Tổng Biên tập – Chuyện người trong cuộc

523

Trần Bảo Trân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đến nay nước ta có trên 800 cơ quan báo chí. Có nghĩa là ít nhất có chừng ấy Tổng Biên tập (TBT). Mỗi TBT có phương pháp tác nghiệp riêng để quản lý và phát triển cơ quan báo chí, tờ báo mà mình được giao làm người đứng đầu. Vậy TBT các cơ quan báo chí là ai? Họ đã tác nghiệp như thế nào?… Đó là một dự án không nhỏ mà ban Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ khởi thảo từ đầu năm 2017 và sau 4 năm trình làng vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 96 năm ngày Báo chí cách mang Việt Nam (21-6-2021).

Tổng Biên tập, họ là ai? 

Đó là câu hỏi mà nhà báo Phạm Quốc Toàn, TBT tạp chí Thương hiệu Việt, nguyên TBT báo Bà rịa – Vũng Tàu, nguyên TBT tạp chí Người Làm báo Việt Nam đưa ra khi mở đầu bài viết có tính trao đổi của mình. Đó cũng chinh là một trong các mục đích mà những người làm tập sách này muốn đạt tới.

Để trả lời câu hỏi ấy, những người thực hiện: Duyên Trường (chủ biên ), Lưu Đình Triều, Đoàn Hữu Hoàng Khuyên đã dụng công đi từ Nam ra Bắc, gõ cửa nhiều nhà báo đã từng được giao trọng trách TBT hoặc người làm nhiệm vụ TBT các cơ quan báo chí để phỏng vấn, đặt bài, thẩm định. Đó là một việc làm khó khăn, bởi trong số gần 1000 TBT (lớn nhỏ) của cả nước, chọn ai, thực sự là việc không dễ.

Với gần 400 trang in, tập sách như là bàn tròn, diễn đàn của 40 nhà báo về nghề báo nói chung và nghề TBT nói riêng. Đúng như tên gọi “Tổng Biên tập, chuyện người trong cuộc”. Các TBT – người trong cuộc đã có dịp trò chuyện, trao đổi thẳng thắn cảm xúc và kỷ niệm của mình, khi ngồi ghế nóng: TBT một tờ báo hoặc một cơ quan báo chí.

Điều dễ nhận thấy, ai cũng bày tỏ, đó là ghế nóng, là chảo lửa, là công việc làm xiếc, leo dây… Nhưng bù lại, đó là vinh dự, ước mơ của nhiều người dấn thân vào nghiệp cầm bút.
Với sự trải nghiệm khá dài trên ghế nóng, nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên TBT báo Tiền Phong, nơi được coi là khởi đầu thi hoa hậu ở nước ta sau ngày thống nhất đất nước kể lại những kỷ niệm “cười ra nước mắt“ khi đăng bài chống tiêu cực và kiếm tiền (chính đáng) để tạo sản nghiệp, làm giàu cho báo, nâng cao mức sống của nhà báo và người lao động. Nhà báo Dương Xuân Nam chia sẻ, làm TBT phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Ví dụ như khi tổ chức thi hoa hậu đầu tiên, ông bị kết tội “tuyên truyền lối sống Mỹ”. Nhưng thấy việc đó đúng. Cứ thế mà làm.

Áp lực với công việc khi ngồi ghế nóng là chủ đề mà hầu như cựu TBT nào cũng đề cập. Nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên TBT báo SGGP kể lại chuyện “trăm dâu đổ đầu… Tổng biên tập”. Có lần ông giao cho một Phó TBT duyệt bài. Bài điều tra về các chợ tại TP HCM. Đáng lẽ, phải viết: tại chợ bán chó trên đường LHP thì phóng viên viết: tại chợ chó… LHP và người duyệt cũng cho qua. Báo phát hành ít ngày, ông nhận được thư bạn đọc phê phán, nâng quan điểm, có bút phê của lãnh đạo Thành ủy yêu cầu kiểm điểm, làm rõ. Nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nguyên TBT báo Đại đoàn kết tâm sự: “Lúc mới đến đây (TBT báo ĐĐK), tôi còn trẻ măng, giờ đã thế này. Mặt tôi đã dầy lên những nếp nhăn” . Xác định được trách nhiệm và vinh dự, nhà báo Hồng Thanh Quang viết tiếp: “Mỗi nếp nhăn là một điều tích lũy, tôi cho đó là hạnh phúc”. Cũng nói về áp lực ghế nóng, cố nhà báo Hữu Thọ, nguyên TBT báo Nhân Dân kể rằng, báo chí “đánh tiêu cực” phải chịu rất nhiều áp lực. Hồi ấy, ông cho đăng bài của tác giả NVL (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) có người còn chất vấn ông, TBT có quá nhiều việc phải chỉ đạo. Chỉ đạo chi việc ấy? Nhà báo Hữu Thọ nhận xét, bài viết chống tiêu cực của Tổng Bí thư mà còn có người cản, huống chi chúng mình.

Áp lực, thách thức đã rõ, nhưng ai cũng thấy trách nhiệm chính trị của TBT. Nhà báo Hà Đăng, nguyên TBT báo Nhân Dân, nguyên TBT tạp chí Cộng sản chia sẻ: “TBT là người lãnh đạo chính trị của tờ báo, vừa là kiến trúc sư trưởng của mọi kế hoạch đưa đến thành công của cơ quan báo chí”. Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên TBT báo Hànoi mới khẳng định: “TBT nào, tờ báo đó”. TBT phải có bản lĩnh, dũng khí, trí tuệ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và là chỗ dựa tin cậy cho đồng nghiệp.

Phương pháp tác nghiệp hay nói chính xác việc điều hành, quản lý cơ quan báo chí cũng được nhiều cựu TBT chia sẻ. Nhà báo Đoàn Công Huynh, (nguyên TBT báo Tiền phong, báo Sinh viên VN, Hoa học trò) nhận định: “TBT là người đầu đội trời, chân đạp đất”. Ông giải thích, trời ở đây là cấp trên, còn đất ở đây là tờ báo và những người cộng sự với mình. Với kinh nghiệm 13 năm làm người đứng đầu cơ quan, nữ nhà báo Hồ Tú Anh, nguyên TBT tạp chí Cao su Việt Nam đưa ra bí quyết: “Quyết đoán của đàn ông cộng lạt mềm buộc chặt của đàn bà” đã mang lại thành công trên cương vị “thuyền trưởng“ của bà. Mỗi năm tạp chí Cao su Việt Nam đạt doanh thu trên dưới 30 tỷ đồng, năm sau cao hơn năm trước về số lượng phát hành và doanh thu. Cũng coi như bí quyết của sự thành công, của định hướng tác nghiệp, nhà báo Cao Xuân Phách, (nguyên TBT báo SGGP) dẫn lời hai nguyên Thủ tướng. Trong lần tiếp TBT báo SGGP, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ rõ: “Nhà báo phải sống trong cuộc sống của nhân dân” và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dặn: “Quần chúng rất thông minh, có nhiều ý tưởng hay”, nhà báo phải vận dụng điều ấy để làm báo.

Từ ngày đất nước thống nhất, mảnh đất phía Nam được coi như đất của những người làm báo, đặc biệt khi công cuộc đổi mới được Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Các nhà báo: Võ Như Lanh (nguyên TBT báo Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn); Nam Đồng (nguyên TBT báo Pháp luật TP HCM); Lê Hoàng (nguyên TBT báo Tuổi trẻ Tp HCM ); Thế Thanh (nguyên TBT báo Phụ nữ TP HCM); Lê Văn Nuôi (nguyên TBT báo Tuổi trẻ TP HCM); Mai Sông Bé (nguyên GĐ đài PT và TH Đồng Nai); Phạm Khắc (nguyên GĐ đài Truyền hình TP HCM)… bằng những câu chuyện hừng hực hơi thở thực tiễn đã kể lại những kỷ niệm, thách thức khắc nghiệt của người làm báo, của TBT…

Cần có kế hoạch, lộ trình đào tạo Tổng Biên tập

Đó là đề xuất của nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên TBT báo SGGP. Và, đó cũng chính là ý kiến của nhiều cựu TBT và những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí. Nhà báo Trần Thế Tuyển xác định, TBT là nhà quản lý báo chí, là một nghề, nghề đặc biệt. Bằng thực tiễn hơn 40 năm làm báo, trải qua nhiều vị trí quản lý báo chí ở các tờ báo khác nhau, nguyên TBT báo SGGP đề xuất, TBT, người chịu trách nhiệm chính, người đứng đầu cơ quan báo chí – quản lý và chỉ đạo một nghề đặc biệt nên cần phải giỏi nghề. Giỏi nghề mới có uy tin dẫn dắt nội bộ, nhất là đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Giỏi nghề để tạo uy tín, thương hiệu cho cơ quan và giỏi nghề đề xử lý các tình huống trong quá trình tác nghiệp mà không trường lớp, sách vở nào dạy. Vì thế, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, các học viện, nhà trường nên sớm có kế hoạch, xây dựng giáo trình, quy hoạch đào tạo cán bộ quản lý cơ quan báo chí, đặc biệt chức danh TBT, giám đốc, Tổng giám đốc các cơ quan báo chí.

Đồng quan điểm ấy, các nhà báo Phan Quang (nguyên GĐ đài Tiếng nói Việt Nam); Tạ Ngọc Tấn (nguyên TBT tạp chí Cộng sản); Phan Hồng Chiến (nguyên TBT báo SGGP, Người Lao Động), Lưu Quang Định (nguyên TBT báo Nông thôn ngày nay)… trên cơ sở thực tiễn, đưa ra những biện pháp và kinh nghiệm để bồi dưỡng, đào tạo những người làm quản lý trong các cơ quan báo chí. Đặc biệt, các bài viết của PGS TS Nguyễn Văn Dững (Học viện Báo chí – Tuyên truyền); Đỗ Đình Tấn (nguyên Phó Tổng thư ký báo Tuổi trẻ TP HCM)… đã làm sâu sắc thêm vị trí, vai trò người đứng đầu cơ quan báo chí và kinh nghiệm của ông cha ta cũng như của bạn bè quốc tế về bồi dưỡng, đào tạo người đứng đầu cơ quan báo chí, TBT.

“Tổng biên tập, chuyện người trong cuộc” có thể coi như một cẩm nang quý hiếm cho nhà báo, phóng viên, những người làm báo; đặc biệt sinh viên báo chí và những ai đang ấp ủ ước mơ thành Tổng biên tập.

T.B.T