Trần Bảo Định – Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”

860

Lương Thiếu Văn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có dịp nhâm nhi cà phê nhiều lần với anh Ba Định, tên gọi thân mật mà anh em văn nghệ sĩ chúng tôi gọi nhà văn Trần Bảo Định.

Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, có nhiều tập văn tạo được tiếng vang và gây ấn tượng sâu sắc với người đọc: Từ tập truyện ngắn đầu tiên Kiếp ba khía, rồi Đời bọ hung, tiếp theo Đất Phương Nam ngày cũ, Ông già Nam Bộ nhiều chuyện… mang đậm phong cách dân gian Nam Bộ, một hướng đi mà không phải ai cũng theo được. Trông một lần trả lời phỏng vấn khoa Văn trường Đại Học KHXH Tp. HCM ông bộc bạch tâm sự rất chân thành: Những câu chuyện ông kể thường xuất phát từ trong dân gian, thấm đẫm tình quê hương, tình người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của mỗi thời kỳ xã hội khác nhau, mỗi câu chuyện là mỗi sự kiện xảy ra theo một chiều kích không gian, thời gian kéo dài, rộng lớn, có câu chuyện mang không gian rất xa, mấy trăm năm, từ thuở lưu dân, có câu chuyện mang nội hàm của thời gian rất gần, gần hay xa cũng là những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian ông chỉ là người ghi chép lại…để mọi người nhìn ra được từng bước đi của ông cha mình ở cái thuở lưu dân cho đến khi hình thành đất Nam Bộ, chỉ là người gợi mở để người hôm nay tìm tòi thêm làm sáng tỏ thêm, những người trẻ sẽ nối tiếp viết những trang văn đầy ắp phù sa của đồng bằng sông Cửu Long

     Nhà văn Trần Bảo Định sinh năm 1944, quê quán An Vĩnh Ngãi Long An, tự nhận mình là Ông Già Nam Bộ nhiều chuyện. Học Đại Học Văn Khoa Viện Đại Học Đà Lạt. Viết văn, làm thơ với các bút danh Cao Thị Hoàng, Lê Kim Phượng.

2- Tác phẩm Đọc Thơ Bạn(Thú thưởng ngoạn văn chương) là tác phẩm đầu tiên trong bộ sách Đọc Thơ Bạn mà ông dự định sẽ xuất bản khoảng 10 quyển viết về thơ của các nhà thơ ông quen biết hoặc có đọc thơ họ, như vậy sẽ còn khoảng 100 nhà thơ qua ngòi bút của ông sẽ lần lượt xuất hiện trong các tập “Đọc Thơ Bạn” còn lại của ông.

Mở đầu tác phẩm là hai câu thơ như một đề từ:

                 Người đi trang viết còn lưu nhớ

                 Kẻ ở mực nồng đọng luyến thương

Nội dung gồm có 12 đề mục dành cho 12 tác giả thơ:

1- Một đời người, một tập thơ Vỡ Màu Ký Ức: Tiếng thở dài thân phận!

2- Bến vắng nhịp thời gian trong thơ Phùng Quang Thuận

3- Truy vấn hữu thế trong thơ Phan Hoàng

4- Hương tình trong thơ Trần Ngọc Hưởng

5- Phân tâm vật chất thơ Nguyễn Quang Thiều

6- Cảm hứng văn hóa trong trường ca hoa đăng của Hồ ĐăngThanh Ngọc

7- Tình quê trong thơ Võ Mạnh Hảo

8- Hoàng Yên Dy – Tôi tìm tôi trong Rừng Bói, Trường Giang

9- Phương thức thấu cảm trong thi phẩm Chiều trên sông Hàm Luông

10- Mấy khúc đoạn giang hồ – ngẫm suy và thưởng ngoạn thơ Từ Hoài Tấn

11- Thanh Thảo hát giữa gió mưa: “ Một cái cây lang thang dù đứng im một chỗ”

12-  Dấu ấn phật lý trong thơ Du Tử Lê.

Nhà thơ đầu tiên mà anh giới thiệu đầu tiên là nhà thơ trẻ mất sớm Nguyễn Ngọc Thơ, anh và tôi đều quen biết Nguyễn Ngọc Thơ và dành cho Thơ nhiều tình cảm: Trong Vỡ Màu Ký Ức, Trần Bảo Định tìm thấy ở Nguyễn Ngọc Thơ một hình ảnh “con tằm rút ruột nhả tơ”, một người “mang vác những nỗi niềm cay đắng của số phận – số phận một con người giữa buổi giao thời tối sáng, đầy rẩy nghiệt ngã – lời không thể bật ra tiếng – đành lắng đọng và kết tụ thành thơ ca. Chữ nghĩa, là cõi giới cho người thơ họ Nguyễn xứ Hầm Hô đất Tây Sơn, căng trải nỗi uất niềm nghẹn thành những vần thơ hằn vết nhân thế cắt cứa tâm hồn Thơ. Thơ trong thơ và Thơ trong đời, là một!

Vắt từ tim óc vắt ra

Lửa tình nóng chảy lọc qua giọt nầy

Khói un sóng mắt mù cay

Chiết thân lắng đọng rót đầy thuyền tơ.”

Điều tôi nhận ra ở Trần Bảo Định một tâm hồn mẫn cảm trước người bạn thơ gặp nhiều bất hạnh với niềm cảm thương vô hạn,

Nếu với Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Bảo Định gởi đến người đọc một tâm cảm “Giữa chốn bụi trần lấm lem, tưởng rằng Thơ chỉ có đau thương. Nhưng người đọc hẳn sẽ phát hiện những mầm cỏ xanh non trên nấm mộ đời…” thì ở Phùng Quang Thuận với một “Bến Vắng” anh bắt gặp nhịp võng thời gian trên muôn nẻo đường tình trong tâm hồn thơ Phùng Quang Thuận: Từ tình mẹ bất chợt âm vang tiếng động  nghe thao thiết lòng người qua muôn trùng dâu bể:

Nửa đêm giữa phồn hoa

Bỗng thương gà nhớ vịt

Nhớ quê nghèo tịch mịch

Nhớ nước mưa ngọt ngào

Nhớ mẹ già tóc bạc

Chờ con giữa vườn rau…

Bất giác chợt bừng tỉnh

(Sài Gòn nửa đêm)

Từ tình người rồi tình đời đến tình quê chan chưa nỗi biệt ly, anh nhận ra trong thơ Phùng Quang Thuận: “Cõi sống trong thơ họ Phùng là chốn ly biệt muôn đời. Giữa người và người chẳng có gì ngoài cách biệt. Tương phùng hôm nay ẩn chứa xa vắng ngày mai…” Tình đời có khác gì “ga chiều” trong ánh hoàng hôn tiễn biệt:

Ta đứng sân ga đợi chuyến tàu

Thật tình không biết đợi bao lâu

Chẳng biết bao giờ tàu sẽ đến

Và sẽ đi về những nơi đâu!

(Ga Chiều)

Với thơ Phan Hoàng, Trần Bảo Định chợt nhận ra “Ngòi bút Phan Hoàng là sự kết hợp giữa suy tư nội tâm nặng trĩu, day dứt và tính thời sự nóng hổi gắn liền với sức quẫy đạp thời đại”. Rồi từ “Nỗi thao thức và sức dồn nén tâm tư khiến bạn đọc không khỏi nghĩ lại vầ đề truy vấn hữu thể. Dọc đường thơ, bạn có thể nhận ra niềm khao khát nắm bắt yếu tính hiện thể”

   Sự “truy vấn hữu thể” đó có lẽ bắt đầu từ lời thố lộ của nhà thơ: “Như người mê leo núi có thể không bao giờ đến được cái đích mình mơ ước nhưng tôi vẫn phải leo. Leo vì không thể không leo. Làm thơ vì không thể không làm thơ”(Chất vấn thói quen). Vậy có phải là Nghiệp chăng?

Cứ ngỡ mây tràn mưa đổ

Cây đời vượt hạn lên xanh

Cứ ngỡ tình vàng cỏ mộ

Khổ đau chôn chặt đất lành

Xanh ơi trời vay bão tố

Đất ơi tình nợ bể dâu

(Nợ- Hộp đen báo bão)

Trần Bảo Định cho rằng trong thơ Trần Ngọc Hưởng, Hương tình bàng bạc khắp nơi. Anh nhận ra “…chàng trai Trần Ngọc Hưởng yêu nàng thơ như yêu bản thân mình: và dù cảnh thuận hay cảnh nghịch, dù thời chiến hay thời bình vẫn một lòng theo đuổi giấc mơ yêu trọn cuộc đời chàng”. Anh nhận ra “thơ ca Trần Ngọc Hưởng bình dị, đậm chất hương hoa đồng nội gây mùi nhớ nhung trong vườn thơ Đồng bằng Sông Cửa Long” luôn đậm đà ngọt nước phù sa. Chính những hạt phù sa son đỏ đó đã làm nên một hồn thơ đầy tình đất tình người:

Uốn khúc

Vườn xanh giữa ruộng vàng

Cây đa che bóng bến đò ngang

Vàm Giồng rụng trắng bông bần nở

Ta thả mái chèo tách bến sang

(Hương tình quê mẹ)

Nét quê ẩn hiên trong thơ Trần Ngọc Hưởng qua ngòi bút của Trần Bảo Định sao sắc nét đến thế:

Mái nhà ai ngọn khói xanh

Quyện mây cao quá thân thành lời ru

Trái tim đập nhịp cần cù

Màu hoa điên điển vàng như lúa trời.

Còn với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Bảo Định có cái nhìn rất trân trọng, anh cho rằng “…Ký ức chất đầy trong tâm hồn Nguyễn Quang Thiều như chất liệu, từ đó chưng cất tinh chế thành từng giọt rượu nồng ấm thời quá vãng. Quá khứ, có vị trí đặc biệt kiến tạo năng lực tưởng tượng của Nguyễn Quang Thiều… Giác quan Nguyễn Quang Thiều nhạy bén, tinh tế, sắc sảo, điều kiện cần thiết cho phép hình thành trí tưởng tượng vượt trội…”

Và với anh, Nguyễn Quang Thiều đã tự nhóm lên ngọn lửa thơ cho riêng mình!

Con yêu những chiếc kèn, những chiếc trống

     và những chiếc nhị kia thổn thức

Tất cả cũng yêu con buồn bã, lo âu

Giai điệu cuối cùng của tình yêu nầy

     ngân lên và khẽ khàng đặt con vào mặt đất

Rồi dắt con theo con đường hoa cỏ may nở trắng

Trở về nhà mẹ rửa mặt cho con

(Âm nhạc – Sự mất ngủ của lửa)

Trong trường ca Hoa Đăng, Trần Bảo Định lại nhận ra một Hồ Đăng Thanh Ngọc là một kẻ lãng du đang trôi trên dòng chảy thi ca, bước chân nhẹ nhàng thả những đóa hoa đăng bồng bềnh thơm nồng mùi hương quít Hương Cấn trên miền đất vừa quen vừa lạ. Khơi nguồn cảm hứng cho hồn thơ trong trường ca nầy theo anh chính là những chi tiết/hình ảnh thơ trong huyền tích/huyền sử. Từ nguồn cảm hứng ấy, nhà thơ xây dựng được một không gian nghệ thuật đượm vẻ ma mị nhưng đầy mê hoặc:

Bây giờ dòng sông vẫn đang chảy từ nguồn ra biển

róc rách câu chuyện mù khơi triệu triệu năm tăm cá

từ những mắt đá vôi tính đỉnh Thiên Thai

và những chùm rể thạch xương bồ hiền hòa khỏa lay trong nước

người con trai đã đi đến đỉnh nguồn A Moong

   vào một mùa hè mơ hồ…

Với nhà thơ Cao Quảng Văn, anh nhận ra sự thấu cảm đối với thế giới xung quanh nhà thơ tràn đầy cảm xúc qua tác phẩm “Chiều trên sông Hàm Luông”. Chính sự thấu cảm đó đã làm cho hồn thơ họ Cao đôi lúc như đứng trước ngã ba đường hay một chốn rẽ của dòng sông mà theo Trần Bảo Định: “Trong sự cảm thụ của thi nhân họ Cao, thế giới hiện lên là cõi đời chướng tai gai mắt, đầy rẫy những điều sai quấy nhố nhăng…Điều đó, xác định nhân cách của chàng. Một người đinh ninh lòng tin và mơ tưởng gìn giữ trái tim tinh khiết, thiên lương”:

Buổi sáng không mặt trời

Con đường in nỗi chết

Tháng ngày mưa đạn bom

Vang dội cả hai miền

Trong lòng người chua xót…

*

Trên quê hương rách nát

Trên quê hương điêu tàn

Mẹ suốt đời nghèo đói?

Em suốt đời lầm than?

Với Du Tử Lê, nhà thơ duy nhất ở hải ngoại đã mất được anh đưa vào  “ĐỌC THƠ BẠN” tập đầu tiên nầy với một góc nhìn khác. Nói đến Du Tử Lê thì có lẽ những ai yêu thơ trước 1975 và sau nầy ở hải ngoại không ai không biết. Theo Trần Bảo Định: “ Từ nửa sau thập niên 1980 của gần cuối thế kỷ 20, tư tưởng nghệ thuật Du Tử Lê có bươc chuyển đổi – sự chuyển đổi kinh ngạc và trang trọng – nhất là, dấu ấn/cảm quan Phật giáo biểu hiện qua thi liệu/thi hứng/thi cảm/thi tứ xuất hiện trong thơ ông ngày càng nhiều.” Với tiêu đề “Dấu ấn Phật lý trong thơ Du Tử Lê”, Trần Bảo Định có lẽ muốn chúng ta có một nhận định rõ nét hơn chất Thiền tính trong thơ Du Tử Lê. “Trong gia tài thơ ca, Du Tử Lê nhận rằng có bốn tập thơ mang Thiền tính: Vì em tôi đã làm sa di, Qua môi em: Tôi thở biết bao đời, Mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu, Toàn tập thơ Thiền tính. Mặc dù trong nhiều thi phẩm khác, bạn đọc cũng nhận thấy đôi nét Phật lý, nhưng dấu ấn Phật lý tập trung hơn cả trong bốn tập thơ nầy.”

Nhiều câu thơ của Du Tử Lê thể hiện niềm vui, niềm hân hoan say đắm khi bắt gặp áng sáng Phật Đà:

cành hoa tay Phật: lòng Ca Diếp

tâm – ấn đời ta: vùng vắng im

ngày sau em – chứng em Bồ Tát

có bóng ma xin gác cửa Thiền

(Hựu ca mới – Vì em tôi đã làm sa di)

Hướng về phía Thiên môn. Trần Bảo Định cho rằng thi nhân đã nhận ra chính mình, Du Tử Lê vừa thấy cả niết bàn lẫn địa ngục, khái niệm niết bàn và địa ngục không đơn thuần một cõi/giới/chốn/không gian:niết bàn và địa ngục kỳ thực là trạng thái hiện hữu của thân tâm:

Địa ngục: trong lòng ta

Niết bàn: Tâm phẳng lặng

Không điều nào mất đi…

Từ tâm tôi hiến tặng

Và với Trần Bảo Định, Du Tử Lê, bây giờ “Bên kia sương khói cõi xa, hồn thơ chàng Du Tử họ Lê hình như đã rũ bỏ tất cả tham – sân- si nơi cuộc thế: song dù vậy, vết hằn nhân gian ở thơ Du Tử Lê vẫn không phai nhạt trong tâm khảm những người yêu thơ chàng. Rõ là, Du Tử Lê biến nhưng không mất. Hương Bồ Đề ngát tỏa vườn thi ca”

chúng ta ở cùng nhau

khi ngọn đèn đã tắt

Mười hai bạn thơ như mười hai bức tranh, mười hai nét cọ điểm tô bằng những xúc cảm và gam màu khác nhau nhưng đểu có một mẫu số chung là cái tình tha thiết thấu cảm Trần Bảo Định dành cho thơ của họ. Họ là những người ông quen biết, trao đổi và gắn bó, có người giờ đã đi xa như Nguyễn Ngọc Thơ, Du Tử Lê, có người giở ở chân trời góc biển, có người còn la cà với ông bên tách cà phê sáng mỗi ngày ở đường Hoàng Sa…Ông đọc thơ họ trong sự điềm tĩnh lạ thường, cặn kẻ len lỏi vào từng ngóc ngách con đường thơ của họ để phát hiện, truy vấn, giải mã ngôn ngữ thơ theo một cách riêng của anh.

Nhà giáo Nguyễn Khắc Phê từng có nhận xét về anh: “Tôi đã hơn một lần viết về Trần Bảo Định và đến nay đã có thêm mấy luận án viết về tác phẩm của anh. Vậy mà đọc ‘Dấu thời gian – Khát vọng của người xưa’ bất ngờ thấy Trần Bảo Định trổ ‘chiêu’ mới độc đáo, lại khó ngồi yên!”

Cô nhà báo Tiểu Quyên viềt trên báo Phụ Nữ:Chất giọng Nam bộ cộng với sự cởi mở, thân tình của ông dễ gây thiện cảm với người đối diện. Tôi với ông cùng quê Long An, nhưng cách nhau một thế hệ. Lần đầu tiên gặp ông, tôi thấy như gặp lại cả một trời thân thuộc trong những câu chuyện ông kể, cách ông đối đãi với văn chương, và lựa chọn một con đường chữ nghĩa cho riêng mình. Bạn bè hay gọi vui ông bằng cái danh: “ông già Nam Bộ nhiều chuyện”. Bởi lẽ, ông có quá nhiều chuyện để kể, để viết…

Với tôi nhà văn Trần Bảo Định lại là một người có cá tính và rất thẳng thắn. Ngồi cà phê với anh nhiều lần bên bờ sông Bến Nghé đường Hoàng Sa tôi hiểu thêm nhiều điều: Anh có một trí nhớ rất tốt, chính những ngày tháng học ở Đại Học Văn Khoa Đà Lạt, làm thêm ở thư viện anh đã tích lũy kiến thức rất nhiều và sắp xếp tư liệu một cách khoa học, chính điều đó nên khi viết văn anh viết rất nhanh và hoàn thành tác phẩm không mấy khó khắn.Trong thâm tâm tôi mong muốn sẽ đọc được đầy đủ những quyển “ĐỌC THƠ BẠN” tiếp theo. Chúng ta có quyền hi vọng như thế.

Lương Thiếu Văn

__________________________________________________

Tham khảo:

1- “Ông già Nam Bộ nhiều chuyện – Bùi Tiểu Quyên

2- Nhà văn Trần Bảo Định tạo dấu ấn mới với Dấu thời gian – Nguyễn Khắc Phê

3- Chẳng thể là bản sao – Vân Hạ