Trách nhiệm và văn hoá

622

31.3.2018-09:30

NVTPHCM- Nghiên cứu của We Are Social Media (năm 2017) cho thấy, Việt Nam có hơn 46 triệu người sử dụng mạng xã hội, xếp thứ 22 toàn cầu. Năm 2009, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng nay đã trở thành mạng xã hội phổ biến nhất.

 

Sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người (như: thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân…).

 

Mạng xã hội mang lại những tiện ích vô cùng to lớn và cho người ta cảm giác thế giới quá nhỏ bé. Song vấn đề đặt ra là cách chúng ta sử dụng nó như thế nào. Những dòng trạng thái trên Facebook có thể khiến hàng triệu người biết đến. Nhưng, mặt khác, nếu không cẩn trọng trong từng quan điểm, suy nghĩ, lời nói trên mạng, dễ gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân chúng ta cũng như những người chung quanh. Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, vấn đề giao tiếp qua mạng, tình trạng sử dụng các ngôn ngữ thiếu lành mạnh, kích động và làm hại lẫn nhau qua mạng rất phổ biến. Cách nghĩ sai lầm khi cho rằng mạng xã hội chỉ là thế giới “ảo”, nên có thể nói, làm tùy thích mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đã tạo ra một sự dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng của rất nhiều người sử dụng.

 

Khi các mạng xã hội (như Facebook) được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm của những nhóm người dùng “cùng sở thích”. Tâm lý đám đông, hiếu kỳ cùng với suy nghĩ thiếu chín chắn đã tạo ra những làn sóng ập lên những “nạn nhân” không cùng sở thích, suy nghĩ với họ, nguy hại hơn là đã có trường hợp số đông đã bám lấy những hình ảnh, những thông tin chưa kiểm chứng để quy chụp, bình luận kiểu “ném đá hội đồng” bằng những lời lẽ vô cảm, thiếu văn hóa. Đáng lo ngại hiện nay là những nội dung độc hại, khó kiểm soát đã tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, làm xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

 

Giờ đây, trong thế giới phẳng, mọi khoảng cách giữa các quốc gia đều được thu ngắn lại, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào “lý lịch số” của ứng viên để đánh giá. Nhiều người tự cho mình cái quyền được thể hiện quan điểm cá nhân, cái quyền đả kích hoặc “ném đá” một ai đó trên Facebook. Tuy nhiên, mọi thông tin kiểu ấy đều không qua được “mắt” của ban quản trị mạng, kể cả khi đã ẩn hiển thị thông tin ấy, thậm chí là xóa. Bởi vậy, nếu không tỉnh táo và biết kiềm chế những khen-chê tưởng như “vô thưởng vô phạt” trên mạng xã hội, sẽ rất dễ để tuột mất cơ hội của chính mình. Bởi những gì chúng ta trưng lên Facebook đều được lưu vào “lý lịch số”. Và chuyện hôm nay bạn viết và bình luận gì về người khác là cơ sở để đánh giá về chính con người bạn. Không nhiều người biết, những lời xúc phạm, nhục mạ người khác trên Facebook là “tự bôi đen chính mình”. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những người trẻ hãy giữ gìn cho mình “lý lịch số” trong sạch, cả về kiến thức lẫn đạo đức.

 

Cũng cần nhắc lại rằng, đã có không ít người sử dụng mạng xã hội bị xử lý hình sự do không tuân thủ luật pháp. Mới đây nhất, mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin, hình ảnh cho rằng một lãnh đạo tỉnh ở miền trung có “bồ nhí”, khiến các cơ quan chức năng của tỉnh này phải nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh. Kết quả điều tra, xác minh của công an khẳng định: Có người đã tạo dựng tin nhắn có nội dung bịa đặt, sử dụng tài khoản Facebook để đăng tải, phát tán với động cơ mục đích xấu, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân của lãnh đạo tỉnh nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

 

Công an tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục điều tra truy tìm người đã đăng tải thông tin nêu trên để xử lý theo pháp luật. Đã đến lúc cần dẹp bỏ suy nghĩ mạng xã hội là “ảo” để ứng xử và hành động cho đúng. Những bài viết, lời bình luận không tuân thủ pháp luật sẽ đến lúc trở thành bằng chứng cho các phiên tòa.

 

Giới trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, có trách nhiệm và văn hóa hơn. Song, nếu chỉ kêu gọi người dùng có ý thức thôi thì chưa đủ, quan trọng là làm sao các cơ quan chức năng (như ngành văn hóa, thể thao và du lịch và thông tin truyền thông) phải phổ biến các kiến thức pháp luật cho người dân để mạng xã hội thật sự hữu ích và an toàn.

 

QUANG ĐÔNG

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…