(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi khờ quá làm sao mà biết được khi người bà con đọc báo nói báo nhắc tới tên cậu khiến tôi cũng tò mò tìm mua tờ báo nọ để coi họ viết cái gì trong đó. Người bà con gần còn nói thêm “cậu Út của tôi giầu lắm ăn ba đời không hết của”. Thiệt vậy sao, tôi khờ quá làm sao mà biết được?…
Tôi với cậu Út ngồi trên xe lửa về Bình Định. Cậu Út của tôi không sinh ra ở Sài Gòn nhưng gần cả cuộc đời của cậu đều gắn với vùng đất này và cậu cũng tự nhận mình là người Sài Gòn.
Thực ra người ở đâu cũng đều là người Việt, tôi không chú ý mấy tới việc “nhìn lạm” của cậu. Má tôi nói “cậu Út không thích ai nói cậu người Bình Định, mà Bình Định là quê hương của nhà mình đó con”. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, má tôi nói tiếp “má cũng không hiểu lắm chuyện gì xảy ra với cậu nên có ý dò hỏi mấy dì mỗi khi về quê nhưng mỗi người nói mỗi phách không biết trúng trật ra sao nữa!”. Tôi biết chuyện của cậu nhưng không biết ở đâu ra chuyện cậu không nhận mình là người Bình Định?
Tôi có tới năm người dì là những người em của má tôi, má tôi là con gái đầu lòng của ông bà ngoại. Chỉ có hai dì ở lại quê, còn ba bà dì lại phiêu giạt lên Gia Lai làm ăn sinh sống. Người Bình Định lên Gia Lai nhiều lắm, đi đâu cũng gặp giọng quê xứ nẫu cả, má tôi nói thế. Má không lên Gia Lai như mấy dì mà vào tận Đà Lạt làm ăn và gặp ba tôi nên nghĩa vợ chồng. Nhưng cũng như bao người khác, quê nhà bao giờ cũng là nổi nhớ trong lòng má tôi, hễ có dịp là bà sắp xếp về liền.
Còn cậu Út lại là con út, trên cậu là cậu Thìn và cậu Tỵ, cả ba cậu là con bà ngoại kế của tôi, nghĩa là dì ghẻ của má tôi. Nói cho cùng, dù là dì ghẻ nhưng lại là dì ruột của má bởi bà ngoại tôi mất khi sinh dì Sáo nên em út của bà thay chị nuôi dì Sáo lúc còn đỏ hỏn. Có lẽ ông ngoại muốn dì ở luôn ngôi nhà ngói cây mít của ông nên “làm cách nào đó” mà tôi không biết. Vả chăng biết cũng chẳng để làm gì, bà con gần càng vui chớ sao?
Tôi cũng được về quê ngoại mấy lần hồi còn nhỏ. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên má tôi cho chị em chúng tôi đi xe lửa như thế nào. Xe lửa cứ chạy xình xịch, xà ạch xà đụi rồi cũng vượt qua những cánh đồng, núi non, biển cả. Tôi say sưa ngắm vẻ đẹp quê hương qua ô cửa sổ có tấm lưới chắn, cảnh vật cứ vùn vụt lướt qua đôi mắt trẻ con của tôi. Tôi thích nhất mỗi lần xe lửa qua hầm, những tàn lửa bắn tung toé như pháo hoa khiến tôi liên tưởng đến những tàn lửa xuất hiện khi má tôi nhen than để ngào mứt hay làm bánh những dịp giỗ chạp hay tết nhứt. Má tôi giải thích xe lửa chạy bằng than đá nên có tàn lửa y như khi mình dùng ống thổi thổi lửa lúc nấu nướng. Không chỉ mình tôi thích, mà cả bọn ăn trộm cũng thích nữa. Bằng chứng là chiếc va ly gỗ đựng số quần áo ít ỏi của mẹ con, chị em tôi không cánh mà bay khi tàu lửa vừa ra khỏi hầm, bầu trời vụt nhiên cao lên thênh thang gió…..
(Đó là câu chuyện cách nay trên năm mươi năm, năm mươi năm dù sao cũng không phải là chuyện gì quá cũ, bây giờ ngồi nhớ lại chuyện xưa có phải là bệnh của người già?). Xe lửa qua hầm, má tôi nó trực lên cái tủ trên trần xe, cánh cửa buông thỏng xuống, bên trong trống huơ trống hoắc. Má tôi nhìn thất thần vào cánh cửa, nước mắt bà chảy một dòng dài. Chị em tôi ùa vào má, bà ôm từng đứa mà không nói lời nào. Sau này tôi mới nhận ra chị em tôi là tài sản lớn nhất của má sau khi ba tôi mất….
Má nhắn về quê khi xe lửa vừa tới ga Bình Định, ông ngoại cho cậu Thơ, một người em bà con với má ra đón má con tôi. Cậu Thơ là thợ may, khi nghe má tôi kể chuyện bị trộm cậu xuýt xoa một chặp rồi mới nói “thôi chuyện xui rủi ai mà lường trước được, chị đừng buồn của đi thay người, để chút nữa em ghé chợ Phú Phong mua mấy thước vải may đồ cho mấy cháu”.
Má tôi gỡ cây kim băng gài miệng túi lấy mấy tờ giấy bạc in hình phong cảnh đồng quê một mặt, mặt kia hình một tướng quân và quân sĩ cởi voi gươm dáo sáng loà…đưa cho cậu Thơ.
Tôi nhớ khi lội bộ qua một dòng sông mùa cạn nước vào giữa trưa, chân tôi bị nóng bỏng má phải lấy cái nón để tôi đứng lên nghỉ mệt. Đến nhà ông ngoại cạnh một cánh đồng đối với tôi là cả một…thiên đường. Nhà ông ngoại có đủ thứ hấp dẫn tôi mà người hướng dẫn tôi khám phá là cậu Út. Cậu Út chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng chỉ chừng đó thôi không đủ để tôi nể cậu, tôi phục cậu vì cậu biết đủ thứ, cậu “khai mở” cho tôi những thứ nếu không có chuyến về quê năm đó chắc tôi không bao giờ biết.
Bữa trưa hôm đó hai cậu cháu nằm chơi dưới bóng mát cây mít sau vườn. Cậu Út nói:
-Khờ nè, cậu nói chuyện này cho con biết?
Tên tôi là Khờ, má đặt tên như vậy chắc thấy tôi rất ít khi mở miệng, sau này tôi nghiệm cái tên cũng vận vào cả cuộc đời của tôi.
Đôi mắt cậu Út ánh lên một tia nhìn là lạ, tôi cũng nhìn lại cậu bằng một ánh mắt có một dấu hỏi bên trong.
-Cậu sẽ bỏ quê vô Sài Gòn sống!
Ngừng lại một chút, cậu dòm mặt tôi thử coi tôi nói sao nhưng thấy mặt tôi cứ bơ bơ cậu mới nói tiếp:
-Mà con đừng nói với ai nghe, chuyện này hệ lắm!
“Hệ?”, chuyện gì mà hệ vậy cà, tôi có chút thắc mắc trong lòng nhưng mắt vẫn dõi lên tàng cây mít tìm con chim sáo sậu vừa sà xuống.
-Cậu mà ở lại quê cũng không được gì, con coi, ông ngoại con có mấy mẫu ruộng rộc, một bữa cậu nghe lóm ông nói với bà rằng sau này để lại hết cho cậu Thìn, còn cậu Tỵ và cậu ông sẽ cho cái miếng vườn này. Con coi…miếng vườn bằng bàn tay mà chia cho hai thì lấy gì mà sống cho nên cậu phải tha phương lập nghiệp!
Cái “bàn tay” của cậu là cõi thiên đường của tôi trong kỳ về quê này, cái gì cũng khiến tôi thích thú không thôi….
Sau khi vô lại Đà Lạt tôi quên béng chuyện này mà nghĩ cũng phải, chỉ cậu Thơ đón má con tôi, may quần áo và đưa tiễn ra ga về lại nhà mới là người tôi nhớ nhứt.
Lớn lên một chút tôi được vô Sài Gòn nhiều lần với má. Chẳng là chị tôi bỏ nghề thợ may mới học đi làm y tá rồi chuyển về Sài Gòn. Mùa hè má hay dẫn anh em tôi vô đó coi thử “chị con sinh sống ra sao”. Tôi chỉ thấy Sài Gòn là một thiên đường làm một thằng nhỏ mới lớn là tôi ngây ngất. Từ cái bánh chuối nước dừa, những trái mận màu đỏ thẩm đến rạp xi nê hay cuốn truyện tranh Tề thiên đại thánh….đều khiến tôi mơ ước được sống luôn ở đó. Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước, tôi lại phải leo lên xe đò Minh Trung lập bến ở đường Petrus Ký để chừng bốn, năm tiếng đồng hồ sau là về đến Đà Lạt (hồi đó đi Đà Lạt nhanh như vậy vì hai bên đường nhà cửa thưa thớt, xe cộ ít, không như bây giờ).
Trong một lần như vậy tôi gặp lại cậu Út. Sau khi hàn huyên đủ điều, cậu nói má cho tôi đi công chuyện với cậu. “Sáng mai em đưa nó về đàng hoàng chị đừng có lo”. Công chuyện của cậu là đi dán bích chương cho liên danh bầu cử gì đó mà tôi không để ý, cậu chở tôi theo để phụ cậu vậy mà. Tôi khoái ngồi sau cậu trên chiếc Honda S66 tay lái ngang có cặp kiếng chiếu hậu hình tròn. Cậu chở tôi đi khắp Sài Gòn, chỗ nào dán được mấy tờ áp phích kêu gọi cử tri bầu cho liên danh chi chi đó là cậu ngừng xe, kêu tôi giữ xe rồi cậu đi vô mấy tiệm nước hay tiệm ăn hoặc giã là tiệm chạp phô xin chủ nhà cho dán áp phích ở chỗ khoảng trống bức tường nhà họ. Đa số là người ta đồng ý, cũng có chỗ khi tôi và cậu ngồi lên chiếc 66 chạy đi là người ta gỡ tấm giấy ấy liền, tôi còn kịp thấy họ vo tròn rồi ném luôn xuống đất.
Chiều hôm ấy trời mưa, cậu cháu tôi ướt như chuột lột, cậu chở tôi ghé nhà một người bạn xin ngủ nhờ. Bạn cậu sống một mình trong một căn nhà khá rộng, phía bên kia đường là căn cứ Long Bình của Mỹ. Bên trong mấy lớp kẽm gai, cứ chừng vài chục mét là có một bốt gác, ánh đèn xe nhà binh Mỹ chạy tới chạy lui trên những con đường bên trong khiến lòng tôi vừa ngạc nhiên vừa ray rức.
Ngạc nhiên thì rõ rồi, còn ray rức là nghĩa làm sao? Tôi không biết nhưng đó là sự thực!
Lúc đó cậu Út tôi học trường Luật, cậu tôi kể rằng học luật khó lắm, cứ có bằng tú tài hai là được ghi danh học, thường thì năm đầu có cả chục ngàn sinh viên, nhà trường mướn một rạp hát hình như là rạp Quốc Thanh để giảng viên giảng dạy. Ai đi sớm có chỗ ngồi, còn đi trễ cứ đứng ngoài nghe tiếng “ô pạt lơ” từ bên trong vọng ra. Có khi người ta giảng bằng tiếng Anh, đó là một ông thiếu tá thỉnh giảng người Mỹ, ai hiểu hay không thì tuỳ vào vốn ngoại ngữ của mình nhưng ai cũng cố sắm một cái máy thu để vè nhà nghe lại. Vậy cho nên sau năm thứ nhứt chỉ còn lại khoảng hai trăm người đậu….số còn lại trôi giạt qua khoa khác hay đi lính bởi không còn được hoãn dịch vì lý do học vấn.
Rồi tôi lại nghe cậu học tiếng Nhật, nói và viết đều được bởi cậu có vốn chữ Nho mà ông ngoại tôi dạy cậu từ hồi còn nhỏ.
Rồi tôi nghe nói….
Rồi tôi nghe nói….
Và tôi cũng không để trong lòng chuyện của cậu Út bởi tôi cũng có khoảng trời riêng của mình.
Và cũng tới lúc “khoảng trời riêng” của tôi sụp đổ. Phải công nhận rằng cái tên của mỗi người đều “vận” vào số phận. Thiên hạ nói rằng tôi khờ nên ba má tôi mới đặt tên như vậy. Tôi cũng công nhận mình…khờ thiệt, năm 75 tôi bỏ không đi di tản dù chiếc xe Dodge còn rộng rinh ngừng trước mặt tôi hoặc giã sau này khi thằng bạn thân rủ theo gia đình nó vượt biên tôi cũng từ chối…. nhưng thôi, chuyện của tôi chẳng ăn nhập gì với chuyện cậu Út.
Sau năm 75 dường như má con tôi mất liên lạc với cậu Út. Cũng phải thôi, lúc đó cơm áo gạo tiền là nổi lo mà người nào, nhà nào cũng phải đương đầu. Má con tôi còn có miếng vườn, đào lên xới xuống cũng sống tạm qua ngày. Xăng chạy máy tưới lúc trước má tôi mua của bọn lính cả chục thùng phuy thứ hai trăm hai mươi lít mỗi thùng để xắp lớp ở một góc sân dưới gốc cây đào già thân đầy mốc; nay người ta cấp cho một cuốn sổ mua mỗi lần chục lít….Có lần thằng Bảnh nhà kế bên túng tiền nó bèn mua xăng xong bán lại cho bọn chợ đen thì bị bắt. Đó là đầu năm 76, đến cuối năm thì khó hơn rất nhiều, đến năm 77 lần đầu tiên tôi nghe nói “mỗi giọt xăng là một giọt máu”, thứ “máu” ấy trước kia tôi cứ mở thùng phuy dùng một ống hút lấy ra đổ đầy bình xăng chiếc xe Yamaha màu xanh mà không hề nghĩ ngợi gì cho dù nhiều lúc lơ đễnh để xăng tràn ra ngoài cả lít hôi rình….
Mà thôi, tôi “khờ” như tên nên không nghĩ ra cách bán xăng như thằng Bảnh!
Tôi cũng vì “khờ” nên bỏ luôn chuyện học đại học nửa chừng của mình. Không lẽ đi giải thích cho mọi người rằng thì là do tôi lỡ học kiểu tín chỉ như đại học Mỹ, chương trình được soạn cho cả mấy năm ai thi đậu đủ số tín chỉ là được cấp bằng…, nay gom lại chỉ là năm nhất mà phải tập trung về Sài Gòn thì…lỗ quá; chi bằng nói tại tài chính không cho phép để khỏi phải giải thích dài dòng.
Mà tiền bạc lúc đó kiếm được quá khó là chuyện mà ai cũng thấy, cho dù có tiền cũng không có thứ mình cần mua.
Lại nói thêm một chút chuyện một thằng khờ. Thằng khờ là tôi bức bối vì nghèo đi theo bạn đào vàng ở Tà In. Tôi khờ quá để cho đồng bọn giựt phần của mình lại còn doạ giết nên tôi bỏ trở về nhà kiếm chiếc xe ngựa chở hàng thuê. Hồi còn ở K76 tôi thấy một người đàn ông khoảng trên dưới năm mươi tuổi hàng tuần đều đặn xin thứ đá người ta đưa lên từ dưới hầm để về lót đường, lần nào ông ta cũng mang can rượu đế vài con khô để “uỷ lạo” các “chiến sĩ” đang đem mạng sống của mình đánh đổi lấy thứ cát đen mà họ kêu bằng “sái”.
Lúc đó tôi hơi ngờ ngợ có chút gì đó sai sai nơi ông này, phải mười năm sau tôi mới biết ông ấy khôn nổ trời, ông gom đá ấy về nhà rồi cứ thong thả xay nát đãi lấy vàng trong số đá xin kia?
Nhờ có chiếc xe ngựa tôi sắm được chiếc xe Gobel. Thứ xe cổ lổ sĩ này được thời sống lại ngẫm thời thế cũng thiệt buồn cười. Nếu trước kia có cho không cũng chẳng ai lấy, vậy mà bây giờ tôi phải bỏ gần 2 chỉ vàng để được cưỡi trên xế nổ với người ta. Có điều xe hao xăng quá, nghe lời bạn tôi lặn lội vào Sài Gòn tìm vô quận 5 làm lại bộ chế hoà khí, thay cái pít tông cho kín để đỡ hao xăng, một giọt xăng là một giọt máu mà!
Xong việc tôi tìm tới nhà thăm cậu Út.
Không thể nào tả được sự ngạc nhiên của tôi vì cậu Út lại “biến thành” một cán bộ khơ khớ, nôm na gọi là…quan.
Tôi hỏi gì cậu cũng chỉ cười cười rồi nói gọn lỏn một câu “cậu hoạt động nội thành!”.
Cậu đãi tôi một bữa ra trò, lần đầu tôi biết món ốc nhồi thịt hấp sả. Cái thứ ốc bưu sinh sôi vô thiên lũng dưới mỗi ao hồ, lúc rảnh rỗi tôi thường bắt về cho vịt ăn để vịt lớn nhanh cho thằng con có chút chất tươi mau lớn chứ cá khô “chơi” hoài sao lớn nỗi? Vậy mà món ốc trời ơi ấy được chế biến ngon quá, tôi hớp một ngụm bia vàng mà nghe cậu Út nói là bia Nhật.
-Để con biết bia Nhật với người ta chứ cậu thì chỉ thích ông già chống gậy!
Tôi ngước nhìn cậu, già quá đi không nỗi thì chống gậy chứ hay ho gì mà thích hay không thích?
Cậu chỉ cười không trả lời câu hỏi của tôi. Một lát sau có mấy người được người bồi bàn dẫn vào bàn hai cậu cháu tôi, tôi thấy họ có vẻ hơi khúm núm khi bắt tay cậu, miệng họ cười tươi còn hai tay họ ôm lấy bàn tay cậu lắc lấy lắc để.
Một người quay qua nói gì đó với người bồi, lát sau tôi thấy ông ấy mang ra mấy cái ly mới. Lúc này người mới tới lấy từ túi xách mang theo một chai vuông vuông ước chừng một lít, miệng cười:
-Em biết gu của anh Mười mà, tụi em kính anh một ly!
Ông ta nói thế sau khi rót rượu, một thứ nước vàng óng đầy kích thích, ai đó nói leo:
-Ông già chống gậy, ngồi dậy uống nữa…he he!
Hoá ra ông già chống gậy là vậy, từ đó tiệc rượu trở thành tiệc của cậu tôi và họ, tôi bị lãng quên ngồi chầu rìa không ai thèm để ý.
Tôi đứng dậy nói với cậu đi vệ sinh, xong tôi đi ra ngoài tìm một chiếc xe ôm chạy về bến Miền Đông sau khi nhắn gởi lời từ giả cậu với người bồi, cũng may cái túi xách nhỏ của tôi mang theo bên người nên không vướng bận gì….
Đó là lần duy nhất tôi gặp cậu thời kỳ cậu làm quan, tôi cũng nghĩ thầm trong bụng sẽ nhờ vã cậu khi thằng con vô đại học, mà đó là chuyện ngày sau….
Và chuyện ngày sau thì không ai biết trước được, thằng con của tôi một phát đi Pháp học theo chương trình đào tạo gì đó, tôi nghĩ thôi thì khỏi cần nhờ vã cậu chi cho phiền!
Tôi lại khác thằng con, tôi “chuyển ngành” qua sửa xe máy hồi nào chẳng rõ. Thoát khỏi kiếp đánh xe ngựa đã lỗi thời tôi cũng buồn buồn khi không còn được vuốt ve cổ con ngựa tía để an ủi nó mỗi khi thấy nó đau khi tôi chưa kịp đóng móng mới cho nó. Con vật dễ hiểu hơn con người nhiều, chúng không biết nói láo…., là tôi nghĩ lan man như vậy mỗi khi sửa xe cho khách chứ chả có ý tứ gì.
Chuyện sửa xe tôi phải cập nhật thường xuyên nên hay đi Sài Gòn “tu nghiệp”, lần nào cũng vội chưa kịp uống một bữa bia hơi tới bến với ông chủ tiệm đã phải về rồi, ở nhà khách đang chờ món phụ tùng khó kiếm!
Trong một lần rảnh rỗi hiếm hoi, tôi ghé thăm cậu Út. Trên đường đến nhà cậu ở quận Tân Bình tôi nghĩ mình cũng tệ, lo làm ăn quá mà không nhớ tới cậu. Rồi tôi nghĩ tiếp ổng làm quan biết có thời giờ tiếp mình không nữa?
Nghĩ vậy mà không phải vậy, cậu mừng rỡ nắm tay tôi kéo vô nhà, một ngôi nhà to đùng sang trọng. Thấy tôi mở to mắt tò mò, cậu giải thích “hồi còn làm việc, anh em bên nhà đất bố trí nhà cho cậu mua, họ đề nghị nhà ở quận nhứt hay quận ba nhưng cậu không chịu, cậu mua hoá giá ngôi nhà này con coi có được không?”. Không được mới lạ nhưng tôi gạt chuyện đó qua một bên, cậu nói hồi còn làm việc…vậy cậu đã hưu trí rồi sao? Tôi tuy khờ nhưng cũng biết nam phải sáu mươi, nữ năm lăm mới được về, cậu chưa tới tuổi sao về đặng? Tôi hỏi dồn nhưng cậu không trả lời chỉ bày một trận bia với mồi màn đầy đủ do cậu gọi ở cái nhà hàng Năm Sao bên cạnh nhà rồi hối tôi uống. Uống bia mà mắt cậu buồn quá, tôi không đọc được trong đó một chút gì, mắt cậu Út khó hiểu quá không như mắt ngựa…con ngựa tía cùng tôi chuyển biết bao tấn hàng, nhìn mắt nó là tôi biết nó muốn gì liền!
Tôi lên xe đò về nhà mà lòng nghĩ lan man chắc cậu bị “biếm” hay “huyền chức” như mấy chuyện xưa tôi đọc về mấy ông quan?
Tôi khờ quá làm sao mà biết được?
Mà biết cũng chẳng để làm gì ngoài một tiếng thở dài. Tiếng thở dài ấy nhắc tôi ngày mai phải lên Ban để hỏi về đơn khiếu nại, cái giá đất bèo bọt ấy ai mà chịu ký cơ chứ!
Chuyện của tôi chẳng dính dáng gì đến chuyện cậu Út, tại làm sao lại nghĩ lan man vậy cà, hay là tại vì công chuyện cậu làm có liên quan tới đất đai?
Tôi không biết, tôi khờ quá làm sao mà biết được?
Và tôi chỉ biết khi cậu Út chia tay mợ, ngôi nhà ngàn cây được bán chia ba, cậu chỉ một phần, em Mai một phần và mợ cũng vậy. Mai không ở với cha mẹ, em có chồng ra riêng, cậu mợ hai người mua hai căn nhà nhỏ ở cùng quận nhưng có lẽ họ không gặp nhau, ly hôn rồi đường ai nấy đi…chuyện cậu Út như một tiếng thở dài!
Tôi vẫn đi Sài Gòn hoài, một năm đi chừng hai lần để học cái mới. Thời xe số đã qua, bây giờ là xe tay ga. Tôi nghe tiếng xe để định bệnh, cứ y như ngày xưa tôi hay thì thầm bên con ngựa tía để vỗ về nó, nay tôi ghé tai gần máy, tay vặn ga để nghe nó nói cái gì với mình. Và chỉ thế thôi, bọn học trò và hai ba người thợ ruột sửa xe cho khách, tôi chỉ giữ chùm chìa khoa tủ phụ tùng và tính tiền. Chấm hết!
Thỉnh thoảng thằng con cũng gởi về cha mẹ nó dăm ngàn, cái này lạ thiệt, con tôi học xong không ở lại Pháp, cũng không qua Mỹ, không về nước mà lại làm việc ở Sing…tôi không hiểu sao lại vậy.
Tôi khờ quá làm sao mà biết được?
Tôi khờ quá làm sao mà biết được khi người bà con đọc báo nói báo nhắc tới tên cậu khiến tôi cũng tò mò tìm mua tờ báo nọ để coi họ viết cái gì trong đó. Người bà con gần còn nói thêm “cậu Út của tôi giầu lắm ăn ba đời không hết của”. Thiệt vậy sao, tôi khờ quá làm sao mà biết được?
Cũng là chuyện đất đai như chuyện miếng đất của tôi mấy năm trước bị thu hồi nhưng tôi không hiểu lắm, tôi khờ quá làm sao mà biết được?
Chuyện đó như miếng dằm trong lòng tôi, tôi không nói ra được với ai, chỉ mang nó theo năm tháng.
Và cuối cùng thì cái gì cũng có “the end”, cơn đại dịch Covid ập đến y như cơn hồng thuỷ. Khi Sài Gòn ở đỉnh dịch, Đà Lạt của tôi đang phập phồng lo sợ. Ai đó đổ thừa cho du khách Sài Gòn làm lây lan bệnh cho người Đà Lạt khiến người ta nghi kỵ người ta.
Trong cảnh này tôi nhận được điện thoại của em Mai. Mai khóc kể “ba mất rồi anh ơi…”. Qua giọng kể đứt đoạn của em, tôi cũng hiểu đại khái chuyện của cậu Út. Cậu ở một mình, tiếp xúc gần với một người bệnh Covid bị “hốt” đi tập trung. Và cậu nhiễm bệnh thật ở nơi tập trung ấy, người ta đưa vào bệnh viện, cậu nằm một mình hai ngày thì mất. Người ta gói cậu trong mấy lớp ny lông, mang xác cậu nằm chờ hoả thiêu trong xe Con tai nơ đông lạnh…phải gần tháng sau ngày cậu chết, em Mai mới nhận được hủ tro cốt của cậu.
Em nói tâm nguyện của cậu khi sống là được hoả táng đem tro cốt rải ở quê nhà….mà em chưa bao giờ về quê nội nên nhờ tôi, một lời hứa khi dịch bệnh qua đi. Tôi hứa chứ sao không…
Và hôm nay dịch bệnh đã kiểm soát được, tôi đưa cậu Út về quê. Tôi sẽ rải tro cốt của cậu dọc sông Côn, dòng nước sẽ mang tro cốt cậu hoà vào mênh mông biển cả!
Tôi làm được mọi chuyện như dự tính, khi ghé thăm cậu Thơ, ông già gần trăm tuổi vẫn minh mẩn nhớ chuyện ngày xưa. Mấy mẫu ruộng rộc của ông ngoại tôi hiện cháu nội cậu Thơ làm, hai ông cậu Thìn và Tỵ già yếu ở Mỹ không về, chỉ có cậu Út trở về bằng một hủ cốt tro.
Vậy là sao, tôi khờ quá làm sao mà biết được!
26/5/2022
V.A.C