Trăm năm hương Tết vẫn còn – Truyện ngắn Nhật Hồng

1217
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Chợ tết (Ảnh minh hoa

Những năm gần đây, vừa hai mươi tháng chạp âm lịch là hoa bắt đầu tràn vào thành phố. Hoa mùa nào cũng có, nhưng Tết hoa lại mang đến cho người một ý nghĩa rất đặc biệt! Người người ai cũng thích. Dì Hai tuổi đã thất thập cổ lai mà thấy hoa chen lên các vĩa hè, dì đứng nhìn mắt rộn lên niềm vui. Và không ngần ngại mua mở hàng một chậu cúc vàng đem về nhà, dì như sống lại thời con gái: “Áo nàng vàng anh về thương hoa cúc…” Câu thơ một thời học trò tán nhau với  ở sân trường.

Một chút gió heo may thổi lòn qua phố chợ, dì Hai nhớ thời con gái  mỗi lần gió chớm xuân, hoa nở làm cho lòng dì bồi hồi xao xuyến! Dì không quên những ngày xuân quê hương xa ngái trong ức. Những cái Tết xưa ở đồng bằng về rất sớm, vừa bước qua mùng mười tháng chạp âm lịch là không khí Tết đã có mặt ở chợ, người ta bày bán hàng tết, các nhu yếu phẩm, bánh mứt… Ở nông thôn thì không khí tết về sớm hơn, dù nghèo hay giàu nhà cũng phải có vài ổ bánh phồng, bánh tráng và vài ký bánh in… Tất cả đều phải qua khâu chuẩn bị và chọn nếp, chọn bột, đa phần người miền quê tự làm. Do vậy, không khí tết ở miền quê về sớm và rộn ràng là như vậy!

Nhà văn Nhật Hồng

Từ rằm tháng chạp các lò tráng bánh trong xóm đã nổi lửa tráng bánh: Bánh tráng trắng, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng có đậu phộng và mè. Lò tráng xuyên suốt từ tháng mười một đến chiều 28 tết mới nghỉ. Đặc biệt, từ 20 tháng chạp trong xóm bắt đầu có tiếng quết bánh phồng từ nửa đêm về sáng, nhà đông con quết đôi ba ổ, phụ nữ vần công nhau đi cán bánh phồng. Nhà này quết, nhà bên kia cũng phải quết sợ con mình nhịn thèm, từ suy nghĩ đó mà gần như mỗi nhà đều có bánh phồng. Người nội trợ còn thể hiện khéo léo, sáng tạo trong cách quết bánh phồng, người ta so sánh bánh nhà này vừa phồng, vừa trùi và ngon hơn bánh nhà kia, nhà kia, năm sau nhứt định làm cho khéo hơn, ngon hơn.

Bên cạnh bánh là mứt, mứt bí đao, bí rợ, mứt dừa… bánh in, tùy theo nhà có con đông hay ít, đông thì gõ từ 5, 7 ký bột trở lên.

 Ngoài việc lo bánh mứt ra, ở nông thôn còn phải lo mua mấy thứ thiết yếu phải có trong nhà những ngày tết, như: một thùng dầu lửa trắng (thùng bằng thiết 20 lít), 1 tĩn nước mắm, thường nước mắm con cua, hay nước mắm cá linh tùy theo sở thích của mỗi nhà. Lúc bấy giờ, người ta gọi chung nước mắm trong tĩn là nước mắm “biển”, còn nước mắm nhà nấu là nước mắm “đồng”, nhưng mấy ngày tết người ta thường mua nước mắm biển dùng cho thơm ngon.

Còn thịt heo, nhà nhà phải có nồi thịt kho rệu và dưa cải. Thịt heo, ít khi mua ở chợ mà người ta chia thịt heo ăn tết trong xóm, ngày 28, hoặc 29 tết, người ta vật heo chia nhau ăn tết, ra giêng mới lấy lúa. Còn một dạng “QBhụi heo”, người ta tổ chức chơi hụi heo, chừng 15 người góp tiền vào đầu năm rồi cuối năm vật heo chia đều nhau ăn tết. Số tiền góp hụi heo tùy theo giá lúa và giá thịt hàng năm có lên xuống, và người giữ số tiền này này cho vay hoặc mua bán gì đó có đồng lời và cuối năm vốn lời nhập lại mua heo ăn. Chơi hụi heo xuất phát từ chữ “tín” tin nhau mà chơi vừa vui vừa có đoàn kết. Hụi heo giờ có những địa phương còn tồn tại chơi.

Nhìn lại, ngày xưa ăn tết không có cao lương mỹ vị như bây giờ đủ các thực phẩm chế biến và nhiều món ngon vật lạ, chỉ xoay quanh bánh mứt,  thịt heo kho, cá, vịt, gà đơn sơ. Nhưng rất ngọt ngào đầm ấm cái Tết ở thôn quê.

Dì Hai tâm sự: “Mới đó, mà giờ tóc đã đã pha sương, giờ Tết lại về nữa, dù mỗi năm mỗi Tết nhưng không khí  mãi mãi đậm đà đầm ấm! ”.

Dì Hai vui miệng kể  cho cháu nghe chuyện về thời con gái của dì:

-Trong một ngày đầu xuân ấy, dì đi dạy học, trường ở ngoài ô  thành phố, người bạn đầu tiên là giáo viên cùng trường. Rồi không biết duyên cớ gì ánh mắt đó lọt vào trái tim thành tình yêu. Cái ánh mắt ban đầu của tình yêu long lanh như giọt sương sớm. Sau giờ dạy, thầy đến làm quen:

 -Chào cô giáo, nhà cô gần đây à.

-Sao thầy biết!

-Thấy cô đi xe đạp!

Con gái ngày xưa nhác lắm! Trai gái muốn tỏ tình không dám nói thẳng: “anh yêu em” mà cứ úp úp mở rồi viết thư nhờ người đưa, nhờ người hẹn hò. Thấy mặt nhau tim đập thình thịch, chớ đừng nói nắm tay, chắc xỉu quá!

Ra giêng năm ấy, thầy hẹn với dì đi coi hát đình, từ ngày hẹn là dì bối rối trong lòng không biết đi hay ở nhà. Cuối cùng tối ấy chân dì bước theo tiếng gọi không cưỡng lại được!

Thầy đón dì ở cổng đình, tay cầm gói khoai lang nướng. Nói:

-Mời cô giáo ăn!

-Ai mà ăn khoai, hổng biết!

-Thì ăn đi mà, hay mình đi đến gốc cây kia ăn cho học trò đừng thấy!

-Thầy coi đứa học trò nào đó, cho nó đi! Em không ăn. Kỳ lắm!

Tan hát đình khuya lơ khuya lắc, thầy đòi đưa dì về, dì không chịu mà về chung với bà Hai và bà Tư cùng xóm. Sau lần hẹn ấy, dì cảm thấy mình như có tội, cả gan dám hẹn với trai đi coi hát, nên gặp thầy mắc cỡ không dòm, và lảng tránh nơi khác.

Biết dì giận, thầy tìm cách năn nỉ, nhưng dì không thèm để ý.Tháng giêng năm sau, dì nuôi má ở nhà thương, có người đàn bà nằm bên cạnh có vẻ tiều tụy. Bà than:

– Có thằng con trai đi dạy học, tới tuổi đi cưới vợ, coi đâu nó cũng không ưng, đòi ưng cô giáo nào đó dạy chung trường. Thấy vậy, kêu nó dẫn cô giáo về cho má coi. Nó cứ thủng thẳng hoài, hổng biết sao? Tui thì muốn có một mụn cháu bồng ẵm cho vui tuổi già. Đợi hoài, biết chừng nào đây!

Dì nghe vậy hỏi:

-Thầy dạy ở trường nào hả bác?

-Trường (……)

Vậy là chắc là má của thầy B rồi! Sau chuyến nuôi bịnh về dì Hai đến lớp có một sự thay đổi trong lòng. Nhìn thầy B với mắt khác hơn, không lẫn tránh thầy, khi rảnh gặp thầy, dì hỏi:

-Thầy đi coi vợ đâu đó xong chưa?

-Cô hỏi chi vậy?

-Hỏi để dọn miệng ăn đám cưới thầy chớ chi.

Thầy B buồn buồn nói: “Có ai chịu anh đâu mà cưới hỏi. Má anh thì muốn sớm có cháu vui nhà”.

Chuyện thời con gái của dì bắt đầu từ khúc quanh đó, và gắn kết thành ông bà cho đến hôm nay. Nghĩ, quan niệm người xưa rất đơn thuần, cưới dâu về để có cháu vui trong nhà. Con trai đi cưới vợ là để vui lòng má! Một quan niệm sống rất là đơn sơ như cây lúa mọc ngoài đồng.

Nay bọn trẻ tưng bừng ca hát, cưới nhau tính toán, nghề nghiệp, lương bỗng, và cưới nhau sinh con đặt tên gì, học ở trường nào, và lớn lên làm gì??? Tất cả đều năm trong kịch bản.

Chợt có tiếng gọi của cháu:

-Nội ơi, má con đâu rồi?

Dì Hai chợt nhớ, con dâu đã ra chợ từ sớm chọn mua số bông hoa, trái cây và số đồ vật để chuẩn bị rước ông bà. Cái dòng đời luôn biến đổi phát triển không ngừng, mùa xuân thì cứ trôi đi êm đềm, con người lần lượt già đi, lớp trẻ lớn lên, xuân vẫn mãi là xuân.

Ngoài kia, xuân chừng như đã đến sớm  hơn. Cơn gió phớt qua mái tóc dì Hai óng ánh bạc màu nắng mới.

                                                                                  Nhật Hồng