Trái tim đầy gió

616

Trần Đình Nam

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi chơi thân với Sơn hơn hai chục năm nay. Thỉnh thoảng, Sơn ra Hà Nội hoặc tôi vào Sài Gòn là Sơn rủ tôi đi chơi. Chơi nhẩn nha, nhàn tản, thích thì đi, chẳng có mục đích quái gì cả, hay nói theo lối các cụ nhà ta ngày xưa là chơi theo lối ưu du.

Vâng, năm nào chúng tôi cũng làm vài chuyến ưu du.


Nhà thơ Cao Xuân Sơn.

Trong các cuộc đi bất tận từ Mộc Châu, Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn, miền Tây Nam Bộ đến Phú Quốc, Angkor…, bao giờ Sơn cũng tranh làm “sếp”, chủ chi, chủ xị, chủ trò, tam khoanh tứ đốm đủ cả. Tính Sơn lụy bạn, tôi là đứa vô tích sự, nham nhở, nhưng hắn không chấp, bao giờ cũng nhường tôi. Hơn hai mươi năm ưu du, hắn cặm cụi chụp hình các chuyến đi, rồi làm mọt cái album cho tôi. Mở ra, toàn bộ hình ảnh các cuộc ưu du mấy chục năm hiện ra trước mắt tôi như một bộ phim. Không biết nói gì, chỉ cảm thấy mình may mắn.

Nếu tình bạn giống như rượu vang, thì chai rượu vang của chúng tôi đã có mấy mươi năm cất trong hầm rượu. Bạn biết đấy, rượu vang ủ qua mấy chục năm, chắc chắn không phải rượu xoàng.

Dù chơi thân với nhau, tôi không nhớ gặp Sơn lần đầu bao giờ nữa, chỉ nhớ rất ấn tượng với vẻ tráng sĩ, phong trần của hắn. Thực ra, vẻ tráng sĩ, phong trần chỉ là một nét, gần như là đối lập với một tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương của Sơn. Chính Sơn cũng “tự thú”:

Anh, gã đàn ông lênh khênh, vạm vỡ

đủ tự mình làm núi ngắm mình chơi

kỳ thực, trái tim anh đầy gió

hoang mang, mềm yếu nhất đời

Không chỉ lụy bạn, bạn tôi còn là kẻ lụy tình:

Em có thể quét anh khỏi trí nhớ em mỗi ngày

như người ta quét rác

hay thấy anh lỗi mốt chỉ vài giờ

nhưng có một điều anh tin em bất lực

là cấm anh yêu em cuồng dại

trong mơ

Trái tim đầy gió, đầy hệ lụy. Làm gì, ở đâu cũng không chịu ngủ yên:

Đà Lạt yêu kiều, Đà Lạt yêu ma

cái đẹp bỏ bùa lặng thinh hủy diệt

xa lắc em đâu, em sao mà ác

anh ngốc anh điên, anh Đà Lạt một mình

Buồn, hờn giận vì vắng em, không được cùng em tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp Đà Lạt, không muốn thụ hưởng vẻ đẹp ấy một mình. Trong trường hợp này, rõ ràng, anh đã “ghi điểm” với em.

Khi một tay con buôn mất tiền, anh ta kiên trì bù vào cho đủ. Khi một quan chức mất chức, anh ta tìm cách phục chức. Khi nhà thơ mất mát, đổ vỡ một điều gì đó, anh ta làm thơ, và suýt nữa thì câu thơ của anh ta thành tuyệt bút:

Sông đi như tiếng thở dài

ta về nghe vỡ một vài tấm gương…

Gã trai làng là Sơn dù đã bỏ quê hương bản quán gần như quá nửa đời người, dù trong mắt đã chứa đầy núi sông thiên hạ, nhưng trong sâu thẳm thâm căn cố đế, hắn vẫn là một gã “chân quê”. Không “chân quê”, làm sao đặt được một chữ bấm đầu câu Bấm chân qua tuổi dại khờ? Không “chân quê”, làm sao có thể viết:

Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành

nỗi quê cục tác vào anh tiếng gà


Tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” của Cao Xuân Sơn.

Đằng sau cái tài hoa của ngôn từ là cả một nỗi thương nhớ đồng quê đau đáu, “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.

Thơ Sơn có nhiều thứ để bàn, như tính ẩn dụ, tượng trưng rất cao. Các bài thơ đều ngắn gọn, hàm súc và được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ thơ đích thực, đẹp và giản dị. Chỉ có những người rất am hiểu tiếng Việt và có văn hóa mới viết được như vậy. Nhưng trên tất cả, đáng trân trọng nhất vẫn là tấm lòng của người viết với con người, với cuộc đời, với thơ.

Với Sơn, thơ là cách duy nhất cứu rỗi linh hồn, làm thơ không phải để nổi tiếng mà làm thơ để làm người tử tế. Và nếu có kiếp sau thì kiếp sau lại vẫn làm thơ:

Ví còn mộng mị gió giăng

thì cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ

Vâng, tôi mong cho hồn thơ của bạn tôi luân hồi.

Hà Nội, 12.7.2021

T.Đ.N

(Rút từ phụ lục tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” tái bản 2021)