“Năm qua là lần đầu tiên chúng tôi tận hưởng một không khí lễ hội âm nhạc quốc tế đúng chất ngay tại TPHCM. Khán giả được trải nghiệm một không gian văn hóa nghệ thuật (VHNT) mới mẻ, ấn tượng với chất lượng nghệ thuật cao, không gian thưởng lãm, khu vực vui chơi đến các hoạt động bên lề…”, anh Nguyễn Bá Bình (29 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) nói về Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2019. Rõ ràng, với nhiều hoạt động VHNT tiêu biểu suốt những năm qua, đã góp phần đưa TPHCM trở thành một điểm hẹn văn hóa và tri thức.
Đồng diễn áo dài tại Lễ hội Áo dài 2019 trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đến và cảm nhận
Sáng chủ nhật, cha con anh Nguyễn Thành Danh từ Hóc Môn lên Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) để tìm mua một số bộ sách thiếu nhi. Hỏi anh, sao không mua ở Hóc Môn, chạy lên trung tâm chi cho xa, anh Danh cười: “Thực ra là muốn cho hai đứa nhỏ ra đây mua sách, tiện coi trình diễn nghệ thuật ở khu trung tâm, rồi qua phố đi bộ một vòng. Chứ sách vở ở đâu chẳng có, ngoại thành nhà sách đầy đủ không thiếu gì”.
Cách đó không xa là không gian trình diễn đờn ca tài tử ngay trước Bưu điện TPHCM. Dòng người đi qua, rất nhiều người đứng lại, chọn một góc để lắng nghe loại hình âm nhạc dân gian Nam bộ được trình diễn ngay trên đường phố. Anh Thomas Kloss (người Đức), làm rể Việt Nam được 7 năm, cũng hòa chung đám đông ở đây. Anh nói bằng tiếng Việt: “Rất hay và ấn tượng, tôi là rể của gia đình người Việt ở Nam bộ nên rất hay nghe. Không gian mở ở đây khiến tôi thật sự ngạc nhiên, người dân thành phố rất mê nghe âm nhạc truyền thống…”.
Không chỉ có những không gian mở, mà từ nhiều năm nay, những hoạt động đậm chất văn hóa TPHCM đã thực sự để lại những ấn tượng sâu sắc. Từ những lễ hội bảo tồn văn hóa truyền thống cho đến những hoạt động mang màu sắc hiện đại, đều mang nét rất riêng của thành phố này. Đã có một Lễ hội Áo dài TPHCM được tổ chức thường xuyên vào tháng 3 từ năm 2014 đến nay, tôn vinh trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. Đây là một sự kiện văn hóa du lịch định kỳ đặc trưng của thành phố, được người dân, du khách trong và ngoài nước hưởng ứng tích cực. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà còn góp phần xây dựng, quảng bá du lịch TPHCM là điểm đến hấp dẫn – thân thiện – an toàn. Cũng đã có một Lễ hội Tết Việt hàng năm với Đường hoa và Đường sách tết, với những chợ hoa trên bến dưới thuyền… vô cùng ấn tượng, khiến nhiều người đến TPHCM mong muốn được hòa mình, hiểu nhiều hơn để ăn tết, chơi tết, xem tết và đi chợ tết.
Chị Bùi Thị Tố Như (32 tuổi, nhân viên văn phòng, quận 1) chia sẻ: “Do tính chất công việc nên tôi không mặc áo dài thường xuyên. Vài năm trở lại đây, tôi có cơ hội được mặc áo dài đến văn phòng trong Lễ hội Áo dài do thành phố tổ chức. Cách tổ chức gần gũi và thân thuộc, tiếp cận được người dân thành phố, giúp áo dài trở nên thân thuộc, len lỏi vào đời sống. Từ những lễ hội đơn giản này, nét truyền thống được duy trì và phát triển, thấm sâu vào mỗi người dân một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng”.
Chuyển biến từng ngày
Không chỉ có cảm nhận từ những lễ hội, từ các hoạt động trong không gian mở mà những năm qua, hoạt động VHNT tại TPHCM đã có những bước chuyển biến rõ rệt, từ số lượng công chúng quan tâm cho đến sự khởi sắc của công tác tổ chức biểu diễn.
Chắc hẳn những người quan tâm không thể quên cơn “sốt” vé của Liên hoan Giai điệu mùa thu (Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM, còn gọi là HBSO, tổ chức) trong khoảng 3 năm gần đây. Ban đầu, liên hoan chỉ dành cho các nghệ sĩ trẻ nghệ thuật hàn lâm của thành phố, những nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo bài bản từ khắp nơi trên thế giới nhưng ít có cơ hội để về nước biểu diễn. Theo năm tháng, liên hoan mở rộng với sự tham gia của nghệ sĩ cả nước và sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, chỉ huy, nhạc sĩ, chuyên gia tài danh quốc tế, cùng hội tụ làm nên thương hiệu Giai điệu mùa thu.
Dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực sân khấu TPHCM vẫn tiếp tục có những bước chuyển mình ấn tượng, đó chính là nhờ vào tinh thần yêu nghề, say nghiệp, sẵn sàng vượt khó của các ông bà bầu các sân khấu kịch, cải lương xã hội hóa. Từng sân khấu năng động và nỗ lực tìm kiếm các giải pháp phù hợp với thực tiễn để cho ra đời hàng loạt tác phẩm sân khấu mới. Có thể nói đến vở kịch Dấu xưa của Sân khấu kịch 5B dàn dựng, phục vụ công tác tuyên truyền, là một tác phẩm sân khấu về Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong xã hội với gần 70 suất lưu diễn.
TPHCM hiện là trung tâm điện ảnh của cả nước khi quy tụ hầu hết các công ty sản xuất phim lớn. Sau hơn 10 năm thực hiện xã hội hóa điện ảnh cùng cơ chế mở, hàng loạt hãng phim tư nhân đã ra đời. Tỷ lệ phim phát hành tại rạp của các nhà sản xuất phía Nam chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Thị trường mở và tiềm năng góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn truyền thông trong và ngoài nước; mở rộng cơ hội đầu tư, hợp tác trong sản xuất, phân phối và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới; lôi cuốn nhiều tài năng là các nhà làm phim, diễn viên gốc Việt về nước đóng góp cho điện ảnh thành phố. Điều đáng mừng, thế hệ các nhà làm phim kế cận có phần nổi trội hơn khi biết nắm bắt các xu hướng quốc tế, đồng thời nỗ lực đưa tác phẩm của mình ra thế giới.
Và hãy nói về Đường sách TPHCM, mô hình được nhiều tỉnh thành bạn chọn để nhân rộng ở địa phương mình. Không phải chỉ bán sách, mà đường sách còn là nơi tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc. Theo thống kê, mỗi ngày, trung bình đường sách đón 8.500 lượt khách với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, trong đó 30% là du khách nước ngoài.
Năm 2019, UBND TPHCM đã trao Giải thưởng VHNT 5 năm lần II cho các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, múa. Đó là sự tôn vinh, sự tri ân đối với những tác giả, tác phẩm đã làm nên diện mạo của VHNT ở vùng đất phương Nam này.
Sở VH-TT TPHCM đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình Đối thoại Văn hóa năm 2020 với chủ đề Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM – Thành phố Văn hóa trình UBND TPHCM với mục đích lắng nghe những góp ý từ các chuyên gia, các nhà khoa học để định hình các giải pháp phát huy giá trị văn hóa của thành phố.
Tôi sống ở TPHCM đã 20 năm, cảm thấy mình rất may mắn khi được góp một phần nhỏ bé vào những tình cảm chung của nhân dân thành phố. Và cũng từ sự cộng hưởng của mọi người, tôi mới có thể viết và thể hiện những cảm xúc của mình trong mỗi bài hát, đó chính là sức mạnh của sự kết nối, cũng là sức mạnh của đất nước Việt Nam, luôn đoàn kết, gắn bó.
HUỲNH THANH NHÂN – Giám đốc Sở VH-TT TPHCM
Nói đến nghệ thuật, hiện có rất nhiều đơn vị đào tạo mở liên tục các lớp học về nghệ thuật từ căn bản đến nâng cao để cập nhật kiến thức, mở rộng tư duy nghệ thuật cho các tầng lớp công chúng, bên cạnh việc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật mang tính cộng đồng, miễn phí. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật, khi bị lấn át giữa các “cơn bão” giải trí đơn thuần. Vậy nên vẫn phải phát huy mạnh mẽ hơn công tác đào tạo công chúng trong tương lai, để xây dựng ý thức trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Tôi rất ấn tượng với Lễ hội Áo dài TPHCM và đặc biệt Lễ hội Tết Việt 2020 gần đây. Người dân đã có cơ hội trải nghiệm, vui chơi, mua sắm, tăng thêm hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa và giá trị của ngày tết cổ truyền. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện về âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu đã diễn ra hết sức đa dạng và sôi động, góp phần quảng bá hình ảnh TPHCM đến với du khách.
Ca sĩ NGUYỄN PHI HÙNG
Gần đây nhất, việc thống nhất xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) để trở thành biểu tượng đặc trưng của thành phố, đồng thời là nơi tổ chức các chương trình, sự kiện âm nhạc mang đẳng cấp quốc tế đang nhận được sự mong chờ của công chúng và hứa hẹn sẽ là một điểm đáng đến trong sổ tay du lịch của bạn bè bốn phương.
NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT (quận 2, TPHCM)
(Theo SGGP)