Ở Trung Quốc, chúng tôi thường nói đọc sách cấm trong đêm tuyết rơi là một trong những thú vui đích thực của cuộc sống này. Bởi khi đó, người ta có thể hiểu được cảm giác thỏa mãn mà cuốn sách ấy có thể mang lại.
Với tôi nó giống như một viên kẹo tỏa hương ngào ngạt được cất trong tủ trong không gian quạnh quẽ. Bất cứ khi nào đến một nước khác, tôi luôn được giới thiệu là tác giả gây tranh cãi nhất và bị kiểm duyệt nhiều nhất ở đất nước mình. Tôi không đồng ý cũng không phản đối cách mô tả này. Tôi không bận tâm cũng không cảm thấy có vinh dự nào đặc biệt về nó.
Cần phải nói rằng việc một tác gia có sách bị cấm thì không đồng nghĩa với tác phẩm đó thành công về mặt nghệ thuật. Đôi khi việc cấm xuất bản đồng nghĩa với sự can đảm, như Goethe từng nói, nếu không có lòng dũng cảm thì sẽ không có nghệ thuật thật sự. Nếu mở rộng logic này, có thể nói rằng nếu không có lòng dũng cảm thì sẽ không có sáng tạo nghệ thuật thật sự. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều độc giả xem việc kiểm duyệt và tranh cãi chỉ ở mức độ can đảm, đặc biệt liên quan đến các tác giả từ Trung Quốc, Liên Xô cũng như các nước thuộc về thế giới thứ ba.
Vô số tác giả có sách bị cấm. Họ là Aleksandr Solzhenitsyn, Boris Pasternak, Vladimir Nabokov, DH Lawrence, Jorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa, Henry Miller, Milan Kundera, Salman Rushdie, Orhan Pamuk và Ismail Kadare. Người ta nhớ họ không chỉ bởi vì từng bị kiểm duyệt, mà quan trọng hơn là những cuốn ấy đều là tuyệt tác. Đối với những tác giả đã dũng cảm đánh đổi lợi ích vì quyền tự do ngôn luận, chúng ta nên bày tỏ thái độ tôn trọng vì họ đã thúc đẩy sự cởi mở, tiến bộ, tự do, dân chủ và bình đẳng cho mọi người.
Tuy nhiên, nếu xem xét tác phẩm của những tác giả sau này từ góc độ thẩm mĩ thì phải thừa nhận rằng chúng ta – hoặc ít nhất là tôi – hầu như không nhớ được chúng một chút nào cả. Nguyên nhân có thể là bởi trí nhớ của tôi không xuất sắc mấy, nhưng cũng không trừ khả năng là chúng không có chất lượng.
Nghệ thuật có thể rất tàn nhẫn. Giống như một ngày không thể kéo dài thành 36 hoặc 48 tiếng chỉ vì địa vị xã hội của một ai đó. Tương tự như vậy, thành tựu của một tác phẩm nghệ thuật không tăng lên chỉ vì sự áp bức mà một nghệ sĩ tình cờ sẽ phải đối mặt. Nhưng ngay cả khi vị thế của một tác phẩm nghệ thuật được nâng cao lên bởi những lí do này, thì ngày nào đó mọi người có thể quyết định rằng sự đề cao này là không cần thiết, và bí mật loại bỏ tầm vóc vượt trội của nó.
Ở Trung Quốc đương đại, có vài – thậm chí vài chục – cuốn sách được viết hàng năm không thể xuất bản vì bị kiểm duyệt hoặc cấm phát hành. Ngay cả khi chúng ta không hài lòng với kiểu kiểm duyệt này và rất nỗ lực để bãi bỏ nó, thì cũng không thể tự động kết luận rằng những cuốn bị kiểm duyệt nhất thiết phải là những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.
Tôi biết khi các tác giả Trung Quốc đương đại ra nước ngoài (và đặc biệt là khi đến Hoa Kì) họ thích nói rằng sách của bản thân đã bị chỉ trích, kiểm duyệt và bị cấm như thế nào, vì họ hi vọng nó sẽ khuyến khích các nhà xuất bản nước ngoài quan tâm đến chúng. Nhưng tôi hi vọng những người bạn quý mến của tôi sẽ tha thứ khi nói kiểm duyệt và tranh cãi không chỉ là vết nhơ trong hệ thống kiểm soát của Trung Quốc, mà cũng còn là một kiểu phương tiện trực tiếp để phương Tây có thể tiếp cận với nền văn chương của đất nước mình.
Tuy nhiên điều này không phải là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nghệ thuật của tác phẩm đó. Cách đây vài năm, một tác giả Trung Quốc đã chi hàng trăm nghìn nhân dân tệ để hối lộ ngành xuất bản chỉ trích và cấm tác phẩm của ông. Ví dụ vui nhộn này minh họa cho việc kiểm duyệt thực sự là một con đường dẫn đến sự công nhận, chứ không phải là một tiêu chuẩn về chất lượng nghệ thuật. Vì lí do này, bất cứ khi nào tôi ra nước ngoài và được giới thiệu là tác giả bị kiểm duyệt nhiều nhất ở Trung Quốc, tôi chỉ đơn giản là giữ im lặng mà không thấy tự hào hay thích thú gì.
Tình cờ thay, tác phẩm đầu tiên của tôi mà độc giả phương Tây có thể tiếp cận lại là một cuốn bị cấm – Người tình phu nhân sư trưởng. Tuy nhiên, bất kể bạn đánh giá tác phẩm này như thế nào, thì tôi không tin nó đặc biệt quan trọng trong toàn bộ di sản của mình. Nó chỉ đơn thuần là một dấu ấn, một sự kiện, một hành trình trong cuộc đời và công việc, và nó chắc chắn không phải là một kiệt tác. Những độc giả thích Người tình phu nhân sư trưởng nên đọc Kiên ngạnh như thủy. Tôi rất hài lòng khi mọi người nói họ thích cuốn tiểu thuyết sau, nhưng khi họ khen cuốn sách trước đó thì tôi chỉ cười mà thôi.
Tuyển tập Hoàng hôn mùa hè năm 1994 của tôi cũng bị cấm ở Trung Quốc, nhưng mặc dù tác phẩm này có ý nghĩa quan trọng trong thể loại văn học quân đội và phong cách truyền thống hiện thực của nước này, thì nó lại có rất ít ý nghĩa nếu xét trong tổng thể tác phẩm của tôi. Trong tất cả những cuốn sách tôi viết mà bị cấm, tôi hi vọng mọi người sẽ đọc Đinh Trang Mộng và Những nụ hôn của lãnh tụ, chứ không phải những tác phẩm trước đó. Tương tự như vậy, khi mọi người thảo luận về tôi, tôi thích họ chỉ gọi tôi đơn giản như một tác giả chứ không phải là tác giả gây tranh cãi hoặc bị kiểm duyệt nhiều nhất Trung Quốc. Cả đời tôi, tôi chỉ đơn giản tìm cách tạo ra những tác phẩm hay và trở thành một nhà văn giỏi, và chắc chắn không có tham vọng trở thành tác giả gây tranh cãi nhất và bị kiểm duyệt nhiều nhất ở đất nước mình.
Hầu như tất cả bạn bè và đồng nghiệp của tôi đều ca ngợi những tác phẩm tôi viết vào thời kì cuối những năm 1990 như Dòng thời gian, Ngày, tháng, năm… và họ hỏi tại sao tôi không tiếp tục viết theo cách đó. Về điều này, tôi cười và trả lời rằng: “Tục ngữ có câu: Ngày đi, tháng chạy, năm bay/ Thời gian nước chảy chẳng quay được về. Tại sao tôi lại nói thế? Bởi vì Trung Quốc ngày nay không còn là thời mà tôi đã viết những tác phẩm ấy. Thực tế và trạng thái tâm trí của tôi đã thay đổi, và tác phẩm của một người nhất thiết phải dựa trên thực tế và trạng thái tâm trí hiện tại của họ. Vấn đề là hiện thực đã thay đổi tôi và văn chương tôi, chứ không phải văn chương tôi đã tạo ra, định hình, biến đổi hay duy trì hiện thực đó”.
Sau khi viết Dòng thời gian, tôi đã chuyển sang Kiên ngạnh như thủy. Tuy nhiên các nhà kiểm duyệt lại muốn cấm nó. Nếu không có đại diện nhà xuất bản và cũng đồng thời là biên tập viên đã đến Bắc Kinh để “giật dây đủ thứ” thì cuốn sách này chắc đã bị cấm. Ai cũng coi Những nụ hôn của lãnh tụ là một tác phẩm phi thường, nhưng nó lại khiến tôi bị đuổi khỏi quân đội. Khi Người tình phu nhân sư trưởng được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, vì mục đích quảng bá, các nhà xuất bản nước ngoài sẽ luôn đưa vào phần giới thiệu ở bìa trước hoặc bìa sau về nó như một tác phẩm bị cấm ở đất nước tôi.
Sau này có nhiều độc giả đã hỏi tôi rằng tại sao sau Người tình phu nhân sư trưởng tôi không nắm lấy thời cơ và viết một tác phẩm khác, mà phải rất lâu sau đó thì Đinh Trang Mộng mới được ra mắt, chẳng phải khi ấy tôi sẽ có được cơ hội thật nổi tiếng sao? Nhưng điều họ không biết là chính vì những vấn đề xung quanh Người tình phu nhân sư trưởng nên tôi mới quyết định viết Đinh Trang Mộng. Đó là vì tôi muốn chủ động giới thiệu bản thân với độc giả. Tôi muốn mọi người thấy rằng tôi yêu cuộc sống cũng như những con người mới đắm mình trong đó.
Tuy nhiên sau khi Đinh Trang Mộng được xuất bản, chính mối quan hệ nói trên đã trở thành “nấm mồ” cho tác phẩm của tôi. Cuốn tiểu thuyết không chỉ bị cấm mà tôi còn bị coi là người cố tình đi ngược lại xu hướng. Tôi có thể viết cả một cuốn sách về những tranh cãi xung quanh tác phẩm của mình, nhưng sau một thời gian dài suy ngẫm, tôi đã đi đến những kết luận cụ thể sau:
Thứ nhất, khi tác phẩm của các tác giả Trung Quốc hiện đại gây tranh cãi hoặc bị kiểm duyệt, đây thường không phải là kết quả từ hành động của người viết chúng. Những tranh cãi này không phải là thứ mà các tác giả tìm kiếm, mà đúng hơn chúng là thứ mà xã hội cần.
Thứ hai, tranh cãi và kiểm duyệt không tốt nhưng cũng không xấu. Nếu một tác giả gây tranh cãi, điều này chứng tỏ rằng ít nhất anh ta có tính chính trực và lòng can đảm. Trong chừng mực nào đó, nếu một tác giả có tính chính trực thì chúng ta nên “bảo tồn” tác phẩm của họ, bởi tác giả không có khả năng thay đổi xã hội hoặc hiện thực nhưng tác phẩm của họ ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến một ai đó sở hữu quyền lực. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng giúp đảm bảo rằng những phẩm chất chính trực và chân thực trong tác phẩm của họ có thể tồn tại lâu dài.
Thứ ba, về khả năng chịu đựng của tác giả, người ta hi vọng rằng sự kiểm duyệt sẽ không khiến họ ngày càng xa cách với xã hội, môi trường và hầu hết độc giả. Đôi khi kiên trì không chỉ đơn thuần là kiên trì mà nó còn là sự phản đối một quan điểm đã được củng cố. Tôi dần hiểu rằng vì ta cố chấp và không muốn thay đổi nên phải liên tục trở thành đối tượng tranh cãi. Nếu ta kiên trì và nhận thấy những tranh cãi xung quanh đã chấm dứt hẳn, thì đó không phải do ta thay đổi mà là xã hội. Nhưng đó là một viễn cảnh gần như phi thực! Thật khó để hình dung cảnh quả trứng vẫn còn y nguyên trong khi hòn đá mà nó va chạm thì vỡ tan tành.
Nói thật, tôi không tin rằng có quả trứng nào làm vỡ được đá, nhưng thay vào đó tôi hi vọng rằng quả trứng bị vỡ có thể giữ được phần nào phẩm chất của nó. Bằng cách đó, khi độc giả – hoặc ít nhất là thiểu số độc giả – lướt mắt ngang qua, họ sẽ không cảm thấy khó chịu. Mọi người sẽ tiếp tục tranh cãi và kiểm duyệt, nhưng điều này không liên quan đến ta. Một người sáng tác chỉ muốn viết ra những tác phẩm hay, dựa trên sự hiểu biết của mình về con người, thế giới và văn học. Và dẫu khi quả trứng là bản thân ta bỗng nhiên tan vỡ, thì nó vẫn còn phẩm chất nào đó.
Đó là tất cả. Từ giờ trở đi, tôi muốn những người ngoài kia ngừng gọi tôi là tác giả gây tranh cãi và bị kiểm duyệt nhiều nhất Trung Quốc. Thay vào đó chỉ cần gọi tôi một cách đơn thuần là một nhà văn đến từ Trung Quốc. Chỉ cần nói rằng tôi là cây bút chính trực và không khoan nhượng đã là quá đủ.
NGÔ THUẬN PHÁT lược dịch từ tiểu luận của Diêm Liên Khoa được trích trên LitHub
THEO VNQĐ