Tròn 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hoàng Cầm (1962 – 2022), mới đây gia đình nhà thơ cùng các tổ chức văn hóa đã thực hiện chuỗi dự án Hoàng Cầm 100 năm nhằm nối dài di sản của ông đến thế hệ trẻ.
Sau hai buổi tọa đàm tại Hà Nội (12/2), TP.HCM (20/2), ấn phẩm Hoàng Cầm về Kinh Bắc sẽ tiếp tục được trưng bày cùng buổi tọa đàm diễn ra tại Bắc Ninh vào ngày 22/2. Lần đầu tiên, những bức ảnh chưa từng tiết lộ của ông qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán sẽ được ra mắt công chúng.
Ấn phẩm “Hoàng Cầm về Kinh Bắc”.
Ấn phẩm Hoàng Cầm về Kinh Bắc do nhà thơ Hoàng Hưng chủ trương biên soạn, với sự giúp đỡ của đại diện gia đình, nội dung bao gồm văn bản Về Kinh Bắc – một tác phẩm nổi bật của Hoàng Cầm – cùng những hình ảnh, minh họa cũng như các bài viết phê bình của những cây bút đương đại. Đây là ấn bản thơ – nghệ thuật ít có từ trước đến nay.
Lần này, Về Kinh Bắc được tổng hợp từ nhiều dị bản khác nhau qua các lần xuất bản trước đó, trải dài từ năm 1959 đến 2011. Theo nhà thơ Hoàng Hưng, đây là tập thơ để đời, và là tác phẩm toàn bích nhất về tình ý, tâm sự, giọng điệu và thi pháp của Hoàng Cầm.
Ngoài Hoàng Cầm về Kinh Bắc, cuốn sách 100 bài thơ Hoàng Cầm do nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chủ biên và Lịch ảnh bao gồm những tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng được ra mắt dịp này.
Nhà thơ Hoàng Cầm (bên trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.
Cùng với việc in lại những tác phẩm trong di sản Hoàng Cầm, thì dự án Hoàng Cầm 100 năm cũng hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các văn – nghệ sĩ cũng như độc giả trong việc đóng góp những sáng tạo của mình nhằm làm mới các tác phẩm, tư liệu, hình ảnh, kịch thơ của Hoàng Cầm… Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm cũng được lập ra với mục đích xuất bản và giới thiệu rộng rãi các dự án phái sinh này, giúp cảm hứng Hoàng Cầm sống mãi và được lan rộng.
Ngoài ra, kho phim của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gợi ý nên được số hóa và lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, với sự giúp đỡ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nhằm lưu giữ kho tư liệu vô giá, ghi lại những khoảnh khắc cũng như chân dung các văn nhân lớn của nền thi ca Việt Nam.
Bên cạnh đó, những sáng tạo mới được lấy cảm hứng từ thơ – văn – chuyện của thi sĩ Hoàng Cầm cũng giúp lan tỏa và nối dài di sản của ông. Những bài ca phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy hay các tác phẩm của các họa sĩ Chu Hồng Tiến, Đỗ Dũng… cũng được giới thiệu trong dịp này.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Những lớp bụi thời gian phủ lên những giá trị đích thực của những tác giả như Hoàng Cầm sẽ được gạt ra để hiển lộ những vẻ đẹp đích thực”. Dự án Hoàng Cầm 100 năm không những là hành trình nhìn lại di sản của một thi sĩ “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, mà còn là sự nối dài “cho mai sau của chúng ta”, là cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn và phát huy di sản của một nhà thơ lớn.
Theo Thuận Phát/PNO