Tôi và chúng ta cùng vượt qua hiểm họa COVID-19

631

Lê Thiếu Nhơn 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đối phó đại dịch bao giờ cũng là sự thử thách cho giá trị văn minh của cộng đồng. Sự đoàn kết và sự đùm bọc, giống như nền tảng để cùng nhau vượt qua hiểm họa.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

L.T.NDù đã được các chuyên gia y tế thế giới nhận diện và đổi tên thành covid-19, thì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới gây ra, vẫn đe dọa cuộc sống bình yên của mọi người. Đối phó đại dịch cũng là một dạng đối phó khủng hoảng trên diện rộng, từ y tế đến kinh tế, từ nhận thức đến thói quen, từ cá nhân đến cộng đồng. Để “tôi” và “chúng ta” cùng vượt qua hiểm họa, thì nhất định trong “nguy” phải thấy “cơ”!

Giải cứu nông sản! Không phải một khẩu hiệu thú vị. Bởi lẽ, mỗi lần khẩu hiệu ấy vang lên thì kéo theo tiếng thở dài của hàng triệu người Việt Nam vẫn hăng hái với khát vọng hội nhập và phát triển. Mặt khác, khi đã dùng đến khái niệm giải cứu, nghĩa là phải cầu cạnh đến sự độ lượng và sự hàm ơn. Thực chất, trái cây Việt Nam không cần đến những cuộc giải cứu bất thường, nếu vận hành hiệu quả thị trường nội địa.

Đành rằng giá trị xuất khẩu của trái cây sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn, nhưng sức mua trong nước đã được khai thác triệt để chưa? Chắc chắn chưa! Ngay thời điểm covid-19 hoành hành, thì sản lượng trái cây Việt Nam cũng chưa đáp ứng đầy đủ kho hàng của hệ thống siêu thị và các chợ đầu mối. Và cũng phải thừa nhận một thực tế đáng ái ngại là đôi khi khẩu hiệu giải cứu nông sản bị thương lái lạm dụng để chèn ép người trồng trọt. Thật oái oăm nếu xảy ra nghịch lý, giá thu mua tại vườn bị đưa xuống thấp nhất, mà thị trường nội địa vẫn khan hiếm trái cây Việt Nam.

Trong quá trình giao thương sôi động, trái cây của những quốc gia khác đã đổ về Việt Nam càng ngày càng đa dạng. Chỉ tính hai mặt hàng táo và nho, đã có hàng chục loại của Mỹ, Pháp, Nam Phi, Úc, Hàn Quốc, New Zealand… xuất hiện choáng ngợp trước mắt người tiêu dùng Việt Nam. Chúng ta không có sản phẩm để cạnh tranh với những mặt hàng thuộc thế mạnh của họ, nhưng trái cây nhiệt đới đặc trưng Việt Nam vẫn có chỗ đứng riêng đối với tiêu chí thụ hưởng của người Việt Nam. Đại diện siêu thị Vinmart cho biết, mỗi tuần đơn vị này cần 60 tấn dưa hấu để tiêu thụ, nhưng không có nguồn cung cấp. Vậy, dưa hấu tồn đọng ở đâu, để nhiều người sốt ruột giải cứu nông sản? Phải chăng, trong quan hệ ba bên giữa người trồng trọt, người phân phối và người tiêu dùng đang bị chi phối bởi các đối tương trung gian thiếu thiện chí? Chỉ cần gỡ được nút thắt kia, sức mua của người Việt Nam sẽ góp phần ổn định thị trường trái cây Việt Nam.

Không riêng mùa dịch bệnh, mà điệp khúc giải cứu nông sản vẫn thỉnh thoảng rúng động tâm can xã hội vào những ngày tháng bình thường mỗi năm. Xuất khẩu là một con đường hanh thông của trái cây Việt Nam, chứ không phải con đường duy nhất cho thị trường trái cây Việt Nam. Phải tin tưởng vào sức mua nội địa, dù Việt Nam chưa có được ngành công nghiệp chế biến như mong đợi. Người trồng trọt chắc chắn sẽ yên tâm gắn bó với trái cây Việt Nam, mà không đoái hoài nỗi ám ảnh “mất mùa – được giá, được mùa – mất giá” khi thiết lập một cách bài bản các đầu mối thu mua cơ sở và kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch!

Diễn biến của virus corona vẫn đang phức tạp. Với những bệnh nhân sau khi điều trị đã có kết quả âm tính với covid-19, ngành y tế Việt Nam hoàn toàn đủ tự tin ứng phó với đại dịch này. Trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ rất nặng nề, còn nghĩa vụ của cộng đồng thì sao? Muốn dập tắt dịch hoàn toàn, nhất định phải chống dịch từ bên ngoài khu vực cách ly. Có hai điều quan trọng, cần phải thực hiện song song: vệ sinh môi trường và cung ứng thực phẩm!

Về vệ sinh môi trường, nhiều năm nay đã tồn tại quá nhiều hoạt động gây ô nhiễm. Bãi rác, ao tù, chất thải… luôn là những nơi dung túng và phát triển của dịch bệnh. Ngay trong mùa dịch covid-19, lực lượng chức năng nên tranh thủ dọn dẹp và xử lý các điểm đen xung quanh vùng dân cư đông đúc. Mặt khác, một tệ nạn nảy sinh khi bùng phát đại dịch, chính là những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi. Trang bị khẩu trang cho từng cá nhân là hành vi đáng khuyến khích, nhưng khẩu trang dùng xong không thể tùy tiện ném ra đường, làm cho nhem nhuốc bộ dạng đô thị. Sự ích kỷ của nhiều người, đã khiến những cầu thang chung cư hoặc những lối đi công cộng bỗng dưng tràn ngập khẩu trang đã sử dụng. Chỉ biết an toàn cho mình, mà không nghĩ đến an toàn của người khác là thái độ đáng chê trách.

Về cung cấp thực phẩm, cũng là mối bận tâm của xã hội. Chưa ai biết đại dịch kéo dài bao lâu, nên quan niệm tích trữ thức ăn, thức uống sẽ xuất hiện nhanh chóng. Vì vậy, các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu, nước mắm, mì gói… phải được giám sát từ khâu sản xuất đến khâu thương mại, nhằm ngăn chặn những bàn tay đầu cơ kiếm lợi bất minh. Các chương trình bán hàng bình ổn giá cần được triển khai đồng loạt ở các thành phố lớn, để tránh tâm lý giành giật mua sắm của đám đông.

Đối phó đại dịch bao giờ cũng là sự thử thách cho giá trị văn minh của cộng đồng. Sự đoàn kết và sự đùm bọc, giống như nền tảng để cùng nhau vượt qua hiểm họa. Động thái tiến bộ từ ngoài khu vực cách ly, sẽ là động lực cho thắng lợi trong khu vực cách ly. Chia sẻ thông tin đúng đắn và động viên tinh thần tích cực, sẽ xóa bỏ những sự lo lắng và sự hoang mang. Dù covid-19 là chủng virus mới, nhưng kinh nghiệm khống chế dịch SARS từng chứng minh khả năng chống chọi nguy nan của người Việt Nam. Hơn nữa, nền y học cổ truyền Việt Nam cũng có không ít bài thuốc có thể giúp tăng cường sức đề kháng và đẩy lùi dịch bệnh. Chăm sóc chu đáo cho người bệnh, khoanh vùng đối tượng nghi ngờ tiếp xúc với người bệnh để tiêu trừ sự lây nhiễm, và nâng cao ý thức phòng bệnh cho mọi người, thì không có gì phải sợ hãi covid-19.

L.T.N