nhuệ Giang (Hà Nội), Lê Anh Hoài (Hà Nội), Trần Đức Tiến (Vũng Tàu), Trọng Khang (TP.HCM), Võ Công Liêm (Alberta), Ẩn Danh 2 (VN), Võ Thị Xuân Hà (Hà Nội), Trần Lê Hoa Tranh (TP.HCM), Đặng Huy Giang (Hà Nội), Bùi Văn Phú (San Jose), Nguyễn Trọng Chức (TP.HCM), Nguyễn Trương Quý (Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh Bình (Hoa Kỳ), và Vân Nam (TP.HCM).

Thống kê xã hội học cái nào: Với 53 bạn nêu trên, thưa có 16 nữ ạ; 51 thuộc giới văn học/gần văn học; 20 ngoài nước (2 “chân trong chân ngoài”); tương quan vùng miền: 27 Nam, 26 Bắc (vẫn hên, Nam-Bắc kể như đuề huề!); 13 lý luận, nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp; 15 giảng viên; 13 nhà báo chuyên nghiệp; 15 dịch giả; 19 viết văn, viết sách; 4 nhà xã hội học; 4 nghệ sĩ; 4 triết gia; và (chắc là) tất cả thi sĩ!

Kết quả quan trọng nhất, việc đặt vấn đề danh hiệu, danh xưng “văn hào”, “thiên tài”, “giải Nobel” với NHT đúng hay không đúng: Trong 53 ý kiến có 12 vị (với 4 vị ở Đức) fan Thiệp đáp Có; 28 rằng Không; còn lại 13… sắc sắc không không!

Tưởng cũng nên thưa thốt, may có chút duyên thân với không ít VIP xa gần dính Thiệp, song chúng tôi không lạm dụng trắc nghiệm. Lý do chính, tin bài trên báo/mạng từ các chư vị ấy đã là nguồn tin cậy, quý bổ trong biên khảo. Mong mỏi đề tài Thiệp phủ sóng bá tánh ngàn nơi, bần tăng chỉ nhảy dù đến các địa chỉ mà đại đa số chưa có tiếng nói nơi đây.

*

Ở bản cô đọng 12 điều Tiểu truyện NHT bạn đọc đang theo dõi, xin trích lọc 10 trả lời – 10 khuynh hướng đã làm nên “ngón dài ngắn dài hai bàn tay truyện Thiệp”. Đó là: Trần Thu Dung, Phạm Kỳ Đăng, Hậu khảo cổ, Lưu Khánh Thơ, Viet Pham, Bùi Công Thuấn, Nguyễn Hữu Liêm, Phạm Nhuệ Giang, Lê Anh Hoài, Trần Ngọc Cư.

*

Trần Thu Dung (Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa; Paris):

Một tác phẩm nổi tiếng thế giới thường đạt tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ. Chân thật là điểm mạnh trong tác phẩm NHT. Nhưng để đạt tính hướng thiện cao, vươn tới cái đẹp thì đòi hỏi một mức độ nữa. V. Hugo được coi là thiên tài văn học, trong khi Balzac chỉ là nhà văn hiện thực. Tác phẩm Hugo chứa đầy tính hiện thực, phơi bày cái xấu xã hội, nhưng luôn mang chất vị tha rất cao để hy vọng.

Nhiều tác phẩm đạt giải Nobel thường đề cao lòng vị tha. Chất vị tha để con người vươn lên Thiện và Mỹ dường như bị chìm bởi cái hiện thực sắc sảo, cay nghiệt dưới ngòi bút NHT. NHT là nhà văn xuất sắc ở VN, nhưng chưa tới mức thiên tài thế giới.

Phạm Kỳ Đăng/ Phạm Quốc Bảo (Nhà thơ, nhà báo, dịch giả; Berlin):

Hai khái niệm “thiên tài“ và “giải Nobel“ đều là những trang phục không vừa với thể tạng nhà văn NHT.

Xét các tiêu chí Nobel: Tạo ra tác phẩm kinh điển, cấp cho ngôn ngữ một cộng đồng với nét đặc thù những xung tác và năng lực như thành tựu riêng biệt đi tới biểu đạt, NHT có những tác phẩm dư đáp ứng. Tuy nhiên người đọc cứ mong chờ ở ông một tác phẩm xứng tầm đồ sộ hơn về qui mô. Đáng tiếc ông không làm được điều đó, trong bối cảnh nền văn nghệ quan phương và sự thiếu vắng nền phê bình khỏe mạnh. Nhưng biết đâu trong tương lai sẽ có thời Phục hưng với tác phẩm NHT, và lúc đó ông được công nhận vị trí như một văn hào.

*

Hậu khảo cổ/ Nguyễn Thị Hậu (Nhà nghiên cứu, giảng dạy khảo cổ học, ký giả; Sài Gòn):

Tôi là một người hâm mộ nhà văn NHT, bởi tác phẩm của ông phản ánh đúng thời gian và hoàn cảnh tôi từng sống. Đó là miền Bắc VN những năm trước 1990. Ông nói ra thẳng thắn và đầy đau đớn những tủi nhục, trăn trở thế hệ tôi. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay chỉ sau thế hệ tôi 2-3 chục năm họ đã không cảm nhận, không thể hiểu những gì làm nên sự hấp dẫn từ tác phẩm NHT.

Ngay độc giả miền Nam cũng không cảm được như chúng tôi. Mặt khác, có lẽ cá tính văn hóa của từng cá nhân (và của dân tộc) chúng ta không đủ “cực đoan” để từ nhân vật, hoàn cảnh điển hình (qua từng tác phẩm, tác giả) mà trở thành “tiêu biểu” cho thời đại và một cộng đồng lớn hơn.

*

Lưu Khánh Thơ  (Nhà nghiên cứu, phê bình; Hà Nội):

Có thể đặt ra vấn đề này, đây là một định hướng cần thiết nhằm tôn vinh văn học VN thông qua trường hợp NHT. Tuy nhiên có thể bổ sung nhân vật nào đó khác NHT không?

*

Bùi Công Thuấn (Nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo, nhà văn; Đồng Nai):

NHT là một nhà văn tài năng (mà chưa xứng đáng với danh xưng văn hào, thiên tài; chẳng bao giờ có thể “bén mảng” đến giải Nobel.) Không nên đặt vấn đề như ở câu hỏi, bởi qua thời gian NHT đã “nhạt” dần, không nổi bật nữa (tức là NHT chỉ “nóng” trong thời đại của mình – thời đổi mới, không vượt thời gian).

Ngày nay đánh giá về NHT, tôi cho rằng ông có góp phần từ bỏ Chủ nghĩa hiện thực XHCN ở VN. Ông thành công ở truyện ngắn, nhưng không thành công với tiểu thuyết. Thấy văn chương VN thiếu tư tưởng và muốn viết kiểu tác phẩm tư tưởng, nhưng NHT chưa thành công.

*

Viet Pham (Dịch giả, công chức về hưu; Ottawa):

Không phải là người đọc truyện nhiều, tôi cũng chỉ biết giới hạn về tác phẩm và sự nghiệp của nhà văn NHT. Về văn chương ngoại quốc, tôi có đọc 10-20 tiểu thuyết cổ điển Anh, Pháp… Theo thiển ý tôi nếu ông NHT có được trao giải Nobel thì cũng không là điều không thể nghĩ tới. Cả về lượng lẫn phẩm, tôi thấy NHT đủ ngang tầm vóc với các nhà văn quốc tế.

Vấn đề chính vẫn là ngôn ngữ và tầm quan trọng của ngôn ngữ đó trên thế giới. Ðây là sự nan giải cho các nhà văn VN muốn tác phẩm có tiếng nói trên trường quốc tế. Có người cho rằng trong thế kỷ này, các nhà văn VN phải làm sao sáng tác và trình làng tác phẩm của mình bằng ngoại ngữ Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha… Sống ở Canada hơn 2/3 đời tôi thấy đó là ảo tưởng.

*

Nguyễn Hữu Liêm (Nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học, luật sư; San Jose):

NHT là đặc sản của tâm chất Bắc Hà – nhất là trong di sản Duy vật. Văn sĩ miền Bắc có khuynh hướng cay đắng, mỉa mai, tiêu cực. Tôi cho rằng NHT là đỉnh cao của truyện ngắn theo văn chất miền Bắc – nhưng không hợp với tâm chất người Nam.

Nếu NHT từng được giải Nobel thì là một vinh dự lớn – và cũng là điều ngạc nhiên cho văn giới Việt. Cây dưới thung lũng, dù cao bao nhiêu, vẫn không so với cây lùn trên đồi Văn hóa, và con người VN khó mà tìm được cái chi vĩ đại. Nhất là trong thế giới văn chương hay tư tưởng.

*

Phạm Nhuệ Giang (Đạo diễn điện ảnh; Hà Nội):

Danh xưng: văn hào. Đặt vấn đề như vậy là đúng, vì so với truyện của một nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn đã được giải Nobel thì truyện NHT không thua kém mà văn phong còn sắc sảo hơn.

*

Lê Anh Hoài (Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ sắp đặt; Hà Nội):

NHT có thể gọi là một văn hào của nước Việt, với người viết bằng tiếng Việt. Tuy nhiên là “thiên tài” e rằng quá sức. Ông đã đưa ra được, bằng văn chương với giọng điệu riêng – sự phản tư với lịch sử và một số thần tượng. Cùng một số cây bút nổi bật vào đầu thời kỳ đổi mới, NHT làm lung lay cái gọi là nền văn học hiện thực XHCN. Ông cũng có cách tiếp cận mới với đối tượng lớn của văn chương: Con người. Cách tiếp cận này đặc biệt quan trọng với nền văn chương miền Bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng văn dĩ tải đạo mang màu sắc hiện thực XHCN. Giọng điệu và cách tiếp cận độc đáo của ông khiến những tác phẩm riêng có sức sống lâu bền.

Về giải Nobel: Sự nghiệp NHT chỉ là khoảng 50 truyện ngắn. Sự khai phóng chỉ dừng lại trong phạm vi quốc gia, và phần nào mang tính thời điểm. Một số ý kiến cho rằng NHT bị rơi vào vùng trũng văn hóa và ngôn ngữ. Chính NHT cũng bị ám ảnh bởi việc này, ông nỗ lực tìm cách dịch tác phẩm ra tiếng Anh. Tuy nhiên nỗ lực của ông là vô vọng. Thế giới có lẽ sẽ cần những tiếng nói khai mở về thân phận con người sống trong chế độ độc tài kiểu châu Á. Cần những phát hiện mới về con người hiện đại dù họ sống ở đâu. Tuy nhiên NHT chưa đạt được như vậy.

*

Trần Ngọc Cư (Nhà giáo, dịch giả; California – 2/6/2021):

Sinh hoạt văn học không đáng kể, tôi cảm thấy mình không đủ tri kiến, tư thế để bàn về một nhà văn nổi tiếng như NHT. Tôi nhớ có mua đọc cuốn Tướng về hưu, được ấn hành trong nước vào giai đoạn đổi mới. Sách được báo Đất Việt/ Hội Người Việt ở Canada phát hành ở nước ngoài. Hiện tôi còn giữ một bản in bằng giấy hùn, phẩm chất rất tệ, gần như giấy bổi thời xa xưa. Đặt cuốn sách này gần cuốn Thơ Tố Hữu mua cùng một lần từ đó, người ta có thể thấy sự phân biệt đối xử với tầng lớp văn học nghệ thuật của chế độ. Tôi còn giữ cuốn sách như món đồ cổ. Ngoài ra tôi không có gì hơn để phát biểu về NHT.

 

6- NHT & văn hóa vùng miền Nam-Bắc

Thị hiếu đọc chính là địa chỉ gian khó trong “bản đồ Thiệp”. Tiểu truyện NHT cố gắng đi vào ngõ ngách đó. Câu hỏi về sức sống văn chương NHT với bạn đọc VN cần theo 3 hướng: Chính trị – xã hội – thể chế (có yếu tố chính trị thời cuộc); văn hóa vùng miền Nam-Bắc; và thế hệ.

Nhà nghiên cứu, phê bình, biên khảo Vương Trí Nhàn từng đóng đinh:

Đối với tôi, nói đến NHT đầu tiên phải khẳng định ông là người của VN nói chung chứ không phải chỉ là nhà văn của một giai đoạn, gắn bó với một hoàn cảnh cụ thể.”

Văn hóa vùng miền Nam-Bắc, tự thân là nan giải, khó nhằn vô cùng giữa tất cả những gì liên quan đến VN. Nhiều điều trong Tiểu truyện NHT đã tiết lộ khác biệt, mâu thuẫn Nam-Bắc như đã chọn truyện Thiệp làm chiến địa. Nhân thân các tác giả được trích dẫn (xuất xứ miền Bắc XHCN, Bắc di cư, miền Nam trước 75, quốc nội – hải ngoại…) là một cơ sở khá chắc biết họ ở đâu trên “bản đồ Thiệp”: fan cứng, fan mềm, bình thường, không thích, ghét, căm giận…

Chúng tôi lâu nay ngờ rằng văn hóa vùng miền là cản trở thực sự lớn nhất cho ông trở thành nhà văn lớn của cả VN?

Sau ngày NHT khuất núi PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh tâm tình:

Đôi khi tôi có ý nghĩ lẩn thẩn: với chúng tôi, những độc giả quen với văn hoá Bắc Bộ, với nghệ thuật có tính “nhà nước”, với văn học Hiện thực chủ nghĩa, say mê cái mới của văn NHT thì đã rõ.

Nhưng với những độc giả có những trải nghiệm văn hoá, văn học khác thì sao nhỉ? Giả dụ với các độc giả vùng văn hoá Nam Bộ, hoặc NHT nếu xuất hiện trong dòng văn học Sài Gòn trước 1975 (lẩn thẩn mà). Tức là mức độ phổ cập và bền vững, giá trị văn hoa của hiện tượng.”

Thi sĩ Hoàng Hưng cũng sớm có phân tích sơ bộ như trên.

Không thể không để ý, tuyệt đại đa số VIP fan cứng NHT ở mọi lứa tuổi đều là “gốc Bắc” (miền Nam trước 75/ hải ngoại: Thụy Khuê, Đỗ Quý Toàn, Nam Dao…) và xuất xứ lò XHCN (Bảo Sinh, Hồng Hưng, Lê Thiết Cương, Hoàng Hưng, Vương Trí Nhàn, Bảo Ninh, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Văn Thọ, Văn Giá, Trương Hồng Quang, Thuận, Vi Thùy Linh, Đặng Thân, Lê Minh Hà, Đỗ Quang Nghĩa, Phan Huyền Thư, Phạm Kỳ Đăng, Nguyễn Văn Thuấn, Đỗ Hoàng Diệu, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Diệu Hường Mimmi Bergström,  Uông Triều, Trương Anh Tú, Nguyễn Hoàng Diệu Thúy, Vinh Huỳnh, Quỳnh Iris de Prelle, vân vân và vân vân – Đủ lập một “đại đội cảm tử NHT” nhỉ!)

Trên FB có các bình luận phản biện từ một vài văn nghệ sĩ Bắc XHCN gốc Trung – Nam: Bùi Công Thuấn, Nguyễn Thị Hậu/ Hậu khảo cổ, Bùi Chí Vinh, Dạ Ngân…

Và từ thi sĩ Phan Nhiên Hạo (miền Trung / hải ngoại):

Thật ra, văn chương của NHT là một món ăn rất đặc sản của người Việt, đặc biệt là người miền Bắc, nhưng không thể là một món dễ ăn với người bên ngoài, ngoại trừ vài nhà dân tộc học và nghiên cứu xã hội. NHT là một nhà văn quan trọng của thời kỳ gọi là “Đổi mới,” và điều đó đã quá đủ.”

Qua “Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ” cũng thấy, quan hệ Nam-Bắc đã nói ra khá rõ tầm đón đợi ở các trả lời, khi tạm cho qua quan hệ Quốc-Cộng. Trong 53 câu trả lời được công bố, với 27 bạn “miền Nam” chỉ 5 bạn có “hiệu ứng dương” ở vấn đề NHT mà câu hỏi đặt ra; tức là trong tất cả 14 “hiệu ứng dương” trên tổng số 52 trả lời thì 9 là “miền Bắc”. Công án Nam-Bắc như một cái dớp trong truyền thống dân tộc mà truyện NHT bị dính phải.

 

7- NHT & đọc lại

Như một mâm cỗ 100 Ngày “thôi khóc”, Tiểu truyện NHT mời làng nước đọc lại NHT theo “chỉ đạo” bởi Uông Triều, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đức Tùng, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Hữu Sơn, Châu Hồng Thủy, Bùi Việt Thắng… – tất cả đều trong hướng tôn vinh tác giả với các luận chứng khả ái.

Và thêm sự tỷ mẩn đáng yêu, cần thiết khi Nguyễn Hữu Hồng Minh (ở truyện Thương Nhớ Đồng Quê), Trương Hồng Quang (ở Phẩm Tiết) đã trình dẫn thông tin đáng lưu ý về sự sai, lạc bản thảo.

 

8- NHT & thơ

Vài vị trong văn giới như Hoàng Nhuận Cầm (Hà Nội/ sang sông sau Thiệp đúng 1 tháng!), Nguyễn Thị Thanh Bình (Hoa Kỳ)… phát biểu chắc chắn Thiệp như là nhà thơ thứ thiệt.

Các chương mục sự nghiệp, quan niệm sáng tác trong Tiểu truyện NHT thêm khẳng định NHT dư tri thức và tâm thức thơ. Kể cả trăn trở. Có lẽ ở nhà văn đáng yêu của chúng ta, thơ thẩn chỉ là lối thoát của tâm tư và của chữ nghĩa mà truyện, kịch không xả hết? Chứ ông – chưa kể những năm đầu viết lách – không đến với thơ như một sáng tác thể loại.

“Thơ” NHT là “chất Thiệp”. Cổ, nền, đạo, tâm, kinh… Nói nôm, nó âm lịch so với thơ thời 4.0. Thuộc về vùng sâu vùng xa của tâm linh Đông phương, Việt tính.

Như bài ông viết trong các ngày chút chót: “Sinh lão bệnh tử/ Luật trời đã ban/ Thì đành chấp nhận/ Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi…”

NHT có độ thẩm thơ và kiến văn thi pháp rất “trình”. Cổ điển mà không cứng nhắc. Nhuần nhụy, súc tích, quyết liệt (nên bốc đồng!).

Họa sĩ Hồng Hưng:

“Ở miền núi về bạn ôm trong lòng mấy tập thơ làm nơi khu trú tâm hồn. Sau này thành công trên văn trường, bạn giấu biến không cho ai biết thủa ban đầu, mọi bức xúc tâm tư bạn trút hết vào thơ.”; “Tôi nghĩ bạn phi tang thì đúng hơn.”

Thi sĩ Việt Chiến kể chuyện NHT với thơ:

“Tôi lật qua ít trang bản thảo cuốn Bên Rìa Nước, thấy có nhiều đoạn viết như thơ, bèn hỏi nhà văn. NHT bảo: “Đây không phải là thơ bình thường. Đây là thơ kệ, là tổng hợp của nhiều loại thơ cổ của VN. “

Mâm giỗ của chúng tôi có món độc: Thu thập “thơ khóc Thiệp”, tỏ lòng thi giới tuần đầu nhà văn đi hẳn về cõi mộng. Hiếm hiền tài của trí thức, văn nghệ sĩ VN hiện đại được đồng nghiệp, độc giả trong-ngoài nước khóc bằng thơ như NHT? Điểm nhanh, chắc sót: Hai bài chúng tôi thích hơn cả là tiếng việt của Quỳnh Iris de Prelle (Bỉ) và Nguyễn Huy Thiệp (Trần Vũ Long (VN). Các tác giả khác là Trần Mộng Tú ở Mỹ với bài thơ Tiễn NHT; Phạm Xuân Nguyên (VN) – Tiễn Biệt NHT; Phạm Xuân Trường (VN) – Hai Mươi Ngày Này Tháng Ba; Nguyễn Hàn Chung (Mỹ) – Tướng Về Hưu Mở Mắt Chúng Ta; Nguyễn Đinh Văn Hiếu (VN) chùm thơ Rồi Anh Kể Chuyện Dân Gian Hua Tát; Đặng Tiến (VN), v.v…

Và như cả làng cả nước bất ngờ với mong đợi, điếu văn của Chủ tịch HNVVN được thi sĩ Nguyễn Quang Thiều biến hóa thành một “áng văn” tạo đợt sóng xiển dương cả tháng ròng và dư âm còn lâu dài mà thơ ca dự phần đáng kể: “Cùng với đoạn cuối là một bài thơ, cả bài là một bài thơ. Chưa ai viết điếu văn theo lối tiên tự hậu thi, mà vẫn tự do, khoáng đạt và súc tích như thế này. Gọi áng văn là xứng đáng.” (Văn sĩ Phạm Lưu Vũ)

 

9- NHT & tiền

“Tiền nhiều mà để làm gì?” – Vua cà phê Trung Nguyên.

“Để gió cuốn đi…” – Vua nhạc Trịnh.

“Để làm nhà văn!” – Vua truyện ngắn NHT chắc sẽ ấp úng nói vậy từ nơi chín suối…

Tiền. Nhà văn yêu của chúng ta luôn uýnh bài ngửa, tênh hênh, lắm lúc lột trần. Trong tác phẩm, phát ngôn, tính cách, đời thường…

Thơ Phạm Xuân Trường có lời chú “Những ngày hấp hối mà trong nhà [NHT] chỉ có 5 triệu đồng”.

Hai nguồn sau từ văn hữu thân thiết Thiệp.

Tốc ký của văn sĩ Vinh Huỳnh có các lời nhắn trước khi NHT trọng bệnh với mấy chú em làm báo bổ:

“Tôi cũng viết tạp nhiều thứ kiếm sống, người ta thuê thì tôi viết. […] (Cái tay làm sân vận động Mỹ Đình hồi đương chức ấy) chỉ ra đầu bài thuê tôi viết truyện Tiểu Long Nữ […] còn đâu kệ mình viết tất. Hỏi: “Ông trả bao nhiêu?”, “30 triệu…”, “Hơi ít!”, nhưng rồi tôi viết loáng cái có mấy ngày đã xong.”

Văn sĩ Nguyễn Văn Thọ/Muối cùng trang lứa, cùng hàn vi thuở mới viết lách:

“Tài năng ấy từ bàn tay chai sạn từng làm nhiều nghề để sống. Hết đi buôn giấy lậu lại mở quán ăn”; “nhưng đều thất bại”; “cho tới tận khi bán một phần đất hương hỏa của cha ông xây nhà cho hai con, ông vẫn đăm đắm về tiền chữa bệnh. Tài khoản lúc đột quỵ lần hai chỉ còn 9 triệu đồng.”

Nhà văn Việt Nam khổ như Thiệp!

Từ Paris nghiên cứu gia khoa bảng Đoàn Cầm Thi phát hiện:

“[…] một câu Đoài nói với Khảm trong Không Có Vua: “Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy.” Có lẽ chỉ NHT mới có một cách định nghĩa vừa bất ngờ vừa cụ thể và giản dị về một khái niệm cực kỳ trừu tượng và phức tạp như vậy. Anh là người của thực tế vật chất, của cơm áo gạo tiền. Cái sâu sắc của NHT là cái tinh thâm của kẻ luôn phải vật lộn với mưu kế sinh nhai.

Nếu hên đận này lọt Giải Nhà nước, tài khoản nhà văn sẽ đẫy đà chun chút?

 

10- NHT & tôn vinh

“Gái góa lo chuyện triều đình”, Tiểu truyện NHT lạm bàn ở các việc như Giải thưởng văn học mang tên NHT; NHT & tên đường; NHT & sách giáo khoa; NHT & nhà tưởng niệm; “Thiệp học” – một chuyên ngành mới.

– Giải thưởng mang tên NHT:

Các đại gia yêu chữ nghĩa văn nghệ văn giềng ở xứ ta đang ngày một thêm lượng và chất; lúc này chưa nhiều, nhưng cũng chẳng ít. Với văn tình và xu hướng xã hội hóa các sinh hoạt văn học nghệ thuật VN hiện nay, có nhẽ không khó lắm nghĩ về một giải thưởng văn học tư nhân vinh danh NHT, dù có thể gặp ít nhiều thủ tục?

Ví dụ “Giải thưởng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” dành cho các tác giả, tác phẩm chuyên trị truyện ngắn viết bằng tiếng Việt. Có thể hàng năm, hoặc để chất lượng, mỗi 2-3 năm. Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi là một ví dụ đẹp.

– NHT & tên đường:

Bỏ đi danh hão, như là những người yêu con người với xấu tốt của mình, yêu văn chương chữ nghĩa tiếng Việt, yêu người VN… ta cứ tin cứ tưởng sẽ có ngày dịu giời một con đường lối phố nào đó đất Hà Thành mang tên NHT. Biết đâu lại quanh quanh xóm Cò, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân thì sao nhỉ? Mô Phật ạ!

– NHT & sách giáo khoa:

Nếu có phim về NHT (tại sao không, hỡi các nhà đạo diễn tương lai; 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa?) sẽ là rất thú vị ở sẽ rất thích thú ở  mộng cảnh Thiệp ta đang tí tửng can vẽ hình tranh cho cuốn giáo khoa đúng cái truyện ngắn được chọn. Hồi sinh, chàng cũng không thể mơ!

Vâng, đưa truyện ngắn NHT vào sách giáo khoa cũng là một công án mà văn đàn và các nhà làm sách giáo dục VN bàn lên thảo xuống hơn thập niên rồi.

Ký giả Nguyên Sa vừa nhắc nhở sau ngày NHT lìa đời:

“Nếu từng là học sinh, bạn có thể sẽ thắc mắc, sao nhân vật quan trọng thế mà tác phẩm chẳng được đưa vào sách giáo khoa? Quả là vậy, NHT chưa từng được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn phổ thông bao giờ. Ông quá khác biệt và gây tranh cãi.”

“Già làng” Nguyên Ngọc phán từ khuya:

“Trong văn của anh, nhiều đoạn có thể chép nguyên làm mẫu tuyệt vời cho các sách giáo khoa dạy văn, ngay cả ở cấp 1, cấp 2 – như đoạn thả diều trong Những Bài Học Nông Thôn chẳng hạn. […] Lại có đoạn, có truyện, chắc không bậc phụ huynh nào dám để cho con cái mình, dẫu đến tuổi mười lăm, mười sáu mó tới.”

Cư dân mạng Quy Vu “cầm đèn chạy trước ô tô”:

“Tác phẩm của NHT hiện tạo áp lực cho môn văn trong giáo dục. Họ phải chọn một đôi tác phẩm đưa vào chương trình. Muối Của Rừng lớp nghĩa nổi họ thấy yên tâm nhất.”

Nào, những fan cứng NHT đang giảng dạy từ đại học tới phổ thông hãy thể hiện “tình yêu Thiệp”: Tự làm cuộc điều tra xã hội học với các nhóm học sinh năm cuối trung học về tầm đón đợi của học trò hiện nay với truyện NHT. Rồi cậy nhờ những VIP có thẩm quyền, uy tín và niềm say Thiệp (như thầy Đình Sử, thầy Lã Nguyên, thầy Xuân Nguyên, thầy Hữu Sơn, thầy Văn Thuấn, thầy Anh Tuấn, thầy Uông Triều) lọc ra đôi truyện ngắn, dăm trích đoạn truyện NHT làm bài mẫu cho dự án.

Những mong NHT ẵm Giải thưởng Nhà nước, truyện của chàng hiệp sĩ sẽ tiến vô sách giáo khoa dễ hơn?

– NHT & nhà tưởng niệm:

Đồ rằng Bảo tàng HNVVN khi nào to oách hơn, nếu không có vườn riêng tương xứng thì “vua truyện ngắn” cũng phải yên nghỉ trên diện tích, thể tích nào đó trên bức tường đại diện chân dung, tác phẩm, vật phẩm nhà văn VN? Ấy sẽ là thao tác đầu tiên và không khó để trả “món nợ lớn của HNVVN với NHT” (Lời thi sĩ Nguyễn Bình Phương)

Một nhà tưởng niệm NHT của tư nhân? Trộm nghĩ, việc cần thiết và trong tầm tay gia đình, bạn hữu cố nhân. Về kỹ thuật đã có bàn tay nghệ sĩ từ người con trai cả – họa sĩ Nguyễn Phan Bách. Trong tuần đầu nhà văn xa cõi tạm, các bạn thân, các fan đã bàn thảo; rộn ràng nhất là FB Uông Triều. Hình dung nhà tưởng niệm NHT, so với “mặt bằng” các công trình tương tự dành cho văn nhân VN, có thể kém cạnh nhà tưởng niệm Nguyễn Du, Tố Hữu, Kim Lân… về số hiện vật? Mà sẽ nhiều hơn nhà tưởng niệm Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Phạm Tiến Duật, Nguyên Hồng, Anh Thơ?

Và viễn cảnh (không xa) như thế vầy sẽ làm tươi lòng mát mặt tình văn hữu nước nhà: Vị khách quý cắt băng khánh thành nhà tưởng niệm NHT vẫn lại là thi sĩ Nguyễn Quang Thiều.

– “Thiệp học”, chuyên ngành mới:

Tiểu truyện NHT còn hứng chí mà “hậu hậu đậu” (tức là hậu hiện đại nhưng có thể chưa thành) phác thảo một tiểu tiết nữa.

Viện Văn học (về chuyên môn) và Hội Nhà văn VN (tổ chức và in ấn), nên nghĩ ngay và luôn, đầu tư thích đáng cho bộ môn mới: chuyên ngành “Thiệp học”. Chưa cần một hội đồng tái xét thành tựu và quá trình sáng tạo văn học, chỉ theo dư luận 35 năm qua về con người và tác phẩm NHT, nhất là sau khi nhà văn qua đời, đã thấy đó là việc đáng làm, làm được.

Cầm đèn chạy trước ô tô phát nữa, chúng tôi đã liều bút tiến cử vừa đúng 21 quý vị dự phần xây dựng chuyên ngành “Thiệp học”. Rất vững tin, bằng sự quán sát trách nhiệm, bằng tình yêu văn chương, bằng thẩm quyền văn chương… đội ngũ giáo sư, phê bình gia, văn sĩ, ký giả, dịch giả tinh hoa (ít nhất trong mảng miếng NHT) sẽ đảm nhiệm vững vàng một dự án Thiệp học.

Do không đủ thời gian và quan hệ, với đa số, chúng tôi chưa thể tham kiến họ, từng người. Vội, chúng tôi rất vội kịp nộp quyển cho họa sĩ Lê Thiết Cương đang đốc thúc mỗi nửa ngày, gom bài vở in sách khóc Thiệp 100 ngày[3]. Nghĩa tử nghĩa tận. Thông cảm giùm. Dù sao cũng chả lo, già nửa các chư vị đã là văn hữu thân sơ với “đèn” rồi, thưa “ô tô”…

Song lẽ, đến phút 89 của việc thảy bài, có văn hữu và biên tập viên thân tình khuyên rằng nên tạm lấy Danh Sách 21 Ứng Viên Tham Gia Chuyên Ngành “Thiệp học” ra khỏi bản đăng báo mạng này. Tránh cho các chính chủ có cảm giác bị áp đặt hoặc chủ quan vô phép.

Thưa quý độc giả, ai đồng ý (cần có chuyên ngành “Thiệp học” với các thành viên trong Danh Sách 21 chưa công bố nói trên) giơ tay, chúng tôi biểu quyết nhé?

 

11- NHT & bộ sưu tập

Tiểu truyện NHT gom được hơn 200 bài vở mới cũ trên báo chí, trang mạng đa số sau ngày 20/3/2021. FB của nhiều văn hữu hiển nhiên là nguồn đa diện đa chiều đa ngôn nhất về ý tưởng, tư liệu, thông tin: Nguyễn Hồng Hưng, Lê Thiết Cương, Bảo Sinh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Văn Thọ, Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hữu Sơn, Phan Nhiên Hạo, Lã Nguyên, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Minh Hà, Thuận, Văn Giá, Trương Hồng Quang, v.v… và lại v.v… Ôi kể sao hết được!

Các báo mạng đi nhiều bài vở: viet-studies.net/culture, trieuxuan.info, diendan.org, vanvn.vn, vanviet.info, trannhuong.net, bbc.com, vanchuongviet.org,  v.v… và cũng v.v… Ôi cũng kể sao hết được!

Bộ sưu tập có 4 phần; thứ tự bài trong từng phần theo mức độ gần xa với Tiểu truyện NHT:

– Ra đi: Hội Nhà văn VN; Nguyễn Quang Thiều; Saigoneer; Văn Nghệ; Hữu Việt; sggp.org.vn; VOV5; BBC; Người Việt; Diễn Đàn; VOA…

– Ảnh hưởng, dư luận: T. Bass; Nguyên Ngọc; Bùi Văn Phú: K. Borchardt; VNExpress; Tuổi Trẻ; Châu Hồng Thủy; Mai Anh Tuấn; G. Giesenfeld; Hoài Nam; Mai Anh Tuấn; Thiên Trúc; BBC; Hoàng Hưng; Lê Thiếu Nhơn; Nguyễn Anh Tuấn; Vĩnh Phước; Nguyễn Văn Thọ; Đỗ Quang Nghĩa; Trần Mạnh Hảo; Nguyễn Duy…

Phê bình, nhận định: Huỳnh Như Phương; Trần Đình Sử; Trương Chính P. Zinoman; Nguyễn Hữu Sơn; Nguyễn Thanh Văn; Vũ Nho; Bùi Việt Thắng; Đỗ Lai Thúy; Nguyễn Thị Minh Thái; Đoàn Cầm Thi; Văn Giá; Mai Anh Tuấn; Đỗ Ngọc Yến; Bùi Công Thuấn; Nguyễn Thị Minh Thái, Jackhammer Nguyễn; Đặng Văn Sinh; Nguyễn Đức Tùng; Đặng Phương Lan…

– Chân dung: Nguyễn Huy Thiệp; Nguyên An; Thụy Khuê; Phạm Thị Hoài; Nguyễn Linh Khiếu; Vi Thùy Linh; Uông Triều; Đặng Thân; P. Zinoman; Nguyễn Đình Đăng; Nguyễn Hưng Quốc; Nguyễn Anh Tuấn; Vinh Huỳnh; Trung Trung Đỉnh; Nguyễn Văn Thọ; Khuất Bình Nguyên; Hoàng Nhật; Nguyễn Việt Chiến; Hà Mi; Võ Thị Xuân Hà; Lê Thiết Cương; Quỳnh Iris de Prelle; Mai Diệp Văn; Phan Nhiên Hạo…

 

12- Vậy lại có thơ rằng

Bất tri tam thập ngũ dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Thiệp Huy [4]

Vancouver, 20/3 – 7/7/2021

[Nhân dịp 100 Ngày Thiệp]

Đ.Q

[1] Hiện có 3 phiên bản đang hoàn thành trong dịp 100 Ngày NHT: Bản rút gọn Tiểu truyện NHT (30 ngàn từ); Bản cô đọng 12 điều (7 ngàn từ); và ngắn nhất là Bản cô đọng (2 ngàn từ) in chung trong sách tuyển chọn “Về Nguyễn Huy Thiệp”, NXB Liên Việt 6/2021. Tất cả cùng mang tên “Tôi đang viết Nguyễn Huy Thiệp – Tiểu truyện cuối cùng“. Ngoài bản đầy đủ cuối cùng, ở các phiên bản này không dẫn nguồn khi trích lược. 

[2]  Nguồn:

“Ba mươi năm khắp núi rừng

Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam

[3] Tin giờ chót: Bingo! Sách tiễn Thiệp đã ra lò bởi bàn tay và trái tim Cương & Nhóm làm sách:

“Vào xóm Cò “thăm” chị Trang và anh Thiệp. Đặt lên bàn thờ cuốn “Về Nguyễn Huy Thiệp”, vừa ra khỏi xưởng in, mực chưa ráo. Có 1 bó đài sen và mấy củ khoai luộc, mẹ chuẩn bị giúp. Nhớ những buổi chiều, uống trà ăn khoai lang luộc ở G39, anh Thiệp hay lẩm nhẩm câu “Đạo quy ư phác”/ Đạo bao giờ cũng quay về cái chỗ giản dị.” (Lê Thiết Cương FB, 18/6/2021).

Ơn Phật nhân duyên bản cô đọng (2 ngàn từ), phiên bản ngắn nhất về cái chỗ giản dị” của biên khảo “Nguyễn Huy Thiệp – Tiểu truyện cuối cùng” cũng đã được thành chút khói hương nơi xa dịp này.

Vài thông tin sách “Về Nguyễn Huy Thiệp”: Giá bìa: 186.000 VNĐ; Nhà sách Liên Việt (18/111 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, HN). Tel: 024.39728316 – 0396.705.075; Email:lienviet18@gmail.com; FB: lienvietbook. Ra mắt sách trực tuyến: 20-22h 4/7/2021 với MC Di Li cùng các tham dự viên chính như Lê Thiết Cương, Bùi Thị Hương,  Nguyễn Quang Thiều, Văn Giá, D. Gebuys, Nguyễn Thụy Kha, Võ Thị Xuân Hà, Lê Minh Hà, Đặng Ngọc Thái, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Hữu Việt, Nguyễn Thành Phong…

[4] Liên văn bản với câu tự trào của đại thi hào Nguyễn Du. Xin khỏi dẫn bản nguồn, mà có 2 lời chú: a. Đã thay “tam bách” bằng “tam thập ngũ”; b. Theo giáo lý, Tam thập ngũ phật danh lễ sám văn gồm 35 đức Phật.