Tôi đọc ‘Người thầy đầu tiên’

952

Hồ Thu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời học trò cấp II, tôi rất thích đọc những tác phẩm văn học Nga. Tuổi thơ tôi gắn liền với những trang sách của “Cánh buồm đỏ thắm”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Người thầy đầu tiên”… Ước mơ về những điều tốt đẹp trong những quyển sách đó đã nuôi dưỡng những ước mơ trong sáng trong tâm hồn đứa trẻ là tôi.

Tôi say sưa đọc và trong kho tàng văn học Nga đồ sộ ấy, tôi đặc biệt thích thú với câu chuyện Người thầy đầu tiên của nhà văn Aitmatov trong tập truyện Giamilia – Câu chuyện của núi đồi và thảo nguyên. Người thầy đầu tiên đã đi vào tâm khảm của tôi những ngày niên thiếu… Và như một duyên kỳ ngộ, sau này tôi là giáo viên văn, đứng trên bục giảng say sưa giảng cho học trò về đoạn trích Hai cây phong từ tác phẩm này… Tôi càng thấu hiểu hơn, những câu chữ và hiểu biết về tác phẩm Người thầy đầu tiên, sự trải nghiệm trong nghề và hơn cả là từ những trang sách ấy mở ra cho tôi những chân trời mới… để tôi tự tin hơn truyền đạt cho các em.


Nhà văn Aitmatov và tác phẩm bất hủ “Người thầy đầu tiên”.

Với Người thầy đầu tiên, mở đầu tác phẩm là hình ảnh hai cây phong cao lớn được trồng cạnh nhau trên một ngọn đồi lộng gió. Dân làng không ai biết rõ về nguồn gốc của hai cây phong đó. Mãi sau này, khi làng Cu-cu-rêu đón bà Antưnai – người hoạ sĩ nổi tiếng vốn trước đây cũng là người dân làng về mở trường thì bí mật về hai cây phong mới được hé lộ. Trở lại thời quá khứ, khi Antưnai năm mười lăm tuổi là những tháng ngày tuổi thơ nhọc nhằn bất hạnh. Cô bé luôn bị người thím độc ác đánh đập. Và cuộc đời cô bé Antưnai sang một trang đời khác tươi sáng hơn nhờ thầy giáo Đuysen – một người thanh niên cộng sản được cử về mở trường dạy học ở làng Cu-cu-rêu. Thầy Đuysen vô cùng quý mến Antưnai và cầu xin gia đình bà thím cho Antưnai đi học. Bằng sự kiên trì thuyết phục, sau bao nhiêu vất vả, cuối cùng thầy đã thành công. Thầy Đuysen và Antưnai cùng lũ học trò tại làng đã trải qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn và trong thời tiết khắc nghiệt với cái rét lạnh cóng nhưng họ vẵn có một nghị lực phi thường để vượt lên tất cả. Nhưng không may mắn, bà thím Antưnai đã quyết gả cô cho một tên quý tộc to lớn và thô thiển để lấy tiền. Một lần nữa, thầy Đuysen đã ra sức bảo vệ Antưnai. Hai thầy trò đã cùng nhau trồng hai cây phong bé nhỏ trên ngọn đồi. Thầy Đuysen nói với Antưnai rằng, giờ đây Antưnai như hai cây phong này vậy, nhưng sau này khi lớn lên, Antưnai chắc chắn sẽ thành công.

Nhưng sự thật quá phũ phàng, Antưnai vẫn bị bắt đi làm vợ lẻ, mặc sức thầy Đuysen đã ra sức chống cự bọn quý tộc đến nỗi bị chúng đánh gãy tay và máu chảy đầm đìa. Sau ba ngày sống trong địa ngục, cuối cùng Antưnai đã được thầy Đuysen cùng cảnh sát giải cứu và đưa lên tỉnh học. Lúc này, Antưnai đã biết mình có tình cảm với thầy Đuysen. Cô viết thư cho thầy nhưng Đuysen không muốn làm ảnh hưởng tới việc học của Antưnai, anh đã không trả lời. Đã mấy lần Antưnai nhìn lầm người khác thành Đuysen nhưng dường như điều đó gần như vô vọng vì Đuysen đã đi bộ đội và bị báo tin mất tích…

Đọc tác phẩm, hình ảnh hai cây phong và thầy giáo Đuysen đã ám ảnh tâm trí người đọc. Tác giả Aitmatov đã hóa thân vào nhân vật họa sĩ để cảm nhận bằng sự rung động của một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và trí tưởng tượng phong phú của một người nghệ sĩ. Hai cây phong chính là biểu tượng đẹp của con người dân làng Ku-ku-rêu với sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, với tâm hồn trong sáng và phong phú, là biểu tượng của làng quê yêu dấu. Nơi ấy, đã sáng ngời một nhân cách tuyệt vời về người thầy giáo Đuysen. Người chiến sĩ Hồng quân Đuysen đã về một vùng biên ải để dạy cho người học trò Annưtai những nét chữ và con số đầu tiên. Và chính bản thân thầy giáo Đuysen là một bài học đầu tiên về nhân cách làm người cao cả. Đuysen đã hy sinh tất cả để Annưtai rộng bước trên con đường khoa học. Cuối đời, Đuysen chỉ là một ông già đưa thư nhưng những gì mà anh đã cống hiến cho đất nước thật vinh quang. Hình ảnh hai cây thông mà Đuysen cùng Antưnai trồng trên đồi lộng gió, vững vàng trong bão tuyết chính là hình ảnh của thầy đã lung linh giữa đất trời. Tác phẩm là lời kể gián tiếp của người hoạ sĩ xen lẫn với lời kể của nhân vật Antưnai về hồi ức cuộc đời bà trong những năm sau Cách mạng tháng Mười Nga với tháng ngày bắt đầu một cuộc đời mới…

Đọc tác phẩm Người thầy đầu tiên, trong tôi hình dung những dịp Antưnai trở về làng quê Kurkurêu – nơi mà bà đã từng trải qua thời thơ ấu đắng cay nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm. Người đọc có lẽ cũng đồng cảm và hòa vào sự xúc động chân thành của nhân vật về những ký ức xa xưa. Khi đó, Antưnai đã may mắn gặp và nhận được sự dạy dỗ của thầy Đuysen… Câu chuyện là một nỗi hàm ơn của người trò nhỏ đối với người thầy giáo trẻ và làm chúng ta gợi nhớ đến những tình cảm thiêng liêng của người thầy giáo cao thượng nhân từ. Thầy giáo Đuysen đã từng nói với cô bé mồ côi này lời những động viên tinh thần thiêng liêng nhất: “Antưnai, bây giờ thầy với em cùng làm chung một việc. Hai cây phong này thầy mang về cho em đấy. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em cũng sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt. Em có một tâm hồn đẹp và một đầu óc ham học. Thầy bao giờ cũng nghĩ rằng em sẽ trở thành người thành đạt”. Thầy giáo Đuysen đã gieo vào lòng cô bé Antưnai và cả tôi – người đọc tác phẩm một niềm tin, nghị lực trong cuộc đời…

Tiếng gọi người thầy yêu quý Đuysen trong lần gặp gỡ cuối cùng với Altưnai đã vọng mãi theo đoàn tàu, theo mãi hành trình cuộc đời của Altưnai, một viện sĩ Xô Viết nhưng với thầy giáo Đuysen, mãi mãi, Altưnai vẫn là một cô học trò bé bỏng, một ngọn lửa nhỏ trong lòng Đuysen… Người thầy giáo mà cô học trò Antưnai nhớ lại, bây giờ lại là một ông lão già đưa thư cho dân làng. Bà “trải lòng” nghĩ đến mình và đến người thầy đầu tiên ấy: “Tôi nghĩ không phải chỉ riêng bà con trong làng mà nói chung mọi người, nhất là lứa tuổi trẻ, đều cần biết câu chuyện này… Chỉ biết là tôi vẫn thấy muốn làm một việc gì đó để cảm ơn con người thật ra không quen biết ấy, để đền đáp lại nụ cười đã sưởi ấm lòng tôi, đền đáp mấy câu nói nhân từ ấy”. Âu cũng là một niềm vui không kể xiết của người thầy đã hy sinh âm thầm trong bao năm. Chắc hẳn khi biết được điều ấy, nó sẽ là nguồn an ủi cho thầy Đuysen trong suốt cuộc đời còn lại của mình. Thật sự, người thầy giáo ấy đã thành công, thầy đã làm được một điều cao quý nhất của người thầy, đó là hoàn thành sự nghiệp “trồng người”…

Ra đời vào năm 1961, tác phẩm Người thầy đầu tiên đã gây được tiếng vang lớn khi nhận một giải thưởng danh dự “Giải thưởng Lênin”. Cho đến bây giờ, Người thầy đầu tiên không ngừng làm rung động trái tim của biết bao thế hệ độc giả. Đọc Người thầy đầu tiên, có lẽ trong lòng người đọc sẽ khắc sâu về lòng biết ơn vô hạn đối với thầy giáo Đuysen – người đã hy sinh tất cả để vun trồng mơ ước, hi vọng cho những thế hệ tương lai. Trong truyện, thầy Đuysen trong mắt cô học trò Antưnai (sau này đã trở thành một viện sĩ) không chỉ là một người thầy mà còn là một người cha, người anh, người bạn vô cùng đáng yêu và đáng kính. Dù ở đâu trên trái đất này, vẫn luôn khẳng đinh rằng: Tình thầy trò là tình cảm cao quý, thiêng liêng mà thật gần gũi, ấm áp. Thầy cô không chỉ là người truyền đạt tri thức, mà còn là người cha, người mẹ, nhà tâm lý, người bạn trong cuộc sống, nâng đỡ mỗi người trong những bước ngã đầu đời, dìu dắt, truyền đạt tri thức.

Đọc Người thầy đầu tiên, tôi đã thấm nhuần những điều răn dạy ấy… Bác Hồ kính yêu đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề đáng quý nhất” bởi mãi mãi, thầy cô giáo là những người “kỹ sư tâm hồn” và suốt cuộc đời, tôi vẫn cứ nhớ mãi những trang văn đằm thắm, nhân hậu của tác phẩm Người thầy đầu tiên của Aitmatov.

H.T