Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng

663

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng“ năm 2019 được khai mạc ngày 1-10 và bế mạc ngày 15-10. Với hai tuần tập trung sáng tác, các nhà văn nhà thơ tham gia trại đã hoàn thành 19 tiểu thuyết và trường ca về người lính, về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh Cách Mạng.

Các nhà văn, nhà thơ tham gia trại sáng tác

Ngày 1-10-2019 tại Thành phố Vũng Tàu, Nhà xuất bản Quân Đội phố hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật Bộ Văn hóa tổ chức khai mạc “Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng Vũ trang – Chiến tranh Cách Mạng năm 2019”. Nhiều nhà văn nhà thơ thuộc khu vực Nam bộ, có 8 trong 14 trại viên là Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM tham gia. Đặc biệt là những nhà văn, nhà thơ từng mặc áo lính, từng đi qua chiến tranh, từng có những tác phẩm văn học xuật sắc về người lính, đến nay vẫn chung thủy và vẫn nung nấu viết về người lính như: nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà thơ Lê Huy Mậu, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhà văn Hà Đình Cẩn, nhà văn Châu La Việt, nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc, nhà văn Hải Hà, nhà văn Nguyễn Trường…

Trại sáng tác năm 2019 tại Vũng Tàu lần này là sự tiếp nối thành công từ các Trại sáng tác ở Tam Đảo, Đại Lải, Nha Trang… và ba đợt đầu tư chiều sâu mà Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật Bô Văn hóa phối hợp tổ chức trong những năm qua. Kết quả của các trại sáng tác đã thu về hơn 70 bản thảo với gần 50 bản thảo đã được biên tập, xuất bản, được bạn đọc đón nhận. Trong đó nhiều tác phẩm đã được trao các giải thưởng về Văn học Nghệ thuật của các hội chuyên ngành Trung ương và địa phương như “Mưa đỏ” của Chu Lai, “Xóm chợ” của Nguyễn Hiền Lương, “Cơm Bắc giặc Nam” của Phùng Phương Quý… và gần 10 tác phẩm Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân lựa chọn để gửi xét giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng giai đoạn 2014-2019: “Thật giả cũ mới”“Vẫn là Binh nhất” của Nhà văn Trần Văn Tuấn, “Bên kia là núi” của nhà văn Hà Đình Cẩn, “Bài ca ra trận” của nhà văn Châu La Việt, “Ngọn lửa trong tim” của nhà văn Phan Đức Nam.

Được khai mạc ngày 1/10 và bế mạc ngày 15/10, với hai tuần tập trung sáng tác, các nhà văn nhà thơ tham gia trại đã hoàn thành 19 tiểu thuyết và trường ca về người lính, về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh Cách Mạng. Nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, từng được giải thưởng Asean, trong trại viết vẫn tỏ ra rất sung sức khi hoàn thành tiểu thuyết ”Nửa đời tìm kiếm”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Mộc, sau giải thưởng văn học Mê Kông vừa qua, trong trại viết đã hoàn thành tiểu thuyết “Người từ chối vinh quang”. Nhà văn Hà đình Cẩn, người lính Cánh đồng Chum năm xưa, về trại viết lần này anh đã hoàn thành tiểu thuyết “Nông trại”, nhà văn Nguyễn Trường với tiểu thuyết “Chủ tịch Tỉnh”, nữ nhà văn Hải Hà tái hiện lại một câu chuyện tình rất đẹp của chiến trường khu 6 mà chị đã tham gia từ thuở 13 tuổi với tiểu thuyết ”Trả giá”. Các nhà văn Hồ Kiên Giang, Phan Đức Nam, Nguyễn Đức Linh, Ngọc Hoài, Nguyễn Thanh Hương cũng đều khép lại những trang viết tiểu thuyết của mình với tất cả sự say mê và mỹ mãn.

Về trường ca, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà văn TPHCM vẫn nặng tình với những người lính mặt trận 479 tham gia gải phóng Cam pu chia qua trường ca “Những linh hồn trẻ”, Nhà thơ ”Úp mặt vào sông quê” Lê Huy Mậu – Chủ tịch Hội văn nghệ Bà Rịa Vũng Tàu có trường ca viết đầy cảm xúc: ”Khoảng cách tình yêu”, và nhà văn Châu La Việt ngoài hoàn thiện tập ký sự nghệ thuật ”Một đêm trăng”. Trong ký sự có nhiều trang viết rất xúc động về tiểu đoàn pháo cao xạ 11, anh từng tham gia chiến đấu, nay thuộc lữ đoàn pháo cao xạ 226 bảo vệ vùng trời Tây Nam Tổ quốc. Để hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (1920-2020) anh đã sẽ hoàn chỉnh trường ca ”Danh tướng và Thi Nhân” viết về tình bạn, tình đồng chí cao cả trên bước đường các mạng của nhà thơ Tố Hữu và đại tướng Chính ủy quân giải phóng miền Nam Nguyễn Chí Thanh…

“Thành quả trên là một mùa gặt hái lớn” như đánh giá của ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật Bộ Văn hóa. Giám đốc – Tổng biên tập NXB Quân Đội, Đại tá Đậu Xuân Luận cũng rất phấn khởi về thành công trại viết, bởi theo ông công tác tổ chức Trại rất tốt, các trại viên bao gồm nhiều cây bút từng trải qua chiến tranh, từng có nhiều tác phẩm tốt về Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Tham gia trại, các nhà văn, nhà thơ dù nhiều người tuổi đã cao, là cựu chiến binh, nhưng đều rất tích cực, miệt mài sáng tác, có nhiều chia sẻ, ý kiến tâm huyết, đầy tinh thần trách nhiệm đối với Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, giúp cho những người làm công tác xuất bản có những cách nhìn sâu sắc hơn về mảng sách Văn học Nghệ thuật vốn đã góp phần làm nên thương hiệu của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân trong gần 70 năm qua. Những tác phẩm hoàn thành trong trại, Đại tá Đậu Xuân Luận cho hay, chắc chắn sẽ được NXB Quân đội xuất bản trong thời gian tới đây phục vụ bạn đọc cả nước.

Nguyên Việt